Ngộ Tánh Luận

13 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 17292)




Ngộ tánh luận



 dat_ma-hakuin-content Bản chất của Đạo là không tịch. Và tôn chỉ của người tu là lìa khỏi tướng. Kinh nói rằng: "Tịch diệt là bồ đề, bởi vì nó diệt hết mọi tướng." Phật có nghĩa là Giác. Người có được tâm giác là đạt được đạo bồ đề, cho nên gọi là phật . Kinh nói rằng: " Những ai lìa được mọi tướng tức gọi là chư phật." Phải biết rằng tướng có cái không tướng trong cái hữu tướng, điều ấy mắt thường không thể thấy được mà chỉ được nhận biết bằng trí tuệ. Ai nghe thấy mà phát lòng tin tưởng điều này là đã vào được pháp đại thừa, vượt lên trên khỏi ba cõi giới.


 Ba cõi giới không gì khác hơn là tham sân si. Vượt khỏi ba cõi giới có nghĩa là chuyển hướng tham sân si trở về giới định tuệ. Tham sân si đúng ra không có thực chất , nhưng chúng được gọi như vậy cũng bởi vì do chúng sanh mà ra. Nếu quán chiếu được tới cùng, sẽ thấy rằng bản tánh của tham sân si cũng đồng với tánh phật. Tánh phật không ở ngoài tánh của tham sân si. Kinh nói: "Chư phật từ trước tới nay vẫn thường ở nơi tam độc và từ đó nuôi dưỡng tịnh pháp cho lớn mạnh mà trở thành phật, thế tôn." Tam độc đó tức là tham sân si vậy.


 Đại thừa là pháp tối thượng thừa, vì nó là cái xe chuyển vận của chư bồ tát Nhưng đã là bồ tát thì không có gì là thừa, mà cũng không có gì là không thừa cả. Suốt ngày bồ tát hằng thừa nhưng cũng là không thừa, nên gọi là phật thừa. Vì vậy kinh nói rằng: " Vô thừa chính là phật thừa vậy."


 Người nào nhận thức được sáu căn là không thực, năm uẩn là giả dối, rằng những cái ấy tìm khắp nơi thân cũng không thể nào kiếm được ở đâu, tức là đã hiểu được ngôn ngữ của phật. Kinh nói: "Hang động của ngũ uẩn chính là thiền viện . Soi chiếu bên trong được sáng tỏ là cửa đại thừa." Còn gì rõ hơn thế nữa?


 Không nhớ không chứa chấp một pháp nào hết gọi là thiền. Biết như thế thì đi, đứng, nằm, ngồi tất cả đều là thiền. Biết tâm là không tức là đã thấy được phật. Mười phương chư phật thẩy đều vô tâm. Không thấy tâm tức là thấy phật vậy.


 Xả thân mình không chút hối tiếc là đại bố thí. Lìa hết mọi động cũng như định là đại tọa thiền. Phàm phu lúc nào cũng hướng động, hàng tiểu thừa lúc nào cũng hướng định. Nhưng đại tọa thiền là vượt lên trên cả cái động của phàm phu và cái định của tiểu thừa. Người hiểu được điều ấy không cần phải cầu mà cũng tự lìa tướng được, không cần phải trị mà bệnh cũng tự dứt trừ, đó là nhờ cái định lực của đại thiền vậy.


 Đem tâm cầu pháp thì đó là mê. Không đem tâm cầu pháp thì đó là ngộ. Không mắc vào chữ nghĩa văn tự gọi là giải thoát. Không nhiễm sáu trần gọi là hộ pháp. Rời bỏ sanh tử gọi là xuất gia. Đắc vô sanh gọi là đắc đạo. Chẳng sinh vọng tưởng gọi là niết bàn. Không ở trong vô minh gọi là đại trí tuệ. Không ở trong phiền não gọi là bát niết bàn .Tâm không thấy tướng gọi là bờ bên kia.


 Khi mê thì thấy có bờ bên này. Ngộ rồi thì không thấy bờ bên này nữa. Phàm phu đều trú ở bờ bên này. Nhưng người đã đạt tối thượng thừa thì không ở bờ bên này cũng không ở bờ bên kia. Họ lìa cả hai bờ. Còn thấy bờ bên này khác bờ bên kia tức là còn chưa hiểu được thiền vậy.


 Còn ở trong phiền não là còn chúng sanh. Giác ngộ rồi là bồ đề. Chúng sanh và bồ đề tuy không đồng là một, nhưng không khác biệt nhau. Bởi vì con người ta thường hay phân biệt mê và ngộ nên mới thấy khác. Khi mê thấy có cả một thế gian để vượt thoát ra ngoài, khi ngộ rồi, không thấy thế gian nào để thoát ra cả.


 Trong pháp bình đẳng, phàm nhân và thánh nhân đều được thấy như nhau. Kinh nói rằng: "Pháp bình đẳng là điều phàm nhân không thể nhập vào được, thánh nhân không thể hành được." Pháp này chỉ có bậc đại bồ tát và chư phật mới hành được mà thôi. Nếu có cái nhìn phân biệt sống và chết, động và tịnh khác nhau, đó tức là bất bình đẳng. Bình đẳng tức là thấy phiền não không khác với niết bàn, vì bản tánh của chúng đều là không cả. Hàng tiểu thừa thường vọng cầu đoạn dứt phiền não, vọng nhập niết bàn, nên rốt cuộc là kẹt ở nơi niết bàn. Nhưng bậc bồ tát biết phiền não bản tính là không, nên không lìa tánh không mà luôn ở trong niết bàn. Niết có nghĩa lả không sanh, Bàn có nghĩa là không tử. Vượt ngoài sanh tử gọi là bát niết bàn. Khi tâm không còn động, tức là đã nhập niết bàn. Niết bàn có nghĩa là tâm không lặng. Khi tâm dứt trừ vọng tưởng là chư phật nhập niết bàn. Khi phiền não đoạn diệt là bồ tát nhập đạo tràng.


 Chỗ không lặng là nơi không có tham, sân , si. Tham là cõi dục giới, sân là cõi sắc giới, si là cõi vô sắc giới. Một niệm sanh tức là nhập vào ba cõi giới đó. Một niệm diệt tức là ra khỏi ba cõi giới. Cho nên sự sanh và diệt của ba cõi giới, sự hiện hữu hay không hiện hữu của vạn pháp, tất cả đều do tâm mà ra. Phàm nói một pháp là cũng như phá vào những vật vô tình như gạch ngói, gỗ đá vậy.


 Nếu biết rằng tâm chỉ là giả danh, không có thực chất thì sẽ hiểu rằng tâm không phải là có mà cũng không phải là không có. Phàm nhân thường hay sanh tâm, nên chấp tâm là có. Hàng tiểu thừa thường muốn diệt tâm nên chấp tâm là không. Nhưng bậc bồ tát và chư phật thì không hề sanh tâm, cũng không hề diệt tâm. Vì vậy mới nói là "tâm chẳng phải có cũng chẳng phải không có." Cái tâm chẳng phải có cũng chẳng phải không có ấy gọi là Trung đạo.


 Nếu dùng tâm để học pháp, sẽ không hiểu được cả pháp lẫn tâm. Nếu không dùng tâm để học pháp, sẽ hiểu được cả tâm lẫn pháp. Người mê là mê ở nơi ngộ . Người ngộ là ngộ ở nơi mê. Khi không còn ở trong mê và ngộ nữa thì gọi là có chánh giác, chánh kiến.


 Có chánh kiến thì thấy rằng sắc không tự nó là sắc, bởi vì sắc do tâm mà ra. Tâm cũng không tự nó là tâm, vì tâm do sắc mà có. Sắc và tâm đều tương sanh, tương diệt lẫn nhau. Cái có là có do nơi cái không. Cái không là không do nơi cái có. Thấy như vậy mới là đúng thực. Có được cái thấy biết như vậy thì không có gì là thấy mà cũng không có gì là không thấy; thấy khắp mười phương mà cũng là không thấy: bởi vì không có gì để thấy cả, bởi vì thấy cái không thấy, bởi vì thấy không phải là thấy vậy. Cái thấy của phàm nhân là hư vọng. Cái thấy tịch diệt (cái thấy không lặng) là không có thấy, đó mới là cái thấy đúng thực.


 Tâm và cảnh là đối nhau, và từ trong cái đối đãi ấy mà cái thấy phát sinh. Nếu trong tâm chẳng khởi động thì ở ngoài làm gì có sanh cảnh. Khi tâm và cảnh đều tĩnh lặng thì đó mới là cái thấy đúng thực (chân kiến). Và khi hiểu được như vậy tức là đã có chánh kiến.


 Không thấy một pháp nào gọi là đắc đạo; không hiểu một pháp nào tức là hiểu pháp, bởi vì thấy không phải là thấy mà cũng chẳng phải là không thấy, hiểu không phải là hiểu mà cũng chẳng phải là không hiểu. Thấy cái không thấy mới là cái thấy đúng thực. Hỉểu cái không hiểu mới là cái hiểu đúng thực.


 Cái thấy đúng thực không phải là cái thấy đối đãi, mà là thấy ở nơi cái không thấy. Và cái hiểu đúng thực không phải là cái hiểu đối đãi, mà là hiểu ở nơi cái không hiểu. Nói là có cái để hiểu tức gọi là không hiểu. Không còn cái để hiểu mới đúng thực là hiểu. Hiểu chẳng phải là hiểu cũng chẳng phải là không hiểu vậy.


 Kinh nói rằng: "Không biết buông xả trí huệ tức là ngu si." Khi không chấp tâm thì hiểu hay không hiểu đều đúng cả. Chấp tâm thì hiểu hay không hiểu đều là hư vọng.


 Khi hiểu rồi thì pháp đều theo người. Khi không hiểu thì người theo pháp. Pháp theo người thì cái không pháp cũng trở thành pháp. Người theo pháp thì mọi pháp đều trở thành hư vọng. Pháp theo người thì mọi pháp đều trở thành đúng thực. Do đó mà thánh nhân không đem tâm để cầu pháp, cũng không lấy pháp để cầu tâm, hay lấy tâm để cầu tâm, lấy pháp để cầu pháp. Vì vậy mà tâm không sanh pháp, pháp không sanh tâm, tâm và pháp đều tĩnh lặng , cho nên thường được an định.


 Khi tâm chúng sanh khởi thì pháp phật diệt. Tâm chúng sanh diệt thì pháp phật sanh. Tâm sanh là chân pháp diệt. Tâm diệt là chân pháp sanh. Nếu biết được rằng mọi pháp không cái nào thuộc về nhau (không có trong đối đãi) là đã biết được đạo. Và biết rằng tâm không thuộc (không dính mắc theo) một pháp nào tức là đã thường ở nơi đạo tràng.


 Khi mê thì còn thấy tội. Hiểu rồi thì không thấy tội nữa. Đó là vì tội bản chất là không. Khi mê thì không tội cũng nhìn ra là tội. Hiểu rồi thì tội chẳng phải là tội, vì tội không tìm thấy ở nơi đâu cả. Kinh nói: "Mọi pháp đều tự nó là vô tánh", dùng pháp không nên có nghi hoặc . Nghi là thành ra có tội. Tội là sanh ra từ nghi hoặc . Khi hiểu được như vậy rồi thì những nghiệp tội trong quá khứ đều tiêu trừ. Khi mê thì sáu căn và năm ấm đều là pháp của phiền não sinh tử. Ngộ rồi thì sáu căn và năm ấm trở thành pháp niết bàn không sanh tử.


 Người tu không hướng ngoại để cầu đạo, bởi vì họ biết tâm tức là đạo. Nhưng khi đã đạt tới tâm thì thấy không có tâm nào để đạt được cả. Và khi đắc đạo rồi mới biết không có đạo nào để mà đắc. Nếu nói là có thể đem tâm ra cầu đạo, thì đó gọi là tà kiến. Khi mê thì thấy có Phật, có pháp. Ngộ rồi không còn thấy pháp, thấy Phật. Đó là bởi vì ngộ chính là pháp Phật vậy.


 Người tu đạo chỉ khi nào xả được thân mới có thể tìm được đạo, tựa như là cây tróc vỏ ra vậy. Thân thọ nghiệp này là vô thường, biến đổi theo từng sát na; nó không có cái gì nhất định cả. Hãy thường hay soi chiếu những niệm của mình. Đừng ghét sanh tử, cũng đừng yêu sanh tử. Lúc nào cũng giữ tâm niệm tỉnh thức để đừng chạy theo vọng tưởng , như vậy khi sống cũng ngộ nhập được niết bàn, mà khi chết thì được vô sanh.


 Khi mắt nhìn thấy sắc mà không bị nhiễm sắc, tai nghe thanh âm mà không bị nhiễm thanh âm, thì đó tức là giải thoát. Mắt không vướng mắc nơi sắc là cửa Thiền; tai không vướng mắc nơi thanh âm cũng là cửa Thiền. Nói tóm lại, trông sắc mà thấy được tánh của sắc và không bị nhiễm vào đó là giải thoát. Còn nếu chỉ nhìn thấy cái hình tướng bên ngoài của sắc mà vướng mắc vào đó thì sẽ bị trói buộc. Không bị phiền não trói buộc là giải thoát , và không còn có sự giải thoát nào khác. Nếu có cái nhìn đúng nơi sắc, thì sắc không làm cho tâm động, sắc không sanh tâm, tâm không sanh sắc; tâm và sắc tự nó đều thanh tịnh.


 Khi không có vọng tưởng, tâm là nước Phật. Khi vọng tưởng sanh, tâm là địa ngục. Chúng sanh tạo tác vọng tưởng, lấy tâm sanh tâm, nên thường ở trong địa ngục. Bồ tát quán sát vọng tưởng, chẳng lấy tâm sanh tâm, nên thường ở nước Phật. Nếu không lấy tâm sanh tâm, mọi tâm đều trở thành không, mọi niệm thành thanh tịnh, từ đó mà đi hết nước phật này sang nước phật khác. Còn nếu lấy tâm sanh tâm, mọi tâm đều bất tịnh, mọi niệm khởi động, từ đó mà đi hết địa ngục này sang địa ngục khác. Khi một niệm khởi lên là có nghiệp thiện nghiệp ác, có thiên đường địa ngục. Khi không có niệm khởi thì không có nghiệp thiện nghiệp ác, thiên đường hay địa ngục nữa. Thể của thiên đàng địa ngục không phải có, cũng không phải không. Phàm nhân thấy có, thánh nhân thấy không; vì tâm thánh nhân vốn không lặng, nên thường rỗng rang bao la như bầu trời.


 

Sau đây là những gì chứng được nơi hàng đại đạo trung thừa ; hàng tiểu thừa, phàm phu không thể nào có được cảnh giới như vậy.


 Khi tâm đạt niết bàn, thì không còn thấy có niết bàn nữa, vì chính niết bàn là tâm. Nếu thấy có niết bàn ở ngoài tâm, thì đó là tà kiến vậy.


 Mọi phiền não đều là hạt giống của như lai, bởi vì sự đau khổ phiền não khiến cho con người đi tìm sự hiểu biết của trí huệ. Nhưng chỉ nói rằng phiền não sanh như lai, chứ không thể nói phiền não là như lai được. Tâm thân này là ruộng điền, phiền não là hạt giống, trí huệ là cái mầm nẩy lộc, và như lai là lúa thóc thu hoạch được.


 Phật ở trong tâm giống như hương ở nơi thảo mộc. Tâm không còn phiền não thì phật hiển lộ, tựa như cây không mục nát thì hương tự phát ra. Không có hương nào ở ngoài cây , và không có phật nào ở ngoài tâm. Nếu có hương ở ngoài cây, tức đó là một hương khác. Nếu có phật nào ở ngoài tâm, tức đó là phật khác.


 Khi tam độc có trong tâm, đó gọi là quốc độ (đất) ô uế bất tịnh. Khi tam độc không có trong tâm, đó gọi là quốc độ thanh tịnh. Kinh nói: "Nếu quốc độ tràn ngập những ô uế bất tịnh thì không thể có chư phật thế tôn xuất ra từ đó được." Ô uế bất tịnh đó là vô minh và tam độc. Chư phật thế tôn đó là tâm giác ngộ thanh tịnh vậy.


 Trong mọi lời nói không có gì là không có pháp phật. Nếu không có chỗ để chấp vào thì nói suốt ngày cũng vẫn là Đạo. Còn nếu có chỗ chấp thì dù suốt ngày im lặng cũng vẫn không là Đạo. Cho nên như lai nói không phải ở nơi im lặng, im lặng không phải ở nơi nói; nói hợp với im lặng , nếu ngộ được ý nghĩa thì nói và im lặng đều ở trong tam muội (đều được chánh định). Nếu hiểu mà nói thì lời nói ấy là giải thoát. Không hiểu mà im lặng, sự im lặng cũng là ràng buộc. Cho nên lời nói mà lìa tướng thì lời nói ấy là giải thoát. Còn im lặng mà dính mắc nơi tướng thì im lặng ấy cũng là ràng buộc. Chữ nghĩa vốn là giải thoát, tự nó không ràng buộc , mà chính người ta đã đem ràng buộc vào chữ nghĩa.


 Pháp không có cao thấp. Nếu thấy có cao thấp thì không phải là pháp. Cái bè tự nó không phải là pháp. Nhưng cái bè đưa người qua sông thì đó là pháp. Dùng cái không phải pháp để độ qua sông được, thì đó là pháp vậy.


 Thế gian có nam có nữ, có người giầu kẻ nghèo. Nhưng Đạo thì không phân biệt nam nữ, giầu nghèo. Một thiên nữ ngộ đạo không cần cởi bỏ tướng nữ của mình; một xa nặc ( người đánh xe) hiểu được lý đạo cũng không cần thay đổi thân phận xa nặc. Bất luận nam hay nữ, sang hay hèn, họ đều có đồng một tướng . Thiên nữ có bỏ ra 12 năm cầu thấy tướng nữ cũng chẳng được (theo kinh Duy ma Cật), mà có bỏ ra 12 năm cầu thấy tướng nam cũng khó thành. 12 năm là tượng trưng cho thập nhị nhập (sáu căn và sáu trần).


 Lìa tâm là không có phật. Lìa phật là không có tâm. Cũng tựa như nước và băng đá vậy. Lìa nước tất không có băng đá, và lìa băng đá tất không có nước. Nói lìa tâm không có nghĩa là đi xa rời tâm, mà là không dính mắc vào tướng của tâm. Kinh nói: "Không thấy tướng tức là thấy phật", có nghĩa là lìa tướng của tâm vậy.


 Lìa tâm không có phật có nghĩa là phật phát xuất từ tâm mà ra. Tâm có thể sanh phật, nên phật theo tâm mà sanh, nhưng phật không từng sanh tâm bao giờ. Cũng giống như cá và nước, cá sanh ra từ nước, nhưng nước không sanh ra từ cá. Nếu muốn thấy cá thì phải thấy nước trước rồi mới thấy cá được. Cũng vậy, muốn thấy phật phải thấy tâm trước rồi mới thấy phật. Khi thấy cá rồi thì quên nước , cũng như thấy phật rồi quên tâm. Nếu không quên được tâm, sẽ vì tâm mà bị lầm lạc. Cũng như nếu không quên được nước, sẽ vì nước mà bị mê hoặc.


 Chúng sinh và bồ đề cũng như nước với đá băng. Bị tam độc đốt cháy gọi là chúng sanh. Giải thoát được tam độc tức là bồ đề. Mùa đông thì đóng lại thành băng, mùa hè nóng chẩy ra thành nước, tất cả là một thể giống nhau. Bỏ băng đá đi sẽ không còn nước. Bỏ chúng sanh sẽ không còn bồ đề. Tánh của băng đá chính là tánh của nước, cũng như tánh của chúng sanh chính là tánh bồ đề. Chúng sanh và bồ đề đều cùng chung một tánh, không khác gì ô đầu và phụ tử (2 vị thuốc) đều cùng chung một rễ mà ra, nhưng vì do thời tiết mà có khác biệt với nhau. Vì mê ở trong cảnh khác với ngộ nên mới gọi là chúng sanh và bồ đề. Một con rắn hóa rồng không cần phải thay vẩy, cũng vậy, phàm trở thành thánh cũng không đổi mặt, mà nhờ trí huệ bên trong chiếu soi nên tâm được sáng tỏ, mà thân thì tự đã giữ giới. 


 Chúng sanh độ phật và phật độ chúng sanh, đó là bình đẳng. Chúng sanh độ phật bởi vì phiền não khiến con người sinh ra giác ngộ. Phật độ chúng sanh vì giác ngộ làm tiêu trừ phiền não. Nếu không có phiền não thì không có gì để làm giác ngộ sanh được. Cũng như không có giác ngộ thì không có gì làm tiêu trừ phiền não. Khi mê thì phật độ chúng sanh. Khi ngộ thì chúng sanh độ phật. Phật không phải tự thành được, mà do chúng sanh độ mà ra. Phật xem vô minh là cha, tham ái là mẹ. Vô minh và tham ái là tên gọi khác của chúng sanh mà thôi. Chúng sanh và vô minh cũng như cánh tay phải và cánh tay trái vậy, không có gì khác.


 Khi mê thì ở bờ bên này. Ngộ rồi thì ở bờ bên kia. Nhưng khi đã biết tâm là không thì không còn thấy tướng, ra khỏi cả mê lẫn ngộ. Và khi đã ra khỏi mê lẫn ngộ rồi thì không còn bờ bên kia nữa. Như Lai không ở bờ bên này, cũng không ở bờ bên kia, và cũng không ở giữa giòng. Hàng tiểu thừa là ở giữa giòng; phàm phu là ở bờ bên này, và bồ tát là ở bờ bên kia vậy.


 Phật có ba thân: hóa thân, báo thân và pháp thân. Hóa thân cũng gọi là ứng thân. Khi chúng sanh tạo những việc lành thì hóa thân hiện; khi tu trí huệ thì báo thân hiện, và khi giác ngộ vô vi thì pháp thân hiện. Bay khắp mười phương, tùy nghi mà cứu độ chúng sinh là hóa thân vậy. Dứt trừ nghi hoặc, thành đạo nơi núi tuyết là báo thân vậy. Không nói, không làm, không được, yên lặng thường trụ là pháp thân vậy. Nhưng xét cho cùng thì một phật cũng còn không có, huống hồ là ba . Nói đến ba thân phật là dựa vào cái trí con người có thượng, trung và hạ căn. Kẻ hạ trí chỉ vọng cầu lấy phước, chỉ mong thấy được hóa thân phật. Kẻ trung trí vọng cầu dứt đoạn phiền não, chỉ mong thấy được báo thân phật. Người thượng trí vọng chứng bồ đề, mong thấy pháp thân phật. Người thượng thượng trí bên trong sáng tỏ vắng lặng, tâm sáng tức là phật, không đợi tâm mà phật quả vẫn thành. Mới biết ba thân cũng như mọi pháp khác, đều không lấy được, cũng không thể nói ra được; đó tức là tâm giải thoát rồi thì tự thành đại đạo. Kinh nói: "Phật không thuyết pháp, không độ chúng sanh, và cũng chẳng chứng bồ đề," tức là ý nghĩa đó vậy .


 Chúng sanh tạo nghiệp, nghiệp lại dẫn chúng sanh. Kiếp này tạo nghiệp, kiếp sau thọ báo, chẳng thể nào thoát khỏi được. Chỉ có người đã đạt được sự hiểu biết tuy còn ở trong thân này nhưng không tạo nghiệp nên không phải thọ báo. Kinh nói: "Không tạo nghiệp thì tự nhiên được đạo", đó không phải là lời nói rỗng vậy. Người tạo ra nghiệp nhưng nghiệp không hay tạo ra người. Khi tạo ra nghiệp rồi thì sẽ sinh ra cùng với nghiệp. Nếu không tạo nghiệp thì nghiệp với người cũng tiêu diệt. Cho nên, nghiệp do người tạo, người do nghiệp mà sanh . Nếu người không tạo nghiệp, tức nghiệp không do đó mà sanh người. Cũng như thế, "người có thể làm lớn đạo, đạo không thể làm lớn người".


 Phàm phu không ngừng tạo nghiệp, lại còn nói càn là không có nghiệp báo. Nhưng họ có thể chối bỏ được sự đau khổ không? Tâm trước tạo, tâm sau báo, điều ấy có lúc nào mà thoát được ? Nếu tâm trước không tạo, thì tâm sau không báo, làm sao còn thấy nghiệp báo được? Kinh nói: "Tin là có phật, nhưng lại nói rằng phật khổ hạnh, thì đó là tà kiến. Còn nếu tin có phật, nhưng nói phật thọ báo nên được giầu hay nghèo, thì đó là xiển đề, không thể có chánh tín."


 Người hiểu được pháp của thánh gọi là thánh nhân. Người hiểu pháp phàm gọi là phàm nhân. Phàm phu bỏ pháp phàm mà theo được pháp thánh thì đó là phàm phu thành thánh nhân vậy. Nhưng những kẻ ngu si chỉ muốn cầu thánh nhân ở những nơi xa xôi, họ không tin rằng cái tâm hiểu biết nơi chính họ là thánh nhân vậy. Kinh nói: " Đối với người vô tri, đừng nói kinh này." Lại nói, "Tâm tức là pháp vậy." Người vô tri không tin ở nơi tâm họ, không tin rằng hiểu pháp này sẽ làm cho họ trở thành thánh nhân được, mà chỉ vọng cầu xa xôi , tìm học ở ngoài, ái mộ những hình tượng phật trống rỗng, với ánh sáng hào quang, hương sắc đủ loại, vì vậy mà dễ đọa vào nơi tà kiến, mất tâm cuồng trí.


 Kinh nói: "Nếu thấy mọi tướng không phải là tướng, tức là đã thấy được như lai." Tám vạn bốn ngàn pháp môn thẩy đều từ do tâm mà ra. Nếu trong tâm tướng tĩnh lặng, giống như hư không, tức là đã ra khỏi được tám vạn bốn ngàn phiền não trong tâm thân.


 Bệnh tật vốn là do khổ não mà ra. Phàm phu đang sống thì sợ chết, đang no thì lo đói, đó là đại mê hoặc. Cho nên thánh nhân không ngẫm đến việc trước , chẳng lo đến việc sau, cũng không vướng mắc đến việc hiện tại, mọi niệm đều trở về đạo. Nếu chưa ngộ được lý đạo, hãy mau tìm thiện tri thức nơi cõi trời người, đừng để mất lỡ cả hai đường.

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng