Chương Bảy - Những nghi thức quán tưởng Mật Tông

14 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 17898)



Chương Bẩy

 

 Những nghi thức quán tưởng Mật tông

 

 

Vì thế cho nên thường phải niệm.


 (Kinh Liên Hoa)

 

 quan_am_5-content


 Nấp trong một ngọn núi hình móng ngựa ở ngay trung tâm của vùng cây trái Shan Tung là một ngôi chùa Phật giáo tôi rất thích đến thăm trong những ngày nghỉ lâu cuối tuần. Con đường lát đá vào chùa đi ngoằn ngoèo qua hàng bao nhiêu dậm vườn cây ăn trái, vào mùa xuân phủ lên những lớp hoa đủ mầu, và mùa thu thì nặng chĩu những quả đào, mận và lê xá lỵ. Cuối cùng, khi đến ngọn núi, người ta thưởng thức phong cảnh núi đá gập ghềnh, lởm chởm như trong hàng trăm bức họa phong cảnh của Trung Hoa, vì người Trung Hoa thường thích vẻ đẹp của những tảng đá dị kỳ và nhìn thấy trong đó cả một tập hợp giả tưởng của những con thú – chỗ này một cặp sư tử đang đùa dỡn với nhau, kia một con hổ đang hiền từ chơi với một con rùa, đâu đó một con Kỳ đang gập con Lân, hai con vật một nam, một nữ, được xem như biểu tượng cho sự tốt lành may mắn khác thường của người Trung Hoa.


 

 Ngôi chùa, xưa kia từng được triều đình bảo trợ, nhưng từ lâu nay đã trải qua nhiều thời kỳ khó khăn, và trong khoảng thập niên giữa những năm 1930, đã chỉ còn một vị sư duy nhất trụ trì. Vị sư ấy khoảng năm mươi tuổi, mặc một cái áo vá nhiều chỗ, và vốn xuất thân từ một gia đình nông dân ở Shantung, nên thoạt trông bề ngoài có vẻ như một ông từ giữ chùa dốt nát quê mùa, nhưng nếu nhìn mắt ông thì sẽ thấy khác hẳn. Hai con ngươi trong mắt ông trông nhỏ hẹp như chỉ mở ra có một nửa, nhưng tia mắt đầy thông minh và vẻ hài hước, mí mắt lại co dãn khác thường, vì đột nhiên mắt ông có thể mở rộng ra và lớn lạ lùng như mắt quỷ. Tôi nghĩ chắc ông thích làm bộ mặt quỷ lắm, hơn nữa như vậy cũng làm cho ông gây thêm ấn tượng với người khác. Lần đầu tiên gặp ông, tôi vừa mới từ miền Nam Trung Hoa đến, trong tâm còn đang thắc mắc với những câu hỏi chưa giải quyết về thực chất của Quan Âm. Một buổi tối, sau bữa ăn với rau luộc, canh kê và cơm gạo lức, tôi nói đến lòngï ngưỡng mộ với Bồ Tát và sự tham dự những nghi lễ cúng dường Ngài đã làm tinh thần tôi lên cao như thế nào, mặc dù tôi không thể biết chắc tại sao như thế.

 


 “Nghi lễ à!” ông kêu lên, mỉm cười như đang thầm nghĩ đến một câu nói đùa nào đó. “Tụng kinh Pháp Hoa à? Chú Đại Bi Tâm Đà La Ni à? Niệm danh Phật à? Tất cả những điều đó đều tốt lắm, nếu anh lười biếng hoặc quá vương mang trong chốn trần lao để mà muốn tu một cách nghiêm chỉnh. Nhưng anh, vì có sự ngưỡng mộ với Bồ Tát như vậy, hẳn là đã có căn cơ từ bao nhiêu kiếp trước đây, anh phải làm hơn thế mới phải – trừ khi là anh hiểu rõ được ý nghĩa của pháp môn niệm Phật và biết cách dùng chúng để đạt đạo quả—tuy nhiên, đó lại là chuyện khác. Tuy thế, nếu anh mong muốn biết Bồ Tát, thì phải tọa thiền! Nếu không tọa thiền, học giáo pháp Phật cũng giống như học đánh kiếm mà không có được cây gậy trong tay, như học bắn cung với một cây cung thật đẹp mà chẳng có được một mũi tên để bắn!”

 


 “Tôi có tọa thiền chứ!” Tôi bực tức trả lời, tuổi trẻ háo thắng khiến tôi cảm thấy khó chịu khi bị đánh giá thấp những tiến bộ đáng kể của mình, nhất là nếu kể đến trường hợp tôi là người ngoại quốc còn rất mới lạ với những điều như thế này.

 

 “A, thế thì,” vị sư thở ra, làm bộ như thán phục lắm. “Có thể nào đạo hữu hoan hỉ cho tiện tăng này biết tọa thiền như thế nào không. Rất mong được đạo hữu chỉ giáo.”

 

 “ Coi kìa Thượng tọa!” tôi phản đối, khó chịu với lời nói châm chọc của ông, nhưng rồi bắt đầu kể lại cho ông nghe với một chút tự mãn làm sao tôi đã thử một phương pháp tọa thiền rồi bỏ đi, và rồi học được từ một vị ni cô già một phương pháp rất thích hợp với tôi. 

 

 

 Ông ta lắng nghe với vẻ mặt châm biếm, đôi mắt nhìn chòng chọc vào mặt tôi như muốn đọc được những gì bên trong, những tia mắt sáng lóng lánh lóe lên dưới ánh đèn. Thái độ của ông làm tôi thấy khó chịu, và tôi áy náy chờ đợi lời bình luận của ông trong khoảnh khắc im lặng nặng nề theo sau. Câu trả lời bắn ra, cộc lốc và lạnh lùng như cách nói đột ngột của ông. “Bẩy phần tốt!” ông la lớn lên, đôi mắt tóe lửa, tròn xoe như mắt con quỷ lưỡi dài. Ý nghĩa câu nói này làm tôi hoang mang. “Tám phần thì được bẩy”, là câu thành ngữ của Trung Hoa có ý nghĩa tương tự như “được chín phần mười”. Tôi đang ngồi suy ngẫm thì, bất thình lình, ông dơ ngón tay trỏ chỉ vào mặt tôi như một thanh kiếm. “Nhưng phần thứ tám mới là đáng kể!”, ông nói thêm, rồi phá lên cười vô cớ cho đến khi thấy vẻ mặt đau khổ của tôi, ông mới dịu giọng xuống: “Bạn hiền ơi, bạn hiền ơi, đừng có hốt hoảng với con người cục mịch, không biết gì này. Nhưng bạn có biết tại sao bẩy phần cũng chẳng khác gì không có phần nào không?” Hất hàm về phía ấm nước đang âm ỉ trên lò than, ông nói:” Theo chỗ tôi biết, nước trong ấm có thể đã nóng được bẩy phần, nhưng cho đến khi nó chưa sôi, ai có thể pha thứ trà gì được bây giờ? Tôi cũng chắc chắn là anh rất thành tâm, thành ý tọa thiền, nhưng Quan Âm đã thọ ký cho sự thành công của anh chưa?”

 

 “Thế thì – à—có nghĩa là tôi phải chờ đợi thấy một linh ảnh hay sao?”


 “Ối chà!” Ông khịt khịt mũi, ra vẻ khinh bỉ. “Cái đó thì được tích sự gì? Tôi muốn nói là, bây giờ, anh có biết Quan Âm là thế nào không?”


 “Cái đó,” tôi buồn rầu trả lời, “chính là điều tôi ước ao được biết và—“


 “—và anh hi vọng tôi sẽ nói cho anh câu trả lời,” ông vui vẻ ngắt lời, “làm như lời nói của phàm nhân là ngôn ngữ của thần thánh vậy. Được, tôi sẽ nói cho anh biết phải làm thế nào. Tất cả điều anh cần làm chỉ là nhẩy một bước dài băng ngang biển khổ luân hồi, như Tôn Ngộ Không ngày xưa đã nhẩy đi từ ngón tay Phật vậy, và đến thăm cái tâm nguyên thủy của anh. Thế là bây giờ anh đã biết làm thế nào rồi chứ. Còn tìm ở đâu hả, điều đó thì khó khăn hơn, vì trú sở của tâm chẳng có ở đâu cả, và nó cũng chẳng trú ở đâu. Hãy để giòng tư tưởng lan man của anh lắng yên xuống. Khi tâm anh chiếu sáng như mặt trời trên một khoảng không gian trống rỗng, Bồ Tát sẽ thị hiện. Cái phần thứ tám đó chính anh sẽ là người thực hiện, nhưng đừng quên cám ơn người cha này đã nhắc nhở anh phải bỏ đi bẩy phần kia nhé. Thế nào, sáng nay anh đi bộ ra sao? Có trèo lên cao trên sương mù không?”

 

 Sự đột ngột chuyển đề tài này có nghĩa là ông không muốn bàn luận gì hơn. Tuy vậy, ông cũng đã giúp tôi rất nhiều rồi. Có lẽ là tôi phải bỏ đi sự tự mãn vô lối về những “tiến bộ” trong tu thiền của tôi. Cho đến khi nước trong ấm của tôi sôi lên, thì nó cũng đâu có hơn gì nước lạnh. Tuy nhiên? Nước muốn sôi, phải được đun nóng lên dần chứ. Hay không phải như vậy? Ai có thể đo lường được ý nghĩa câu nói này? Các Phật tử trong Thiền tông đã bàn luận về vấn đề này cả ngàn năm nay, mà chưa đi đến được một sự thỏa thuận nào.

 


 Điều đặc biệt trong buổi trao đổi tối hôm ấy của chúng tôi là ở đây, một vị tăng rõ ràng đang tu Thiền, lại không hề chê bai bác bỏ pháp tu của Tịnh Độ, mà thấy chúng là một với nhau. Nhận xét của ông về việc phải biết rõ ý nghĩa quan trọng thực sự của pháp môn niệm Phật đã chỉ cho thấy ông tin tưởng chúng hoàn toàn có hiệu lực nếu được hiểu và hành đúng. Trong khắp các nơi ở Trung Quốc, tôi thấy đều có cái nhìn như vậy đối với tất cả các môn phái và pháp tu, xem chúng như những phương tiện hữu dụng để đến với chân lý. Nếu sách này có mang một lời nhắn gởi nào đó với các Phật tử Tây phương, lời nhắn ấy sẽ là: “ Đừng có rơi vào cái bẫy của sự phân biệt những cái khác nhau bề ngoài của hình tướng. Thiền, Tịnh Độ, hay Mật tông không phải là ba lối đi đến một mục tiêu chung, mà là ba cửa ngõ dẫn vào một lối đi, hay có thể cùng là một cửa ngõ duy nhất nhìn dưới nhiều ánh sáng khác nhau.”

 


 Đêm ấy nằm trong giường nệm và gối làm bằng cỏ nhồi vội vàng, thân mình tôi bị những cọng cỏ đâm vào nhưng cũng cảm thấy thật dễ chịu với mùi hương nhẹ nhàng của chúng; tôi kiểm điểm lại những tiến bộ đã đạt được từ trước đến nay. Khi ở miền Nam Trung Quốc, tôi đã bắt đầu bằng cách thử một phương pháp quán tưởng được nói đến trong kinh A Di Đà, nhưng rồi bỏ ngay, cho là nó vượt ngoài khả năng của tôi (hay có lẽ bởi vì tôi không có duyên được học với một vị Thầy của môn phái Tịnh Độ, nên không biết cách làm cho đúng chăng).

 


tam_the_phat_1-content Trong kinh ấy, Quan Âm được biểu thị như một thành phần của Ba vị Phật , đối tượng của tám cách quán được đề ra. Người ta phải quán đến ba hoa sen khổng lồ trên đó có hình ảnh của A Di Đà đứng trên, hai bên là Quan Âm và Đại Thế Chí Bồ Tát; từ thân họ phát ra những ánh kim quang rực rỡ chiếu lên vô số những cây ngọc báu; và ở gốc những cây này, hiện ra vô số những hình ảnh của ba vị Phật này. Quán như vậy cũng chưa đáng kể gì nếu so với những điều phải quán về sau. Trong phần thứ mười, sự quán tưởng tập trung hết vào Quan Âm, lúc đó kim thân của ngài được quán là cao tới tám trăm triệu triệu do tuần, hay theo một số cách diễn giải, là tám mươi ngàn triệu triệu! (Ông Charles Luk cho chúng tôi biết là một do tuần là tương đương với một ngày đường của một đội quân, nhưng dù nếu nó chỉ bằng vài centimetres thôi, độ cao như vậy cũng vượt ra ngoài khái niệm của con người). Trong ánh hào quang của Bồ Tát được thấy có năm trăm vị Phật trong dạng hóa thân, mỗi vị lại được theo sau với năm trăm vị khác trong dạng báo thân và vô số những vị thần. Giữa hai lông mày của Bồ Tát là một chùm bẩy mầu phát ra những ánh quang tám mươi bốn ngàn sắc, trong mỗi ánh quang ấy lại có vô số hóa thân Phật bao quanh với vô số báo thân Phật! Mỗi đầu ngón tay Bồ Tát có tám mươi bốn ngàn đường kẻ rất rõ ràng – và vân vân! Sự to tát vĩ đại quá mức ấy làm cho tôi nản lòng. Dĩ nhiên cũng có nhiều người đã thực tập những cách quán này và có thể là nếu lúc đó tôi được chỉ dẫn đúng mức, tôi sẽ không sợ hãi mà thối chí. Bây giờ thì tôi biết rằng không nên hiểu những con số ấy theo ý nghĩa phiến diện, bởi vì chúng được dùng với mục đích cũng giống như những công án của Thiền, tức là để làm cho tâm trí phải vận dụng tới quá mức giới hạn, khiến cho ý thức “bình thường” sẽ biến đi nhường chỗ cho một ý thức phi thường. Tuy nhiên, sự hiểu biết này đến với tôi quá trễ, hậu quả là tôi chưa bao giờ được học đàng hoàng về kỹ thuật quán tưởng này, hay được một vị Pháp sư giỏi chỉ giáo những điều cần phải làm. Lúc ấy tôi đã quyết định không chút ngần ngại rằng kỹ thuật này là không thích hợp với tôi và rồi cố đi tìm những cách nào giản dị hơn.


 

 Một ngày nọ, khi đến thăm tỉnh Quảng Đông, tôi đã có cơ hội hỏi chuyện một vị ni cô già đang ở tạm trong một căn phòng tăm tối trực thuộc Tu viện Ta Fu Szu , không biết vì lý do gì nay đã không còn hoạt động. Với một chút bông đùa, tôi nói chuyện với bà về sự bất lực của tôi trong vấn đề tưởng tượng những con số lớn lao như thế, khiến bà nhìn tôi một cách nghiêm khắc; nhưng vốn là người hiền lành, nên bà đã mời tôi một chén trà và nói thẳng thắn: “Tôi không biết gì về việc đó, tiên sinh ạ. Kinh nói như vậy, thì tiên sinh hãy yên chí rằng trong đó phải có rất nhiều ý nghĩa. Nhưng tôi thì lại làm khác, bởi vì già cả ngu dốt như tôi thì chỉ cố làm hết sức cái gì làm được thôi. Chắc tiên sinh sẽ không muốn rộn óc với những phương pháp già này dùng đâu.”

 

 “Bác lầm rồi. Tôi rất muốn được biết bác làm như thế nào chứ. Bạn bè tôi kể rằng bác rất sùng kính Quan Âm, nên tôi đến đây cốt để học hỏi từ bác đó.”

 

 Đôi mắt lờ đờ ngước nhìn tôi như muốn dò hỏi xem tôi có đang diễu cợt gì không, bởi vì một bà già với vị thế khiêm nhường như bà có mấy khi được một người trí thức tìm đến, đừng nói là một ngoại nhân như tôi.

 


 Khi bằng lòng rồi, bà nhận xét như sau: “Tùy ý Tiên sinh, tuy tôi không hiểu được tại sao bạn ngài lại giới thiệu ngài đến đây. Tôi chắc rồi ngài sẽ thất vọng thôi. Đây, ngài cầm lấy cây quạt này đi. Trà nóng làm cho ngài đổ mồ hôi rồi. Quạt sẽ làm cho muỗi bay đi nữa. Ngài có bao giờ thấy nhiều muỗi như vậy chưa? Quảng Đông này đầy những con người tham lam. Đôi khi tôi nghĩ, chắc vì vậy mà có hàng đàn muỗi như thế. Chúng là những người tham đầu thai lại đó. Đó là một cách để trả nghiệp báo mà. Loài muỗi thường ít khi được ăn đủ, và khi có được ăn một bữa no nê, thì có thể chúng lại bị đập chết tươi trước khi ăn xong. Nhưng tôi đang định nói gì nhỉ? À đúng rồi, tọa thiền ấy mà.”

 


 Tính hay thích nói nhiều như những người già khác, bà nói lan man về tuổi trẻ, về làng mạc quê quán ngày xưa, về số anh em trong gia đình và tính tình của họ, và về bao nhiêu những điều linh tinh khác trong khi tôi đang chiến đấu vất vả với đám linh thức tham lam đang đầu thai thành những con vật có đôi cánh vo ve kia, nhưng dần dần tôi chú ý đến lời của bà hơn. Khi còn trẻ bà đã được hứa hôn, nhưng cạâu thanh niên hôn phu của bà đã mất mạng sau một cuộc ẩu đả trong địa phương, và bà phải đến Quảng Đông để tìm việc làm gia nhân. Không có gì lạ xẩy ra cho đến khi bà được ngoài năm mươi tuổi, lúc ấy bà chủ mất một cái vòng ngọc đã đổ tội cho bà, đánh đập rồi đuổi ra khỏi nhà. Sau đó Ah Cheng, tên bà được gọi lúc đó, phải lang thang khắp nơi tìm kiếm một việc làm nào ở thật xa Quảng Đông, nơi bà bị mang tiếng oan là đã ăn cắp. Một đêm nọ, bà vào trú trong một ngôi chùa thờ Quan Âm có hai vị ni cô đang tu ở đó. Lúc nửa đêm, bà bò vào trong điện thờ, dâng lên vị Bồ Tát lời cầu nguyện nhuốm đầy tuyệt vọng, nhưng cũng pha chút tinh ranh của một người quê.

 

 “Bồ Tát linh thiêng, con cùng đường rồi. Chẳng còn đồng nào để đi thuyền ngày mai, chẳng còn sức đâu để đi bộ đến tỉnh kế tiếp, chẳng còn tiền để ở lại đây. Không còn gì hết cả. Người ta nói ngài hay cứu chúng sinh. Nhưng con không chắc có tin được không, vậy ngài hãy cho con thấy là có thực đi!”

 


 Sáng đến, trong khi bà đang kiếm bữa điểm tâm bằng cách quét dọn sân và làm những công việc lặt vặt, một thương gia giận dữ chạy vào, la lối om sòm không với ai cả: “Mấy thằng chó chết đó bỏ tôi ở đây đi mất rồi! Má chúng nó! Bây giờ ai trông con bé con này đây? Cả ngày cứ phải rộn với nó. Tôi muốn mướn ai ở đây chịu trông nó cho đến khi tôi về, không biết được không. Thế có ai ở đây chịu không?”

 


 Số là đã có sự lộn xộn nhầm lẫn xẩy ra. Người đàn ông ăn to nói lớn, nhưng không xấu tính này đã bị lỡ đường với vài kiện vải và một cô cháu gái mới hai tuổi, cách một trăm lý đường sông trước khi về đến nơi. Ah Cheng tự nguyện đi theo ông và chăm sóc đứa bé, và ông đã hài lòng với sự phục vụ của bà đến nỗi nhận mướn bà làm vú em trong nhà cho đến khi ông chết vài năm sau. Suốt trong thời gian đó, bà được đối xử nhân đạo và trả công hậu hĩnh. Quả là không bao giờ bà dám nghi ngờ đây không phải là sự can thiệp của Quan Âm, và từ đó, sáng cũng như tối, ngày nào bà cũng làm lễ với vị Bồ Tát này.

 

 “Đầu tiên, Tiên sinh biết đó, tôi chỉ niệm danh ngài thôi. Nhưng cái đó không thì chưa đủ. Tôi còn muốn thấy Ngài cơ. Nên tôi đến chùa ở Kai Ping hỏi xem phải làm cách nào. Một vị sư ở đó đã dậy tôi một phương pháp hay lắm. Ta ngồi trên một ngọn đồi, hay chỗ nào cao để không thấy có gì đàng trước ngoài bầu trời xanh. Nếu không thì ngồi trước bức tường trống cũng được. Rồi làm cho tâm mình trống rỗng. Chẳng có gì trong đấy cả. Làm sao thấy như vậy đó – không có gì, trống rỗng. Nhưng rồiø ta lại nói, à, cũng có gì chứ.. Nhìn xem, ngoài kia là biển và mặt trăng đang lên – tròn, đầy, trắng sáng. Và ta thấy như thế đó – mặt biển , ánh trăng sáng bạc trên những gợn sóng lăn tăn. Lơ lửng treo trên màn trời tối thẫm đó là mặt trăng lớn –thật sáng, nhưng không làm chóa mắt—có thể nói là một ánh sáng dịu dàng. Ta nhìn mặt trăng thật là lâu, cảm thấy sự an lạc trong đó. Rồi trăng nhỏ dần đi, nhưng càng ngày càng sáng cho đến khi chỉ bằng một viên ngọc trai hay một hạt đậu sáng rực đến nỗi ta không nhìn thẳng vào được nữa. Viên ngọc trai đó bắt đầu lớn dần, và trước khi ta kịp biết, chính là Quan Âm đang đứng trên nền trời, sáng ngời trong y phục mầu trắng, chân Ngài đặt trên một đóa hoa sen nổi bồng bềnh trên sóng. Thế đó, nếu biết cách tập như vậy, mình sẽ thấy được Ngài, thật rõ ràng như tôi đang thấy tiên sinh ngồi đó trước khung cửa sổ – còn rõ hơn, bởi vì mặt Ngài không ở trong bóng tối, áo của Ngài còn chiếu sáng lấp lánh và quanh đầu Ngài là một vừng hào quang, hơn thế toàn thân Ngài cũng tỏa ra một vừng hào quang hình bầu dục bao quanh nữa. Ngài nhìn ta mỉm cười – một nụ cười thật đáng yêu. Ngài hoan hỉ thấy ta đến nỗi trên mắt Ngài lóng lánh những giọt lệ vui mừng. Nếu ta giữ cho tâm được định bằng cách liên tục niệm tên Ngài và đừng có cố dụng tâm, Ngài sẽ ở đó thật lâu, lâu lắm. Khi Ngài đi là hình ảnh đó sẽ dần dần nhỏ đi. Ngài không trở lại thành viên ngọc trai nữa, nhưng chỉ biến thành nhỏ đến nỗi cuối cùng, ta không thể thấy Ngài được nữa. Thế rồi, bỗng nhiên ta thấy bầu trời và bãi biển cũng biến mất luôn. Chỉ còn một khoảng không trước mặt – khoảng không êm đềm, thật đẹp kéo dài mãi mãi. Khoảng không ấy cứ ở đó thật lâu nếu ta không thấy có mình trong đó. Không thấy ta và khoảng không, mà chỉ có khoảng không thôi, không có ta nữa.”


 

 Đến đoạn cuối, mắt bà nhắm lại; chắc hẳn bà đang thực sự thấy hình ảnh diễn tả ấy trước mắt. Đó là một trong những kinh nghiệm xúc động sâu xa đối với tôi. Thấy bà nằm ngả người trên ghế, mắt vẫn còn nhắm lại, tôi quyết định bằng bất cứ giá nào cũng không nên làm rộn bà, cho nên, sau khi đã để lại một ít tiền “hương hoa” trên bàn, tôi yên lặng rút lui.


 

 Tôi chắc rằng người ta có thể viết lại bài chỉ dậy cách quán tưởng thật giản dị và đẹp nhất này về Quan Âm trong những quyển sách dậy thiền quán, nhưng có lẽ không gì có thể hơn được cách diễn tả sống động của vị ni cô già này. Tôi đã dần dà ưa thích cách quán tưởng này, tuy rằng tôi không tin là tôi có thể thực hành nó thành công như bà được. Sau bốn chục năm suy nghĩ về nó, tôi không nghĩ ra được một chữ nào có thể thêm vào hơn được cái cách diễn tả tuyệt vời như vậy của bà.


 

 Có vô số những cách quán tưởng khác tương tự như vậy. Tỷ dụ như, ở Nhật Bản, có một số hành giả quán đến một mặt trăng đang dâng lên từ mặt biển, rất giống như cách người ni cô già kia đã diễn tả, trong đó bỗng nhiên xuất hiện một chữ Phạn HRI – chữ chú của Quan Âm. Từ chữ HRI này bỗng nhiên hiện ra ngài Bồ Tát và trong những phần sau còn lại cách quán tưởng cũng tương tự như cách đã được kể ở trên. Rõ ràng là phần trọng yếu nhất – giống như trong cách quán về Tara của Tây Tạng—là sự đạt đến một trạng thái không rỗng, trong đó hành giả và Không hòa nhập làm một, không còn biên giới trong ngoài; như thế hành giả đã siêu vượt khỏi tầm nhìn của sự thật tương đối và đạt được nhận thức sự thật tuyệt đối – đó là tánh Không bao la. Mỗi lần thực hành thành công được sự quán tưởng này, là thêm một lần những mê vọng kiên cố về một cái ngã có thực bị một đòn mới đánh vào. Càng ở lâu và nhiều lần chừng nào trong trạng thái vô ngã, nhận thức về tánh không hằng hữu trong hành giả càng thêm kiên cố. Cho tới khi, ý thức sự huyễn hóa của cái ngã sẽ xâm lấn vào trong những trạng thái bình thường của ý thức; khiến cho hành giả dù đang ở trong những hoạt động của đời sống hàng ngày cũng vẫn mang ý thức đó sâu kín trong tâm. Dĩ nhiên, điều này có một ảnh hưởng mạnh mẽ lên cách hành xử của hành giả; bất cứ người nào làm việc gì trong tinh thần vô ngã sẽ làm việc đó một cách hoàn hảo, công việc được hoàn tất cho chính công việc đó, chứ không có một ý tưởng mưu cầu lợi lộc cá nhân nào trong đó. Ngoài ra, hành động trong sự vô ngã là hành động với lòng từ bi, và sự thể hiện khái niệm về lòng từ bi chính là Quan Âm. Chúng ta thấy là Quan Âm, mặc dù có những điểm tương đồng bề ngoài với nhiều vị nữ thần của các tôn giáo khác và cả với Đức Mẹ Mary, nhưng không bao giờ Ngài được nghĩ đến như một người mẹ hay như một vị nữ hoàng cao xa, mà nhiều hơn là sự nhân cách hóa của một năng lực tốt lành khởi phát từ Tâm. Một khi điều này được thấu tỏ, cái cốt yếu của Phật Giáo Tịnh Độ cũng được hiểu ra và những nghịch cảm nếu có đối với tông phái này cũng tan biến đi. Sự giả định như trong lời của một nhà văn Tây phương rằng môn phái này chính là “sự đi ngược lại những gì thường được hiểu về đạo Phật” sẽ không còn nữa.


 

 Nhiều năm sau đó trong lần thăm viếng Tô Châu , tôi đã nghe một Pháp sư nói như sau trong một bài giảng: “Những thiên thể Bồ Tát, họ là gì và ở đâu? Đừng có tìm các vị ấyï trong lục đạo luân hồi (trời, a-tu-la, người, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục), cũng chẳng trong tam giới (dục giới, sắc giới và vô sắc giới), hay mười tám cõi trời, đừng tìm ở đâu cả ngoài tâm của chính mình. Muốn thấy họ, hãy để cho tâm thật an tịnh. Trong sự an tịnh ấy không có một chút ý niệm gì về ta hay người. Ở đó, khi nhận thức được Văn Thù Bồ Tát, ta sẽ thấy ngài cũng là Phổ Hiền Bồ Tát; nhận thức được Phổ Hiền Bồ Tát, ta sẽ thấy ngài cũng là Quan Âm!”

 


 Với cách quán tưởng của vị ni cô ở Quảng Đông này, tôi đã đạt được nhiều tiến bộ có vẻ như đáng kể, cho đến khi sự tự mãn của tôi bị đánh tan bởi vị sư nơi vườn cây trái. Nhiều năm sau, khi du hành đến vùng biên giới Ấn- Tây tạng, cuối cùng tôi đã biết được một phương pháp quán tưởng làm tôi vô cùng hoan hỉ, vì phương pháp này hứa hẹn những tiến bộ không ngờ, một Lối Tắt để đạt được sự Giác Ngộ ngay trong đời này. Điều đó cũng tốt, vì từ lâu nay tôi đã không còn hi vọng có được một biện giải rõ ràng thế nào là hiện thực Quan Âm. Các vị Lạt Ma có không biết gì về danh hiệu hay tướng này của vị Bồ Tát cũng không có gì quan trọng, vì tôi đã nhận ra ngay bản chất của ngài được thị hiện nơi Avalokita và Tara, mà họ có rất nhiều điều để truyền dậy lại; nhưng điều phiền phức là, cũng như các vị sư Trung Hoa mà tôi từng gặng hỏi nhiều lần, họ nói về các thiên thể Bồ Tát lúc thì như những thực thể độc lập ở ngoài, lúc thì như những gì được tạo ra trong tâm chúng ta. Tôi nghĩ rằng sự khác nhau này đối với những người Tây phương là quan trọng, nhưng đối với những vị cao tăng đạt đạo này, tri kiến của họ thật khác biệt nên họ có thể hiểu được những sự thật tế nhị vượt ra ngoài sự hiểu biết tầm thường của một tâm bình thường chưa được tu luyện.

 


 tara_7-content Thể theo lời yêu cầu đặc biệt của tôi, tôi được nhận Tara –cũng là Quan Âm—như là idam, vị Phật của tôi. Do đó, tôi phải thực tập mọi thiền quán về ngài, xem ngài không chỉ là một hình ảnh phóng ra từ tâm, mà còn phải hiệp nhất với ngài qua những quán tưởng về ngài. Với loại thiền quán như thế này người ta không cần phí thì giờ để tìm hiểu về thực chất của đối tượng quán, đối tượng đó có thể được tưởng đến trong một hình tướng tùy theo sự chọn lựa của hành giả – như một vị nữ thần chẳng hạn. Cốt lõi của sự thực hành này không phải là để tìm hiểu về thực chất của đối tượng ấy, mà để trở thành chính đối tượng; qua sự hợp nhất với đối tượng, tất nhiên mọi câu hỏi sẽ lặn đi, do đó không còn có nhu cầu để đặt câu hỏi nữa.

 


 Làm thế nào và tại sao phương pháp quán tưởng đặc biệt này lại có mãnh lực như thế, thật khó mà diễn giải được; thường thì sau đó phải có những thay đổi lớn lao trong toàn bộ thái độ và cách nhìn trong nội tâm hành giả. Mặt khác, phương pháp này nếu được truyền dậy sẽ đem lại một phương tiện thiện xảo có thể được dùng dễ dàng trong thiền quán. Những gì tôi muốn nói về vấn đề này đã được đề cập đến trong những sách khác; nhưng, do một duyên may lớn lao, tôi đã có được một bản văn mật tông của Trung Hoa nói về cách quán tưởng Quan Âm, tuy rằng tôi tin rằng bản văn này xuất xứ đã nói về quán tưởng Tara, và từ nguồn gốc Tây tạng ấy, đã được người Trung Hoa dịch lại và sửa đổi thành Quan Âm cho thích hợp. Bản văn này đáng được ghi lại, dù chỉ như một sưu tầm văn học, vì những bản văn nói về Quan Aâm như vậy rất là hiếm. Rất tiếc là nó đã bị đơn giản hóa quá nhiều, có lẽ là một phương tiện mật tông giản dị nhất mà tôi được thấy, nhưng điều này không làm giảm sự hữu hiệu của nó như một trong những phương pháp yoga được dùng trong Mật tông. Được biết đến với tên là “Ba Cách Quán Quan Âm Nhập Một” , nó đã được Hoà thượng trụ trì Jen Wen của tu viện Amrta (Cam Lồ) ở Bangkok dịch ra tiếng Trung Hoa từ tiếng Tây Tạng, và sau đây là bản dịch Anh ngữ của tôi:

 

 

 BA CÁCH QUÁN QUAN ÂM NHẬP MỘT

 

 

 Khởi đầu nghi thức:


 Sau khi đã tẩy rửa sạch thân và tâm, cầm cây nhang bằng tay trái, và làm một vòng tròn với ngón tay cái mặt và ngón trỏ mặt chạm vào nhau. Quán nơi điểm hai ngón tay này gặp nhau một chữ OM trắng. Chữ OM này bỗng biến thành một đóa sen và đóa sen ấy được dùng để vẽ lên chữ OM AH HUM trên đầu nhang, khiến hương khói tỏa rộng thành một vùng thanh tịnh vô biên. Sau đó, dâng nhang lên trán với hai tay, thầm niệm trong tâm: “Nguyện dâng đám mây hương này cúng dường Ngôi Tam Bảo, chư Phật, chư Bồ Tát và thánh hiền tăng quá hiện vị lai trong khắp mười phương!” Sau khi đã đặt nhang vào bình hương rồi, cúi xuống lậy bốn lậy, đầu tiên cho Đức Phật Tỳ Lô Giá Na, rồi đến Phật, Pháp, Tăng theo thứ tự.

 

 

 Cách quán đầu:

 

 Ngồi trước một tượng Phật, tốt hơn trong thế liên hoa, nếu không thì trong một thế ngồi thoải mái khác cũng được, để có thể thực hành nghi thức này trong sự yên tịnh với một tâm an bình, thanh tịnh. Ở trên đỉnh đầu quán một chữ OM trắng hiện ra; nơi vùng cổ một chữ AH đỏ; gần nơi trái tim, một chữ HUM xanh; những chữ này phát ra những ánh quang ba mầu chiếu khắp mọi phương. Từ đó tất cả những nghiệp chướng tồn đọng từ vô thủy tới nay sẽ được tống xuất ra thành một thứ nước mầu đen chẩy thấm vào đất cho tới khi không một giọt nào còn sót lại. Như vậy cả thân, khẩu, ý của hành giả đều được chuyển hóa thành Thân, Khẩu, Ý của Quan Aâm, đẹp đẽ tuyệt vời và tràn đầy với lòng từ bi. Rồi tay làm dấu ấn hoa sen (tay dơ lên ngang tầm ngực, ngón tay cái và tay trỏ chụm vào nhau, nhưng hai bàn tay cong lại thật cách xa nhau để làm hai nửa hoa sen << >>), quán câu chú OM MANI PADME HUM và luân chuyển trong tâm từ chữ này qua chữ khác như sau:

 

 HUM 

 đỉnh đầu 

trái NI phải 

MA cổ PAD 

 OM 

 tim 

 ME 

 bụng (nhìn từ sau) 

 

 

 

 Bây giờ sắp xếp lại các chữ trong tâm trí và xoay biểu đồ trước qua biểu đồ như sau:

 

 OM

 đỉnh đầu

trái MA phải

ME cổ NI 

 vai HUM vai 

 tim 

 PAD (nhìn từ sau)

 bụng 

 

 

Càng quán những chữ này xoay theo thứ tự khác nhau, càng được kết quả nhiệm mầu.

 

 

 Cách quán hai:

 

 Hành giả tưởng tượng trong ngực mình có một mặt trăng, chiếu sáng và thanh tịnh trong ngoài. Lơ lửng trong khoảng không trước mặt hiện ra một mặt trăng mầu hồng, trên đó là chữ TAM rực rỡ chói lòa vô biên, chiếu sáng toàn thể cõi sắc giới này. Bỗng nhiên chữ này chuyển thành một hình thể tương tự như Quan Âm, với trang phục mầu trắng, có đầu và hai tay; trên đầu là một cái miện hình đóa sen năm cánh, trên đó hiện lên hình dạng của năm thiên thể Phật. Chân ngài được xếp lại theo thế liên hoa. Cổ tay và cổ chân ngài trang sức bằng những viên ngọc trai; chung quanh cổ ngài là vòng ba chuỗi hạt châu. Trên đỉnh đầu ngài, là một chữ OM trắng; ở cổ ngài, một chữ AH đỏ; gần bên trái tim ngài, một chữ HUM xanh, từ đó những tia hào quang ba mầu này rọi sáng đến người hành giả. Những ánh quang này quyện lẫn với hào quang của ba chữ OM AH HUM chiếu khắp người hành giả, đi vào trong thân qua lối mở trên đỉnh đầu. Hình ảnh Quan Aâm lơ lửng trước mắt hành giả bây giờ co rút lại, trở thành rất nhỏ và đi theo những tia hào quang ấy qua lối mở trên đầu nhập vào thân hành giả, hòa nhập với hành giả thành một, bất khả phân ly.

 

 Sau đó, chụm đầu ngón cái và ngón trỏ của tay mặt lại, viết những chữ OM AH HUM trên bàn tay trái. Trong đầu tưởng đến một viên ngọc trai, và với tay trái, viết những chữ ấy trên mặt viên ngọc trai, đồng thời trong tâm quán những chữ ấy và niệm ra nơi miệng. Rồi hành giả quán tưởng đang ôm viên ngọc trai vào ngực bằng các ngón cái và ngón trỏ của cả hai bàn tay. Sau đó niệm nhỏ nhiều lần câu chú OM MANI PADME HUM.

 

 

 Cách quán ba:

 

 Quán chữ OM chói sáng trên đỉnh đầu, tỏa ra những tia hào quang trắng sáng chiếu rọi tất cả chúng sinh hữu tình trên khắp sáu đường luân hồi, để cho những ác nghiệp từ thân, khẩu, ý đều được hóa giải. Trong vùng trái tim, một chữ HUM mầu xanh chiếu sáng với những tia hào quang tràn ngập quả đất, đem lại sự an lạc cho tất cả chúng sinh hữu tình. Trong vòng hào quang ấy vô số các cõi Tịnh Độ được hiện ra tùy sự dụng công của hành giả. Rồi những tia sáng mầu trắng và mầu xanh đi vào qua lối đỉnh đầu và thấm xuống phần dưới của thân thể. Cũng dùng cách bắt ấn như lối quán ở trên, niệm liên tục OM MANI PADME HUM. Làm vậy rồi, đứng lên lậy ba lậy, mỗi lần tụng như sau: “Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát!”. Cuối cùng lậy thêm ba lậy, tụng: “Nam Mô thập phương thường trú Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng!”

 

 

 Kết thúc:

 

 Công đức của nghi thức này đem lại sự chuyển hóa cho chúng sinh hữu tình ở khắp mọi nơi. Nó làm tiêu tan mọi đau khổ trong ba cõi ác đạo và sẽ giúp mau chóng thành tựu đạo quả Vô Thượng Giác.

 

 (Chấm dứt nghi thức)

 

 

 Những chỉ dẫn ở trên thật ra không độc đoán như người ta tưởng. Những chữ OM trắng, AH đỏ và HUM xanh ở đỉnh đầu, cổ họng và tim cũng hay được dùng nhiều trong những thực tập yogas, trong đó mầu sắc và âm thanh được phối hợp để có sự cảm ứng sinh động đến những trung tâm thần kinh ở ba phần đó trong cơ thể. Câu chú của Quan Âm hay là Avalokita OM MANI PADME HUM dĩ nhiên là câu chú nổi tiếng nhất trong các câu chú, và hướng đi của nghi thức này, tuy giản dị hơn những nghi thức khác rất nhiều, cũng theo một mô hình tương tự.


 

 Nói về thần chú, không thể chỉ trong vài đoạn văn mà diễn giải lại đúng mức được. Chỉ cần biết là, đó là một phương tiện trợ lực cốt yếu cho những pháp quán tưởng, để hành giả có thể linh cảm được với các lực tiềm tàng trong những khái niệm như là Quan Âm; và những nghi thức nào dùng đến chúng là những nghi thức thực tập yogas có mãnh lực nhất được biết đến. Tuy rằng sự diễn tả một nghi thức bằng lời nói nghe như là đang duyệt lại trong tâm một chuỗi những diễn tiến, nhưng trong đó cũng gợi lên được nhiều quan hệ kỳ diệu nơi cõi giới của sắc và Không.

 


 Một người bạn tôi có lần đã bạo dạn nói với một vị Pháp sư nổi tiếng thuộc phái Tịnh Độ rằng, theo ý anh, niệm danh Phật là một cách thực hành quá máy móc để mà có hiệu quả tâm linh.

 

 “Máy móc à!” vị Pháp sư thốt lên, ngạc nhiên vô cùng. “Sao có thể thế được?” Nhìn bạn tôi như thể đang tự hỏi không biết ông có đang nói chuyện với một người điên hay không, Pháp sư nói: “Trì niệm danh Phật sẽ dễ dàng và mau chóng đưa đến một tâm nhất quán—mộtø trạng thái mà các hành giả tu thiền trong tám trường phái của đạo Phật đều nỗ lực tìm đến, đó là không kể đến các đạo khác như đạo Lão, Ấn độ giáo hay những tôn giáo ngoại đạo khác. Khi đã đạt được nhất quán, tùy theo sự dụng công, trước sau gì hành giả sẽ thấy được Phật hay Bồ Tát hiển hiện trước mắt – một thực thể sống động, quần áo bay phấp phới, ngực phập phồng hơi thở đầy sinh khí; hay là, nếu hành giả không muốn thấy điều đó, sẽ thể nhập một trạng thái bất nhị không đối đãi và khám phá ra rằng, chính trong thế giới hiện tượng này, hành giả đã ở trong cái Không bao la vô tận. Lúc ấy hành giả sẽ có cái nhìn đúng thực về mọi hình tướng hữu vi – chỉ là bong bóng, là ảo ảnh, mộng huyễn. Vì bây giờ không còn bị những núi tuyết cao ngất trời làm mê hoặc, biết rằng bản chất của chúng cũng không khác gì những đám mây trôi, hành giả nhận thức được tánh Không trong mọi hiện tượng; nhưng điều đó không có nghĩa là hiện tượng không có thực, mà là luôn luôn biến đổi, vô thường, và vô ngã.”

 

 “Hay lắm, Thượng tọa, nhưng nếu tôi có thấy được Bồ Tát đang đứng trước mặt, quần áo bay phấp phới trong gió thì sao? Hình ảnh ấy chắc trông đẹp đẽ và thích thú lắm, nhưng phải chăng cũng chỉ là một ảo tưởng hiện lên hay sao?”

 

 Vị Pháp sư kia, sau một trận cười nghiêng ngả, đã lấy lại được một ít trang nghiêm và dõng dạc nói: “ Đối với những người bám dính vào kiến thức như những con ruồi bám vào lưới nhện, kinh nghiệm đó chắc là thần diệu lắm. Nhìn thấy tư tưởng mình hiện tướng đang đứng đó mỉm cười trước sự hoang mang của mình, chắc chắn người ấy sẽ nghĩ rằng: “Tâm tôi đã tạo ra được một nữ thánh nhân đẹp đẽ như thế này, thì còn có cái gì trên đời này mà tâm không tạo ra được, kể cả trời đất, ngọn núi này, đại dương kia?” , và sẽ không còn nghi ngờ những lời trong kinh nói về bản chất của thế giới này. Vội vã đi vào thư phòng (nếu có trong nhà) để kiếm những bản kinh ấy, cuối cùng người ấy sẽ nhận ra được trí tuệ trong đó; sẽ không còn những đám mây mờ đục che khuất tầm nhìn nữa. Và kể từ đó, cái học sẽ đem lại kết quả!”

 


 Những lời nói ấy đã tạo ấn tượng, nhưng bạn tôi còn muốn học hỏi thêm từ vị sư bộc trực này, nên không ngần ngại hỏi tiếp: “Thượng tọa có ý ám chỉ rằng những người không có trình độ học vấn sẽ thấy rõ được hơn những người khác sao?”

 

 “Hầu hết những người đó sẽ xem Bồ Tát như một vị tiên thánh hiện xuống để đáp ứng lại những lời cầu nguyện chân thành của họ. Họ sẽ vui mừng mà sốt sắng tụng kinh gấp đôi, và như thế chắc chắn họ sẽ được vãng sanh vào cõi Tịnh Độ.”

 


 Lời nói cuối cùng này khiến bạn tôi hơi bị hụt hẫng, làm anh tự hỏi không biết vị sư này có thực thông tuệ như anh tưởng không. Bởi vì, như anh nói với tôi sau này, anh nghĩ rằng Tịnh Độ chỉ giống như những củ cà rốt treo lủng lẳng trước mắt những người không có đủ kiến thức để họ tưởng tượng ra một cảnh giới kém phần vật chất hơn. Tuy nhiên, khi những câu hỏi tới đó được đặt ra thì chỉ nhận lãnh những câu trả lời đầy vẻ tránh né, khiến bạn tôi cảm thấy thất vọng, cho là anh đã bắt bí được vị sư này trên một phương diện nào đó. Riêng cá nhân tôi thì tin rằng vị sư đó đã biết quá rõ cái hại của những định nghĩa có thể làm giảm thiểu hoặc mất đi ý nghĩa cũa những khái niệm vi tế, cho nên khi có những thắc mắc về những điều chỉ có thể hiểu được bằng trực giác, ông sẽ đối trị lại bằng cách đẩy lui những câu hỏi ấy. Tôi chắc chắn, đó cũng là lý do khiến tôi gặp nhiều khó khăn khi cố tìm một vị thầy lỗi lạc có thể thẳng thắn diễn giải về vấn đề thực chất của Quan Âm Bồ Tát và ý nghĩa thực sự của Tịnh Độ. Cả hai vấn đề này chỉ có thể được hiểu bằng kinh nghiệm, chứ không thể nghĩ bàn được. Khi nào ngôn ngữ dễ đưa đến sai lạc, thì tốt nhất là nên im lặng.

 


 Sự thực hành niệm Phật cũng có một vị trí không khác gì thực hành tọa thiền trong những tông phái khác; các Thiền tăng đôi khi bỏ ra một thời kỳ tu tọa thiền liên tục kéo dài bẩy ngày, hai mươi mốt ngày hoặc bốn mươi chín ngày, cũng vậy những tín đồ phái Tịnh Độ cũng bỏ ra những thời gian tương đương để ráo riết thực hành tu niệm Phật. Thường thì lúc ấy các thiền đường hay niệm Phật đường được dùng tới. Những luật lệ trong khóa tu rất là khắt khe, đến nỗi trong suốt thời gian ấy, mỗi ngày chỉ còn rút ngắn lại ba tiếng đồng hồ để ngủ! Trừ ra khoảng ba tới bốn tiếng cho những khóa lễ nhỏ, ba bữa ăn thanh đạm, rửa ráy và nghỉ ngơi, thời gian chính thức dành cho niệm Phật là từ mười bẩy đến mười tám tiếng mỗi ngày; ngoài ra, trong hầu hết những giờ ăn uống và nghỉ ngơi niệm Phật cũng được thực hành một cách không chính thức. Trong thời gian dài của khóa tu như vậy, những vọng tưởng lăng xăng được tẩy trừ, đem lại rất nhiều lợi lạc. Những huân tập sâu dầy của vô lượng các vọng niệm chấp ngã, những ưu tư nhỏ nhặt cũng như những mối lo thật sự, tất cả đều được hóa giải. Trút bỏ được gánh nặng này, tâm trí trở nên thông suốt, chiếu sáng như tấm gương đã được lau chùi cẩn thận hết bụi mờ. Không phải là điều lạ, khi những khóa tu như vậy đã có hiệu lực thúc đẩy được sự trực nhận bộ mặt thực của thực tại hiện tiền – đó chính là Tâm! 

 

 

Ý kiến bạn đọc
30 Tháng Mười Một 20118:00 SA
Khách
Xin cảm ơn về bài viết rất hay và hữu ích của tác giả. Rất mong tất cả chúng ta tu tập đạt hiệu quả tốt
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng