ĐƯỜNG VỀ THÊNH THANG - Thiên Hương Chu Kim Hải

20 Tháng Giêng 201312:00 SA(Xem: 90962)




Đường về thênh thang

 

 

Đời người đã là một hành trình dài, nhưng trong cuộc hành trình đó có những cuộc hành trình ngắn ta đi tìm những gì đó gọi là hạnh phúc tối thượng. Hạnh phúc tối thượng đó như thế nào và ở đâu?. Trên chuyến tầu thủy tốc hành để đến Phổ Đà Sơn, nhìn qua cửa sổ ra mặt biển bốn bề mênh mông trắng xóa sương sớm đầu mùa thu, con tầu chở trên hai trăm ngườiø thật nhỏ bé như chiếc lá giữa sóng nước dập dềnh .

 

 Con tầu xuyên sóng mây chen ,

 Một đời biết mấy lênh đênh ê chề .



chua_tau-content Trên một đảo nhỏ ngoài khơi Thượng Hải, trong một cái am nhỏ lờ mờ tối giữa khe đá chông chênh ven biển, đoàn người hành hương sát cánh nhau tụng liên miên nhiều thời Bát Nhã Tâm Kinh âm vang trong buổi chiều thu mặt trời đã xuống thật thấp. Tất cả đều hướng về khe đá mong Đức Phổ Hiền chứng cho tâm thành hiện lên trong tia sáng nhạt còn sót lại của một ngày sắp hết trên trần thế. Trong chuyến hành hương mỗi người mang một tâm tư và có riêng một nghiệp quả. Có người vô tư đi đến những nơi Phật giáo nổi danh mong cầu được phước lớn, có người mong được tai nghe mắt thấy những thắng tích Phật giáo lưu lại từ ngàn đời do niềm tin chân thành vô biên của người xưa. Lại có người mang chút tro của chồng hay của người mẹ thân yêu trải ra biển nơi thánh tích thiêng liêng theo ước nguyện của người chết. Cũng có người đi để tìm hiểu thêm lịch sử Phật giáo vào Trung Quốc ảnh hưởng như thế nào đến hàng ngàn năm sau cho khắp Châu Á

.

 Đường tu mong được viên tròn

 Tình trần vương vấn tâm còn loanh quanh. 

 

Riêng tôi, tôi đi để tìm gì khi đứng trên mỏm đá Phổ Đà Sơn chiêm ngưỡng bức tượng Quan Âm sừng sững từ ngàn năm nhìn ra mặt biển xanh biếc, dù qua bao thời gian thay đổi và lịch sử thăng trầm của Thế Giới và Trung Quốc. Đứng dưới chân tượng Quan Âm tâm tôi đôi khi trụ trên bức tượng chênh vênh trên ghềnh đá và đôi khi đang xôn xao như sóng biển dưới kia .

 

 Quan Âm sừng sững đầu ghềnh ,

 Thân người chĩu nặng trăm nghìn nghiệp sâu .

 


Theo tự điển Phật học Huệ Quang thì Phổ Đà Sơn nằm ở quần đảo Chu Sơn , ngoài biển Đông Trung Quốc thuộc huyện Định Hải Tỉnh Chiết Giang. Là thánh địa của Bồ Tát Quan Âm, núi này cùng ba núi Cửu Hoa Sơn, Ngũ Đài Sơn và Nga Mi Sơn là 4 danh sơn của Phật giáo Trung Quốc. Tương truyền trước đời Đường có vị tăng là Mai Phước ẩn tu ở Cát Hồng nên núi gọi là Mai Sầm Sơn. Năm 847-860 có vị tăng Ấn Độ đến đây tự đốt 10 ngón tay, thấy được Bồ Tát Quán Âm hiện lên thuyết pháp trao cho khối đá quí 7 mầu, nên đất này được truyền tụng là đất hiển thánh của Bồ Tát Quán Thế Âm.


Năm 916, đời Hậu Lương thời Ngũ Đại khi một nhà sư Nhật Bản tên Huệ Ngạc đến Trung Quốc thỉnh tượng Bồ Tát Quan Âm về nước, thuyền đi đến đảo này lòng vòng không thể tiến. Ngài Huệ Ngạc liền lập chùa cúng dường tượng và dựa theo tên Potakala trú xứ của Bồ Tát Quán Âm tại Ấn Độ đặt tên chùa là Phổ Đà.


Từ đời Nam Tống về sau các triều đại thường cúng dường nhiều tài vật. Các chùa lớn được xây dựng khắp núi rất nhiều tăng đồ theo tu học, người đến chiêm bái ngày càng đông. Phổ Đà Sơn trở thành một đạo tràng lớn của Phật Gíáo Trung Quốc.


Năm 1131, đời Nam Tống các tông phái ở núi Phổ Đà thống nhất qui về thiền tông. Năm 1214, lại qui định lấy việc thờ phụng Quan Âm làm chính. Các triều đại về sau tiếp tục kiến lập thêm tu viện .


Chiều dài và chiều rộng núi khoảng 18 cây số, có khoảng 218 tu viện, am, thất và thảo am; tăng ni hơn 2000 người. Trong số đó nổi tiếng nhất có 3 chùa lớn, 72 chùa nhỏ. Ba chùa lớn là chùa Phổ Tế ( Tiền Tự) , chùa Pháp Vũ ( Hậu Tự ), và chùa Huệ Tế gọi chung là Phổ Đà Tam Đại Tùng Lâm. Mỗi năm khoảng giao mùa giữa xuân và thu , thiện nam tín nữ lũ lượt khắp nơi đến núi Phổ Đà hành hương hay nghỉ mát khiến nơi này thành một tùng lâm phồn thịnh nhất trong tỉnh Giang Nam.


Ngọn Bạch Hoa là đỉnh cao nhất của núi Phổ Đà, thường được gọi là núi Phật đảnh, từ chân núi đến đỉnh có hơn hai ngàn bậc đá (ngày nay đã có giây cáp treo đưa khách hành hương lên núi mau hơn và rất tiện lợi cho những người già yếu), sườn núi có bia đá tên Vân Phát Thạch , trên khắc bốn chữ “Hải Thiên Phật Quốc”.


Núi Phổ Đà có nhiều ngọn cao vút, bốn mặt đều là biển, trong núi có nhiều hang động thiên nhiên kỳ lạ. Tiếng sóng biển hòa với tiếng kinh từ các chùa tạo thành âm thanh vi diệu. Thật là một cảnh thần kỳ của cõi Phật ở chốn trời biển mênh mông

 

 

phat_tren_da-content Đáp tầu tốc hành quay về đất liền đến Ninh Ba viếng A Dục Vương Tự nơi lưu giữ một xá lợi là di cốt của Phật Thích Ca Phật đặt trong một bảo khánh từ đời Tây Tấn (282) Lưu Tác hạ tìm được trong một tháp của tám vạn bốn ngàn ngọn tháp do A Dục Vươn g cho dựng lên. Ngoài trời nắng nóng hầm hập, trong Phật đường thật tĩnh lặng và mát rượi lan man mùi vách gỗ pha mùi nhang trầm; đoàn hành hương lặng lẽ thứ tự theo sau nhau từng người một đến quỳ trước Phật đài nhìn chăm chú vào một tháp nhỏ bằng kính do một vị sư già khiêm cung khom người chỉ vào một viên ngọc đen nhỏ bằng hột tiêu. Lòng tôi bồi hồi tưởng đến Phật đã ra đời hơn hai ngàn năm qua mà tới nay tôi hãy còn trôi lăn trong luân hồi, sao u mê lâu quá qua bao nhiêu ngàn kiếp để đến ngày nay hãy còn trong vòng sanh tử mà quỳ nơi đây với tấm thân đang hủy hoại đau đớn cùng khắp .


Từ nơi này chúng tôi đến Hàng Châu tỉnh Chiết Giang có Tây Hồ và có núi Linh Ẩn. Núi này có hai ngọn là Bắc Cao Phong và Nam Cao Phong cao tận mây. Gần ngọn Phi Lai dưới chân núi có ngôi chùa xưa nổi tiếng có tên là Linh Ẩn. Đời Đông Tấn năm 326, một sa môn Ấn Độ tên Huệ Lý đến đây trông thấy ngọn Phi Lai khen la : “ Ngọn núi nhỏ của Linh Thứu ở Thiên Trúc bay đến đây tự bao giờ” và ngài ở lại đây xây chùa đặt tên là Linh Ẩn. Đến đời đường năm 771 chùa được trùng tu nhưng đến năm 841-846 chùa lại bị phá hủy. Đời Ngũ Đại, vua Trung Ý nước Ngô Việt cho xây lại, toàn chùa có 9 lầu, 18 gác 73 điện và có 1300 gian phòng chứa hơn 3000 các chư tăng, cực thịnh một thời .


Khoảng nămbao_thap-content 1007 đời Tống đổi tên là Cảnh Đức Linh Ẩn Tự. Chùa lại bị giặc Hồ phá vào năm 1127-1130 và được khôi phục lại như xưa năm 1131-1162. Theo Ngũ Đăng Hội Nguyên tục có Thiền sư thuộc phái Dương Kị, tông Lâm Tế họ Hạng hiệu Tĩnh nguyên biệt hiệu Huyền Ẩn (1318-1386) người Hoàng Nam Đài Châu tỉnh Chiết Giang. Sư xuất gia ở chùa Bảo Quan khi đến tham yết ngài Nguyên Tẩu Hành Doan được kế thừa pháp tông. Năm 1372 Sư phụng chiếu vua Thái Tổ đến xiển dương đại pháp ở Chung Sơn. Năm 1378 sư trụ trì tại Linh Ẩn tự đến năm 1386 sư bị vu khống, chưa được lệnh bắt sư đã đến ra mắt quan phủ, ngay tại phủ sư thuyết pháp nói kệ rồi an nhiên thoát hóa, hưởng thọ 69 tuổi. Thời thiền sư Huệ Minh trụ trì giáo hóa Phật pháp rất thịnh hành. Đời nhà Minh khoảng năm 1368-1398 được tu sửa và có tên Linh Ẩn Tự cho đến ngày nay. Tuy vào đời nhà Thanh năm 1662-1722 vua Khang Hi ban cho hiệu là Vân Lâm Thiền Tự nhưng dân gian vẫn gọi là Linh Ẩn Tự. Từ khi sáng lập cho đến nay đã 1600 năm qua bao lần bị phá hủy bởi chiến tranh và 14 thiên tai, nên quang cảnh ngày nay do người đời sau tu sửa. Chỉ riêng ngôi tháp chín từng hình bát giác trước Đại Hùng Bửu Điện và hai cột đá khắc kinh Phật trước điện Thiên Vương là di vật của thời Ngũ Đại. Những nham thạch của ngọn Phi Lai xếp thành từng lớp , bên trong có nhiều hang động. Từ vách núi đến trong hang động có 338 pho tượng Phật lớn nhỏ khắc sâu thật đẹp từ đời nhà Tống và nhà Nguyên (Ngũ Đại). Nhiều tượng có sắc thái Mật Tông vì thời nhà Nguyên rất ngưỡng mộ Lạt Ma Giáo .


 Sau khi viếng Linh Ẩn tự tiếp tục đi Nam Kinh để đến Cửu Hoa Sơn, trên đường ghé Vô Tích viếng Linh Sơn Đại Tự là nơi danh thắng hiện đại công phu và tốn kém nhưng khách hành hương địa phương lại đi lễ đông nườm nượp dù là dưới sức nắng nóng của trời vừa chớm thu vùng này hãy còn đủ làm cháy da .

 

 

nam_kinh-content Nghỉ lại một đêm ở Nam kinh, từ tờ mờ sáng đoàn người hăng hái leo lên hai xe bus, bỏ lại sau lưng thị thành nhộn nhịp; độ hơn một giờ sau tiến vào vùng chân núi, xe khó nhọc leo những con đường đèo nhỏ hẹp quanh khuất, một bên là vách núi khi thì ôm sát lấy thành xe cây cối chìa ra che kín trước mặt, khi những rừng tre xanh mướt thân tre dài vun vút song song sát nhau cong vòng che rợp bóng nắng đường đèo như một hành lang thiên nhiên vô tận, một bên là vực sâu càng sâu hơn khi xe càng leo cao không thể nào trông thấy được gì mà chỉ là trùng trùng những ngọn cây đủ mọi mầu xanh như một bức tranh không chủ đề. Đôi khi có cảm tưởng như chỉ có hai bánh xe sau đưa xe bò dốc mà hai bánh xe trước như không chạm mặt đường. Khi trời gần về chiều xe lên đến thung lũng chập chùng cao thấp giữa các ngọn núi. Thung lũng la một thành phố sầm uất chi chít nhà cửa hàng quán quay quần lấy nhau rải rác khắp các sườn núi và những ngôi chùa mãi tít trên núi cao. Chúng tôi đến vào ngày rằm nên các chư tăng áo vàng rực hàng đoàn dài tụng kinh vang vang theo sau là những người địa phương đi hành hương như trẩy hội, nắng ấm, khói nhang nghi ngút lan từ các lư hương khổng lồ .


 Cửu Hoa Sơn nằm cách huyện Thanh Dương tỉnh An Huy về phía Tây Nam khoảng 20 cây s . Là 1 trong 4 ngọn núi lớn nổi tiếng của Phật giáo tại Trung Quốc (núi Phổ Đà ở Chiết Giang, núi Cửu Hoa ở An Huy, Núi Ngũ Đài ở Sơn Tây và núi Nga Mi ở Tứ Xuyên), núi Cửu Hoa có 99 ngọn, trong đó có 9 ngọn hũng vĩ nhất như những ngọn cao nhất là Thiên Đài, Liên Hoa, Thiên Trụ, Thập Vương, Thiên Đồng. Trên đỉnh các ngọn núi có những tảng đá hình thù đặc biệt có tên như là Quan Âm thạch trên đỉnh Quan Âm; đỉnh Nam Lạp Chúc có Hầu Tử bái Quan Âm, đỉnh Thập Vương có Mộc Ngư Thạch. Trong núi có nhiều suối nước trong như suối Long Nữ, suối Kim Sa mà truyền thuyết ghi lại Lý Bạch đã dùng nước này ra bút và nghiên mực đề thơ .



Núi này trước có tên là Cửu Tử vì đỉnh núi có chín ngọn và hình dáng như chín đứa bé ngồi xoay tròn cùng nhau vui chơi . Đến đời thịnh Đường đại thi hào Lý Bạch bị phát vãng đi Dạ Lang Động Đình và Tam Giáp, một năm sau được tha tại Vu Sơn trên đường trở về Dạ Lang trực chỉ hướng đông đến Hán Dương năm 760, ghé qua An Huy thấy những ngọn núi chụm lại như hoa sen liền cảm súc làm nhiều bài thơ trong đó có hai câu:

 Diệu hữu phân nhị khí

 Linh Sơn khai cửu hoa


 Tạm dịch :


 Khi Diệu Hữu chia ra Trời Đất

 Núi linh nở bật chín cành hoa.

 


Từ đó núi được đổi tên là Cửu Hoa và Phật giáo phát triển rất mạnh, đến đời nhà Thanh Cửu Hoa Sơn có trên 150 ngôi chùa và có khoảng gần bốn ngàn tăng ni tu tập. Thời kỳ cách mạng văn hóa đa số các chùa bị phá hủy toàn diện, nhất là các tượng cổ. Nay đã được trùng tu và có 80 chùa lớn nhỏ còn tu bổ. Các chùa nối liền nhau ước chừng bằng hơn 200 ngàn bậc đá .



cuu_hoa_son-content Cửu Hoa sơn có nhục thân ngài Kim Kiều Giác. Theo sử liệu ngài thuộc dòng giõi vương giả Triều Tiên, năm 653 vuợt biển đến Cửu Hoa Sơn thấy phong cảnh thần tiên liền ở lại ẩn tu trong suốt 76 năm. Khi ngài tịch, núi vang lên những tiếng âm u , chim muôn và khỉ rừng kêu ai oán khóc thương, nhục thân ngài trong ba năm mà dung mạo vẫn tươi đẹp như còn sống. Chúng tăng cho là ngài hiện thân của Địa Tạng Vương Bồ Tát, nên tượng táng ngài và đặt vào bảo tháp cao lộ thiên mầu trắng bốn bên ngọn tháp có 4 tượng Phật Di Lạc gọi là tháp Bảo Điện. Từ đó Phật tử khắp nơi đến Cửu Hoa Sơn để chiêm bái Địa Tạng Bồ Tát vào ngày tịch của ngài là tháng 7 ngày 30 . 


Đến năm 1573 thời nhà Minh có Vô Hà Đại Sư dùng máu từ lưỡi của ngài pha với bột vàng viết 81 pho kinh Hoa Nghiêm trong 28 năm. Ngài thọ 126 tuổi nhục thân ngài được tượng táng thếp vàng thờ tại Bách Tuế Cung trên núi cao. Sau chùa dưới thấp là một hang đá rất nhỏ chỉ có thể quỳ đươc một người là nơi ngài thiền định. Lên viếng Bạch Tuế Cung phải trèo 2000 bậc đá thoai thoải, hai bên là rừng trúc và rừng tùng xanh tươi, hương lá tùng ngan ngát . Càng lên cao cảnh trí càng tĩnh mịch, sau chùa là cảnh trí bao quát của Cửu Hoa Sơn chập chùng xanh mênh mông mỹ l .



Nhưng ở Thông Tuệ Thiền Lâm có thờ nhục thân của Nhân Nghi Sư Thái là gây nhiều súc động cho tôi nhất. Sư Thái sinh trong một gia đình giầu có, khi trưởng thành gia đình muốn ngài kết duyên với một giáo sư nhưng ngài từ chối , nhưng vì gia đình ép buộc nên ngài phải chịu một bề. Sống với chồng một thời gian ngắn và không sanh được con trai nên ngài quay trở về sống với gia đình và theo học ngành y khoa, rất có năng khiếu về ngành này. Nhờ thế mà ngài có cơ hội giúp đỡ rất nhiều người nghèo khổ bệnh hoạn. Sanh năm 1911 và xuất gia năm 70 tuổi, một năm sau 1982 ngài thọ Tam Đàn Cụ Túc giới. Năm 1995 ngồi thiền thị tịch ngài thọ 85 tuổi. Ngài tu hành kiên cố chỉ có 25 năm và để lại nhục thân. Như tục lệ ở Cữu Hoa Sơn sau khi tịch nhục thân các vị chân tu được đặt vào một cái lu sành thật lớn sau ba năm mở lu ra thi thể ngài còn nguyên vẹn, tóc và móng tay mọc dài thêm 3 phân.

 

Nhục thân ngài được thờ bên trái chánh điện tại Thông Tuệ Thiền Lâm. Bàn thờ ngài lúc nào cũng khói hương nghi ngút của dân địa phương hằng ngày đến chiêm bái thật đông .


 

Nước mắt rưng rưng lòng bồi hồi vô hạn vì Nhân Nghi sư thái là một cư sĩ, thế mà người thấy trước rõ ràng cuộc đời ngắn ngủi khổ đau phiền não, ngài sớm biết rời những đấu tranh và luyến ái vô ích, xả thân giúp đời, buông bỏ thế tục mà xuất gia. Tự nhiên tôi nhìn thấy rõ chính cái thân vô thường quỳ đây đang thủ diễn nhiều vai trò mấy chục năm nay, vậy mà vẫn không đủ ý chí hạ màn sân khấu trút bỏ vai trò tạm bợ đánh đổi danh lợi vật chất không bao nhiêu mà phiền não không tên không lường trước đến liên tục vô tận không đong đo được .


 

Mượn một câu trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu , xin ghi một bài thơ thay cho ngàn lạy sát đất trước nhục thân ngài Nhân Nghi Sư Thái tỏ lòng tôn kính .

 

 Gót danh lợi bùn pha sắc xám

 Ta về đây cõi tạm chen đua,

 Tưởng như tấn kịch bày trò

 Thủ vai cha mẹ , chú cô , họ hàng .

 Khi là bạn , khi tình chủ tớ

 Khi ngọt ngào , khi bỡ ngỡ không quen

 Thì ra chỉ mình trên sân khấu ,

 Kéo màn lên nhạc tấu khóc cười .

 Cũng ta khán giả đang coi

 Vỗ tay tán thưởng ,ta người khen chê.

 Lăn lộn mãi cơn mê bất tuyệt ,

 Đường lợi danh mài miệt trả vay,

 Tưởng là tấn kịch , nào hay

 Nghiệp từ tiền kiếp , nhân này tại ai ?! 

 Đời huyễn hoặc những ngày dâu biển

 Mộng xác xơ , mù mịt Phương Tây .

 Bao giờ ngã gục buông tay ,

 Trả đời một tấn kịch dài chiêm bao.*

 

 

Hôm sau đoàn người trèo lên viếng Thượng Thiên Đồng Tự, tuy đã gần trưa nhưng leo những bực thang cao ngất lên lưng chừng ngọn núi như leo trong mây, dường như những màn lưới tơ đan bằng hơi ướt lạnh trôi qua người nhẹ nhàng man mát như vuốt ve. Tiếng niệm Phật lâm râm đây đó khiến kẻ hành hương như bị hòa nhập vào với núi thiêng. Có người mỗi bực thang lại quỳ mọp lạy sát đất.


Từ cuối thu đến đầu xuân sương mù thường bao phủ núi Cửu Hoa. Trên độ cao, tuy mới vào thu, sáng sớm những mái chùa mập mờ trong sương, không khí tinh khiết thơm mùi cây cỏ ẩm lạnh, thi thoảng có những ngọn gió nhẹ thổi mây mỏng như làn khói bay phủ lờ mờ trắng mọi cảnh vật, đám mây đến lại đi qua những mái chùa cong cong mầu sắc lung linh ẩn hiện, cảnh trí chập chùng mờ ảo trước mặt, tuy chỉ cách vài bước nhưng những ngôi chùa kia như đang ở trên tầng cao xa xôi không đến được .


Chiều hôm đó chúng tôi lại quay về Nam Kinh để ngày mai đáp chuyến bay sớm đi Trịnh Châu tiếp tục cuộc hành hương Tứ Đại Danh Sơn .

 


Thiên Hương Chu Kim Hải 

2005


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc