Chương Năm - Vài khái niệm Phật giáo về Quan Âm

13 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 9553)

 

 

 Chương Năm

 

 Vài khái niệm Phật giáo về Quan Âm



 Đủ tất cả công đức

Mắt lành trông chúng sanh

Biển phước lớn không lường

Cho nên phải đảnh lễ

 

quan_yin_statue-content

 Tôi vẫn thường bị hấp dẫn bởi những tác phẩm nghệ thuật bằng ngà tuyệt đẹp của Trung Hoa trong đó có rất nhiều quả bóng chạm trổ thật tinh xảo lồng vào với nhau. Bằng những hình vẽ công phu, những lớp ở ngoài che dấu thật kín đáo những lớp ở trong; dù cố nhìn thật lâu và kỹ, người ta cũng khó thấy được đâu là quả bóng ở trong cùng hay phân biệt được đâu là những lớp chồng lên nhau ở quãng giữa. Và kiến quan của tôi về Quan Âm cũng giống vậy, dường như những phương diện có tính cách hình tướng ít hay nhiều của ngài đều có vẻ như kết hợp vào với nhau thật chặt chẽ. Đó thực cũng là một đặc trưng trong những trình độ hiểu biết về ngài, qua đó khái niệm về ngài chuyển đổi dần từ một vị thần tiên thành một vị bồ tát. Sắc tướng ngài mang đối với những người thắp hương lễ lậy ngài trong những đình đền dọc đường, trong hang núi, hay ở trong đền chùa của ngư dân và những người sống trên sông nước cũng không khác gì mấy với lúc ngài xuất hiện nơi những cộng đồng trí giả hơn của Trung Hoa hay Nhật Bản. Đúng là ngài được gọi với danh hiệu phù hợp là Bồ Tát, nhưng với nhiều người, họ cũng khó thể nào giải thích được đâu là sự khác biệt giữa một vị thần tiên và Bồ Tát. Những kinh điển Đại Thừa thường được tán dương trong phái Tịnh Độ, pháp môn tu của một số lớn tín đồ của ngài, cũng không giải thích được dễ dàng cái ý nghĩa tiềm ẩn ấy. Thực sự ra thì, chúng cũng tương tự như những bài chú niệm của Tây Tạng, nếu đọc tụng mà không được sự chỉ dẫn của một bậc đại sư, sẽ có thể làm cho những đệ tử người Tây phương đang học đạo muốn xa lánh đi thay vì thu hút được họ, vì họ có thể thấy trong đó có quá nhiều sự huyền hoặc để mà chú ý tới một cách nghiêm chỉnh.


 Để cho việc tìm hiểu ý nghĩa Quan Âm ở đây được hoàn chỉnh hơn, tôi xin nói đến những giáo lý và pháp tu của phái Tịnh Độ qua con mắt nhìn của những người không hiểu biết gì mấy về phái này, và để dành phần nói về ý nghĩa huyền vi của nó trong một chương sau. Tuy nhiên, thực sự ra tôi cũng không hẳn là đã đến với hệ phái này hoàn toàn như vậy, vì qua sự chỉ dẫn của những người bạn Trung Hoa, ít nhất tôi cũng đã có một ý niệm mơ hồ nào đó về những huyền nghĩa ở đó khi vẫn còn trong những bước đầu tìm hiểu, và tôi đã sắp xếp bài viết của tôi theo thứ tự ấy. Như một số lớn những phật tử Tây phương khác, tôi bắt đầu vào đạo trong sự tránh né những pháp tu được coi như là Tịnh Độ đang phổ biến khắp vùng Nam Trung Hoa, vì tôi vẫn chưa thể dung hòa được pháp tu đó với những giáo lý đạo Phật đã thu nhập được trước đây. Tuy rằng những hình thức của pháp tu này trông thật đẹp đẽ, tôi cũng không thấy được là chúng có liên hệ gì nhiều với thực tại.


 Một cách ngắn gọn, theo như trong kinh ghi lại, Đức Phật, nhìn thấy trước thời kỳ mạt pháp sẽ đến (như chúng ta hiện nay đang ở trong thời kỳ này) và nhận thức rằng thật khó cho những người sinh vào thời kỳ ấy có thể Giác Ngộ qua những phương tiện đã được truyền giảng trước đây, nên đã nhủ lòng từ bi trao lại một pháp môn khác dễ dàng hơn nhiều. Ngài đã nói lại một vài bài kinh trong đó tán thán những vị Phật như Đức Phật A Di Đà và các vị Bồ Tát như Quan Thế Âm, mỗi vị như vậy lại có một cõi nước trang nghiêm (Tịnh Độ), và tất cả những chúng sanh phát tâm nguyện thành khẩn muốn sanh vào đó sẽ được vãng sanh vào trong những điều kiện lý tưởng để tiếp tục con đường tu đạo Giải Thoát. Bằng phước đức vô lượng của Đức Phật làm chủ cõi nước Tịnh Độ ấy, chúng sanh dù nghiệp chướng nhiều đến đâu cũng có thể được dễ dàng vãng sanh vào đó, tỷ dụ như sanh vào cõi Phổ Đà của Đức Quan Âm và như vậy sẽ tránh thoát được vòng sinh tử luân hồi đầy đau khổ phiền não vô tận. Lại nữa, những vị Phật và Bồ Tát này được coi như là có năng lực mầu nhiệm cứu độ được các chúng sanh đang bị đau khổ hay hiểm nguy nếu họ nhất tâm chân thành niệm tên các ngài; như thế, dù cho người ấy có đang quỳ dưới một ngọn đao phủ đang dương lên sẵn sàng để hành hình, một tiếng kêu cầu khẩn thiết đến Quan Âm Bồ Tát cũng sẽ làm ngọn đao đứt lìa tan tành rơi xuống đất!


 Những lý thuyết này, tuy được gói ghém trong những văn từ hoa mỹ nhất, nhưng đối với tôi còn có vẻ quá không tưởng, xa vời, thấm thấu những khái niệm ấu trĩ về một thiên cảnh với những câu truyện thần thoại của các bà tiên đỡ đầu như kiểu Cinderella (cô bé Lọ Lem). Tuy nhiên, những người bạn Trung Hoa của tôi đã khuyên tôi chớ nên bác bỏ thẳng thừng những lý thuyết này, mà cần phải tìm hiểu ý nghĩa tiềm ẩn trong đó. Không bao lâu sau khi tôi đến phương Đông, tôi đã kết bạn được với một người phi thường nhất, một vị bác sĩ Trung Hoa, cũng là một Phật tử thuần thành, lớn hơn tôi mười tuổi. Tôi đã bị ông ta hấp dẫn ngay vì nhiều lý do, trong đó có một lý do không kém phần đáng kể là ông hay mặc những trang phục cổ truyền – thay vì mặc một bộ Aâu phục theo như thời trang thịnh hành ở Hồng Kông lúc ấy, ông lại khoác lên một chiếc áo dài lụa thanh nhã, đầu đội chiếc mũ nồi theo lối cổ bằng gấm cứng mầu đen với cái chỏm nhỏ xíu mầu đỏ ở trên. Vốn ưa thích những nghi thức thiên về huyền bí trong Phật giáo, thoạt tiên ông đã thâm cứu môn phái Chân Ngôn (Shingon) mới được nhập trở lại Trung Hoa từ Nhật Bản và đã bỏ ra cả đời tu học pháp môn Kim Cương Thừa với các vị Lạt Ma Tây Tạng; và, đối với phái Tịnh Độ cũng như các phái khác, ông giữ một thái độ rất điển hình “Trung Hoa” mà đại sư T’ai Hsu đã có lần tóm tắt lại như sau: “Tất cả những môn phái đều như những hạt trong một chuỗi tràng.” Chính là với Tạ Hải, người bạn bác sĩ của tôi, mà tôi đã nói ra sự hồ nghi còn lấn cấn trong tôi đối với pháp môn Tịnh Độ, mặc dù đã có nhiều cảm tình đặc biệt đối với Quan Âm.


 Một ngày nọ, tôi nói với ông: “Đại ca, kể từ ngày có kinh nghiệm kỳ lạ kia, em đã suy nghĩ nhiều về Quan Âm,” rồiø đưa ra một bản Chú Đại Bi Tâm Đà La Ni in trên giấy rời, tôi chỉ vào hàng chữ sau: “Nếu có chúng sinh nào đọc tụng và thọ trì Chú Đại Bi Tâm Đà La Ni mà không được vãng sanh vào quốc độ của ta, ta nguyện sẽ không thành Phật.”


 “Như anh thấy đó,” tôi tiếp, “có nhiều đoạn trong kinh nói rằng người nào gọi tên ngài hay đọc tụng với lòng thành tâm nhất mực sẽ chắc chắn được vãng sanh vào cõi Phổ Đà thiêng liêng của ngài và sẽ ở đó tu cho đến khi thành Phật. Anh có thấy điều đó có vẻ quá dễ dàng để mà có thực được không? Ở những chỗ khác thì kinh đều nhấn mạnh nhiều lần rằng hạt giống Giác Ngộ tiềm ẩn trong chúng ta phải được tưới tẩm bằng chính công phu của mình, rằng không có một vị thầy nào, dù là người hay trời, có thể làm việc đó thay cho chúng ta được. Cho rằng những miêu tả về cõi Tịnh Độ với những cây bằng trân báu, những hồ sen nạm châu ngọc và những con chim nói pháp có thể được hiểu bằng những huyền nghĩa ẩn tàng, và bỏ qua sự kiện là những lời lẽ miêu tả ấy lại phát xuất từ chính những người cùng chia xẻ quan niệm “Nhất thiết do Tâm tạo” như chúng ta, còn có một trở ngại khác nữa. Đó là, làm sao hòa giải được nhu cầu phải dùng Tự Lực để đạt đạo quả với sự nương tựa vào Tha Lực như vậy của phái Tịnh Độ? Điều đó nghe có vẻ không hợp lý chút nào.”


 Tạ Hải cười vui vẻ, “A Jon à, anh nghĩ rằng em vẫn còn vướng nhiều quan niệm của ngoại nhân và chưa học được cách suy nghĩ theo như người Trung Hoa. Tại sao em cứ phải thắc mắc cái gì là hợp lý, hay không hợp lý? Sự thật có rất nhiều mặt. Mình thấy sự việc như thế nào, thì sự việc như thế ấy. Mình cho là sự việc đến như thế nào, thì sự việc đến như thế ấy. Tại sao? Bởi vì tâm của ta định ra như vậy. Nếu ta ước nguuyện lâu dài đến một cõi thiên đường đầy ngọc báu, chắc chắn ta sẽ thấy mình được vãng sanh ở đó. Nếu ta nghĩ rằng trí tuệ sẽ đưa mình đến một cõi trời vô sắc, chắc chắn ta sẽ được sanh về đó. Em đã biết tụng bài kinh Bát Nhã rồi chứ? Thế thì em biết rất rõ là “Sắc tức là Không và Không tức là Sắc; Sắc chẳng khác gì Không, Không chẳng khác gì Sắc”. Vậy thì tại sao em lại phải lo lắng về những chuyện không đâu như vậy? Anh và các bạn hữu khác đã bảo em bao nhiêu lần rằng, mọi hình tướng tất cả đều chỉ là cái thấy trong tâm. Tại sao em vẫn chưa hiểu? Ngoài tâm ra – chẳng có cái gì hết!”


 “Dạ, nhưng mà- - “


 “Nghe đây, A Jon. Pháp môn Tịnh Độ dậy rằng nếu nhiếp tâm vào một hồng danh Phật hay niệm chú liên tục nhiều lần, tâm sẽ được yên tịnh, phải không? Khi tâm đã tịnh rồi, thì những chướng ngại che lấp sẽ tan biến. Bằng cách đó, em biết đấy, có nhiều người sẽ đạt được sự sáng tỏ vô ngại, đó là bước đầu tiên để đạt tới Giác Ngộ. Như vậy không phải là rất tốt đó sao? Vậy sao em còn phải thắc mắc là họ đạt tới đó bằng cách nào? Tất cả những Phật tử chúng ta đều mong muốn đạt tới mục tiêu cao thượng vượt lên trên những gì con người có thể thấy hay tưởng tượng được. Em có đồng ý không? Tốt lắm. Giả sử như mục tiêu của anh vẽ ra trông có vẻ mờ nhạt, đối với em trông không rõ ràng như bức tranh của em, nhưng em cũng thừa biết rằng cả hai bức tranh đó đều vẫn còn xa lắm, xa lắc xa lơ -- cả triệu dặm hay hơn nữa –với bức tranh thực sự kia mà. Chúng ta bước đi trên con đường cả triệu dặm; em có đi trước anh một vài inch cũng chẳng giúp gì thêm cho em cả, A Jon. Những điều nói về tự lực với tha lực, đối với em có vẻ như rất hay, rất sáng suốt, thông minh phải không? Nhưng đối với anh, chẳng có ý nghĩa gì hết! Nếu em muốn học Pháp Phật, em phải học về Tâm trước nhất. Chỉ có tâm mới là thật, nhưng bây giờ em lại muốn đem cửa trước, cửa sau ra rào nó lại ư? Ta với người, trong với ngoài ư? Làm sao như vậy được? Có những người tìm sự Giác Ngộ nơi tâm. Có những người khác cầu đến Bồ Tát. Em thấy họ khác nhau à? Không bao giờ có đâu! Tại sao? Bởi vì toàn thể vũ trụ này là ở trong đầụ của em đó. Không có ở đâu khác! Đức Phật A Di Đà là ở trong đầu. Quan Âm Bồ Tát là ở trong đầu. Những người tu theo Thiền tông đi tìm sự Giác Ngộ ở trong tâm. Những người theo phái Tịnh Độ đi tìm giải thoát nơi chốn Tịnh Độ. Có gì khác biệt đâu? Hai khái niệm, một Nguồn Gốc. Em là một nhà triết lý, nên nghĩ thế này. Bạn em sùng mộ Quan Âm, nênï nghĩ thế khác. Phải, thấy thì có khác đấy. Nhưng khác gì đây? Cả hai ý niệm đều mờ nhạt, chỉ có sự thật duy nhất là sáng chói thôi.


 Nếu muốn tìm sự khởi phát của một tâm từ bi, rồi em sẽ thấy. Nếu muốn tìm một vị có lòng từ bi như Quan Âm, rồi em cũng sẽ thấy. Giả sử bây giờ em chạy ra ngoài đường, nói với tất cả mọi người phải dùng tự lực đi, đừng có dựa vào tha lực, em nghĩ là họ sẽ hiểu được sao? Hay là họ chỉ đứng đó há hốc mồm ra kinh ngạc? Em phải biết đón nhận muôn vàn phương tiện của Bồ Tát đại bi dùng đến để độ cho muôn vàn giống loại người khác nhau.”


 Tôi tin rằng tôi đã học được nhiều từ Tạ Hải hơn bất cứ từ một ai khác, nhưng không phải là dễ dàng xuôi xẻ gì. Tiếng Anh của ông nói tệ hơn rất nhiều những gì tôi đã diễn dịch lại đây, và tiếng Quảng Đông của tôi cũng chẳng khá gì hơn. Nhưng chúng tôi cũng tìm cách thảo luận đến tất cả mọi vấn đề khúc mắc, và để trợ giúp thêm cho những lời nói bằng ngôn ngữ, chúng tôi vừa khoa chân múa tay ra hiệu, vừa vẽ tranh, vừa viết những chữ Hán lên giấy, nhưng phần lớn chúng tôi đều dựa vào một loại thần giao cách cảm mà những người bạn thân thiết có với nhau để vượt qua tất cả những trở ngại về ngôn ngữ. Với những người khác trong nhóm thì thường dễ dàng hơn, vì vài người trong số họ nói tiếng Anh rất thông thạo. Khi hỏi tại sao những tín đồ theo phái Tịnh Độ lại thích cầu đến Quan Âm hơn là Đức Phật A Di Đà, chính ra là nguồn gốc phát xuất ra của ngài, một người trong số họ trả lời:


 “Cũng như anh vậy, họ cảm thấy thích ngài hơn. Đó là do nơi bản chất của ngài. Nếu anh là ngựa, chắc chắn là anh sẽ cầu đến Bồ Tát có đầu ngựa Hayagriva, cũng là một tướng của Quan Âm. Nếu anh là con tôm hùm, anh sẽ muốn chọn một vị thần tiên có tướng tôm hùm, cũng như rắn thì thích cầu đến thần rắn vậy. Tưởng đến lòng từ bi trong dạng một người nữ đẹp đẽ cũng là một điều thích hợp thôi. Đức Phật A Di Đà tượng trưng cho lòng từ bi có tính cách cao thượng, sáng chói và trang nghiêm; Quan Âm tượng trưng cho lòng từ bi gần gũi, thân thiết cảm thông. Không cần phải có nhiều đầu theo như dạng của n Độ, cũng không cần thiết phải có sự huy hoàng bao la như Đức Phật Di Đà, ngài đã thu phục được những con người có cá tính nhân bản như anh và tôi, và ăn khớp hài hòa với khái niệm về thầân tiên của người Trung Hoa .”


 Tất cả những điều đã góp nhặt được ấy lại khiến tôi rút ra một kết luận chứng tỏ hoàn toàn sai lầm, vì khi tôi nói ra bọn họ đã phản đối mãnh liệt, và tôi nhận ra rằng lãnh vực mà chúng tôi bước chân vào ấy thật ra đã sâu xa hơn bề ngoài rất nhiều.


 Tôi hỏi, “Anh có ý nói rằng, Phật A Di Đà, Quan Âm và những lời nguyện cứu độ chúng sinh của họ thật ra chỉ là những huyền thoại dựng lên để thuyết phục cho những người không hiểu biết tập trung vào việc niệm danh để đạt được một tâm nhất quán, mặc dù họ không nhận ra được cái mục đích chính của nó là gì à?”


 Trước khi thốt xong những lời nói này, tôi đã nhận ra ngay là mình vừa phạm một sai lầm lớn lao. Họ liếc mắt nhìn nhau đầy sửng sốt – có lẽ không phải vì sợ sẽ phải đối phó với những lời lẽ phỉ báng đạo pháp, mà nhiều hơn vì kinh hãi không biết sao những lời giảng giải của họ đã khiến tôi đi sai lạc xa như thế, nhưng cũng có thể rằng họ chỉ ngạc nhiên trước sự chậm hiểu của tôi như vậy.


 “Đừng có hiểu lầm,” ông Lao, một vị cao niên, nóng lòng muốn sửa sai tôi, đã la lớn lên bằng tiếng Quảng Đông. “Chư Phật, chư Bồ Tát và những lời nguyện của họ là có thực. Nếu anh nghi ngờ điều đó, anh sẽ không thể được cứu độ!”


 “Nhưng—“

 “Hãy nhìn cái bàn gỗ mun này. Anh có nghĩ là nó có thực không?”


 “Dĩ nhiên rồi – nó có thực trong cái nghĩa giới hạn của mọi hiện tượng có thực. Mình có thể thấy, và sờ nó được.”


 “Tốt lắm. Thế còn, những thứ tỷ dụ như, công lý thì sao? Chúng tôi nghe nói rằng, ở Anh quốc hệ thống luật pháp bảo đảm cho dân chúng một mức độ công lý nhiều hơn rất nhiều ở Hồng Kông này. Công lý có thực không?”


 “Có… Nếu ông nói như vậy. Công lý có thể đo lường được một phần nào và nhiều khi được thấy hiện diện ở một chỗ nào đó nhiều hơn một chỗ khác. Nếu nói rằng ở một nước nào đó, công lý đã hoàn toàn bị tiêu trừ, thì điều đó nghe cũng hợp lý thôi.”


 “Tuyệt lắm. Tuy rằng công lý không làm tay anh bị đau gì cả nếu anh cố đập vào nó, nhưng anh cũng đồng ý là nó có thực. Nhưng tại sao có thực? Là bởi vì tâm anh nhận thức như vậy. Nếu con người là những thực thể không tâm như những chiếc xe, sẽ không thể nào có những thứ như là công lý. Bất cứ những gì được nhận thức nơi tâm là coi như có thực. Giả sử bây giờ chúng ta tìm ra rằng, bậc quốc thánh của chúng ta là Khổng Tử thực ra chưa từng hiện hữu trong lịch sử, liệu điều đó có làm thay đổi được thực tại những ảnh hưởng bao trùm của ngài trên đất nước này không? Chính bởi vì người ta có những nhận thức về ngài nên ngài là có thực, và những lời nói và việc làm của ngài được ghi chép lại coi như là nhân tạo ra những hiệu quả lớn cũng là có thực. Hãy yên chí rằng lời nguyện của Quan Âm là có thực, và nếu anh có ước nguyện thiết tha muốn được sanh nơi cõi Phổ Đà của ngài, thì anh sẽ được sanh ở đấy.”


 Đó là những câu chuyện mà Tạ Hải và bạn hữu của ông rất thích trao đổi với nhau và đối trước trí tuệ của họ, tôi vừa cảm thấy ngưỡng mộ vô cùng, nhưng cũng vừa hoang mang. Những câu hỏi đáp như đã thuật lại ở trên dường như là hơi khó hiểu, nếu không có được một kiến thức căn bản về Phật giáo Đại thừa. Trọng tâm của vấn đề là như sau:


 duc_phat-content Theo như lời giảng của Phật, không có ích lợi gì khi cố giải thích những câu hỏi về các vấn đề xa xôi như là, làm thế nào vũ trụ bắt đầu từ một thời điểm vô tận trước đây, và chấm dứt như thế nào, hoặc vì lý do gì mà chúng sinh hữu tình phải luân hồi mãi mãi như vậy trong biển khổ luân hồi. Điều phải chú tâm trước hết là hiện tại nơi này, với suy nghĩ như sau: “Vạn pháp là như thế thôi; vấn đề bây giờ là phải làm gì với hiện trạng này?” Phật dậy rằng thực tại bao giờ cũng có hai mặt – Không và Sắc --, nhưng bởi vì những mê lầm sâu xa do vô minh và nghiệp chướng từ vô lượng kiếp, chúng ta không thấy được rằng không có gì là tồn tại độc lập và riêng biệt, rằng mọi thực thể (kể cả con người) đều là tạm bợ, biến thái, bất xứng ý và vô ngã. Chính là do ảo tưởng về cái ngã của mình nên đã có những mê lầm được tạo ra như là đam mê, dục vọng và lòng ham muốn. Từ lòng ái dục này khởi lên sự mong muốn được tái tục kiếp sống con người, khiến chúng sanh phải mãi luân chuyển trong vòng sinh tử, tiếp tục thọ nhận những phiền não, đau khổ, thất vọng và nghịch cảnh. Nếu có thể trừ bỏ được những si mê do tự ngã gây ra, ta sẽ thấy mình như một cái bóng đang chạy đuổi theo những cái bóng khác và sẽ tha thiết muốn tìm cách chấm dứt cái vòng luẩn quẩn ấy – không phải là để đi tìm sự đoạn diệt, mà để đạt tới Niết Bàn, một cảnh giới sáng tỏ huy hoàng trong đó không còn sự tồn tại của cái ngã huyễn ảo nữa. Con đường giải thoát ấy nằm ngay nơi tâm chúng sanh trong một thể năng lượng tràn đầy trí tuệ và từ bi (Bồ Đề). Điều đó có nghĩa là cái gọi là tâm chúng sinh không hề bao giờ cách biệt với Chân Tâm, tức là cái nền căn bản trong đó vạn pháp đều hiện hữu vô tận trong thể “Không”. Khi những sắc thân tan biến đi, không có gì là mất đi cả, bởi vì tuy sự hiện hữu của chúng chỉ là giả tạm, nhưng những yếu tố hợp thành chúng vẫn là những thực thể thường tồn mãi nơi tánh Không.


 Sự giải thoát có thể thành tựu khi đạt Giác Ngộ, tức là đạo quả đạt được khi đã tiêu trừ tất cả những mê lầm về một cái Ngã. Một phương tiện thù thắng nhờ đó có thể đưa đến giác ngộ là tọa thiền, pháp tu phản quan tự kỷ, soi chiếu tâm mình để buông bỏ những mê vọng và nhận thức được sự vô ngã trong chính bản thân mình cũng như trong tất cả các chúng sinh khác. Như thế, công phu tọa thiền được coi là tự lực. Không có một vị tiên thánh nào có thể độ được cho người khác giác ngộ, mà phải chính người ấy nỗ lực công phu mới được. Tới đây lại khởi phát một vấn đề mâu thuẫn có thể gây sự nghi hoặc. Những người tu theo Tịnh Độ Tông tìm sự giải thoát qua sự vãng sinh nơi “Tịnh Độ”, ở đó họ được sống và tu đạo giác ngộ giải thoát trong những điều kiện thật lý tưởng, không gập phải một chướng ngại nào, mà chỉ toàn những thuận duyên hoàn hảo nhất. Theo hiển nghĩa, trong kinh nói Đức Phật A Di Đà (cũng như Quan Aâm hay một số Phật khác) có lời nguyện sẽ cứu độ tất cả chúng sanh nào thành tâm niệm đến tên ngài và sẽ tiếp dẫn cho họ vào quốc độ của ngài là Tịnh Độ, đó là phương tiện từ bi tế độ của ngài đến những người kém cỏi năng lực hay quá si mê không hiểu cách làm sao phát huy năng lực của mình. Theo ẩn nghĩa, Tịnh Độ được coi như là Bản Tâm Thanh Tịnh,, trạng thái trong sáng của tâm khi không còn những chướng ngại do cái Ngã gây ra. Nhưng cách hiểu theo hiển nghĩa và ẩn nghĩa không có sự khác biệt thuần nét và rõ ràng. Ngay cả những người có trình độ phật pháp uyên thâm như Tạ Hải cũng tin rằng có nhiều cõi Tịnh Độ, trong đó có cõi Phổ Đà của Quan Âm, đang hiện hữu ở một nơi chốn nào đó, bởi vì do tâm nhận thức như vậy. Điều có vẻ như phi lý này có lẽ sẽ bớt khó hiểu hơn nếu người ta chấp nhận rằng tất cả mọi pháp là do tâm tạo ra, và dù ít dù nhiều gì thì tất cả cũng đều là không thực.


 Sự sùng tín như thế ở những người theo phái Tịnh Độ, đối với phương Tây, nay không còn được ái mộ nữa, vì đã gợi nhớ đến những đức tin mù quáng nơi đạo Thiên Chúa và đạo Do Thái mà nhiều người thấy không còn chấp nhận được. Rất ít người Á đông đồng cảm được sự chống đối này. Ngay cả trong cách tu của phái Nam Tông (Tiểu thừa) Phật giáo, cũng có những yếu tố sùng tín mà người Tây phương khó chấp nhận. Điều này cũng được thấy trong Thiền tông, ngay với một số trong những hành giả tinh tiến nhất (kể cả thiền sư Daisets Suzuki) đều công nhận lý thuyết Tịnh Độ và xem pháp môn Tịnh Độ như một phương tiện thiện xảo để đạt Giác Ngộ. Ngay tới bây giờ, Tịnh Độ Tông cũng có rất nhiều tín hữu ở Nhật Bản hơn là các tông phái khác, cũng như ở Trung Quốc trước đây khi làn sóng đỏ chưa nhận chìm tất cả các tôn giáo trong xứ. Trong hoàn cảnh hiện tại, pháp tu Tịnh Độ có thể không thích hợp với các nước phương Tây; tuy nhiên, những phật tử Tây phương chỉ trích pháp tu này phải nên tìm hiểu kỹ những nghĩa lý trong triết thuyết Đại Thừa trước khi bác bỏ giáo lý Tịnh Độ, như đôi lúc họ đã làm , vì cho là nó đi ngược với tinh thần truyền thống của đạo Phật. Theo như sự hiểu biết của những phật tử Á Đông, chúng sinh tùy theo những căn cơ khác nhau mà dùng những phương tiện khác xa nhau để đi đến cùng một chân lý. Sở dĩ điều đó có thể áp dụng được vì ở đây người ta không nói đến vấn đề hiểu biết theo lý luận, mà là vấn đề tu đạo, mà nếu theo đúng hướng, sẽ đạt được những kết quả mỹ mãn, bất kể quan niệm ban đầu là như thế nào. Một người nhấn nút bật đèn sẽ làm cho đèn sáng, mặc dù người ấy có thể nghĩ rằng anh ta đang vặn nút radio.


 Trở lại với Quan Âm, tôi tin rằng quan điểm của bạn tôi cũng đúng một phần nào khi cho rằng sự thỉnh cầu đến vị Bồ Tát tượng trưng cho lòng từ bi vô lượng này là thích hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, nhưng theo ý tôi, cũng còn một lý do khác để những người tin theo Tịnh Độ thường thích cầu đến ngài. Khi thiền định, sự quán tưởng tới cõi Tịnh Độ theo như trong kinh Di Đà sẽ rất khó thực hành, nếu so với cách quán tưởng thường dùng đến Quan Âm. Khi dùng kinh để thiền quán, người ta phải dựng lên trong trí một bức tranh thật phức tạp, tỉ dụ như là, vẽ lên tám ao báu chẩy vào mười bốn nhánh, mỗi cái đều rực rỡ mầu sắc của bẩy thứ châu ngọc ; trong mỗi ao lại có tới 600,000 hoa sen, mỗi cái đều có bẩy báu và có đài hoa rộng lớn gấp mười hai lần đoạn đường đi bộ cả một ngày trường của mộät đại đội binh mã! Chiều cao của Đức Phật A Di Đà bằng khoảng cách ấy nhân lên với số cát trong sáu mươi muôn ức con sông, mỗi con sông rộng lớn bằng cả sông Hằng! Theo kinh, tất cả những điều này, và còn rất nhiều điều khác nữa, phải được quán tưởng thật rõ ràng, như là trông thấy bàn tay trước mặt vậy! Cho đến khi tâm trí không còn nghĩ gì được nữa – và đó chính là mục đích của sự quán tưởng này, vì cũng như những công án Thiền, pháp môn này cốt để làm tâm trí suy tưởng đến mức cùng kiệt, lúc ấy tâm sẽ tự chuyển sang một cõi giới mới. Khi hành trì được thành công, sự quán tưởng như vậy sẽ dẫn đến một chuyển hóa đột ngột của ý thức, do đó sẽ mở ra được những cõi giới cao xa vượt ngoài tầm của những khái niệm siêu việt nhất. Thực hiện được điều này quả thật là quá cam go. Thế cho nên, cách quán tưởng đến Quan Âm giản dị như sẽ trình bầy trong chương sau có thể là không hiệu quả bằng, nhưng chắc chắn là thích hợp hơn với trình độ giới hạn của những hành giả bình thường.


 Khái niệm về vấn đề này đã được trình bầy trong một cuốn sách nhỏ được tôi khám phá ra trong thư viện cho các sa di của chủng viện Hua Ting gần Côn Minh. Cuốn sách này là tác phẩm tự ấn bản của một vị đạo hữu trông có vẻ cổ quái, thỉnh thoảng đến ghé thăm chúng tôi. Vị ấy ăn mặc cẩu thả, lâu lâu bỗng cười phá lên, đối với tôi có vẻ như hơi điên điên khùng khùng, nhưng lại có tiếng là rất thông tuệ – trong lịch sử Trung Quốc thường có những vị thánh nhân hành xử có vẻ quái dị khác thường so với những người đương thời. Tuy chỉ còn nhớ đại ý của cuốn sách nhỏ đó, tôi cũng xin ghi lại đây những chi tiết được gợi lại bằng trí tưởng tượng, nhưng vẫn giữ đúng tinh thần của nguyên bản.


 Cuốn sách được mở đầu với phần giới thiệu sơ qua về tiểu sử tác giả như là xuất thân từ đâu, về gia cảnh v.v… và rồi được tiếp tục như sau:


 “Cha tôi và ông nội tôi vốn là những nhà Nho của thời xưa cổ, thường không có mấy thiện cảm đối với Phật giáo, cho là đạo Phật làm mê hoặc con người với những câu chuyện thần kỳ hão huyền. Chính là qua mẹ tôi—một phụ nữ đặc biệt trí thức xuất thân từ một làng nhỏ gần Ta Li – mà tôi biết đến giáo pháp sâu xa về “tánh không ngay nơi cái thấy không phải không ”. Chẳng phải là mẹ tôi thích tìm hiểu gì về những vấn đề sâu xa như vậy. Là một Phật tử thuần thành theo phái Tịnh Độ, bà không để ý gì đến những vấn đề siêu hình, nhưng thường hay có thói quen mua tất cả những sách về đạo giáo nào mà người cung cấp hàng lẻ cho chúng tôi đem đến. Lúc còn nhỏ tôi đã học niệm câu Nam Mô A Di Đà Phật tới mấy trăm lần một ngày, tuy vẫn thường nơm nớp sợ cha tôi nổi giận khi biết đến. Mẹ tôi tin rằng chỉ cần nhất tâm niệm Phật như vậy là cũng đủ để được giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Có một lần, những bạn đồng học của tôi ở trường trung học đệ nhất cấp nghe tôi niệm nhỏ hồng danh Phật A Di Đà, chúng nó đem ra chế nhạo tơi bời, nên vì muốn lấy lại uy tín với chúng nó, tôi đã đem đến trường những quyển sách Phật mà chúng phải công nhận là phải có trình độ cao siêu của những vị học giả mới hiểu được. Làm như chính mình cũng có thểõ hiểu được những quyển sách này, tôi đã cố công học hỏi thật nghiêm túc. Lúc ấy tôi tin rằng Tịnh Độ tông chỉ thích hợp cho đàn bà, những người quê mùa hay ít học mà thôi, và tôi tìm đọc những kinh sách như là Duy Thức Học, kinh Hoa Nghiêm và kinh Lăng Già. Những kinh sách này chẳng đem lại ích lợi gì cho tôi cả, mà chỉ làm đầu óc rối ren thêm, nên rồi tôi lại quay về niệm hồng danh Phật A Di Đà, nhưng cũng không khỏi tự nhủ với một chút ngã mạn rằng sự hành trì của tôi hiện giờ là ở một “trình độ cao” hơn mẹ tôi! Chắc lúc bấy giờ tôi đã tỏ ra si mê lắm đối với mẹ tôi! “Cao” hơn hay “thấp” hơn, “sâu xa” và “nông cạn”, những cái đối đãi ấy có liên hệ gì đến tri kiến, trí tuệ, và sự hiểu biết?


 Có một lần tôi đi nghe một vị Pháp Sư nổi tiếng giảng về pháp môn Tịnh Độ, lúc ấy trong tôi đã nung nấu một ước vọng có thể quán được như thật những cảnh tượng bao la không thể tưởng tượng. Nhưng rồi điều ấy cũng không đi tới đâu. Sau khi đã khổ công dựng lên trong trí một khung cảnh lộng lẫy vĩ đại của những cây to khổng lồ và những hồ nước mênh mông dát đầy châu báu nặng chĩu, tôi bắt đầu tưởng tượng đến linh ảnh của Ba Vị Phật. Vừa mới bắt đầu đến Đức Phật A Di Đà thì những cảnh tượng vừa dựng lên đó biến đi; vừa mới tưởng tượng đến Đức Quan Thế Âm Bồ Tát thì tôi lại mất đi Đức Phật A Di Đà; vừa mới bắt đầu qua Đại Thế Chí Bồ Tát thì tôi mất Quan Âm. Tất cả những điều này thật đã vượt ra ngoài sức của tôi. Chỉ có sự ngã mạn mới ngăn trở tôi không cho quay về pháp môn niệm Phật thuần túy, mà mẹ tôi từ đó tới giờ đã không bỏ qua một ngày nào.


 Một đêm nọ tôi nằm mơ thấy bị đắm tầu, và tôi đang bám víu vào một miếng gỗ trong biển cả đầy sóng gió bão bùng. Những ngọn sóng cao ngất như núi cuốn quanh tôi như những con rồng quằn quại, cho đến khi, cuối cùng tôi dạt được vào bờ ở một nơi đẹp đẽ như cõi thần tiên. Bên trên bờ biển đầy đá lởm chởm, là một ngọn đồi xanh biếc toàn những cây bằng ngọc thạch, chung quanh có những thác nước xủi bọt lên một mầu sữa trắng trong. Những con chim và côn trùng ở đó có cánh mầu óng ánh như nạm ngọc; đây đó là một con nai với bộ lông mướt mầu trắng và đỏ thẫm. Còn nghi ngờ gì nữa, chẳng phải là tôi đã đến được cõi Phổ Đà ngoài biển khơi đó sao? Lòng đầy xúc cảm, nhưng hân hoan, tôi vội vã trèo lên phía đỉnh đồi.


 Từ xa, tôi nhìn thấy một cô gái nhỏ đang chạy xuống dốc đồi để đón tôi. Đôi chân xinh xắn nhỏ bé của cô dường như lướt trên, không đụng tới những hòn đá cô đi ngang. Khi cô quay lại ra dấu cho tôi đi theo, tôi đã phải vất vả lắm mới bắt kịp, và tôi không khỏi khó chịu trong lòng khi thấy cô bé phải cố nín cười để giữ thái độ lịch sự. Khi chúng tôi đã đến cửa một hang động đồi mồi thật lớn, cô gái chạy vào rồi biến mất, khiến tôi cố tìm cách đuổi theo. Chúng tôi đã đến đây sau khi vòng qua một hồ nước xanh cẩm thạch có những đốm vàng óng ánh, từ đó một lạch nước đã chẩy vào hang động, và trên mặt nước xanh là những đám hoa sen mầu hồng và trắng bồng bềnh phủ đầy. Tuy rằng không có tia nắng mặt trời nào chiếu trực tiếp vào cửa động, hang động vẫn sáng sủa như có ánh sáng rực rỡ của mặt trời chiếu vào, và một mùi hương dịu dàng tỏa ngát không gian. Ở ngay giữa hang là một tảng đá trông như một cái ngai. Tuy ngai ấy chẳng có lót đệm, và cũng chẳng có ai ngồi trên, nhưng tôi biết ngay là chỗ ngồi của Bồ Tát và vội quỳ xuống đê đầu lậy trên nền cát trắng lấp lánh mầu bạc ở dưới chân ngai. Khi vừa làm vậy, bỗng tôi nghe thấy tên mình được gọi lên bằng một tiếng nói thánh thót như những tiếng ngọc chạm nhau, với những âm hưởng rõ ràng và ngân dài.


 “Cheng Li, khi phát lời nguyện nhiều a tăng tì kiếp trước đây, ta tưởng đã làm cho mọi sự được dễ dàng chứ. Sao ngươi lại cứ khổ công như vậy? Hãy buông đi! Toàn thể các bộ kinh Đại Thừa đều không nói đến trí tuệ nào khác hơn là trí tuệ của sự buông xả. Điều đó cũng gọi là dana, là bố thí đó.”


 Sau đó có tiếng cười vui vẻ dịu dàng, rồi im lặng. Tôi biết, hang động rực rỡ này bây giờ chỉ còn có một mình thôi. Những mầu sắc huyền ảo lúc nẫy, giờ đã phai nhòa thành những đốm mờ và từ từ tan biến đi. Bóng tối buông xuống, và khi dang tay ra, tôi đụng phải tấm màn phủ quanh giường ngủ.


 Bây giờ, tôi đã buông hết kinh kệ và những nỗ lực công phu quán tưởng. Ngày cũng như đêm tôi đều niệm hồng danh của Bồ Tát, vui hưởng trong cái đẹp của âm thanh đó. Niệm danh ngài một trăm lẻ tám lần đối với tôi bây giờ không còn là một bổn phận bó buộc nữa. Có lực sĩ nào đi đếm hơi thở của mình, hay thi sĩ nào đếm chữ trong vần thơ, và giòng nước nào đếm những gợn sóng nổi lên không? Những chúng sinh hữu tình chúng ta đang đi tìm sự giải thoát, tại sao không biết buông đi? Khi buồn, hãy buông đi cái nguyên cớ khiến làm cho buồn. Khi giận, hãy buông đi chuyện giận hờn đó. Khi cảm thấy thèm muốn, hãy buông bỏ đối tượng thèm muốn đó đi. Từng giây từng phút, hãy giải thoát khỏi cái ngã của mình. Khi không còn cái ngã, thì cũng chẳng còn sự buồn rầu, ham muốn; không có cái Tôi nào để mà khóc, không có cái Tôi nào để mà thèm khát, không có một “người” nào để mà sinh ra hay tái sinh trở lại. Những cơn gió của hoàn cảnh thổi qua khoảng không bao la trống rỗng. Làm sao chúng có thể làm hại ai được bây giờ?”


 Như nhiều tác phẩm khác tương tự, bài viết này cũng được kết thúc bằng những câu thơ đầy ý nghĩa tinh túy. Tôi nhớ những câu ấy thật là đẹp và trong đó mô tả nhiều đến khung cảnh huyền ảo của hồ sen óng ánh vàng, ngọn núi mầu cẩm thạch với rừng lá rung rinh bằng ngọc và “những ngọn sóng như những con rồng cuốn quanh.” Ngôn ngữ Trung Hoa làm cho sự mô tả này càng thêm thơ mộng và những tiếng độc âm khiến các vần thơ không trở thành nặng nề hay rườm rà. Những câu thơ sau đó nói đến các hạnh của một tâm Bồ Tát hay một tâm từ bi, và cuối cùng, có những lời như sau:


 Lúc giận, hãy buông bỏ mọi ý nghĩ về Ta

 Khi buồn, hãy để nguyên nhân nỗi sầu rơi rụng

 Thèm muốn, hãy quên đi cái muốn trong tâm

 Muốn được tất cả, chỉ cần buông đi tất cả.

 

 Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng những câu thơ nguyên bản còn hay hơn thế nhiều.


 a_di_da_phat_0 Vì ít được thọ giáo với các vị Pháp Sư của Tông Tịnh Độ, tôi không tin tưởng mình đã nắm được ý nghĩa sâu xa của pháp môn này. Đối với tôi, không thể nào có kiến giải về Quan Âm và cõi Phổ Đà của ngài qua những ngôn từ mô tả những hiện tượng vật chất hữu hình như thường được chấp nhận với những người không hiểu biết; những người ấy hay trông chờ những cảnh tượng sáng chói huy hoàng sẽ xẩy ra khi được Bồ Tát cảm ứng lại và đến tiếp dẫn họ trong giây phút mệnh chung; nhưng chúng ta không nên xem những bài kinh Tịnh Độ như hoàn toàn chỉ có huyền nghĩa, hay tưởng rằng pháp môn tu Tịnh Độ là chỉ có giá trị khi nào hành giả “thể nhập được cõi Phổ Đà” bằng sự thấy biết tâm mình đã thanh lọc hết mọi chướng ngại. Phải tránh quan điểm của hai thái cực, một bên quá thiên về vật chất, và một bên quá theo huyền nghĩa. Nếu nói rằng Quan Âm và cõi Phổ Đà là có thực ở nơi nào đó, bạn sẽ bị chê cười là nói điều hoang đường; nhưng nếu bảo là ngài hoàn toàn là sản phẩm được dựng lên trong tâm, bạn sẽ bị cho là kiêu mạn, hay được nhắc đùa rằng ngài Bồ Tát đã có từ lâu trước khi bạn sinh ra. Có lẽ chỉ có thể hiểu thấu được pháp môn này sau khi đạt được đạo quả qua sự hành trì miên mật Tịnh Độ tông, vì chắc chắn là không có câu trả lời nào thích đáng cho nan đề bí hiểm này.


 Gần đây, có một bài nói về sự hành trì pháp môn Tịnh Độ –pháp môn niệm danh Phật—được tìm thấy trong những bài viết của Hòa thượng Tuyên Hóa của Vạn Phật Khánh Thành, San Francisco. Bài này không giải đáp điều khó hiểu ở trên, vì Hòa Thượng không nói rõ đến điều đó, nhưng ngài có tiết lộ rằng mục đích của việc niệm danh Phật rất khác với căn bản của những nghi thức hành lễ có tính cách thần quyền mà người ta thường lẫn lộn tưởng chúng là một với nhau. Nói về việc niệm hồng danh Đức Phật A Di Đà, ngài nói: “Nếu bạn liên tục niệm Phật ngày đêm không ngưng nghỉ, bạn có thể đạt đến mức đi mà không biết là đi, khát mà không biết là khát, đói mà không thấy là đói, trời đông lạnh mà không thấy là lạnh, nóng mà không thấy là nóng. Tất cả người và pháp (thực thể hiện tượng) vốn đều là Không và ta với Phật A Di Đà vốn cũng là một với nhau. “A Di Đà là ta, và ta là A Di Đà”. Cả hai không thể lìa nhau được. Hãy niệm Phật trong một tâm nhất quán và chân thành không vọng tưởng. Đừng có để ý gì đến những vấn đề thế gian. Khi không còn biết đến thời gian và ngày tháng nữa, tâm bạn có thể cảm nhận được một trạng thái kỳ diệu vô cùng.” Ngài cũng nói: “Ngày đêm khi niệm Phật, qua mỗi tiếng niệm chúng ta đều tưởng đến Đức Phật A Di Đà. Chữ “Nam Mô” có nghĩa là “xưng tán”. Chúng ta xưng tán ai đây? Nói cho đến rốt ráo, chính là chúng ta xưng tán chính mình! Tới ngày nào mà ta hoàn toàn quên đi cái Ngã của chính mình, Đức Phật A Di Đà nơi bản tánh của ta sẽ hiển lộ.” Những lời giảng này dĩ nhiên cũng áp dụng cho cách niệm danh Đức Quan Thế Âm, mà chúng ta không nên hiểu lầm đó như một nỗ lực thô sơ để được Bồ Tát ban cho ít ân huệ, nhưng đó chính là một phương tiện thiện xảo để phá đi những chướng ngại của tự ngã và thực sự mặt đối mặt với Tâm mình. 


 Một đoạn văn khai thị khác cũng của vị Hòa thượng Pháp sư này nói rằng: “ Như tôi đã nói với các bạn nhiều lần, Pháp môn niệm Phật là hư giả, và các pháp môn khác như tu thiền, tu giới hoặc tu theo Mật tông cũng vậy. Chỉ cần có lòng tin thôi là giả cũng thành thật; còn nếu không tin, thì thật cũng thành giả... Tất cả mọi sự đều ở nơi Tâm mà ra”. Thoạt nhìn qua, lý luận này có vẻ thật vô lý. làm sao chỉ có tin thôi mà giả thành thật được? Nhưng đối với những nhà huyền môn thì điều này lại hợp lý vô cùng, bởi vì ông nhận ra rằng bất cứ một hình ảnh gì vượt ra ngoài tầm của khái niệm tư tưởng thì sẽ khó thể tìm thấy được điều gì để đem ra so sánh và diễn tả cho đúng thật được; vì vậy người ta phải tìm những phương tiện tạm thời khả chấp để vẽ ra con đường và mục đích để đi theo, trước khi có thể đạt được tri kiến bằng trực giác.


 Tuy nhiên, cho dù người ta có nhìn nhận điểm này cho những phương tiện như đọc tụng Chú Đại Bi Đà La Ni, cũng có những điều khó chấp nhận được trong kinh Pháp Hoa và kinh cứu khổ của Chú Đại Bi, trong đó nói đến năng lực của Quan Aâm có thể cứu thoát những hiểm nguy cho con người như bị đắm tầu, hỏa tai, bão tố, bị thú dữ đe dọa, bị ma quỷ ám và ngay cả bị những vấn đề rắc rối tới pháp luật. Nếu xét lại, sẽ thấy giả sử những năng lực này có thật, thì chỉ cần một số nhỏ những người tu thật thuần thành cũng có thể ngăn cản được sự xâm lăng Trung Quốc của quân Nhật hay những cuộc tiến công của Vệ Binh Đỏ, khiến những vũ khí của họ rơi rụng đi ngay từ trong tay họ! Vì thế, tuy không dám bác bỏ những điều được xưng tán ấy, người ta cũng muốn tìm sự lý giải nào sâu xa hơn là những hiển nghĩa trong kinh.


 Có thể nào những lời trong kinh mạnh mẽ nói đến diệu dụng của sự nhất tâm niệm danh Đức Quán Thế Âm có ý nghĩa là sự niệm danh đó sẽ khiến người ta không còn cảm thấy nóng, lạnh, đói, khát v.v… và giải phóng con người được khỏi những ràng buộc của “thân ngã”, trong đó tâm hoàn toàn thể nhập vào với Chân Tâm, và những việc rắc rối với pháp luật hay hiểm nguy đến tính mạng như chìm tầu hay bị thú dữ rượt đuổi chỉ đáng sợ như trong những cơn mộng thôi chăng? Lý luận như thế thì cũng tiện, nhưng như vậy là đã bỏ xót biết bao nhiêu trường hợp những người thực sự được kịp thời cứu khỏi nguy nàn sau khi đã niệm danh Đức Quan Âm, những trường hợp này không thể xem như là bịa đặt được. Như vậy, phải giải như thế nào đây? Có thể nào lòng tin tuyệt đối sẽ khiến cho một năng lực mạnh mẽ tiềm tàng trong con người được khơi dậy trước những hiểm nguy hiện tiền, làm cho người ta có thể trốn thoát được một cách lạ lùng; hay phải chăng có một điều gì huyền bí hơn, kỳ đặc hơn trong đó?


 Cá nhân tôi muốn nghĩ rằng những đoạn kinh nói về năng lực cứu khổ của Quan Âm có thể có ẩn ý như sau: sự tập trung quán tưởng đến Quan Âm như một hiện thân của lòng từ bi thuần túy sẽ có ảnh hưởng tất yếu lên toàn thể con người của tín đồ. Trong tâm không có chút mong cầu lợi lộc gì cho chính mình, sẵn sàng đáp ứng mọi lời yêu cầu giúp đỡ, người tín đồ ấy cũng có nét giống như những đạo nhân của Lão giáo thời xưa—những con người không có chút lòng tham, sung sướng với những niềm vui giản dị, không thích nổi giận hay ra trước công chúng trừ khi bị thúc ép, xa lìa tất cả những hành vi gây hấn và chia rẽ đến nỗi họ sống được một cuộc sống an bình trong bóng tối. Họ không chiêu sự chú ý của những kẻ cướp, của chính quyền hay cảnh sát, không có kẻ thù, không gây hờn oán --- nói tóm lại, họ chẳng khi nào gây sự giận dữ ở người, vật, hay ma quái, ngày qua ngày họ sống bình thản, không bị đe dọa bởi những thú dữ hay những kẻ làm tiền, thoát khỏi nanh vuốt tù tội và hoàn toàn xa lạ với lưỡi dao khủng khiếp của đao phủ thủ. Đó là “những con người bất tử, mà băng tuyết không làm đông lại được và ánh mặt trời không thiêu đốt được.” Họ ít khi nào gập những tai họa trong cuộc đời. Nhưng thực sự ra, tôi cũng chẳng rõ sự diễn giải này có nói lên được một phần nào ý nghĩa đích thực của kinh hay không.


 Trong lời bình về chú Đại Bi Đà La Ni, Hòa thượng Tuyên Hóa có kể lại một câu chuyện điển hình về năng lực cứu độ của Quan Âm. Một tín đồ của ngài đến một quán trọ kia nghỉ đêm; nhưng đây lại là một hắc điếm, chủ quán xưa nay thường bỏ thuốc vào rượu cho khách trọ rồi đêm đến lén vào phòng khách trấn lột, đôi khi còn giết người nữa. Tuy nhiên vị khách này lại là một Phật tử thuần thành, nên không uống rượu; và vì không bị thuốc, nên đang đêm ông tỉnh dậy thấy tên chủ quán đang tiến đến gần với con dao lăm lăm trên tay; nhưng đúng ngay lúc ấy, có tiếng đập mạnh ngoài cửa. Tên chủ quán vội vã rút đi ra mở cửa, thì thấy một người cao lớn lực lưỡng như cảnh sát, lịch sự yêu cầu hắn nhắn lại cho một vị khách – chính là vị khách hắn đang định giết—biết rằng một người bạn cũ của vị khách ấy, có tên là như vậy như vậy, ngỏ lời mời ông sáng mai ghé thăm. Tên chủ quán run sợ đành dẹp đi ác tâm của mình, và sáng sớm sau đã chuyển lời lại cho vị khách. Vị khách này, tuy không tỏ dấu gì, nhưng đã nhận ra ngay được những chữ trong “tên” của người kia là một câu trong chú Đại Bi Đà La Ni. Nói cách khác, người cao lớn lực lưỡng như cảnh sát ấy chính là Quan Âm hay đã được Quan Âm gởi đến để bảo vệ cho một thiện nhân đã từng đọc tụng chú này từ bao nhiêu lâu nay!


 Hòa Thượng Tuyên Hóa, khi thì đồng hóa các vị Phật và Bồ Tát với chính tâm của hành giả, khi thì kể lại một câu chuyện Quan Aâm cứu nạn, đã cho ta thấy sự khó khăn thế nào để có được một quan điểm thích đáng về bản chất của các vị Phật và bồ tát này.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng