Lời Mở Đầu

13 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 14770)


  Đại sư Sogyal Rinpoche đã nói: "Thiền là món quà quý giá nhất mà chúng ta có thể tự cho mình," bởi vì chúng ta đã có cái may mắn được sinh ra làm người. Thật vậy, chúng sanh muôn loài trong thế giới này chỉ có con người là có thể tự quán xét lấy mình, tự định đoạt lấy con đường để đi theo. Ngoài những bản năng vật chất, con người còn có khả năng tâm linh đưa họ vượt lên khỏi sự hiện hữu tầm thường. Các tôn giáo lớn từ xưa đến nay được lập ra phần lớn là để đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi muôn thuở :"mình là ai, từ đâu tới, và đi về đâu?", và có lẽ Phật giáo là có được một sự giải thích thấu đáo nhất, vì đạo Phật lấy Giác làm căn bản, không chỉ thuần túy dựa trên niềm tin như các đạo khác.


Thế giới bây giờ càng văn minh vật chất, con người càng đánh mất chính mình, cho đến một lúc nào đó cảm thấy có một thôi thúc phải đi tìm lại nguồn gốc; vì vậy mà thiền ngày nay đã lan vào trong các xã hội hiện đại , một cách nhẹ nhàng và êm đềm như tinh thần khoan hòa của đạo Phật. Nhưng khi có phổ biến thì cũng có những ngộ nhận; có nhiều e ngại rằng thiền là một phương tiện để đạt được một điều gì đó, nên có thể đưa đến sự lầm đường lạc lối. Trở về với những lời dậy của vị tổ sư thiền tông Trung hoa là ngài Bồ đề đạt Ma, nếu nghiên cứu kỹ ta sẽ thấy rằng theo ngài thiền không chỉ là một phương tiện, mà còn là cứu cánh, bởi vì thiền là trở về với cái nguồn cội bất biến thường hằng sẵn có nơi ta, và một khi đã đạt được tới mức đi, đứng, nằm ngồi cũng là thiền, tức là luôn sống trong tỉnh thức, thì lúc đó thiền là Giác, mà Giác tức là Phật, như vậy đâu còn sợ lầm đường lạc lối được?



Bồ đề Đạt Ma là vị tổ chân truyền đời thứ 28 kể từ sau khi Phật diệt độ. Ngài là hiện thân của đại hùng, đại lực, đại từ bi, một mình lặn lội vượt qua hàng muôn ngàn trùng cách trở và hiểm nguy đến một xứ sở xa lạ, hòa đồng với ngôn ngữ, phong tục của họ để gieo trồng hạt giống giải thoát. Chín năm diện bích, quán vách đá đợi người xứng đáng nối đuốc truyền đăng, thật là một việc phi thường mà chỉ có một con người phi thường mới làm được. Năm lần bị hãm hại vẫn một lòng từ bi không lay động, và lần cuối cùng ngài quyết định ra đi sau khi đã làm những việc cần làm, quả là một bậc thánh nhân ra vào sinh tử tự tại như không. Và hạt giống đại thừa ngài gieo trồng ấy đã được sinh sôi nẩy nở trong môi trường mưa thuận gió hòa của nền văn hoá Nho-Lão Trung hoa, để rồi từ đó lan tràn qua những nước lân cận như Việt nam, Nhật bản, Đại Hàn.


Những lời pháp của ngài Bồ đề Đạt Ma đã từng được dịch ra nhiều lần trước đây, nhưng có lẽ vì còn sơ cơ nên khi đọc tôi không thấy thấm nhuần lắm. Vì một cơ duyên nào đó, tôi gập được bản dịch Anh ngữ của Red Pine với bản Hán văn đối chiếu, nên khi đọc xong tôi có cảm hứng muốn dịch lại để tự mình sáng tỏ hơn, vì đây quả là một kho pháp bảo để nghiền ngẫm . Vì vốn liếng Hán văn hạn hẹp, tôi tham chiếu phần lớn vào bản Anh ngữ của Red Pine (The Zen teachings of Bodhidharma), bản dịch Việt ngữ của cụ Trúc Thiên và của thầy Thanh Từ (Sáu cửa vào động Thiếu thất), và rút tỉa ra một bản dịch tương đối rõ ràng hơn cho riêng tôi. Hi vọng rằng bản dịch này cũng có thể giúp ích được phần nào cho những người khác cùng đang trên bước đường dọ dẫm đầu tiên như tôi. 



Ngọc Bảo


California, tháng 11-1999




 

 

 

 

 

 

 

 

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng