- Những giây phút cuối đời - Sương đọng lá sen

20 Tháng Mười Một 201512:00 SA(Xem: 4473)




Những giây phút cuối đời

 


 Chọn đời sống không nhà, lang thang đói khổ, khi về già Ryõkan đau ốm kinh niên nhất là về mùa đông, thiền sư bị những cơn sốt rét và đau lưng hành hạï, về mùa hè nôn mửa, tiêu chảy và bịnh vàng da, tuy có một số bạn là bác sĩ luôn luôn trữ sẵn thuốc cũng không giúp được bao nhiêu cho đời sống cơ hàn trên núi Kugami của thiền sư.

 

Run run èo uột như vầy

 Bao năm đã đủ đến ngày biến tan


 

 Tuy thế thiền sư vẫn khiêm nhường không nhận môn sinh. Năm 1815 khi Ryõkan đã thật sự không tự lo được, một chú tiểu Thần Đạo đến thăm Ryõkan và van xin để được ở lại giúp đỡ. Chú tiểu tên Henchõ (1801-1876) mang nước nhặt củi và giữ gìn am những khi Ryõkan vắng mặt. Đến năm 1826, vì quá suy nhược thiền sư phải bỏ núi và sống dưới sự chăm sóc của thương gia Kimura Motouemon (1778-1848). Henchõ đến trụ ngôi đền Thần Đạo làng Zizõdo và vẫn thường xuyên đến chăm sóc cho thiền sư. Sau này Henchõ (1801-1876), sinh quán làng Shimazaki, trở thành thiền sư trụ trì đền Zizõdõ.


 

Ryõkan ở căn nhà nhỏ riêng biệt trên đất của tòa nhà gia đình Kimura làng Shimazaki cách núi Kugami bẩy dặm. Mặc dầu gia đình Kimura nhiệt tình lo cho thiền sư nhưng dường như Ryõkan không vui phải sống xa nơi tĩnh lặng, luôn luôn cảm thấy cô đơn trống vắng nhớ rừng thông mùa thu mưa, ngọn núi tuyết mùa đông, chim hót hoa nở mùa xuân, âm thanh suối nước mùa hè .

 

Chim kia mong mỏi từng ngày

Nhớ về tổ cũ rừng dầy núi cao..


 

Cả một cuộc đời thăng trầm chống chọi với bao nghiệt ngã của một kiếp người, thiền sư đã xả bỏ tất cả theo con đường đạo mong cầu giải thoát sinh tử. Hiểu đạo buông bỏ thế gian tầm thường sống giản dị tự tại với tâm Bồ Tát. Thế mà đến phút cuối thiền sư cho là tất cả thơ chỉ là ngọn gió thoáng qua

 

Nếu mà có ai hỏi

Tâm sư nghĩ những gì

Mây trời bay, gió thoảng

Hãy thưa chẳng nghĩ chi 

 

Đời người như hạt sương ngàn

Chợt khô chợt thoáng vô thường trước sau .

 

 

 

 

 

 

SƯƠNG ĐỌNG LÁ SEN

 

 

Tin theo Phật pháp là tin có Nhân Quả. Vào cuối thu 1827 Ryõkan gặp Teishin (1798-1872). Teishin trẻ đẹp là con của một hiệp sĩ đạo đến từ Nagaoka sống trong một lâu đài ở phía tây nam cách Shimazaki mười lăm cây số. Teishin là vợ một bác sĩ nhưng góa chồng sau năm năm chung sống. Cạo đầu xuất gia vào chùa Phật giáo gần Nagaoka, Teishin cũng làm thơ nên khi nghe tiếng Thiền sư, Teishin quyết định tìm đến Shimazaki diện kiến Ryõkan.

 

Teishin viết:


 “ Lần đầu tiên tôi được diện kiến Ryõkan:` 

 Ôi tràn đầy niềm vui

 Phải chăng đây là mộng 

 Xin đừng đánh thức tôi

 Hãy để yên giấc mộng

 Trong nỗi vui tuyệt vời

 

Ryõkan đáp:


Chập chờn trong cõi mộng

Ước ao là giấc mộng

Cứ bồng bềnh cùng mộng

Triền miên trong vô tận


 

Nhân quả này là một mối quan hệ khiến cuối cuộc đời Ryõkan trở nên trong sáng nhẹ nhàng hơn. Thiền sư chấp nhận Teishin làm môn sinh. Những bài thơ đối đáp giữa Ryõkan và Teshin khiến người đời sau cho là đã có tình yêu nảy nở. Có hay không qua những dòng thơ đối đáp ta sẽ thấy ý thơ bàng bạc hướng về đạo pháp và vì thế sau khi Ryõkan tịch Teishin góp nhặt tất cả thơ đối đáp của cả hai và đặt tên cho quyển thơ là “ Những hạt Sương đọng lá sen”.



Vì những bài thơ đó trong sạch và nhẹ nhàng như những hạt sương đọng trên lá sen, lá sen không bao giờ thấm ướt đỡ lấy hạt sương trong veo nhẹ tênh long lanh nắng sớm hay óng ánh như những hạt ngọc thiên nhiên ban đêm. Mối tình của cả hai ví như thế đó vì chỉ là một gặp gỡõ của hai tâm hồn cùng đi tìm siêu thoát, họ thấy suốt được nỗi niềm của nhau. Ta không rõ Teishin muốn nói ra đây ai là hạt sương và ai là lá sen?. Đồng chí hướng, họ nâng đỡ cho nhau, tâm tư bù đắp cho nhau như hai người bạn đạo hiểu thấu đáo lẽ vô thường đang đến với họ. Một đêm cùng ngắm trăng và đàm đạo về mọi đề tài nghiêm túc như đạo giáo, thơ và luân lý.

 

Ryõkan viết:


 Lạnh, ôi lạnh quá

 Đêm đã khuya rồi

 Trông kìa, trông kìa

 Trăng cao trên trời

 

Teshin


“Tuy vậy tôi vẫn còn muốn nói chuyện thêm với Ryõkan”

 

 

 Những năm thật dài

 Năm dài vô tận

 Mặt đối mặt đây

 Không bao giờ hỏi

 Trăng,

 Khi nào ta chia tay 

 

Ryõkan đáp


 Nếu tim ta vẫn trinh nguyên

 Như giây nho quấn quanh thân cội tùng

 Hãy cạnh nhau đến tận cùng

 

Teshin


“Đến khi tôi phải chia tay”

Giờ xin tạm biệt ân sư

 Lối mòn lần bước vuợt qua cỏ dầy

Cầu xin tái kiến ngày mai

 

Ryõkan đáp


Ta mong hội ngộ , ta mong

Nếu người chảng ngại thật lòng gặp ta

 Am nghèo, sương ướt lối qua

 

Teshin


« Ít lâu sau đó tôi nhận được lá thư của Ryõkan »

 

 Người đã quên ta chăng

 Hay lạc lối loanh quanh

 Ta chờ, ta chờ mãi

 Trong hão huyền, não tâm

 

Teshin


« Tôi trả lời »


 Vô căn cứ lời đồn

 Tâm ái ngại lo buồn 

 Phải đành tự giam mình

 Đỉnh non mây mỏng trôi

 Trăng núi chiếu ngời ngời

 Sáng trải khắp mọi nơi

 

Ryõkan viết 


 Ánh trăng trong sáng làm sao

 Chiếu ra tận khắp địa cầu dù xa

 Nhật Bản chiếu đến Trung Hoa

 


Ánh trăng mà hai thầy trò đối đáp đây là pháp Phật, là ánh sáng pháp Phật rõ ràng không có gì có thể trải sáng khắp địa cầu từ Nhật Bản đến Trung hoa bằng Giáo lý thần diệu của Đức Phật.


 

Ryõkan dạy Teshin làm thơ thể Tanka (thể thơ Nhật có 31 chữ thứ tự 5-7-5-7-7 ) và Teshin rất giỏi về thể thơ này.


Teshin cũng nhận những lời giáo huấn của Ryõkan như sau

 

“Sai hay đúng, tối hay sáng, trở thành rõ ràng khi làn mây mỏng trên đỉnh núi tan đi. Đó chính là luật muôn đời. Người có đồng ý không”?


Teshin


“Đầu xuân tôi gửi Ryõkan lá thư”

 

 Ráng chiều vừa tắt đêm đen

 chỉ có ánh trăng

 đến bình minh

 

 Ôi sao tĩnh lặng ánh trăng,

 Chiếu vào sai đúng rực vàng khắp nơi

 

Ryõkan đáp


 Biết gì so sánh cho bằng 

 Lá thư người gửi đầu xuân vừa rồi

 Vàng ròng ngọc quí sáng ngời

 Lu mờ trước lá thư người gửi ta

 

 Đừng quên lời nguyện với nhau

 Phật đường đã hứa đời sau cùng về.

 

Teshin

 

Thề rằng tôi chẳng quên lời

 Phật đường đã hứa cho đời về sau


 

Trước khi giã từ am của Ryõkan Teshin viết

 

 Tạ từ, tôn kính Ân Sư

 Dám mong bảo trọng xin chờ lần sau.

 Giữa hân hoan tiếng chim cu

 

Ryõkan


 Đám mây trôi nổi quanh đây

 Đợi người ta đợi đâu đây bây giờ

 Khi mà khắp núi non mờ

 Vang vang tiếng hót chim cu ngọt ngào

 

Teshin


« Khi tôi quay lại thăm Ryõkan lần nữa »

 

 Lần này lại trở về đây

 Rộn ràng tái ngộ cùng Thầy viếng thăm

 Tìm theo lối hẹp loanh quanh

 Cỏ hè đã phủ dầy xanh lối vào

 

Ryõkan


 Trì tâm đợi nụ triều nhân

 Nở hoa, người vượt cỏ sương rậm dầy

 Bây giờ người đã đến đây

 

Teshin


“Một ngày hè, Tôi đến thăm Ryõkan nhưng ngài đi vắng. Mùi hương sen ngọt ngào tràn ngập am trống trải”.

 

 Chẳng có gì chỉ có sen

 Mùi hương lan tỏa khắp am thiền

 Hỡi ơi trân quí vô biên!

 

Ryõkan


 Ta chẳng có chi để tặng người

 Nhưng hương sen ngọt nở rạng ngời

 Thay ta nghênh tiếp đón mời

 

Teshin


“Có lần tôi thưa cùng Ryõkan”

 

 “Sắc diện của người xám và cả chiếc áo của người cũng đen, vậy từ đây tôi xin gọi người là con quạ”

 

Ryõkan nói “Hay quá ! đúng như thế đó”

 

 Ngày mai ta sẽ bay đi

 Nay ta là quạ bây giờ bay đâu

 Hành trình sẽ định chốn nào


Teshin


 Quạ thường từ núi về làng

 Hãy mang quạ nhỏ theo cùng chuyến bay

 Quạ nhỏ cánh yếu đuối thay

 Sẻ xin cố gắng cùng thầy bay theo

 

Ryõkan đáp


 Chẳng màng chắp cánh cùng bay

 Dẫu ai to nhỏ rỉ tai nhiều lời

 Kia là “Đôi lứa đấy thôi”

 Nếu mà phải thế thế rồi thì sao

 

Teshin


 Con diều là vẫn con diều

 Én kia là én, quạ kêu quạ mà

 Con cò vẫn là con cò

 


Như vậy đó tất cả như thị, tâm chân chính thì dẫu thị phi lời ra lời vào cũng không thay đổi được tình thầy trò của Ryokan và Teshin, bài thơ đem con diều , con én và con cò ra so sánh rằng én là én cò là cò và diều là diều, không ai gọi én là cò và gọ cò là diều…. Ryõkan đưa ra những câu thơ khôi hài và Teshin đối đáp với tâm chân thành

 


 Có lần trời đã tối, Ryõkan phải ra về và hứa trở lại sáng mai 

 

 Bây giờ ta sẽ phải đi

 Bình an giấc ngủ, quay về sớm mai

 

Ryokan hay rong ruổi lang thang,Teshin viết :

 

 Làm thơ hay đánh trái cầu

 Đường làng rong ruổi cũng đều là vui

 Hãy xin thoải mái người ơi

 

Ryõkan đáp

 

 Làm thơ hay đánh trái cầu

 Đường làng rong ruổi cũng đều là vui

 Khó sao chọn một mà thôi 

 

Teshin


« Đến cuối tháng Chạp, tôi nghe tin Ryõkan đau nặng, liền vội vàng đến thăm Người ».

 

Ryõkan mừng rỡ


 Bao giờ ? bao giờ ?

 Thiết tha đợi chờ

 Nay người đã đến

 Còn gì mà mơ 

Teshin


« Và từ khi đó tôi luôn luôn ở cạnh giường săn sóc Ryõkan ngày đêm. Ryõkan càng ngày càng yếu dần »

 

Ryõkan


 Không phải ngừng ăn

 Nhưng rồi thời gian

 Không ăn được nữa

 Khi giã từ trần 

 

Teshin 

 

 Ôi thật đau đớn thay!

Đời sống đà đến hẹn

Sao có thể chia tay

Vượt qua sống và chết

 

Ryõkan


Điều bao ngày vẫn thường hằng đợi mong

Chẳng cần chi, ta sẵn sàng 

Rồi ra cũng đến sau cùng 

 

Teshin


 Dẫu biết Phật dạy rằng

Muốn về chốn vĩnh hằng

Vượt khỏi nơi sinh tử

Nhưng sao vẫn khó kham

Nỗi sầu biệt đôi đường

 

Ryõkan


 Kìa là trước mắt sau lưng

 Lá rơi từng lá chẳng dừng lá rơi  

 

 

Teishin thường xuyên ở cạnh tận tình chăm sóc suốt bốn năm cuối đời khi sức khỏe của thiền sư tiếp tục suy giảm. Teishin tha thiết thọ nhận giáo pháp Phật và cả thi ca. Do sự lãnh hội này mà tập thơ “Những Hạt Sương Đọng Lá Sen”ra đời. Sau này Teishin là người cho in ấn tất cả thơ và tiểu sử của thiền sư mà một số do Henchõ gìn giữ. Về sau Teishin chết năm 74 tuổi cũng vào đúng tuổi Ryõkan đã tịch. 

 

 Mùa đông 1830 Ryõkan bị tiêu chảy không ngừng thêm nữa không ăn uống gì cả và khốn khổ vì chứng mất ngủ kinh niên. Theo lời kể lại của Henchõ và Teishin, những giây phút còn lại thiền sư hôn mê, nhưng khi tỉnh dậy vô cùng tỉnh táo và vẫn đọc thơ cho hai người viết đến phút cuối cùng. Gần chiều ngày 6 năm 1831, thiền sư ngồi tư thế thiền định và chết như một người ngủ.

 

Ai xin thơ tạ từ

Người vĩnh biệt ra đi

Xin thay tôi mà bảo

Niệm Phật A Di Đà

 


Mỗi đoạn đường của suốt cuộc đời Thiền sư Ryõkan không có tình tiết gì là không kỳ diệu siêu nhiên, ngay cả khi thiền sư đã nằm yên trong hòm. Câu chuyện kể vài ngày sau khi tịch, thể xác thiền sư đã được đặt vào hòm. Teshin vô cùng tiếc thương, van xin nài nỉ được nhìn mặt thiền sư lần cuối, mọi người không cầm lòng được nên chiều theo ý Teshin. Khi mở nắp quan tài thân xác thiền sư vẫn tuyệt đối ngay thẳng trong dáng vẻ trang nghiêm.


Trước khi tịch Thiền sư để lại hai bài thơ như sau

 

Di tích sẽ là chi

Sắc hoa xuân, tiếng họa mi mùa hè

Lá phong vàng đỏ

 vẫn về vào thu 

 


 Hiển nhiên Ryõkan đã hy sinh tất cả để đi tìm ý nghĩa và chân lý của hạnh phúc vĩnh hằng. Cả suốt cuộc đời Thiền sư có tu tập hay không, hay là thiền sư đã tự giác chính hạnh phúc vĩnh hằng ngay từ khi buông bỏ phú quí vinh hoa và tham ái mà cạo đầu và khoác áo tăng học đạo.


 Thiền sư đã chứng ngộ sâu xa nhất mà không biết mình đã ngộ.



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng