- Ryokan, thiền sư và thi sĩ Nhật Bản - Tiểu Luận

19 Tháng Mười Một 201512:00 SA(Xem: 5397)




Ryõkan (1758 – 1831)


Thiền Sư Và thi sĩ Nhật Bản

 

 

 

Một phút khai tâm

 

  Ngày chồng chất tháng trôi qua ,

 Như người say mộng ,

 Lão già thở ra

 

  Ryõkan

 

Ryõkan! Ôi sao thật tuyệt! như kẻ ngu ngơ.

Nay ngươi đã tìm thấy con đường mênh mông nhưng chân chính mà ít người nhận biết được.

Buổi lễ hoàn tất hôm nay ngươi nhận cây gậy tử đằng hoa này. Gậy tuy đơn giản nhưng không tầm thường.

Người hãy đi tự do thanh thản trên con đường thênh thang bất cứ phương hướng nào, ai có thể hiểu nổi?.

 Đi đi trong an lành, thế giới là nhà. Gạây này dựa vào bất cứ bức tường nào, giấc ngủ bình an sẽ đến với người.

 

Ta ban bản sắc này với gậy tử đằng hoa cùng lời phó chúc.

 

 

 

 

 

 

TIỂU LUẬN


 

Người đời gọi Ryõkan bằng nhiều tên: người điên, một người hành khất ngu ngơ, một thi sĩ uyên thâm, một nhà sư khác thường, một thiền sư. Là gì đi nữa cũng không cần thiết vì Ryõkan là người khiêm tốn không nịnh người giầu có quyền lực, cũng không xem thường người nghèo khó. Không mừng khi nhận được vật cũng không buồn khi mất nó mà Ryõkan tiếp tục sống hồn nhiên thanh thản, một người sống vượt ngoài tranh đua phiền não của nhân gian. Đôi khi thay vì đi ăn xin người ta thường thấy Ryõkan dẫn đầu một lũ trẻ, khi thì chơi kéo giây trên cỏ, khi thì vật nhau hay đá banh với chúng dưới bóng cây ngoài đồng...


 (trích dẫn từ tuyển tập văn ( 1814 ) của Suzuki Bundai bạn Ryõkan và là người viết tiểu sử thiền sư)

 


Ryõkan nhập môn thiền viện Sõto. Thiền viện sáng lập bởi Dõgen Kigen (1200-1253) phái Tào Động. Sau vì theo thầy là Kokusen, Ryõkan đã đến tu tập tại thiền viện Entsũ vùng Tamashima. Tại thiền viện Entsũ do Kokusen điều hành giới luật chặt chẽ nghiêm khắc. Ngoài tu tập và chuyên chú kinh điển Phật giáo các thiền sinh học cả nghiên cứu Hán học cổ điển và cả thi ca lẫn thư pháp.


Suốt mười năm học hiểu uyên thâm luận án, giáo lý Phật Pháp và được giao trọng trách trụ trì và giảng dậy giáo pháp cho các thiền sinh một đại thiền viện lại được Thầy chọn làm người truyền thừa tông phái. Nhưng Ryõkan không muốn bị trói buộc trong chức vị danh dự đó mà lại bỏ đi lang thang suốt thời gian dài và trở thành như gã ăn mày ngay tại quê hương của mình ở Izumozaki một hải cảng miền bắc của tỉnh Echigo.

 

Từ ngày đến Entsũ

Đông xuân mấy mùa qua

Ngoài viện nhà vạn nóc

Chẳng một ai nhận ra

Áo dơ ta phơi giặt

Đói xin kẻ lại qua

Thiền sinh đời đơn giản

Tâm định chẳng khi ngơ

 

Tu viện Entsũ nằm trên một ngọn đồi nhìn xuống bến cảng buôn bán phồn thịnh của thành phố Tamashima, kiến trúc viện hòa hợp với tĩnh lặng, ao sen rừng trúc bao quanh. Hằng ngày tu tập thiền định trong khung cảnh đó Ryõkan cảm thấy đời tu hành quá xa cách với quần chúng, ngoài cổng thiền viện người đồng loại còn bon chen sống khổ đau trong tham sân si của kiếp người.


Khuôn phép chặt chẽ đều đặn trong thiền viện đối với Ryõkan thật là trống rỗng, sự bình an no ấm của thiền viện không làm tâm Ryõkan thanh thản bằng đời sống khốn khổ ngoài đời. Mặc dù Ryõkan cố gắng vô cùng tu tập như một nhà sư bình thường, nhưng cuối cùng Ryõkan nhận thấy thiền viện không phải là môi trường hành đạo rốt ráo để thấm nhập được lý lẽ nhân quả sinh tử.


Có phải chăng Ryõkan thực hành như Phật đã dậy “ Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác” vì chính Đức Phật đã tìm thấy chân lý ngay trong thế gian và thể hiện cuộc sống dưới mọi tình cảnh, từ bỏ chức vị truyền thừa, không cần thế giới nghĩ sao về mình mà chỉ vui với cuộc đời thanh đạm nghèo khổ

 

Đi tìm pháp Phật đông tây

Dạt trôi bao kiếp vần xoay sóng đời.

Thân này đang hoại tan thôi

Pháp Phật tồn tại đời đời nhân gian 

 

Vì thế ông bước qua cánh cổng nghiêm túc của thiền viện nhập vào thế tục, để chia xẻ nắng mưa bốn mùa cùng những người nông dân sống tất bật, suốt đời vất vả lầm than, chưa kể phải chịu đựng những khắc nghiệt của tuyết giá, gió bão khó lường của thiên nhiên. Ryõkan đi xin của những người nông dân cơ cực đó, buồn vui chung với họ, đùa vui vô tư với những đứa trẻ lớn lên trong đói rách, thế mà chính trong cuộc sống Ryõkan thực tập hạnh nhẫn nhục. Ryõkan không xét đoán phê phán bất cứ một ai, sống bằng tâm bình đẳng, sống với hiện tại và thiên nhiên.

 

Còn đây ta vẫn lang thang 

Như mây trôi nổi, cũng không cửa nhà

 Thế thì ta ở thật xa

 

Khi sư phụ tịch Ryõkan xin xuất viện, mang theo ấn chứng của Thiền Sư Kokusen như sau :

 

Ryõkan! Ôi sao thật tuyệt! như kẻ ngu ngơ.

Nay ngươi đã tìm thấy con đường mênh mông nhưng chân chính mà ít người nhận biết được.

Buổi lễ hoàn tất hôm nay ngươi nhận cây gậy tử đằng hoa này. Gậy tuy đơn giản nhưng không tầm thường.

Người hãy đi tự do thanh thản trên con đường thênh thang bất cứ phương hướng nào, ai có thể hiểu nổi?.

Đi đi trong an lành, thế giới là nhà. Gạây này dựa vào bất cứ bức tường nào, giấc ngủ bình an sẽ đến với người.

 

 

Trên đường vân du, hành khất lang thang không cư ngụ bất cứ chùa nào, Ryõkan di chuyển từ nơi trú ẩn bất an này đến nơi trú ẩn khác, đặt lưng nghỉ bất cứ góc xó nào và sống an nhiên, hiền từ hơi quái dị, ăn xin quanh làng nơi ẩn tu.

 

Đời này thật may

Thấm nhuận lời thầy

Cơm đà có sẵn

Tường trình ngày ngày

Giã từ thiền viện

Giờ hạnh phúc thay

Trung Hoa sáu Tổ

Bên cạnh gậy này

Hai tám Bồ Tát

Gốc Ấn Độ đây

 

 Nếu ta cho Ryõkan là một thiền giả thì chưa thật là đúng vì Ryõkan cạo đầu vào thiền viện thọ giáo tu hành thực thụ là một bậc chân tu mà cũng không thể đơn giản hơn cho Ryõkan là thi sĩ hay nghệ sĩ bút pháp. Thơ Ryõkan thì không ai là không thấy thể hiện một tâm từ bi giác ngộ của kẻ xả bỏ tất cả vinh hoa phú quí. Sống bình dị nghèo khổ không cạnh tranh, không phô trương không cả bản ngã thường tình

 

Cạo đầu, áo tu

Bao năm ngẩn ngơ

Bên đường đón gió

Lang thang đây đó

Đạp nát cỏ xanh

Người đời hỏi xin

Thư pháp làm tin ! 

 

 Từ khi bỏ thiền viện sống cuộc đời vô định, hòa mình vào thiên nhiên, suốt gần 40 mươi năm đó Ryõkan để lại những bài thơ đủ mọi đề tài cho người đời sau hiểu rõ hơn tâm trạng của người xa lánh phồn hoa nhộn nhịp. Trong mỗi bài thơ ẩn dụ những liên hệ mật thiết với thực tập Phật pháp hằng ngày làm người đọc không thể nào không nhận thấy Ryõkan vẫn thường hằng hành đạo trong đời sống thế gian. Vì bất cứ nơi nào Ryõkan đặt chân đều mang đến nơi đó một đạo hạnh bình đẳng của một thiền sư chân chính.

 

Phật tại tâm ta

Đừng tầm đâu xa

Con đường vô định, 

Hướng Nam bến bờ

Mũi thuyền chỉ Bắc

Bao giờ đến nơi

 

 Những câu thơ vượt ngoài phạm vi không gian và thời gian cả về hai mặt trong sáng vui đẹp và bi ai của đời sống con người. Vì thế những trang sách sau đây thảo luận về thơ một thiền sư đã chứng đắc sinh vào thế kỷ mười tám miền Bắc Nhật Bản.


Đọc thơ mà không tìm hiểu thời đại lịch sử và cuộc đời của Ryõkan là sẽ đưa đến hiểu lầm là thiền sư đã quay lưng lại xã hội của mình.


Thời đại của Ryõkan là thời Mạc Phủ Tokugawa (1603 - 1867) cai trị, một thời kỳ ảm đạm nhất của lịch sử Nhật Bản vì tình trạng bất công và tàn bạo khủng khiếp, lại thêm thiên tai mưa bão tàn khốc, bệnh dịch lan tràn và những trận động đất liên tục của Ansei era (1854 – 1860) đổ lên đầu dân gian khốn khổ.


Tình trạng đất nước xã hội như thế, nên gia đình Ryõkan cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. Sau khi mẹ chết, cha Ryõkan là một thi sỉ hài cú nổi tiếng bỏ nhà ra đi, chỉ vì căm phẫn với tình trạng đất nước. Ông có đầy nhiệt huyết muốn thay đổi thời cuộc, nhưng những gì ông dự định cuối cùng cũng chỉ là kế hoạch suông dồn tâm trí uất ức vào đường cùng nên cuối cùng thất chí ông nhảy xuống sông Katsura ở Kyoto tự vẫn. Có lẽ cái chết của người cha là tiếng chuông vang vọng sâu xa nhất cho đời Ryõkan vì sau khi đó Ryõkan quay về quê sống đời hành khất: ” Tôi không chống đối hay chống đối thế giới quanh tôi”


 Người đời nghe qua một vài giai thoại về Ryõkan thường hình dung thiền sư như là một thi sĩ ngớ ngẩn khổ đau vì bất bình và thất vọng một điều gì đó


Từ đông sang tây

Đi tìm pháp Phật

Phó mặc thân này

Xô đùa theo sóng

 

 Mọi người xem Ryõkan như một người tiên phong cho khủng hoảng tồn tại từ thế kỷ mười tám của xứ Nhật Bản. Nhưng theo dõi tiểu sử và đọc thơ của Ryõkan ta thấy đời Ryõkan liên hệ chặt chẽ với xã hội xung quanh. Không phải vì núi Kugami biệt lập mà Ryõkan sống cô đơn ẩn dật, mà còn có nhiều người không quản ngại khó khăn thường tìm đến cùng Ryõkan đàm đạo thơ, cái am GõGo chật hẹp còn là nơi tương giao với bạn bè và những người thường dân có thiện tâm mà Ryõkan đã chia xẻ với họ những biến cố bất thường của thiên nhiên giáng xuống nhân loại. Thi văn bút pháp của Ryõkan từ nơi liên hệ với đời với xóm làng và chính sự tiếp xúc với họ là phần thực hành đạo.

 

Thế gian khốn khó. 

Nghe người thở than 

 Lòng nào gỗ đá.

Xúc động vô ngần,

 

Mặc dầu thiền sư đã uyên thâm về văn chương và mặc dầu được rất nhiều mến mộ của quần chúng, nhưng khó hiểu được Ryõkan là ai. Nếu thời đại bây giờ muốn tìm hiểu về Ryõkan, một hiện tượng phi thường của thời cận đại Nhật Bản, dù là tìm hiểu theo khía cạnh đạo giáo hay phong tục tập quán cho đến văn chương thi phú cũng thật là hạn chế.

 

Thiền sư bỏ thanh nhàn

Xa thầy bỏ quê hương

Đỉnh núi cao đơn độc

Mỗi ngày chân đo lường

Ngưỡng mong thành đạo quả 

Trên vai vại nước trong

Đêm về biển bùn vọc

Dẫu hết kiếp một lòng

 

Nay đây mai đó ngả lưng bất cứ đâu, khi như mây trôi nhẹ nhàng, khi như gió tạt mất hút, lúc loanh quanh như dòng nước, lửng lơ như những con bướm mùa xuân lượn hay vất vưởng như chiếc lá mùa thu bị gió cuốn.


Ở đâu? người hỏi am môn

 Ta rằng am ghé phương đông Ngân Hà 

 

Trên đường bất định đó Ryõkan thăm viếng các thiền viện, bái kiến các Đại Sư như một cuộc hành hương và học hỏi. Đến khi quay về quê hương, ẩn cư đơn độc trong một thất gỗ trên lưng chừng núi, ngày ngày xuống núi, vào làng xin ăn, làm bạn với nông dân, đêm quay về căn chòi đơn sơ trên núi cao khuất sâu lẩn trong những rặng tuyết tùng.

 

Thì thầm rừng thông

Bão bùng vây núi

Lối mòn tuyết tùng

Nếu người không ngại

 

 Kinh Văn Thù Sư Lợi nhắc rằng Đức Phật thuyết pháp trong 49 năm Phật chưa nói lời nào. Ryõkan sống cuộc đời nghèo khổ của một tu sĩ hành khất, không hề thuyết giảng đạo, không bao giờ cố gắng lôi cuốn hay tranh cãi với ai về quan điểm sống và tín ngưỡng của mình. Thiền sư kính trọng và cúi chào tất cả mọi người nhất là những nông dân.

 

Mọi người đều phải ăn cơm

Nghe ta nói thế người còn cười ta

Cứ cười ta cũng cười hòa

Cùng nhau cười mãi, cười hoài hả hê

Thế rồi tất cả một khi

Rước Di Đà đến tức thì ngay đây.

 

Nói Vọïng, vọng thành trăm

Nghĩ Chân, vọng tiêu tan

Khi vọng, chân liền mất

Khi chân, vọng chẳng còn

Phật pháp con đường đó

Còn chi đâu mà tìm

Chân vọng ngay tâm mình 

 

Tuy là một thi sĩ nhưng Ryõkan không bao giờ cho là mình làm thơ

 

Ai bảo thơ ta là thơ

thơ ta không phải là thơ

khi biết thơ ta không phải là thơ

thì cùng nhau ta đàm đạo thơ

 

Thơ Ryõkan vui buồn đa dạng qua nhiều đề tài tùy theo từng trạng thái. Không chú trọng luật lệ khi thì thơ theo thể Nhật Bản cổ, hài cú của Ryõkan là 3 dòng năm chữ (xin đọc qua luật thơ haiku quyển Bashõ Matsuõ cùng một soạn giả đã xuất bản) rất ít về thể này, hầu hết Ryõkan để lại vô số thể thơ tự do và dân ca và một ngàn bài thơ theo thể waka. Thơ của Ryõkan bàng bạc, phảng phất hoặc lộ rõ ràng một tâm đơn giản trong sáng, một cái nhìn Như Như, một tấm lòng bác ái.

 

Lệ lau tay áo đêm đêm

Thương người trần thế bồng bềnh nổi trôi

 

Chao ôi sâu lắng ưu tư.

Thương cho thế giới huyễn hư não phiền.


 

 Thơ là cuộc đời thường hằng giao tiếp với nhân quần như đi ăn xin, chơi với trẻ con, hòa nhập các cuộc vui với dân làng và rất nhiều thơ về vẻ đẹp của thiên nhiên trên đồng nội, trên đồi xanh, trên núi cao hoang vắng, nhất là cuộc đời ẩn dật trong những ngày khắc nghiệt của mùa đông trắng tuyết miền Bắc.

 

Vượt mây trèo núi tu hành

Về thăm thiền viện gặp sư hỏi rằng

“ Tu hành có đắc trong tâm ? ».


Đáp :


“Trăng treo đầu gậy, bước chân nhẹ nhàng ! »


 

Đến cuối đời đau ốm hành hạ là những bài thơ đối đáp với Teshin một mối tình trong trắng Ryõkan gặp khi đã vào tuổi bẩy mươi. Mối tình không tầm thường như những mối tình thế gian mà là một mối tình của hai con người có cùng một tâm hồn khắc khoải nhân sinh vô thường, hai chí hướng bù đắp cho nhau trong nỗi ưu tư đó, san sẻ những cô đơn trống vắng. Những tìm kiếm, những khắc khoải ưu tư , những cô đơn trống vắng ( Sabishi) này đã có lần từ hàng thế kỷ trước Basho đã phải kêu lên “Khi ngắm trăng tôi cảm thấy cô đơn, khi tôi nghĩ về tôi, suy tư về nỗi bất hạnh của đời tôi, tôi cảm thấy cô đơn, tôi muốn la lên là tôi rất cô đơn, nhưng chẳng ai hỏi tôi cô đơn cảm thấy như thế nào“......


Và Ryokan thì:


Chim cu ngưng khóc đi thôi

Kẻ không nhà đã đơn côi lạc loài

Đâu cần tiếng khóc chim ơi

 

 Thơ Ryõkan còn phản ảnh một triết lý, một đạo hạnh vì tuy thơ cho thấy rõ cuộc sống cùng cực nghèo khổ nhưng nghĩa bóng ẩn dụ biểu tượng bóng bẩy một tâm trạng vô cùng phong phú, nghĩa bóng đó là điểm chính của một luận thuyết Phật giáo về tâm từ bi, tâm không duyên khởi và không đối đãi.

 

 Ánh nước bên bờ hào

 bóng trăng vương cụm bèo

 

Nơi ăn chốn ở đối với Ryõkan không là một điều cần thiết. Một thiền sư không lệ thuộc vào chùa nào, không vướng víu vào môït tình cảm riêng tư gia đình, không làm chủ bất cứ một vật thể vô thường nào, sống không hoài niệm dĩ vãng, mong cầu ở tương lai, ngày ngày thực tập hành thiền, xin ăn từng bữa, thanh thản hòa mình vào đời sống bình thường của dân làng và bạn bè. Ryõkan nhìn mọi sự đời như kinh Pháp Hoa “ưng tác như thị quán”.

 

Nhìn lại năm mươi năm

Người khôn và quỷ dữ

Chẳng là gì, có chăng

Mộng ngay trong giấc mộng

 

Ngày nay không những trong nước và cả thế giới, những ai yêu chuộng thơ văn, nghệ thuật hay tu học theo thiền đều biết hoặc nghe qua một thiền sư “điên” có danh hiệu “Đại Ngu “.


 Sau tập biên soạn về Matsuo Bashõ, một lần nữa quyển sách này đến với các bạn chỉ xin chia xẻ ý tưởng cao siêu của một thiền sư thi sĩ Tôi đã tận dụng sự hiểu biết nhỏ nhoi thu thập trong rất nhiều tài liệu cố gắng chuyển tải tất cả những gì mà tôi đã tìm được về giai thoại, những áng thơ thiền, những bút pháp nhẹ nhàng đều đặn tinh tế ẩn dấu một tâm chân thật của một thiền sư đã chứng đắc.


Cho dù vô tình quyển sách đến tay và chỉ muốn đọc qua, hay đọc để tìm hiểu về cuộc đời một thiền sư chứng đắc, hoặc tìm đọc thơ của một thiền sư chứng đắc, xin các bạn hiểu cho dịch thơ ra thơ rất khó ôm trọn hết tư tưởng mà tư tưởng lại là tư tưởng của một thiền sư nên dù không thể diễn đạt trọn vẹn xin quý bạn thấu rõ chân tình tâm ý của quyển sách này

 

Thiên Hương Chu Kim Hải.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng