PHÚ SĨ TRONG TÔI - Ngọc Bảo

07 Tháng Bảy 201312:00 SA(Xem: 85301)




PHÚ SĨ TRONG TÔI




japan-taiwan-korea_129-content Tôi đến Kawaguchi-ko lúc trời vừa tối. Trước đó, trên quãng đường dài từ Yokohama, tôi đã nhìn thấy núi Phú Sĩ trong buổi hoàng hôn. Nắng chiều rọi xuyên qua làn mây bay vật vờ trên đỉnh núi Phú Sĩ, phản chiếu lên khung cửa sổ của xe bus làm tôi chóa mắt. Rồi bỗng nhiên, mặt trời hiện ra như một vừng đỏ rực rỡ ngay trên đầu núi. Một cảnh tượng thật huy hoàng nhưng cũng thật cô tịch, vì chung quanh chẳng có bóng người. Xe bus vẫn vô tình chạy vùn vụt cho mau về đến địa điểm buổi tối. Trong tôi tràn dâng một niềm cảm xúc khó tả - như gặp lại một người thân sau bao năm cách biệt, một người thân nhưng chưa bao giờ có dịp nói với nhau một lời thân thương.



 Nhiều chục năm trước đây, tôi đã đến núi Phú Sĩ theo chuyến đi chơi của hội sinh viên Việt Nam tại Nhật. Lúc ấy tôi mới vừa chân ướt chân ráo qua Nhật , còn rất nhiều bỡ ngỡ trước đời sống mới lạ. Tôi chưa thể cảm nhận được vẻ đẹp huy hoàng của núi Phú Sĩ, nhất là khi đến nơi trời mưa tuyết mịt mù, khiến không thể thấy được đỉnh núi. Người Nhật có câu nói, phải có duyên mới thấy được núi Phú Sĩ. Phải chăng vì tôi không có duyên với nước Nhật, nên đã đến tận nơi mà không thấy được núi Phú Sĩ, và sau lần đó, tôi cũng chẳng có lần nào đi núi Phú Sĩ nữa.



 Nhật Bản đối với tôi, từ lúc đầu cho đến bây giờ mãi mãi chỉ là một giấc mơ. Giấc mơ khởi đầu từ thuở còn thơ, qua những cuốn phim Nhật thần thoại hay samurai thu hút trí tưởng tượng của tôi, rồi đến những phim tình cảm xã hội khi bắt đầu lớn một chút, với những tài tử như Toshiro Mifune, Fujiko Yamamoto, Hiroshi Kawaguchi v.v.. Giấc mơ tiếp tục qua những buổi học Nhật ngữ ở Trung Tâm Văn Hóa Nhật trong năm cuối cùng trung học, với ông thầy Nhật điển trai lịch sự, mà tôi vẫn chịu khó mỗi tuần hai lần đi bộ từ nhà ở Tân Định đến con đường vắng vẻ gần trung tâm Saigon. Và giấc mơ trở thành hiện thực khi tôi bước chân qua Nhật du học. Nhưng khi giấc mơ trở thành hiện thực thì không còn là giấc mơ với những ảo tưởng đẹp đẽ, mà là đời sống hàng ngày với những thói quen thường nhật, những vấn đề phải đối phó, những lúc thăng trầm trong cảm xúc hỷ nộ ái ố của hạnh phúc và buồn đau, hi vọng và thất vọng. Tuy nhiên, ngay cả những lúc đang hòa mình trong đời sống của một cư dân ngay trong lòng thủ đô Tokyo của nước Nhật ngàn năm văn vật, tôi vẫn có cảm tưởng như đang tách rời khỏi những gì trước mắt, như tất cả chỉ là một giấc mơ, và những hình ảnh diễn ra trong hiện tại chỉ là những hình ảnh của quá khứ hiện lên trong một khoảnh khắc nào đó của tương lai.



 Người ta nói, tài nguyên đáng kể nhất của Nhật Bản chính là người Nhật. Quả thật, đảo quốc này chẳng có tài nguyên gì đáng kể, chỉ có con người là làm nên tất cả. Người Nhật có nhiều nét độc đáo, nhiều ưu điểm khiến cả thế giới phải khâm phục. Tuy nhiên, họ cũng có những khuyết điểm khiến không hòa đồng được với các dân tộc khác, tự khép kín trong cái vỏ êm ấm của những tập quán và phép tắc riêng biệt. Sự hấp dẫn ban đầu của Nhật Bản đối với tôi phai mờ dần theo năm tháng, vì tâm trí nông nổi của tôi chỉ nhìn thấy những khuyết điểm hơn là ưu điểm. Tôi nhớ những ngày đầu nhập học nơi mái trường đại học, cảm thấy thật cô đơn giữa khuôn viên rộng lớn mênh mông, vào lớp nghe không hiểu, chữ đọc không thông, nhưng không mấy kiếm được người giúp đỡ. Đôi khi có những lớp học toàn là nam giới, nhưng thay vì trở thành một "đóa hoa lạc giữa rừng gươm" được ưu ái thì chung quanh chỉ là những gương mặt thờ ơ lạnh lùng. Những bạn gái ngoại quốc khác của tôi cũng gặp trường hợp như vậy. Thực ra, không phải họ muốn làm vẻ lạnh lùng, mà bản tính nhút nhát và bối rối trước một người ngoại quốc khác phái khiến họ ngại ngùng không dám làm quen. Người Nhật rất kiêu hãnh với dân tộc và quốc gia của họ, nên thường có thái độ tự tôn với các dân tộc Á Châu khác, nhưng lại có một mặc cảm tự ty nào đó đối với người Âu Mỹ. Thuở đó, các nước Á Châu ngoài Nhật Bản vẫn còn kém xa Nhật, miền Nam Việt Nam tuy ở trong tình trạng chiến tranh nhưng đối với các nước Á Châu khác cũng không có mấy sai biệt. Vì vậy, đám "ryugakusei" (sinh viên ngoại quốc du học) ở Nhật đâm ra thân với nhau. Nhưng dù là nước nhược tiểu, tôi không bao giờ cảm thấy thua kém người Nhật - vì đã được nuôi dưỡng trong nền văn hóa truyền thống Việt nam, cộng thêm một chút ảnh hưởng của Tây phương. Các sinh viên Việt Nam khác chắc cũng như vậy, ai cũng giữ gìn tư cách của mình, không để người Nhật khinh rẻ, vì lòng tự trọng cá nhân cũng như thể diện quốc gia. Có lẽ vì ít có dịp tiếp xúc với người ngoại quốc, người Nhật thường nhìn một người ngoại quốc như hình ảnh tiêu biểu của dân tộc ấy. Thật đáng buồn là sau này khi cộng sản xâm chiếm miền Nam, một số người Việt Nam, trong đó có những du học sinh qua Nhật, đã làm những chuyện đáng xấu hổ, khiến ô danh luôn cả một dân tộc. 



 Cuộc sống ở Nhật sau khi tốt nghiệp đại học không có gì hấp dẫn đối với tôi. Xã hội Nhật như một khuôn đúc tạo nên những con người đồng dạng, khoác lên người những bộ y phục tương tự, có cuộc sống tương tự, với những lề lối suy nghĩ tương tự. Mỗi buổi sáng những đoàn người hối hả chen chân vào những chuyến xe điện chật ních người, cuộc sống bon chen mệt mỏi nhưng ít có cơ hội tiến thân, nhất là cho những người ngoại quốc . Cuộc đời của người con gái Nhật thật yên bình phẳng lặng nhưng cũng nhạt nhẽo, như chuyến tầu đã định sẵn con đường đi, lớn lên chỉ có mục đích cuối cùng là lập gia đình và sống cuộc đời nội trợ. Nhưng rồi nghĩ lại mình, tôi có gì trong tay trước một tương lai vô định, một đất nước tả tơi?



 Trở về nước, tôi đã nghĩ mối duyên của mình với Nhật Bản chấm dứt từ đây. Nhưng chẳng mấy chốc thế giới của tôi bỗng sụp đổ theo sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa. Có những chuyện không tưởng tượng có thể xẩy ra nhưng đã xẩy ra. Trong những lúc tuyệt vọng nhất, tôi nghĩ đến Nhật Bản như một giấc mơ đã vuột khỏi tầm tay.



 Giấc mơ Nhật Bản trở lại, nhưng đó chỉ là một sự nuối tiếc quá khứ, không phải là giấc mơ để thực hiện. Cuộc đời con người có nhiều giai đoạn nối tiếp nhau và mỗi giai đoạn ấy dành cho những mục đích khác nhau. Trong thời gian ở Nhật, có một bài hát tôi rất thích, vừa về âm điệu lẫn lời hát. Bài hát do The Byrds, một ban nhạc trẻ trình diễn, nhưng lời lẽ thật là sâu sắc, vì đó những lời trích từ thánh kinh do vua Solomon nói, một vị vua nổi tiếng với trí tuệ đầy triết lý nhân sinh:


 To everything turn, turn, turn

 There is a season turn, turn, turn

 And a time to every purpose, under Heaven

 

 A time to be born, a time to die

 A time to plant, a time to reap

 A time to kill, a time to heal

 A time to laugh, a time to weep

 

 A time to build up, a time to break down

 A time to dance, a time to mourn

 A time to cast away stones, a time to gather stones together

 

 A time of love, a time of hate

 A time of war, a time of peace

 A time you may embrace, a time to refrain from embracing

 

 A time to gain, a time to lose

 A time to rend, a time to sew

 A time for love, a time for hate

 A time for peace, I swear it's not too late..

 

 (Đối với tất cả mọi sự xoay xoay xoay

 Đều có một mùa xoay xoay xoay

 Và một thời cho một mục đích nào đó, dưới thế gian này

 

 Một thời để sinh ra, một thời để chết

 Một thời để gieo, một thời để hái

 Một thời để diệt, một thời để dưỡng

 Một thời để cười, một thời để khóc

 

 Một thời để xây dựng, một thời để đạp đổ

 Một thời để nhẩy múa, một thời để khóc than

 Một thời để bỏ đi, một thời để góp nhặt

 

 Một thời để yêu, một thời để ghét

 Một thời cho chiến tranh, một thời cho hòa bình

 Một thời để ôm ấp, một thời để rời xa

 

 Một thời để được, một thời để mất

 Một thời để xé rách, một thời để khâu lại

 Một thời để yêu, một thời để ghét

 Một thời cho hòa bình, điều tôi dám chắc không bao giờ quá muộn...)


 

 Trong mỗi thời điểm đều có một điều thích hợp để làm. Điều quan trọng là phải biết nắm bắt lấy thời điểm, vì khi nó qua đi sẽ không còn có thể làm được điều đó nữa. Vì vậy, phải biết trong thời điểm hiện tại có những gì có thể làm được, và tận dụng từng giây phút để làm điều đó. Đời sống là một sự luân chuyển xoay vần không dứt, không có gì đứng lại một chỗ, không ai có thể tắm hai lần trong một giòng nước, vì mọi sự đều biến chuyển vô thường, tất cả rồi sẽ qua đi như giấc mộng.


 

 Kể từ ngày ấy gần nửa thế kỷ đã trôi qua, tôi đã đến thời điểm "ôn cố tri tân" và Nhật Bản từ từ trở lại trong tâm tôi với sự thu hút ban đầu. Có lẽ bởi vì thời gian ở đó là thời của tuổi thanh xuân đẹp đẽ nhất , và những kỷ niệm dù vui dù buồn cũng là những hành trang tôi đem theo suốt đời. Tôi quyết định về thăm Nhật Bản một lần. Chuyến đi này không hẳn như ý tôi mong muốn, nhưng cũng là một dịp để tôi xác định lại tâm tư của mình về một giấc mơ đã mất. Bởi vì trong tiềm thức tôi vẫn nhớ đến chuyến đi thăm núi Phú Sĩ ngày nào như một mối duyên không thành. Dù có duyên hay không có duyên, Nhật Bản vẫn luôn là một "cố hương" trong tim tôi.

 


 Trong chuyến đi này tôi cũng có dịp đi thăm vài nước khác như Đài Loan, Đại Hàn và chứng kiến sự phát triển vượt bực của họ. Những người dân Đài Loan, Đại Hàn ngày nay có thể ngẩng mặt lên nhìn thế giới một cách tự tin, với niềm tự hào, vì họ đã trở thành những con rồng mới của Á Châu. Trải qua bao nhiêu năm, nước Nhật phú cường ngày xưa nay đang gặp phải những khó khăn, và những con rồng mới của ngày nay đang vươn lên với một sức sống mãnh liệt, như nước Nhật thuở nào. Và sự sai biệt của họ đối với Việt Nam của ngày xưa, nếu có, nay đã trở thành một hố sâu thăm thẳm . Thật tội nghiệp cho dân tộc Việt Nam, không biết chừng nào mới ra khỏi vũng lầy đen tối trầm luân hiện nay?


 

 Tại Kawaguchi-ko, tôi ngụ tại một lữ quán (ryokan), gợi nhớ đến một thời xa xưa đi du lịch với trường, ở trong những lữ quán, mặc áo yukata, đi dép lẹp xẹp xuống phòng ăn ngồi gập chân bên những chiếc bàn thấp, rồi vào phòng tắm onsen (suối nước nóng). Kỷ niệm tràn về trong giấc ngủ chập chờn, và hình bóng núi Phú Sĩ hiện lên đâu đó trong giấc mơ.


 

 Từ ngày tu học Thiền, tôi đã đọc rất nhiều ngữ lục của các thiền sư Nhật Bản nổi tiếng. Từ phương trời xa xăm, tôi mới có dịp tìm lại một nước Nhật thâm trầm, sâu sắc trong triết lý nhà Phật mà lúc ở đó tôi không hề để ý hay biết đến. Tôi đặc biệt ngưỡng mộ những lời giảng của thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc, người trụ trì ở một ngôi chùa nhỏ gần núi Phú Sĩ. Ngài cũng là một họa sĩ có tài, phác họa những bức tranh đầy ý nghĩa, trong đó có nhiều bức họa về núi Phú Sĩ. Mơ hồ tôi nhận ra được địa vị quan trọng của núi Phú Sĩ trong tâm tư, trong văn hóa nghệ thuật và triết lý của người Nhật. Một bức thư pháp với ba chữ "Vân Trung Sơn" đặc biệt thu hút sự chú ý của tôi. Tọa thiền trong tư thế ngồi vững như núi, thân và tâm nhất như, lúc ấy vọng tưởng có đi qua cũng chỉ như những đám mây bao phủ, vì núi vẫn là núi, mây vẫn là mây, mây dù có che khuất được núi nhưng chẳng thể làm mất được núi, và núi vẫn ở đó thường hằng mãi mãi, như chân tánh của ta vẫn thường hằng. Đó là điều tôi cảm nhận khi đọc bức thư pháp này. Và núi Phú Sĩ là hình ảnh hiển nhiên hiện ra trong những bức họa, đôi khi với những đám mây che phủ. Tôi nghĩ đến điều này khi đọc những lời thơ của thi sĩ thiền sư Saigyo của thế kỷ 12:

 

 Gió cuốn lên

 Mây mờ trên Phú Sĩ

 Bay mất về xa xăm

 Ai biết về đâu nhỉ

 Cùng cõi lòng tôi lang thang

 


 Núi Phú Sĩ là nguồn cảm hứng bất tận, biết bao giấy mực đã viết về núi Phú Sĩ, làm thành những tác phẩm đặc sắc của các thi sĩ, họa sĩ Nhật Bản. Núi Phú Sĩ không chỉ là một ngọn núi, mà là một biểu tượng về cái đẹp tuyệt vời, của sự toàn hảo trong tâm linh và con người. Thế mà tôi đã không nhận ra được điều đó khi tôi có dịp ở gần Phú Sĩ. Có lẽ đó là điều khiến tôi đã xa cách với nước Nhật, ngay khi đang ở trong nước Nhật.

 


 Nơi lữ quán, trong buổi sớm tinh mơ, tôi thức dậy ngồi Thiền trong bóng tối tràn ngập. Những tư tưởng bay qua rồi lặn xuống như những đám mây, nhưng tất cả đều liên quan đến  một điều: tinh thần của núi Phú Sĩ. Và bỗng nhiên, tôi nhận ra ý nghĩa của núi Phú Sĩ trong tư tưởng Thần đạo của Nhật Bản. Phú Sĩ là ngọn núi linh thiêng, là Kamisama, vị thần hộ mạng của người dân Nhật. Người Nhật đã tôn thờ Phú Sĩ như nơi cư trú của Thái Dương Thần Nữ. Tinh thần của Phú Sĩ là tinh thần đã làm nên những ưu điểm tuyệt vời của người Nhật Bản: dũng cảm, tự giác, khiêm cung. Sự dũng cảm của tinh thần võ sĩ đạo, sẵn sàng hi sinh thân mạng cho quốc gia, cho lý tưởng. Sự tự giác biết xét mình, xét người để sửa sai và cầu tiến. Sự khiêm cung đối với người khác mà không hạ mình, biết nghĩ đến phúc lợi của tập thể ở trên phúc lợi của chính mình. Đó là những đức tính khiến nước Nhật trở thành một cường quốc vững chãi, đem lại sự an ổn thịnh vượng cho dân chúng. Nhưng những đức tính ấy không phải chỉ có người Nhật mới có, mà tất cả mọi người đều có thể có được. Tinh thần Phú Sĩ không chỉ trải ra cho người Nhật, mà cho tất cả những người nào có được những đức tính như vậy. Với tinh thần thiêng liêng ấy, Phú Sĩ không chỉ là biểu tượng của sự toàn hảo cho nước Nhật, mà cho tất cả mọi người trên thế giới này. Phú Sĩ đã ở trong tôi mà tôi không biết đến, lần đầu tiên sau bao nhiêu năm nay, tôi mới gặp lại được Phú Sĩ. Một niềm an lạc hòa tan trong thân tâm chợt tỏa ra, tôi ngồi yên như ngọn núi Phú Sĩ, tỉnh táo trong sự lâng lâng nhẹ nhàng không thể diễn tả.


 

 Những tia sáng ban mai bắt đầu len lỏi vào qua bức màn cửa dầy. Chỉ mới 5 giờ nhưng trời đã mờ mờ sáng. Tôi hồi hộp nghĩ đến buổi đi chơi núi Phú Sĩ ngày hôm nay, không biết lần này mình có duyên thấy được núi Phú Sĩ hay không? Tôi đứng dậy kéo tấm màn cửa nhìn ra ngoài. Và trước mặt tôi là một cảnh tượng thật huy hoàng! Chính là núi Phú Sĩ hùng vĩ đang đứng sừng sững trên một vùng hồ bao la, đỉnh núi tuyết vạn niên lấp lánh mầu bạc trong ánh sáng của buổi bình minh, hoàn toàn hiện ra thật rõ ràng, không chút gợn mây trong bầu trời trong xanh. Và từ từ, cùng với ánh nắng ban mai, hình ảnh Phú Sĩ bắt đầu phản chiếu lên mặt hồ tĩnh lặng, làm thành một bức tranh tuyệt vời. Sau bao năm xa cách, tôi đã đi đúng một vòng và hoàn thành cái duyên của tôi với đất Nhật.


 

 Phải, sự gặp gỡ của tôi với núi Phú Sĩ, lần đầu cũng là lần cuối, đã cho tôi nhận thức rằng giấc mơ Nhật Bản của tôi đã chấm dứt. Một thời để ôm ấp, một thời để rời xa. Thời điểm đã đến để tôi rời bỏ những gì ôm ấp xưa nay. Tôi không còn nhìn người Nhật qua những ảo tưởng, những phán xét đầy tính cách cảm quan, mà trong cái nhìn Như Thị của sự thấy biết mọi sự là như vậy, và chỉ là vậy thôi. Người Nhật trên một phương diện nào đó cũng có những điểm tương đồng với tôi, và tôi có thể cảm nhận phần nào tâm tư của họ, dù chỉ là cái nhìn thoáng qua. Tôi chợt nhớ đến câu nói của một vị sư Nhật khi được hỏi về vị tổ của ông là Bạch Ẩn Huệ Hạc với núi Phú Sĩ:


 - Ngài ngồi đâu cũng thấy núi Phú Sĩ, bởi vì núi Phú Sĩ với ngài là một.


 

 Núi Phú Sĩ với tôi phải chăng cũng như thế, dù có xa ngàn trùng, ở bất cứ nơi nào, trong mọi lúc đi đứng nằm ngồi, tôi cũng đều có thể thấy núi Phú Sĩ. Vì Phú Sĩ đã ngự trị trong tim tôi, bây giờ và mãi mãi. 


 

 Ngọc Bảo

 

 (Mùa hè, tháng 7- 2013)



* Trong tháng 6- 2013 vừa qua, núi Phú Sĩ đã được UNESCO phong cho danh hiệu "Di sản văn hóa của thế giới". 



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc