Chương Sáu - Những nghi lễ linh thiêng

14 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 8937)


Chương sáu

 

  Những nghi lễ linh thiêng

 


Diệu âm Quán Thế Âm

Phạm âm, Hải Triều âm

Tiếng hơn thế gian kia

Cho nên thường phải niệm


 Kinh Liên Hoa

 

 Trong những năm đầu ở Trung Quốc, có lần tôi đi chu du xuống giòng sông Cassia trên một chiếc thuyền gỗ rộng nhiều hơn một chiếc tam bản, nhưng cũng không đủ lớn để được gọi là một chiếc tầu. Chuyến giang hành này lúc đầu thật gian nan, thuyền phải dương buồm lên mới đi qua được những chỗ nước chẩy xiết, giữa những giòng nước lớn chập chùng hai bên mạn thuyền. Nhưng con nước lớn này, tuy lúc đầu có vẻ như một rủi ro, giờ lại trở thành thuận lợi cho gia đình người lái thuyền (gồm có ông nội, hai người con trai, con dâu và mấy đứa cháu), tất cả bọn họ già trẻ lớn bé gì cũng đều nai lưng ra vất vả đưa con thuyền đi lên thượng lưu giòng nước, chống chèo qua những bờ sông bùn lầy trơn tuột, thân hình họ gập đôi xuống khi cố kéo những sợi dây thừng buộc người họ với chiếc thuyền như những đai ngựa. Rời Quế Lâm lúc trăng vừa lên, chúng tôi tỉnh dậy thấy mình đang ở giữa phong cảnh ngoạn mục dị kỳ của những ngọn núi nhấp nhô uốn khúc lạ lùng, mà người Trung Hoa thường nói rằng: “Tuy rằng phong cảnh của Quế Lâm không đâu có thể sánh bằng, nhưng giòng sông Dương Tử lại càng tuyệt vời hơn.” Điều đó có thể ám chỉ rằng Dương Tử chính là một phần của cõi tiên. Nếu thực vậy, thì cõi tiên thật đáng để được tới xem.


 sen_quan_am_0-content Trong những người đồng hành với tôi có một vị khách gầy gò bé nhỏ trong chiếc áo mầu đen, đầu cạo trọc, trông đầy vẻ thông thái, khiến ta có cảm tưởng ông là một vị Pháp sư lớn chứ không phải là một nhà sư tầm thường. Cảm hứng với sự hiện diện của ông và phong cảnh thần tiên kỳ diệu trước mắt, tôi cởi mở nói chuyện với ông về sự hấp dẫn của Quan Âm đối với tôi, về những nghi hoặc của tôi với những lời nói trong kinh về năng lực cứu độ của ngài, và sự hoang mang với những diễn giải về bản chất thực sự của ngài. Sau khi chăm chú nghe, ông trả lời:


 “Anh suy nghĩ nhiều quá.” Rồi, dơ cành hoa sen vừa hái lúc rạng đông để cúng dường, ông kêu lên: “Quan Âm ở ngay trước mũi anh đây này. Ngửi xem!”


 Tuy nhà sư đó không nói gì thêm, tôi chợt nhận ra câu nói đó là một lời pháp có ấn tượng nhất mà tôi chưa từng nghe! Có phải sự tươi mát của buổi sớm mai toát ra từ những giọt sương long lanh nặng chĩu trên những chiếc lá sen trải đầy hồ đó chính là mùi hương của Quan Âm, hay có phải cành hoa sen – một hình ảnh thuần khiết vô nhiễm vươn lên từ bùn lầy—chính là biểu tượng rõ ràng của ngài chăng? Nhưng tôi nghĩ, có lẽ ông không hề có ý tưởng gì về những điều này. Mà một cách thật giản dị, ông đã nói với tôi rằng, muốn biết tới Ngài, phải buông xả hết mọi ý niệm để có thể có được một kinh nghiệm trực tiếp, như với những nghi lễ linh thiêng chẳng hạn, hay với chính những lời kinh mà tôi từng nghi hoặc, với tiếng chuông đồng âm vang, với hồi trống Bát Nhã dồn dập, với ánh nến lung linh vờn trên tượng hình của ngài, và với bất cứ những gì thị hiện ra trước một tâm rộng mở đón nhận; và nếu sự huyền diệu trong những kinh nghiệm ấy có thể được thể hiện một cách tự nhiên, không có chướng ngại, có lẽ đó sẽ là cách tốt nhất để có thểõ hiểu được thế nào là bản chất thực sự của vị Bồ Tát.


 Trải qua bao nhiêu năm qua, lời khuyên này của ông vẫn được tôi nhớ lại mỗi khi có dịp . Thỉnh thoảng, khi đến thăm một nhà nào và được một mình tự do ở đó, tôi lại có một cảm giác bất chợt là có sự hiện diện của Quan Âm và tuy không nhìn thấy, tôi cũng biết rằng đàng sau bức mành mành, hay ở trong một chốn góc nào khuất lấp, thế nào cũng có một chỗ thờ ngài. Có thể chỗ thờ đó không có gì đáng kể lắm – chỉ là một cái kệ rộng chừng mấy gang tay, hay là một cái tủ gỗ lắp kính không lớn hơn mấy một cái tủ trà, trong đó để một bức tượng nhỏ của ngài bằng sứ trắng, một bát hương nhỏ xíu, cặp nến nhỏ và vài lọ hoa, với những đồ trang hoàng gợi nhớ đến biển như ngọc trai, hay vỏ san hô chẳng hạn. Nhưng nếu có còn khói hương tỏa từø cây nhang trong buổi lễ sáng hay tối, điều đó cũng không đủ là lý do để tôi cảm thấy sự hiện diện của ngài, bởi vì những bàn thờ trong nhà có thể thờ một vị nào tương tự trong vô số những vị thần thánh của Trung Hoa mà không gợi lên được cái cảm giác có sự hiện diện bàng bạc ở đâu đó. Đôi khi cảm giác ấy thật mãnh liệt tới nỗi nếu như Ngài có hiện thân ra thình lình, tôi cũng không thấy kỳ diệu bằng sự hiện diện vô hình của ngài đối với đôi mắt trần tục của tôi. Hơn một lần, tôi đã từng có cảm giác như vậy khi đến thăm một nơi gọi là “Đức Viện”, một nét văn hóa rất hay của miền Nam Trung Quốc. Nơi đó đôi khi cũng là chỗ ở cho các vị cao niên, nhưng phần nhiều là nơi cư trú của cộng đồng nam nữ sống đời nửa tu, nửa tục, thường được xây ở ngoại ô các thành phố, như hiện nay vẫn được thấy trong các đô thị ở vùng Đông Nam Á có đông người Hoa. Mặt tiền thường là một cánh cổng trạm trổ, dẫn vào một khoảnh vườn tươi mát, từ đó có thể thấy mái nhà dốc cong lấp ló giữa những lùm cây um tùm. Đúng ra đây là những tự viện nhỏ, phía sân sau là một dẫy nhà nhiều phòng, và người ở đó thường là mặc áo tràng mầu nâu xám như ở chùa. Cái cảm giác có sự hiện diện của Quan Âm không có liên hệ gì đến bề ngoài, hay cấu trúc của ngôi chùa ấy, bởi vì cũng có những chỗ tương tự như vậy nhưng không cho được cảm giác đã từng có sự hiện diện của Ngài; tôi nghĩ rằng, có lẽ Ngài chỉ cảm ứng với những tâm hồn trong sáng, đôn hậu, có lòng vị tha nhân từ không muốn làm hại cả đến một côn trùng nhỏ bé nhất, đừng nói là ăn thịt của sinh vật, với cách sống và sự đối xử nhu hòa của những người ấy với nhau. Chỉ cần nhìn vào mắt của những người ấy, ta cũng thấy được phản ánh trong đó quả của lòng thành kính của họ đối với Quan Âm.


 Sự thành kính này cũng phổ biến ở Nhật Bản, nơi Quan Âm được gọi là Kwannon-sama. Chuyến viếng thăm vừa rồi của tôi đến xứ đó đã đem lại một kỷ niệm thích thú nhất, với chuyến hành hương đi bộ từ ngôi chùa này sang ngôi chùa khác trong một vùng rừng núi xanh tươi. Những chiếc áo khoác mầu trắng của những người hành hương chiếu sáng như những mảng tuyết trên nền xanh thẫm của những cây thông, cây sồi cao ngất ngưởng bên dẫy mái nhà cong mầu xám san sát. Trong chốn u tịch đó, chẳng có tiếng gì khác ngoài tiếng chim hót, tiếng nước suối róc rách chẩy từ những dòng thác đổ, chung quanh là sự yên tĩnh tuyệt diệu bao trùm khắp không gian. Sự yên tĩnh đó lại càng nổi bật lên, tương phản với tiếng chuông đại hồng cổ trầm hùng thỉnh thoảng ngân vang. Bỗng nhiên, phái đoàn hành hương đến chốn này đã gây nên những tiếng ồn ào vui vẻ –tiếng chân bước lao xao, tiếng gót giầy nện trên con đường đá lởm chởm, tiếng leng keng của những chiếc khánh treo trên quần áo của họ và tiếng cười thoải mái của những con người chất phác tin tưởng chắc chắn rằng mỗi bước chân đi sẽ đưa họ đến gần tới sự vãng sanh Cực Lạc Quốc của Đức Phật A Di Đà, hay cõi Tịnh Độ của Quan Âm Bồ Tát. Trong sự an lạc của niềm tin ấy, họ thường hát những mẩu thơ waka (hòa ca?), một loại thơ dài hơn haiku nhưng cũng đầy những ý nghĩa xúc tích. Trong những bài thơ này cũng có nhiều bài tán dương Đức Quán Thế Âm, và thường được hát lên khi đến mỗi ngôi chùa thờ vị Bồ Tát này trong ba mươi ba ngôi chùa được thăm viếng. Tỷ dụ như những câu sau:

 

 Vọng tâm ước muốn cho một kiếp sau có thể là nhẹ

 Nhưng lời nguyện của Bồ Tát là kiên cố như hòn núi đá.

 

Hay là câu:

 Rời bỏ quê quán đến được ngôi chùa Kimiyedera này, là chúng ta đã đến gần được Kinh Đô! (trong đó chữ cuối cùng, tuy có vẻ như nói đến Kyoto, nhưng thực ra có nghĩa là cõi Tịnh Độ mà Đức Quan Âm Bồ Tát sẽ tiếp dẫn họ đến).

 

 Một bài ca khác ám chỉ rằng Quan Âm Bồ Tát đã tế nhị chuyển hóa những cảnh vật tầm thường, khiến cho người hành hương cảm nhận được trước phần nào cái đẹp nơi cõi Tịnh Độ của ngài. Bài ca đó nói rằng:


 Sáng nay khi nhìn lại, tôi thấy những giọt sương sớm trên lớp cỏ rêu trong vườn của chùa Oka-dera này y như là những giọt pha lê lóng lánh!

 

Một bài ca khác nói đến Jundei – một tên khác cho Thiên Thủ Quan Âm—nhấn mạnh đến lòng tin tuyệt đối vào lời nguyện của Ngài cứu độ tất cả mọi chúng sinh, dù họ có lầm lạc đến thế nào chăng nữa.


 Dù nghiệp chướng chúng ta có lớn đến đâu, lời nguyện cầu ở Viện Jundai này cũng hóa giải đi được!

 

 Tôi chắc rằng tại Nhật Bản có nhiều Phật tử thông thái cũng đồng quan niệm với những cách diễn giải về bản chất của Quan Âm ở Trung Hoa, nhưng tôi biết quá ít về họ để có thể đem ra so sánh với những tín hữu của Ngài ở Trung Quốc.


 quan_am_6-content Muốn chiêm ngưỡng một buổi lễ vía Quan Âm thật lớn và đầy đủ, tốt nhất là nên đến một tự viện lớn ở Trung Hoa hay Nhật Bản, hay bất cứ một nước láng giềng nào quanh đó, trong ba kỳ lễ hội hàng năm rơi vào ngày mười chín của tháng hai, tháng sáu và tháng chín âm lịch. Lễ đầu tiên là ngày sinh nhật của ngài (một điều đáng ngạc nhiên khi ta nhớ lại rằng ngài không phải là một nhân vật lịch sử, mà được coi như đã sinh ra từ một tia sáng phát xuất từ mắt của Đức Phật A Di Đà); sau đó là buổi lễ tán dương lời thệ nguyện của ngài sẽ không nhập Niết Bàn chừng nào còn có chúng sinh lang thang trong biển khổ luân hồi; và rồi sau đó là lễ hội ăn mừng ngày chứng quả Bồ Tát của ngài. Có lần tôi đã may mắn được dự một buổi lễ trong một ngôi chùa lớn ven biển vùng phụ cận Amoy, một tự viện có mái cong đẹp như những mái nhà thường lệ của Trung Hoa, nhưng đáng chú ý là những bức tường chung quanh được xây bằng gạch mầu đỏ, thay vì mầu xám. Để biểu lộ cho sự thuần khiết trong tâm, việc giữ gìn sạch sẽ là thiết yếu, cho nên chánh điện thờ Tam Phật và điện thờ Quan Âm được lau quét thật cẩn thận, bóng láng cho không một hạt bụi nào còn xót lại. Ngoài ra, những ni cô và cư sĩ thập phương đến đó để dự lễ với tăng chúng trong chùa cũng đều lo tắm rửa sạch sẽ – nhưng tôi không nhớ là có tắm biển hay không.


 Khi đến giờ cử hành đại lễ vào buổi tối, đèn nến chiếu sáng rực, khói nhang trầm bay tỏa nghi ngút như những đám mây từ những lư hương đặt khắp nơi trong sân chùa, và những bàn thờ được trang hoàng đầy ắp những hoa và trái. Những người tham dự chia làm bốn thành phần – tăng chúng với áo cà sa bằng lụa nâu hay bằng vải đẹp với móc cài bằng ngọc thạch, phủ lên lớp áo tràng dài tay mầu đen, gợi nhớ đến những chiếc áo vàng của các vị sư Phật giáo thường mặc trong các nước vùng nhiệt đới; các ni cô, cũng cạo đầu và mặc áo ngoài mầu đen, phủ lên trên lớp áo trong mầu trắng tinh lộ ra nơi phần cổ và dưới tay áo, một kiểu ăn mặc trang trọng thích hợp cho buổi lễ; những nữ cư sĩ mặc áo lễ mầu trắng, và những phật tử bình thường như tôi thì phần lớn mặc áo dài lụa cổ truyền Trung Hoa, nhưng cũng có một số người mặc âu phục. Tất cả các nhóm, ngoại trừ nhóm cuối cùng, đều đã tịnh giới trước đó, không chỉ là tắm rửa sạch sẽ, mà còn thiền định để xả những vọng tưởng thế gian và những ý nghĩ lăng xăng không xứng hợp với buổi lễ. Tất cả mọi người trông đều sạch sẽ và nghiêm chỉnh, không có một chút gì là có vẻ phô trương cả.


 Một hồi trống bát nhã vang dội gọi mọi người về vân tập, những tín hữu ai nấy đi đến chỗ chỉ định của mình, các vị tăng đứng bên phải với các cư sĩ ở đàng sau, các vị ni ở bên trái theo sau là những cư sĩ áo trắng. Mỗi người, khi quỳ xuống trên gối, đều cúi lậy đê đầu sát đất, và khi tiếng chuông đánh lên báo hiệu, tất cả đều nhất tề cúi lậy ba lần. Tuy rằng có tới ít nhất hai trăm người tham dự, và cũng khá phức tạp để điều động mọi người, nhưng những động tác cũng được phối hợp thật nhịp nhàng với tiếng chuông khánh dẫn đầu. Cũng vậy, trong những ngày xa xưa, các vị quan đã theo tiếng trống chầu buổi sáng mà bái lậy Thiên Tử trong Cấm Thành.


 Lúc này, một cung bậc dịu dàng, ngân nga nổi lên; tiếng nhịp đập của chiếc mõ gỗ khổng lồ hình con kình ngư hòa lẫn với một tràng kinh tụng nghe biến đổi hơn một bài hát, nhưng không hẳn là một bài hát. Không cầu đến Quan Âm nhưng trực tiếp với đấng Pháp Vương (Đức Phật), bài tụng này đưa buổi lễ vào với ý nghĩa đúng thực của nó; bởi vì đối với các Phật tử, Quan Âm không phải là một vị thần tiên chủ yếu cho một đạo giáo nào riêng biệt, mà sự sùng kính ngài là xứng hợp trên mọi mặt với giáo lý và sự thực hành của Phật giáo Đại Thừa.

 

 Trong lư này thắp nén diệu hương

 Tỏa khắp cùng vũ trụ mười phương

 Cúng dường đấng Pháp Vương vô thượng

 

 Cầu xin ngài hằng gia hộ

 Cho pháp giới chúng sanh vô biên!

 Cầu xin ngài hằng gia hộ

 Cho pháp giới chúng sanh vô biên!

 

 Nam Mô chư Bồ Tát

 Sinh từ đám mây hương!

 

 Phước đức ngài trải rộng

 Như đám mây hương này

 Tâm Bồ Tát bao la

 Tỏa sáng khắp phương trời

 Chúng con xin đảnh lễ 

 Đấng Pháp Vương vô thượng

 Cầu mọi sự an lành

 Cho pháp giới chúng sanh

 Nam Mô Chư Bồ Tát

 Hiện nơi đám mây hương!

 

 Nhiều lúc trong buổi lễ có những bài tụng khác nhằm đưa đến một trạng thái cao siêu hơn của tâm. Có thể đó là một bài kệ lạ lùng, gồm có mười câu tán thán ngắn với một mật lực có tác động vượt ra ngoài sự nghĩ bàn, mỗi câu (trong thể nguyên bản của tiếng Trung Hoa) gồm có hai hoặc bốn tiếng như sau:

 

Quán Thế Âm!

Nam Mô Phật!

Nhân tự nơi ngài!

Quả tự nơi ngài!

Quả Phật Pháp Tăng!

Ngã trừ, trọn an lạc!

Sáng, tưởng Quán Âm!

Chiều, tưởng Quán Âm!

Mỗi câu niệm do tâm

Không niệm nào không do tâm!

 

 Rõ ràng là người ta có thể rút ra một ý nghĩa nào đó từ những câu tán thán này, nhưng làm như vậy có thể sẽ băng hoại đi cái tác dụng được nhắm đến trong những lời ấy.


 Bây giờ, tất cả đều im lặng và mọi người sẵn sàng để tụng kinh Phổ Môn, một phẩm trong Kinh Liên Hoa, một bài kinh nằm lòng đối với những tín hữu thường đem ra tụng hàng ngày. Đầu tiên là một đoạn văn kể lại Bồ Tát Vô Tận Ý hỏi Đức Phật trước pháp hội về năng lực cứu độ của Quán Âm Bồ Tát, và Đức Phật đã trả lời thật dài dòng cặn kẽ. Sau đó Bồ Tát Vô Tận Ý đã nói một bài kệ tóm lược lại cả câu hỏi của ngài và câu trả lời của Đức Phật. Vì đoạn văn xuôi và những đoạn văn vần có nhiều điều trùng hợp với nhau, ở đây tôi chỉ ghi lại đoạn văn vần (bài kệ tụng) lấy từ bản chữ Hán do Đại sư Cưu Ma La Thập chuyển dịch từ bản tiếng Phạn, vào khoảng thế kỷ thứ ba trước công nguyên. Trong vần độc âm của tiếng Trung Hoa, mỗi dòng thơ chỉ có năm chữ; khi được tụng lên trong nhịp điệu nhanh dồn dập, với tất cả lòng nhiệt tâm thành kính, bài kệ này sẽ đem lại một mãnh lực mà bản dịch tiếng Anh khó thể đạt được. Những âm điệu kỳ bí đập vào bên tai, những tia sáng rực rỡ trên bàn thờ tỏa vào các khoảng tối chập chờn bên dưới mái nhà cao, mùi hương hoa và nhang khói ngạt ngào quyện lẫn làm thành một khung cảnh huyền ảo, làm người ta dễ dàng tin rằng những phép lạ được kể đến có thể xẩy ra. Gần cuối, nhịp điệu càng nhanh hơn và khi đến đoạn bắt đầu bằng “Chân Quán, Thanh Tịnh Quán!” thì nhịp điệu đều đều năm chữ không còn nữa mà chuyển thành một âm điệu lôi cuốn với tiếng đập xối xả trên chiếc mõ gỗ sơn mài chạm trổ, cho một thanh âm trầm hùng vang xa. Trong khi những câu kệ ngắn với những đoạn nghỉ rõ rệt vẫn còn liên miên nối tiếp nhau, một cảm giác hỉ lạc say sưa càng lúc càng dâng cao:

 

Thế Tôn đủ tướng tốt

Con nay xin hỏi kia

Phật tử nhân duyên gì

Tên gọi Quán Thế Âm?

Đấng đầy đủ tướng tốt

Kệ đáp Vô Tận Ý:

Ông nghe hạnh Quán Âm

Khéo ứng các chỗ nơi

Thệ rộng sâu như biển

Nhiều kiếp chẳng nghĩ bàn

Hầu nhiều nghìn Đức Phật

Phát nguyện thanh tịnh lớn

Ta vì ông lược nói

Nghe tên cùng thấy thân

Tâm niệm chẳng luống qua

Hay diệt khổ các cõi

Giả sử sanh lòng hại

Xô rớt hầm lửa lớn

Do sức niệm Quán Âm

Hầm lửa biến thành ao.

Hoặc trôi dạt biển lớn

Các nạn quỷ, cá, rồng

Do sức niệm Quán Âm

Sóng mòi chẳng chìm được

Hoặc ở chót Tu Di

Bị người xô rớt xuống

Do sức niệm Quán Âm

Như mặt nguyệt treo không.

Hoặc bị người dữ rượt

Rớt xuống núi Kim Cang

Do sức niệm Quán Âm

Chẳng tốn đến mẩy lông.

Hoặc gặp oán tặc vây

Đều cầm dao làm hại

Do sức niệm Quán Âm

Đều liền sanh lòng lành.

Hoặc bị khổ nạn vua

Khi hành hình sắp chết

Do sức niệm Quán Âm

Dao liền gẫy từng đoạn.

Hoặc tù cấm xiềng xích

Tay chân bị gông cùm

Do sức niệm Quán Âm

Tháo rã được giải thoát.

Nguyền rủa các thuốc độc

Muốn hại đến thân đó

Do sức niệm Quán Âm

Trở lại nơi bổn nhơn.

Hoặc gặp La Sát dữ

Rồng độc các loài quỷ

Do sức niệm Quán Âm

Vội vàng bỏ chạy thẳng.

Rắn độc cùng bò cạp

Hơi độc khói lủa đốt

Do sức niệm Quán Âm

Theo tiếng tự bỏ đi.

Mây sấm nổ sét đánh

Tuôn giá, xối mưa lớn

Do sức niệm Quán Âm

Liền được tiêu tan cả.

Chúng sanh bị khổ ách

Vô lượng khổ bức thân

Quán Âm sức trí diệu

Hay cứu khổ thế gian

Đầy đủ sức thần thông

Rộng tu trí phương tiện

Các cõi nước mười phương

Không cõi nào chẳng hiện.

Các loài trong đường dữ:

Địa ngục, quỷ, súc sanh

Sanh, già, bệnh, chết khổ

Lần đều khiến dứt hết.

Chân quán! Thanh tịnh quán!

Trí huệ quán rộng lớn

Bi quán và từ quán

Thường nguyện thường chiêm ngưỡng.

Sáng thanh tịnh không nhơ

Huệ nhật phá các tối

Hay phục tai khói lửa

Khắp soi sáng thế gian.

Yù từ diệu dường mây

Xối mưa pháp cam lồ

Dứt trừ lửa phiền não

Cãi kiện qua chỗ quan

Trong quân trận sợ sệt

Do sức niệm Quán Âm

Cừu oán đều lui tan.

Diệu âm Quán Thế Âm

Phạm âm, Hải triều Âm

Tiếng hơn thế gian kia

Cho nên thường phải niệm

Niệm niệm chớ sanh nghi

Quán Âm bực Tịnh Thánh

Nơi khổ não nạn chết

Hay vì làm nương cậy

Đủ tất cả công đức

Mắt lành trông chúng sanh

Biển phước lớn không lường

Cho nên phải đảnh lễ!

 quan-yin-content


 Ấn tượng hơn nữa là phần đọc Đại Bi Tâm Đà la ni tiếp theo sau đó. Tiếng Trung Hoa cũng còn gọi chú này là Chú Đại Bi, một bài chú được coi như có hiệu năng thiện xảo nhất để cầu đến Quan Âm. Như tất cả những bài chú, lời của bài chú này có rất ít ý nghĩa, ngay cả trong thể nguyên bản tiếng Phạn của nó, và theo thể phiên âm của Trung Hoa lại càng không có nghĩa gì cả – ít nhất là đối với đại đa số những người đọc tụng. Hoà Thượng Tuyên Hóa đã có rút ra được phần nào ý nghĩa từ những chữ trong đó, nhưng có lẽ đó chỉ nên được coi như sự liệt kê của những mật ngữ hơn là một bản dịch ý nghĩa. Nhưng những tiếng rõ ràng là vô nghĩa đó khi được đọc lên lại có tác dụng làm tăng thêm, chứ không phải làm giảm đi cái năng lực của bài thần chú, bởi vì đọc chú là để đưa tâm thức đến một tầng lớp siêu vượt lên khỏi mọi khái niệm nghĩ bàn, vì khi còn nghĩ bàn là còn vướng vào trong ngữ nghĩa, và điều đó sẽ làm chướng ngại cho sự đạt ngộ tỉnh giác. Bài chú bằng tiếng Phạn sau đây là do Bác sĩ Suzuki đã dựng lại từ thể nguyên bản bằng tiếng Trung Hoa đã bị thất lạc trước đây:

 

 Namo ratna-trayãya namah ãrya avalokitesvarãya bodhisattvãya mahasattvãya mahãkarunikãya om sabalavati sudhanatasya namas-krivanimam ãrya avalokitesvara lamtabha namo nĩlakantha srĩmahapatasami sarvatodhusuphem asiyum sarvasada nama bhaga mabhatetu tadyathã om ãvaloki lokate kalati esili mahãbodhisattva sabho sabho mara mara masi masi ridhayum guru guru gamam turu turu bhasiyati mahã bhasiyati dhara dhara dhirini svaraya jala jala mama bhamara mudhili edhyehi sina sina alasim bhalasari bhasa bhasim bharasaya hulu hulu pra hulu hulu sri sara sara siri siri suru suru budhi budhi budhaya budhaya maitriye nĩlakantha trisarana bhayamana svãhã sitaya svãhã maha sitaya svaha sitayaye svaraya svãhã nĩlakanthi svãhã pranila svãhã srĩ sidha mukhaya svãhã sarva mahã astaya svãhã cakra astaya svãhã padma kesaya svãhã nĩlakanthe pantalaya svãhã mobholisankaraye svãhã namo ratna-trayãya namah ãrya avalokita ĩsvaraya svãhã om sidhyantu mantra pataye svãhã


 Bài chú đà la ni này có năng lực thật mãnh liệt, nhất là khi được đọc tụng trong khung cảnh như tôi đang mô tả, khiến cho tâm thức của con người bỗng bay cao theo thanh âm của thần chú tới một cõi giới sáng tỏ kỳ diệu. Aâm hưởng của bài chú trong buổi tối ấy khiến người ta dễ tin được rằng, khi Bồ Tát Quán Thế Âm lần đầu tiên nói bài chú này trước Đức Phật và các vị Bồ Tát, các hàng trời, người và thiên vương, toàn thể trái đất này đã rung động chuyển mình.


 Cao điểm của ngày lễ vía Quan Âm, tuy vậy, lại là lúc xướng niệm hồng danh của ngài, một nghi thức không thể nào bỏ qua được trong những buổi lễ như thế này. Đứng ngay hàng thẳng lối trước mặt bàn thờ, cả hội trường bắt đầu đồng thanh niệm Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát thật nhiều lần, với nhịp điệu chậm rãi và nghiêm trang ban đầu, rồi càng lúc càng nhanh dần. Sau đó, đáp lại một tiếng chuông thanh thoát, các tăng, ni, cư sĩ áo trắng và chư phật tử chuyển động thành một hàng dài để đi nhiễu. Hàng người dài trông giống một con rắn khổng lồ, lúc cuốn vào, lúc bung ra, ngoằn ngèo quanh ngôi chánh điện, đôi khi đi vòng quanh bàn thờ, đôi khi đi ngang qua những tượng ở đàng sau, luôn luôn theo chiều kim đồng hồ. Bây giờ, nhịp điệu đổi thành nhanh đến nỗi những bước chân trở nên quấn quít như chạy, và lúc ấy câu niệm thâu ngắn lại thành bốn chữ dồn dập Quan Âm Bồ Tát, Quan Âm Bồ Tát …. Nhìn mặt của những tín hữu, tôi chắc hẳn họ đang kinh nghiệm thấy Bồ Tát thị hiện nơi tâm họ. Rồi lại thêm một tiếng chuông thanh thoát nữa, lúc ấy hàng người dài giảm dần, từng người một đi lần trở về chỗ cũ của mình. Trong số những người hiện diện ấy, không biết có mấy người đã thoát ra khỏi những mê vọng của ngã chấp và thể nhập được sự an lạc tỏa chiếu, một trạng thái tỉnh giác bén nhậy không năng sở, giống như một tia sáng rực rỡ chiếu sáng trên một nền tuyết trắng mông mênh?


 Kể cũng lạ là, trong tất cả những pháp tu được xử dụng để đạt trí tuệ , không có cái nào bị giới Phật tử Tây phương chỉ trích mạnh mẽ như nghi thức này, tuy rằng trước nay đã có những vị Thiền sư và Lạt Ma Tây Tạng được nể trọng ở Tây phương lên tiếng tán thán. Không biết sao họ đã không nhận biết được cái mãnh lực tâm linh rộng lớn của nghi thức tụng niệm này. Nhưng tại sao? Lý tưởng ra thì, những người Tây phương thường được xem là hay dùng phương pháp khoa học để tìm hiểu những vấn đề mới lạ, đáng lẽ ra phải hăng hái thử nghiệm tất cả những nghi thức tâm linh được truyền dậy ở phương Đông, nhưng đàng này họ lại vội vàng đưa ra kết luận ngay và lớn tiếng ngợi khen một vài nghi thức trong khi bác bỏ nghi thức khác mà không cần thử gì cả.


 Quả thật là, trong những nước ở Viễn Đông thường cử hành những nghi thức tụng niệm này, cũng có nhiều ý kiến rất khác xa nhau về vấn đề làm thế nào, tại sao, và trong những điều kiện gì để những nghi thức ấy có hiệu lực. Tỷ dụ như ở Trung Quốc, người ta thường cho là nghi thức niệm Phật, nếu không kèm theo sự phát nguyện một tâm từ bi kiên cố, nhất là không muốn tạo sự đau khổ cho người khác, sẽ không có hiệu lực gì; trong khi ở Nhật Bản có những tín hữu thuộc về một số các môn phái Tịnh Độ lại cho rằng cái năng lực tâm linh có được hoàn toàn là do phước đức vô lượng của Đức Phật A Di Đà hay Quan Âm, chứ không phải do công đức của cá nhân. Quan điểm này đôi khi cũng được chia xẻ ở Trung Quốc, như câu chuyện lạ lùng sau đây, mà tôi đã được một viên chức Đài Loan kể lại cách đây không lâu khi ông này đến viếng thăm Bangkok.


 “Khi còn nhỏ tôi rất quyến luyến mẹ, và đã dễ dàng nghe lời mẹ tôi niệm danh hiệu Quan Âm hàng mấy trăm lần lúc trời vừa sáng và trong buổi chiều tà, cũng như những lúc nhàn rỗi trong ngày. Tôi làm vậy không phải chỉ để làm người vui lòng, mà cũng vì tôi cho rằng tất nhiên những gì mẹ bảo tôi làm phải là rất tốt rồi. Mẹ tôi là một người tuyệt vời, cả trong thiên chức làm vợ cũng như làm mẹ. Tuy đã yêu cha tôi với một mối tình chân chất trong suốt hai mươi năm trường, một tình yêu chỉ có ngày càng tăng chứ không giảm đi, bà đã không ngại ngùng tuyển chọn hai người thiếp xinh đẹp quyến rũ khác thường để làm ông vui, vì cảm thấy tuổi tác của mình không còn cung ứng cho ông được nữa. Bao nhiêu tháng sau ngày có hai người thiếp này rồi, bà vẫn còn hay nói đùa về cách ông chồng thích thú những cô gái trẻ này như thế nào, mà chẳng có một chút gì ghen tuông. Nhưng khi ông say mê đến độ phong cho cô thiếp lớn được làm địa vị Thái Thái (ngôi chính thất) trong nhà, bà đã đau khổ đến tận cùng. Không còn ham muốn chuyện tình dục, bà tưởng lầm rằng cho ông chồng vui chơi với sắc đẹp thì ông sẽ vẫn còn chung thủy với mình, nhất là chính bà đã cung cấp phương tiện cho ông, chứng tỏ bà đã yêu ông như thế nào chứ? Nhưng chẳng bao lâu, cô tì thiếp mười tám tuổi , với sự đồng tình của Cha tôi, đã tự xem mình thật quan trọng đến nỗi mẹ tôi thường bị làm nhục ngay trước mặt kẻ hầu người hạ trong nhà, kể cả đối với khách nữa! Đau buồn nhận ra rằng chồng mình chẳng còn yêu thương gì nữa, và cảm thấy cuộc đời không còn gì đáng sống, mỗi ngày bà đã bỏ ra hàng giờ sửa soạn cho sự vãng sanh nơi cõi liên hoa Tịnh Độ của Quan Thế Âm Bồ Tát. Và rồi bà vui mừng nhận thấy sức khỏe càng ngày càng yếu dần đi, và chỉ trong vòng một năm sau, mẹ tôi đã qua đời.


 Tất nhiên là Cha tôi cử hành tang lễ thật trọng thể cho xứng đáng với địa vị phu nhân của người có danh phận như ông, nhưng tôi tin rằng điều duy nhất làm ông buồn chỉ là trong thời gian để tang theo như phong tục cổ truyền, ông không được ngủ chung với các tì thiếp. Còn tôi, mắt tôi đã đỏ rừ vì khóc hết nước mắt; nhưng, không dám lộ vẻ giận dữ đối với cha mình, tôi đã trút sự chống đối lên Quan Âm!


 “Quan Âm Bồ Tát”, tôi thì thầm đay nghiến, “Ngài đã cướp mất mẹ tôi với những lời hứa hẹn trống rỗng! Ngài chẳng có cõi Tịnh Độ nào cả và không có cái gì là lòng từ bi trên cõi đời này!” Phản ứng của tôi như vậy có vẻ gì là cực đoan không? Tại sao một người đàn bà hiền lành tử tế như mẹ tôi, một tín đồ thuần thành của Đấng Đại Bi và một con người hoàn toàn đạo đức như vậy, lại có thể chịu sự đau khổ như thế này? Tại sao nền giáo dục tân thời đã không mở mắt cho tôi thấy được sự thật hiển nhiên là tất cả những gì liên hệ đến Quan Âm chỉ thuần là mê tín dị đoan? Kể từ khi mẹ mất rồi, tôi căm phẫn bỏ luôn không thèm niệm danh ngài nữa.


 Những ngày tháng đó tôi đang sống ở Quảng Đông, làm việc trong Văn phòng Ngoại Vụ của tỉnh và đang tạo cho mình một ít tiếng tăm qua những tiếp xúc đối đầu với giới thẩm quyền Anh quốc ở Hồng Kông – người Anh thường tỏ vẻ kiêu ngạo đối với người Trung Hoa, nhưng lại dễ bị qua mặt bởi vì họ hoàn toàn không biết đến những cách tế nhị. Khi họ ra vẻ phách lối, chúng tôi thường cười thầm với nhau sau những cánh quạt. Khi mãn tang, tôi được gia đình cưới cho một cô gái dễ thương bên nhà họ Trần, cuộc hôn nhân nhằm kết chặt mối giao hảo lâu đời giữa cha tôi và cha nàng. Tuy trước đây đã cực kỳ bất mãn vì cha tôi từ chối không cho tự do chọn lựa người hôn phối, nhưng khi cưới nàng về rồi, chẳng bao lâu tôi thấy rất thích nàng – thích đến nỗi, tôi sẵn sàng dùng bạo lực tối đa đối với người nào muốn xen vào giữa hai chúng tôi. Người ấy, như anh cũng đoán được, không phải ai khác hơn là Mẹ Hai của tôi, người hầu thiếp đang lên nước đã làm cho Cha tôi lú lẩn đi và khiến Mẹ tôi phải chết vì buồn. Làm bộ như là có cảm tình thực sự đối với Ying, cô dâu mới của tôi, con người có bộ mặt đẹp mà đáng ghét này đã tìm đủ mọi cách để phá mối tình cảm của chúng tôi. Tệ hơn nữa là bà ta làm như vậy chẳng để có lợi lộc gì. Tôi chắc rằng, bà ta chỉ hành động do cái tính ngạo ngược muốn làm những chuyện quái ác để gây sự đau khổ cho những người nào ở gần dễ bị tổn thương. Anh cũng biết loại đàn bà này chứ? Hồng Kông có vẻ là nơi chốn nuôi dưỡng cho những loại người như thế này. Tôi có kể cho anh nghe là mẹ tôi thoạt tiên đã gặp bà ấy ở Hồng Kông không? Bực bội đêm ngày với câu chuyện này, tôi đâm ra bị ám ảnh với ý tưởng muốn loại trừ con yêu nữ này khỏi gia đình – thật sự ra là, tôi muốn triệt hạ bà ta luôn! Chỉ cần sao cho có một phương tiện nào tuyệt đối an toàn để không có hậu quả nào không may xẩy ra cho tôi hoặc cho Ying thôi.


 Năm sau, khi đến ngày lễ Thanh Minh, cả gia đình chúng tôi lái xe đi ra ngoại biên Quảng Đông để tảo mộ. Phần mộ tổ tiên chúng tôi nằm trên một miếng đất thật tốt trên ngọn đồi thoai thoải, chiếm một khu vực lớn ở một trong những nghĩa địa nhỏ ở đấy. Theo như phong tục, chúng tôi để thịt quay, gà luộc và rượu trên một cái bàn đá giữa những ngôi mộ để cúng cho hương linh các vị tổ tiên trong nhà, tin tưởng rằng các vị ấy sẽ về hưởng tinh túy của các đồ ăn bầy cúng. Sau đó, chúng tôi sẽ đem những đồ cúng đã mất hết những chất tinh tuý ấy về ăn ở nhà. Tuy nhiên, hôm ấy Cha tôi lại quyết định cho ở lại ăn trên một góc đồi nhìn ra phong cảnh thật đẹp, nhưng cũng khuất xa khỏi những nơi đông đúc các người đi tảo mộ. Trong khi mọi người đang ngồi ăn uống, chúng tôi để ý thấy có một nhóm thanh niên mặc đồ bộ mầu đen, trông có vẻ như những kẻ bất hảo chuyên nghiệp. Chúng đứng đàng xa quan sát chúng tôi và thì thầm trao đổi, dường như để bàn bạc xem nếu đến ăn cướp một đám người đông đảo như chúng tôi thì có an toàn không. Thế rồi chúng bắt đầu tiến lại gần, và cha tôi, mỉm cười đầy ý nghĩa, đề nghị với hai chú tôi hãy nhân cơ hội này để thực tập xem sao. Những chai rượu được đặt lên trong một khoảng cách thuận tiện, và ba người đàn ông đứng tuổi, rút súng ra từ áo dài, bắn hàng chai ấy tan tành với chỉ một loạt đạn. Khi những tiếng súng đã lặng đi rồi, không thấy một tên áo đen nào còn ở đấy! Chúng đã thôi không dám làm phiền chúng tôi nữa.


 Một lúc sau đó, tôi quyết định đi rảo chung quanh để chắc chắn rằng chúng không còn ẩn nấp ở quanh đây. Và điều xẩy ra là, hoàn toàn tình cờ, tôi đã bắt gặp Mẹ Hai đang ở trong một nơi chốn thật là hẻo lánh, đang dáo dác tìm một cái cây hay một lùm bụi nào đó – ở những ngọn đồi như thế này có rất ít cây—để núp vào đó làm công việc vệ sinh. Chung quanh không có một bóng người và không có gì cản trở tôi thi hành một kế hoạch bỗng nhiên hiện ra trước mắt, kế hoạch đập cho bộ mặt đẹp đẽ ấy nát nhừ ra, lột hết nữ trang chôn đi và rồi vứt xác bà ta ngay sườn đồi cho người nào đi qua đấy cũng thấy được. Trong hoàn cảnh hiện tại, không ai có thể nghi ngờ bà ta đã bị cướp và giết bởi chính mấy tên vô lại đã theo rõi chúng tôi lúc đang ăn uống. Cơ hội triệt hạ bà ta, từng ôm ấp lâu nay, bỗng nhiên được những vị thần linh nào đó đặt vào tay tôi lúc này! Sao trông anh có vẻ sửng sốt vậy? Nhiệm vụ của một người con trai có hiếu, chẳng phải là báo thù cho bố hay mẹ sao.


 Vấn đề duy nhất của tôi bây giờ là làm sao tiến đến thật gần mà không làm bà ta hoảng sợ. Chắc hẳn bà cũng biết rõ ác cảm của tôi như thế nào rồi, và nếu bà la lớn lên, có thể sẽ có người khác chạy đến trước khi tôi kịp thanh toán đống nữ trang để làm ra vẻ như bị cướp. Còn vũ khí thì, chung quanh đây thiếu gì những hòn đá để làm công việc này. Vừa tiến đến gần với một nụ cười, tôi vừa nói: “Mẹ Hai, bà đi xa như thế này không có an toàn chút nào. Lỡ mấy người hồi nẫy thấy bà thì sao… “


 Trong khi nói tôi tiến sát đến gần, đưa mắt chọn hòn đá để làm công việc đó. Tôi chắc chắn là nét mặt của tôi không lộ ra chút nào cái ý đồ ấy – đừng quên mấy năm nay tôi đã là một nhà ngoại giao thành công. Nhưng không biết sao, bà ta đoán được những gì đang ở trong tâm tôi lúc đó, và đối lại, đã truyền cho tôi hiểu được cái biết ấy. Ồ không đâu, bà ta không có la hét hay lùi lại gì cả – không có chuyện gì như vậy đã xẩy ra. Mà ngược lại, bà đứng thật yên lặng, nhìn tôi nhoẻn một nụ cười thật đẹp, khiến cho những nét cứng rắn trên mặt bỗng tan biến đi, rồi nói một cách bình tĩnh: “Cứu khổ cứu nạn Bồ Tát lai!” (Cứu khổ cứu nạn Bồ Tát hãy đến đây!)


 Từ đôi môi chuyên nói những lời ác độc ấy, bỗng nhiên lại có lời cầu nguyện Quan Âm, quả thật là dị hợm, khiến tôi cười phá lên khi đang sửa soạn để túm lấy bà ta –thật ra là, tôi đang há miệng ra để cười thì lạ thay, miệng tôi mở ra bỗng cứng ngắc luôn, toàn thân tôi bỗngï nhiên bị tê liệt bất ngờ. Đang định dơ tay lên kềm lấy bà ta cho miệng bà áp chặt vào ngực tôi, hầu không thể kêu cứu được, bỗng bây giờ tôi đứng như hóa đá, không thể nháy được con mắt, đừng nói là thi hành kế hoạch đang định. Chưa bao giờ tôi thấy có người đàn bà nào trông lại vui vẻ, vững chãi như vậy. Mỉm miệng cười tươi, bà nói cám ơn tôi đã đến giúp, rồi quay lưng lại bước đi. Khi bà ấy đi đến nhập bọn với những người khác, tiếng cười của bà nghe lanh lảnh như tiếng ngọc chạm nhau. Chỉ trong vài giây, tôi lại cử động được như cũ, nhưng tất cả những ý tưởng sát hại bà ta đã bị chấn động văng mất khỏi tâm tôi mãi mãi. Tôi là cái gì mà dám đọ sức với Bồ Tát?


 Anh thấy thế nào chưa? Đây là một người đàn bà hoàn toàn vô đạo đức, một hạng người tinh ma đến mức ác độc, trái ngược hẳn với những tín đồ bình thường của Quan Âm. Nhưng bà ta đã thoát chết không ngoài lý do là có lòng tin tuyệt đối nơi lời nguyện của Bồ Tát đại bi muốn cứu độ chúng sanh tất cả mọi loài. Giả thử như Mẹ Hai có là một con quỷ, hay con chồn tinh đi nữa, điều đó cũng chẳng có gì khác biệt. Lòng từ bi của Quan Âm trải đến cả những kẻ tồi tệ nhất trong những ác nhân, dù rằng dĩ nhiên ngài không giúp chúng trong những việc làm xấu ác. Ngài luôn luôn tìm cách chuyển hóa thiện thành ác. Tỷ dụ như tôi đây chẳng hạn, ngay ngày hôm đó tôi đã tiếp tục niệm lại danh hiệu của ngài và quỳ xuống lậy cảm tạ ngài đã cứu tôi khỏi phạm vào tội giết người. Hơn thế nữa, một điều bất ngờ là, Mẹ Hai kể từ đó đã không tìm cách ly gián Ying với tôi nữa và có một đôi lần còn tử tế với Ying khác thường, trong khi chịu nhận phần thiệt về mình. Có thể là Bồ Tát không những đã cứu bàø ta khỏi chết mà còn hướng bà ra khỏi con đường xấu ác nữa. Tôi sẽ không bao giờ thích được người đàn bà ấy, nhưng phải công nhận rằng, bà ta đã không làm điều gì xấu nữa kể từ khi mạng sống của bà được bảo toàn. Sự say mê của cha tôi đối với bà ấy sau này cũng đã nguội lạnh, và đôi khi tôi tự hỏi, không biết nguyên nhân có phải là vì bây giờ bà ta có vẻ hiền lành hơn trước nhiều hay không.”


 quan_am_8-content Một vị sư quen biết, khi nghe tôi kể lại chuyện này, đã không tỏ vẻ gì ngạc nhiên. Ông nói nhẹ nhàng :“Chúng ta vẫn luôn luôn biết là Quan Âm cứu độ tất cả mọi loài chúng sanh mà.”


 Ở Trung Quốc, niệm danh hiệu của ngài mà có một thái độ bất thiện là không được tán thành, điều đó đã được Hoà thượng Pháp sư Tuyên Hóa nói đến cách đây không lâu khi ngài tán dương kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni. Kinh này mở đầu với sự liệt kê tên và danh hiệu của các vị Bồ Tát, thiên vương, những hàng trời người đệ tử của Phật hiện diện trong pháp hội ở núi Phổ Đà La. Bấy giờ, Đức Quan Thế Âm Bồ Tát vì muốn làm cho tất cả chúng sinh được “lợi ích an vui”, nên phóng kim quang rực rỡ sáng chói khiến mặt trời, mặt trăng đều bị lấn áp mờ đi, và với sự cho phép của Đức Thế Tôn, đã nói lời ngợi khen những công hiệu của thần chú Đà La Ni trong sự diệt trừ vô lượng nghiệp ác tội nặng, làm tiêu tan sợ hãi và hoàn thành những điều mong cầu. Ngài kể lại vô lượng ức kiếp về trước, đã được thọ trì thần chú này từ Đức Phật hiệu là Thiên Quang Vương Tịnh Trụ Như Lai (tâm vô chướng ngại?), nhờ đó đã chứng ngay từ sơ địa lên đệ bát địa Bồ Tát. Lúc bấy giờ ngài đã vui mừng phát nguyện rằng, “Nếu trong đời vị lai, con có thể làm lợi ích an vui cho chúng sanh với thần chú này, xin cho con liền sanh ra ngàn tay ngàn mắt.” Lời nguyện đó lập tức được đáp ứng, ngàn tay ngàn mắt đều hiện đủ nơi thân. Sau đó, ngài nói với pháp hội rằng nếu trì tụng chú này, sẽ không còn chịu thân bào thai, mà được hóa sanh nơi hoa sen (nơi cõi Tịnh Độ), thường được gặp Phật nghe Pháp; được mắt trí huệ; độ các chúng sanh; được phương tiện khéo; lên thuyền Bát Nhã; qua khỏi biển khổ luân hồi; được giới định đạo; sớm lên non Niết Bàn; mau về nhà vô vi; đồng thân pháp tánh. Nói những lời ấy rồi, Ngài lại phát nguyện trước Đức Phật:


“Bạch Đức Thế Tôn, nếu có chúng sanh nào trì tụng thần chú Đại Bi Tâm Đà La Ni mà còn đọa vào ba đường ác, con thề không thành Chánh Giác.

Nếu trì tụng thần chú Đại Bi mà không được sanh về các cõi Phật, con thề không thành Chánh Giác.

Nếu trì tụng thần chú Đại Bi mà không đuợc vô lượng tam muội biện tài, con thề không thành Chánh Giác.

Nếu trì tụng thần chú Đại Bi mà tất cả sự mong cầu trong đời hiện tại không được như ý, thì người ấy không phải đã trì tụng đúng thần chú Đại Bi Tâm, mà phải buông bỏ những việc làm bất thiện, tâm không chí thành.”


 Nguyện như vậy rồi, Ngài còn nói thêm rằng, trì tụng chú Đại Bi sẽ tránh được tất cả những cái chết hoạnh tử và được sanh vào những chỗ an lành, gặp đủ nhân duyên để sống đời đạo hạnh, có trí huệ và đạt được Giác Ngộ. Sau đó Ngài đã truyền lại cho pháp hội nghe những lời của thần chú linh thiêng này, ngay khi đó cõi đất sáu phen biến động, mưa hoa báu rơi tuôn, mười phương chư Phật thẩy đều vui mừng, thiên ma ngoại đạo sợ dựng lông tóc.


 Ngài lại tiếp tục rằng, quả đạt được do sự trì tụng thần chú này là một tâm có những dạng như sau: tâm đại bi, tâm bình đẳng, tâm vô vi, tâm không nhiễm trước, tâm quán Không, tâm cung kính, tâm khiêm nhường, tâm không tạp loạn, tâm không đối đãi, và tâm vô thượng Bồ Đề. Tuy nhiên, người trì tụng phải phát tâm Bồ Đề nguyện độ tất cả chúng sinh muôn loài, giữ gìn trai giới, như vậy mới được Quan Aâm hộ trì. Bài kinh này sau đó dậy cách dùng thần chú để hàng phục các thiên ma ngoại đạo, sai khiến quỷ thần, chữa lành mọi bệnh tật thế gian v.v… Kết thúc, Đức Phật ngợi khen thần chú Đà La Ni này và tất cả pháp hội thẩy đều tỏ ý vui mừng.


 Ngôn ngữ trong kinh này thật là gợi cảm, gợi hình, nhưng nội dung, tuy có nói nhiều đến những lý tưởng cao cả nhất, đối với người đọc ngày nay lại có vẻ quá thiên về huyền hoặc, trừ khi người ta nhận ra rằng, như tất cả những bài thần chú và những bản kinh huyền nghĩa khác, chữ nghĩa trong đó có thể được diễn giải qua vài trình độ khác nhau. Hòa thượng Tuyên Hóa đã có lời bình nổi tiếng đại ý như sau: “Người nào đọc Chú Đại Bi mà không mang một tâm từ bi thì đúng ra là không đọc Chú Đại Bi, còn người có tâm từ bi thì không cần phải đọc chú ấy cũng thực như là đang đọc vậy.”


 Người ta có thể thắc mắc với sự diễn giải này, vì rõ ràng là có những người có lòng từ bi như Hoà Thượng Tuyên Hóa nói đó trên thực tế không thấy nhận được những lợi ích như trong kinh kể ra. Nhưng có thực là như vậy không? Ở miền Đông Nam Á, có những thời kỳ trong năm, hàng ngàn các vị sư Phật giáo đã đi vào rừng núi nhập thất trong đó, nhưng chẳng bao giờ nghe nói có ai đã bị rắn cắn hay bị thú dữ vồ. Trong tâm đầy lòng từ bi với tất cả chúng sinh, họ đã ở trong rừng sâu mà không lo lắng gì đến hiểm nguy. Cũng vậy, những cư sĩ Phật tử vốn không ưa thích chuyện thế gian cũng không muốn dính dáng gì đến những đấu tranh hay hoạt động chính trị, tôn giáo hoặc xã hội khác, nên sống một đời bình an không phải sợ tai mắt của những cơ quan mật vụ, không sợ chính quyền bắt vì tội chống đối và bị bỏ tù trong những trại tập trung hay bị “thanh toán”. Ít nhất là trong ý nghĩa đó, cửa ngục hình cũng đã mở toang và thanh kiếm của người đao phủ đã bị bẻ gẫy rồi.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng