ĐÊM THÁNG MƯỜI - Phạm Thế Định

22 Tháng Giêng 201312:00 SA(Xem: 90637)




Đêm Tháng Mười



yoshida-content
Những làn gió mát chưa vội đưa cơn rét đầu đông đến Edo, nhưng đủ làm cho nước mũi của Yoshida ứa chảy và gây nên cảm giác khá khó chịụ. Đêm nay, cũng như nhiều đêm khác Yoshida quyết định không ngủ.


- Tiếc rằng, ta không có tự do để có thể đi ra ngoài tản bộ. Đi bộ trong một đêm mát lạnh như thế này, chắc sẽ giúp cho đầu óc ta tỉnh táo lên nhiều.


Ý nghĩ không ngủ để sống trọn 24 giờ một ngày đã đến với Yoshida từ lâu lắm. Từ lúc Yoshida mới chỉ là một cậu bé 10 tuổi, nổi danh thần đồng tại quê nhà. Năm đó, cậu đã đọc và hiểu khá sâu sắc những bài học về cách bài binh bố trận của Yamaga Soko, cũng như đã lầu thông cuốn binh pháp của Tôn Tử. 


 Một thoáng dao động đến trong tâm trí của Yoshida, làm chàng nhớ về quê hương Nagi. Nơi có nước biển xanh màu ngọc thạch,. nơi có thành nội cùng những con phố thân quen. Nơi mà những ngọn đồi xanh mướt bao quanh làng Matsumotọ, nơi mà song thân đang ngày đ êm mong ngóng tin chàng. Nghĩ đến đó tự nhiên Yoshida thấy nhói ở tim. 


 Bên ngoài phòng giam, gã vệ sĩ gác ngục không dấu được vẻ thán phục khi nhìn thấy kẻ tử tội nổi danh là một học giả yêu nước đang xếp bằng tròn chờ đợi. Vẻ trầm tĩnh trên khuôn mặt thản nhiên tự chế ngự của một bậc thày như Yoshida làm hắn liên tưởng đến một cành đào điểm hoa, điềm nhiên trong tuyết lạnh.


 Yoshida để óc trấn tĩnh lại, và duyệt xét lại toàn bộ những việc phải làm, và những việc đã làm. Bộ óc cực kỳ thông minh và sáng suốt của chàng đã xếp đặt xong toàn bộ kế hoạch để môn hạ thi hành, sau khi biết tin về lệnh hành quyết chàng đã được Mạc phủ đưa xuống.


Những đệ tử và đồng chí của Yoshida đã nhận được hung tin, ngay từ khi toán lính áp giải Yoshida rời Chosu. Nhưng Yoshida chỉ bắt đầu thảo kế hoạch hành động và chuyển đi cho họ, sau khi lìa khỏi Kyoto.


Trên suốt con đường Tokaido, qua 50 trạm dừng chân. Yoshida không ngừng suy đi tính lại từng chi tiết một.


Chàng nghĩ, giờ này chắc Takasugi Shinsaku, Omura Yasujiro, và Kusaka Genzui...cũng đang thức, chờ đợi trong căm phẫn. Nhưng Yoshida biết rằng, dù là người trẻ tuổi nhất, nhưng Ito Hirobumi lại chính là người chuẩn bị lo báo tin cho song thân của Yoshida, và tổ chức phần hậu sư cho chàng. Riêng Yamagata Aritomo, người đệ tử chín chắn này của Yoshida sẽ kiểm soát mọi việc trong kế hoạch, sao cho chúng phải được bảo mật hoàn toàn.


Yoshida nhắm mắt để ôn lại những khuôn mặt trong những giờ dạy học ở thôn Tùng Ha.. Trường mang tên Shoka Sonjuku. Tại trường đó, chàng đã trải bao tâm huyết để giảng về sono joi (*), diễn giải tư tưởng Châu Hy, bàn về cốt lõi của học thuyết Dương Minh, mở rộng tầm hiểu biết qua thế giới của người Hòa Lan, và kể cho môn đệ nghe về nỗi lo vong quốc của chàng đã dâng cao thế nào, trong cái đêm định mệnh, mà Yoshida lén trèo lên chiếc hắc thuyền của ngoại nhân.


 Làm sao Yoshida có thể quên được những ánh mắt sáng ngời của họ, từ gã học trò lớn hơn chàng 6 tuổi, đến gã thiếu niên mặt còn lông măng, tuổi chưa đến 18. Lòng ái quốc và quyết tâm bảo vệ danh dự tổ quốc đã tạo nên những ánh mắt ấy.


Nghĩ đến đó, bỗng có tiếng chân người vừa bước vào hành lang dẫn đến cửa ngục thất. Yoshida ngửng đầu lên nhìn kẻ lãnh nhiệm vụ chặt đầu mình. Đó chính là đao phủ thủ Yamada Asaemoni cùng hai chiếc đái đao Kotetsu nổi tiếng của ông ta, đang nghiêm nghị bước vào phòng giam và cúi người chàọYoshida.


Tới tận phòng giam tử tù để đi cùng phạm nhân đến chỗ hành hình là hành động đặc biệt củaYamada nhằm tỏ lòng tôn trọng người mình sắp hành quyết, Yamada Asaemon, người vũ sĩ của dòng Shogun Tokunawa đã cho rơi đầu hàng ngàn người dưới đường kiếm tuyệt luân, chuẩn xác của ông ta, trầm giọng:

- Thưa đại nhân, ngài có còn cần điều gì không?


Yoshida đứng dậy, cúi người chào lại Yamada và điềm nhiên nói: 

 - Xin ngài nhớ mang theo mình một miếng giấy nhỏ.


Sau khi gã lính giữ tù giao giấy cho Yamada Asaemon, ông ta đưa tay mời Yoshida bước khỏi căn ngục thất. Qua hết hành lang, họ bước đến một cái sân. Nơi đó, một cái hố đã được đào sẵn. Trong cái hố, người ta đã đổ một lớp đất màu đen. Trước cái hố, có một cái chiếu nhỏ đã được trải ra.


Yoshida thản nhiên xốc lại áo cho thẳng. Rồi với một phong cách đẹp tuyệt vời, chàng bước tới quì gối bên mép chiếc chiếu, rồi yêu cầu đưa cho mình miếng giấy để chùi nước mũi .


Sau đó, Yoshida ngồi thẳng người, đọc rành mạch bài thơ tuyệt mệnh.

- Tình thương cha mẹ vượt xa lòng hiếu của đứa con.

Chẳng biết hôm nay song thân sẽ ra sao khi nhận được những đợt sóng tin v
. 


 Yamada Asaemond kéo thanh kiếm Kotetsu ra khỏi chuôi, hai tay đưa kiếm lên cao. Một chớp kiếm loáng ra, đầu Yoshida rơi vào đúng lỗ huyệt, thân hình gục xuống, máu từ cổ chàng bắn lên rồi tuôn thấm vào lớp đất đen. Ngoài khơi biển đang nằm im chờ dậy sóng.



Phạm Thế Định

--------------------

(Tháng 2/2007 - viết lại 21/1/2013) 



Viết sau khi đọc về Yoshida Shoin (Cát- Điền Tùng-Lâm, 1830-1859) và nghĩ đến cái chết của Trần Quí Cáp.


Phỏng theo Yoshida Shoin: The Archetype of Japanese Revolutionaries của Romulus Hillsborough


Đái đao
: hai thanh kiếm của vũ sĩ Nhật cắm vào thắt lưng vải, một dài, một ngắn.


Yamaga Soko
(Sơn-lộc Tô Hành, 1622-1685): Triết gia, chiến lược gia, cha đẻ của "Võ Sĩ Đạo"


Sono joi: (tôn-hoàng nhượng di) chủ thuyết tôn quân, phò vua chống ngoại xâm, một loại cần vương nhưng cấp tiến. Làm nền tảng cho phong trào duy tân thời Minh Tri..Yoshida đã đến Mito để yết kiến Aizawa Seishisai, tác giả cuốn Shinroin (Tân Luận), cuốn sách lý thuyết của Sono joi .


Mito, Owari, và Kii
tức 3 đại gia vương hầu (gosanke) đứng đầu các thân phiên (simpan) dưới thời Tokugawa. Nếu trung ương không có người nối dõi thiên hoàng, thì gosanke sẽ là nơi để lựa chọn người làm thiên hoàng.


Tư tưởng Châu-Hy
(học thuyết Tống-Nho, dựa trên căn bản tư tưởng của Châu-Hy, 1139-1200): Shushigaku . Tống Nho cho rằng lý của trời đất con người chỉ có một, bất biến. Trật tự trong thiên nhiên và xã hội con người không thay đổị "Nhân chi sơ tính bản thiện" nhưng khí (sư ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài) khác nhau . Con người có thanh khí (khí tốt) và trọc khí (khí xấu). Trừ các bậc thánh nhân ra, con người rất dễ bị ảnh hưởng trọc khí và làm điều xấu. Cách hay nhất để tu học là tra cứu sự vật (cách vật) để hiểu biết (trí tri). Khi đã hiểu biết sự vật, tức sẽ thuận đúng lý trờị Cái học này đưa con người đến thụ động, phò vua (chính quyền trung ương) một cách tuyệt đối .


Yomeigaku
: Dương Minh Học, học thuyết Vương Dương Minh (1472-1529, thời nhà Minh). Vương Dương Minh chủ trương "tri hành hợp nhất", bàn về chí khí: "Người không chí như thuyền không lái, như ngựa không cương, trôi giạt nơi nơi, không biết đâu là bờ bến", và lương tri, một loại common sense: tự ý thức về điều đúng hay sai. Vương Dương Minh cho rằng ai sinh ra đời cũng có sẵn lương tri . Về với lương tri và tỉnh thức là về với cái lý toàn thể (hướng tâm tự giác, khác với Tống Nho, con người phải hướng ngoại cách vật trí tri). Cái học này đưa con người lên hàng chủ động, tuy rằng vẫn tôn quân.


Hắc thuyền
: Kurobune, chiếc soái thuyền của đề đốc Matthew C. Perry (1794-1858) dẫn đầu 3 chiến thuyền khác đến Shimoda, cảng Uraga (Phố Hạ trong vịnh Tokyo hiện nay) vào tháng 7 năm 1853, đưa quốc thư yêu sách Nhật Bản phải dẹp bỏ chính sách bế quan tỏa cảng (sakoku).


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc