Chương Một - Câu đố bí ẩn

09 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 8492)



Chương Một


 

 Câu đố bí ẩn

 


Ai có tâm yêu thích

những cảnh tượng đẹp đẽ

Biểu lộ qua cọ vẽ

Của một người họa sĩ

Hay một điêu khắc gia

Sẽ không thể cưỡng được

Vẻ mỹ lệ của Quan Thế Aâm

 

Ai đang theo con đường

Đi đến Cánh Cổng bí ẩn

Cũng đều muốn đọc được

Điều bí mật phản chiếu trong mắt ngài

Cũng đều muốn biết được

Điều bí mật trong nụ cười của ngài.

 

Từ đâu tới, con người sáng chói ấy

Một hiện thân thần thoại

Của lòng từ bi trong sáng vô biên? 

Từ đâu tới, lòng tin mãnh liệt ấy

Nơi năng lực của Quan Thế Aâm

Độ chúng sanh đau khổ

Vượt qua bể trầm luân?

 

Ở đâu, từ lúc nào ngài đã thị hiện

Làm thế nào ngài đã được mang tên

Quán Thế Âm, người nghe những tiếng kêu

Của nhân loại đau khổ nguyện cầu?


 

quan_am_2-content

 Trong những câu hỏi này, câu cuối cùng được trả lời nhanh nhất. Quan Âm (hay Quan Thế Âm, danh xưng đúng của ngài) có nghĩa là Vị Bồ Tát có linh cảm đến những tiếng kêu đau khổ của thế gian, và là dịch nghĩa tên tiếng Phạn của tiền thân chính của ngài, Avalokitesvara ( hay là Avalokita). Ở Đại Hàn và Nhật Bản, nhất là ở Trung Hoa trước khi làn sóng Đỏ xâm chiếm những đền thờ của ngài , Quan Âm đã được tôn thờ trong dân gian như một vị nữ thần cả ngàn năm nay, mặc dù thực ra ngài không phải là một nữ thần, mà là một vị Đại Bồ Tát và trước đây đã mang hiện tướng nam, như hiện nay thỉnh thoảng ta vẫn thấy như vậy. Đối với những người hiểu biết, ngài không phải là một vị tiên ở trong số những vị tiên ở rừng núi, trong những lạch suối, bụi cây, hay như một vị thần trong số những thần khác của trời. Sự kiện Ngài đã được tôn thờ từ lâu như một nữ thần bởi tất cả mọi hạng người, từ những người đánh cá cho đến những bậc trí giả đạo Lão ẩn tu nơi rừng núi, cũng như những cư sĩ Phật giáo, đều là do cái hấp lực không cưỡng được nơi một thánh nhân đầy lòng đại từ đại bi đối với một dân tộc có một lịch sử lâu dài đã quen sống trong nghèo khổ và áp bức.


 Mãi cho tới gần đây, những đền thờ Quan Âm đã trải dài khắp các nơi chốn của xứ sở Trung Hoa, cũng như trong một số các nước láng giềng, và bất cứ nơi nào có điều kiện, những đền thờ ấy đều được dựng lên gần nơi nào có nước hoặc nhìn xuống một mặt hồ, hay mặt biển nào đó, và ngài thường được phác họa đang ngồi trên một tảng đá nhìn ra mặt nước, hoặc đứng trên một bông hoa sen trôi bềng bồng. Chỗ ở của ngài là ở trên một hòn đảo ngoài khơi và những ngư dân thường đồng hóa ngài như là vị thần bảo hộ của họ. Ở đây, tôi nghĩ tốt nhất nên giới thiệu về ngài như một vị nữ thần của ngư dân, vì qua biểu tượng ấy, lần đầu tiên tôi đã thấy ngài trong một đền thờ ở đó.



 Thường thường, trong những lần đi du ngoạn ở miền nam Trung Hoa, sau khi ngừng chân tại một thị trấn nhỏ trước hoàng hôn khoảng một tiếng đồng hồ và ghé vào một khách trú giữ phòng qua đêm, nếu đi tản bộ ra ngoài bờ sông hoặc dọc theo bãi biển, thế nào tôi cũng bắt gập được mộät nơi chốn thanh tịnh gần bìa có đền thờ Quan Âm. Ở giữa những lùm cây um tùm, hay gần đỉnh cao của một triền đá, thường có một cánh cổng cong , ở dưới treo một tấm bảng sơn son thếp vàng khắc những hàng chữ ghi danh Ngài. Bước vào trong là sân trước, đôi khi nhỏ hẹp đến nỗi có thể gọi đó là một cái “giếng lộ thiên”, và rồi đến ngôi chùa có mái cong cầu kỳ, với những bức tường xám và những cánh cửa gỗ sơn mài. Lần đầu, ngôi chùa tôi thăm viếng thật là nhỏ bé, diện tích chỉ bằng một phòng thờ ở những căn nhà cổ theo đạo Thiên Chúa ở Anh quốc, hay có lẽ còn nhỏ hơn vậy nữa. Bức tượng bằng đất sét nung đã sứt mẻ, mầu sắc đã phai nhòa hết. Một cái bàn thô sơ lỗ chỗ những mảng sơn mài tróc được dùng để làm bàn thờ. Nơi chốn này, tuy đầy vẻ nghèo nàn, nhưng lại có một không khí có nhiều khách vãng lai. Tôi chưa kịp nhìn kỹ những cột nhà cổ kính với hàng chữ Hán mờ nhạt, những tấm phướn tả tơi và những đồ vật thô thiển trưng bầy trên bàn thờ, thì có tiếng chân lao xao ở ngoài. Không muốn đứng đó cản trở, tôi dợm bước lui ra, nhưng ông từ giữ chùa, một ông già trong bộ quần dài đen, chiếc áo tràng xám nhạt cũ kỹ lâu năm, đã mỉm cười ra hiệu cho tôi ở lại.



 Đám người đàn bà ngư dân vội vã bước vào. Họ mặc những đồ bộ bằng vải thô mầu đen, vài người trong số họ mang nón lá có vành rộng buộc dây vòng sau lưng, vài người đeo con nhỏ nằm gọn lỏn trong cái địu bằng vải đỏ thẫm buộc vào áo, đôi chân nhỏ dang rộng hai bên đong đưa theo bước đi. Liếc mắt nhìn hơi dò hỏi về phía tôi, một quái nhân cao lớn đến từ bờ biển phía Tây, rồi họ quỳ sụp xuống lậy ba lần, trông uyển chuyển không ngờ đối với vẻ bề ngoài thô kệch như vậy (tôi dùng chữ “thô kệch” để diễn tả người dân quê Trung Hoa có lẽ hơi nặng quá chăng, nhưngï trông họ chắc chắn là có một cuộc sống vất vả lắm.) Ít phút sau họ đứng dậy, ngoại trừ một cô gái trẻ đang mang thai thật lớn vẫn còn phủ phục dưới sàn nhà. Lấy nhang đèn ở một cái bàn gần cửa, họ thắp hương tụng một điệu hát đều đều, rồi lại cúi lậy sì sụp và vội vã dắt cô gái bước đi. Tất cả diễn biến này chỉ kéo dài chừng ba hay bốn phút.


 “Cái gì thế?” Tôi hỏi ông từ bằng tiếng Hoa vẫn còn thô thiển của tôi, mặc dù đã đoán được chuyện gì vừa xẩy ra.


 “Cô gái đó đang mang phúc đó, ông không thấy sao? Những người kia là bà con của cô ta. Họ đến cầu cho cô ta sẽ sinh con trai.”


 “Như vậy, chắc chắn là cô ta sẽ có con trai sao?” Tôi mỉm cười hỏi.


 “Quan Âm tốt lắm mà.”


 “Tôi biết rồi. Nhưng bà mẹ kia có phải làm gì để xin Quan Âm cho được như nguyện không?”


 “Làm gì à? Khi nào bà ta sinh con trai rồi sẽ đến đây để tạ ơn thôi.”


 Giản dị chỉ có thế. Sau này, một người bạn Trung Hoa giải thích cho tôi rằng không phải là những người cầu xin đều phải mặc cả với phật Quan Âm. Bà mẹ đó không cần phải hứa hẹn sẽ làm điều tốt hoặc nguyện rằng đứa con đó sẽ trả ơn lại sau này. Quan Âm, với lòng đại bi, tự nhiên là sẽ vui vẻ mà ban phước cho những lời ước nguyện đó. “Nhưng nếu thiếu phụ đó sinh con gái thì sao?” Tôi nhất định hỏi.


 “Nếu vậy thì đứa bé gái đó sẽ có một số mệnh may mắn vô cùng. Phật bà không bao giờ từ chối một ước nguyện vô hại như vậy mà không có lý do chính đáng.”



 Có lẽ bạn tôi có hơi châm biếm chăng, nhưng điều anh vừa nói đó phản ảnh đúng những gì những người đàn bà ngư dân kia tin tưởng. Cái nhìn của dân quê đối với Quan Âm thật là giản dị. Ngài có thể được trông cậy vào như một bậc phụ mẫu dễ dãi nuông chiều, miễn sao những điều cầu xin đó không có gì xấu. Người cầu xin không cần phải hứa hẹn điều gì như là sẽ trở nên mộ đạo, hoặc có một hạnh kiểm thật nghiêm túc, mà chỉ một lòng tin tưởng vững chắc nơi năng lực cứu giúp của Quan Âm. Tôi lấy làm buồn mà nghĩ rằng, một bà tiên đỡ đầu tốt như vậy chắc không thể có ở đâu được ngoại trừ trong những truyện cổ tích thần tiên, nhưng cũng là một điều hay khi những người dân quê và ngư dân kia có thể tìm được nguồn vui và an ủi nơi niềm tin chất phác của họ. Nhớ lúc còn bé, khi chỉ là một cậu học trò 11 tuổi, tôi thường lo sợ bị Chúa phạt bằng những cách như là làm cho học bạ xấu tệ đến nỗi cha tôi phải nổi cơn lôi đình, nên đã thành ra ngoan ngoãn hơn là bẩm sinh; đâm ra nhiều khi lại nói sự thật một cách không phải lúc tí nào, và ngày nào cũng cố đi tiêu cho thật tốt để làm mọi việc cho thông suốt. Thật may là Quan Âm đã không đòi hỏi gắt gao quá.



 Có một điều tôi tiếc nuối không nguôi, là khi ở Trung Quốc đã không đến viếng thăm Pu To Shan (Phổ Đà Sơn), còn gọi là Pu To Lo Ka, một hải đảo ngoài khơi bờ biển Che-kiang, có tên gọi bắt nguồn từ chữ Phạn Potala, có ý nghĩa là chốn thiên đường của Phật Quan Âm. Vì đó là một nơi thiêng liêng nhất trên thế giới này đối với những người sùng mộ ngài. Một trong những câu chuyện liên hệ được kể lại là một nhà tu khổ hạnh từ n Độ qua đến đó vào đời Đường đã vào trong động Triều Âm và đốt hết ngón tay của ông để cúng dường Quan Âm. Thật là không thích hợp một cách kỳ cục! Trong tất cả những vị tiên thánh ở thế giới này, không ai là phản đối sự cúng dường bằng cách thiêu đốt những lễ vật hơn là Quan Âm, vị thánh nhân của lòng từ bi. Có lẽ thú vị hơn đó là chấp nhận câu chuyện truyền kỳ của đảo này về tư cách thánh địa ở đó từ thuở xa xưa, khi Đức Quan Âm được ghi nhận là đã đích thân đến đấy và để lại dấu tích qua vết chân in hằn trên tảng đá, còn được gọi là Tảng đá của bước nhẩy Quan Âm, một vết in sâu tương đương với khoảng cách Ngài đã nhẩy qua từ đảo Lo Chia Shan lân cận.



 Dĩ nhiên, người ta tin tưởng là Quan Âm vẫn thường trực sống ở Phổ Đà Sơn (trừ khi là gần đây ngài có thể phải đi lánh nạn vì những tư tưởng Mao Trạch Đông). Khách hành hương đến đó được nghe kể vô số những câu chuyện thị hiện của ngài, thường là ở trong động Triều Âm; tuy nhiên, những kẻ ít khi nào biết đến từ tâm là gì sẽ không thể thấy được ngài lúc đó. Vào lúc thủy triều dâng, động này tràn ngập những đợt sóng ào ạt, đôi khi vọt lên thành một cột sóng cao tới 20 bộ và trào ra khỏi một lỗ hổng ở trên nóc động; vì vậy, khách hành hương phải đợi lúc thủy triều xuống mới vào trong đó yết kiến được. Tục truyền rằng người nào có tâm từ bi đến hành hương nơi đó sẽ thấy cát biến hình thành một thảm sen trắng mênh mông, và từ đó hiện ra một đóa sen hồng lớn vĩ đại làm đài cho Ngài ngồi lên. Người ta có thể coi thường những câu chuyện như vậy, nhưng tôi chắc chắn rằng hang động đó phải có một không khí huyền bí khác thường, khiến người ta có thể trông đợi sẽ có bao nhiêu điều kỳ lạ xẩy ra. Tôi đã từng kinh nghiệm bản thân ở những nơi tương tự, trong đó những nghi ngờ bình thường dễ dàng tan biến đi như thế nào. Quan Âm có thấy được bằng mắt trần chăng, điều đó tôi nghi ngờ khó xẩy ra, nhưng nếu thấy bằng con mắt bên trong thì sao? Có những người mà ta không thể phủ nhận được sự chân thực của họ, đã tự nhận là thấy được những linh ảnh như vậy. Nếu muốn nhất định nghi ngờ họ, thì chỉ có thể nói rằng những người hành hương đó đã trông đợi quá nhiều ở các điều kỳ lạ xẩy ra và khi vào trong không khí kỳ bí ở đó họ có thể tưởng rằng họ đã thấy những điều họ nóng lòng muốn thấy. Cá nhân tôi nghĩ rằng điều đó không phải chỉ như vậy, mà có những hiện tượng xẩy ra khó có thể phân biệt được một cách thuần túy là khách quan hay chủ quan, cho nên mỗi người trong chúng ta đều diễn giải theo một cách thích hợp nhất với mình.



 Tôi đã phải ở Trung Quốc một thời gian lâu dài trước khi có thể hiểu được đúng mức điều mà những người bạn Trung Quốc trí giả của tôi ngụ ý khi nhất quyết rằng Quan Âm không phải là một vị nữ thần, nhưng là một bậc Bồ Tát thượng thừa. Điều này đầu tiên được giải thích với tôi qua ông Phan, một người có biết tiếng Phạn và một kiến thức toàn hảo về Phật học Trung hoa. Một hôm, khi nghe tôi nói đến Quan Âm như một nữ thần, ông trách: “Đừng nói về Quan Âm như vậy, A Jon. Ông làm cho người ta nghĩ là ông xem tất cả những người Phật tử, kể cả những học giả – “những người thơm mùi sách” như chúng tôi gọi họ – cũng đều cùng một quan niệm giản đơn như những dân quê vậy.”



 Không hề hiểu một chút gì về ý ông muốn nói, tôi mỉm cười trả lời: “Tôi sẽ vui lòng mà gọi bà là một vị Bồ tát thượng thừa, nhưng đó không phải là một cái tên khác để gọi một nữ thần siêu đẳng một cách kính trọng hơn ư, giống như là một người đã gần đến bậc cao nhất của giới thần tiên vậy? Tôi thật sự không thấy có gì khác hơn.”


 Nghe vậy ông không nhịn cười được; nhưng rồi, ông bắt đầu nghiêm nghị giảng cho tôi cái ẩn nghĩa mà tôi phải cố gắng nắm bắt lấy. Tuy nói tiếng Anh thông thạo, ông cũng khó lòng làm được công việc này và có một lúc, ông phải chạy lên lầu kiếm tự điển. Nhưng rồi cũng khó mà giúp được gì cho một người phải tìm cách diễn dịch từ một ngôn ngữ này qua một ngôn ngữ khác những từ ngữ chuyên môn của Phật giáo Đại thừa. Sau đây tôi xin trình bầy lại bài giảng của ông (bằng phần lớn những tri kiến đạt được sau này), không đúng như lời ông đã nói, nhưng theo như tôi nghĩ là ông muốn nói gì lúc đó.


 “Anh phải biết rằng trước hết tâm trí của chúng ta không tách rời cái Tâm, mà nếu anh đã đọc về Thiền, anh sẽ biết đó là thực tại duy nhất. Ở trong trạng thái tĩnh lặng nó được biết đến như là Chân Không hay là điều mà người Anh của anh gọi là Thực Tại Tối Thượng, nhưng đồng thời nó cũng là cái tâm phân biệt theo sắc tướng, là “cái cội nguồn sâu thẳm từ đó sinh ra muôn vạn pháp”, như Lão Tử đã nói. Không thể nào coi chúng như là riêng biệt với nhau được. Chân Không và tâm phân biệt theo sắc tướng không phải là hai! Không có chuyện đi từ cái này qua cái kia, mà chỉ là một sự chuyển biến của những dạng nhận biết của ta thôi. Tâm giống như một biển ánh sáng vô tận, hay như hư không vô biên không bờ mé, từ đó phát khởi Bồ đề tâm, một nguồn năng lượng kỳ diệu khiến cho chúng ta có cái động cơ muốn đạt được sự Giác ngộ. Nhưng để đạt được Giác ngộ, ta cần có Trí và Bi kết hợp toàn hảo với nhau. Trí bao gồm sự nhận biết hoàn toàn và trực tiếp về sự vô ngã của chính mình và của vạn pháp. Bi là phương tiện tối thắng để tiêu trừ mọi bám víu vào cái ngã mê lầm. Từ Bồ đề tâm phát khởi những dòng năng lượng giải thoát – năng lượng của trí tuệ, từ bi, của những hành vi trong sáng cần có để phối hợp chúng, v.v... Những năng lượng này lại sinh ra những nhánh phụ dễ hiển lộ hơn đối với cái tâm si mê theo ý niệm đối đãi giữõa cái ngã của ta và ngoại vật. Một cách kỳ diệu, những dòng năng lượng chính và phụ này được biểu thị như những hình tượng phổ quát với khái niệm con người, những dòng năng lượng chính là cái mà ta gọi là Phật, và những dòng phụ được gọi như là Bồ tát.



 A Di Đà Phật hiện thân cho năng lượng chính giải thoát của lòng từ bi; Quan Âm Bồ tát là năng lượng phụ sinh ra từ đó. Chủ thuyết này được rút ra từ một truyền thống duy thức được dậy ở Trường Đại Học Nalanda ở n độ gần 2000 năm về trước. Nói về Quan Âm, hiện thân của lòng từ bi đặc biệt của người Trung hoa, ngài bản lai là một với Avalokita và do đó được mường tượng như là mang hiện tướng nam. Một vài người cho rằng sở dĩ có sự đổi tướng từ nam qua nữ là sau khi có huyền thoại của một vị công chúa Trung Hoa tên Diệu Thiện được đồng hóa với Quan Âm và có ảnh hưởng mạnh mẽ qua những truyền kỳ dân gian. Điều đó thật là hoang đường. Những người trí thức không thực sự chấp nhận những huyền thoại về Diệu Thiện. Lại nữa, anh chắc khó tưởng rằng chúng tôi những Phật tử Trung hoa, từ bao lâu đã dầy công giữ gìn những giáo lý, những pháp tu và biểu tượng của các vị thầy từ Aán độ đem đến sau khi trải qua bao nhiêu gian khổ vượt những sa mạc nắng cháy và núi tuyết băng đá hoang dã, lại có thể cho phép một sự thay đổi hình tượng như vậy một cách cẩu thả sao! Chìa khóa của sự thay đổi này được truyền dậy lại cho tôi từ thầy của thầy tôi, tức vị tổ của tôi khi ngài đi qua thăm Mông Cổ. Ở đó, ngài đã thấy những hình ảnh của Tara, mà người Mông Cổ và Tây tạng sùng bái như là hiện thân nữ của Avalokita. Sau này, thầy của tôi, vốn ưa thích xem những sưu tập về những bức họa cổ, đã tìm thấy những bức họa tối cổ trong đó Quan Âm được phác họa gần như là đồng dạng với Tara. Nói một cách khác, bởi vì lý do này hay lý do khác, người Trung hoa chúng tôi đã quyết định phối hợp Avalokita và Tara thành một loại Avalokita hiện tướng nữ, mà chúng tôi gọi là Quan Âm.”



 Bất kể là ông Phan này nói có thật chính xác hay không về nguồn gốc hiện tướng nữ của Quan Âm, vị Bồ tát này là một cái gì cao xa hơn rất nhiều một hình ảnh thơ mộng. Về duy thức, ngài ứng với một năng lượng thực sự luôn luôn tiềm ẩn và thường trú trong tâm; tuy rằng có thể những hình tướng người ta hình dung về ngài là do trí tưởng tượng con người tạo ra. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng những người nghệ sĩ đã diễn tả thành công sự tuyệt diệu của những hình tướng này chắc đã hoàn thành những tác phẩm đó trong lúc quán niệm, bởi vì chỉ trong sự tĩnh lặng của một tâm thiền định nhất quán mới có thể biểu lộ được một sự toàn hảo như vậy. Cái “thực tại” của Bồ tát không phải là một điều gì khó chấp nhận, một khi người ta nhận thấy rằng những vật to tướng vững chắc như một con voi hay quả núi cũng đều là những nhận thức do Tâm tạo ra, và như vậy cũng đồng với những thứ khác như các giấc mộng, những hình ảnh tưởng tượng, và linh ảnh – cũng như tất cả các sự vật khác hiện hữu. Một hình ảnh trong tâm về Quan Âm trong một nghĩa tối cao nhất không khác gì với cài sàn nhà và cái trần nhà của căn thiền đường. Đây là một quan điểm huyền môn, nhưng có thể được phổ cập hiện nay, khi những triết gia và vật lý gia đang bắt đầu có khuynh hướng tin tưởng rằng toàn thể vũ trụ này chỉ là những gì do tâm tạo ra.



  Sự giải thích khái lược này về bản chất của Bồ tát thượng thừa, tiếc thay, khó mà rõ ràng được. Trong những vấn đề liên hệ đến những khái niệm huyền môn, mọi giải thích đều ít khi thỏa mãn được, bởi vì ngôn từ làm sai lạc đi và giảm bớt rất nhiều ý nghĩa thực sự của thực tại đó. Chúng ta có thể tạm gác qua một bên cái câu hỏi về sự hiện hữu của Quan Âm; chỉ riêng cái đẹp thuần nhất trong khái niệm về một con người đẹp đẽ tuyệt vời luôn luôn cho đi với một tâm trong sáng, với lòng từ bi vô ngại cũng đã đủ làm chúng ta ngưỡng mộ hết lòng. Ngay cả khi bị hạ xuống địa vị của một nữ thần – và thường thì những họa sĩ và điêu khắc gia hay vẽ tạc về ngài như vậy – Quan Âm cũng độc nhất vô nhị so với các thần tiên khác trong sự hỉ xả, không kiêu căng hay hận thù, và không muốn trừng phạt ngay cả với những kẻ cần phải bị trừng trị đích đáng nhất. Những câu truyện như truyện cây vả bị nguyền rủa cho khô héo, hay những kẻ buôn bán trong nhà thờ bị Jesus đánh roi đã làm hoen ố cái đẹp của Phúc Âm và không thể nào sánh được với những ân phước mà Quan Âm đã ban phát.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng