LONG CUNG TRUYỆN - Lê Mạnh Hùng

11 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 132547)



Long Cung Truyện



dragon-content Năm nay là năm Canh Thìn. Thìn biểu tượng rồng cho nên năm nay chúng tôi xin kể lại những câu chuyện liên quan đến loài rồng. Nhưng những con rồng tại đây không phải chỉ là những linh vật làm mây làm gió không mà thôi, nhưng chúng còn có đủ những hỷ nộ ai lạc, tham ô nhũng lạm như con người vậy. Và khi rồng bỏ mất tính rồng đi thì chỉ còn là rắn mà thôi. Trước hết xin kể một câu chuyện về rồng của Việt Nam, được lấy trong Truyền Kỳ Mạn Lục của cụ Nguyễn Dữ, có tên là "Cuộc Đối Tụng Dưới Long Cung". 
 

Huyện Vĩnh Lại ở Hồng Châu, Hải Dương có nhiều giống thủy tộc. Men sông người ta lập đền thờ có đến hơn mười chỗ. Năm tháng qua, các chỗ đó thành linh thiêng, cầu tạnh xin mưa lúc nào cũng linh ứng thành ra hương hỏa bất tuyệt, ai ai cũng kinh sợ kính cẩn. Đời vua Minh Tông nhà Trần, có quan thái thú họ Trịnh về làm quan tại Hồng Châu. Trịnh có vợ là Dương thị, nhân khi về thăm nhà, đỗ thuyền bên cạnh một cái đền thờ. Bỗng có hai người con gái bưng một chiếc hộp nhỏ thếp vàng đến trước mặt Dương Thị nói:

 -Đức ông tôi sai đem vật này kính biếu phu nhân gọi là để tỏ chút tình; sớm muộn trong làng mây nước, duyên cưỡi rồng cũng được thỏa nguyện.

Nói xong biến mất không thấy đâu nữa. Dương thị mở hộp ra xem thì thấy bên trong có một giải đồng tâm mầu tiá, trên dải đề một bài thơ tứ tuyệt viết:

 Giai nhân tiếu sáp bích dao trâm

 Lao ngã tình hoài thuộc vọng thâm

 Lưu đãi động phòng hoa chúc dạ

 Thuỷ tinh cung lý kết đồng tâm

Tạm dịch là :

 Người đẹp cười cài trâm bích ngọc

 Làm ta thương nhớ ngẩn ngơ lòng

 Vật này dành để đêm hoa chúc

 Trong thủy tinh cung kết giải đồng

Dương thị cả sợ, cùng con hầu bỏ thuyền lên bộ, quay về nhiệm sở của chồng kể lại cho chồng nghe. Trịnh cũng kinh hãi nói:

- Giống thủy quái ô dâm từ chực bắt mình đãy, phải nên tránh nó đi. Phàm những bờ sông bến nước đừng nên bước chân đến. Gặp những đêm mưa gió tối trời phải cắt người canh giữ.

Phòng ngừa như vậy chừng được nửa năm thấy vô sự. Đến đêm trung thu, nhân thấy bầu trời quang mây, bốn bề trong vắt, sông Ngân vằng vặc, trăng sao sáng tỏ như ban ngày, Trịnh mừng mà rằng:

 - Trăng thanh gió mát như hôm nay có thể không lo gì cả.

Vợ chồng bèn cùng nhau uống rượu, uống say đi ngủ. Ngờ đâu sấm chớp bỗng nổi lên, lúc Trịnh thức dậy thì cửa ngõ vẫn nguyên mà Dương thị không còn nữa. Trở lại ngôi đền ngày trước thì chỉ thấy mặt sông phẳng lặng, trăng chiếu lạnh lùng, áo xiêm Dương thị hãy còn ở đó. Trịnh thái thú tiếc ngọc thương hoa, nỗi buồn thật không sao kể xiết chỉ biết đứng giữa trời mà nghẹn ngào than thở không biết làm sao.

Rồi Trịnh buồn nản bỏ quan về, chôn một ngôi mộ giả dưới chân núi Đốn, hàng ngày một mình sống trong một cái lầu nhỏ. Lầu này trông xuống bến sông. Tại bến sông có một cái vực sâu thăm thẳm. Trịnh mỗi khi lên lầu đứng trông, thường thấy có một ông cụ già đeo một cái bao đỏ đựng tiền sớm đi rồi tối về. Trịnh nghĩ thầm:

-Quái, đây là một bến sông sâu thẳm, nào có thôn xóm gì đâu mà ông già kia cứ đi lại như vậy.

Bèn thử tìm đến chỗ ấy thì chỉ thấy bãi cát phẳng lỳ, không nhà không cửa, lèo tèo mấy đám lau sậy rung rinh trên mặt nước. Trịnh lấy làm lạ, đi rộng ra các ngả để tìm thì thấy ông già đang xem bói trong chợ Nam. Trịnh trông ông ta mặt mũi gầy gò, nhưng tinh thần trong sáng, đoán nếu không phải là một kẻ ẩn sỹ lánh đời thì cũng là một vị chân nhân đắc đạo, hoặc không nữa thì phải là một tiên khách trong áng yên hà. Bèn cùng ông cụ làm thân, hàng ngày bầy tiệc rượu cùng ông cụ chè chén rất là vui vẻ. Ông cụ có vẻ cảm lòng tốt của Trịnh, nhưng mỗi khi hỏi họ tên thì chỉ cười mà không nói khiến Trịnh càng nghi hoặc hơn. Một hôm, Trịnh trở dậy rất sớm, ẩn mình trong đám lau sậy để nhìn trộm xem thế nào. Bãy giờ sương mai ướt át, khói sớm mịt mù, Trịnh thấy ông già từ dưới nước thủng thỉnh đi lên, vội vàng chạy ra sụp lạy. Ông già cả cười nói:

 -Thế ra ông định dò tìm tung tích của tôi ư? Thôi nay ông đã biết rồi, để tôi kể cho mà biết rõ. Tôi là Bạch Long Hàu, may bây giờ hãy còn là năm đại hạn cho nên mới có thời giờ rỗi mà đi chơi lăng băng, chứ nếu Ngọc Hoàng có sắc chỉ truyền làm mưa thì chẳng còn đâu thì giờ nhàn rỗi để đi chơi lăng băng làm nghề bói ở nhân gian nữa.

-Ngày xưa Liễu Nghị có cuộc xuống chơi dưới Động Đình, Thiện Văn có chuyện ăn yến tại Long Cung, chẳng hay kẻ phàm tục này có thể được theo dấu của người xưa không?

- Chuyện đó thì có khó gì!

Ông già liền lấy đầu gậy vạch xuống nước. Nước lập tức rẽ ra làm đôi. Trịnh bèn theo Long Hàu đi xuống. Đi được chừng nửa dậm, chỉ thấy trời đất trong sáng, lâu đài chót vót, từ nhà cửa đến thức ăn đều là những vật mà nhân gian không có. Long Hàu tiếp đãi rất ân cần. Trịnh nói:

- Không ngờ một kẻ nghèo khó lại lạc bước được vào chốn tôn nghiêm này. Ngày xưa có cái tai biến phi thường, ngày nay lại có sự gặp gỡ phi thường, công việc báo phục có lẽ chính ở dịp này chăng?

Long Hàu bèn hỏi duyên cớ. Trịnh bèn đem chuyện Dương thị ra kể và nói muốn mong nhờ cậy uy linh, trừ loài thối tha khiến buồm nhân gió mà được thuận, hồ nhờ hổ mà dương oai, thì thật cũng bõ một phen gặp gỡ. Long Hàu nói:

- Họ dù càn rỡ nhưng đã có sắc mệnh của triều đình Long vương. Huống chi mỗi người ở riêng một nơi, không thống thuộc gì với nhau, ai dám vượt qua sông nước, dấy động can qua để phạm vào một tội lỗi không thể tha thứ

- Vậy thì bây giờ tôi phát đơn kiện tại triều đình Long vương được không?

- Việc còn mờ tối, chuyện chưa rõ ràng, ông muốn đem cái việc vô bằng bắt kẻ địch rất mạnh, sợ rằng mối thù ấy chưa thể trả được. Chi bằng trước đó hãy cậy người dò xét, lấy được chứng cớ thì trừ kẻ gian kia chẳng khó khăn gì. song tả hữu của tôi không có người nào đủ tin cậy để có thể sai đi được, vậy để ta hãy liệu xem đã.

Cạnh đấy có một người con gái áo xanh bước ra nói rằng:

- Thiếp xin nhận công việc ấy

Trịnh bèn cung kính mà nói lời ủy thác và trao cho nàng một cành hoa ngọc mầu biếc để cầm đi làm tin. Nàng áo xanh đến miếu thờ thần Giao Long tại Hồng châu. Hỏi thăm quả có một người đàn bà họ Dương hiện được phong làm Xương Ấp phu nhân, ở trong một cái điện bằng ngọc lưu ly, chung quanh có ao sen bao bọc, gối chăn yêu dấu và năm ngoái đã sinh được một con trai. Nàng mừng lắm, song lâu đài chi chít, không có đường thông nên chỉ thẩn thơ ngoài cổng. Bấy giờ mùa xuân đương đẹp, tường vi nở rộ, trông như ngàn điểm ráng hồng kết lại trên tường rực rỡ. Nàng vờ như không biết, vừa bẻ vừa rung. Người canh cổng nổi giận. Nàng liền đưa cành thoa đút lót, nói rằng:

- Tôi tưởng những thứ hoa leo này không phải là của quý gìn giữ, lỡ tay vin hái thật là có tội. Tấm thân yếu ớt, sợ không chịu nổi roi vọt, xin bác cầm lấy cành thoa này đưa vào lầu ngọc để mong được khoan tha không phải đánh đập thì tôi thực đội ơn vô cùng.

Người ấy nghe lời cầm cành thoa vào dâng cho Dương thị. Dương thị nhìn một hồi lâu, giả cách nổi giận mà rằng:

- Con bé nào mà dám đường đột như vậy, làm hỏng cả một giàn cẩm hồng của ta

Bèn sai trói người con gái đó trong vườn ngân hạnh. Rồi thừa lúc vắng vẻ, Dương thị lẻn đến cầm cành thoa khóc mà nói rằng

- Đây là vật cũ của Trịnh lang, chồng ta xưa đây làm sao lại ở tay chị?

Nàng áo xanh bèn kể rõ sự thực

- Bảo vật này chính do Trịnh Lang giao cho thiếp. Trịnh lang hiện đang ở nhà Bạch Long Hàu, vì phu nhân mà quên ăn bỏ ngủ, Nhờ tiện thiếp mang gửi đến một mối tình để trả món tương tư nợ cũ

Nói chưa dứt lời thì có con tiểu hoàn vào báo là thần có lệnh vời. Dương thị lật đật đi ra. Sáng hôm sau lại đến, ân cần hỏi han và trao cho một bức thư dặn rằng:

- Chị về nói hộ với Trịnh lang cho ta, người vợ xấu số ở chốn bến nước xa xăm lúc nào cũng thương nhớ đến chàng; chàng nên cố làm cách nào để cho phượng được trở lại trong mây, ngựa về trên ải, đừng khiến thiếp phải già đợi ở chốn cung nước làng mây này.

Bức thư gởi cho chồng đại lược như sau:

Non thề bể hẹn, chao ôi việc trước lỡ làng, gió dập mưa rồn, ngán nỗi kiếp này lận đận. Nước non muôn dặm tâm sự mấy lời. Nghĩ như thiếp chút phận mỏng manh, tấm thân mềm yếu. Duyên đôi lứa tự trời se lại, ước trăm năm đồng huyệt dám sai. Nào ngờ biển dậy một đêm, đến nỗi hình rơi đáy vực. Bởi không thể dìm châu đắm ngọc nên đành cam dãi nguyệt dầu hoa. Áo xiêm đã lắm tanh nhơ, thân thế tạm còn thoi thóp. Sầu đày tựa bể, ngày dài như năm. Nào hay giữa lúc bơ vơ, bỗng nhận được thư thăm hỏi. Ngắm cành thoa mà ứa lệ, nhìn khách đến những đau lòng. Một bước lỗi lầm, riêng cỏ nội hoa hèn thắc mắc. Ba sinh thề ước, có trời cao đất cả chứng tri. Ngọc bích chưa lành, cân vàng xin chuộc.

Nàng áo xanh trở về báo tin cho biết. Long Hàu bảo Trịnh, Việc có thể nên được đấy. Bèn cùng nhau đi xuống bể Nam, đến một tòa thành lớn. Hàu vào trước, bảo Trịnh đứng đợi chỉ ở ngoài cửa thành. Một lát, Trịnh thấy một người ra dẫn vào ngôi điện. Trên điện có một vị vua mặc áo tinh hồng, mang đại ly châu, quần thần đứng chầu hai bên không biết bao nhiêu mà kể. Trịnh quỳ xuống tâu bày mọi nỗi, lời rất thê thảm. Đức vua ngoảnh nhìn vào một ông quan đứng phía bên tả giục thảo trát đòi. Rồi có hai người lính vượt không ra đi. Chừng độ nửa ngày sau, hai người lính đó áp giải đến một người đàn ông thân thể vạm vỡ, mũ đỏ mặt đen, râu ria tua tủa như rễ tre, đứng giữa sàn mà quỳ sụp xuống. Đức vua mắng rằng:

- Tước không cho nhảm, phải đợi người có công lao, pháp không dụng sằng chỉ để trị những kẻ tham nhũng. Như nhà ngươi trước có công lao nên ta mới cho coi giữ một phương, vì dân che chở. Vậy mà ngươi dở thói dâm ngược, như thế có phải là trừ tai ngừa hoạ cho dân hay không?

Người kia nói

- Kẻ ấy ở trên trần, tiểu thần ở dưới nước, mỗi người một ngả có can thiệp gì đến nhau. Vậy mà hắn buông lời phao vu hãm hại người vô tội. Nếu bệ hạ mà tin lời hắn thì triều đình mắc sự lừa dối mà tiểu thần chịu tội mập mờ, tưởng không phải là sự yên trên mà toàn dưới vậy.

Kẻ nói đi, người nói lại. Người kia nhất quyết không nhận tội. Đức vua cũng hồ nghi không quyết. Long Hàu đứng bên rỉ tai bảo Trịnh rằng:

- Chi bằng khai tên tuổi Dương thị xin cũng bắt đến xét hỏi

Trịnh theo lời tâu lên, đức vua quả truyền đi bắt Dương thị đến. Ngày đã xế chiều, thấy hai người lính dẫn đến một mỹ nhân, xúng xính thướt tha từ phía đông tiến lại. Đức vua hỏi:

- Chồng ngươi đâu.

- Người áo xanh kia là chồng thiếp, còn người áo đỏ là kẻ thù. Độ trước không may bị tên yêu đó bắt đi, nay đã trải ba năm trời. Nếu không nhờ được vầng thái dương soi tới thì hồn tàn vóc nát sẽ phải chịu nhơ nhuốc trọn đời còn mong gì được ló mặt ra nữa.

Đức vua cả giận nói:

- Không ngờ thằng giặc kia lại gian họat đến như vậy. Bên trong thì làm sự dâm dật, mặt ngoài thì già họng chối cãi. Việc ấy nỡ làm thì dù đem xử tử cũng không đáng tiếc.

Bãy giờ có một người mặc áo bào xanh, chức vụ là chánh hình lục sự quỳ xuống tâu rằng:

- Thần nghe vì tình riêng mà ban thưởng, thưởng sẽ không công bằng; đang lúc giận mà xử hình, hình sẽ quá đáng. Duỗi co vốn khác, châm chước mới nên. Đem cái tài vuốt nanh, giữ trách nhiệm phên dậu, tuy hắn có gây nên tội nghiệt, nhưng với dân còn có chút công lao. Có tội phải gia hình, tuy đã cam bề vạn tử. Đem công mà chuộc lỗi, cũng còn mong dược toàn sinh. Xin khoan cho tội tru di, hãy giam vào ngục đen tối.

Đức vua khen phải, bèn phán rằng:

- Ta nghe, đời người như khách qua đường, kẻ trước chưa qua mà kẻ sau tiếp đến; đạo trời không sai tơ tóc, làm lành được phúc mà làm ác chẳng yên. Lệ luật không mờ, cổ kim vẫn thế. Nay nhà ngươi vốn do huân phiệt, lạm giữ phương ngung. Lẽ nên linh hiển để tỏ đức rồng, sao được tà dâm làm theo nếp rắn. Sự càn rỡ ngày càng quá tệ, luật công minh tất phải thi hành. Than ôi, vợ người cố chiếm, rát mực mê cuồng, phép nặng không dong để răn phường gian ác. Dương thị kia, nết tuy đáng trỏ, tình cũng nên thương, thân cho về với tiền phu, con để trả cho chồng mới. Mãy lời phê phán lập tức thi hành.

Đức vua phán xong, người áo đỏ cúi đầu đi ra. Tả hữu cũng đưa mắt cho Trịnh bảo lui. Long Hầu về nhà bèn đặt tiệc mừng, và tặng cho các thức văn tê, đồi mồi. Vợ chồng Trịnh lạy tạ rồi trở về nhà kể lại đầu đuôi cho mọi người nghe ai cũng đều mừng và cho là một câu chuyện lạ. Sau Trịnh có dịp tới Hồng châu, lại đi qua ngôi đền ấy. Chỉ thấy tường xiêu mái đổ bia gẫy rêu phong chỉ còn cây gạo đang tung bông trắng dưới bóng tà dương . Hỏi thăm những ông già bà cả, tất cả đều nói:

- Trước đây một năm, một hôm giữa ban ngày bỗng dưng không mây mà mưa, nước sông đày dẫy, rồi có một con rắn dài mười trượng vẩy biếc mào đỏ, nổi trên mặt nước mà đi lên mạn Bắc đàng sau có hàng trăm con rắn nhỏ đi theo. Kể từ đó đền không còn linh thiêng nữa. Bấm đốt tính xem thì ngày đó quả chính là ngày Trịnh kiện.
 

 (Trong câu chuyện vừa kể ở trên, Trịnh thái thú khi nói với Bạch Long Hàu có nhắc đến chuyện Liễu Nghị xuống chơi Động Đình. Đây là có lẽ là câu chuyện về rồng nổi tiếng nhất của Trung Quốc và làm mẫu cho nhiều câu chuyện về rồng khác về sau này. Dưới đây là câu chuyện Liễu Nghị đi thăm hồ Động Đình).
 

tranh_tau_-content



Năm Nghi Phượng đời Đường có một nho sinh tên là Liễu Nghị, đi thi lạc đệ. Trên đường khăn gói về quê nhà tại bến sông Tương, bỗng nhớ lại người đồng hương làm khách tại vùng Kinh Dương bèn tạt qua đó cáo biệt. Khi còn khoảng sáu bảy dặm nữa thì đến nơi, bỗng có bầy chim từ vệ đường bay vọt lên làm ngựa kinh sợ, giật cương bôn đi khoảng sáu bảy dậm mới ghìm cho ngựa ngừng lại được.

Thấy bên đường có một người đàn bà đang chăn một bầy dê, Nghị đưa mắt nhìn, ngạc nhiên thấy quả là nhan sắc tuyệt đẹp, nhưng mặt mũi ủ dột, quần áo rách rưới, đứng chăm chú nhìn chàng như có chuyện gì muốn nhờ cậy. Nghị lên tiếng hỏi:

- Nàng có gì mà chịu khổ như vậy?

Phụ nhân đầu tiên từ tạ không nói, sau cùng khóc trả lời:

- Tiện thiếp bất hạnh, hôm nay thấy nhục trước đấng trưởng giả, nhưng nỗi hận này ăn sâu vào tận trong da thịt, làm sao mà có thể tránh đi được. Hãy nghe thiếp nói một câu. Thiếp là con gái út Động Đình Long Quân, phụ mẫu gả cho con trai thứ sông Kinh nhưng chẳng may gặp phải phu tế là một kẻ ăn chơi dâm dật, lại còn bị những đám tỳ bộc làm cho mê hoặc, ngày càng đối xử với thiếp một cách khinh bạc. Đến khi than với cửu cô, thì bố mẹ chồng lại quá thương con trai không những không ngăn chặn mà lại còn hành hạ thiếp cho đến thế này.

Nói song rầu rĩ nước mắt lại trào ra, không cầm nổi, đau đớn không thể nào giữ được. Nàng lại lên tiếng nói tiếp:

-Động Đình nơi kia, xa cách không biết là đến mấy trùng. Trời xanh mang mang tin tức gián đoạn, ruột thịt cắt rời, không cách nào có thể làm cho biết nỗi đau khổ này. Nghe quân đang định trở về đất Ngô, đường về băng qua Động Đình, có lá thư này muốn cậy nhờ quân không hiểu rằng có được hay không?

Nghị nói:

- Ta là một kẻ nghĩa sĩ, nghe tâm sự nàng cảm thấy khí huyết đều sôi sục lên cả. Hận không mọc cánh lên được để bay đi giúp nàng, làm sao mà muốn chối từ? Nhưng Động Đình sâu rộng, ta lại là người trần thế làm sao có thể đưa thư được cho nàng? Chỉ sợ âm dương hai nẻo, không liên lạc được với nhau, để không những phụ sự ủy thác thành khẩn của nàng mà còn làm hỏng chuyện của nàng nữa. Nàng có thuật nào có thể dẫn cho ta tới được không?

Người con gái cất tiếng khóc cảm tạ nói:

-Trân trọng ủy thác không dám nói nhiều, gởi được tin về có chết cũng xin cảm tạ. Quân chưa hứa thiếp đâu dám nói ra, nhưng khi quân đã hứa rồi thì dù Động Đình hay Kinh sư cũng đâu có gì là khác.

Nghị lên tiếng xin nàng cho biết, nàng nói:

- Phía nam hồ Động Đình có một cây quít cổ thụ, dân địa phương gọi là quít tổ. Đến đó, quân hãy cởi thắt lưng, buộc vào một vật khác, sau đó gõ vào cây ba lần, tự nhiên sẽ có trả lời. Cứ thế mà theo không có gì trở ngại cả. May mắn được quân tử nhận mang thư tỏ rõ được u tình, thiếp xin lấy tâm thành ra ủy thác; ngàn vạn lần không có sao cả.

Nghị nói:

- Xin kính cẩn nghe lệnh.

Cô gái bèn rút từ trong yếm ra một phong thư, quỳ lạy đưa lên rồi nhìn về phía đông đau đớn nhỏ lệ như không cầm lòng nổi. Nghị cũng thấy lòng cảm động sâu sắc, mở gói hành lý nhét phong thư vào trong rồi lại lên tiếng hỏi:

- Ta không biết nàng tại sao lại phải chăn dê để làm gì? Chẳng lẽ thần thánh cũng sát sinh hay sao?

Cô gái nói:

- Không phải là dê đâu. Chúng đều là thần làm mưa gió cả. Tại sao lại gọi là thần mưa gió? Vì chúng tạo ra sấm chớp đó.

Nghị đưa mắt nhìn kỹ bầy dê, thấy ngoài một bộ dạng giận dữ khác thường còn hình dáng to nhỏ, sừng lông đều không khác dê thường gì cả.

Nghị lại nói:

- Ta vì nàng làm sứ giả, sau này có qua Động Đình, xin đừng lánh mặt.

Cô gáí nói:

- Nào chỉ có không lánh mặt, mà còn phải coi chàng như thân thích nữa.

Nói song, chào từ tạ, chỉ chàng đi về hướng đông. Nghị đi được chừng mười bước, quay đầu lại nhìn thì thấy cả cô gái lẫn bầy dê đều đã biến đi dâu mất cả.

Đêm hôm đó tìm đến nhà bạn cũ, ở lại, hôm sau từ biệt về đông. Hơn một tháng sau chàng về đến quê nhà. Về đến quê mới hỏi thăm đường đến Động Đình. Quả nhiên bờ nam Động Đình có cây quít tổ. Bèn cởi dây lưng hướng về phía cây gõ lên ba tiếng.

Bỗng nhiên có một vũ sỹ từ dưới nước bước lên chắp tay vái chào hỏi:

- Quý khách từ đâu tới? Muốn hỏi chuyện gì?

Nghị không nói thật chuyện đưa thư mà chỉ nói:

- Bộc muốn đến yết kiến đại vương.

Vũ sỹ vạch nước chỉ đường, dẫn Nghị bước xuống rồi nói:

- Xin nhắm mắt lại, giây phút sẽ tới

Nghị nghe theo lời dặn quả chỉ trong chốc lát đã đến thủy cung. Chỉ thấy điện các hàng ngàn căn, các loại kỳ hoa dị thảo không thứ gì mà không có. Vũ sỹ dẫn Nghị đến một tòa nhà lớn rồi nói:

- Xin quý khách đợi tại đây.

Nghị hỏi:

- Đây là chỗ nào vậy?

Vũ sỹ trả lời:

- Đây là Linh Hư điện.

Ngửng đầu nhìn chung quanh, chàng thấy quả thật tất cả những gì quý báu của nhân gian đều có tại đây cả. Các cây cột đều làm bằng ngọc bạch bích trần thiết với thanh ngọc. Sàn làm bằng san hô, các rèm đều bẳng thủy tinh, bình phong đều khắc hoạ bằng lưu ly trong khi các rường nhà đều giát bằng hổ phách. Kỳ tú trân bảo không thể nói ra hết được.

Nhưng đợi một lúc lâu mà nhà vua vẫn chưa thấy đến. Nghị hỏi vũ sỹ:

- Động Đình quân quả có mặt đây không?

Vũ sỹ trả lời:

- Đức vua của tôi hiện đang ở Huyền Châu các, cùng Thái Dương đạo sỹ giảng đại kinh, chẳng mấy chốc nữa sẽ tới.

Nghị hỏi:

- Xin hỏi đại kinh là gì?

Vũ sỹ nói:

- Đức vua của tôi là rồng. Rồng lấy thủy làm thần, chỉ cần một giọt có thể làm tràn ngập hang vực. Đạo sỹ là người. Người coi hỏa làm thánh, chỉ một tia lửa đủ thiêu rụi cung A Phòng. Nhưng thủy hỏa linh dị bất đồng, biến ảo cũng khác. Thái Dương đạo sỹ tinh thâm về đạo thuật của người, thành ra đức vua tôi mời đến để nghe.

Vũ sỹ vừa nói dứt câu thì cánh cửa cung điện mở ra. Thấy có một người mặc áo tía tay cầm một phiến thanh ngọc bước vào. Vủ sỹ đứng dậy nói:

- Đức vua tôi đấy!

Rồi đến trước mặt nhà vua báo cáo.

Long quân nhìn Nghị:

- Phải là người trần thế không?

Nghị trả lời:

- Dạ phải.

Rồi chàng vái chào Long Quân. Long quân cũng vái lại. Mệnh chàng ngồi xuống. Rồi hỏi Nghị:

- Thủy phủ u thâm, quả nhân tăm tối, phu tử không ngại đường xa ngàn dậm đến đây có chuyện gì?

Nghị trả lời:

- Nghị, vốn là đồng hương vơi đại nhân, tuy sinh trưởng tại Sở, nhưng du học nơi Tần. Vừa qua thi trượt, nhân hồi hương, đi qua sông Kinh thấy ái nữ của đại vương chăn dê ngoài ruộng, nhan sắc tiều tụy, đầu tóc rách rưới, thật không nỡ nhìn. Nghị nhân mới hỏi thăm thì được cho biết vì chồng bội bạc lại thêm cha mẹ chồng không thèm để ý đến nên mới đến nỗi như vậy. Bi thảm không sao kể xiết, đau đớn nhập tâm. Nhân mới gởi lá thư nhờ Nghị, Nghị hứa sẽ mang tới đây.

Rồi rút lá thư trong người dâng lên. Động Đình Quân đọc xong thư, lấy tay áo che mặt khóc nói:

- Quả thật là tội của lão phu, đã không biết nghe ngóng quan sát lại chỉ ngồi như câm điếc, khiến cho người trong khuê các yếu đuối xa xôi phải chịu đến những nguy hại. Công là người qua đường mà còn biết cứu kẻ nguy cấp. Thật là duyên may hạnh ngộ không dám phụ đức.

Nóí xong lại thở ngắn than dài một lúc lâu. Tả hữu cũng cảm động rơi lệ. Lúc đó có một hoạn quan bước ra thầm làm hiệu cho Động Đình Quân. Nhà vua lấy thư đưa cho viên hoạn quan, ra lệnh mang vào trong cung. Một lúc sau, trong hậu cung cũng có tiếng khóc vang lên. Quân kinh hãi nói với tả hữu:

- Mau bảo trong cung đừng làm ồn lên kẻo Tiền Đường nghe được.

Nghị bèn hỏi:

- Dám hỏi nhà vua, Tiền Đường là ai vậy?

Động Đình Quân trả lời:

- Đó là ái đệ của quả nhân, ngày xưa làm chức Tiền Đường trưởng, nay bãi chức ở đây.

Nghị lại hỏi:

- Tại sao lại không để cho Tiền Đường biết?

- Đó là vì sức mạnh tàn phá quá lớn. Thời vua Nghiêu, bị nạn hồng thủy chín năm đó chính là vì tiểu tử đó lên cơn thịnh nộ, bất bình với trời đất, làm tắc cả ngũ nhạc. May mắn thượng đế nghĩ đến quả nhân có chút đức bạc với cổ kim nên khoan không bắt tội, nhưng vẫn bắt phải giam giữ y tại đây.

Nói chưa dứt câu bỗng nghe một tiếng ầm lớn như trời rung đất lở, cung điện chao đảo, mây mù tuôn ra sùng sục rồi thấy một con rồng đỏ to lớn gần một ngàn thước mắt sáng như điện, miệng đỏ như máu râu vảy đỏ như lửa cổ còn đeo một cái xích bằng vàng, đâu kia của xích còn buộc vào cây trụ ngọc. Rồi sấm sét đùng đùng, chớp đánh lấp lóe chung quanh. Trong chốc lát, mưa gió, tuyết, băng cùng ào đổ xuống một lượt. Sau đó thấy rồng đó phóng thẳng lên trời xanh rồi bay đi.

Nghị kinh hãi ngã lăn xuống sàn điện. Động Đình Quân thân đỡ chàng dậy nói:

- Đừng sợ, không hại gì đâu.

Nghị ngồi một lúc bình tĩnh trở lại, mới đứng lên cáo từ nói:

- Nguyện xin được sống trở về để tránh không thấy trở lại.

Động Đình Quân nói:

- Không sao đâu. Đi thì như vậy, nhưng về thời khác. Xin cứ ở lại thêm đôi chút nữa.

Và ra lệnh cho tả hữu mở tiệc mời Nghị, nói chuyện nhân sự. Chốc lát sau thấy gió mát mây lành, tường quang lung linh tiếng nhạc êm đềm nổi lên, quang thiên vang tiếng cười nói hi hi sau đó thấy bóng một người, mày ngài mắt phượng, minh đường mãn thân từ từ tiến vào cung. Nhìn kỹ thì quả chính là con người trước đó vừa nhờ mang thư về nhà vậy, nhưng trông vẻ tựa buồn tựa vui rồi chút sau bỗng thấy khói hồng che bên tả khí tía phủ bên hữu hương thơm mãn điện đi vào trong cung. Động Đình Quân cười nói với Nghị:

- Người tù tại sông Kinh đã trở về đấy.

Long quân tạm từ biệt Nghị bước vào trong cung, chốc lát sau bỗng nghe từ trong cung có tiếng khóc, như sầu như oán, một lúc sau thì ngưng lại. Long quân bước ra, tiếp tục cùng Nghị yến ẩm. Có một người nữa, mặc áo tía tay cầm thanh ngọc, dáng điệu thần tiên ra đứng cạnh long quân. Quân nói với Nghị:

- Tiền Đường quân đó.

Nghị đứng dậy vái chào. Tiền Đường cũng tận lễ đón tiếp, nói với Nghị:

- Cháu ta không may, bị đứa trẻ ranh làm nhục. Nhờ đấng quân tử có tín có nghĩa giải được nỗi oan từ xa nếu không thì đã trở thành một gò đất tại sông Kinh rồi. Cái ân đức đó lời nói không thể diễn tả ra hết được.

Nghị nói mấy lời khiêm cung từ tạ. Tiền Đường quân nói song mấy câu với Nghị song, quay sang Long Quân nói:

-Ban nãy giờ Thìn tiểu đệ rời Linh Hư, Tỵ tới Kinh Dương, Ngọ chiến đấu tại đó, Mùi về đến đây, trong khoảng giữa hai giờ, đệ đã bay lên chín tầng trời cáo với thượng đế. Đế biết là oan nên tha không trách. Nhưng khi đi, cương trường phẫn khích, không một lời từ biệt, làm cho cung trung e sợ, tân khách kinh nghi, thật là có tội.

Nói xong cúi đầu tái bái.

Long quân hỏi:

- Thế có bao nhiêu người bị chết?

- Sáu chục vạn

- Mùa màng tổn hại bao nhiêu?

- Tám trăm dậm

-Còn gã bạc tình kia thì sao?

- Đã nuốt vào bụng rồi.

Long quân bùi ngùi nói:

- Đứa trẻ hư kia làm vậy quả là khó nhịn được, nhưng ngươi làm như thế cũng quá. May nhờ thượng đế công minh biết rằng giải oan nếu không thì ta lấy gì mà nói. Từ nay về sau đừng làm như vậy nữa.

Tiền Đường Quân lại vái lạy lần nữa.

Đêm hôm đó mời Nghị trú lại Ngưng Quang Điện. Ngày hôm sau thiết yến khoản đãi Nghị tại Ngưng Bích Cung, tụ tập bằng hữu thân thích, ca nhạc giúp vui, các thứ trân tu hải vị gồm đủ. Đầu tiên, tiếng trống, tiếng tù và nổi lên rồn rã, tinh kỳ kiếm kích, một vạn vũ sĩ nhẩy múa tại bên hữu, ở giữa một vũ sỹ đứng ra ra giới thiệu:

- Đó là điệu múa Tiền Đường phá trận

Gươm giáo sáng lòa, bộ sậu hung hãn khách ngồi nhìn ai nấy râu tóc đều dựng ngược cả lên.

Rồi lại có tiếng đàn sáo nổi lên, một ngàn thiếu nữ áo là quần lụa, châu ngọc đầy mình chạy ra múa ở phía tả. Chính giữa một cô gái đứng ra giới thiệu:

- Đó là điệu múa công chúa hồi cung.

Thanh âm uyển chuyển, như oán như mộ, tân khách ngồi nghe bất giác nhỏ lệ.

Long quân vui vẻ ra lệnh lấy gấm vóc ra thưởng các vũ công. Sau đó chủ khách ngồi vào bàn ăn uống cực vui. Rượu được vài tuần, long quân đứng dậy gõ chén cất tiếng ca. Ca rằng:

 Đại thiên thương thương hề, đại địa mang mang

 Nhân các hữu chí hề hà khả tư lương

 Hồ thần thử thánh hề, bạc xã ỷ tường

 Lôi đình nhất phát hề, kỳ chấp cảm đương

 Hà chân nhân hề tín nghĩa trường

 Lệnh cốt nhục hề hoàn cố hương

 Tế ngôn sám hối hề hà thời vong.

Động Đình Quân ca hết, Tiền Đường quân cũng đứng dậy vái rồi cất tiếng ca. Ca rằng:

 Thượng thiên phối hợp hề, sinh tử hữu đồ.

 Thử bất đáng phụ hề, bỉ bất đáng phu.

 Phúc tâm tân khổ hề, sinh tử chi ngung

 Phong sương mản mấn hề, vũ tuyết la nhu.

 Lại minh công hề dẫn tố thư

 Lệnh cốt nhục hề gia như sơ

 Vĩnh ngôn trân trọng hề, vô thời vô.

Tiền Đường quân hát song, Động Đình Quân đứng dậy, lấy một cái chén lớn rót đày rượu mừng Nghị. Nghị trù trừ một lúc rồi nhận. Uống cạn, Nghị rót hai chén rượu đầy mời hai người, rồi đứng lên ca:

Bích vân đu du hề, Kinh thủy đông lưu

Thương mỹ nhân hề, vũ khấp hoa sầu

Xích thư viễn đạt hề, dĩ ải quân ưu

Ai oán quả tuyết hề, hoàn sử kỳ hưu

Hà hoà nhã hề, cảm cam tu

Sơn gia tịch mịch hề nan nhập lưu

Dục tương từ khứ hề, bi trù mâu

Ca song tất cả lên tiếng hô vạn tuế. Động Đình Quân lấy ra một cái bích ngọc sương cẩn khai thủy châu thành những cánh hoa. Tiền Đường quân cũng lấy ra một cái Hồng Phách bàn đính ngọc dạ quang đưa ra tặng Nghị. Nghị từ tạ rồi nhận. Sau đó mọi người trong cung mang ra nào là lụa là, châu bích tất cả đem để ra bên cạnh Nghị. Đồ quý trùng điệp sáng ngời. Nghị cười nói cám ơn không lúc nào nghỉ. Tiệc yến thật vui. Tối hôm đó Nghị lại nghỉ tại Ngưng Quang Điện.

Hôm sau lại tổ chức yến tiệc tại Thanh Quang Các. Rượu được vài tuần, Tiền Đường Quân nghiêm sắc mặt nói với Nghị:

- Tôi nghe đá cứng có thể vỡ mà không thể uốn, nghĩa sỹ thà chết chứ không chịu nhục. Kẻ ngu này có mấy lời muốn nói với công liệu có thể được hay không? Nếu theo ta được thì có thể sẽ bay lên đến tận trời xanh còn nếu không thì xuống tận đám bùn đen. Túc hạ nghĩ như thế nào?

Nghị nói:

- Xin mời cứ cho biết cao kiến.

Tiền Đường nói:

- Vợ của Kinh Dương tức là con gái yêu của Động Đình quân vậy. Tính người hiền thục ai cũng quý trọng. Bất hạnh bị nhục trong tay kẻ không ra gì. Nay đã chấm dứt. Muốn phó thác vào một người cao nghĩa đời đời kết thân để cho kẻ thụ ân biết có chỗ về, người luyến ái biết chỗ phó thác. Đó chính là cái đạo thủy chung của người quân tử vậy.

Nghị trầm tư một hồi rồi cười nói:

- Không ngờ Tiền Đường quân lại ăn nói hay như vậy. Nghị đầu tiên được nghe kể đại vương dẫm bẹp cửu châu, xoay chuyển ngũ nhạc để yểm cơn phẫn nộ. Sau lại được thấy đại vương giật đứt sợi xích vàng đánh đổ cột ngọc để mau chóng đi cứu nạn, Nghị cho rằng cương quyết minh trực không ai bằng quân cả. Vì vậy đã phạm vào không né tránh cái chết, đã cảm kích thì không tiếc sự sống. Quả đúng là một đấng trượng phu vậy. Thế mà đang lúc nhã nhạc trổ lên, tân chủ đang vui vẻ, lại không nghĩ gì đến đạo lý dùng uy ép người? Có phải là kẻ hèn này nhìn sai chăng? Giả như có gặp quân tại nơi sóng cả, giữa đám huyền sơn, có đủ râu vẩy bọc trong mây gió áp bức Nghị phải chết thì Nghị này cũng chỉ coi quân như cầm thú mà thôi. Không có gì mà phải ân hận. Nhưng vào lúc này, quân mặc áo đội mũ, ngồi nói chuyện lẽ nghĩa, giảng hết các nghĩa của ngũ thường, chỉ ra những nét của bách hạnh tuy hào kiệt của thế gian cũng không bằng được huống chi là những vật linh trên chốn giang hồ. Nhưng Nghị vẫn muốn lấy cái tâm ngu của mình để thắng cái khí bất đạo của vương. Mong vương hãy suy nghĩ lại.

Tiền Đường vội vã xin lỗi nói:

- Quả nhân sinh trưởng nơi cung cấm, không được nghe những lời chính luận. Nếu có những lời nói ngông cuồng, xúc phạm đến bậc cao minh xin bậc quân tử đừng lấy đó làm giận.

Đêm hôm đó lại yến ẩm vui vẻ như trước, Nghị và Tiền Đường kết giao thành bạn tri âm, Hôm sau Nghị từ biệt đi về. Động Đình Quân phu nhân mở tiệc tiễn biệt tại Tiềm Cảnh Điện, nam nữ tỳ bộc đều ra dự hội. Phu nhân khóc nói với Nghị:

- Giọt máu huyết của tôi cảm tạ ân lớn của quân tử, hận không được có dịp để tỏ lòng yêu chuộng.

Rồi phu nhân gọi cô gái gặp ở sông Kinh ra cám ơn. Rồi phu nhân lại nói:

- Ly biệt lần này liệu có ngày nào còn gặp lại nữa không?

Nghị tuy lúc đầu không chịu lời cầu thân của Tiền Đường, nhưng vào lúc này cũng có vẻ tiếc hận. Đến lúc lâm biệt, mọi người trong cung đều rầu rĩ, tặng Nghị các món đồ trân bảo kỳ lạ không thể nào tả hết được.

Nghị theo đường cũ mà quay trở lại bờ hồ thấy có khoảng mươi ngươi tùy tòng, gồng gánh các món quà tặng, đưa Nghị về đến tận nhà mới từ biệt.

Nghị sau đó đến một cửa hàng buôn bán đồ châu bảo tại Quảng Lăng gạ bán các món quà tặng. Một trăm món chưa bán hết một đã kiếm được hàng triệu. Nhân thế các nhà giầu có tại vùng hữu ngạn sông Hoài đều gọi đến kết thân. Rồi Nghị lấy Trương thị. Trương thị chết, lại lấy Hàn thị. Được vài tháng Hàn thị cũng lại chết, Nghị dọn nhà về Kim Lăng. Thường cảm thấy cuộc đời goá vợ buồn nản, muốn mưu kiếm vợ mới. Một hôm có người mối đến cho biết:

- Có một người con gái họ Lư, người Phạm Dương, bố tên Hạo trước làm chức tể ở Thanh Hà, về già mộ đạo, bỏ đi vân du trong chốn vân tuyền, nay không biết ở đâu. Mẹ họ Trịnh. Năm ngoái gả Lư thị cho họ Trương tại Thanh Hà, chẳng may họ Trương mất sớm. Mẹ thuơng còn nhỏ tuổi, lại tiếc vì con người thông minh xinh đẹp, muốn kiếm một người có đức hạnh gả cho, không biết công tử có muốn không?

Nghị bèn chọn ngày nạp lễ. Nam nữ hai họ đều là hào tộc. Lễ vật, hồi môn tất cả đều cực kỳ sang trọng. Giới sỹ họan tại Kim Lăng ai cũng hoan nghênh.

Cưới nhau được hơn một tháng, một hôm Nghị về nhà trễ, nhìn mặt vợ bỗng cảm thấy thật giống như Long nữ, nhưng hình dáng phong hậu còn vượt xa hơn. Nhân vậy mới kể lại cho vợ chuyện xưa. Vợ nói:

- Trên đời này lại có chuyện như vậy sao.

Được hơn một năm, sinh được một con trai. Nghị còn kính trọng hơn nữa. Sinh được một tháng. Lư thị bỗng thay đổi y phục, trang sức lộng lẫy rồi vào lúc thân thích đến tụ hội cười nói với Nghị:

- Quân có nhớ thiếp ngày xưa không?

Nghị nói:

- Ngày xưa đã có lần ta vì con gái Động Đình quân đưa thư dùm, đến nay vẫn còn nhớ.

Lư thị nói:

- Thiếp chính là con gái Động Đình quân. Nỗi oan tại Kinh thủy, chính nhờ quân mà rửa sạch. Cảm cái ân của quân, thiếp thề trong lòng sẽ báo. Chẳng may khi chú Tiền Đường cầu thân, chàng lại không chịu dẫn đến ly biệt, mỗi người một phương không thăm hỏi được nhau nữa. Bố mẹ thiếp muốn gả thiếp cho con trai sông Tiềm, nhưng lời thề trong lòng khó đổi, mệnh lệnh của bố mẹ khó theo. Chẳng may chàng lúc ấy đã bỏ đi tuyệt vô âm tín không biết lúc nào gặp lại. Cái oan ban đầu tuy đã nói ra được với cha mẹ nhưng lời thề vẫn còn chưa được thỏa nguyện. May rằng chàng tuy đã mấy lần lấy vợ, đầu tiên lấy họ Trương, sau lại lấy họ Hàn, nhưng Trương, Hàn đều theo nhau chết. Rồi chàng lại dọn về đất Từ. Nhờ vậy mà bố mẹ thiếp mừng cho thiếp được thỏa lời nguyện báo đền cho chàng. Ngày nay được phụng sự quân tử, có chết cũng không còn thấy hối hận.

Nói xong nước mắt rầm rề rồi nói thêm với Nghị:

- Đầu tiên không nói ra vì biết chàng không phải là người trọng sắc, nay nói ra vì biết chàng cũng đã cảm cái lòng của thiếp. Đàn bà chẳng phải là lúc nào cũng đen bạc không giữ được tấm lòng chung thủy. Nay đã có với chàng một đứa con mới dám nói ra, không biết ý tứ chàng như thế nào? Buồn lo mãn lòng không biết tự giải làm sao. Ngày chàng nhận đưa thư cho thiếp, có cười nói với thiếp rằng "sau này về lại Động Đình xin đừng tránh né" Không biết vào lúc đó chàng có ý như chuyện ngày nay hay không? Nhưng đến lúc chú Tiền Đường cầu thân, chàng lại nhất định không chịu. Chàng nói không thể được, giận dữ trả lời. Tại sao xin chàng nói cho thiếp biết,

Nghị nói:

- Kẻ hèn này khi gặp nàng tại bờ sông Kinh, thấy nàng tiều tụy, thành ra cảm thấy bất bình, nên tự hứa ở trong lòng phải giải nỗi oan cho nàng ngoài ra không có gi khác. Câu nói "Xin đừng tránh né" chẳng qua chỉ là ngẫu nhiên mà thôi không có ý gì khác. Đến khi bị Tiền Đường bức bách, về lý có những điều không thể được thành ra mới khiến người ta phải nổi phẫn. Đã làm chuyện này vì việc nghĩa, ai mà có thể giết chồng rồi cướp vợ được. Đó là một điều không thể làm được. Thẳng thắn lương thiện làm sao mà có thể tâm phục khi phải khuất thân, đó là hai điều không thể làm được. Nhưng đến khi tương biệt thấy nhan sắc nàng sầu thảm, trong lòng ta cũng cảm thấy rất là ân hận. Ôi! hôm nay nàng đã trở thành Lư thị, lại sống tại nhân gian, thì cái lòng ta ngay từ đầu đã cảm mến rồi. Từ này về sau, vĩnh viễn cùng nàng vui vầy không còn gì phải tư lự.

Vợ nghe cảm động cất tiếng khóc vì vui mừng một hồi lâu mới thôi. Sau đó, nói với Nghị:

- Xin đừng cho thiếp phi loại mà dè bỏ thiếp. Rồng sống vạn năm, nay được cùng với chàng, trên bộ dưới nước không chỗ nào mà chàng không có thể tới được. Chàng đừng cho đó là hoang đưòng.

Nghị mừng lắm:

- Ta không biết làm quốc khách, nhưng nay lại trở thành thần tiên.

Rồi cùng nhau quay trở lại Động Đình. Đến nơi Long Quân tiếp đãi rất trọng, không thể tả được. Sau rời nhà ra ở Nam Hải. Trong suốt bốn chục năm, nhà cửa đài các, đồ dùng châu bảo, ngay đến những nhà hầu bá cũng không thể nào địch lại. Cả gia tộc của Nghị cũng được nhờ. Xuân thu hai lần mỗi năm gặp nhau, thấy Nghị nhan sắc không đổi. Dân chúng Nam hải không ai mà không kinh dị. Đến năm Khai Nguyên, hoàng đế trọng đạo thần tiên, đòi kiếm những người biết đạo thuật. Nghị không cảm thấy được yên, bèn dẫn vợ con về Động Đình. Suốt mười năm sau không ai còn biết đến tông tích. Cho đến cuối đời Khai Nguyên, có Tiết Hồ em họ của Nghị vốn đang là Kinh Kỳ lệnh, bị trích quan về đông nam. Trên đường đi qua Động Đình, ban ngày trời nắng, nhìn xa xa thấy một ngọn núi biếc nổi trên các ngọn sóng. Thủy thủ trên thuyền ai nấy đều đứng dựng lên nói:

- Chỗ đó vốn không có núi, sợ rằng thủy quái hiện lên.

Chốc sau núi tiến đến sát gần thuyền rồi bỗng thấy một chiếc họa thuyền từ trong núi đi ra, dừng lại hỏi tên Hồ. Rồi có một người hô lớn:

- Liễu công mời đến thăm.

Hồ chợt nhớ ra Nghị. Rồi được đưa đến chân núi, vén áo vội leo lên. Trong núi có lâu đài cung khuyết như nhân thế. Thấy Nghị đứng trong cung, dàn nhạc bày đằng trước, đàng sau la liệt những đồ châu thúy vật ngoạn trần gian không thể nào sánh được.

Gặp gỡ nói chuyện thấy dung nhan Nghị càng ngày càng trẻ trong khi lời nói ngày huyền diệu hơn nhưng đón tiếp Hồ vẫn thân thiết như sơ.

Nghị cầm tay Hồ nói:

- Xa nhau chớp mắt mà râu tóc đã bạc hết rồi

Hồ cười nói:

- Huynh nay là thần tiên, còn đệ thì chỉ là một bộ xương khô mà thôi. Cũng là số mệnh cả.

Nghị bèn lấy ra năm mươi hoàn thuốc đưa cho Hồ nói:

- Thuốc này uống một viên có thể tăng thọ một tuổi. Hết năm xin trở lại, đừng sống lâu tại nhân thế chỉ tự chuốc lấy khổ mà thôi.

Ăn uống song, Hồ từ biệt ra đi. Từ đó về sau tuyệt vô âm tín. Hồ thường lấy chuyện này kể cho mọi người nghe. Sau bốn kỷ, Hồ cũng lại không biết đi đâu mất.

Lũng Tây Lý Triều Uy viết lại chuyện này rồi than rằng:

- Đứng đầu năm loài thú tất phải linh hiển, điều đó có thể thấy được con người chỉ là loài thú trần truồng mà thôi. Động Đình bao chứa đại trực, Tiền Đường mau lẹ lỗi lạc thật đáng noi theo. Ông Hồ kể lại mà không viết ra, thật là đáng tiếc. Kẻ ngu này vì vậy kể
lại.


Lê Mạnh Hùng

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc