- Trở về quê hương - Đại Ngu

19 Tháng Mười Một 201512:00 SA(Xem: 4056)




RYÕKAN - Trở về quê hương


 

Vắng mặt bao nhiêu năm

Trở lại chốn quê hương

Một y, một bình bát

Về đây tạm dừng chân

Tai nghe mưa quán trọ

Ta thắp một nén nhang

Chí tâm ngồi tĩnh tọa

Tiếng mưa phùn suốt đêm

Tối đen ngoài cửa sổ

Trong này bấy nhiêu năm

Bao đắng cay ký ức

Suốt thời gian hành hương


Sau khi mẹ mất, cha ra đi biền biệt, người em thay Ryõkan thừa hưởng chức vị nặng nề trách nhiệm và một gia tài đang trên đà đi xuống. Khi ấy Ryõkan mới có 25 tuổi, tuổi của một chàng trai trẻ đang sức sống mà xuất gia bỏ lại sau lưng tất cả những lo toan phiền não của đời thường. 

 

Trong thiền viện học đạo mười năm. Sau khi Ân Sư tịch, Ryõkan lại lần nữa quay lưng lại với trách nhiệm và danh vọng mà Thầy giao phó truyền thừa tông phái để đi lang thang như chiếc lá trên dòng sông. Chiếc lá trôi theo dòng sông thời gian tắp bất cứ đâu, bồng bềnh bất cứ nơi nào, nghỉ đêm dù là chòi giữa đồng hay dưới cội tùng nơi thôn quê.

 

Những ngày lang thang đây đó, trông ra biển nghĩ đến Mẹ

 

 Sáng chiều nhìn biển xa xa

 Trông ra ngọn đảo Sado tưởng hồi

 Thần tiên người mẹ của tôi 

 

Khi an táng cha, nhớ lại tất cả những kỷ niệm xa xưa của cha nay đã mất hẳn, đôi khi nổi cô đơn xoáy sâu mà niềm khuây khỏa là những áng thơ của cha

 

 Lệ tràn lên mắt nhớ cha

 Nhã phong nét bút lờ mờ trên tay 

 

 

 Có lần ghé thiền viện Daikotu, một thiền viện danh tiếng của dòng Lâm Tế để được tham vấn sư trụ trì Shũryũ vì nghe tiếng của Shũryũ, nhưng Sư đang nhập thất và Ryõkan rách rưới như ăn mày nên bị xua đuổi. Nhưng vì nhất quyết tìm hiểu thấu đáo đạo giải thoát nên Ryõkan không nản lòng mà tìm mọi cách để được gặp sư Shũryũ. Cuối cùng cũng được diện kiến và nhận những lời giáo huấn.

 

Từ đông sang tây

Đi tìm pháp Phật

Phó mặc đời này

Xô đùa theo sóng

 

Khi được tin cha chết Ryõkan đến Kyoto để làm lễ an táng, và hành hương đến núi Kõya là thánh địa của phái Chân Ngôn Tông cầu siêu cho cha. Và nhớ lại quãng đời đã qua không bao giờ còn trở lại

 

 Ngẫm lúc thăng trầm

 trong thế gian

 Đổi thay mãi mãi

 chẳng gì hơn

 Hai tay áo

  nước mắt ướt đầm


 

Và quyết định quay về nơi chôn nhau cắt rốn trong manh áo khất sĩ, khi chỉ mới có 37 tuổi, hơn nửa đời người mà đã qua bao nhiêu biến chuyển đắng cay.

Trong thời gian hơn mười năm đó người em Yoshiyuki thay cha làm trưởng làng và điều khiển thương nghiệp Tachibana, nhưng hẳn là kém người cha, lại thiếu hẳn tài năng quản lý nên xẩy ra tranh cãi với dân làng. Bị kiện là biển thủ của công, gia sản bị tịch thu nên Yoshiyuki bị trục xuất về quê của tổ tiên là Yoita. Khi trở về Ryõkan sống như một gã ăn mày gần thành phố cảng vùng Gõmoto và ngả lưng trong cái chòi hoang trên vùng đất của chùa.

 

Nửa đêm hè đến sớm rồi

Một mình bên cửa, song ngoài mưa bay

 

Một ngày hành khất trong làng

chiều se, vách đá an nhàn mình ta

Ngồi đây bình bát áo tu

Bình an như một thiền sư chân tình


 

Ryõkan đã từ chối khi gia đình đến đón thiền sư về. Tất nhiên quyết định quay về quê hương, không phải để được an nhàn hay nương nhờ vào sự giúp đỡ của một ai mà có lẽ thiền sư muốn quay về tiếp tục tu tập chính nơi thân thuộc để tập buông bỏ tham ái.

 

Hỏi trên khắp nhân gian

Điều thi vị muôn phần

Là Thiền ngồi cho thẳng

Mọi điều như ánh sáng

Rõ ra thật tỏ tường

Chớ lơ là tập trung

Tức thì Vô minh biến

Trí Tuệ hiện ra liền


 

Ngày ngày giữ tâm trong như vại nước vác trên vai và thử thách đo tâm bằng đôi chân trèo núi cao về cái am trơ trọi trên triền núi, đêm đêm tìm cái tâm như như trong biển bùn vọng tưởng của trần gian mong pháp Phật soi đến tận đáy.

 

Thiền sư bỏ thanh nhàn

Xa thầy bỏ quê hương

Đỉnh núi cao đơn độc

Mỗi ngày chân đo lường

Ngưỡng mong thành đạo quả 

Trên vai vại nước trong

Đêm về biển bùn vọc

Dẫu hết kiếp một lòng

 


Một người đã thật sự vô ngại, quyết theo một hướng đi đến giải thoát không còn nghi ngờ gì và lo ngại một thử thách khó khăn nào

 

Thân này ròn rã yếu mềm

 Vẫn đi về kiếp sinh tồn sá chi

 

 

 

RYÕKAN - Đại Ngu

 


Đầu tròn, áo tu

Bao năm ngẩn ngơ

Bên đường đón gió

Lang thang đây đó

Đạp nát cỏ xanh

Giờ người hỏi xin

Thư pháp làm tin ! 

 

 

 Theo tiểu sử do Kera Yoshishige viết năm 1846 về Ryõkan :


 “Thiền sư không bao giờ tỏ ra nóng giận hay vui mừng thái quá. Không một ai thấy ông có thái độ vội vàng hấp tấp hay nói năng lăng xăng. Ngay cả trong cách hành xử ngày thường như ăn uống, đứng lên ngồi xuống với dáng vẻ lúc nào cũng chậm rãi như một người ngu “.


 Bốn mươi năm sau Suzuki Tekiken người thừa kế Suzuki Bundai là bạn của Ryõkan ghi lại như sau: “Khi thế phát quy y ở chùa Kõshõji làng Amaze lúc được mười tám tuổi có pháp danh là Ryõkan và người tự đặt cho mình cái tên “Đại Ngu “.


 Tại sao lại có chử “Đại” và tại sao lại có chữ “Ngu”.


 Thời đại đầu Tokugawa có thiền sư Bankei Yõtaku (1622-1693) giảng dạy rằng:


“Hãy ngu đi” Vì năng lực linh động của tâm Phật chiếu sáng kỳ diệu nên dù có dẹp bỏ cái trí phân biệt ta cũng không phải là người ngu. Vì thế từ nay về sau hãy ngu đi. Vì dẫu có ngu đến đâu khi đói ta cũng biết xin ăn, khi khát ta cũng biết xin trà để uống, khi nóng ta biết mặc y phục mỏng, khi rét ta biết khoác thêm áo dầy, ta không quên mọi liên hệ với đời sống hằng ngày. Bankei gọi đó là tâm Phật, tâm Phật vốn là tâm bất sinh. Tâm đó chiếu sáng kỳ diệu hơn cả gương sáng, không một điều gì tâm ấy không nhận và không phân biệt được. Đối với mặt gương thì bất cứ hình thể nào đi qua trước gương bóng hiện ra, tuy gương không có ý định nhận và bỏ bất cứ vật gì, cũng không phản chiếu hay định phản chiếu một bóng nào. Cái tâm Phật bất sinh nhận và phân biệt rõ ràng mà ta không cần phải làm gì cả. Vì tâm Phật của mỗi người sinh ra đã vốn không do tạo tác thành nên không có mê lầm. Như nước và băng, mùa đông nước thành băng đến mùa nóng băng tan thành nước. Chỉ yếu theo Đại Thừa không chỉ tịnh sáng tâm Phật mà quay về với bản lai diện mục tức tâm bất sinh.


Khôn ngoan hay ngu si, tốt hay xấu, phái nam hay phái nử, trẻ hay già chứng đắc hay không chứng đắc là sự phân chia riêng rẽ kỳ thị đối chọi của người đời theo thói phân biệt và bám víu cảm xúc bình thường. Trong khi lối nhìn đời bằng cái tâm như như không nhị nguyên của Ryõkan Đại Ngu như sóng không ngoài nước và nước không ngoài sóng mà chỉ là một. 

 

Mọi người phải ăn cơm

Người cười ta, ta cười

Cùng nhau ta cười mãi

Đợi Di Đà mà thôi.

 


Ryõkan nói lời ngô nghê, mọi người cười thiền sư ngu, nhưng người không giận không giảng giải mà cùng cười với họ rồi chuyển cái cười thành cái cười vui, vì rồi ai cũng phải chết phải hướng về Phật tìm giải thoát sinh tử. Cái cười không phân biệt không kỳ thị, cái cười am tường thông suốt của cái ngu, cái tâm bất sinh, lối nhìn thanh thản không có đối tượng.


 Không ai như ta

 bướng bỉnh ngu si

bạn cùng cây cỏ

Ảo ảnh ngẫm suy

Những mong giác ngộ

Thân này hom hem

già đến một bên.

 

Một tâm linh chuyển hóa phấn khởi sau khi quay quắt thống khổ, từ một tuyệt vọng đưa đến hiển hiện một hạnh phúc tự tại đã từng kinh nghiệm.


Vắt vai cái áo, vô lo

Lội qua dòng suối lên bờ với xuân,

Hoa tươi, rong ruỗi lang thang

Ăn mày cái bị vác ngang vai này

Bằng lòng cuộc sống kiếp người

Ta không gớm bỏ bụi đời trần gian .


 

 Không tham chức vị giầu sang nhường quyền gia trưởng bỏ đi tu. Khi đã học hiểu Pháp Phật, nhận ấn chứng của Thầy và xuất viện lang thang hành khất khắp nơi. Sinh trưởng trong một gia đình giầu có danh giá, khi quay về không phải dễ dàng chấp nhận vì trở về là gả ăn mày rách rưới ngu ngơ, vậy mà hành động ăn xin đó không tỏ chút xấu hổ bối rối đối với thiền sư.


Trong những ngày hè oi bức hay những ngày đông giá lạnh, tai nghe những hột gạo lao xao trộn cùng tấm lòng ấm áp của nông dân do bàn tay của họ đã ân cần đặt vào bình bát, Ryõkan vui sướng nâng bình bát bằng hai tay với tâm biết ơn, như Thiền sư đã biết ơn với món quà của thiên nhiên cho con người.

 

Hai tay nâng bảy quả hồng

Cúi đầu lạy với tấm lòng biết ơn

 

Tâm Ryõkan không vướng vào tư tưởng phân biệt mà trụ trong nguyên ủy tâm Phật bất sinh như thiền sư Bankei Yõtaku đã giảng.

 

Bỏ thiền viện ra đi

Một tấm áo rách trơ

Tự do tâm trực chỉ

Qua cửa lều đêm mưa

Tiếng nước rơi từng giọt

Hoa tàn cuối xuân qua

Bên đường chơi với trẻ

Có ai hỏi làm gì

Tôi rằng người vô dụng

Chẳng làm nên việc chi

 


Chân thật với chính mình và nhận chân rõ ràng con đường đạo tự độ và độ tha. Nhưng Ryõkan đau khổ nhận thấy mình là người vô dụng nghiệp quả không có năng lực chuyển hóa nhân sinh. Chứng kiến những người hàng xóm lo ăn từng bữa, vất vả từng mùa và chính Ryõkan cũng chẳng có gì ngoài cái lều trơ trọi thế mà còn có người khốn khổ hơn mình, đó là người chui vào lều trộm gối thiền trộm chiếu ngủ. Bị trộm không tức giận lại còn sót sa cho kẻ trộm, thiền sư khắc khoải không biết phải làm gì được để cứu nhân sinh ra khỏi nghèo đói. Nỗi ưu tư trong những bài thơ:

 

Nghe người than thở thở than,

Thế gian trầm bổng muôn vàn khó khăn.  

Ôi ta xúc động vô ngần,

 Đâu là gỗ đá mà lòng dửng dưng.

 

 Ta ôm một nỗi niềm riêng,

 Biết làm sao được vô duyên bất tài !

 

 Phải chi cái áo cà sa 

 Rộng vừa đủ gói sót sa cơ cầu

 Ta không ngần ngại thương đau

 Ôm tròn phủ kín khổ sầu nhân gian

 

 Sao ta lại sống thế này

 Trong lều cỏ mọn ngày ngày vui chơi

 Bao người lăn lóc cứu đời

 Cứu nhân sinh khổ, cứu người khổ đau.


 

Mặc dầu thơ chuyển ra từng ý nghĩ trong cuộc đời va chạm hằng ngày nhưng hình ảnh Ryõkan lại là một biểu tượng trầm lặng.


 Kera Yoshishige viết về Ryõkan:

 

Thiền Sư luôn luôn im lặng với dáng vẻ phong nhã thanh thản, đúng như cái tâm bao la của một tâm thức thấm nhuần cao siêu ”.

 

 Nhưng cũng đã có những giây phút thật sự cô đơn cần có người chia xẻ những loay hoay mà thiền sư cho là bất lực của loài người và không ai hiểu nổi tâm trạng của mình, điểm này ta cũng thấy trong tâm trạng của Bashõ .

 

Ta mong có bạn đồng hành

Xẻ chia hiu quạnh giá băng một mình

Màn đêm buông xuống lung linh,

Giỏ này mang cộng rau xanh về lều.

 

  Từ khi tuyết phủ chập chùng

 Cuộn tròn cô quạnh bên trong túp lều

 

Bây giờ ta ở nơi nao !?

Nơi nao là ở chốn nào nơi đây

Không ai đáp lấy lời này

Có cơn gió thoảng vừa bay qua rồi

 

Trên trời dưới núi, suốt năm dài

Mỗi bữa cháo hoa, trà nhạt đây

Năm dài đâu bóng ai hiền giả

Chỉ có tiều phu thoáng vãng lai

 


Ryõkan đặt cho mình một định luật:

 

“Nếu chúng ta học thầy, trước hết, phải nắm được điều thầy nhận thức. Nắm được điều nhận thức là gì? Nếu ta thấy quan điểm của ta khác với quan điểm của thầy, ngay khi đó ta phải để quan điểm của ta sang một bên và hoàn toàn lắng nghe để thâm nhập lời thầy. Khi hiểu đúng ý thầy ta lặng lẽ chiêm nghiệm phản chiếu lại lời thầy .


Tìm xem đâu là khía cạnh yếu và mạnh ?Đâu là lời thầy đúng?Đâu là lời thầy sai? Rồi ta bỏ những phần nào yếu xác nhận phần nào mạnh. bỏ phần nào sai và nhận thức phần nào đúng. Đi tuần tự từng bước như thế ta sẽ đi đến trí tuệ giác ngộ.” 

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng