Nhập Đạo Tứ Hạnh Quán

13 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 17101)


 


  Nhập đạo tứ hạnh quán



  dat_ma_-hue_kha  Đường vào Đạo có nhiều lối, nhưng cơ bản là không ngoài hai lối chính: bằng lý giải, tức là thông hiểu nghĩa lý, và bằng tập hạnh, tức là thực hành . Nhập đạo bằng lý giải có nghĩa là nhận thức được cái cốt yếu của đạo lý qua kinh điển và tin tưởng sâu xa rằng tất cả mọi chúng sinh đều có một chân tính như nhau. Chân tính đó thường không được hiển lộ vì bị che lấp bởi những cảm xúc và si mê. Người nào thoát ra khỏi những si mê này để trở về với cái chân thực, quay mặt vào vách để bích quán, thấy sự vô ngã của ta và tha nhân, sự đồng nhất của thánh và phàm, giữ cho tâm bất động không vướng mắc nơi giáo điều, người đó đã mặc khải được lý đạo một cách rốt ráo. Sự lý nhập đó không cần phải có nỗ lực dụng công .


 Nhập đạo bằng tập hạnh có bốn hạnh chính bao quát: chấp nhận sự đau khổ (báo oán hạnh), tùy thuận với mọi việc (tùy duyên hạnh), không mong cầu (vô sở cầu hạnh), và thực hành đạo pháp (xứng pháp hạnh).


 Thứ nhất, Báo oán hạnh, tức chấp nhận sự đau khổ đến với mình. Người tu Đạo khi gập những nghịch cảnh phải tự nhủ rằng: "qua vô lượng số kiếp ta đã bỏ gốc theo ngọn, xa rời chân lý mà đuổi theo những cái phù phiếm, lang thang qua biết bao cõi luân hồi sinh tử, sân si vô lối và gây biết bao điều tội lỗi. Nay tuy không làm điều gì xấu, nhưng ta cũng bị báo ứng bởi những điều ác trong quá khứ. Không có trời người nào có thể thấy trước được khi nào đến lúc phải trả quả cho một nghiệp ác . Ta chấp nhận chúng bằng một tâm rộng mở không hề có oán than." Kinh nói: "Khi gập đau khổ không nên than trách, bởi vì mọi sự là theo đúng luật nhân quả." Hiểu như vậy ta sẽ ứng hợp được với lý đạo. Và qua con đường báo oán hạnh này mà ta đã đi vào được cửa Đạo.


 Th hai, Tùy duyên hạnh. Tất cả chúng sanh đều do nhân duyên mà hợp thành, chẳng phải do ở ta. Tất cả những sự đau khổ và vui sướng mà ta kinh nghiệm đều tùy thuộc vào nhân duyên. Nếu chúng ta được một phước báu, như được hưởng sự vinh quang, phú quý, thì đó là quả của nhân lành ta đã gieo từ trước. Khi duyên hết, mọi sự sẽ chấm dứt. Cần gì phải vui mừng khi nó đến? Mọi thành công hay thất bại là đều tùy thuộc vào nhân duyên , nhưng tâm thì lúc nào cũng vậy, không suy suyển thêm bớt. Người nào giữ được tâm bất động trước ngọn gió hoan lạc , người ấy đã mặc nhiên đi trên con đường Đạo.

 


 Thứ ba, Vô sở cầu hạnh. Con người trên thế gian này thật si mê. Họ luôn luôn tham trước và mong cầu. Nhưng bậc trí giả nhận biết được chân lý thì không chạy theo dục vọng thường tình; tâm họ an định, thân họ điều theo những biến chuyển của mọi thời. Mọi hiện tượng trên thế gian này vốn là không, chẳng có gì đáng để tham muốn cả. Vận rủi và vận may thường nối tiếp lẫn nhau. Sống nơi ba cõi trong thế giới ta bà này có khác gì sống trong một căn nhà đang bốc cháy. Có thân sanh ra là có khổ. Có người nào tìm được sự an bình trong thân vô thường này không? Những ai hiểu được điều này sẽ không chấp thủ vào những gì hiện hữu, không còn vọng tưởng mong cầu. Kinh nói rằng: "Còn mong cầu là còn khổ. Không mong cầu là an lạc." Không mong cầu, đó là đã ở trên con đường Đạo.



 Thứ tư, Xứng pháp hạnh. Pháp là chân lý về tự tánh thanh tịnh của mọi vật. Ngộ được chân lý này, sẽ thấy tất cả mọi hình tướng đều là không. Vì có tánh không , nên không có si mê, không có chấp thủ, không có cái ta và cái ngoài ta . Kinh nói rằng: " Nöi Pháp không có chúng sinh vì nó xa lìa trần cấu của chúng sinh, nơi Pháp không có tự ngã vì nó xa lìa mê mờ của tự ngã." Người có trí tuệ hiểu và tin tưởng được chân lý này sẽ hành động xứng hợp được với Pháp. Và vì thực chất của tánh là không nên không có gì để tham lận, họ sằn sàng đem thân mạng, của cải ra bố thí, không hối tiếc, không có cái ngã để thấy người cho, vật cho, và kẻ được cho , với một tâm bình đẳng không chấp trước. Và để gạn lọc những cấu nhiễm, họ giáo hóa người khác mà không vướng mắc nơi hình tướng. Hành được như vậy, họ vừa làm lợi ìch cho tha nhân, mà còn trang nghiêm đạo Bồ đề. Ngoài hạnh bố thí, còn có năm hạnh ba la mật khác để diệt trừ vọng tưởng (trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ). Tuy có đầy đủ sáu hạnh ba la mật này, người ấy hành mà lại là không hành gì cả, như thế mới thực gọi là xứng pháp hạnh.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng