Bồ đề Đạt Ma, một huyền thoại

13 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 15553)

 


Bồ đề Đạt Ma, một huyền thoại



Sau đây là vài nét về tổ Bồ Đề Đạt Ma dịch theo lời của Red Pine:


 bodhidharma

 Phật giáo truyền đến Trung hoa khoảng 2000 năm về trước. Ngay từ năm 65 trước dương lịch, đã có một tập đoàn tăng sĩ sống trong vùng phía Bắc của tỉnh Kiangsu dưới sự bảo trợ của triều đình đương thời, và có lẽ những vị tăng đầu tiên đã đặt chân đến đó cả trăm năm về trước. Từ đó, hàng muôn vạn tăng sĩ từ Ấn độ và vùng Trung Á đã du hành đến Trung hoa bằng đường bộ và đường thủy, nhưng trong những vị đã truyền bá Phật pháp đến Trung hoa, không ai có một ảnh hưởng có thể sánh được với ngài Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma).


 Sống cuộc đời kỳ bí ít người biết đến ngoại trừ vài đệ tử thân cận, Bồ Đề Đạt Ma là sơ tổ của hàng triệu người tu theo thiền tông và những môn đồ võ thuật Trung hoa. Ngài cũng là đề tài của rất nhiều huyền thoại. Cùng với thiền và võ thuật, ngài còn được coi như là đã du nhập trà vào Trung hoa. Theo truyền thuyết, để giữ cho khỏi bị ngủ gục trong khi thiền, ngài đã cắt luôn mí mắt của mình, và mí mắt ngài rơi xuống gieo thành những bụi trà. Từ đó, trà trở thành một thức uống không chỉ riêng cho hàng tăng sĩ mà còn cho tất cả mọi người ở phương Đông. Dựa theo câu truyện này, các họa sĩ thường vẽ tổ Bồ Đề Đạt Ma với đôi mắt lồi, không có mí trên.


 Cũng như mọi truyền thuyết, khó mà biết được đâu là thực, đâu là giả. Những thời điểm thật là mù mờ, và có một học giả Phật giáo còn cho rằng Bồ Đề Đạt Ma là không có thật. Nhưng mặc dù những nghi vấn về sự hiện hữu của ngài, bút giả cũng vẽ ra đây vài nét sơ lược về tiểu sử của ngài, dựa trên những tài liệu xưa cổ nhất và một vài suy diễn riêng tư, để độc giả có một cái nhìn rõ ràng hơn khi đọc những lời pháp của ngài.


 Bồ Đề Đạt Ma sinh vào khoảng năm 440 ở Kanchi, thủ phủ của vương quốc Pallava ở miền nam Ấn độ. Ngài thuộc gia đình quý tộc Bà la môn, là con trai thứ ba của vua Simhavarman. Khi ngài còn trẻ đã quy y theo Phật giáo và sau này được dậy dỗ từ chính tổ Bát Nhã Đa La (Prajnatara), người mà vua cha đã mời đến từ Magahdra, trung tâm điểm của Phật giáo thời bấy giờ. Chính tổ Bát Nhã Đa La đã bảo ngài phải sang Trung hoa hoằng pháp. Vì những đường bộ thường được dùng xưa nay bị rợ Hung nô ngăn trở, và vì Pallava đã có những liên hệ thương mại qua toàn cõi Đông Nam Á, Bồ Đề Đạt Ma đã ra đi bằng đưởng thủy từ cảng Mahaballipuran lân cận. Sau khi đi vòng qua bờ biển Ấn độ và quần đảo Mã Lai trong vòng ba năm, cuối cùng ngài đã đến được miền nam Trung quốc vào năm 475.


 Vào lúc đó Trung quốc bị phân ra thành hai nước Bắc Ngụy và Liêu Tống. Sự phân chia lãnh thổ thành hai triều Bắc và Nam bắt đầu từ đầu thế kỷ thứ ba qua bao nhiêu thời đại cho đến khi quốc gia này được thống nhất trong đời nhà Tùy vào khoảng cuối thế kỷ thứ sáu. Cũng trong thời kỳ phân chia và hỗn loạn này mà Phật giáo Ấn độ đã phát huy thành Phật giáo đặc thù Trung hoa, với những người phương bắc chuộng võ nghệ thiên về tu thiền định và thần thông, và những người phương nam đa văn túc trí chú trọng nhiều hơn đến kinh điển và ngữ nghĩa.


 Khi Bồ Đề Đạt Ma đến Trung hoa trong hậu bán thế kỷ thứ năm, có khoảng 2000 ngôi chùa Phật giáo và 36000 tăng sĩ ở phía Nam. Trên phía Bắc, một cuộc kiểm tra năm 477 cho thấy có tới 6500 ngôi chùa và 80000 tăng sĩ. Không đầy 50 năm sau, một cuộc kiểm tra khác ở phương bắc đã nâng cao con số này lên 30000 ngôi chùa và 2 triệu tăng sĩ, hay khoảng 5% dân số. Chắc chắn là trong số này có nhiều kẻ giả danh để trốn thuế hay để được sự bảo hộ của giáo hội cho những mục đích ngoài tôn giáo, nhưng rõ ràng là Phật giáo đã lan rộng trong dân gian ở vùng phía bắc sông Dương tử. Ở phía nam, Phật giáo vẫn còn giới hạn phần lớn vào giai cấp thượng lưu trí thức mãi cho đến thế kỷ thứ 6.


 Sau khi đặt chân đến bờ biển Nam hải (Việt nam), Bồ Đề Đạt Ma có lẽ đã đi thăm những trung tâm phật giáo ở phía nam và bắt đầu học tiếng trung hoa, nếu ngài đã không học sẵn từ trước khi rời Ấn độ. Theo "Truyền đăng lục" của Đạo Nguyên hoàn thành từ năm 1002, mãi đến năm 520 Bồ Đề Đạt Ma mới đến miền nam Trung quốc và được mời đến kinh đô Kim Lăng để gập vua Lương Vũ Đế, người kế vị của triều đại Liêu Tống. Trong cuộc gập gỡ này, nhà vua hỏi về công đức cúng dường và phật sự, Bồ Đề Đạt Ma đã đem lý "không" ra để trả lời. Nhà vua không hiểu, Bồ Đề Đạt Ma đã bỏ đi. Tuy nhiên, những tài liệu cổ xưa nhất đã không ghi lại sự kiện này.


 Cũng theo truyền thuyết, Bồ Đề Đạt Ma sau đó đã vượt sông Dương tử bằng một nhánh cây rỗng và định cư tại phía Bắc. Đầu tiên ngài dừng lại gần kinh đô Pingcheng của Bắc Ngụy. Năm 494, khi vua Hiếu Văn dời đô xuống phía nam về Lạc Dương trên phía bắc sông Lô, hầu hết những tăng lữ đang sống ở vùng Pingcheng cũng di chuyển theo và Bồ Đề Đạt Ma cũng có trong số đó. Dựa theo tập "Cao tăng truyện" của Đạo Tuyên được thảo từ năm 645, Bồ Đề Đạt Ma đã thọ ký cho một đệ tử tên Sheng Fu. Khi kinh đô dời về Lạc Dương, Sheng Fu di chuyển xuống phía nam. Vì sự thọ ký cần 3 năm tập sự, Bồ Đề Đạt Ma chắc là đã có mặt trên vùng phía bắc Trung hoa năm 490 và chắc lúc đó đã khá thông thạo tiếng trung hoa rồi.


 Ít năm sau, vào năm 496, vua ra lệnh xây dựng ngôi chùa Thiếu lâm ở Tung Sơn, thuộc tỉnh Hà nam phía đông nam Lạc Dương. Ngôi chùa, tới bây giờ vẫn còn tồn tại (tuy rằng sau này đã hầu như trở thành một địa điểm du lịch), đã được xây cất cho một vị thiền sư khác từ Ấn độ, chứ không cho Bồ Đề Đạt Ma. Nhưng dù cho có bao nhiêu vị thiền sư đã đến và đi với chùa này trong 1500 năm qua, Bồ Đề Đạt Ma là vị tổ duy nhất đã gắn liền tên tuổi với ngôi chùa Thiếu lâm trong lịch sử Phật giáo. Chính ở tại đây, trên đỉnh Shashih phía tây nùi Tung sơn, tổ Đạt Ma đã ngồi thiền định trong suốt 9 năm liền, quay mặt vào vách đá trong một cái hang cách chùa chừng một dậm. Chùa Thiếu Lâm sau này đã nổi tiếng trong việc huấn luyện võ nghệ cho các vị sư, và Bồ Đề Đạt Ma được tôn xưng là người đã sáng lập ra môn võ thuật này. Xuất thân từ Ấn độ, chắc hẳn là ngài cũng có dậy lại đệ tử những phương pháp yoga nào đó, nhưng không có tài liệu nào nhắc đến tên ngài như một võ sư về võ thuật.


 Vào năm 500, Lạc Dương là một trong những thành phố lớn nhất trên thế giới, với một dân số trên một triệu người. Khi vua Hsuan-wu chết vào năm 516 và hoàng hậu Ling lên thế quyền, một trong những việc đầu tiên bà làm là truyền lệnh xây dựng ngôi chùa Vĩnh Ninh. Việc xây cất ngôi chùa này với cái bảo tháp cao 400 bộ Anh đã khiến cho ngân quỹ quốc gia gần như kiệt quệ. Theo "Lạc Dương già lam ký" vào năm 547 của Dương Huyễn Chi, những chuông gió bằng vàng treo dọc theo mái ngôi chùa này có thể ngân vang tiếng đến 3 dậm Anh và vòng xoắn ốc của ngôi bảo tháp có thể được nhìn thấy cách đó hàng 30 dậm. Biên bản của Dương còn ghi lại lời bình phẩm của một vị tăng đến từ Thiên trúc tên Bồ Đề Đạt Ma rằng đây là một kiến trúc đồ sộ nhất mà ngài chưa từng thấy. Vì ngôi chùa này tới năm 516 mới được xây xong và rồi bị cháy vào năm 534, Bồ Đề Đạt Ma chắc hẳn đã có mặt ở kinh đô vào khoảng năm 520. Những tài liệu xưa ghi lại rằng ngài đã du hành qua khắp các vùng ở Lạc Dương, đi đi về về tuỳ theo mùa. Tuy nhiên, chắc ngài đã ngụ ở trong chùa Vĩnh Minh khi về kinh đô. Để khỏi lẫn lộn chùa này với chùa Vĩnh Ninh, chùa Vĩnh Minh đã được xây cất vài năm trước, vào khoảng đầu thế kỷ thứ 6 do lệnh của vua Hsuan-wu để làm trụ sở chính cho những vị tăng ngoại quốc. Trước khi có cuộc di tản lớn lao của thành phố này khi Bắc Ngụy bị sụp đổ vào năm 534, ngôi chùa này đã từng chứa đến 3000 vị tăng từ khắp nơi, có khi từ xa xôi tận Syria đến.


 Mặc dù có sự bừng phát của Phật giáo ở Trung hoa, Bồ Đề Đạt Ma cũng thu nhận rất ít đệ tử. Ngoài Sheng-fu đã dọn về miền nam không bao lâu sau khi được thọ ký, những đệ tử khác được nhắc đến tên tuổi là Đạo Dụ và Huệ Khả, cả hai đều được nói là đã thụ giáo với ngài từ 5 đến 6 năm. Đạo Dụ được ghi nhận như là người đã hiểu được Đạo nhưng không bao giờ truyền lại cho ai cả. Chính Huệ Khả là người được tổ Đạt Ma truyền y bát lại và theo Đạo Tuyên, còn được kế thừa một bộ kinh Lăng già của Gunabhadra dịch lại. Tuy nhiên, trong những bài pháp của ngài, Bồ Đề Đạt Ma phần lớn trích dẫn từ kinh Niết bàn, Hoa Nghiêm, và Duy ma Cật, và không có vẻ gì là đã dùng đến kinh Lăng già. Có lẽ Huệ Khả, chứ không phải là Bồ Đề Đạt Ma, mới là người đã coi trọng kinh này.


 Trong "Truyền đăng lục", Đạo Nguyên nói là không bao sau khi ngài đã truyền thừa lại cho Huệ Khả, Bồ Đề Đạt Ma viên tịch vào năm 528, ngày mùng 5 tháng 10, do một vị sư khác ganh ghét mà hạ độc. Nhưng trong sự tích Bồ Đề Đạt Ma do Đạo Tuyên biên soạn không thấy nói đến thời gian và nguyên nhân cái chết của ngài, chỉ nói rằng ngài đã chết trên bờ sông Lô. Theo Đạo Nguyên, Bồ Đề Đạt Ma được táng tại chùa Định Lâm gần Lạc Dương, trên núi Hùng Nhĩ. Đạo Nguyên còn thêm rằng ba năm sau, một vị quan khi đi trên một vùng rừng núi miền Trung Á đã gập Bồ Đề Đạt Ma. Ngài cầm một cây gậy trên đó có treo một chiếc dép, và nói với vị quan đó rằng ngài đang trên đường trở về Ấn độ. Lời truyền tụng về cuộc gập gỡ này đã gợi lên sự tò mò của những vị sư khác, và cuối cùng họ đã đồng ý khai quật mộ của ngài. Trong đó họ không tìm thấy gì ngoài một chiếc dép đơn độc, và kể từ đó Ngài Bồ Đề Đạt Ma thường được vẽ mang một cây gậy trên có treo chiếc dép đã thất lạc.


 Sau khi vua Hsiao-Wu bị thích sát chết vào năm 534, Bắc Ngụy tách ra làm Đông và Tây Ngụy, thành Lạc Dương bị tấn công. Vì giòng họ Kao của triều Đông Ngụy thường có truyền thống trợ đạo Phật, nhiều tăng sĩ sống ở Lạc Dương, trong đó có Huệ Khả, đã di chuyển về kinh đô Yeh của Đông Ngụy. Tại nơi đây Huệ Khả đã gập được Tan Lin sau này. Tan Lin trước làm việc ở Lạc Dương, sau đến Yeh thường viết lời bình cho những bản dịch mới của kinh Phật. Sau khi gập Huệ Khả, ông chú ý đến lý giải của Bồ Đề Đạt Ma về Phật đạo và đã viết một lời bình ngắn cho bài kinh "Nhập đạo Tứ hạnh quán". Trong đó ông nói rằng Bồ Đề Đạt Ma đến từ miền nam Ấn và sau khi vào Trung quốc ngài chỉ tìm được hai đệ tử xứng đáng là Huệ Khả và Đạo Dụ. Ông cũng nói rằng Bồ Đề Đạt Ma dậy phép quán vách tường (bích quán) và bốn quán hạnh như trong bài kinh Nhập đạo đã nói.


 Nếu đây là tất cả những điều ta biết về Bồ Đề Đạt Ma, tại sao ngài lại là người nổi tiếng nhất trong hàng triệu những vị tăng đã đến truyền pháp ở Trung quốc? Đó là bởi vì ngài là người duy nhất được công nhận đã đem thiền tập vào Trung quốc. Dĩ nhiên, thiền đã được truyền dậy và thực tập hàng mấy trăm năm trước khi Bồ Đề Đạt Ma đến Trung hoa. Những điều ngài giảng về Phật pháp cũng đã được nói cách đó hàng trăm năm, như từ ngài Tao-Sheng chẳng hạn. Nhưng sự lý giải của tổ Đạt Ma về thiền thật là độc đáo. Như ngài đã nói trong những bài pháp, "Thấy tánh tức là thiền... vô tâm tức là thiền... Tất cả những gì ta làm đều là thiền..." Trong khi những người khác xem thiền là một cách thanh lọc tâm trí hay như một chặng trên con đường đi đến quả Phật, Bồ Đề Đạt Ma đã bình đẳng thiền và Phật -- và Phật với tâm, cái tâm hàng ngày của chúng ta. Thay vì bảo các đệ tử phải lo thanh lọc tâm mình, ngài chỉ thẳng vào những bức tường đá, vào những động tác của hổ và chim hạc, bằng nhánh cây rỗng băng vượt giòng sông Dương tử. Thiền của Bồ Đề Đạt Ma là thiền Đại thừa, không phải thiền Tiểu thừa -- là cây kiếm trí tuệ, không phải là cái gối tọa thiền. Cũng như các vị thầy khác, chắc chắn là ngài cũng dậy các đệ tử về giới hạnh, thiền tập, và kinh điển, nhưng ngài đã dùng cây kiếm trí tuệ mà tổ Bát Nhã Đa La đã truyền lại để chặt đứt tâm của các đệ tử khỏi những chấp kiến về giới luật, về kinh, về định. Một thanh kiếm như vậy thật khó mà nắm bắt và xử dụng được. Cho nên đó cũng không phải điều lạ, khi người kế thừa duy nhất của ngài là Huệ Khả đã chỉ còn một cánh tay.


 Nhưng sự đạt lý thiền một cách rốt ráo như vậy đã không khởi đầu từ Bồ Đề Đạt Ma hay Bát Nhã Đa La, mà ngay từ thời Đức Phật, khi Brahma, vị thiên vương của tạo vật, đã dâng lên Đức Phật một cánh hoa và xin ngài chỉ dậy về Phật pháp. Đức Phật dơ cánh hoa lên im lặng, đại chúng đều ngẩn ngơ không hiểu, duy có Ca Diếp là mỉm miệng cười. Thiền theo lối trực chỉ chân tâm đã bắt đầu từ đó. Và nó đã được truyền dậy như vậy: bằng một cành hoa, một bức tường đá, bằng một tiếng hét. Tâm truyền tâm thiền , khi được Bồ Đề Đạt Ma và những người kế vị của ngài đề ra, đã cách mạng hóa sự lý giải và tu tập đạo Phật ở Trung hoa.


 Sự lý giải như vậy không dễ gì được diễn tả tường tận nơi văn tự sách vở. Nhưng trong quyển "Cao tăng truyện" , Đạo Nguyên nói rằng những lời giảng của Bồ Đề Đạt Ma đã được ghi lại. Hầu hết các học giả đều đồng ý là bài "Nhập đạo tứ hành quán" là đích thực của ngài, nhưng về ba bài kia thì có nhiều ý kiến khác nhau. Cả ba bài giảng này vẫn được coi như của tổ Đạt Ma từ xưa nay, nhưng trong những năm gần đây một số học giả lại đưa ra rằng những bài pháp này là của những đệ tử của ngài sau này. Tỉ như, Yanagida cho rằng bài "Huyết mạch luận" là của một nhân vật thuộc phái thiền Ngưu Đầu, một hệ phái đã phát triển mạnh trong thế kỷ thứ 7 và thứ 8, và ông còn nghĩ rằng bài "Kiến tánh" là tác phẩm của phái thiền Bắc tông và bài "Phá chấp" là của Shen-hsiu, vị tổ của phái thiền Bắc tông.


 Đáng tiếc là, không có tài liệu gì có thể chứng minh hay bác bỏ được những điều đã được công nhận xưa nay. Cho đến nay, những bản sao xưa cổ nhất của những bài pháp này được truyền lại là từ đời nhà Đường (618-907), còn bản chính được lưu giữ trong văn khố Kanazawa Bunko tại Nhật bản. Nhưng cùng với sự khám phá ra hàng ngàn bản kinh Phật từ đời Đường trong hang động Đôn Hoàng từ đầu thế kỷ này, chúng ta hiện nay đã có những bản kinh của thế kỷ thứ 7 và thứ 8. Chắc chắn là những bản kinh này đã được soạn ra từ thời rất xa xưa bởi những hậu bối của Tổ Đạt Ma, nếu không phải là Huệ Khả hay đệ tử của ngài đã viết lại, cũng phải là Tan Lin. Dù gì đi nữa, nếu không có một chứng cớ gì thật vững chắc để bác bỏ, ta thấy không có lý do gì để không chấp nhận những bài kinh này là của Tổ Đạt Ma, như vẫn từng được tin tưởng từ 1200 năm nay.


 Những đệ tử của Bồ Đề Đạt Ma thật là ít ỏi, và sự truyền giáo thiền tông từ ngài để lại đã không được phát triển cho đến 200 năm sau khi ngài viên tịch. Xét về những lời giảng thật chân trực và siêu phàm của ngài về thiền, ta có thể hiểu tại sao những bài pháp này đã không được ngưỡng mộ nhiều như những lời giảng của những vị thiền sư Trung hoa. Nếu so sánh ta thấy những lời giảng của Bồ Đề Đạt Ma có vẻ vắn tắt và hơi lạ thường. Tình cờ bút giả (Red Pine) đã tìm thấy được những lời pháp này trong tập "Truyền tâm yếu" của Hoàng Bá, 12 năm trước đây. Từ đó bút giả càng ngày càng thấy thích cái lối thiền trực chỉ này, và vẫn thường tự hỏi tại sao nó không được phổ biến hơn. Nhưng dù được phổ biến hay không, bây giờ nó cũng đã tái xuất hiện nơi đây. Trước khi nó lại bị phai mờ đi trong lớp bụi của một ngôi mộ hay một thư viện nào đó, xin độc giả hãy đọc suốt những lời pháp này một vài lần và hãy tìm kiếm điều mà Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã đem đến Trung hoa, ấn chứng của tâm mình.



(Trích dịch từ quyển The Zen Teachings of Bodhidharma -Red Pine)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng