Chương Bốn - Diệu Thiện và những huyền thoại khác

13 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 10811)



Chương Bốn

 

 Diệu Thiện và những huyền thoại khác

 


Giả sử do tâm hại

Bị xô xuống hầm lửa

 Kinh Liên Hoa

 

 quan_am_14-contentSau khi đã thưởng thức một chút không khí huyền diệu của Bát Nhã Tâm Kinh và viếng thăm vùng núi thiêng đã được Quan Âm chiếu cố, với Avalokita và Tara tỏa chiếu ánh sáng rực rỡ đến những người trong dân gian có lòng sùng mộ ngài rồi, bây giờ chúng ta hãy đi đến những vùng thấp hơn, ở đó Quan Âm được tôn vinh như một vị nữ thần của đại chúng cho hàng triệu triệu người. Những người này không có chút ý niệm gì về lý thuyết cao siêu của Phật Giáo, nhưng đã yêu mến ngài trong một tình cảm thật chân chất như của những ngư dân, vì họ tìm thấy ở ngài một năng lực gia hộ và lòng từ bi vô lượng vô biên. Ngài đã là biểu tượng của ý nghĩa đó trong một hiện tướng chung nhất ở Trung Quốc (ngoại trừ sau này biểu tượng đó có thể đã bị làn sóng Đỏ quét sạch mất) cũng như ở các nước lân cận. Với nét mặt tươi cười, ngài đã nhìn xuống nhân gian từ đàng sau những điện thờ của các đền chùa cũng như những nơi chốn ẩn dật, đó là không kể hàng mấy chục ngàn những đền, miếu dọc đường, cũng như hàng vô số các nơi chốn thanh tịnh được lập riêng ra để thờ ngài như một vị thánh nhân được yêu mến nhất. Ngày nay, người ta thấy ở Đại Hàn và Nhật Bản những bức tượng khổng lồ tạc hình ngài nổi bật từ đàng xa, nhắc nhở con người đến cái đẹp của lòng từ bi giữa trường đời tranh đấu khốc liệt; nhưng rồi tôi tự hỏi không biết Quan Âm có thích được chưng bầy thật lộ liễu như kiểu những bảng quảng cáo vĩ đại của các phim ảnh hay những thuốc đánh răng không? Có lẽ sự hiện hữu của ngài sẽ được cảm nhận thấm thía hơn nhiều ở nơi những bức tượng đất sét nhỏ thường thấy trong một góc vườn mát mẻ và khuất bóng nào đó bên bờ thác nước nhỏ chẩy bên những tảng đá. 


 Những tảng đá, những cây dương liễu, ao sen và nước chẩy là biểu tượng chỉ dấu cho sự hiện diện của ngài. Trong những tiếng phong linh bằng đồng hay bằng ngọc, tiếng gió reo qua hàng thông, hay tiếng suối róc rách chẩy, tiếng nói của ngài có thể được nghe thấy. Sự tươi mát của những lá sen lác đác những giọt sương đọng ở trên, hay mùi hương nhang trầm cũng gợi lên mùi hương của ngài. Ngài không có vẻ lộng lẫy diêm dúa của Thần Chiến Tranh mặt đỏ, không có lộng che rực rỡ như Ngọc Hoàng Thượng Đế, cũng không có vẻ kiêu sa ích kỷ như Tây Thái Hậu đã từng hấp tinh của hàng ngàn thanh thiếu niên. Ngay cả Hằng Nga, nàng tiên nữ trong trắng của Cung Trăng, cũng quá cẩn trọng và lạnh lùng trong sự tinh khiết của mình để có thể sánh được với Quan Âm. So với cả vạn vị thánh thần, Quan Âm quả là độc nhất vô nhị với lòng từ bi ấm áp, và cũng thật là tinh tế và giản dị. Nếu đôi khi ngài có đeo đầy nữ trang vàng bạc, thì đó cũng chỉ là một biểu trưng đặc biệt được bầy ra để tôn vinh các vị bồ tát linh thiêng.


 Là vị tiên thánh của dân gian, ngoài Avalokita và Tara, Quan Âm còn được coi như hiện thân của một nhân vật huyền sử, Công chúa Diệu Thiện. Câu truyện sau đây, tuy không đề cập đích danh đến Diệu Thiện, nhưng cũng điển hình cho nhiều câu truyện nói về vị công chúa này. Nếu có ai đó không có chút gì là tinh thần Trung Hoa tỏ ý nghi ngờ rằng câu truyện này là liên quan đến một người nào khác, họ sẽ được trả lời bằng một nụ cười dễ dãi kèm theo những lời sau: “Quan Âm thị hiện trong vô số tướng để cứu độ chúng sinh. Tại sao người trong truyện này lại không phải là một thị hiện của ngài, cũng như Diệu Thiện vậy?”


 Câu truyện này không được ghi lại là đã xẩy ra trong triều đại nào. Nhiều thế kỷ về trước, ở phủ kia có vị quan trấn nhậm vì không có con trai, nên hết mực thương yêu cô con gái duy nhất. Nhưng vốn bản tính cao ngạo và nóng nẩy, lại là một vị quan chấp thủ nghiêm ngặt những quy tắc đạo đức của Nho giáo, nên ông kiểm soát cô gái thật chặt chẽ; ít có dịp nào cô được thấy thế giới bên ngoài bức tường bao quanh dinh phủ. Cô thường ngồi trong phòng riêng, bên cánh cửa sổ hình quả đào, phóng mắt nhìn qua ngọn đồi phía bên kia, nơiù có một ngôi chùa thật bề thế, tự hỏi không biết các người thánh thiện trong đó tu như thế nào, làm những nghi thức gì. Chắc nơi chốn ấy có gì bí hiểm lắm, mà mỗi lần cô nhắc đến chùa đó với ai là họ đều nói lảng ngay sang chuyện khác, khiến những lời cô định nói bị cắt đứt giữa chừng. Tuy đó là điều thất lễ không thể tưởng được đối với một vị tiểu thư con quan Tổng trấn, nhưng vẫn tiếp tục xẩy ra nhiều lần với cô. Dần dà sự tò mò càng lúc càng tăng, đến mức cô không thể chịu đựng được nữa. Biết chắc sẽ không thể nào xin cha mình cho qua thăm ngôi chùa, cô đã quyết định tự ý đi qua, dù rằng chỉ cần nghĩ đến việc đi một mình ra khỏi những bức tường của khu nữ trong dinh phủ cũng đủ làm cô đỏ mặt xấu hổ. Nhưng dù vốn hay khiêm tốn đến mức rụt rè, cô cũng thừa hưởng nhiều từ cha tính cương quyết và một ý chí mãnh liệt. 


 Một buổi sáng sớm, trong lúc gia nhân còn đang ăn điểm tâm ở căn phòng gần đó, tiểu thư ăn mặc ngụy trang một chút rồi lẻn ra ngoài khuôn viên qua một cánh cổng khuất ít người để ý tới, kế bên khu vệ sinh của gia nhân và được dùng mỗi khi có những đồ phế thải được đem ra ngoài đồng làm phân bón. Cô vội vã băng ngang cánh đồng và leo lên đồi. Một lối đi lát đá đưa cô tới cánh cổng cao ở trước ngôi chùa; người gác cổng thấy một tiểu thư dáng dấp sang trọng đến dâng hương thì đón chào rất lễ độ, đưa cô thẳng đến chánh điện rộng lớn, hi vọng cô sẽ cúng một số vàng nào đó. Chóa mắt trước vẻ huy hoàng tráng lệ của bức tượng Tam Thánh – biểu tượng chính của Đạo gia- lại thêm lúc ấy âm hưởng của tiếng hát cầu kinh vang lừng trong chánh điện lộng lẫy, khiến cô thật vui vẻ, mừng thầm rằng mình đã đến được một nơi của những người thánh thiện.


 Nhưng không ngờ rằng trong ngôi chùa này chẳng có mấy người nào là thánh thiện, một số lớn tu sĩ trong đó là những kẻ chỉ thích chơi đao kiếm ban ngày và chơi “nghệ thuật phòng the” ban đêm, hơn là tu hành chân chính như những vị thần mà họ thờ phụng. Không biết gì về những điều đó, tưởng rằng có thể đi dạo chơi qua những căn phòng ở ngoài mà không hề hấn gì; cô gái đi hết khu đền này qua khu đền khác, những khu thông với nhau qua dẫy hành lang hẹp với bức tường bằng gỗ sơn mài, trong đó ánh sáng bên ngoài chỉ lờ mờ xuyên qua những cánh cửa sổ giấy. Trong một hành lang nọ, cô đi ngang một nhóm ba bốn người tu sĩ áo xám, lúc đầu trông họ như có vẻ nhường bước cho cô, nhưng rồi đột nhiên họ bao quanh và vũ bão đẩy cô vào trong một phòng tối. Tiếng kêu la của cô gái chìm lấp trong tiếng chuông khánh vang rền từ một điện thờ gần đó.


 Trong khi ấy, viên quan phủ được thông báo sự mất tích của cô gái, đã cho người đi tìm khắp nơi; nhưng chỉ lúc gần tối mới nhận được tin là có một tiểu thư ăn mặc sang trọng sáng hôm đó đã được thấy trên con đường đồi dẫn lên chùa. Những kỵ binh được sai đến đón cô đã trở về tay không, báo cáo rằng chắc chắn là tiểu thư sáng sớm nay đã đến viếng chùa, nhưng bây giờ rõ ràng không còn ở đó nữa. Màn đêm buông xuống. Lúc này quan phủ đã nổi cơn thịnh nộ. Không cần suy xét lại xem con mình có thể nào bị giữ ở chùa ngoài ý muốn hay không, ông đã định ngay rằng một đứa con gái liều lĩnh đến nỗi dám một mình đi vào một nơi nổi tiếng hắc tự xưa nay thì có thể làm bất cứ chuyện xấu xa nào. Không còn nghi ngờ gì nữa, có lẽ ngay lúc này nó đang nằm trong tay một tên tình nhân dâm đãng nào đó. Trong cơn lôi đình, ông nghĩ chỉ còn có một cách để trừng trị sự điếm nhục đó. Bố trí khoảng một trăm binh sĩ với cung tên bao vây ngôi chùa, ông ra lệnh giết bất cứ người vật nào dám đi ra ngoài, một mặt cho lính châm lửa đốt cháy rụi cái ổ xấu xa đó. Vì không ai có thể trốn thoát ra ngoài được, nên chắc chắn là đứa con gái tội lỗi và tình nhân của nó cũng phải chịu cái số phận đích đáng dành cho chúng. Ngôi chùa này hầu hết vốn làm bằng gỗ sơn mài, ngoại trừ móng và mái chùa, nên đã làm mồi dễ dàng cho ngọn lửa lan nhanh. Không có một người đàn ông – hay một người đàn bà- nào có thể thoát được ngọn lửa phía trong và màn mưa tên ở ngoài!


 Cố đè nén sự tổn thương của lòng tự ái và một chút gì thương tiếc cho số phận đứa con gái đã từng yêu quý trước đây, sáng hôm sau, như thường lệ, viên quan phủ đi tản bộ nơi khuôn viên trong nhà, thưởng thức những đóa hoa tươi mát của buổi sớm mai. Đột nhiên trước mắt ông, bóng đứa con gái đã chết hiện ra nói rằng: “Cha, mặc dù cha không hề thương xót đứa con gái ngây thơ vô tội suýt chút nữa là bị người ta cưỡng bức, nhưng con vẫn thấy buồn cho cha bây giờ chẳng còn đứa con nào nữa. Do đó , con đã đến đây để an ủi cha. Báo cho cha biết rằng, ông Trời, tuy nhiều lúc cũng tàn nhẫn như cha, nhưng cũng nhủ lòng thương cho cái chết oan ức của con. Khi ngọn lửa loang ra, con được bao trong một chiếc cầu vồng và bay lên trời về cõi giới của các vị thiên nhân. Ơû đó, để đền bù cho số phận oan nghiệt con đã chịu, con đã được phong làm nữ thần. Nhiệm vụ của con là cứu độ những sinh linh đang đau khổ và bị nguy nan—một công việc rất xứng hợp với con, vì con đã vừa trải qua tận cùng sâu thẳm của sự đau khổ và sợ hãi. Kể từ đây con sẽ được xưng danh là Quán Thế Aâm, người nghe những tiếng kêu cầu của thế gian.”


 Trong những huyền thoại về Diệu Thiện (có lẽ bắt nguồn từ câu truyện cô con gái viên quan phủ kia), giai thoại sau đây là điển hình:


 Trong năm thứ 11 của triều đại Chin Tien (khoảng 2590 trước công nguyên), có một vị vua, vì không đủ phúc đức từ kiếp trước để lại, nên không có được đứa con trai nào. Do đó, vua muốn tuyển những vị phò mã tài ba tuấn kiệt nhất cho ba con gái, hi vọng sẽ có được những đứa cháu ngoại xuất chúng, đứa nào giỏi nhất có thể được chọn cho nối ngôi. Tuy nhiên, cô con gái út không hề màng đến chuyện hôn nhân và, khi đến tuổi cập kê, lại xin phép cha cho đến ở tại tu viện Bạch Yến, để được xuất gia sống đời giải thoát. “Đồng ý!” vua cha cười lớn, nghĩ rằng cô gái vốn sống trong nhung lụa xưa nay sẽ chẳng ở lâu được với nếp sống khắc khổ của tu viện, rồi sẽ sớm quay về và chịu lập gia đình với một vị hoàng tử xứng đáng đã được tuyển chọn. Nhưng than ôi, đời sống khắc khổ kia lại quá thích hợp với cô, cho đến khi không còn kiên nhẫn để chờ đợi thêm, nhà vua đã đề ra một số biện pháp nghiêm khắc cốt để cô thay đổi theo ý ông. Mỗi ngày cơn giận của vua lại càng tăng thêm, và cuối cùng ông đã quyết định lôi cô ra khỏi tu viện và nhốt trong một cái tháp, hành hạ bằng cách chỉ cho ăn những thức ăn tồi tệ không thể tưởng tượng. Nhưng cũng chẳng có hiệu quả gì! Cơn phiền não càng cố nén lại càng dâng cao, cho đến một ngày kia vua không còn nhịn được, quát bảo đao thủ: “Một đứa con ngỗ nghịch bất hiếu dám chống lại ước vọng thiết tha nhất của cha nó là chỉ làm ô uế cõi trần gian này. Cần phải tẩy trừ cái gương bất hiếu xấu xa đó , để cho nó khỏi lan rộng ra làm băng hoại đến những thế hệ tương lai. Truyền các ngươi phải giải quyết chuyện này tối nay!”


 Buồn rầu, những vệ sĩ của nhà vua dẫn nàng công chúa bé nhỏ ra một nơi hoang vắng, ở đó người đao thủ đã đợi sẵn, nhỏ nước mắt khóc thương cho nàng nhưng không dám trốn tránh nhiệm vụ. Cô gái nhỏ bị bắt phải quỳ xuống và người đao thủ, hai tay lăm lăm cầm thanh kiếm khủng khiếp đã uống máu biết bao kẻ tội đồ độc ác, đang sắp sửa hạ đao xuống thì một cơn bão tố mịt mù từ đâu thổi đến. Trong chớp mắt những vị sao trên trời biến mất, sấm sét nổi lên ầm ầm và một tia sáng chói lòa từ Trời chiếu xuống nạn nhân đang quỳ gối. Trước khi người đao thủ kịp lấy lại can đảm, một con hổ lớn vĩ đại phóng ra từ trong bóng tối và mang cô gái đang ngất xỉu chạy vào khu rừng gần đó. Khắp thế gian này không có con hổ nào to lớn cỡ như vậy, đội binh hành hình run rẩy thề với vua, con vật vĩ đại siêu nhiên đó chính không ai khác hơn là thần hoàng của vùng này, mà trước đây đã từng hiện ra mấy lần trong tướng hổ như vậy.


 Từ một hang động trong vùng núi, nơi hổ thần đã đem nàng đến, Công chúa Diệu Thiện đi xuống địa ngục và ở đó, nhờ năng lực thanh tịnh kiên cố, đã khiến vị chúa tể ở đó phải thả tất cả mọi sinh linh đang sợ hãi chờ đợi bị xử phạt cho những tội đã phạm trên dương thế. Vua Diêm La, tên gọi của vị chúa tể đó, thường rất ý thức đến nhiệm vụ trước tiên là xử phạt cứng rắn tội nhân, không có sự khoan hồng nào, và thường ngày cũng không có gì làm vua có thể xao lãng nhiệm vụ đó, trừ khi có sự hối lộ nào quá mức to tát; nhưng ai có thể cưỡng lại được lời van xin của một vị công chúa đã đặt sự trong trắng thanh tịnh lên trên cả mạng sống của mình?


 quan_am_3-content Khi trở về trú sở của vị thần hoàng, Diệu Thiện đã được danh dự đón tiếp chính Đức Phật A Di Đà đến viếng thăm! Trong ánh sáng rực rỡ chói lòa của thân kim sắc, Đức Phật A Di Đà đã truyền cho cô hãy đến an trú tại sơn đảo Phổ Đà ngoài biển khơi. “Này con, bao quanh hòn đảo đó là một vùng biển đầy rồng dữ, mà những kẻ nào không có tâm địa trong sạch, nhất là những kẻ như cha con, sẽ không bao giờ dám héo lánh đến đó. Ở đó con có thể dốc tâm thiền định ngày đêm và cuối cùng sẽ đạt được hạnh nguyện trở thành một vị Bồ Tát có năng lực cứu độ chúng sinh si mê lầm lạc. Hãy ăn quả đào tiên này hái từ Thiên cung, nó sẽ làm cho con không cảm thấy đói khát trong một năm trời, và cũng sẽ làm cho con được bất tử.” Nói xong, Đức Phật biến mất.


 Từ Phổ Đà, một vị thần đảo được triệu đến, đã dùng thần thông bay nhanh hơn gió, đem công chúa đến chỗ ở mới. Trong chín năm trường, Diệu Thiện, khi nào không nhập định, đều làm những việc từ bi cứu thế, vun trồng thêm công đức đã tích lũy từ bao nhiêu kiếp trước, nên đã thành tựu được quả vị Bồ Tát. Chính trong thời gian này mà Thiện Tài đã trở thành thị giả của ngài. Thời gian sau đó, một ngày kia, với thiên nhãn thần thông, ngài đã thấy được một tai họa bất ngờ xẩy đến cho hoàng tử thứ ba của Long Vương ở ngoài biển Đông. Hoàng tử đang tung tăng dạo chơi biển trong hình dạng của một con cá, bỗng mắc lưới của một người đánh cá rồi bị đem ra chợ bán trong một cái sô nặng đầy ngập những vật đánh bắt được trong ngày hôm đó. Ngay lập tức Thiện Tài được cử đi mua lại những con vật khốn khổ này và đem trả chúng lại cho biển cả. Vua Long Vương, nghe con mình tâu lại chuyện được thả, đã gởi biếu Diệu Thiện một viên ngọc sáng ngời gọi là Dạ Quang Châu, nhờ ánh sáng tỏa ra của viên ngọc đó mà vị Bồ Tát sẽ tha hồ đọc kinh sách về đêm, dù trời có tối thế nào chăng nữa. Món quà này được dâng cúng từ chính cháu gái của Long Vương là Long Nữ, vốn cảm phục đức hạnh và sự đẹp đẽ của vị ân nhân đã giải thoát chú mình, nên đã lập lời nguyện ngay tại chỗ lúc đó là sẽ hiến trọn cuộc đời cho sự thành tựu Bồ tát đạo. Vì mục đích đó, cô đã theo hầu Quan Aâm và từ đó đều được thấy ở bên cạnh ngài.


 Vài năm sau đó, Công chúa Diệu Thiện, thị hiện trong hào quang rực rỡ trang nghiêm của một vị Bồ Tát, đã trở về quê cũ một thời gian và độ lại cho cha mẹ của ngài trở thành những Phật tử thuần thành.


 Câu truyện đến đó là chấm dứt.


 Một giai thoại khác của những huyền thoại về công chúa Diệu Thiện kể rằng ngài là con của một vị vua trong thời nhà Châu (1122-255 trước công nguyên). Những diễn biến trước trong câu truyện cũng tương tự như trên, nhưng trong truyện này người đao thủ khi chém xuống thì cây kiếm bỗng nhiên đứt lìa ra một cách lạ kỳ. Vị vua hung hãn kia phải trả báo nặng nề, bị một con rồng xiết chặt và cuốn trôi vào địa ngục, sau đó con gái ông đi theo xuống và cảm thấy thương tâm vô cùng trước những cực hình dễ sợ mà ông phải gánh chịu. Khi thấy Vua Diêm La một mực cương quyết thi hành án lệnh với cha, nàng nhất tâm thanh tịnh cầu nguyện tới Đức Phật A Di Đà. Ngay khi đó một trận mưa hoa sen rơi xuống, biến những hang sâu kinh khiếp của địa ngục thành một cõi giới đẹp đẽ vô ngần, và những sinh linh đang trả nợ ngục hình được sống thoải mái yên vui trong đó. Vua Diêm La thấy vậy, buồn lòng vì đã bị can thiệp trong sự hành xử công lý của mình, bèn khẩn khoản yêu cầu công chúa hãy trở về cõi giới cao xa ở trên, và để chứng tỏ thiện chí, đã thả cha nàng ra làm tin. Một cỗ xe hình hoa sen đã đợi sẵn ở cửa địa ngục và bay nhanh hơn gió cuốn chở ngài về đảo Phổ Đà. Ở đó ngài đã trụ với danh hiệu Bồ Tát Quan Aâm, và chuyên làm những việc cứu độ cho những chúng sinh đang đau khổ.


 Trong vài câu truyện truyền kỳ khác Quan Âm đã hầu như không còn gốc gác gì liên quan đến Phật giáo, mà lại được đồng hóa với một vị tiên nữ khác biệt hẳn là Vương Mẫu, vị thánh mẫu của đạo Lão. Vì không có câu truyện liên hệ nào xưa hơn, tôi xin kể lại một câu truyện tương đối mới, có lẽ chỉ chừng 200 năm trở lại, vì trong đó có nhiều chi tiết chứng tỏ truyện xẩy ra khoảng đời nhà Thanh. Tuy câu truyện này có thể bị coi như là không thích đáng lắm, nhưng chắc chắn cũng thuộc loại những truyện nói về Diệu Thiện. Trong những câu truyện kể về Diệu Thiện, đoạn nói đến sự thoát chết trong tay người đao phủ được thay thế bằng những tình tiết khác, như là ngôi tháp ngài bị giam trong đó đã bị vua cha ra lệnh đốt, và nạn nhân đã thoát hiểm bằng cách bay lên trên ngọn lửa trong dạng một con bồ câu trắng thật thanh tú. Câu truyện sắp kể lại sau đây có nguồn gốc khá mới mẻ, nên càng thú vị hơn, vì đó là chỉ dấu cho thấy Quan Âm vẫn tiếp tục được tái sinh lại qua nhiều thời đại với những câu truyện tương tự như của Diệu Thiện. Tôi kể hơi dông dài một chút, vì vẫn còn nhớ rõ những chi tiết và nó cũng mang nhiều sắc thái dễ thương của toàn thể những huyền thoại về Diệu Thiện.


 Thuở trước tại tỉnh Chang Sha Fu có một thư sinh tuấn kiệt tên là Kuo Hsiang-Hsi, lầu thông hết Tứ Thư, Ngũ Kinh và có tài văn hay, chữ tốt . Tuy nhiên, vì nghiệp chướng tích lũy từ kiếp trước còn nhiều nên chàng hai lần đều thi hỏng tú tài, con đường khoa bảng lận đận, mộng vinh hoa phú quý không thành. Buồn rầu xấu hổ, chàng quyết chí sẽ có ngày tìm cách trả hiếu cho cha mẹ thật hoàn toàn. Một hôm, chàng nhận được một lá thư triệu đến gập bác ruột của chàng, hiện đang làm quan huyện ở xa.


 “A, cháu đấy hả,” quan huyện Kuo đón chào cháu khi chàng trai vội vã vâng lời đến gập, “cháu thật là nhanh nhẹn lắm. Chúng ta vào thư phòng nói chuyện đi.”


 Người bác dẫn chàng đến một tràng kỷ rộng bằng gỗ quý, trên đó để sẵn một khay ống điếu thuốc phiện trông thật trang nhã. Ra dấu cho cháu ngồi thoải mái rồi, ông bác nằm dựa lên gối, lấy cây kim bạc đốt một viên thuốc phiện nhỏ lên ngọn đèn. Khi ống điếu đã sẵn sàng, ông đưa mời cháu; chàng trai ngượng ngùng, kêu lên: “Không, cám ơn bác, thôi cháu không biết hút thuốc phiện hay uống rượu đâu.”


 “Tốt quá, tốt quá,” ông bác kêu lên thích thú. “Cháu quả là một chàng trai đàng hoàng, đúng như ý bác đang mong muốn đó.” Cho ống điếu vào môi, ông vui vẻ nói thêm: “Tuổi trẻ thanh niên rất cần phải có đức hạnh, nhưng người trí nên tránh những cực đoan trong tất cả mọi thứ. Bác mong là cháu sẽ không từ chối một cuộc vui nhỏ bác đã dành cho cháu đêm nay. Cô gái đó mới vừa mười sáu tuổi thôi, hiện là kỹ nữ mới nhất và có giá nhất vừa được mụ Mã nhập vào trong Viễn Xuân Gia - ngực nàng như quả đào chín tới (bác nói cô gái đó, chứ không phải mụ Mã đâu), đôi chân như đóa sen vàng mọng thật là nhỏ bé xinh xắn không tả được, lông mày lá liễu, đáy thắt lưng ong. Nói tóm lại, thật là tài sắc vẹn toàn đó.”


 “Cám ơn bác rất nhiều,” Hsiang-Hsi lúng búng nói, mặt đỏ bừng lên. “Cháu – à, như bác cũng biết đấy, cháu vừa mới kết hôn với tam tiểu thư của Vương gia rồi, và cháu—cháu—“


 “Thôi đừng đỏ mặt nữa, cháu ạ. Bác hoàn toàn hiểu cháu, chỉ muốn thử cháu chút thôi. Bây giờ thì bác biết chắc rằng cháu đúng là người bác cần để đảm nhận một công việc tế nhị vô cùng. Công việc đó đòi hỏi một người phải có đức độ trời cho như cháu vậy. Nếu không thế, thì chắc con cáo con đó, ý bác nói là bác gái mới nhất của cháu đó, thế nào cũng dùng những trò quỷ quyệt mà lung lạc được cháu.”


 Phà một hơi khói mà một thi sĩ từng gọi là “những đám mây thơm của sự quên lãng ngọt ngào”, quan huyện Kuo giải thích rằng phu nhân thứ năm của ông, đáng lý ra ở tuổi mười sáu cũng phải biết lễ nghi một chút, đã biến mất gần một tiếng đồng hồ trước khi cô được đưa đến dinh phủ để bắt đầu cuộc đời hôn nhân với ông. Tệ nữa là, một số đồ lễ cưới cũng biến mất theo cô. Ôâng đã rộng rãi ra tay cứu vớt cô ra khỏi cảnh nghèo mạt của người cha học trò và cho hưởng sự giầu sang phú quý, đáng lẽ cô phải hân hoan đón nhận mới phải, thế mà nghe nói cô đã bỏ trốn với một chàng trai không một đồng xu dính túi, một tên vô lại họ Vũ ở gần nhà cha cô. Nghe nói chúng nó đã chạy trốn đến vùng đồi Nan Yeo, thuộc một dẫy núi thiêng nổi tiếng, và trú ngụ trong một căn đền bỏ hoang gần chân núi. Dĩ nhiên chúng có thể bị bắt trừng phạt thật đích đáng với tội lỗi tầy đình của chúng, nhưng quan huyện Kuo có thiện ý muốn giải quyết mọi sự một cách êm thắm, nên sẵn sàng bỏ qua miễn là cô gái chịu trở về với ông và hứa sẽ xử sự theo đúng quy cách tì thiếp của một vị quan lớn.


 “Cho nên cháu thấy đó, bác đã gọi cháu đến, thử cháu và thấy cháu đúng là người có tư cách để thi hành công việc thật tế nhị này. Vì cháu là người thân thuộc, nên ta có thể tin cậy là cháu sẽ kín đáo gìn giữ danh tiếng cho gia tộc. Cháu có quyền cho cái thằng đã quyến rũ nàng một số tiền lớn chừng nào nó chịu bỏ đi một nơi xa xôi nào nó muốn. Biết đâu chừng, ta còn có thể viết thư cho giới chức ở đấy giúp nó tìm một công việc gì đó. Còn nếu nó tỏ ra bướng bỉnh, ta sẽ trông cậy vào cháu để đưa nó về cõi âm hồn càng gọn nhẹ càng tốt, nhất là, đừng cho bác gái mới của cháu biết đến. Nếu để cho nàng phải nhỏ lệ hay nuôi một mối hận nào đó với người chồng yêu quý nàng thì thật là khó chịu lắm. Nhà này vốn đang thật là êm ấm xưa nay, nếu để nàng về đây hành xử như thế thì sẽ làm xáo động mất.”


 Thế là, với những lời căn dặn và tin tức về đường đi nước bước, một túi tiền trong tay và một cặp ngựa quý—với yên cương sẵn sàng, Hsiang Hsi được phái đi thi hành nhiệm vụ của bác chàng giao phó, dù chàng không khỏi cảm thấy miễn cưỡng vô cùng. Chàng thấy thương hại cô gái khốn khổ kia và nghĩ, thà cho ông bác xuống âm ty còn hơn để cho nàng bị cướp mất người yêu. Đối với chàng, thật là chướng khi thấy một cô gái mười sáu tuổi bị ép buộc lấy một ông già lý ra còn già hơn cả ông nội của cô nữa. Nhưng mặt khác, chàng lại có bổn phận phải trả hiếu với người bác mà vai vế là trưởng tộc trong họ, chẳng khác gì như ông bác đáng ghét này là chính cha chàng vậy. Đã thi hỏng và không đem danh dự được về cho gia đình, chàng nhất định không thể nào làm cho cha mình bị mất cảm tình với ông bác đầy quyền thế này. Hơn nữa, theo những nguyên tắc Nho giáo mà chàng đã bị nhồi nhét xưa nay, cô gái này đúng ra thật có lỗi. Nếu phụ nữ được để cho quyền chọn chồng, chắc nền văn minh này sẽ tiêu vong mất! Với những ý tưởng đầy lễ nghĩa và nghiêm khắc đó, chàng trai cảm thấy tim mình cứng rắn hơn và quyết chí sẽ thi hành từng chi tiết một những lời chỉ dẫn của ông bác, thiếu chút nữa đến chuyện hạ sát thôi.


 quan_am_7-content Cuộc hành trình đến núi Nan Yeo mất vài ngày; vừa cưỡi một con ngựa, lại vừa cầm dây cương dẫn một con ngựa khác không phải là cách nhanh nhất để du hành trên một con đường gồ ghề sỏi đá. Mãi tới chiều chàng mới tới được chân núi; những sườn núi dốc phía trên lác đác vài ngôi chùa và đỉnh núi cao đầy mây phủ đã bị che mờ đi trong màn sương. Tuy ngôi chùa bỏ hoang nơi chàng sẽ bắt đôi nam nữ bỏ trốn ở cách đó không xa, nhưng chàng không muốn tới khi chúng còn đang ôm ấp nhau trong tay; thật ra, nếu chàng đến đó lúc nào chỉ có một mình cô gái sẽ tiện hơn. Nghĩ vậy, chàng bèn đi tìm một nơi nghỉ chân ban đêm, và bắt gập được một ngôi đền nhỏ thờ Nương Nương Thánh Mẫu. Trong đền, phía bên trái sân có một phòng nhỏ với sàn gỗ làm giường ngủ, một tấm nệm rơm cũ kỹ đã xám mầu và vài dụng cụ nấu ăn thô sơ. Nhưng lâu sau khi màn đêm đã buông xuống, vẫn không thấy bóng dáng của chủ nhân đâu cả, nên sau khi cột ngựa lại cẩn thận trong sân và ăn vài miếng bánh xếp lạnh đem theo, chàng buông người nằm xuống ngủ.


 Đột nhiên, chàng tỉnh dậy sau một giấc mộng. Trong giấc mộng đó, chàng nhớ rõ thấy mình ngồi dậy đi tìm xuất xứ của một tia sáng rực rỡ chiếu vào qua khe hở của cánh cửa sộc sệch. Cuộc tìm kiếm đó đã đưa chàng đến ngay điện thờ, ở đó, thay vì bức hình tượng tiêu điều đổ nát, trước mắt chàng hiện ra một nữ thần ăn mặc lộng lẫy, đầu và thân phát ra những tia hào quang sáng ngời. Trong tâm trí chàng vẫn còn rõ như in lời vị nữ thần đó nói như sau:


 “Đừng phí thì giờ làm lễ với ta. Chỉ cần nghe và tuân theo là được rồi. Cho ngươi hay, từ trước tới nay qua vô lượng kiếp, ta đã hóa thân trong cõi nhân gian, đôi khi như một thiên thể ánh sáng, đôi khi như một con người và đã hơn một lần ta hóa thân thành con ngựa quý. Cũng có nhiều khi ta thị hiện trong nhiều hình tướng cùng một lúc ở vô số các cõi giới khác nhau. Ta được biết đến với nhiều tên, như là Nương Nương và Quan Aâm, và ta cũng đã thà chịu những cực hình đau khổ còn hơn là để cho tấm thân bị ô uế; bởi vì, trong một kiếp xa xưa trước đây, ta đã thệ nguyện sống đời thanh tịnh để có được năng lực toàn vẹn cứu độ chúng sinh. Nếu con người si mê là bác ngươi đó được mọi sự như ý hắn muốn thì lời nguyện ấy của ta sẽ bị hủy mất và năng lực cứu độ vô biên chúng sanh của ta sẽ bị phá vỡ đi. Do đó, ta đã chọn ngươi làm công cụ để hoàn thành mục tiêu của ta một cách êm thắm.”


 “Giấc mộng đẹp quá!” Hsiang-Hsi tưởng nhớ lại. “Ước gì tôi có thể nhớ lại đoạn cuối. Chắc đây chỉ là lương tâm tôi bị cắn rứt về cô gái tội nghiệp đó thôi. Nhưng dù vậy, tôi cũng vẫn phải làm tròn bổn phận trả hiếu của mình. Nhưng có thực đó là một giấc mộng không nhỉ? Cho tới lúc này tôi vẫn còn thấy thoang thoảng mùi hương của vị nữ thần ấy, như là đang vương vất trên quần áo của tôi vậy mà..” Trong khi những ý nghĩ đó băng ngang tâm chàng, mùi hương ngây ngất đó dường như lại mạnh hơn lên và chàng vội vã đi vào trong điện thờ, hi vọng tìm được một cái gì đó chứng tỏ rằng đây không phải là một giấc mơ. Tuy nhiên, không thấy có gì hơn ngoài bức tượng đổ nát trên một bàn thờ sập sệ. Chàng lại đi ngủ trở lại, và thức dậy buổi sáng, tự nghĩ mình đã điên rồ lẫn lộn giữa mộng và thực.


 Trong lòng dường như đã được cảnh tỉnh, nhưng chàng vẫn tiếp tục lên đường hoàn thành công việc ghê tởm của mình. Giấc mộng đã quá phù hợp với những nỗi niềm thầm kín trong tâm chàng, khiến chàng không thể nào không thấy cắn rứt khi thi hành nghĩa vụ này của gia tộc. Hai giờ sau, chàng đã cưỡi ngựa đến một khóm rừng nhỏ nơi có ngôi đền bỏ hoang đã được kẻ thám thính báo cáo trước đây. Tuy ngôi đền nhỏ bé, nhưng có một túp lều ngay bên cạnh, chắc chắn là để chứa chấp đôi trai gái đi hoang đó. Và cũng không cần phải điều tra gì cả, vì ngồi ngay trên khung cửa là một cô gái ăn mặc giản dị nhưng tuyệt đẹp, đang nhìn chàng với vẻ mặt hơi kinh hoảng. Không thấy bóng dáng người tình của nàng đâu cả.


 Dừng ngựa lại một khoảng cách vừa phải để nàng không sợ thêm, chàng bước xuống kêu lên rằng: “Ngũ Phu Nhân, xin hân hạnh được ra mắt bà. Kẻ tiện nhân này tên gọi là Kuo Hsiang Hsi, là cháu rể vô dụng của bà đây. Bác tôi đã gởi tôi đến đón bà về nhà cho an toàn. Hãy yên tâm là bà sẽ vẫn được tiếp đón đàng hoàng như là đã không có chuyện gì xẩy ra hôm cưới bà vậy.” Thấy nàng đỏ mặt, chàng nhẹ nhàng nói thêm, “Xin đừng gây khó khăn cho tôi. Nếu bà làm vậy, sẽ có người thân thương với bà phải bị khổ.” Nói rồi, chàng đưa tia mắt nhìn cây kiếm treo lủng lẳng ở yên ngựa. 


 “Chẳng có ai thân thương với ta ở gần đây cả,” cô gái lạnh lùng nói, “trừ khi là ngươi muốn đi hạ sát những vị ni cô đạo hạnh trong chùa phía trên núi. Họ không có tội gì cả. Thay vì để cho họ nhận lãnh cơn giận dữ của bác ngươi, ta đã quyết định ở dưới này một mình cho đến khi nào ông ta nguôi ngoai quên dần đi. Nếu ngươi muốn nói đến chàng trai tốt bụng đã liều mạng đưa ta đến đây, thì ngươi sẽ chẳng tìm thấy chàng ta đâu. Hắn đã biết nguyện vọng của ta là sống một đời tu hành thanh tịnh nên không còn vấn vương ở đây làm gì sau khi nhiệm vụ của hắn đã làm xong. Ngươi không có cách nào làm hại hắn được đâu. Còn ta, thà ta chết còn hơn là phải trao thân cho lão già dâm dục đó. Nếu lão ta muốn xác của ta, thì người cứ việc làm theo ý muốn của ngươi đi.”


 Sợ nàng sẽ tự hủy mình, Hsiang-Hsi vội vàng nhẩy đến, cố dùng sức thật nhẹ nhàng kéo nàng lên con ngựa thứ hai, và cột chặt nàng vào đó thật khéo để không ai thấy được sợi dây lụa trói nàng qua lớp áo che phía ngoài. Như vậy, nàng sẽ không bị nhục nhã trong cảnh bị chàng bắt đi, và chàng cũng sẽ không bị tra hỏi nếu gập những quân binh hay khách bộ hành trên đường bắt gập.


 “Ngũ Phu Nhân, tốt nhất là bà không nên kêu cứu gì cả. Tôi đã có sẵn trát bắt bà và một án lệnh do quan huyện Kuo đóng dấu ủy thác cho tôi việc này. Nếu ai thấy được, họ sẽ không dám giúp đỡ cho bà đâu. Đừng để cho hậu quả đem đến sự nhục nhã cho bà và bác của tôi.”


 “Tên thư sinh nho nhã giả đạo đức kia,” cô gái mắng trả lại. “Hãy suy nghĩ cho kỹ những gì ngươi đang làm. Cái chết của ta có thể không làm cho lương tâm ngươi cắn rứt, nhưng sẽ đem đến cho ngươi một ác nghiệp trải dài đến nhiều đời về sau.”


 Trèo lên yên ngựa rồi, cầm chắc trong tay dây cương ngựa của nàng, chàng trả lời: “Ngũ Phu Nhân, bất kỳ với giá nào, tôi cũng phải làm tròn việc trả hiếu của tôi. Nếu bà cố chống lại, tôi sẽ bắt buộc phải đem bà lên yên ngựa của tôi—đi như thế trông không được mắt chút nào, chắc chắn là bà sẽ không thích đâu.” Thúc ngựa đi nước đại, chàng bắt đầu con đường quay về nhà.


 Khi đến ngôi đền chàng đã nghỉ lại ban đêm, nàng năn nỉ chàng thật khéo léo xin được vào lễ trong đền, khiến chàng khó thể từ chối, mặc dù cương quyết không để nàng ra khỏi tầm mắt mình. Tuy nhiên, trong khi tay chàng đang bận rộn cột ngựa lại, nàng đã biến mất vào trong điện thờ; chàng vội vàng chạy vào theo, nhưng rồi bỗng thấy một cảnh tượng khiến chàng phải quỳ xuống đê đầu lậy, tất cả tinh thần trách nhiệm đều quên hết. Bức tượng đổ nát kia đã biến mất, như trong giấc mơ nọ, nhưng lần này thay thế vào đó không ai khác hơn là chính Ngũ Phu Nhân. Trên chiếc ngai hoa sen đủ mầu rực rỡ, bà đang ngả người ngồi với hào quang tỏa sáng chung quanh, và bên cạnh là hai thị giả sáng chói—chính là Thiện Tài và Long Nữ!


 “Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát!” chàng thư sinh lắp bắp nói, lập đi lập lại nhiều lần , hi vọng rằng chữ “Ma Ha Tát” sẽ khiến ngài dễ tha thứ cho chàng hơn.


 “Thôi đừng có lải nhải nữa mà hãy nghe cho rõ đây,” vị Bồ Tát nói, với giọng và hình dáng y như của Ngũ Phu Nhân. “Vì ngươi có lòng hiếu thảo một cách mù quáng như vậy, nên đã làm Chúng Ta động tâm và hoan hỉ thị hiện ở chốn núi thiêng này để cứu ngươi khỏi phạm một lỗi lầm nghiêm trọng có thể đưa đến nghiệp báo treo trên cổ ngươi trong nhiều kiếp về sau. Đã được chiêm ngưỡng tận mắt sự thị hiện này của Chúng Ta rồi, đời sống trần lao của thế gian này cũng không còn thích hợp cho ngươi nữa. Những tham lam, hận thù, và những điên đảo của thế gian làø không xứng hợp với ngươi nữa. Một là, ngươi sẽ đem Chúng Ta trả về ngôi đền mà ngươi đã cưỡng bách Chúng Ta đi đó, rồi từ đó tiến thẳng lên tự viện Liên Đài, ở đó ngươi sẽ xin thọ giới xuất gia và sống như vậy cho đến hết kiếp; hai là Ta sẽ trở về Chang Sha Fu như mộtø nạn nhân bị ngươi cưỡng bách đem về và cho mọi sự diễn tiến theo quy trình của nó – đối với ngươi, đó là một quy trình đáng buồn đó.”


 Hsiang-Hsi hăng hái tuân theo, tất cả những ý niệm cứng nhắc về hiếu thảo đều biến đi hết. Trong chớp mắt những ảnh hưởng của hai mươi năm rèn luyện theo Nho giáo đã bị tiêu tan với năng lực của con người sáng chói này.


 Vị Bồ Tát, bằng một cách huyền bí nào đó, đã ra khỏi thân hình của Ngũ Phu Nhân lúc đó và biến mất đi, để lại một Ngũ Phu Nhân bình thường như trước. Hsiang- Hsi bèn hộ tống “bác dâu” của chàng trở lại ngôi đền cũ và tự mình tiếp tục lên cao trên núi để xin nhập chúng tu hành. Chàng được nhận ngay và đã thọ giới xuất gia một thời gian sau đó.


 Trong khi đó quan huyện Kuo, sợ cháu mình đã bị giết hay là bắt đi, bèn chỉ huy một đội binh mã phi nhanh tới Nan Yeo. Thấy ngôi đền bên đường vắng tanh và nghe vài người dân làng báo cáo lại là vị phu nhân đẹp đẽ đó đã vừa nhập vào chùa Cam Lồ ở trên cao, ông giận dữ ra lệnh cho binh sĩ đi theo ông lên phía trên. Bao vây ngôi chùa sư nữ đó từ khắp các phía rồi, họ phóng hỏa đốt chùa; và những vị ni cô hoảng sợ trước làn mưa tên ở ngoài phải đã rút vào lại trong lò lửa dữ dội đó, họ túm tụm lại với nhau thật tội nghiệp, cố núp bên dưới một cánh cửa cong để tránh hơi khói . Quan huyện Kuo đắc thắng nhìn vào mặt cô gái đã chạy trốn lòng thèm muốn của ông để rồi phải chịu một cái chết tàn khốc như vậy. Nhưng, khi những ngọn lửa đã tàn đi rồi, và những binh sĩ đã thu lượm lại những thân hình cháy đen của các nạn nhân, tuy rằng cả mười một vị ni cô đã được đếm đủ, nhưng không có một dấu vết nào của Ngũ Phu Nhân được tìm thấy cả. Tình huống đó khiến quan huyện Kuo lại càng thêm phẫn nộ điên cuồng, hỏa bốc cao lên đầu, khiến ông ngã lăn ra và chết ngay lúc đó. Nhưng những tùy tùng của ông không có ai để ý đến sự đau khổ cuối cùng đó của ông, vì họ bận dán mắt nhìn lên một con chim trắng tuyệt đẹp đang lượn quanh chùa ba lần trước khi bay vút lên cao, cao mãi tận trời xanh và biến mất vào cánh cổng sơn son thếp vàng của Thiên đình. Và đó không phải là kỳ quan duy nhất họ được chứng kiến, mà sau đó, giác linh của các vị ni cô đã bị thảm sát đó cũng bay lên từ những xác thân tội nghiệp của họ, và thẳng tiến lên trời theo sau con chim đó.


 Câu truyện đến đó là hết – rõ ràng là một giai thoại về Diệu Thiện được đem vào trong một thời đại mới mẻ hơn. Có điều không rõ là Ngũ Phu Nhân, khi xuất hiện trong ngôi đền đó trong dạng của Quan Âm, không biết có thật sự là một hóa thân của Quan Âm hay không. Vị tăng đã kể lại truyện này cũng không biết điều đó.

 Một câu chuyện bình dị hơn đã đưa Diệu Thiện vào ngay thế kỷ hai mươi này, được kể lại cho tôi từ một sa di trẻ đã được cha mẹ hiến vào chùa khi còn nhỏ, trong đó Diệu Thiện được mô tả hiện ra dưới hình dáng thật tươi trẻ. Có lẽ câu chuyện này gần với Tara trẻ trung nhiều hơn là Diệu Thiện; vì lẽ đó tôi cũng hơi ngần ngại khi đem nó vào trong đoạn này.


 Vị sa di trẻ kể, “Cha mẹ tôi phát nguyện cho tôi vào chùa trong thời gian Đại Ca tôi bị đau nặng. Anh ấy nằm liệt giường, chỉ còn chờ chết, và lúc ấy Quan Âm đã cứu anh. Khi bác sĩ nói với chúng tôi rằng anh chẳng còn hi vọng gì nữa, cô tôi đã mời ông ra khỏi nhà và đứng ra đảm đương mọi việc. Cô gọi bà con hàng xóm đến, yêu cầu họ ở lại đêm tụng niệm bài chú Đại Bi Đà La Ni cho đến sáng. Lúc ấy mùa màng đã gặt xong xuôi rồi, nếu không chắc họ cũng không dễ dãi chiều ý cô như vậy đâu, tuy rằng thường thì cũng ít ai dám trái ý cô lắm. Đến khoảng nửa đêm, Đại Ca tôi, suốt ngày nay đã nằm mê man, bỗng làm chúng tôi giật mình khi anh ngóc đầu dậy la lớn: “Trông cô gái kia kìa!” Đôi mắt anh dán chặt lên cái đà nhà, và ở đó, chúng tôi kinh ngạc thấy một cô tiên trong chiếc áo dài xưa cổ đang ngồi ở trên. (Có vài người nói với tôi sau này rằng cô ta đúng là hình ảnh của Diệu Thiện được vẽ trong những quyển truyện bằng tranh lối xưa theo kiểu của thời nhà Thanh. Điều này cũng chẳng có ý nghĩa gì với tôi, vì tôi chưa bao giờ được xem những truyện tranh đó cũng như được nghe về Diệu Thiện, nhưng đó là những điều họ đã nói.) Thực sự ra tôi cũng không thấy rõ lắm hình dạng của cô tiên đó, nhưng những gì hiện ra trước mắt mọi người là quá rõ ràng để có thể coi đó như là ảo ảnh lung linh của ánh sáng và bóng tối. Hơn nữa, cô ta lại đang cười ròn rã và tất cả mọi người chúng tôi đều nghe thấy. Trên tay cô là một cái lọ giống như bình chứa nước Cam Lồ của Quan Aâm; cô đang chơi với cái lọ đó như một đứa trẻ đang đùa nghịch, rồi bỗng nhiên dốc mạnh nó xuống để rớt một vài giọt xuống đầu của anh tôi. Thế rồi cô biến mất và tất cả mọi người đều ào lên nói cùng một lúc. Thật ồn ào quá chừng! Cô tôi vui mừng hớn hở ra mặt. Sau khi xem xét kỹ lưỡng anh tôi, cô nói không cần phải tiếp tục việc chữa trị nữa, ý cô muốn nói đến việc tụng chú như lúc trước. Chỉ trong vòng hai ngày, Đại Ca tôi đã đi lại được. Vị bác sĩ đã ngây người ra ngạc nhiên khi chưa đầy một tuần sau, Đại Ca tôi đi bộ đến làng bên để đưa biếu ông một giỏ trái cây! À, quên một điều nữa. Ngay lúc họ bắt đầu tụng bài chú đó, cô tôi đã thuyết phục cha mẹ tôi lập lời nguyện cho tôi vào tu viện để tạ ơn cho đứa con cả được hồi phục. Tôi cũng hoan hỉ là cha mẹ tôi đã làm vậy. Tôi thích đời sống tu hành ở đây.”


 Vì Quan Âm, dưới cái tên là Kwannon-Sama, cũng được sùng mộ ở Nhật không kém gì ở Trung Quốc, tôi sẽ kể lại đây một câu truyện Nhật Bản có những nét tương tự nhưng đồng thời cũng có đặc điểm khác với những câu truyện của Trung Hoa.


 Sự ra đời của công chúa Chujo, con của vương gia Fujiwara Toyonari (khoảng thế kỷ thứ 8 sau Công Nguyên), bất hạnh thay, đã làm cho mẹ cô phải mất mạng. (người ta cũng cho rằng mẹ cô chính là một hóa thân của Quan Âm Bồ Tát). Suốt từ thời thơ ấu, cô bé đã nổi tiếng với lòng từ bi mẫn cảm đối với những người và vật đang khốn đốn, thế nhưng cô lại bị người mẹ kế hành hạ ngược đãi đủ điều, thậm chí bà ta còn tìm cách sát hại cô nữa! Nàng công chúa Chujo đáng thương chạy trốn lên vùng núi Hibari thuộc lãnh vực Kii, khiến người cha rất mực đau khổ , ông đã cho người đi tìm cô suốt hai năm trường mới gập lại được.


 “Con yêu quý,” ông kêu lên khi cơn mừng tủi trùng phùng đã hạ xuống, “Cha báo cho con một tin mừng lớn lao; đó là con đã được sắp xếp mai mối– không, đừng có ngắt lời cha—, để được thành hôn với một người không có ai hơn được nữa là Thiên Hoàng, chính là Thiên Tử và Hoàng Đế của Nhật Bản đấy!”


 “Cha ơi, tội cha quá,” Công chúa Chujo buồn rầu trả lời , “tuy cha đã hết lòng lo chuyện đó, nhưng không thể nào được đâu. Cha phải cầu xin Bệ Hạ tha lỗi cho con, vì con đã thệ nguyện trước Phật Đà sẽ suốt đời sống độc thân, hầu có thể dồn hết thì giờ vào việc tu hành để đạt chánh quả Bồ Tát cho lợi lạc chúng sanh.”


 Sau đó, không hề lay chuyển trước sự giận dữ và buồn rầu của cha, công chúa đã gia nhập tu viện Taima-deva ở vùng Yamato. Nơi đó cô đã trải qua những ngày dài công phu khổ hạnh, thường xuyên nguyện cầu Đức Phật A Di Đà thị hiện và xin được thọ ký để thành tựu đạo quả Bồ Tát. Nhưng mãi mà không thấy có sự cảm ứng nào, cuối cùng cô thất vọng la lớn: “ Đức Phật A Di Đà linh thiêng, cho tới khi nào ngài nhủ lòng thị hiện ra, sẽ không có đồ ăn nào qua khỏi miệng con và ngài sẽ chịu trách nhiệm nếu con phải chết đói!”


 Lúc ấy có một người khách lớn tuổi đến trước cửa, và sau khi nói chuyện với nàng, đã hứa chỉ cho nàng xem cõi tịnh độ của Đức Phật Di Đà, miễn là nàng phải vâng lời làm theo lời chỉ dẫn từ Thánh Mẫu. Ngay sau đó, nàng được chỉ thị phải hái về một trăm cành hoa sen và cẩn thận tách những sớ ra. Nàng bèn làm vậy rồi và, vẫn còn vâng theo lời chỉ dậy của Thánh Mẫu, đã để chúng trong một cái giếng kỳ bí bỗng hiện ra ở trong sân. Khi chạm tới nước trong sạch của giếng, những sớ sen bỗng hiện lên mầu sắc rực rỡ như cầu vồng. Phép lạ đó vừa xong, bỗng có một thiếu nữ hiện ra trong tay cầm một khung cửi, và chỉ trong vòng sáu tiếng đồng hồ, cô đã dệt nên một bức tranh tuyệt vời về cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà, và còn lạ lùng hơn nữa là bức tranh đó không biết sao mà còn lớn hơn cả căn phòng đang chứa nó nữa! Lòng tràn đầy xúc cảm, Công chúa Chujo cúi mình xuống đất đảnh lễ, và rồi khi đó, trước sự hân hoan tột độ của cô, người khách lạ lớn tuổi và cô gái dệt lụa đã thị hiện ra là A Di Đà Phật và Quan Âm Bồ Tát!


 Trong câu truyện nho nhỏ dễ thương này, tôi thấy có một đoạn đã nói lên một điểm thật đặc thù Nhật Bản! Đó là đoạn cô gái dám thách thức đe dọa Phật! Không có một tín đồ Trung Hoa nào dám làm một điều bất kính như vậy!


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng