CHUYẾN ĐI RA NGOẠI THÀNH - Diệu Huyền

21 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 144797)

Mấy ngàn năm trước đây…


Chuyến đi ra ngoại thành của một vị thái tử quen sống trong tháp ngà nhung lụa với tuổi trẻ, sắc đẹp và dục lạc tràn đầy đã là một cơ duyên thức tỉnh, làm thay đổi cả một cuộc đời, một dòng họ và cả một thế giới cho đến ngày nay. Chuyến đi ấy là một cuộc vượt thoát ra ngoài cái vỏ ốc yên ấm xưa nay để đối diện với những sự thật phũ phàng nhưng không tránh khỏi của đời sống: sanh, lão, bệnh, tử.


Sanh lão bệnh tử là chuyện bình thường, ai cũng biết và chấp nhận như một định mệnh an bài không thể thoát được, nhưng khi nó đến thì sợ hãi, đau khổ tột cùng, tưởng như không còn gì có thể đáng sợ hơn thế được. Nhưng Tất Đạt Đa đã không chấp nhận định mệnh an bài đó, mà quyết chí tìm một lối đi vượt ra ngoài sanh tử, và theo bước chân ngài, hàng triệu người đã đi theo, tìm sự giải thoát cho chính mình.


“Sanh tử là đại sự”, là việc chính mà những người tu theo Phật phải tự nhắc nhở, phải tìm cách vượt qua, bởi vì thế sự như phù vân, tất cả những gì đến trong đời, thành hay bại, sướng hay khổ đều qua đi như giấc mộng, và trước sau gì con người cũng phải tự đối diện với cái già, cái bệnh và cái chết của chính mình. Nhưng dường như hầu hết chúng ta đều quen sống trong một hoàng thành ảo vọng của riêng mình, tự ru ngủ với những hạnh phúc hiện tại trong hấp lực của tiền tình danh vọng, để chỉ thấy những sự khổ trên đời như những gì cách biệt và xa vời chưa phải đối phó đến. Khác với chúng ta, Tất Đạt Đa khi nhìn thấy cái già, cái bệnh và cái chết của người khác đã xem đó như của chính mình, và sợ hãi như chính mình đang phải trải qua những cảnh khổ đó, dù đang có trong tay tất cả những gì đẹp đẽ nhất trên đời. Đó là sự khác biệt đầu tiên và căn bản giữa chúng ta với Tất Đạt Đa, đưa đến sự khác biệt giữa chúng sanh và Phật.


Có những cơ duyên đưa đến khiến ta đối diện với những cảnh khổ của người khác, và không khỏi tự nghĩ đến thân phận của chính mình. Một trong những thực tại phổ biến hiện nay là những nhà dưỡng lão, mà rất nhiều bậc cha mẹ của chúng ta đã phải vào trong đó để sống những ngày cuối cùng trong đời.


Cuối tuần vừa qua tôi đã có dịp đến thăm mẹ một người bạn hiện đang nằm trong một viện dưỡng lão. Đây không phải là lần đầu tiên tôi đến viện dưỡng lão này, nhưng mỗi lần đến những ấn tượng ban đầu đều trở lại, phải chăng vì chúng lại được dịp nổi lên từ những lớp vỏ chôn vùi trong ý thức. Trời Cali đang ở giữa mùa xuân, nắng chiếu chan hòa lên cảnh sắc xanh tươi tràn đầy sức sống, nhưng mùa xuân chỉ có ở ngoài, mà dường như đã chấm dứt khi vào đến bên trong. Cái gì đã đưa người ta đến những cảnh khổ này? Phải chăng là do nghiệp? Nhưng nghiệp từ đâu tới? Chắc chắn là phải do một quá trình lâu dài tích lũy từ lối sống, lối suy nghĩ của cả một đời, hay từ nhiều đời trước nữa.


Vài năm trước đây, tôi đi xem một cuộc triển lãm đặc biệt gọi là “Thế giới sắc thân” (The body world), sáng kiến của một vị bác sĩ người Đức, triển lãm hơn 300 xác người được ướp khô theo phương pháp “plastination” và được tái tạo lại như những con người đang sống trong những tư thế hoạt động của đời thường. Cuộc triển lãm này cho ta một cái nhìn rõ ràng và xác thực về cơ thể con người, cũng như những ảnh hưởng của các chứng bệnh lên những cơ phận chính trong thân. Quả thật sắc thân con người là cả một thế giới, một vũ trụ kỳ diệu, với những trật tự và quy luật nhất định, không khác gì vũ trụ bên ngoài chúng ta đang sống. Những yếu tố căn bản cấu tạo nên sắc thân như đất, nước, gió, lửa cũng là những yếu tố cấu tạo nên vũ trụ. Sự bất quân bình của những yếu tố này là nguyên nhân gây ra bệnh.


Quan niệm của đạo Phật cho bệnh là do nghiệp, và nghiệp là do vọng tưởng mà tạo thành. Yếu tố tinh thần có ảnh hưởng trực tiếp đến vật chất trong sự tương quan mật thiết giữa thân và tâm. Nếu biết thúc thủ thân tâm, sống điều hòa theo quy luật của thiên nhiên, không bị lôi cuốn theo những vọng tưởng chao đảo, thân và tâm sẽ được quân bình, an ổn. Ngoại trừ những khuyết tật bẩm sinh, con người thường được sinh ra trong một thân thể hoàn hảo như nhau, nhưng rồi hầu hết đều chiêu vào những tật bệnh khác nhau, phải chăng vì không biết sống ý thức đến thân và tâm mình mà quen đổ vào đó những thứ độc hại, vật chất cũng như tinh thần, từ năm này qua năm khác? “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, ai cũng biết vậy nhưng rồi vẫn bỏ qua, tựa như biết quả đến mà vẫn tiếp tục gieo nhân vậy. Sanh lão bệnh tử là một quá trình, nhưng rất nhiều khi cái tử và cái bệnh lại đến trước cái già, đó cũng là một đau khổ cho con người.


Cuộc triển lãm “Thế giới sắc thân” này cũng cho tôi những cảm nghĩ đặc biệt về sự sống. Những xác người được tái tạo lại và triển lãm trong những tư thế hoạt động, nhưng họ chỉ là những bức tượng, không có sự sống trong đó. Con người sống trong sắc thân, nhưng sự sống không phải từ sắc thân mà có, mà chính sắc thân đã do sự sống tạo thành. Sự sống là sinh khí tỏa ra từ một con người, qua những cử chỉ, lời nói, ánh mắt, nụ cười. Sự sống là nguồn năng lượng cho người ta hoạt động, đi đứng nằm ngồi. Những người đã từng sống trước đây, bây giờ xác còn đó, nhưng họ ở đâu? Xác thân chỉ là vật chất, khi hoại diệt chỉ như đồ phế thải, và cùng với sự hoại diệt đó là sự tan rã của một con người cá biệt với ý thức mãnh liệt về một cái Ngã. Nhưng dù con người ấy đã tan rã, sự sống vẫn tiếp tục, như vũ trụ vẫn tiếp tục từ vô thủy, vô chung.


Người mẹ của bạn tôi nay không còn là người mẹ trước đây tôi thường biết đến nữa, cụ đã trở thành một người khác, không còn nhận ra con của chính mình. Sự sống vẫn còn trong hơi thở, trong nhịp tim nhưng con người quá khứ ấy đã gần như mất hút, đã qua đi nửa đường bên bờ sinh tử. Thế thì ai là người đang ở trong thân xác đang thở, đang sống này?


Kinh Bát Nhã nói ngũ uẩn với sắc thọ tưởng hành thức (con người trong sự phối hợp của xác thân, cảm nghĩ và ý thức) bản chất vốn là Không. Không là thường hằng, bất biến, còn những gì do duyên hợp đều sẽ tan rã. Con người duyên hợp trong hình tướng, khí chất và hoàn cảnh hiện nay rồi sẽ tan rã , nhưng sự sống vẫn tiếp tục và chuyển biến mãi mãi trong cái Không vô biên vô tận. Chúng ta quen sống với ngũ uẩn, tự cho đó là con người thực sự của chính mình, nên hay bị chi phối bởi những gì đến với ngũ uẩn. Nhưng con người thực sự của chúng ta không có thân, không có tướng, cũng được gọi là Pháp thân, và biểu hiện qua sự thấy biết thuần tuý, sáng suốt của trực giác. Nếu biết nhận ra và an trú nơi tướng Không thường hằng của con người thực sự ấy, thì tâm sẽ an định, dứt đoạn phiền não, có thể làm chủ và vượt lên được sự sanh tử của chính mình, bởi vì theo trong kinh Bát Nhã “trong tướng Không không có ngũ uẩn (sắc thọ tưởng hành thức), không có sáu căn (mắt tai mũi lưỡi thân ý), không có sáu trần (sắc thanh hương vị xúc pháp) và sáu thức giới (từ nhãn giới cho đến ý thức giới), không có vô minh nên không có dứt vô minh, không có lão tử nên không có dứt lão tử”.


Xưa kia trong 49 ngày ngồi thiền, Tất Đạt Đa đã chiến đấu với những tấn công của ma lực, với những cám dỗ sắc dục nhằm khêu gợi những vọng tưởng điên đảo trong ý thức. Ma lực đó đã bị phá tan khi ngài vượt qua được lớp vỏ của ngũ uẩn để quán thấy “Tất cả pháp hữu vi đều như mộng huyễn, như bọt nổi, như ánh chớp, như sương sa,” và an trụ nơi “chỗ không trụ” để đạt tới một tâm bất động, kiên cố như kim cương bất hoại. Tất Đạt Đa đã ra ngoài khuôn viên của hoàng thành để nhìn thấy thực tại và tìm được lối thoát trong trí tuệ Bát Nhã thấu suốt, quang minh. Bài học đó, con đường đó đã được chỉ bầy lại và lưu truyền cho đến ngàn sau. Khi nào chúng ta mới bắt đầu đi ra khỏi hoàng thành của mình được để đối diện với thực tại và nối gót ngài tìm sự giải thoát trong sự sống bất sinh bất diệt?


Diệu Huyền


M
ùa Phật Đản 2008, Phật lịch 2552

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc