Chương Hai - THỊ HIỆN

10 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 7858)
Chương Hai

 

 Thị Hiện

 

Nghe tên cùng thấy thân

Tâm niệm chẳng luống qua

Hay diệt khổ các cõi


 Kinh Liên Hoa


 

 Đám người đàn bà ngư dân đến cầu ở chùa Quan Âm đó là tiêu biểu cho những người dân quê ở Trung Quốc và các nước lân cận trong cái nhìn của họ về Quan Thế Âm. Đối với họ, ngài như một nữ thần mà họ không dám tìm hiểu thực chất, sợ đó sẽ là điều thất lễ, mà chỉ biết vui mừng vì ngài thật đẹp đẽ và rộng lượng trong việc ban phát những ân huệ cầu xin. Khái niệm đơn giản ấy không chỉ giới hạn nơi những tín đồ quê mùa ngu dốt , nhưng cũng phổ quát trong số lớn các phật tử ở Trung Hoa và Nhật Bản. Tuy nhiên, những phật tử hiểu biết hơn nhìn ngài một cách khác. Sau đây, tôi xin kể một câu chuyện có ý nghĩa đặc biệt đối với cá nhân tôi, và rồi đến hai câu chuyện khác để bạn đọc có một cái nhìn sơ khởi về một vài khái niệm người ta có về Quan Aâm. Một chuyện, tuy lướt sơ qua cái thuyết cho rằng “mọi sự đều do tâm tạo”, khái niệm cơ bản về một Bồ tát thượng thừa, nhưng lại biểu thị ngài trong một nhân dáng rất giống như một nữ thần, trong khi câu chuyện kia đưa chúng ta đến một lãnh vực siêu hình hơn.


 quan_am_4-content Một trong ba ngày lễ vía Đức Quán Thế Âm trong năm nhằm vào ngày mười chín tháng sáu Âm lịch (khoảng tháng bẩy tây). Hàng bao nhiêu thế kỷ nay người ta đã tổ chức những ngày lễ này để tán dương ngài, có một vài nơi lại còn tập họp từ ngày mười hai và kéo dài cả tuần lễ để làm những nghi lễ cúng dường, thiền định quán tưởng về Quan Thế Âm. Thật đáng buồn là mấy lúc sau này những người sùng mộ ngài đã thưa dần đi. Theo tôi được biết, những ngày lễ như vậy vẫn còn được tổ chức ở Nhật Bản, Đại Hàn và Singapore, nhưng rất ít ở Trung Hoa hay Việt Nam.


 Khi vừa đến Trung Quốc, trong khi ngụ tại một ngôi chùa nằm giữa những lùm cây vải um tùm trên một sườn núi thiêng đầy ánh nắng, tôi nghe nói tối hôm ấy ngày lễ vía Đức Quan Âm sẽ được cử hành ở một ngôi chùa khác trực thuộc chùa này, nên lúc hoàng hôn, tôi tản bộ đi về hướng ngôi chùa đó. Lúc tôi tới nơi, đêm đã xuống. Những đám mây bồng bềnh che khuất lấp mặt trăng, nhưng từ xa cũng có thể thấy được một vùng ánh sáng đỏ do những đèn lồng hình quả đào treo dọc theo mái cổng tam quan cong vút tỏa ra. Trong sân chùa tấp nập các thiện nam tín nữ; từ trong cánh cửa mở rộng của chánh điện, hàng trăm những ánh nến lung linh tỏa chiếu ra ngoài, rọi sáng khuôn mặt của họ. Phần lớn là những phật tử và cư sĩ, nhưng rải rác đây đó cũng có những mái đầu trọc, cho thấy các tăng ni ở những chùa khác lân cận cũng về dự. Tất cả đều nghển cổ hướng về ngôi chùa trong đó bức tượng Quan Âm đứng vươn cao sau một bệ thờ thếp vàng rực rỡ, trạm trổ thật tinh vi, trên đó để vô số những ngọn nến, một lư hương đồng thật to và những đồ sứ la liệt bầy hoa và trái cây cúng dường. Không thấy rượu thịt bầy cúng đâu cả, vì ngay cả những người dân quê cũng biết phân biệt Quan Âm với các vị thần linh khác; vả lại, những người giữ chùa chắc chắn sẽ không cho cúng những thứ không thanh tịnh như vậy đối với một vị Bồ tát—bởi vì tuy không phải là những vị tăng, họ cũng khó mà chấp nhận những thứ như vậy.


 Khí đêm, quyện lẫn với mùi hương trầm và mùi hoa thơm ngát bay tỏa, như rung chuyển trong tiếng mõ chập chùng, tiếng chuông ngân nga hòa nhịp với lời kinh tụng. Tuy chỉ có vài chữ, câu Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát được lập đi lập lại trong sự nhiệt thành và nhịp điệu lên xuống thay đổi, khiến không trở nên nhàm chán, và tiếng nhạc đó đưa tôi bay bổng lên một vùng trời đẹp đẽ kỳ diệu.


 Đứng cao hơn tất cả mọi người, tôi nhìn bao quát được hết mọi sự. Vị Bồ tát được biểu thị qua hình tướng một nữ nhân đẹp tráng lệ với khuôn mặt bầu bĩnh, ngồi thật thoải mái trên một cái ngai giống như tảng đá, một chân gác lên cao khiến lộ ra bên dưới lớp áo dài chiếc hài xinh xắn thanh nhã đặt ngang tầm với đầu gối bên kia. Bàn tay thon nhỏ một bên hờ hững cầm nhành dương liễu, một bên ôm bình nước “cam lồ” tượng trưng cho mật ngọt của lòng từ bi. Chầu hai bên tượng, nhỏ hơn là hai thị vệ của ngài – Thiện Tài, một đồng tử nét mặt tươi cười, và Long Nữ, hai tay ôm một viên ngọc trai lớn vĩ đại. Những tượng này chắc không phải do những tay thủ công bản xứ làm ra, vì chúng được khắc tạc thật tinh xảo và có một vẻ sống động thật vui mắt, tuy có vẻ hơi diêm dúa đối với tôi. Nếu không có dáng ngồi đặc biệt đó và những đồ vật biểu tượng trên tay, bức tượng ăn mặc thật sang trọng và đeo đầy nữ trang đó trông giống như là Mary đang giả trang thành Hoàng hậu Thiên cung theo kiểu của miền nam Aâu Châu. Bộ trang phục kiêu sa đó đập vào mắt, khiến tôi tự hỏi con người trông giống như một nữ hoàng đó có khế hợp với lối sống đơn giản đến khắc khổ của Đức Phật dậy không; vì tôi đã từng được biết rằng, những hình tượng của đạo Phật ở các nước tuy khác biệt với nhau rất nhiều, nhưng tựu trung không đi ra ngoài những giáo lý căn bản.


 Lúc ấy, bỗng có một cơn gió thổi bay làn khói hương lên cao mịt mù khiến bức tượng Bồ tát trở nên mờ ảo, tạo ra một ảo ảnh sống động, trông như là nét mặt đang thay đổi, khiến ngài trở nên đẹp không tưởng tượng. Như muốn trách cứ những ý nghĩ vớ vẩn của tôi về cách trang phục, trông ngài như đang dán mắt vào tôi và lắc đầu nhè nhẹ.


 Tuy biết rằng đây không phải là một phép lạ gì, tôi cũng vẫn ngây người ra và cố hết sức tin tưởng rằng Phật Bà đang để ý đến tôi. Hơn thế nữa là, đâu đó trong trí óc tôi bỗng lơ lửng một ký ức xa xôi mờ ảo nào đó về một bóng dáng thật thân thương từ thuở nào nhưng đã phai nhòa trong tiềm thức. Cái cảm giác đó thật sắc bén quá, khiến tôi nửa muốn cười nửa muốn khóc. Tôi tự thuyết phục mình rằng có lẽ cái ký ức mơ hồ đó, chứ không phải là ảo ảnh do làn khói hương bay lên, đã tạo ra cái điều có vẻ như là một linh ảnh vừa rồi; và trong giây phút đó, tôi đã cảm nhận được một niềm kính ngưỡng đối với vị Bồ tát đại bi tâm, một niềm kính ngưỡng càng ngày càng tăng dần, tuy trong thời gian đầu nó chỉ như một sự tò mò thích thú thôi. Trong những ngày đó tôi đã chưa có đủ trí huệ để chấp nhận một sự sùng kính đối với một vị tiên thánh trong khi không tin có tiên thánh nào hiện hữu cả!


 Tôi đã quá xúc động sau đó nên không còn để ý đến những gì tiếp theo nữa. Chắc thế nào sau khi niệm danh ngài một lúc lâu, người ta sẽ tụng kinh Phổ Môn, một phẩm trong bộ kinh Liên Hoa hay đọc chú Đại Bi Đà la ni. Nghi lễ sau đó chắc sẽ chấm dứt trong những hồi chuông trống tưng bừng, để rồi im bặt lạ thường trong khi các vị chủ lễ cúi rạp xuống lậy; nhưng lúc đó tôi đã lặng lẽ ra ngoài để đi bộ trong bóng đêm trở về ngôi chùa đang trú ngụ. Cho tới ngày nay tôi vẫn còn nhớ lại cái cảm giác lâng lâng trong không khí đêm mát lạnh, trong trẻo không có một mùi khó chịu nào, với tiếng tre trúc kêu răng rắc theo cơn gió và tiếng côn trùng dưới đất. Suốt trong con đường trở về đó tôi thả hồn mơ mộng rằng vị nữ thần đã muốn nhắc nhở tôi đến một điều gì vô cùng quan trọng cho hạnh phúc của tôi. Ở nguyên trong trạng thái như vậy cũng không có gì là khó, khi đang đi bộ dưới ánh trăng trên dốc của một ngọn núi đã từng thờ biết bao nhiêu vị thần thánh từ thuở hoang sơ của lịch sử; chính cái không khí ở đấy làm ta cảm thấy như có sự hiện diện đầy sinh động của những vị đó. Một phần tâm trí tôi nói rằng tôi thật là ngớ ngẩn quá, và tôi phải tìm cách chống trả lại ý nghĩ đó, không muốn phải trở về đối diện với một thế giới xấu xa, vì thời đó tuy cách đây đã khá lâu, nhưng đã bắt đầu nhanh chóng chịu sự chi phối của những thứ quái quỷ gọi là nhà phát minh và kỹ thuật gia. Khi những lý luận lung tung đã ngưng lại rồi, tâm trí tôi bay bổng lên một trạng thái gần như là hoan lạc tuyệt vời. Tôi đã được nếm thử một chút mùi vị của một trí tuệ tỏa ra từ sự nhận biết hoàn toàn rằng tâm là thực tại duy nhất; những vọng động đối đãi đã tạm thời tan biến đi và lúc đó hai bộ mặt đối nhau của sự thật đều được cảm nhận cùng một lúc.


 Về đến chùa, trong khi chờ đợi người gác cổng ngái ngủ ra mở cửa, tôi bỗng nhận thấy một mùi hương ngào ngạt tưởng chừng như siêu nhiên, nhưng rồi, khi nhìn lên, tôi thấy cánh cổng chùa có một dàn cây leo gọi là Dạ lai hương, thường tỏa mùi hương thơm ngát khi đêm vừa xuống. Sân chùa rộng lớn chìm trong bóng tối, những vị sư hoặc còn đang làm lễ ở nơi khác, hoặc đã về buồng ngủ hay ngồi thiền cho đến khi họ được triệu tập cho khóa lễ buổi sáng, khoảng một giờ trước khi bình minh. Thấy trong chánh điện vẫn còn ánh đèn le lói, tôi chợt có hứng khởi muốn đi vào trong đó và tôi lần mò đi vòng phía sau các bức tượng Phật để đi đến điện thờ đức Quan Âm. Ngài đây rồi, đang đứng trên một cái kệ cao vừa tầm với ngực tôi. Đó là một bức tượng đồng cao chừng ba bộ, bàn tay phải đưa lên làm dấu ấn gia hộ, đôi mắt dài khép hờ trong niềm an lạc đại định. Những mẩu sáp chẩy của những cây nến đã tắt vẫn còn vương vất dưới chân ngài, trong khi những thẻ hương tàn chỉ còn trơ cọng để lại một mùi ngai ngái. Thật buồn cho những vị thần tiên phải chịu đựng mùi này sau khi những người lễ bái họ đã ra về yên nghỉ trong đêm. Có lẽ thực ra lễ bái là để cho những người đến cúng chùa thưởng thức nhiều hơn. Châm một cây nhang mới lên, tôi đứng lặng im trước pho tượng cho đến khi, lòng đầy xúc cảm tới mức không nhịn được, tôi thốt lên lời nói thì thầm: “Lậy đức Đại bi, ngài hãy nói với con đi , hãy thuyết phục con là ngài có thật đi!”


 Kể lại điều này nghe có vẻ điên rồ quá, chắc tôi sẽ xấu hổ lắm nếu không có gì xẩy ra sau đó. Ngay cả khi những lời nói đó còn trên môi tôi cũng đã biết rằng một người bình thường không ai lại đi nói chuyện với một bức tượng cả! Nhưng có lẽ tôi có một lý do đặc biệt; bởi vì ngoài tâm trạng rung động khác thường của tôi lúc đó, tôi cũng đã từng cận kề với một số phật tử Trung Hoa , những người tuy có kiến thức uyên bác và hoàn toàn minh mẫn, nhưng họ cũng không thấy có gì đáng ngạc nhiên trong những hành động như vậy. Và rồi sau đó , tôi cũng chẳng cần phải biện minh gì cả, vì rõ ràng là trước mắt tôi, pho tượng trả lời ngay: “Đừng tìm ta nơi cái có hình tướng, cũng đừng tìm ta nơi cái Không. Hãy tìm ta ngay trong tâm người. Chính ở nơi tâm mà có ta, chứ không đâu khác.”


 Tôi ước rằng tôi có thể làm cho câu chuyện thêm phần ly kỳ bằng cách là xác quyết rằng lúc đó đôi môi tượng đồng kia chuyển động, cái cổ thanh cao kia phát ra những lời thánh thót. Nhưng không phải như vậy. Không có một tiếng nói nào hay một chuyển động nào làm khuấy động sự yên lặng lúc đó. Những lời nói kỳ bí kia đi vào trong ý thức tôi dưới dạng của những tư tưởng, nhưng thật là rõ ràng nổi bật đến nỗi dù cho có phải là lời nói thật đi nữa cũng không gây được một sự kích động như thế, với những ý từ chính xác như thế. Thật khó mà tin được rằng, vào lúc ấy, tôi chưa biết gì về Phật giáo Đại thừa, lại có thể nghĩ ra được câu nói như vậy từ trong tâm trí. Tôi cũng không biết rõ ý nghĩa của câu đầu tiên là gì nữa. Tôi cảm thấy chắc chắn rằng tôi đã nhận được một lời nhắn nhủ nào đó là Quan Aâm có hiện hữu—“hiện hữu” ở đây có một ý nghĩa đặc biệt vi tế thích hợp với bản chất của ngài. Có lẽ dùng chữ đó là hơi lộng ngôn chăng, nhưng nếu nói ngài không hiện hữu cũng là sai sót. Kinh nghiệm này của tôi không phải là một điều gì tưởng tượng. Những cảm nhận giác linh đó quá trực tiếp, quá sâu sắc để mà cho là những điều tưởng tượng bình thường. Tuy vậy từ bao nhiêu năm nay tôi vẫn ngần ngại không muốn nhắc đến nó, ngoại trừ với những người bạn Trung Hoa của tôi, vì họ hiểu được bản chất của vấn đề; nhưng bây giờ tôi đã nhận ra rằng không có ích lợi gì khi dấu diếm một câu chuyện thần kỳ chỉ bởi vì người ta bây giờ không hay tin những chuyện như vậy. Thực ra, một câu chuyện thần kỳ như vậy không có gì là lạ lùng đối với những người đã nhận biết được cái năng lực bao trùm của tâm trên tất cả mọi hiện tượng trên đời.


 Hoa cúc là vàng, với ai nhận như vậy

 Hoàng kim chỉ là kim loại

 Nhưng tư tưởng con người,

 Đã đặt giá trị cho nó lên cao


 Có một câu chuyện kể về một anh chàng kiếm sĩ nhút nhát, nhưng lại có một câu nói hộ mệnh khiến cho không có gì động đến anh ta được, nhờ vậy anh giết năm mươi con rồng dễ như là giết dán vậy. Không may là, khi đang giết đến con rồng thứ năm mươi, anh bỗng nhận ra rằng anh đã bị thầy mình lừa cho đặt hết lòng tin vào một câu nói dựng lên chẳng có nghĩa lý gì cả. Khỏi cần phải nói, anh vừa khởi ý nghĩ như vậy thì bị ngay con rồng thứ năm mươi mốt nuốt ngay lập tức. Nhưng ai có thể nói được rằng pháp lực có nhờ lòng tin vào câu nói hộ mệnh vô nghĩa kia của anh chàng là không có thật? Chính lòng tin đó đã giúp anh chiến thắng cao xa hơn rất nhiều những bộ áo giáp “thực”, và cây kiếm “thực” hiện hữu ở ngoài!


 quan_am_9-content Một người bạn Trung Hoa của tôi được giáo dục ở bên Anh đã kể cho nghe một câu chuyện chứng minh cho sự nhiệm mầu của lòng tin.


 “ Như anh biết đấy, tuy mẹ tôi là một phật tử, nhưng tôi được theo học các trường đạo Thiên chúa từ trước khi lên đại học, và rồi năm mười sáu tuổi tôi đã rửa tội, sau này lại lấy một người vợ theo đạo Thiên chúa nữa. Trải qua bao năm trường tôi là một tín đồ Thiên chúa thành tâm hết sức trong phạm vi có thể được của tôi, của một nhà địa chất học. Rồi chiến tranh lan tràn, rất nhiều người trí thức trong bọn tôi đã phải chạy trốn về miền tây trước khi quân Nhật tiến chiếm. Quê tôi đã phải chịu bao đau khổ vì những cuộc bạo hành, chém giết bừa bãi. Tôi không thể nào nghĩ đến quê tôi mà không cầm được nước mắt. Công việc của tôi làm cho chánh phủ thuộc chương trình phát triển kỹ nghệ đã khiến tôi nhiều lúc phải đi công tác ở những miền xa xôi hẻo lánh thuộc tỉnh Quế Châu, có lần tôi đã phải đi tìm wolfram, một loại kim khí dùng trong bóng đèn trong một vùng đồi núi cách xa lộ gần nhất tới sáu, bẩy ngày đường đi bộ. Một hôm, trước khi dừng chân ăn trưa khoảng một tiếng đồng hồ, tôi tưởng lầm một con đường mòn nhỏ cho lừa đi là lối đi đúng, và rồi đã dần dần đi xa rời khỏi đám người khuân vác đồ đạc dụng cụ cho tôi. Biết đã đi lạc, nhưng bụng đói, lại thấy những đống phân lừa rải rác trên lối đi, nên tôi cứ tiến tới, tin chắc rằng con đường này rồi sẽ đưa tới nơi có người ở. Tôi cứ đi lên cao dần cho đến khi chung quanh tôi đầy những đám mây giăng mắc bao phủ, và tai tôi nghe những tiếng kêu quái lạ của những con thú rừng vang xuống từ những cây cao phía trên. Cứ một khúc quanh tôi lại mong chờ một cách vô vọng có thể thấy được ít nhất một cái rìu bỏ quên của một người tiều phu nào đó, nhưng lúc ấy tôi đã đi xa quá rồi nên không muốn quay trở về nữa. Tôi cần có thức ăn, cần một người dân địa phương nào đó hướng dẫn tôi đến nơi những người phu khuân vác của tôi.


 Cơn gió buốt như cắt da từ trên đỉnh núi cao thổi xuống, hoàng hôn bắt đầu kéo đến. Chung quanh tôi đầy những tiếng động kỳ lạ, có những tiếng như tiếng gió reo, suối chẩy, có những tiếng không cắt nghĩa được, nghe ai oán như tiếng ma kêu quỷ khóc. Mỗi bước đi tới tôi càng thêm sợ hãi, và đám sương mù cuồn cuộn bốc lên giữa những tảng đá càng lúc càng thêm dầy đặc. Nỗi sợ hãi thú dữ nổi lên ám ảnh tôi; còn thảo khấu, tuy đã nghe dân địa phương kể nhiều chuyện ghê gớm về họ, nhưng tôi không quan tâm lắm, vì lúc đó tôi chỉ mong gập bất cứ một người nào, thảo khấu hay không thảo khấu. Cuối cùng, quá sợ hãi tôi đã quỳ xuống bên vệ đường, hai hàm răng đánh vào nhau lập cập, tôi dốc hết lòng cầu nguyện vị thánh bảo hộ của tôi, thánh Bernadette, cầu xin cô bé dễ thương thùy mị (như tôi thường tưởng nhớ) đó hiện ra và đưa tôi tới nơi an lành. Trong ánh sáng lờ mờ còn sót lại, tôi cố đưa mắt khắp nơi tìm cô trong những tảng đá. Tôi tin rằng nếu cô không tới, chắc tôi sẽ phát điên lên mất, nếu không thì cũng bỏ mạng ở đây!


 Và rồi, tôi thấy cô đứng đó, trên một tảng đá nhỏ bằng phẳng, chiếc áo mầu xanh mỏng như tơ trời không lay động chút nào trong cơn gió núi vũ bão buốt giá. Tôi còn có thể thấy rõ ràng là cô đang mỉm cười, vì chung quanh người cô sáng bừng lên một vùng hào quang mờ ảo . Dần dần tôi nhận thấy có cái gì là lạ bất ngờ nơi mặt của cô. Và rồi tôi nhận ra điều đó—cô là một thánh nữ Bernadette Trung hoa! Mái tóc chải cao, với lớp nữ trang đeo chung quanh cổ, chiếc quần lụa trắng ẩn hiện dưới lớp áo dài mầu xanh xẻ đến ngang hông là trang phục của một cô gái quý phái Trung hoa hàng bao nhiêu thế kỷ về trước.


 “Lại đây anh!” cô bé nói bằng một giọng Quảng đông thánh thót, một giọng nói trẻ thơ quá nhỏ để có thể là của Bernadette, dù cho đó là Bernadette của buổi đầu tiên diện kiến Đức Mẹ, “Em sẽ chỉ cho anh một chỗ nghỉ an toàn và rồi ngày mai mọi sự sẽ tốt đẹp.”


 Cô dẫn tôi đi một đoạn đường ngắn, đến một cái hang cạn khuất gió. Đất ở nơi đó mềm mại như những giường nệm êm ấm nhất và tôi hầu như chắc chắn rằng tôi còn thấy có một tấm chăn bông bằng gấm, độn toàn tơ ấm áp, ngay lúc tôi nằm xuống ngủ theo lời ra lệnh của cô.


 Ngày hôm sau tôi thức dậy, sau một giấc ngủ dài ngon giấc, để thấy mặt trời đã lên cao trên ngọn cây. Không thấy bóng dáng giường nệm đâu cả và nền đất tôi đang nằm đó không mềm mại tí nào, mà lởm chởm và đầy đá sỏi, nhưng tôi đã ngủ thật ngon và ấm áp như đang ở trong phòng ngủ với mẹ tôi ở quê xưa yêu dấu, cách đây cả ngàn dậm đường. Trong khi tôi xuống một con suối gần đó rửa ráy, một đoàn lừa đi ngang qua đường mòn, với ba người phu cưỡi ở trên. Tôi đã dễ dàng thuyết phục được một người trong bọn họ bán cho tôi một ít bánh hấp đã lạnh – tôi chắc, có lẽ nếu tôi không trả tiền ông ta cũng sẵn sàng cho không—và rồi, với sự trợ giúp của ông ta, tôi gập lại được đoàn người của tôi trưa ngày hôm sau.


 Hơn một năm sau đó tôi vẫn cứ tin tưởng rằng tôi đã được thánh Bernadette cứu, tuy rằng tôi không hiểu tại sao cô ta lại quá nhỏ như thế và lại có hình dáng của một người Trung Hoa. Rồi một hôm, tình cờ tôi đến trú mưa tại một ngôi chùa hoang phế không xa tỉnh Chengtu là bao, ở đó, trong chánh điện nhỏ bé, tôi đã bắt gập một bức tượng Quan Aâm mầu sắc nhạt nhòa, vẽ ngài trong chiếc áo dài đơn giản mầu xanh, không có những nữ trang đính kèm. Ngồi trên bờ đá nhìn ra biển, hai bên ngài vẫn là hai thị vệ thường lệ là Thiện Tài và Long Nữ. Và kinh ngạc thay, tôi nhận ra ngay Long Nữ chính là “Bernadette” của tôi! Cả bộ áo dài xanh với quần trắng đó cũng y hệt, chỉ không có những nữ trang đeo ở cổ thôi. Nghĩ đến những nữ trang đó làm gợi lên trong ký ức tôi một bức hình tương tự treo trong phòng ngủ của mẹ tôi, trong đó vẽ Quan Aâm và Long Nữ với đầy đủ những nữ trang rực rỡ huy hoàng. Và như vậy đó! Bạn có thể nói là người cứu mạng tôi trong cái đêm rét mướt đó không phải là Bernadette hay Long Nữ, mà chỉ là một ký ức từ thời trẻ thơ đã đem lại ánh sáng cho tâm trí đang hãi hùng lúc đó. Và bạn cũng có thể đúng—một phần nào! Tuy nhiên, ký ức trẻ thơ không dẫn người ta đến những hang động lạ ẩn khuất, không làm cho đá sỏi trở thành những tấm nệm mượt mà, không biến không khí thành ra chăn bông và làm cho cơn lạnh buốt giá thành ra ấm áp được.


 Phải, một phần nào đó bạn có thể đúng. Chính đó là cái ký ức trong tâm . Cũng chính là Long Nữ, do Quan Âm nhủ lòng thương xót mà sai đến cứu tôi. Kể từ ngày đó tôi đã nghiên cứu những giáo lý sâu xa của Đại thừa về Mọi sự đều ở nơi Tâm, nên không thấy có điều gì xung đột giữa hai cách nhìn. Trong tình trạng tuyệt vọng tới mức không còn lý trí suy luận, tôi đã cầu nguyện được cứu giúp, và đã được cứu giúp ngay lúc đó – trong một dạng thích hợp với nội tại của tâm tôi. Long Nữ đã xuất hiện như một linh ảnh và gợi trong tâm tôi cái ấm áp, tiện nghi làm cho tôi có đủ sức lực để chống chọi lại cơn lạnh chết người lúc đó. Ai dám bảo rằng đó không phải là một phép lạ đem đến từ vị Bồ tát tôi đã kính ngưỡng từ hồi trẻ thơ? Tất cả những phép lạ đều như thế cả—đều biểu hiện xuyên qua tâm. Đúng thực là vị Bồ tát chính ngài đã không đích thân đến. Quá tế nhị để hiện ra trước một người đang kêu gọi một vị thánh ngoại lai, ngài đã cử Long Nữ đến cho thích hợp với hình ảnh một thánh nữ mà tôi đang trông đợi. Cho rằng sự may mắn của tôi lúc đó là nhờ những tác động nhiệm mầu của tâm, hay nhận rằng đó chính là Bồ tát đã cứu giúp tôi, đều chỉ là hai cách diễn giải một sự thật duy nhất mà thôi.”


 Tôi vẫn thường suy ngẫm về kinh nghiệm khai ngộ của nhà địa chất học kia. Cái kiến giải sâu sắc của ông đã giải thích được nhiều trường hợp xẩy ra tương tự, nối một nhịp cầu giữa phép lạ và tâm lý. Nhiều năm sau đó, tôi lại có dịp được nghe – một cách gián tiếp—một câu chuyện kể lại, cốt chuyện tuy có khác, nhưng cũng diễn tả được cái tác động nhiệm mầu từ “bên trong” và “bên ngoài” tâm. Để hiểu thêm về câu chuyện này, ta phải biết rằng, Quan Âm tuy thường được vẽ tạc như một thành phần trong bộ ba Phật với Phật A di Đà đứng giữa, Quan Âm và Đại Thế Chí đứng hai bên, nhưng Quan Âm cũng được hàng triệu người sùng bái riêng biệt, còn Đại Thế Chí lại không được như vậy. Vị phật này dường như đã phai mờ đi trong ý thức con người, ít khi được xướng danh cầu nguyện. Tôi cũng được biết rằng người kể lại chuyện này là một vị tiền bối rất già, tên gọi là ông Trần, từ bốn mươi năm nay đã sống rất ẩn dật.


 “Trong những ngày tôi còn trẻ, dùi mài kinh sử cho khoa thi của triều đình là một việc làm quan trọng nhất đối với giới thanh niên có học vấn. Tất cả mọi sự đều tùy thuộc vào sự đỗ đạt này – không phải chỉ có địa vị và của cải thôi, mà còn danh dự đem về cho gia tộc và cái quyền năng được phục vụ xã hội một cách hữu hiệu. Bạn không thể tưởng tượng được chúng tôi đã gian nan như thế nào khi nghiền ngẫm những cuốn kinh thư cổ, thức tới thật khuya cố nhướng mắt nhìn vào quyển sách trong ánh sáng lờ mờ le lói của ngọn đèn dầu. Có lẽ vì vậy mà không có gì lạ khi nhiều người chúng tôi đã bị còng lưng rất sớm, sau khi đã trải bao nhiêu năm cắm cúi đèn sách như vậy! Đối với tôi và bốn anh em khác trong nhà, lại còn khó khăn hơn nữa. Cha tôi, người ngưỡng mộ kinh Phật còn hơn cả kinh thư Khổng giáo, đã bắt chúng tôi phải bỏ thì giờ học kinh Phật không kém gì kinh sử! Tôi không biết rằng chúng tôi đã cằn nhằn về gánh nặng đó nhiều hơn, hay là trở nên yêu thích sự huy hoàng, bao la và sâu sắc của những giáo lý đó nhiều hơn. Cha tôi thường nói rằng, “Các con phải quyết chí theo học những giáo lý này cho đến khi nghĩa của bốn chữ Phi Không Chi Không (cái không ở nơi cái không phải không) hiện ra rõ ràng như vầng quang mặt trời chiếu sáng rực rỡ từ một bầu trời trong trẻo mùa thu vậy.”


 Trong một vài đêm quá mệt mỏi, tôi thường hay tưởng tượng Đức Đại Bi Quan Thế Âm đứng trước mặt tôi trong thư phòng, tỏa ra một vầng hào quang sáng chói. Làm như vậy khiến tôi hết mệt mỏi, và sáng hôm sau vẫn tỉnh táo được như thường. Sau đó tôi có thể đọc kinh được nhanh chóng, dễ dàng hơn và hiểu nhiều hơn. Tôi không nói rằng tôi thực sự thấy ngài, trừ khi là thấy mơ hồ với con mắt bên trong tâm, nhưng tôi biết khi nào ngài cười thật hiền dịu hay khi nào ngài không bằng lòng với những ý nghĩ bực bội của tôi có đôi khi về việc phải đọc quá nhiều kinh như thế. Cậu em trai thứ tư, vốn ốm yếu và là người duy nhất trong nhà không thi đậu, rất thích tôi. Khi chúng tôi chỉ có một mình, chúng tôi thường dẹp đi một bên những lễ nghi kiểu cách giữa em và anh, dù tuổi tác của anh em có không cách biệt là bao. Có một lần, khi tôi đang kể lại điều mà tôi gọi là Bồ tát thị hiện đối với tôi, em tôi cười, nói: “Nhị ca, anh có hơi lộng ngôn đấy nhé. Làm gì có những điều đó xẩy ra. Nếu nó có thực, tại sao luôn luôn là Quan Âm mà không phải Đại Thế Chí hiện ra? Bức tranh trong phòng thờ của nhà ta có cả hai vị đó, họ đều được thờ cúng như nhau cả. Tại sao Đại Thế Chí không góp phần vào việc chữa trị cho anh? Đó là bởi vì anh đã quên vị ấy, cho nên không có vị ấy trong trí tưởng tượng của anh – vì tất cả chỉ là sự tưởng tượng mà thôi, dù anh có nói gì cũng vậy.”


 Những lời nói của em tôi làm tôi suy nghĩ. Tôi không đồng ý với quan điểm chính của em, nhưng em đã làm tôi cảm thấy tội lỗi đối với Bồ Tát Đại Thế Chí, người chẳng bao giờ được chúng tôi sùng bái trừ khi là ở trong bộ ba Phật. Tôi bắt đầu cầu nguyện đến ngài. Trong mấy tháng liền, trước khi đi ngủ ban đêm, tôi không bao giờ không ngồi quán tưởng đến hình ảnh của Đại Thế Chí. Nhưng khi niệm danh ngài thay vì Quan Âm, tôi không thấy có kết quả nào cả. Không có một chút kết quả nào hết. Cuối cùng tôi đem chuyện này nói với cha tôi. Oâng cũng không giải thích được, và đã gởi tôi tới một ngôi chùa ở cách thành phố vài dặm, bên một dòng sông trồng toàn dương liễu bên bờ, biểu tượng của Quan Âm. Sau khi được biết nguyên do tại sao tôi đã đến đây, hòa thượng trụ trì mỉm cười nói rằng: “Cậu không thể tự một mình làm cho ngài ứng hiện ra được.”


 “Bạch đại sư, như vậy có nghĩa là những Bồ tát chỉ là những hình ảnh trong tâm trí con người thôi sao?” Tôi phản đối, lấy làm lạ tại sao một vị sư lại nói như vậy. Thấy ông lắc đầu quầy quậy, tôi tiếp tục: “Nếu các vị đó có thực, tại sao cần phải có nhiều tâm hợp thành mới làm cho họ có năng lực để thị hiện?”


 “Cậu đúng là một thư sinh không biết gì!” hòa thượng cười lớn. “Chắc cậu phải biết là không có nhiều tâm nào cả, mà chỉ có một Tâm thôi. Tất cả những vị Phật và Bồ tát, tất cả vạn pháp trên thế gian này đều hiện hữu trong một Tâm này thôi. Làm sao có thể khác vậy được? Những gì ở trong tâm trí của cậu cũng chính là Tâm; nhưng dù vậy, cho đến khi nào cậu chưa dẹp tan được những quả núi chướng ngại tích lũy nghiệp khí từ bao nhiêu kiếp trước, cậu sẽ không có được cái năng lực để làm cho ứng hiện được với những tư tưởng yếu ớt của lời nguyện đó. Với Quan Âm thì mọi sự dễ dàng hơn, bởi vì hàng bao nhiêu triệu người cũng đều cùng cầu nơi ngài. Bây giờ đã hiểu chưa?”


 “Bạch Đại sư, tiện nhân xin lãnh hội phần nào ý nghĩa sâu xa của lời chỉ giáo,” Tôi trả lời một cách khách sáo, tuy rằng không cảm thấy như vậy chút nào cả. Lấy làm hài lòng, hòa thượng nhấc chén trà lên, làm dấu cho tôi rút lui.


 Đêm hôm đó tôi thức khuya hơn tất cả các anh em khác. Tên tiểu đồng hầu thư phòng, được lệnh cha tôi phải túc trực cho đến khi người cuối cùng trong anh em chúng tôi đưa sách cho cất đi, đã phải châm bình trà mới ba lần cho tôi trước khi tôi nhớ ra và cho phép nó đi ngủ, hứa hẹn là tự tay tôi sẽ cất cẩn thận những tập sách mỏng manh đó trong những chiếc hộp mầu xanh. Tiểu đồng vừa ngái ngủ cất bước đi khỏi thì từ cuối căn thư phòng mờ tối, một ánh sáng huyền ảo tỏa ra, và khi tôi quỳ xuống, một hiện thân thanh thoát, cao lớn huy hoàng, ăn mặc lộng lẫy trông như Quan Âm đang ở ngay trong vùng hào quang sáng chói nhưng không làm chóa mắt ấy. Trang phục của hai vị Bồ tát trông tương tự như nhau ngoại trừ khăn miện đội trên đầu, và tôi phải mất vài phút mới nhận ra rằng đây chính là Đại Thế Chí với vầng hào quang mầu vàng rực rỡ tròn đầy chung quanh.


 “Lão Nhị”, ngài nói bằng một giọng thật hay và cuốn hút, và gọi tên tục của tôi như cha tôi và các chú bác trong nhà vẫn thường gọi, “Hòa thượng đó lầm lẫn rồi. Hãy biết rằng tâm con tự nó là vô biên vô hạn, trong đó dung chứa vô số vũ trụ thiên hình vạn trạng, mỗi vũ trụ như thế lại bao la không thể nghĩ lường. Tất cả những năng lực vô hạn trong các vũ trụ thiên hình vạn trạng ấy đều có nơi con tròn đầy, nếu con biết lấy trí tuệ để dùng đến chúng. Mỗi chúng sinh hữu tình cũng đều như vậy. Bởi vì lòng tin của con nơi ta chưa được phát triển đầy đủ, nên ta đã thường đến với con trong dạng của Quan Âm – không phải như ta hiện giờ. Sao con có thể nghĩ là có hai phật khác nhau được? Có hai được không trong một Tâm rộng lớn bao la không còn đối đãi phân biệt? Một vị Bồ tát có lẽ nào cảm thấy buồn tủi vì đã bị bỏ quên sao, khi còn có vị Bồ tát khác vẫn thường được tưởng niệm đến? Không cần nói đến Bồ tát, khi một con ong hút mật từ nhựy hoa, tất cả chúng sinh trong các vũ trụ thiên hình vạn trạng này đều hút mật; khi một con giun bị dẫm nát, tất cả chúng sinh trong những vũ trụ đó đều bị dẫm nát. Hãy nhớ rằng cội nguồn của tất cả mọi năng lực đều là ở nơi con và đừng có những ý nghĩ điên rồ muốn đi tìm những thị hiện bồ tát.”


 Linh ảnh đẹp tuyệt vời đó mờ đi rồi biến mất. Từ đó, tôi không dám vọng cầu đến những vị đó, trừ khi là trong thiền đinh quán tưởng. Cố đi tìm nguồn năng lực của các vị đó bên ngoài cái năng lực vô biên vô hạn của chính Tâm mình, khi chỉ bị chướng ngại bởi những nghiệp khí đen tối của chính mình, là điều mà trong kinh gọi là “đi tìm một cái đầu khác ở trên cái đầu của mình”! Những lúc trước đây, Quan Âm đã làm dịu đi cơn mệt mỏi của tôi, là bởi vì trong tâm tôi muốn cơn mệt mỏi ấy dịu đi, nhưng phải cần đến sự xúc tác của một thị hiện Bồ tát mới có thể gợi lên được cái năng lực ấy.


 Hãy tin tôi đi, Bồ tát có thực như đất trời và có khả năng vô hạn để cứu độ chúng sanh đau khổ, nhưng họ hiện diện ở ngay trong tâm trí bình thường của chúng ta, mà tự nó, đúng ra, đã dung chứa tất cả trời và đất rồi.”


 Cả hai câu chuyện của nhà địa chất học kia và ông Trần diễn tả một khái niệm không dễ gì nắm bắt được và có lẽ không thể nào thấu hiểu được cho đến khi nào tự mình Giác Ngộ được; nhưng chúng cũng chứng tỏ rõ ràng rằng, đối với một số người, Quan Âm là một hình ảnh được tạo ra nơi tâm, hay một số người khác coi Quan Âm không khác gì mấy so với một nữ thần, tất cả đều không thể chứng minh được là bên nào đúng, bên nào sai. Ngài vừa là cái gì trừu tượng, vừa là một nữ thần; cái cách người ta nhìn ngài như thế nào là tùy theo sự trông đợi nơi ngài và trạng thái tâm linh của người ấy. Tất cả những trạng thái tâm linh ấy, tuy người ta có thể coi như là có “cao” có “thấp” trên phương diện hiểu biết và trí tuệ, nhưng có lẽ cũng xa vời với cái chân lý tối thượng , cho đến mức có khác biệt trí tuệ với nhau hay không cũng chẳng thành vấn đề. Cũng không thể nói một cách chắc chắn là xem một vị Bồ tát như một vị thần linh hay nữ thần là chứng tỏ một trình độ hiểu biết thấp kém. Tất cả những luận bàn về cao hay thấp, ngoại trừ trong những vấn đề tương đối và tạm thời, đều không đi đến đâu cả.


Với những con ếch nơi hồ sen trong chùa

Cành hoa sen thấy thật là cao

Với những vị thần trên đỉnh núi Everest

Một con voi thấy thật là bé nhỏ.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng