Phá Tướng Luận

07 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 10643)



Phá tướng luận


 

Nếu có người chí tâm cầu đạo giải thoát, phải tu pháp nào cho có hiệu nghiệm nhất?


Chỉ một pháp quán tâm là bao gồm mọi pháp, cũng là pháp hiệu nghiệm nhất.


dat_ma-content

Nhưng làm sao một pháp lại bao gồm mọi pháp được?


Tâm là căn bản của vạn pháp. Tất cả mọi pháp đều từ do tâm mà sanh. Nếu hiểu được tâm , tức vạn pháp đều đầy đủ. Cũng như một cây lớn có cành lá xum xê, kết hoa kết trái, nhưng tất cả đều phải tuỳ thuộc vào rễ cây; nếu nuôi dưỡng cây ở ngay gốc rễ sẽ mọc thêm cây con, đâm chồi nẩy lộc, nhưng nếu chặt gốc đi, tất cây sẽ phải chết. Cũng vậy, tâm là gốc rễ; hiểu được tâm, đường tu sẽ dễ thành , không phải tốn nhiều công sức. Không hiểu được tâm thì có nỗ lực nhiều cũng phí công vô ích. Tất cả mọi sự xấu tốt đều từ do tâm mà ra. Tìm cầu cái gì xa xôi ở ngoài tâm là không thể có được.


 

Nhưng tại sao quán tâm lại có thể hiểu được hết?


Bồ tát khi quán chiếu thâm sâu bát nhã ba la mật đa, thấy rằng tứ đại và ngũ uẩn đều vốn là không và vô ngã, và thấy rõ những khởi dụng đã chia tâm thành hai mặt sai biệt với nhau, đó là tâm trong sạch và tâm dính nhiễm. Hai loại tâm ấy vốn tự nhiên sẵn có, và chúng theo tùy theo những giả duyên hợp thành mà làm nhân đối đãi cho nhau . Tâm thanh tịnh gieo nhân lành nên an lạc. Tâm dính nhiễm tạo nhân cho ác nghiệp nên thường lo lắng suy tư. Người không vướng nhiễm được coi như là bậc thánh, xa lìa mọi đau khổ, đạt được cái an lạc của niết bàn. Còn nếu tâm dính nhiễm, cứ vướng mắc trong nghiệp mình tạo ra, thì đó gọi là phàm, mãi phải trầm luân trong tam giới, chịu đủ mọi thứ đau khổ, chỉ vì tâm dính nhiễm đã ngăn trở, che lấp cái bản thể chân như thanh tịnh. Kinh Thập địa nói: "Trong thân của chúng sinh có phật tánh như kim cương, ví như hào quang ánh mặt trời, tròn đầy viên mãn, nhưng khi có đám mây dầy đặc của ngữ ấm bao phủ thì hào quang kia bị khuất lấp, chẳng khác gì ánh đèn bị giam hãm trong cái lọ." Kinh Niết bàn nói: " Tất cả mọi chúng sanh đều có tánh phật, nhưng vì bị vô minh che lấp nên không giải thoát được. Phật tánh tức là tánh giác vậy. Nhận thức được tánh giác của mình và làm cho người khác cũng được giác ngộ, tự giác giác tha, sự hiểu biết hoàn toàn sáng tỏ (giác tri minh liễu), đó gọi là giải thoát. " Nên biết rằng mọi sự lành đều gốc từ giác mà ra, và từ cái gốc giác ấy mà kết thành cây công đức, ra quả niết bàn, là nhân cho sự thành đạo. Quán tâm được như vậy tức là liễu ngộ vậy.


 

Ở trên nói rằng chân như phật tánh và hết thẩy mọi công đức đều lấy giác làm gốc. Vậy cái gì là gốc của vô minh?


Tâm vô minh với muôn vạn phiền não , chất chứa bao tình tự ham muốn , với hằng hà sa số những điều ác, tất cả đều lấy gốc ở nơi tam độc. Tam độc tức là tham sân si vậy. Tâm tam độc ấy tự nó đã đầy đủ bao nhiêu giống ác, tựa như một cây lớn chỉ có một rễ mà sinh ra biết bao nhiêu cành lá nhiều không đếm xuể. Cái gốc tam độc ấy từ trong mỗi gốc lại sinh ra muôn vạn ức nghiệp dữ gấp bao nhiêu lần, chẳng thể đem cây lớn ra để so sánh được.


Từ trong bản thể của tâm tam độc ứng hiện ra nơi sáu căn cái gọi là lục tặc (sáu tên giặc), tức là sáu thức vậy. Gọi là lục tặc vì chúng ra vào các căn, tham muốn mọi điều, tạo nên nghiệp dữ, ngăn che bản thể chân như. Chúng sanh do lục tặc tam độc này mà bị mê hoặc, rối loạn tâm thân, chìm đắm trong sanh tử, lang thang quanh sáu nẻo luân hồi, chịu biết bao khổ não. Những khổ não này tựa như giòng sông đi từ những con suối nhỏ chẩy mãi vô tận, và rồi dần dần thành sông lớn chẩy cuồn cuộn qua bao nhiêu vạn lý; nhưng nếu có ai ngăn chặn được tận nguồn, thì mọi con suối kia cũng sẽ bị cắt đứt và khô cạn. Cũng vậy, nếu có người cầu giải thoát mà chuyển được tam độc thành giới định tuệ, chuyển lục tặc thành sáu ba la mật, thì người ấy sẽ tự nhiên xa rời vĩnh viễn khỏi những đau khổ.


 

Nhưng luân hồi sáu đường ba cõi là bao la không cùng, làm sao chỉ quán tâm mà lìa xa được những đau khổ vô tận?


Nghiệp báo trong ba cõi giới đều chỉ do tâm mà sanh. Nếu tâm vốn là không ở ba cõi giới, tức là đã lìa được ba cõi ấy vậy. Ba cõi giới ấy chính là tam độc tham sân si: tham là dục giới, sân là sắc giới, và si là vô sắc giới, nên gọi đó là ba cõi giới. Và vì tam độc gây ra những nghiệp nặng nhẹ khác nhau, nên sự thọ báo cũng khác nhau và phân chia thành sáu đường luân hồi.


 

Sáu đường luân hồi này nặng nhẹ khác nhau như thế nào?


Chúng sanh không hiểu rõ được đâu là nhân chính, si mê chỉ lo tu nghiệp thiện, nên không thoát được ba cõi giới, sanh vào ba đường luân hồi nhẹ . Ba đường luân hồi nhẹ đó là gì? Người mê tu thập thiện, vọng cầu sự khoái lạc vui sướng nên chưa thoát được cõi tham, được sinh vào cõi trời. Người mê giữ năm giới, tâm khởi những thương ghét, chưa thoát được cõi sân, nên sinh ra nơi cõi người. Người mê chấp hữu vi, tin theo tà cầu lấy phước, chưa thoát được cõi si, nên sinh ở cõi a tu la. Ba cõi đó được gọi là ba đường luân hồi nhẹ.


Ba đường luân hồi nặng là gì? Những kẻ chỉ biết buông thả tâm theo tam độc, gây tạo nghiệp ác sẽ theo nghiệp mà bị đọa vào ba cõi này. Nghiệp tham nặng thì sanh vào ngạ quỷ. Nghiệp sân nặng thì đọa cõi địa ngục. Nghiệp si nặng thì sanh làm súc sinh. Ba đường luân hồi nặng này cùng với ba đường nhẹ hợp thành sáu đuờng luân hồi. Thế mới biết, tất cả mọi khổ nghiệp đều tự do tâm mà sinh ra. Nếu có thể nhiếp tâm, lìa khỏi mọi tà ác, thì mọi sự khổ đau nơi ba cõi sáu đường luân hồi này sẽ tự nhiên dứt tuyệt; và khi không còn khổ tức là được giải thoát.


 

Như Đức Phật nói: "Ta đã trải qua ba đại a tăng kì kiếp, vượt biết bao nhiêu vô lượng gian khổ mới thành được phật đạo" , cớ sao bây giờ chỉ nói quán tâm và chế phục tam độc đã gọi là được giải thoát?


Những lời Phật nói đều không sai. Ba đại a tăng kì kiếp ở đây có nghĩa là tâm tam độc vậy. A tăng kì (asankhya, tiếng Phạn) có nghĩa là vô số kể. Trong tâm tam độc có vô số những ác niệm. Và trong mỗi niệm ấy lại là một kiếp, nhiều không xiết kể như cát sông Hằng, vì vậy nên nói là ba đại a tăng kì.


Tánh chân như bị ba độc làm khuất lấp , nếu không vượt thắng được cái tâm nhiễm hằng hà sa độc ấy thì làm sao có thể giải thoát được? Nhưng nay nếu có thể chuyển tam độc tham sân si thành ba giải thoát, thì đó gọi là đã trải qua ba đại a tăng kì kiếp vậy. Chúng sanh trong thời mạt kiếp này căn độn ngu si, không hiểu được ý thâm sâu của Như lai khi nói a tăng kì kiếp, mà tưởng rằng chỉ có thể thành phật được sau vô lượng số kiếp, vì thế mà khiến cho người ta nghi ngờ, thoái tâm trên con đường đạo.


 

Nhưng các bậc bồ tát do trì ba tu tịnh giới , hành sáu ba la mật mới thành phật đạo được. Nay nói người học đạo chỉ cần quán tâm, không tu giới hạnh, làm sao có thể thành phật được?


Ba tu tịnh giới là để chế phục cái tâm tam độc. Chế phục được tâm tam độc là cũng thành được như đã tu vô lượng giới thiện vậy. "Tu" tức là "hội", vô lượng thiện pháp hội lại nơi tâm , nên mới nói là ba tu tịnh giới. Sáu ba la mật tức là để làm cho sáu căn thanh tịnh. Ba la mật (paramitas, tiếng Phạn) có nghĩa là bờ bên kia. Sáu căn được thanh tịnh, không nhiễm sáu trần, tức là đã độ qua được sông phiền não, đến được bến bồ đề, nên gọi đó là sáu ba la mật.


 

Theo như kinh nói, ba tu tịnh giới là: thề dứt mọi điều ác, thề tu mọi điều thiện, thề độ mọi chúng sanh. Nay nếu nói là chỉ cần chế ngự tam độc, há không phải là đi ngược lại với nghĩa kinh sao?  


Lời Phật nói đều là đúng. Trong thời quá khứ trước đây, bậc đại bồ tát nhân khi tu hành muốn thắng được tam độc nên mới phát ba lời thệ nguyện rằng: 1) Thề đoạn hết mọi điều ác, để đối lại với cái độc của tham, nên thường trì giới tịnh. 2) Thề tu mọi điều lành, để đối lại với cái độc của sân,  nên thường giữ tâm định. 3) Thề độ mọi chúng sanh, để đối lại với cái độc của si, nên thường thắp sáng trí huệ. Do hành trì ba tịnh pháp giới định huệ ấy nên mới vượt thắng được tam độc mà thành phật đạo vậy. Chế phục được tam độc tất mọi điều ác đều tiêu trừ, nên gọi là đoạn. Giữ được ba tu tịnh giới tất mọi điều thiện đều đầy đủ, nên gọi là tu. Đoạn ác tu thiện được tất muôn vạn hạnh đều thành tựu, lợi mình lợi người, tế độ quần sanh, nên gọi là giải thoát.


Nên biết rằng tu giới hạnh không lìa tâm. Nếu tâm thanh tịnh, mọi đất phật cũng đều thanh tịnh. Vì vậy kinh nói rằng: "Tâm vẩn đục, tất chúng sanh vẩn đục. Tâm thanh tịnh tất chúng sanh thanh tịnh", và "Muốn đến nước phật, phải tịnh tâm mới được. Tâm tịnh rồi là đất phật tịnh." Cho nên nếu có thể chế phục được tam độc, tất ba giới tu tịnh tự nhiên thành tựu được.


 

Kinh nói sáu ba la mật , còn gọi là sáu độ, gồm có bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, và trí huệ. Nay nói sáu căn thanh tịnh tức là ba la mật, làm sao kết hợp được hai điều ấy? Còn sáu độ là nghĩa như thế nào?


Muốn tu sáu độ, phải giữ cho sáu căn thanh tịnh, hàng phục sáu tên lục tặc. Xả được tên giặc mắt, không bị lôi cuốn theo cảnh sắc, đó gọi là bố thí. Ngăn được tên giặc tai, không buông thả theo tiếng, đó gọi là trì giới. Chận được tên giặc mũi, tự tại thản nhiên với các mùi, đó gọi là nhẫn nhục. Kiềm chế được tên giặc lưỡi miệng, không tham những vị ngon, không ca tụng hay phô trương , đó gọi là tinh tấn. Khắc phục được tên giặc thân, an nhiên bất động trước những cảm giác nơi thân, đó gọi là thiền định. Điều ngự được tên giặc ý, không buông theo vô minh, thường hay niệm tỉnh giác, đó gọi là trí huệ, Độ là vận, là chở đi. Sáu ba la mật cũng như là con thuyền đưa chúng sinh qua được bờ bên kia giải thoát, nên gọi là sáu độ.

 


Kinh nói Đức Thích ca Như lai khi còn là bồ tát đã uống ba đấu, sáu thăng sữa tinh chế rồi mới thành phật đạo. Vì uống sữa rồi mới thành phật được, như vậy làm sao chỉ quán tâm mà được giải thoát?


Lời nói đó về việc Phật nhân uống sữa mà thành đạo quả thực là không sai. Nhưng nói là uống sữa rồi mới thành phật, phải phân biệt là sữa có hai loại. Sữa Phật uống không phải thứ sữa bất tịnh của thế gian, mà là sữa pháp, là pháp nhũ thanh tịnh. Ba đấu tức là ba tu tịnh giới. Sáu thăng chính là sáu ba la mật. Đức Thích ca thành phật là do ngài đã uống thứ pháp nhũ thanh tịnh ấy nên chứng được đạo quả. Nếu nói Như Lai uống thứ sữa bò sữa dê hỗn hợp tanh hôi của thế gian, thì đó chẳng phải là thậm phỉ báng đó sao? Thể chân như tự nó như kim cương bất hoại, là vô lậu pháp thân, xa rời mọi đau khổ trên thế gian, đâu phải xác thân vật chất tầm thường mà phải cần đến thứ sữa bất tịnh như vậy để đỡ cơn đói khát sao?


Kinh nói rằng: "Bò này không ở vùng cao nguyên, cũng không ở thung lũng, không ăn thứ lúa thóc ô hợp, và nó cũng không chung bầy với các đoàn bò khác. Bò này thân nó có một mầu vàng tía óng ả." Bò này chính là nói đến Đức Phật Tì lô Giá na, do lòng bi mẫn thương xót hết thẩy chúng sinh mà từ trong pháp thể thanh tịnh xuất ra thứ pháp nhũ vi diệu là ba tu tịnh giới, sáu ba la mật, nuôi dưỡng tất cả những người cầu giải thoát. Thứ sữa thanh tịnh của loại bò chân tịnh ấy , không những Như Lai uống xong thành đạo, mà tất cả chúng sanh uống được thứ sữa ấy cũng có thể đắc a nậu đa tam muội tam bồ đề (đắc vô thượng giác).


 

Trong kinh nói Phật bảo chúng sanh phải tu bằng cách xây cất chùa chiền, tạc hình đúc tượng, thắp hương trải hoa, đốt đèn, đêm ngày sáu thời hành đạo, đi nhiễu quanh tháp , trì trai lễ bái, làm biết bao nhiêu công đức mới có thể thành phật đạo. Nếu chỉ quán tâm mà bao hàm được mọi hạnh khác, thì những pháp tu như thế kia hóa ra là dư thừa sao?


Phật khi nói kinh dùng vô số phương tiện, vì chúng sinh căn cơ thấp kém, nông cạn, không hiểu được ý nghĩa thâm sâu nên mới lấy cái hữu vi để ẩn dụ cho cái vô vi. Nếu không tu hạnh ở trong chính mình, mà chỉ hướng ra ngoài cầu phước, mong thánh thì không thể nào có được.


Trong tiếng Phạn của Tây quốc (Ấn độ) chữ sangharama phiên âm sang tiếng Trung hoa là già lam (chùa chiền), có nghĩa là đất thanh tịnh. Nếu có người trừ dứt được tam độc, giữ sáu căn trong sáng, thân tâm yên tịnh, trong ngoài đều tĩnh lặng, thì đó là người ấy đã xây dựng già lam vậy.


Đúc tạc hình tượng tức là mọi chúng sinh muốn cầu phật đạo phải huân tu các hạnh để được tỉnh giác . Chân dung diệu tướng của như lai có lẽ nào có thể lấy kim loại bằng sắt bằng đồng mà đúc tạc được ư? Cho nên cầu giải thoát phải lấy thân làm lò rèn, lấy Pháp làm lửa, lấy trí huệ làm công khéo, lấy ba tu tịnh giới , sáu ba la mật làm khuôn đúc, nấu chẩy , tôi luyện chân như phật tánh cho tràn đầy vào trong tất cả các khuôn khổ của giới luật. Cứ tuân theo lời dậy mà tu hành không sai sót, hình tượng của chân dung sẽ tự nhiên thành tựu. Hình tượng đó là sắc thân vi diệu vẫn thường trú, không phải là pháp hữu vi bại hoại. Người cầu đạo nếu không hiểu được nghĩa lý này của việc đúc tạc chân dung , làm sao có thể nói là có công đức được?


Còn nói về thắp hương, hương ấy không phải là hương của thế gian, mà là hương của chánh pháp vô vi, có thể hóa giải, tiêu trừ được những cấu uế của vô minh và ác nghiệp. Hương chánh pháp ấy có năm loại. Một là giới hương, nghĩa là đoạn trừ mọi điều ác, tu mọi điều lành. Hai là định hương, nghĩa là tin tưởng thâm sâu nơi pháp đại thừa, không thối tâm nản chí. Ba là huệ hương, nghĩa là thường hay quán sát trong ngoài thân tâm. Bốn là hương giải thoát, nghĩa là đoạn trừ những ràng buộc của vô minh. Năm là giải thoát tri kiến hương, nghĩa là thường soi chiếu sáng tỏ, thông suốt vô ngại. Năm loại hương ấy gọi là hương tối thượng, không gì trên thế gian có thể so sánh được.


Khi Phật còn tại thế, ngài bảo các đệ tử lấy lửa trí huệ mà đốt thứ hương trân bảo vô giá ấy cúng dường chư phật mười phương. Ngày nay chúng sinh không hiểu được nghĩa lý lời nói như lai, lại lấy lửa ở ngoài mà đốt lên những hương làm bằng các loại gỗ trầm, hi vọng được hưởng quả phước, nhưng điều ấy làm sao có được.


Trải hoa cũng có ý nghĩa như thế, tức là thường hay giảng nói chánh pháp, gieo rắc hoa công đức cho thấm nhuần khắp tất cả, làm lợi ích cho chúng sanh hữu tình và làm trang nghiêm cho tính chân như. Hoa công đức này được Phật ngợi khen, luôn luôn thường trú và không bao giờ héo tàn. Nếu có người gieo rắc được thứ hoa như thế, sẽ được vô lượng phước báu. Nếu nói là Phật bảo chúng sinh đi bẻ cành, cắt nhánh làm thương tổn đến cây cối để lấy hoa cúng phật, thì điều ấy không hề có. Người tu trì tịnh giới không nên xâm phạm đến các loại cây cỏ thực vật thiên hình vạn trạng trong trời đất , nếu vô tình mà phạm đến chúng đã là mang tội nặng, huống gì lại còn cố ý phá giới, tổn thương đến vạn vật để cầu lấy phước báu, như vậy thay vì có lợi ích lại khiến cho hao tổn đi, sao có thể làm vậy được?


Ngọn đèn thắp sáng lâu dài mãi mãi đó là tượng trưng cho tâm chánh giác. Ngọn đèn được ví như tánh giác sáng tỏ toàn vẹn. Người cầu giải thoát lấy thân làm đèn, lấy tâm làm tim đèn, lấy giới hạnh làm dầu thắp, lấy trí huệ làm ánh sáng. Ngọn đèn như vậy là đèn chân chánh giác, ánh sáng đèn này chiếu lên phá tan được mọi tối ám vô minh. Nếu có thể truyền được Pháp mà khai thị cho người khác, đó là truyền ánh sáng từ một ngọn đèn qua cả trăm ngàn ngọn đèn khác, và như vậy tất cả đều chiếu sáng vô tận.


Trong thời quá khứ xa xưa, có một vị phật lấy tên là Nhiên Đăng là do nghĩa lý như vậy. Nhưng chúng sanh ngu si không hiểu được lời nói phương tiện của Như Lai, chỉ lo làm chuyện hư dối, chấp trước nơi pháp hữu vi; họ thắp ngọn đèn dầu thế gian , tưởng rằng chiếu sáng không gian trong phòng là đã y theo lời Phật dậy. Thật sai lầm biết bao! Phật phóng hào quang từ giữa đôi mày ra chiếu soi được tám vạn bốn ngàn thế giới, ngọn đèn dầu làm sao có ích lợi như vậy được; xét cái lý ấy, sẽ thấy điều đó tự nhiên là không được!


Đêm ngày sáu thời hành đạo, có nghĩa là trong tất cả mọi lúc đều thường hành phật đạo nơi sáu căn, giữ các giác hạnh , thường soi tỏ các căn không lúc nào lơi lỏng, đó gọi là sáu thời hành đạo.


Đi nhiễu quanh tháp , tháp đây chính là nói đến thân tâm chúng ta. Khi giác huệ thường bao quanh thân và tâm , không lúc nào ngơi nghỉ, thì đó gọi là đi nhiễu tháp. Các vị thánh thời xưa đều theo con đường ấy mà tới được niết bàn. Nhưng người đời ngày nay không hiểu được lý này, chẳng lo tu ở trong , chỉ chấp tìm cầu ở ngoài, họ dùng xác thân vật chất của mình đi nhiễu quanh tháp thế gian, ngày đêm lòng vòng , hao tổn sức lực mà không được lợi ích gì cho chân tánh cả.


Trì trai (ăn chay) cũng vậy, cần phải nên hiểu rõ, nếu không đạt được lý mà cứ làm theo thì không lợi ích gì. Trai ở đây có nghĩa là điều hòa thân tâm cho được ngay thẳng , không để cho bị rối loạn. Trì có nghĩa là hộ trì , giữ gìn giới hạnh theo chánh pháp, như vậy tất bên ngoài ngăn chận được sáu tình, trong chế ngự được tam độc, chuyên cần cảnh giác, thì thân tâm được thanh tịnh. Đó mới là đúng nghĩa trì trai. Người trì trai có năm loại thức ăn: Một là pháp hỉ thực, tức là tuân theo chánh pháp, vui vẻ mà hành trì. Hai là thiền duyệt thực, tức là trong ngoài đều trong sáng, thân tâm an lạc. Ba là niệm thực, tức là thường hay tưởng đến phật, tâm khẩu đều tương ứng. Bốn là nguyện thực, tức là đang khi đi đứng nằm ngồi luôn luôn phát những nguyện lành. Năm là giải thoát thực, tức là tâm thường thanh tịnh, không nhiễm bụi trần. Năm loại thức ăn ấy gọi là thức ăn trai tịnh. Nếu có người nào không ăn năm loại trai tịnh ấy mà cứ nói là mình trì trai, thì không thể có được.


Đã dứt được những thức ăn vô minh mà chạm đến lại, thì đó gọi là phá trai; một khi đã phá rồi, làm sao có thể được phước nữa? Thế gian này có những người mê, không hiểu được lý, buông thả thân tâm theo những cái xấu ác, tham dục phóng tình, không hề biết hổ thẹn. Khi không ăn mặn nữa thì họ tự nhận là trì trai, điều ấy không thể có được.


Lễ bái cũng theo một lối diễn giải như vậy, tức là trong thì minh lý, hiểu rõ nghĩa lý ở trong, ngoài thì đạt sự, biết tùy nghi mà quyền biến. Lý có cái ẩn ở trong (tàng) và cái thực dụng (hành). Hiểu được nghĩa đó gọi là y pháp (theo pháp).


Lễ tức là Kính, Bái tức là Phục; lễ bái có nghĩa là kính trọng chân tánh, khuất phục vô minh. Nếu có thể tuyệt diệt được những ác tình, luôn luôn giữ niệm lành, tuy không hiện tướng ra ngoài, cũng gọi là lễ bái. Tướng ấy chính là pháp tướng vậy.


Đức Thế tôn muốn người thế tục biết lễ bái để tỏ lòng khiêm cung, cho nên bên ngoài phủ phục xuống là để biểu thị cho sự tôn kính bên trong, ngoài đưa tay chắp thì trong sáng tỏ, tướng và tính đều tương ứng với nhau. Nếu không hiểu được lý này mà chỉ chấp cầu ở ngoài, trong buông thả theo sân si, hay làm nghiệp ác, ngoài thì lậy lục nhọc nhằn, ra vẻ uy nghi, không biết thẹn với thánh, lại dối gạt với phàm, rồi cũng chẳng thoát được luân hồi, làm sao nói chuyện thành công đức được? 


 

Kinh Ôn thất (nhà tắm) nói: cung cấp vật liệu tắm rửa chư tăng sẽ được phúc đức vô lượng, cứ như theo pháp ấy thì nhờ việc làm bên ngoài mà thành được công đức, điều ấy có thể nào tương ứng được với quán tâm pháp?


Ý nghĩa tắm rửa chư tăng không phải là tắm rửa cái hữu vi của thế gian. Thế tôn khi nói kinh Ôn thất, muốn cho các đệ tử thọ trì pháp Tiễn dục (tắm rửa), nên đem một việc thường ngày ra để làm ẩn dụ khi ngài giải thích cái nghĩa công đức cúng dường của bẩy sự vật. Bẩy sự vật ấy là, nước sạch, lửa, xà bông, dương chi (nhánh cây dương liễu), bột phấn tro, dầu thoa, và quần áo lót mình. Ngài đem bẩy vật ấy ra để làm ví dụ cho bẩy pháp; mọi chúng sanh nhờ bẩy pháp ấy mà tự tẩy lọc và được trang nghiêm, đoạn trừ được những cấu uế của vô minh trong một tâm nhiễm độc. 


Pháp thứ nhất là tịnh giới, rửa sạch những cái thừa thãi , giống như nước sạch rửa đi những đất bẩn bám vào. Thứ hai là trí huệ, thường quán sát trong ngoài, giống như lửa đun nước sôi vậy. Thứ ba là phân biệt, trừ bỏ đi những cái xấu ác, giống như xà bông làm sạch đi những cái dơ bẩn. Thứ tư là chân thực, đoạn trừ những vọng tưởng, giống như nhánh dương chi có thể làm sạch trong miệng. Thứ năm là chánh tín, có quyết tâm không nghi ngại, giống như sát bột phấn tro vào người có thể phòng được cảm gió vậy. Thứ sáu là nhu hòa nhẫn nhục, giống như dầu thoa có thể làm da dẻ tươi nhuận. Thứ bẩy là hổ thẹn, hối cải những nghiệp ác, giống như quần áo trong che đậy thân thể. Khi Như Lai giảng thuyết kinh này, ngài cốt nói cái ý nghĩa thâm sâu trong ấy cho những bậc thượng căn đại thừa, chứ không phải cho những kẻ hạ trí phàm phu , vì thế người ngày nay không hiểu được kinh này.


Ôn thất (nhà tắm) chính là thân ta. Ngọn lửa trí tuệ được đốt lên sẽ đun nóng nước trong của tịnh giới và rửa sạch cấu uế bao phủ tính chân như có sẵn trong thân. Nếu thọ trì pháp này thì tự mình sẽ được trang nghiêm. Các đệ tử của Phật thời ấy là bậc thượng trí, họ đều hiểu được thánh ý mà y theo đó tu hành, thành tựu công đức và đạt tới quả phật. Nhưng chúng sanh thời nay không hiểu được nghĩa sâu xa đó, nên lấy nước thế gian thường tình mà rửa cái xác thân vật chất, cho là đã làm theo lời kinh dậy, nhưng thực sự là họ đã hiểu sai lầm. 


Chân như phật tánh không có cái hình thể phàm tình. Những bụi dơ của phiền não vốn cũng không có tướng. Làm sao có thể lấy thể chất nước thường mà rửa được một thân vô hình vô tướng , như vậy là sự việc không ăn khớp với nhau (sự bất tương ứng). Khi nào người ta mới tỉnh ngộ ra được? Muốn rửa sạch bụi bậm che lấp thân ấy, trước hết phải quán xét nội tâm, để thấy rằng cội nguồn của mọi bất tịnh là do lòng tham dục mà ra, và từ đó mà những cấu uế càng ngày càng gia tăng gấp bội cho đến khi chúng tràn ngập khắp trong ngoài ; và dù cho có cọ rửa đến tận cùng cũng không thể làm sạch thân ấy được, suy nghiệm như vậy sẽ thấy được rằng ý Phật nói không phải là rửa cái hình tướng bên ngoài. 

 

 

Kinh nói người nào chí tâm niệm Phật (A di đà) tất sẽ được vãng sanh nơi Tây phương tịnh độ, chỉ cần một pháp môn đó thôi cũng đủ để thành phật đạo, hà tất phải quán tâm cầu giải thoát làm gì?


Phàm niệm phật phải biết giữ chánh niệm. Hiểu rõ nghĩa là chánh, không hiểu rõ nghĩa là tà. Có chánh niệm tất sẽ được vãng sinh, còn nếu tà niệm thì làm sao đạt đến chốn đó được.


Phật có nghĩa là Giác, là luôn luôn tỉnh giác quán sát thân tâm, không cho ác niệm khởi dậy. Niệm là Ức (tưởng nhớ), luôn luôn nhớ giữ giới hạnh, tinh tấn chuyên cần không quên lãng, đó mới gọi là niệm. Vì thế niệm là từ nơi tâm, không ở nơi lời nói. Dùng mồi để bắt cá, được cá rồi thì quên mồi đi; cũng vậy dùng lời để cầu lấy ý, được ý rồi thì quên lời đi.


Khi niệm danh phật, cần phải hiểu cái đạo niệm phật. Nếu tâm không thực thì lời nói ngoài miệng chỉ là trống rỗng; khi tâm bị che lấp bởi vô minh, còn đầy tam độc tham sân si, còn cái "tôi' của nhân ngã, thì còn chưa thể thấy phật được, có làm gì cũng phí công. Tụng và niệm nghĩa lý khác nhau xa lắm. Tụng là ở nơi miệng. Niệm là ở nơi tâm. Mới biết, niệm theo tâm mà khởi lên, nên gọi là cửa của giác hạnh . Tụng là ở nơi miệng nên chỉ là tướng của âm thanh. Nếu chỉ chấp vào tướng mà cầu lấy lý đạo thì không thể nào có được. Cho nên những bậc thánh nhân đời xưa tu không phải nơi lời nói bên ngoài , mà chỉ suy ở nơi tâm.


Tâm là cội nguồn của mọi sự lành. Tâm là chủ của muôn vạn công đức. Sự an lạc bất tuyệt của niết bàn là do tâm mà sinh. Luân hồi trong ba cõi cũng theo tâm mà khởi. Tâm là cửa ngõ của mỗi thế giới , và tâm là bến ải của giải thoát. Đã biết được cửa ngõ, đâu còn sợ khó thành ? Đã biết được bến vào , đâu cần lo không tới?


Người thời nay thật thiển cận. Họ chỉ biết cầu công đức nơi hình tướng, phung phí của cải, làm tổn hại đến những vật trên bộ và dưới nước. Họ chỉ lo đắp tượng dựng tháp, huy động người chất gỗ xây gạch, tô xanh vẽ lục , mệt thân khổ trí, làm hao tổn bản thân và đến những người khác, mà không hiểu biết đủ để thấy hổ thẹn. Chừng nào họ mới có thể giác ngộ được? Hễ thấy cái gì hữu vi là ưa thích ngay, còn nếu nói về vô vi thì ngẩn ngơ như mê hồn trận. Tham lam những cái phúc nhỏ nhoi của thế gian, họ làm sao biết được cái khổ lớn lao đang đến. Những người ấy tự làm nhọc mình vô ích; bỏ chánh theo tà, chỉ vọng nói đến thu hoạch quả phước.


Nếu nhiếp tâm được và tỉnh giác mà quán sát , thì bên trong được soi chiếu , bên ngoài cũng sáng tỏ , tuyệt dứt được tam độc, ngăn cấm được sáu lục tặc không cho quấy nhiễu. Và tự nhiên sẽ đạt được công đức vô biên như cát sông Hằng, trang nghiêm mọi bề và mọi pháp môn nhất nhất đều thành tựu. Từ phàm vượt lên được đến thánh, thấy được những điều cao siêu , chỉ trong một nháy mắt là có thể ngộ được. Đâu cần phải lo bạc đầu? Nhưng cửa chân lý là bí ẩn, làm sao có thể nói rành rẽ ra được; ở đây ta chỉ lược thuật đôi phần về quán tâm vậy thôi. 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng