CÂU CHUYỆN NGÀY XUÂN - Diệu Huyền

21 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 97669)


Câu chuyện ngày xuân


 

 hoa_mai-content Mùa xuân đang đến trong sự giao mùa của trời đất. Tết âm lịch thường nhằm vào lúc khởi đầu của mùa xuân, tuy không khí vẫn còn lạnh và những cây khô vẫn còn trụi lá, nhưng trong đó đang ấp ủ một sức sống mạnh mẽ, nẩy sinh những nụ mầm tràn đầy hứa hẹn. 

 

Tết đến với miền Nam Cali trong bầu không khí mát mẻ, dễ chịu, có một chút nắng hanh vàng, một chút mưa thấm ướt lòng đất cho cây cỏ thêm xanh tươi. Quả thật là chúng ta có phước mới được ở một vùng thời tiết lý tưởng như thế này, trong khi ở miền Đông và Bắc Mỹ tuyết phủ ngập trời, những hoạt động hàng ngày bị tê cóng trong những hệ quả không may của thời tiết. 

 

Khí hậu của quả đất chúng ta dường như càng ngày càng khắc nghiệt hơn, hậu quả của sự phung phí tài nguyên, làm ô nhiễm bầu khí quyển nuôi dưỡng sự sống cho mọi sinh vật. Mới hay con người chỉ là một phần tử nhỏ nhoi của vũ trụ, từ vũ trụ sinh ra và sống lệ thuộc vào vũ trụ, nếu quên điều đó mà tưởng mình có thể làm chủ được thiên nhiên thì sẽ tự mình gây hại cho mình, không những thế còn có thể tự tiêu diệt mình và mọi đời sống khác nữa.

 

Nhưng mặc cho những gì đang xẩy ra bên ngoài trời đất bao la, chúng ta những con người vẫn phải đối phó hàng ngày với những vấn đề nhỏ nhặt của cuộc sống, và có lẽ đó mới là những vấn đề chiếm nhiều ưu tư nhất. Ngày đầu xuân, người Việt Nam chúng ta thường có thông lệ đi chùa xin sâm, mong năm mới sẽ đem lại những thay đổi tốt đẹp đến với mình. Nếu xin được quẻ sâm nào tốt thì vui mừng, phấn khởi dù chỉ trong chốc lát, còn nếu quẻ không tốt thì cũng buồn rầu, lo lắng, dù cũng chỉ trong chốc lát. Thật đúng là chúng ta dễ bị điều khiển bởi những gì bên ngoài, đôi khi rất mông lung. Có lẽ vì cuộc sống nặng chĩu nhiều đa đoan khiến người ta muốn đi tìm chút hi vọng, chút giải trí nào đó làm tâm hồn nhẹ nhõm hơn.

 

Nhưng có phải những vấn đề của chúng ta tự dưng mà đến được không? Mùa xuân hoa lá trổ bông, nhưng hoa lá ấy đã sớm được ấp ủ từ những ngày đông lạnh giá băng. Cái gì cũng nẩy mầm từ một gốc rễ, một nguyên nhân nào đó, chứ không phải tự dưng hóa thành được. Cây cối vô tình, vô tâm còn thế, huống chi là con người với tâm tư đầy phức tạp và những tính toán đa đoan. Nhưng mấy ai nhớ được những gì mình đã làm, nhất là khi những điều đó không phải là điều muốn nhớ. Nhưng dù muốn dù không, những chủng tử vẫn hình thành một cách vô tình, vô can như hoa lá nẩy mầm vậy. Sự khác nhau căn bản của một người có trí tuệ đối với một người không có trí tuệ có lẽ là sự nhận thức hậu quả của điều gì mình sẽ làm, và hướng việc làm của mình tùy theo hậu quả đó. Điều đó tưởng chừng như dễ, vì có những hậu quả tất yếu mà ai cũng có thể biết được, như không học thì không thi đậu, nhưng cũng lại rất khó, vì khuynh hướng của con người là hay bị những cảm xúc chi phối và sẵn sàng quên đi những hậu quả có thể tới để chiều theo những gì những cảm xúc đó sai bảo. 

 

Trở lại vấn đề xem số đầu năm, một lá số tốt hay xấu có thật chỉ là tình cờ không? Nếu những gì đều có nhân duyên của nó, thì một lá số tốt hay xấu cũng có nhân duyên, không phải là tình cờ. Như vậy thì người ta cũng có quyền hi vọng hay thất vọng với lá số đó. Tuy nhiên, trong thành ngữ ta có câu: “Đức năng thắng số”. Nếu những gì đến với mình đều là từ chủng tử của mình gây nên, thì cũng chỉ có chính mình mới giải được cho mình thôi. Tất cả mọi sự, dù xấu dù tốt, đến rồi cũng sẽ đi, không có gì tồn tại mãi mãi được, nhưng tâm tư của chúng ta là cái mà ta phải đối phó trong mọi lúc. Nếu tâm chúng ta được an định, không bị giao động bởi những gì xẩy ra cho mình, thì hoàn cảnh tốt xấu cũng không ảnh hưởng gì đến chúng ta được. Muốn được an định phải có một niềm tin nào đó để nương tựa vào. Đạo Phật cho chúng ta niềm tin ở chính mình, vì ta là người gieo trồng và cũng là người hái quả, nên ta có hoàn toàn tự do để gieo những gì đem lại quả tốt cho mình. Nếu chẳng may gặp quả xấu, chẳng qua là vì những sơ xuất trong quá khứ, và miếng đất của nhân duyên bao giờ cũng mầu mỡ, sẵn sàng tự thanh lọc những cấu uế độc hại của chủng tử ô nhiễm.

 

Theo truyền thuyết, khi Tôn Giả A Nan được hỏi về lời dạy quan trọng nhất qua bẩy đời Phật là gì, ngài trả lời:


 Điều ác chớ làm

 Năng làm điều thiện

 Thanh tịnh thân ý

 Đó là lời chư Phật dạy

 

Dưới thời nhà Đường có một vị thiền sư là Hòa thượng Đạo Lâm. Vì ông hay ngồi thiền trên cây tùng lớn, và chim làm tổ trên đầu, nên người ta thường gọi ông là Hòa thượng Ô Sào. Khi Bạch Lạc Thiên đến nhậm chức Trưởng quan Hàng Châu, nghe danh đến yết kiến Hòa thượng, hỏi rằng:

 - Tinh yếu của Phật pháp là gì?


Hòa thượng trả lời:

 Điều ác chớ làm, năng làm điều thiện

 Thanh tịnh thân ý, đó là lời Phật dạy.


Bạch chế nhạo:

 - Chuyện đó thì một đức con nít lên tám tuổi cũng biết.


Hòa thượng nói:

- Một đứa con nít tám tuổi cũng biết, nhưng ông già tám mươi còn chưa làm được!


 

Xem như thế, chúng ta thấy những điều xấu có lẽ hấp dẫn đối với con người hơn điều lành, bởi vậy sáu căn, tức là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, cửa ngõ đưa đến những cảm xúc, cũng được gọi là sáu tên giặc hay lục tặc lôi cuốn con người vào những thú vui nhất thời để rồi sa vào đau khổ phiền não. Nhưng khi biết đối phó thẳng với những cảm xúc đó, bằng những phương pháp như “chỉ” và “quán” trong thiền tập, hay niệm Phật trong Tịnh Độ để trừ vọng tưởng, người ta có thể làm chủ được chúng và chính sáu căn đó lại trở thành sáu cửa của giải thoát, đem đến trí tuệ bao la của nguồn Giác thấu suốt, đưa con người vượt lên khỏi những vận mệnh phàm tình.

 

 Diệu Huyền


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc