Mẹ tôi mất đầu mùa đông năm ngoái sau 91 năm lận-đận với bao nhiêu dâu bìển đời người, sau hàng vạn ngày đêm trăn-trở dùng hai bàn tay trắng gánh 11 đứa con không chỉ cơm áo sách đèn mà còn biết bao vấn- đề lớn nhỏ hàng ngày, sau hai lượt di-cư đổi đời chưa một lần được quay về quê cũ…
Cô em út ở thăm
nom Mẹ gần hai năm qua cuống-quít báo tin dữ, “Chị ơi Mẹ mới mất cách
đây mấy phút. Em đang ngồi bên giường, tưởng
Mẹ ngủ mà quay sang hỏi chuyện mới biết Mẹ đã đi rồi!!”
Tin dữ lọt
giữa hàng trăm messages dân tỉnh gọi cho tôi về một dự-án lớn trên trăm triệu mỹ-kim
xây cất một khách-sạn bên hồ khiến Hội- Đồng Tỉnh rối-rắm họp hàng tháng, nhiều
khi qua đêm mà vẫn chưa ngã-ngũ. Lại thêm
mấy trận bão tuyết mịt-mù bọc kín năm sáu tiểu-bang, đóng cửa vô-số phi-trường
không cho tôi có một lối ra. Lễ hỏa-thiêu
tiến-hành khi máy bay tôi còn đang lơ-lửng bên trời Tây Bắc. Tôi bồi-hồi nhớ lời Mẹ dặn từ mùa Hè năm trước, “Thôi đừng lo
ma to cỗ lớn cho Mẹ làm gì, bè -bạn, họ-hàng nhà mình chẳng còn bao nhiêu mình
đừng phiền tới ai. Con hỏa-thiêu rồi nhớ
thả tro mẹ trên sông nước, bên Việt-Nam hay ở Mỹ cũng thế, đâu đâu rồi cũng là
nhà Mẹ cả..”.
Tôi ôm tro Mẹ gửi gấm Chùa Bảo-Quang, nơi Hòa-Thượng Quảng-Thanh và Đại-Đức Thích Nhuận-Hùng ân-cần hoan-hỉ , mở cửa từ-bi đón Mẹ tôi rồi hàng tuần tiếp-tục cầu-siêu hộ-niệm cho linh-hương bà sớm được vãn-sinh.
Thấm thoắt đã
tới mùa Vu-lan, tôi vội-vàng thu-xếp việc Tỉnh, việc nhà đâu vào đấy để mau lái
xe xuống Ca-li theo chân các Hòa-thượng đi rải tro Mẹ ngoài Biền Đông cho trọn
lời hứa làm tròn ý-nguyện cuối cùng của Mẹ tôi.
Đưòng xa muôn dặm thăm-thẳm đêm nghỉ ngày đi. Tôi bùi-ngùi ngắm phong-cảnh dọc đường, hết đồng xanh bát-ngát qua rừng-rậm ngút-ngàn, hàng hàng lớp lớp núi cao rồi xuống lũng sâu, xe bon-bon, tưởng chừng không bao giờ đứng lại. Tôi nghĩ đến những người khai-quốc đã nằm xuống, chân cứng đá mềm chế-ngự thiên-nhiên để dựng nên một siêu cường-quốc với mọi tiện-nghi làm bờ bến cuối cho gia-đình tôi ngày nay.
Tôi nghĩ đến Mẹ suốt bao nhiêu năm quên mình vì con, hai sương một nắng với một gánh quá nặng chẳng ai có thể cất-nhắc phần nào. Những lần Mẹ vội-vàng ăn đứng ăn ngồi, lùa vội chén cơm nguội chan nước trà hay vài thìa sữa đặc cũng xong, chẳng bao giờ muốn bày vẽ làm phiền rộn ai, đến phút cuối cũng đinh-ninh, “Ơn ai một chút chẳng quên, phiền ai một chút để bên dạ này.” Không cần mài dũa mà vô-tình tôi cũng theo tính Mẹ, làm được gì cho ai chẳng bao giờ nỡ từ chối hay ngại công tiếc của nhưng nếu bất-đắc-dĩ phải nhờ ai chuyện gì tôi lại vô-cùng ngại-ngần, áy-náy.
Mẹ mất rồi, suốt đời không tròn mong ước được một lần nhìn các con chung một bữa ăn gia-đình có đủ mặt mọi người. 11 anh chị em tôi mỗi ngày một xa, mỗi người riêng một hướng đời… mới ngày nào còn chung chiếu chung giường, chung bàn chung ghế mà phút chốc đã ra ngàn trùng chằng nhìn thấy mặt, nhắc tên...tưởng đã như là người cõi khác! Mẹ mất rồi, sợi giây mong-manh cuối-cùng níu-kéo thân-tình cũng dứt. Mẹ đóng góp các con cho Đời nhưng chẳng hề đòi hỏi, ràng buộc chúng tôi theo một điều gì. Như 11 mũi tên được bắn đi khắp ngả từ một cánh cung, anh chị em tôi lao về phía trước theo từng định-mệnh và sự chọn lựa riêng, chẳng ảnh-hưởng và cũng chẳng ràng buộc gì nhau..
Từ sáng sớm nhiều gia-đình đã tụ-tập trước sân chùa Bảo-Quang rồi qua bến lên tàu ra biển làm lễ cầu-siêu & thủy-táng cho thân-nhân. Chị em tôi và hai người bạn chí-thân kết các đóa hồng trắng xen kẽ những bông cúc vàng lên chiếc giỏ tre Hoà-Thượng đã dành cho rồi thắt thêm sợi dây như một cuống rốn nối các thâm-tình một lần cuối.
Thuyền bập-bềnh lướt sóng ra khơi giữa những hồi kinh văng-vẳng trên sóng nước. Ngồi không vững trên mặt ghế cứng, tôi chóng mặt bợn dạ với mùi xăng bốc lên từ máy tầu. Mới chỉ vài giờ đi tàu mà tôi đã ngắc-ngư thế này thì thương biết bao những đồng-bào già trẻ, người bụng mang dạ chửa, lưng cõng con thơ tay dắt mẹ già làm sao chịu nổi những ngọn sóng ba-đào qua biết bao nhiêu ngày điêu-linh, dập-dềnh trên sóng nước?! Tôi ngậm-ngùi xót-xa những bè-bạn, thâm-tình đã bỏ mình đáy nước trong những chuyến vượt biển đi tìm tự-do khi toàn thế-giới chứng-kiến với sự thương cảm đầy ngưỡng-mộ.
Lời kinh hộ-niệm càng lúc càng tha-thiết, các phụ-tế xôn-xao bước đến mạn thuyền thả dần những tế-vật xuống biển cho những vong-hồn trong sóng nước đang nương theo ánh sáng đưa đường ra khỏi chốn u-minh để tìm về bến Giác. Giá tôi là một oan-hồn uổng tử chắc cũng không ao-ước gì hơn được nghe hồi chuông cảnh-tỉnh này.
Lúc vội-vã
theo chân Thầy bước xuống thuyền bất-ngờ một thiếu-phụ níu áo tôi khẩn-khoản nài,
“ Chị ơi, nhờ chị làm ơn thả dùm tro này xuống biển dùm chồng em. Anh ấy chết đã hai năm mà em không có vé xuống
tàu, xin chị giúp cho em với..” Ngỡ-ngàng tôi chưa kịp phản-ứng thì chị ta đã
đặt vào tay tôi một gói tròn bằng quả bưởi rồi đẩy vội tôi theo giòng người đang
hăm-hở bước đi.
Nhìn mặt nước
lênh-đênh tôi nghĩ đến Mẹ hơn 35 năm trước cầm giấy tờ di-tản trong tay ngày ngày
đứng xếp hàng đợi chờ trong tuyệt-vọng trước Toà Đại-Sứ Mỹ rồi phút cuối can-đảm
hối-hả dắt con cháu tìm đường vượt bìển. Chịu đựng ba tuần-lễ lênh-đênh trên sóng đại-dương dù chưa hề biết bơi,
lại thêm hơn nửa năm mòn-mỏi đợi chờ trong trại tị-nạn Mẹ vẫn vững một lòng tin
sẽ có một ngày gia-đình lại đoàn-viên bên bờ bến tự-do. Biết bao gia-đình vượt sóng cả nhờ sự lèo-lái
của những bà mẹ Việt quả-cảm như Mẹ tôi?
Giờ đây cũng trong lòng Thái Bình Dương mênh-mông tôi trả dấu vết cuối của Mẹ về lại cội nguồn nguyên-thủy. Nước mắt chan-hòa tôi rưng-rưng cầu Phật Di-Đà đưa linh-hương Mẹ về cõi Cực-Lạc. Tôi nhớ vài lần Mẹ than quá mỏi-mệt, chỉ ước-ao được ngả lưng rồi ngủ luôn không bao giờ còn phải trở dậy đối-diện thêm một ngày mai cực-nhọc nữa. Bây giờ là lúc Mẹ được an-giấc ngàn thu, ru trong tiếng đại-dương rạt-rào không bờ-bến. Từ đây Mẹ ở khắp quanh tôi trong ánh trăng vằng-vặc và muôn vạn vì sao lung-linh, trong tiếng gió vi-vu, trên muôn màu hoa lá xinh tươi qua suốt mọi mùa..
Những lần về thăm xưa tôi vẫn biết mình chưa đến nơi thì suốt ngày Mẹ ra vào mong ngóng. Mỗi lượt chia tay lòng đau như cắt tôi không dám quay lại nhìn mắt Mẹ đăm-đắm trông theo vì biết Mẹ như chiếc lá vàng hiu-hắt trên cành, có chắc đâu còn một lần gặp nữa. Mẹ dặn, “Hễ đến nơi dù khuya thế nào cũng gọi cho Mẹ biết con về đến nhà bình-an. Có đặt chân xuống đất mẹ mới an-lòng chứ con còn bay trên trời lòng mẹ bồi-hồi cũng chẳng làm sao ngủ được”. Tôi nhói lòng từ đây sẽ chẳng bao giờ còn được gọi Mẹ để báo tin mình đã đi đến nơi về đến chốn.. trên đời này sẽ chẳng còn ai lo tôi chưa về đến nơi bình-an.
Các Hòa-Thượng dẫn-giảng rồi ân-cần tiếp-tay chúc phước cho mọi gia-đình tiễn thân-nhân lần cuối. Tôi ngóng theo chiếc giỏ tro Mẹ dần dần trôi xa bập-bềnh trên sóng nước cùng sợi dây lúc chìm lúc nổi như thắt nỗi xót-xa đang nghẹn-ngào trong lồng ngực thổn-thức của kẻ mồ-côi. Thong-thả tôi buông gói tro người đàn-bà gửi-gấm xuống lòng biển, lặng nhìn nước mở lòng đón nhận từng lớp tro từ-từ tan như bụi phấn trắng loãng dần rồi tan-biến không để lại một vết tích gì. Lòng tôi bâng-khuâng thầm hỏi người đàn ông này là ai ? Anh đã chết như thế nào? Duyên- cớ nào khiến tôi thành người đưa tiễn và chứng-kiến chuyến đi cuối của một người tôi không hề biết mặt biết tên ? Tôi chân-thành cầu chúc anh được vĩnh-viễn thoát cõi trầm-luân để đến một nơi an-lạc hơn.
Thuyền đã về lại bến, mọi người lục-tục lên bờ. Tôi tạ-ơn quý Hòa-Thượng đã mở lượng từ-bi chẳng quản vất-vả nhọc-nhằn tạo cơ-hội phúc-đức cho rất nhiều gia-đình và vong-linh không thể tự mình thực-hiện được chuyến đi vô-vàn phước-hạnh hôm nay. Chùa Bảo-Quang khởi-xướng công-đức đầy ý-nghĩa này đã hơn 15 năm qua. Tôi ước mong truyền-thống này sẽ được mãi mãi tiếp-tục để muôn nhà có hoàn-cảnh làm được điều tương-tự như tôi hôm nay: trọn vẹn ước nguyện của ngưởi quá-cố đồng-thời suy ngẫm sự vô-thường của vũ-trụ chung-quanh.
Tôi bước đi thấy lòng thênh-thang trống rỗng nhưng cũng nhận ra một hướng đi mới cho đời mình. Mẹ tuy xa xôi nhưng lại rất gần. Mẹ đã rửa sạch nợ đời nhẹ-nhàng trút bỏ cái xác phàm không còn cần-thiết. Tôi không nhìn thấy Mẹ nhưng cảm-nhận được Mẹ khắp quanh mình, gần-gụi hơn bao giờ hết. Bóng tôi lồng bóng Mẹ, trong tim trong óc tôi tràn đầy tâm-huyết Mẹ. Như muôn vạn giòng nước chảy ra biển khơi hồn tôi rộn-ràng khai muôn con lạch mới… còn biết bao nhiêu điều tốt-đẹp Mẹ chưa thực-hiện thì tôi sẽ nối bước tiếp-tục dâng-hiến cho Đời và cho người.. Chúng sẽ là những món quà cho Mẹ vui trong một cõi xa xăm nào đó, những điều lành tôi quyết thực-hiện sẽ là các lễ vật thiêng-liêng tôi dâng trước Phật đài.
Viết tạ ơn Chùa Bảo-Quang & Liên-Hoa cùng công-đức từ-bi hỉ-xả của quý Hòa-Thượng Thích Chơn-Thành, Thích Quảng-Thanh, Đại-Đức Thích Nhuận-Hùng và hai hảo bằng-hữu Lê Ngọc Bảo & Tôn-Nữ Ngộ-Khê.
Nam Cali Mùa Vu-Lan Báo Hiếu 2010
Phạm Bích Thủy