- Những giai thoại về Ryokan

20 Tháng Mười Một 201512:00 SA(Xem: 4347)




Những giai thoại về Ryokan

 


Suzuku Bundai giáo sư văn chương đại học Tokyo được bà nội kể lại là ngày bé bà hay chơi với Ryõkan.

Thiền sư rất sợ chuột nhắt nên khi chơi banh hay bịt mắt bọn trẻ la lên :” Ryõkan chuột nhắt chuột nhắt ! “. Thiền sư kinh hãi kêu lên : “ối ối khổ tôi rồi!“ Cho dẫu bao nhiêu lần như thế ông đều tin là có thật và đều có cùng một thái độ kinh hãi kêu lên như vậy.

 

 

Người con nuôi của Bundai kể lại là trẻ con hay theo sau Ryõkan và hù một tiếng to chụp vào vai, thiền sư quay lại vung tay lên loạng choạng hét to như ngạc nhiên, khiến lũ trẻ vui cười ầm ĩ. Trò chơi lập đi lập lại nhiều lần, có người khó chịu hỏi thiền sư sao không bị bực mình. Ryõkan trả lời là : “ khi trẻ con làm cho tôi hoảng hốt chúng vui sướng, trẻ con vui sướng là tôi vui sướng, thế là mọi người vui sướng, như vậy thì còn vui sướng nào chân thật hơn “.

 

Kameda Hõsai là một học giả danh tiếng sống ở Edo (Tokyo) đến thăm Ryõkan. Khi tìm được đến am thì Ryõkan đang ngồi thiền. Vì không muốn quấy rầy, Hõsai phải đợi hơn 3 giờ đồng hồ. Khi biết có bạn đến thăm Ryõkan rất đỗi vui mừng và cùng Hõsai đàm đạo suốt ngày về thơ phú, văn chương và triết lý. Khi chiều xuống, Ryõkan muốn có sake để có thể tiếp chuyện Hosãi lâu hơn, dặn Hõsai đợi chỉ vài phút thôi và vội vàng ra đi.


Hõsai ngồi đợi quá lâu mà không thấy tăm hơi Ryõkan đâu cả. Cuối cùng không đợi được nữa Hõsai đi tìm Ryõkan và vô cùng ngạc nhiên khi trông thấy Ryõkan chỉ cách am có hơn trăm thước, đang ngồi dưới cội tùng mắt ngước nhìn trăng tròn ngây ngất. Hõsai kêu lên:

” Ryõkan! ông đi đâu vậy đợi ông đã hơn ba tiếng đồng hồ! tôi tưởng là có gì không hay xẩy ra cho ông!”


Ryõkan đáp :” Ông Hõsai ơi! ông đến đúng lúc quá coi kìa mặt trăng có rực rỡ không ?”


Hõsai : “Thấy rồi, thấy rồi trăng thật rực rỡ. Nhưng sake đâu?”


Ryõkan :” Sake hả? À phải rồi sake!. Xin tạ lỗi, tôi quên đứt mất, tha thứ cho tôi, tôi sẽ đi mang sake về ngay bây giờ!” Thế rồi Ryõkan bật đứng dậy, nhẩy từng bước một xuống núi bỏ Hõsai đứng lại ngỡ ngàng.


 

 Đi đến đâu Thiền sư cũng có rất nhiều bạn bè nhưng với trẻ con mới là những người bạn thân ái nhất. Thiền sư luôn luôn có hai quả banh trong tay áo, khi đi hành khất trẻ con theo sau vây quanh vỗ tay la hét mời gọi thiền sư nhập cuộc. Tuy nhiên có khi Ryõkan thất thểu mệt mỏi mà bị trẻ con vây quanh vỗ tay reo hò vui thích cố lôi kéo nhập cuộc thì thiền sư nằm lăn ra đất giả chết, đến khi lũ trẻ dãn ra, thiền sư ngồi dậy bỏ đi. Đôi khi chúng biết thiền sư giả bộ chết liền bóp mũi đến độ Ryõkan la lên :” sống lại rồi! sống lại rồi !”


 Có thân hình gầy gò cao lêu nghêu nên khi thấy thiền sư từ xa trẻ con vỗ tay reo lên :

 

Thầy Ryõkan đến kia rồi

Gầy nhom như thể cá mòi đầu mùa

 


Một buổi trưa mùa xuân, Ryõkan nhận thấy có ba cây tre mọc nhú ngọn tre chạm sát sàn, thiền sư lo lắng không vui mất mấy ngày vì sợ ngọn tre đau đớn không thể mọc cao lên được, thiền sư quyết định khoét ba cái lỗ sàn cho ngọn tre mọc chui qua và thủ thỉ với tre “ Tre đừng lo lắng gì cả dù có phải trổ nóc nhà ta cũng sẽ làm” và rồi vui vẻ trở lại .


 

Ryõkan không bao giờ thuyết giảng hay khiển trách ai, có một lần người em yêu cầu thiền sư đến nhà chơi để khuyên giải người cháu trai bê tha. Ryõkan đến thăm em thăm cháu ở lại một ngày mà không hề la rầy người cháu. Sáng hôm sau khi sửa soạn ra đi, người cháu ngồi xuống buộc dép cho thiền sư và cảm thấy một giọt nước ấm giỏ trên tay, khi ngửng lên cậu ta thấy Ryõkan đang nhìn xuống cậu mà mắt đẫm lệ, người cháu thay đổi hoàn toàn sau khi đó.


 

Thiền sư ngây thơ và nhẹ dạ dễ tin nên có câu chuyện buồn cười mà mỗi đứa trẻ Nhật nào cũng biết : Một hôm chơi trò đi trốn đi tìm đến phiên Ryõkan đi trốn, cố tìm nơi thật kín nên chợt thấy đống cỏ khô liền chui vào trong cời rơm phủ kín người, trẻ con không sao tìm được Ryõkan, khi mặt trời lặn chúng mệt bỏ cuộc về nhà cho kịp cơm tối. Ryõkan vẫn cuộn tròn chờ trẻ đến lôi mình ra và ngủ quên suốt đêm cho đến sáng hôm sau, người chủ nhà ra lấy cỏ khô nhóm bếp thì chạm phải Ryõkan liền la lên “Thầy Ryõkan, ngài ở trong đống cỏ này làm gì?” Thiền sư đưa một ngón tay lên :“Tôi đang trốn xin đừng nói lớn trẻ con tìm thấy tôi bây giờ !“ .


 

Có một lần đi qua làng, thiền sư chợt nghe tiếng kêu "cứu tôi! cứu tôi!” Nhìn lên cây hồng có một đứa bé kẹt trên cành không xuống được. Ryõkan giúp đứa bé leo xuống và tự leo lên định hái vài quả hồng cho đứa bé, ông ăn thử quả đầu tiên còn xanh và chát nên không muốn cho đứa bé, khi thử quả thứ hai ngọt, ăn quả thứ ba thấy ngọt hơn, thế là Ryõkan ngốn đầy miệng hồng và kêu lên “ ôi chao ngọt ơi là ngọt ! “, quên bẵng đứa bé đang đứng đợi dưới gốc cây cho đến khi đứa bé la lên : ” Ryõkan thầy ơi ! chia cho tôi một quả hồng “. Ryõkan giật mình cười ha hả đưa những quả hồng ngon ngọt nhất cho đứa bé. 

 

 

Có người nói với Ryõkan là nếu mà tìm thấy tiền trên đường thì có cảm giác rất vui . Một hôm xin được vài xu liền thử xem cảm giác vui nhặt được tiền ra sao, Ryõkan liền rải tiền theo lối đi và lại nhặt lên. Lập đi lập lại vài lần mà cũng không nhận thấy được cảm giác vui chút nào nên Ryõkan vẫn thắc mắc về lời người bạn “ vui nhặt được tiền “. Lại thử nhiều lần nữa và vì thế Ryõkan lạc mất hết mấy đồng xu trong bãi cỏ. Sau thời gian tìm kiếm tìm được tiền bị mất, Ryõkan cảm thấy vui sướng vô cùng bèn la lên :”A tôi hiểu rồi tìm được tiền trên đường thật là vui “. 


 

KeraYoshishige (1810-1859) là con của bạn thân tên Kera Shukumon (1765-1819) mà Ryõkan thường là khách của gia đình thời Kera còn trẻ. Nên có rất nhiều giai thoại về Ryõkan. 

 Kera kể :


Vì một người tên Hanbei say rượu và tấn công Ryõkan nên mỗi khi nghe đến tên Hanbei là Ryõkan kinh hãi. Khi đi xin đến trước cửa nhà ai đứng đợi mà họ ra bảo đây là nhà của Hanbei thì Ryõkan nhón gót đi sang nhà khác và họ cũng lại đùa như thế và tiếp tục vài nhà kế cận, Ryõkan đều tin và nhón gót tránh xa cuối cùng bình bát vẫn trống rỗng, nhưng không bao giờ thiền sư nghi ngờ là sao Hanbei lại có nhiều nhà đến vậy. 

 

 Có một lần vào mùa cấy Ryõkan đang ngụ tại nhà chúng tôi cùng với nhà sư tên Chikai. Chikai có tánh nết vô cùng cao ngạo thường rêu rao so sánh mình với những cao tăng thời xưa và còn tuyên bố là sẽ mở trường giảng dậy đạo Phật để cứu rỗi hữu tình chúng. Tư cách đáng kính trọng của Ryõkan khiến Chikai sôi sục vì ghen tức. Có một ngày Chikai say rượu ồn ào tuyên bố ra đồng giúp việc canh tác . Khi trở về lấm lem như cái bánh làm bằng bùn, vừa gặp Ryõkan cơn giận dữ lâu ngày bùng nổ, không nói một lời ông dùng giây lưng quất túi bụi Ryõkan. Mọi sự xẩy ra quá bất ngờ mọi người can ra, đẩy Ryõkan vào phòng và đuổi Chikai ra khỏi nhà. Chiều đến mưa nặng hạt, Ryõkan ra khỏi phòng ngẫu nhiên hỏi :” Nhà sư Chikai có áo mưa không ?” và không bao giờ nhắc đến sự kiện đã xẩy ra.

 

 Thiền sư thường ở nhà chúng tôi vài đêm, từ trẻ đến già đều hòa thuận, không khí an bình tràn đầy trong nhà ngay khi người vừa đến. Nói chuyện với người một buổi chiều làm tâm chúng tôi cảm thấy trong lắng nhẹ nhàng. Ryõkan không bao giờ đề cập đến kinh sách hay các danh phẩm hoặc những giáo lý quan trọng khác. Đôi khi dưới bếp nhóm lửa, đôi khi thiền sư ngồi thiền trong phòng dành riêng cho khách. Trong câu chuyện Ryõkan không bao giờ bóng gió ám chỉ về thơ văn cổ điển hay giáo lý đạo đức. Dáng cách Ryõkan từ tốn, tự nhiên và đức hạnh hướng dẫn người khác.

 

 Thiền sư rất từ tâm hay lo lắng săn sóc cho những ai đau ốm, giúp họ ăn uống, ngồi dậy nằm xuống. Ryõkan lại có tài xao bóp cho người đau cảm thấy nhẹ nhàng. Nhưng nếu người đau xin Ryõkan trở lại ngày mai thì không bao giờ Ryõkan hứa cả và trả lời “ Ngày mai ngày mai, để chúng ta xem ngày mai ra sao.

 

 Một buổi chiều mùa hè, người chăn ngựa buộc xoắn hai bó rạ lại với nhau và treo lên rui nhà để khi bị muỗi cắn ngựa cọ sát mình vào rạ đuổi muỗi. Ryõkan hỏi căn do và khi biết treo rạ để đuổi muỗi. Ông liền quay về lều treo bó rạ lên vách để đuổi muỗi.

 

 Mọât buổi giữa mùa hè, địa phương có tục nhảy múa suốt đêm. Mọi người vui đùa thỏa thích và Ryõkan rất thích những dịp như thế. Ông dùng khăn quấn quanh đầu giả làm con gái lẫn vào đám đông nhảy múa. Một người nhận ra thiền sư đến gần hỏi đùa :”Người đàn bà trẻ đẹp hấp dẫn này là con gái nhà ai”. Hôm sau thiền sư khoe câu khen ngợi với mọi người: ” Có người trông thấy tôi và muốn biết tôi là con gái nhà ai!”. 

 

Trên núi Kugami kẻ trộm vào lều không tìm thấy gì để lấy, không muốn lay động thiền sư liền cố lôi nhẹ tấm chiếu Ryõkan đang nằm. Ryõkan giả vờ ngủ lăn sang một bên để kẻ trộm kéo tấm chiếu ra cho dễ và mang đi.

 

Một người hành khất vào lều xin, thiền sư không có gì cả liền cho ngay cái áo khoác ấm của mình đang mặc.


 

Có lần Ryõkan hái hoa cúc trước vườn nhà một người trong làng, chủ nhà trêu ghẹo bằng cách kết tội thiền sư trộm hoa, người ấy nói : “nhưng nếu thiền sư vẽ hoa này và cho vài nét bút pháp tôi sẽ tha cho ông “. Ryõkan liền tháp bút vẽ hoa và đề câu như sau :”tranh do Ryõkan lưu lại cánh hoa này mong dành lại cho thế hệ sau.

 

Khi lúa chín dân làng địa phương có ngôn từ là lúa đang gầm gừ (bonaru). Nghe được như vậy Ryõkan loanh quanh ngoài đồng suốt đêm để nghe tiếng gầm gừ của lúa chín.


 

Có một bác sĩ tên Shõtei hỏi thiền sư :


” Tôi muốn giầu phải làm sao cho có thêm nhiều tiền?


Thiền sư trả lời:


” Chỉ cần là một bác sĩ giỏi nhân từ và đừng tham lam.”


 

Một nhà văn học ở Edo tên Kõndo Banjõ kể lại thời gian ông trú đêm tại am của Ryõõkan :


“Lâu lắm rồi từ khi tôi còn trẻ, tôi đi qua tỉnh Tosa vào một buổi chiều chỉ còn khoảng ba dặm là đến lâu đài Kõchi thì gặïp một cơn mưa lũ không sao tiếp tục được. Trông thấy cách đường cái vài trăm thước một cái lều xiêu vẹo dưới chân núi. Tôi đến lều để xin tá túc qua đêm, trong lều có một nhà sư gầy gò gương mặt xanh xao ngồi cạnh nền bếp


Sư nói : “ tôi không có thức ăn và không có cả cánh liếp để chắn gió “


Tôi thưa :”Dạ tôi chỉ xin trú tạm cơn mưa mà không dám đòi hỏi gì hơn “.


Thế là tôi ở lại qua đêm. Sau những lời trao đổi cho mãi đến tối chúng tôi ngồi đối diện nhau bên nền bếp mà Sư không nói thêm với tôi lời nào, không ngồi thiền, không ngủ cũng không tụng kinh. Dù tôi có nói lời nào Sư cũng chỉ mỉm cười. Tôi tự nghĩ chắc hẳn Sư điên.


Đêm đó tôi ngủ ngay bên cạnh bếp. Sáng hôm sau khi thức dậy tôi thấy Sư cũng ngủ đầu gối lên tay. Một ngày mới mà mưa vẫn đổ như thác, còn nặng hạt hơn hôm qua. Biết là không thể nào tiếp tục hành trình tôi xin ở lại cho đến khi ít nhất cơn mưa ngớt hột. Sư đáp :“ Người cứ ở bao lâu cũng được, mưa như vầy làm tôi vui thêm vì giữ chân người ở lại. Độ giữa trưa Sư khuấy bột lúa mì với nước sôi chia phần ăn cho tôi. Nhìn quanh tôi thấy một tượng Phật bằng gỗ, trên bàn dựa theo vách có hai quyển sách. Mở sách tôi thấy đó là một ấn phẩm Trung Hoa viết về Trang Tử, kẹp giữa những trang sách là những bài thơ làm theo thể thơ Hán cổ viết thảo do chính Sư sáng tác.


 Vì không được theo Hán học nên tôi không thể nhận định giá trị những câu thơ. Nhưng không khỏi bị bút pháp gây ấn tượng mạnh. Tôi bèn lấy trong túi xách ra hai cái quạt xin ông viết cho tôi mấy chữ. Tức thì ông sửa soạn bút lông, chấm vào mực và bắt đầu vẽ chim họa mi đậu trên cành mận lên cái quạt thứ nhất và núi Fuji lên cái quạt thứ hai. Sư ghi lời: “ Ai vẽ đây? Ryõkan ở Echigo “


Đêm đó không có dấu hiệu cơn mưa sẽ ngớt, tôi nghỉ lại thêm một đêm nữa với nhà Sư bên nền bếp. Ngày hôm sau mưa tạnh hẳn, mặt trời sáng rỡ, sau bữa ăn sáng với bột lúa mì khuấy nước sôi tôi xin gửi Sư một ít tiền trả ơn Sư cho tá túc qua hai đêm. Sư từ chối và đơn giản nói rằng :” Tôi làm gì với những thứ đó “. Tôi cảm thấy áy náy và xin tặng Sư một phần giấy viết bút pháp và bìa tập đề thơ, Sư vui mừng nhận tặng vật” .


Mọi sự xẩy ra đã 30 năm qua. Gần đây tôi có dịp được đọc tập viết đề tài Hokuetsu kidan (những huyền thoại của Echigo ) của Tachibana Mochiyo làm trí nhớ tôi ôn lại rõ ràng đúng nơi cái lều tôi đã trú qua đêm và đã được diện kiến người con trưởng của dòng Tachibana .


 Câu chuyện thời xưa, Sư say mê văn chương nhất là bút pháp, Sư quyết định như những người xưa từ chối cả chức trưởng tộc của một gia đình tiếng tăm rồi cuối cùng xa lìa thế giới này. Đọc lại truyện nhà sư sống trong lều thì không ai khác mà chính nhà sư mà tôi gặp ở Tosa, ngày ấy đã qua từ lâu mà mọi hình ảnh hãy còn hiển hiện trong tâm tôi.


 Nghĩ đến người xưa tôi khóc suốt đêm”.

  Lời ghi này của Banjo 70 tuổi, chủ nhân Vườn Hoa Trà


 Cuối mùa hè năm thứ nhì thời đại Koka (1845)


 

 Một tài liệu được tìm thấy xuất bản ở Edo năm 1811, do người dòng họ Tachibana tên Mochiyo, không liên hệ huyết thống với Ryõkan, viết về nguồn gốc Ryõkan kể lại thời gian Thiền Sư quay về Izumozaki cho đến khi dọn đến am Gõgo :

 

“Mọi người đều ca tụng một nhà sư lạ lùng sống ở am Gõgo, sư sống thanh cao tinh khiết không tham muốn. Sư là con trưởng của thị tộc Tachibana làng Izumozaki, một đại gia đình giầu có. Sư học sáu năm với giáo sư phái Khổng giáo là Shiyõ và học đạo Phật với một thiền sư, Sư hành hương khắp nơi. Khi bỏ nhà ra đi Sư để giấy nhường quyền cai quản gia đình cho người em, mấy năm sau đó cuộc du hành của Sư như mây như nước không ai còn nghe tin tức gì về Sư .


 Một thời gian sau tại làng Gõtomo có một nhà sư xuất hiện hỏi thăm những người quanh vùng xin được nghỉ tạm trong cái chòi hoang cạnh bờ biển và ngày ngày sư đi ăn xin quanh làng. Khi xin vừa đủ sư vui vẻ quay về lều, nếu hôm nào xin dư sư chia thức ăn cho chim và những con thú nhỏ khác. Được nửa năm qua, mọi người cảm phục đức hạnh của Sư, họ mang đến cho Sư quần áo, Sư lại chia cho những người nghèo khác.


 Vì làng Gotomo không xa Izumazaki nên có người báo cho em tôi vì họ nghĩ Sư là dòng họ Tachibana. Em tôi đến lều vào khi Sư vắng mặt, cửa tranh không buộc, giây trường xuân phủ kín khắp nơi. Trong lều, trên bàn có bút lông, nghiên mực, giữa lều có một nồi đất, trên vách lều treo la liệt các bài thơ. Đọc những bài thơ đó em tôi hội nhập một cảm giác có ánh trăng vô cùng thanh cao hiện diện, một niềm tĩnh lặng xâm nhập khiến tâm đột nhiên trở nên nhẹ nhàng. Bút pháp thì rõ ràng là của dòng Tachibana, em tôi liền báo cho hàng xóm và mọi người làng Izumazaki. Họ hàng của Ryõkan đến xin đón Sư về với họ nhưng Sư thoái thác. Họ xin dâng thức ăn và quần áo thì Sư từ chối xin trả lại viện cớ Sư không cần. Sau đó Sư đi đâu không rõ. Vài năm sau nghe tin Sư đang trú ngụ tại am Gõgo. Sư đúng là một Đại Thiền Sư đã chứng quả .


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng