- Cuôc đời hành khất

20 Tháng Mười Một 201512:00 SA(Xem: 4553)




RYÕKAN - Cuộc đời hành khất


 

Hôm nay xin gạo đủ phần ăn

Dọc đường quanh quẩn Hachiman

Chuyện trò với vài ba đứa trẻ

Sư ngu năm ngoái vẫn không hơn !

 

Ngày ngày theo hướng khói làng

Bước chân đi mãi trên đường xin ăn

Đêm về đường núi mông mênh

Gió thu giá buốt chênh vênh thân gầy

Áo tăng tơi mỏng phất lay

Như cơn gió lốc xoáy xoay lưng trời

 

Ryõkan nhìn lại mình suốt những năm tháng đây đó lầm lạc cố gắng khám phá chân lý để thỏa mãn nỗi khao khát chứng quả.

 

Chơi đùa, đắp vá, chơi đùa

Đời tôi đắp vá chơi đùa thế thôi

Bên đường từng bữa xin người

Lều tàn, cỏ mọc, trăng soi, thu về

Đêm đêm ngâm mấy vần thơ.

Mùa xuân hoa nở lối về thường quên 

Bỏ chùa từ bấy lênh đênh

Như lừa già ốm cái thân héo gầy 

 

 

Tuy Thiền sư Ryõkan bỏ tu viện Entsũ-ji ra đi nhưng vẫn liên lạc với vài bạn đồng môn và luôn giữ tờ ấn chứng của thầy mình bên cạnh không rời.

 

Nếu không vì Phật Di Đà

Còn gì tồn tại thân ta trên đời?


  

Thời gian lang thang hành hương của một khất sĩ đi tìm nơi tịnh tu, chiêm nghiệm lời giảng dậy của các bậc cao tăng, tự thử thách cái tâm chân chính của mình. Hành trình trôi dạt khắp xứ sở, thiền định và ngủ ngoài trời với trăng sao,

 

Sương chiều phủ lạnh đôi vai

Tuyết tùng theo lối lẻ loi bước lần

Xa xa thấp thoáng bóng làng


 

Thơ Ryõkan trải qua đói khổ cô đơn nhưng cũng không kém hào hứng. Dẫu không bao giờ giảng pháp mà ngay cả cuộc đời dĩ vãng của chính mình thiền sư cũng không bao giờ nhắc đến, nhưng từng bài thơ đã để lại cho người đời sau biết rất nhiều về thiền sư.

 

Tánh ta lỳ lợm ngu si

Biết làm sao phải bỏ đi bây giờ

Đêm đêm tăm tối lần mò

Đường làng quạnh vắng bơ vơ chỉ mình

Đời nghèo dò bước lặng thinh

Bao lần ta đã mang bình bát không

 

Qua đây đã biết bao lần

Bao lần cây lá đổi vàng sang xanh

Vòng thân tầm gửi quấn quanh

Cội cây già đã trở thành xám đen.

Tre kia đã mọc cao hơn

Bồ đoàn chăn chiếu cũ mòn đêm mưa

Gió sương sờn rách áo tu

Mông mênh vũ trụ lặng tờ bốn bên

Ta ngồi thiền định sáng đêm

 


Bài thơ sau đây không biết có phải Ryõkan muốn nói tâm trạng của chính mình đang khắc khoải muốn quay về với bản lai diện mục vì nơi đó mới thật sự là bình an

 

 Khoác lên thân lạnh áo hàn

 Suốt đêm thu, thắp nén nhang tọa thiền

 Người ơi hãy cố gắng lên

Thời gian đến trước khi mình biết ra 

 

Hoàng hôn cảnh vật lắng dần

Ngay trong bụi rậm rế thầm gấy vang

Mầu cây mầu cỏ nhạt loang

 

 

 


Một bình bát

 Một áo tăng

 

 

 Đời sống trên núi Kugami và với dân làng dưới chân núi

 

Quanh năm chỉ có hai ta

Mận đang nở với lão già núi cao

 

 

Hai câu thơ của người khất sĩ nghèo khổ chọn núi cao làm chốn đi về, trăng sao làm đèn, xóm giềng với cỏ cây muôn thú và mái che chở tuyết giá gió mưa là Pháp Phật.


Năm 1880 thiền sư lên núi Kugami cách tỉnh Izumozaki khoảng mười hai dặm. Sống cách biệt với nhộn nhịp đời thường, ở lại với cảnh núi non thưa vắng bóng người chỉ có khỉ và nai rừng, nhưng lại là nơi ẩn cư thanh tịnh để tu tập. Sống đời bình dị và vô cùng thiếu thốn trong một cái am tên Gõgo.

 

Lênh đênh trên bước đường về

 Nghe chim cu khóc não nề quanh ta


 

 Am Gõgo theo chữ hán có nghĩa là Ngũ Hiệp, vách gỗ mái rơm vuông vức chỉ đủ ba tấm chiếu, am nằm sâu khuất trong rừng thông và những cội tùng già trong khu vực chùa Kokujõ phía tây triền núi. Am do vị trụ trì tiền nhiệm thuộc phái Chân Ngôn Tông ẩn dật sau khi từ nhiệm và mỗi ngày nhận được năm nắm cơm nhỏ từ chùa mang đến, vì thế am có tên Ngũ Hiệp.

 

Quá năm mươi tuổi trôi qua

Hơn thua tốt xấu chỉ là mộng thôi

Ngoài khung cửa sổ căn chòi

 Đầu hè trên núi mưa rơi nhẹ nhàng

 


Những mùa gặt yếu kém, nông dân cũng không đủ thực phẩm nuôi gia đình, nên không biết bao nhiêu chiều vào thu gió lạnh Ryõkan trở về lều với bình bát rỗng.

 

 Trời xanh, lạnh tiếng ngỗng hoang

Đồi trơ, lá rụng xoay tròn phương

 Hoàng hôn, lần bước lối mòn

Sương mù, cô quạnh đường làng về am

Tay ôm bình bát rỗng không

 

 Ngu si, buớng bỉnh, cô đơn

 Bao giờ dừng bước lang thang đời này

 Hoàng hôn, vừa hết một ngày

 Ôm bình bát rỗng đêm nay đường về


 

Ryõkan ca tụng vẻ đẹp và cảnh tịch liêu của am Gõgo, nhưng không gắn bó với nó, ngay cả trong tuổi già cũng di chuyển khắp vùng núi Kugami, khi thì ở với bạn khi thì ở trong chùa, nếu có dịp thiền sư đi xa hơn như một cuộc hành hương. Sau mười năm đi lại giữa Gõgo và cái am thứ nhì ngay trên vùng đất Otogo Jinja vùng đền thần đạo đã bỏ hoang.

 

Túp lều ba vuông chiếu

Tĩnh yên chẳng bóng người,

Tọa thiền bên cửa sổ

Bất tận tiếng lá rơi.

 

Trên thế giới nổi trôi 

Cô đơn, trời đông lạnh

Trong lều suông một người

Suốt đêm trường hiu quạnh 

 

 

Những mùa thu mưa tầm tã không thể ra khỏi lều xuống núi hành khất, ngồi trong lều nhìn ra rừng già trái tim nhân ái của Ryõkan thương thông xanh tùng già ướt lạnh trong mưa gió.

 

 Ôi! cơn gió đêm

 đừng thổi cuồng điên

 Ta sống một mình

 Trong căn lều gỗ

 

Ước gì thông nói đôi lời, 

Thông cao sừng sững ngọn đồi hoàng hôn 

Ta cùng thông muốn hỏi han  

Những ngày qua đó muôn vàn chuyện xưa

 

 Kìa thông sừng sững trong mưa

Nhìn Thông đơn độc ôi vừa sót sa

Ước chi che chở thông già

Bằng dù giấy nhẹ, bằng tà áo rơm

Nếu thông máu thịt da xương

Thương thông ướt lạnh phong sương trăm chiều


 

Những mùa đông khắc nghiệt, có lẽ Ryõkan đã sống thật lẻ loi và đói khổ tưởng như cơ thể nhẹ nhàng bất động, chỉ có trí niệm thiền định là còn trong sáng.

 

Từ khi tuyết phủ chập chùng

Cuộn tròn cô quạnh bên trong túp lều

Cả hồn ta thấy phiêu diêu

Tưởng như bụi kết buổi chiều dầy thêm

 


Bụi của thế gian đã kết phủ quanh cái am nhỏ trơ trọi càng ngày càng dầy thêm chia cách Ryõkan với thế tục. Tại thế gian nhưng không vướng với thế gian, ngồi thiền tĩnh lặng nghe lá chết rơi Ryõkan đã rơi lệ, vì sao? Có phải vì người hãy còn bị cột với thân phàm trần nên tâm tư khắc khoải mong sao đi đến bến bờ thoát kiếp sinh tử  

 

Bốn bề tĩnh lặng lá chết rơi

Tâm cố tập trung suốt một đời

Vô ngôn cốt lõi khi thiền tọa

Kìa sao những giọt lệ ta rơi

 

Tĩnh mịch suốt đêm,

Khoác áo tọa thiền

Trong chòi xiêu vẹo

Rốn mũi thẳng hàng

Hai tai ngay ngắn 

Trên đôi vai bằng

Mặt trăng hiển hiện,

Cửa sổ sáng dần

Cơn mưa đã dứt

Tiếng nước còn rơi

Tuyệt vời những lúc

Trong thế bình an

Có người biết ta

Một mình thầm lặng


 

Năm 1816, càng về già thiền sư càng muốn biệt lập, nên dọn đến ở hẳn am Otogo sâu trong rừng trúc nơi không mấy người lai vãng. Mùa mưa lầy lội, mùa đông tuyết đóng cao ngất, khiến nhiều ngày thiền sư không thể ra khỏi am. 


 Quanh quẩn trong am gần như xa cách hẳn nhân thế, khi thiền định, khi làm thơ, khi hạ bút pháp, khi đọc sách.

 

Nơi đây thật bình an

Giữa rêu xanh đá ghềnh

Rì rầm dòng nước nhỏ

Chẳng dính mọi tạp phiền

 

Một mái lều suông

Bốn bề rừng tùng

Bài thơ, kinh kệ

Vách ván trơ không

Nồi cơm mờ bụi

Trơ lạnh bếp than

Ấm trà khô cạn,

Những ngày sáng trăng

Phương Tây người khách

Lại đến viếng thăm

 


Chỉ sống trong căn lều đơn sơ vách ván, quẩn quanh chỉ có bếp than tro tàn trơ lạnh với ấm trà cạn khô và nồi cơm bụi bám vì đã không dùng đến từ lâu, nhưng tâm lại tự tại đón khách Phương Tây, người khách đó có phải chính là Đức Phật.

 

Ngón tay chỉ trăng

Nương tay thấy trăng

Đạo cao đã hiểu

Không tay không trăng 

 

 

Buổi chiều trong núi rừng sâu

Tuyết rơi phủ trắng ta hầu biến đi

Cả hồn và xác còn gì


 

Những ngày giá lạnh quá dài thiền sư mong tiếng hát của con ve mang hơi ấm mùa hè đến cho rừng núi.

 

 Chiều nay ve gáy lên đi

 Lắng nghe nhẫn nại, tiếng ve ta chờ

 


Thế nhưng thiên nhiên xoay vần, có đi là có về hết đông lại sang xuân. Rồi những ngày xuân nắng ấm trở lại, lòng vui với thiên nhiên đang trỗi dậy. Thiền sư ôm bình bát tung tăng xuống núi hành khất loanh quanh làng lân cận hay ngoài phố.

 

Trộn trong bình bát những cánh hoa

nào tím nào cúc hãy cùng ta

dââng lên tất cả trong ba cõi

Chư Phật Mười phương thế giới hoa


 

 Thiên nhiên luôn luôn ảnh hưởng đến tâm vô tư của thiền sư, cho nên Ryõkan cũng như Bashõ là những người có tâm hồn giản dị trở về cùng thiên nhiên, sống nương theo luật tạo hóa bốn mùa. Vì thế khi mùa xuân đem sức sống đến cho đất trời, hoa nở rực rỡ thắm tươi, rau hoang mọc lan tràn hai bên vệ đường núi, Ryõkan khoác áo tăng sờn rách ôm bình bát ra đi từ sáng tinh mơ, lòng vui sướng với không khí tươi mát ban mai, bước thấp bước cao lần theo đường dốc gập ghềnh xuống núi, lang thang đây đó hái rau hái hoa đầy bình bát.

 

Hoa ơi hoa đã héo rồi

Ta xin tạ tội hái người trong tay

Tặng đây một trái tim đầy

 

Đó đây chim hót vui thay

Muôn hoa đua nở núi này non cao

Ta nghe xuân đến nao nao

Muốn ôm trọn lấy cả vào vòng tay


 

Ryõkan hòa mình như tan cùng với âm thanh của vũ trụ. Tiếng nước rơi trên ghềnh đá che lấp tất cả những âm thanh phiền não than thở trần tục. Ryõkan không rửa tai bằng nước như đời thường mà rửa tai bằng tiếng nước rơi. Tiếng thông reo trên đỉnh núi như trò chuyện gợi Ryõkan thì thầm tâm sự. Ryõkan không nói lời tầm phào chuyện thế gian mà thì thầm với tiếng thông reo trên đỉnh núi. Sống với thiên nhiên như thế chỉ có người thật sự không vướng bận những tầm thường của thế gian mới hòa nhập nhẹ nhàng an nhiên như vậy.

 

Rửa tai tiếng nước rơi ghềnh đá

Đỉnh núi thông reo ta thì thầm

 


Theo nghi thức các sư hành khất Nhật khi đi hành khất tay nâng bình bát trơ cứng bước đi nghiêm chỉnh đầu cúi xuống không nhìn ngang nhìn dọc. Ryõkan thì trái lại tạt ngang nhập bọn chơi với lũ trẻ có khi với cả người lớn, uống sake với nông dân hay viếng thăm một người bạn. Đôi khi dừng lại lữ quán chơi cờ với các kỹ nữ. Với Ryõkan mọi người đều bình đẳng, đều cần có nhau và bù đắp nương tựa lẫn nhau về mọi mặt. Cả ngày dài như thế, kéo lê đôi chân từ làng này đến làng khác đến mãi tối mịt mới quay về với núi rừng.

 

Ngàn nhà bình bát ăn xin

Áo tăng tơi mỏng, thân mình nhẹ tênh

Ăn rồi thong thả loanh quanh

Tuổi già bình lặng, an lành tự do 

 

 

Đối với dân làng tình cảm Thiền sư không cầu kỳ, thiền sư nhập vào đời sống bình thường với họ như thể đó là điều tự nhiên; dân làng cũng không xem Ryõkan là một khất sĩ tầm thường mà họ kính trọng và niềm nở chào đón hỏi han ân cần. Có đôi khi họ cùng Ryõkan nhảy múa trong những hội hè của dân làng hay nhóm họp hội hè ca hát uống sake.


Nằm mơ dưới góc hoa đào

Mơ hoa dịu ngọt, trời cao êm đềm.

Uống say uống mãi triền miên

Ngủ say trong giấc mơ tiên dịu dàng 

 

Chẳng mơ chi ta bằng lòng

Loanh quanh lối rẽ thong dong những ngày

Ngoài da phủ tấm áo gai 

Cỏ xanh đỡ đói lòng này tháng năm

Với nai lăn lóc ngã cùng

Vui theo với trẻ vang vang hát hò


 

Thiền sư sống với thiên nhiên và sống như tâm hồn trẻ con. Thiền sư không bao giờ từ chối chèo kéo của lũ trẻ làng tuy luôn luôn nhập cuộc vui nhưng đôi khi bỏ dở dang. Cũng có đôi khi Ryõkan chơi suốt ngày với chúng trước sự ngạc nhiên của mọi người. Nếu có ai hỏi tại sao thiền sư lại thích chơi với trẻ con ông trả lời: “tôi thích tâm chân thật không giả dối của trẻ con”. Những trò chơi trốn tìm, bịt mắt bắt dê, dàn trận bằng cỏ lau, vật nhau, có khi túm năm tụm bẩy châu đầu đánh búng bằng những viên sỏi hay vỏ sò.

 

Khi ta chơi với trẻ con

Mong ngày đừng ngắn, đêm còn thật xa

Quả banh nhồi lại ném qua

Cho dài ngày tháng, xuân đà dài theo

 

Ôi ta hạnh phúc biết bao

La cà đồng ruộng

một mầu xanh xanh

Trong tay một nắm cỏ lành

Trẻ con làng xóm

loanh quanh vui đùa 


 

Có phải cả khi nhồi trái banh vải chơi với trẻ con cũng là lúc Thiền sư thực tập thiền, bặt mọi tạp niệm trong tiếng đếm

 

Khi mới bắt đầu nhồi trái banh

Ta đếm một, hai, ba, bốn, năm

Sáu bẩy tám chín mười vừa dứt

Lại đếm từ đầu với trái banh 

 

 

Một tính tiêu biểu vô tư của Ryõkan là rất hay quên, luôn luôn bỏ mất những vật cần thiết thường mang theo như bình bát, cây gậy, thư từ và ngay cả những bài thơ tất nhiên cả trái banh và những viên sỏi để chơi cờ. Có lần mải hái hoa thiền sư đặt bình bát vào bụi và ôm hoa dại trong tay tung tăng như đứa trẻ, đến khi quay lại không nhớ nơi đặt bình bát nên cứ đi loang quanh lẩm bẩm: ” bình bát ơi ! bình bát đâu rồi! bình bát ơi! “

 

Bỏ lại bên đường ta quên ngươi

Mải mê ôm lấy chùm hoa tím

Bình bát đâu rồi bình bát ơi !

Bình bát đâu rồi bình bát ơi ! 


 

Dù đạo Phật cấm uống rượu nhưng Ryõkan rất thích uống sake trong những buổi hội họp và không bao giờ say. Lời thơ sau đây cho ta thấy thiền sư không bao giờ để rượu quyến rũ cho đến say.

 

 Hỡi ơi bầu rượu sake

Mời ta uống cạn mải mê uống hoài

Hỡi ơi vị ngọt ta say

Uống thôi uống mãi thế này hay sao?

 


Ryokan thường dự những tiệc vui của dân làng. Trong buổi tiệc dáng vẻ luôn luôn thanh thản thoải mái, nếu có ai yêu cầu nhẩy không do dự Thiền sư đứng lên nhẩy ngay. Nhưng khi cuộc vui vừa đủ, Ryõkan bỏ ra đi không nói một lời.


Có lần thị trưởng võ sĩ đạo trong vùng dự định xây chùa, đến mời Ryõkan về làm trụ trì vì nghe danh đáng kính của người. Cùng đoàn tùy tùng thị trưởng đến am Ngũ Hiệp trên núi Kugami, khi Ryõkan đang còn trong rừng hái hoa. Thị trưởng kiên nhẫn ngồi đợi đến khi Ryõkan về am với bình bát đầy hoa thơm ngát. Sau khi nghe thị trưởng trình bầy ý kiến, không nói lời nào và vẫn với dáng cách tự tại Ryõkan cầm bút thảo bài thơ lên mảnh giấy đưa cho thị trưởng:

 

Gió thu gom đủ lá đây

 Cho ta nhóm lửa đêm nay đông về


 

 Vì mùa đông miền Bắc băng giá khắc nghiệt nên đời sống trên núi không dễ dàng, nhất là vào những mùa mưa giá buốt, chưa kể phải mang nước và củi trèo lên triền núi dốc gập ghềnh. Ryõkan đã sống nghèo khổ cơ cực trên núi như thế và nương nhờ vào dân miền núi là những người hàng xóm mà chính họ cũng có đời sống cực kỳ khó khăn. Nghèo đói luôn luôn đe dọa nhất là vào mùa tuyết, thiền sư không thể xuống làng xin ăn.

 

Đêm đen giá buốtù canh thâu

Không lời đối mặt cùng nhau đạo đàm

 Để nghe vô tận lắng im

 Thời gian cốt lõi tam an không lời

 Trên nền trang sách trải dài

 Xa xa bóng trúc, mưa bay ướt rừng

 

Hơi thở ra vào,

Lập lại đêm thâu.

Luôn luôn nhận thức.

Thế giới thâm sâu


 

Ryõkan hồi tưởng lại thời gian tu tập trong thiền viện và người bạn tên Hõ

 

Nhớ ngày tu tập Entsũ

Đấu tranh tâm đạo tầm tu tự mình

Nhớ Hõ vác củi niệm kinh

Khi ta giả gạo bên mình Huệ Năng

Lắng nghe giáo huấn siêng năng

Tọa thiền miên mật thủy chung từng giờ

Ba mươi năm đã mịt mờ

Từ khi lìa bỏ viện xưa an bình

Đồi xanh biển rộng mông mênh

Ân sư nghĩa cả sao quên trong lòng

Tuôn rơi nước mắt khó cầm

Pha vào suối núi bên rừng quanh co


 

Có một đêm, kẻ trộm chui qua cửa sổ vào am trống trải mà cửa am không đóùng then không cài, mang đi cái gối thiền. Đêm đến khi về đến am biết mất gối thiền chỉ có ánh trăng vẫn chiếu vào am, một thi sĩ trong tâm một thiền sư nhìn thấy ngay trăng sáng rực rỡ qua cửa sổ, với thiền sư trăng thật đẹp và thật quí giá. Tuy bị mất trộm nhưng Ryõkan cảm thấy hạnh phúc vì nhận thấy vật chất là vô thường có đó và mất đó chỉ có ánh trăng là thường hằng, nhưng lòng từ bi lại thương kẻ trộm không biết lang thang ngủ đâu

 

Vào đây mượn cái gối thiền

sao ngươi lại lẻn  chui chen vào lều

Cửa lều chẳng khóa, trăng treo

bên khung cửa sổ mưa reo trúc rừng

suốt đêm lặng tĩnh một mình

 

Hỡi trăng !

trăng bị bỏ rơi.

Kìa người lữ khách

vừa chui cửa lều.

Lang thang 

Giờ đến nơi nao ?

Đêm đen sao chẳng ghé vào? ngủ đâu !


 

Ryõkan động lòng từ bi thương cho cõi trần thế phải gánh tất cả những biến đổi không ngừng của thế nhân

 

 Cõi trần gánh nặng sao đang

 Ngực tôi đây cũng chẳng kham nỗi niềm

 

Đường làng bình bát xin ăn

Khôn ngoan một lão ân cần hỏi han

Hỏi : “ Sư sống chốn núi rừng,

Sao Sư sống nổi giữa vầng mây bay?”

Hỏi người ta cũng hỏi đây: 

“Hỏi sao người sống những ngày quẩn quanh

Cõi đời bụi đỏ bon chen ?”

Đôi ta im lặng hai bên ngả đường

Ta mơ chiều xuống tiếng chuông 


 

Ryõkan nhìn vào tuổi già của mình và xem thường luật Thành Hoại Trụ Diệt là luật của thiên nhiên mà không ai tránh khỏi

 

Bình bát gỗ nặng rồi

Màng chi già đói khổ

Chỉ là một kiếp người

Nặng tăng theo tuổi đời


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng