CÓ MỘT DÒNG SÔNG - Phùng Quân

03 Tháng Mười 201612:00 SA(Xem: 24363)



song_nuoc_hue



CÓ MỘT DÒNG SÔNG

 

Có một dòng sông cũng thế này

Đầu ghềnh thương nhớ kẻ chân mây

Sông Thương nước chảy đôi dòng ấy

Đồng ẩm nên chi chẳng có ngày !



PHÙNG QUÂN




▪ Sông Thương bắt nguồn từ dãy núi Na Pa Phước huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, và chảy vào địa phận tỉnh Bắc Giang. Sông Thương có các nhánh lưu vực sông lớn là sông Sỏi, sông Máng và sông Sim. Sông Sim bắt nguồn từ Thái Nguyên đến xã Đa Mai thì hợp lưu với dòng sông Thương. Nước sông Thương vốn trong xanh, nay có dòng nước đục thêm vào, thành ra sông có hai dòng chảy song song, một bên trong, một bên đục. Do đó hiện tượng này có thể nhìn thấy được tới thành phố Bắc Giang.

 

Thời phong kiến khi quan, quân lên trấn ải biên thùy Lạng Sơn thì gia quyến của họ được phép tiễn đưa đến con sông này, người đi xa, kẻ ở lại chia tay nhau ở đây thật là thương cảm, nên từ đó con sông này được gọi là sông Thương.

 

 

▪ Sông Thương trong Văn học và Âm nhạc:

 

Lướt theo chiều gió một con thuyền. Theo trăng trong trôi trên sông Thương. Nước chảy đôi dòng biết đâu bờ bến. Thuyền ơi thuyền trôi nơi đâu. Trên con sông Thương nào ai biết nông sâu? (Con Thuyền Không Bến - Đặng Thế Phong)

 

Sông Thương ơi nước chảy đôi ba dòng

Anh về Hà Nội một lòng, lòng yêu em. (Trường ca Con Đường Cái Quan - Phạm Duy)

 

Sông Thương nước chảy đôi dòng.

Bên trong bên đục em trông bên nào? (Ca dao)

 

▪ Theo sự nhận xét của nhà văn Toan Ánh thì chuyện "Sông Thương nước chảy đôi dòng" là có thật! Đó chẳng qua là hiện tượng nhập giang của con sông Sim với dòng sông Thương. Nước của cánh đồng chiêm, đục đầy phù sa, gặp nước sông Thương trong xanh, hai dòng nước không hòa lẫn với nhau ở một đoạn khá dài. Hiện tượng này, ngày nay không còn nữa và sự phân ly của người xưa đã hết, nhưng con sông Thương đã chảy vào lòng người, những tâm tình tràn ngập phù sa thương nhớ.


 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thieu_nu_ngam_hoa_sen