Lời Mở Đầu

09 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 8619)

Lời mở đầu



Rực rỡ , sáng ngời không tì vết

Huệ nhật xóa tan hết tối tăm


 Kinh Liên Hoa


 Câu chuyện khởi đầu một phần từ một tâm niệm tìm kiếm, một tiến trình dần dà đi tới tâm điểm của một câu đố bí ẩn hằng ôm ấp. Bốn mươi năm về trước, khi chiêm ngưỡng dung nhan mỹ lệ của Phật Bà Quan Âm, vị Nữ Thần của lòng từ bi đối với người Trung Hoa, tôi bỗng tự hỏi không biết, trong một ý nghĩa nào đó, bà có thật không, hay chỉ hơàn toàn là một biểu tượng. Cuộc phiêu lưu bắt đầu từ một đêm, khi dưới ánh nến chập chờn của một lời nguyện, tôi một mình lần bước tìm đường trong bóng tối phía sau chánh điện của một ngôi chùa. Những tia sáng lung linh vờn trong bóng tối chập chùng gợi lên một bầu không khí huyền bí. Trong khi đứng đó ngước nhìn bức tượng đồng Quan Âm cao sừng sững, một cánh cửa như chợt mở trong tâm tôi đối với vị nữ thần , và tôi hầu như chắc chắn rằng, ngài đã nói với tôi lúc đó! Tưởng tượng chăng? Có thể lắm, nhưng ở trong một hoàn cảnh thơ mộng như vậy lúc đó, nào ai muốn cưỡng lại hi vọng đã được ngài nói với mình? Và kể từ đêm đó tôi đã trở nên một lòng ngưỡng mộ ngài, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tôi hoàn toàn tin tưởng nơi ngài. Bị lôi cuốn bởi một lòng say mê không có liên quan gì đến tín ngưỡng , tôi càng ngày càng đào sâu và cố tìm hiểu xuyên thấu qua lớp hóa thân của ngài đối với những tín đồ chất phác , và rồi đã mơ hồ có được một kiến giải về địa vị của ngài như một bậc bồ tát thượng thừa, một thực thể vô ngã tượng trưng cho một trong những thuyết được tán dương nhất của Đại Thừa Phật Giáo. Khi nhận ra ngài là một cái gì vượt trội rất nhiều hơn những thần quyền của một đại bi tâm luôn luôn hướng đến những kẻ nghèo khổ cô độc, tôi càng có lý do để yêu mến ngài; nhưng rồi cái nhãn quan mới mẻ ấy của tôi về một hiện thân của tình thương thiêng liêng lại bị lu mờ đi phần nào, khi đọc đến những phép thần thông nhiệm mầu được gán cho ngài ở trong kinh. Những đoạn kinh mô tả sự thần thông đó , mới đọc làm cho tôi thấy như đã hạ đi, thay vì tăng thêm sự mầu nhiệm của ngài, vì tôi cảm thấy chúng có vẻ quá huyền hoặc và biến ngài trở thành một vị nữ thần dân gian hơn là một bậc Bồ Tát thượng thừa. Dĩ nhiên, đây cũng chỉ là một ý kiến cá nhân của tôi.



 Nhiều năm sau, với tri kiến đạt được từ những vị thầy Trung Hoa và Tây Tạng của tôi, tôi bắt đầu hiểu điều mà tôi vẫn cảm thấy là ý nghĩa thực sự của ngài, hay ít nhất cũng một phần nào đó. Ngài quả là có thực – ồ, dĩ nhiên không phải có thực như Artemis hay Aphrodite đối với những kẻ tôn sùng họ, nhưng là theo một nghĩa huyền bí và sâu xa hơn. Tuy nhiên, khi cố gắng bầy tỏ điểm này, tôi không có ý muốn thuyết phục người khác phải theo mình. Tôi sẽ hài lòng nếu họ có thể yêu mến ngài, dù chỉ như là một hình ảnh đẹp đẽ mà thôi. Để tô điểm thêm mầu sắc và sinh khí cho bức tranh tôi vẽ về ngài ở đây, tôi sẽ thuật lại những câu chuyện ở Trung Quốc và Tây Tạng về Quan Aâm, được diễn tả trong những trình độ được phân loại, không biết là đúng hay là sai, như là hạ căn và trung căn; ngoài ra tôi cũng trích dẫn một vài bài chú của ngài, cũng như những đoạn kinh sách nói về thiền định quán tưởng. Và tôi cũng có nhiều điều muốn nói về ba vị tiền thân của ngài – Avalokitesvara (Đức Phật Chuẩn Đề) và Tara, hai vị phật được người Tây tạng rất sùng kính, và vị công chúa Trung Hoa Diệu Thiện, vì lạ lùng thay, Phật Bà Quan Âm chính là sự kết hợp của ba vị này với nhau!



 Có lẽ bức tranh này sẽ được ưa chuộng, không chỉ đối với những người thích tìm hiểu về đạo Phật và thiền tập Trung Hoa và Tây Tạng, nhưng cũng với những người đã từng đến thăm các đền chùa thờ Quan Âm ở Á Châu, những người yêu nghệ thuật Trung Hoa và đã từng say mê nét đẹp của ngài trong dáng vẻ một bậc từ mẫu, một thánh nữ đầy khả ái. Tôi cũng muốn nói nhiều hơn về ngài trên quan điểm nghệ thuật Trung Hoa và Nhật Bản, nhưng không có những tài liệu đầy đủ ở Thái Lan này. Như vậy, những điều tôi trình bày ở đây chủ yếu có tính cách huyền môn hơn là mỹ thuật, tôi hi vọng rằng có thể khuyến khích được cho những người, tuy không thiên theo một khuynh hướng tôn giáo nào, vẫn có thể cảm nhận được sự huy hoàng của điều mà Lão Tử gọi là Bất Khả Thuyết – điều mà xưa kia đã khiến cho một số người Hi Lạp dựng lên một đền thờ cho một “Thượng đế không tên”, đã khiến cho thi nhân Wordsworth cảm nhận được một ánh sáng siêu nhiên chan hòa chung quanh. Cái Bất Khả Thuyết ấy là như như, vượt ra ngoài sự nghĩ bàn của luận lý thường tình, nhưng đôi khi cũng có những lúc người ta phải dùng đến một hình tượng nào để gợi đến nó. Đối với tôi, cái hình tượng chân dung dịu hiền của Quan Âm là một biểu tượng xứng đáng hơn hình ảnh của một người đang bị tra tấn trên thánh giá hoặc một vị chúa đầy quyền uy đáng sợ. Những hình tượng, tuy tầm thường và không chính xác so với thực chất của những điều chúng là biểu tượng, cũng có một tầm quan trọng và phải được lựa chọn kỹ càng. Nếu chúng ta muốn giữ cho mình được tỉnh táo trong những hoàn cảnh kinh khủng của thế giới hiện đại này, có lẽ nên tìm đến một hình tượng đẹp đẽ và an bình để làm dịu đi những cảm quan đầy đen tối ảm đạm. Nếu chúng ta có thể chọn lựa được một biểu tượng riêng biệt về chân thiện mỹ (và tại sao không?), còn có gì đẹp hơn hình ảnh của Quan Âm; hoặc, nếu cho rằng hình ảnh của người Trung Hoa có vẻ hơi quá nhu mì, cũng có một biểu tượng khác tương đương, đó là Tara, vừøa là hiện thân của lòng từ bi, vừa có một nét ranh mãnh nào đó!



John Blofeld


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng