CHUỖI NGỌC MỊ CHÂU - Phạm Thế Định

05 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 95911)



Chuỗi Ngọc Mị Châu


(Truyện giả tưởng lịch sử)



trong_thuy_my_chau

 

 
Chiều chưa về kịp, những tia nắng chói của miền nhiệt đới rọi gay gắt xuống vùng Nghệ An, đoàn quân truy nã hung hãn gào thét đuổi theo một toán người ngựa đến sát biển. Những trận chiến không ngừng trong suốt mấy ngày đêm đã tiêu diệt hầu hết đám quân sĩ hộ tống vị vua nước Âu Lạc.


Vua An Dương Vương thất thủ tại Loa Thành, vì hệ thống nỏ thần bị phá hoại, chỉ kịp đem con gái là Mị Châu chạy đến đây là núi Mộ Dạ, sức người, ngựa đã kiệt. Một bên là núi cao, phía dưới là vực sâu, biển xanh, sóng bạc đầu gào thét. Toán quân trung dũng đang tử chiến ở hẻm núi để bảo vệ chủ vương vài phút cuối cùng. Mị Châu mệt lả run rẩy trong chiếc áo khoác của nàng, để rơi những chiếc lông ngỗng tơi tả vương vải trên đá, cỏ.

 - Rùa Thần hãy cứu cha, con ta 


 Tiếng gào tuyệt vọng của vị vua thất trận dội vào vách núi, thê thảm với tiếng binh, khí và tiếng gào, la, ngựa hí. Tròi bỗng che mây tối xầm, hai phe quân sĩ lùi bộ thủ thế. Gió lên bốc bụi. Bóng rùa linh hiện trên đầu núi, đám bại quân Âu Lạc tung hô vạn tuế. Một lần nữa thần Kim Quy lại hiện về trợ giúp quân triều. Nhà vua ngẩng đầu nhìn linh vật hiện trong vừng ánh sáng mờ ảo. Rùa lên tiếng với một giọng xa xăm, vang vọng 


 - Đã trễ rồi, mọi tai biến đều đến tự bên trong, ta không thể giúp nhà vua được gì nữạ Giặc chính là kẻ ngồi sau lưng nhà vua đấy! Vết lông ngỗng của Công chúa Mị Châu đã rắc chính là dấu hiệu để chỉ đường cho địch quân truy nã nhà vua.


An Dương Vương trợn tròn mắt, râu tóc dựng ngược quay lại nhìn con gái yêu. Mị Châu mắt đẫm lệ 


 - Van Phụ Vương, hiểu cho con ...


Bóng rùa thiêng nhạt dần trong mâỵ. Đám quân sĩ phe truy đuổi hò reo mở lại cuộc tấn công khi ánh sáng về lại. Những thây người trung kiên lại ngã vật trên bãi chiến trường đầy tử khí. 


 Phút cuối đã đến, gươm nhà vua trong vỏ đã rút ra, một gạt tay xô Mị Châu, một lóe kiếm vút qua chấm dứt một kiêp ngườị Không còn thắc mắc gì nữa, cái ngày Mị Châu nài nỉ vua cha cho phép chồng là Trọng Thủy thăm kho binh khí. Và kẻ cầm đầu toán quân truy nã lại là Trọng Thủy, với sự theo đuổi chính xác qua mọi lối đường rút bí mật. 


 Hai viên tùy tướng còn sót lại và vị chủ vương rời ngựa, vác theo xác Mị Châu đâm mình xuống vực . Biển cùng gió gào lên cuồng nộ chứng kiến một thảm kịch vào năm 208 trước Tây Lịch.


Xác Mị Châu vướng lại trên ghềnh, Những giòng máu đỏ thẫm đổ xuống đám rong biển. Vài con trai dưới đáy biển ăn phải máu nàng, tích tụ lại trong thân xác chúng nỗi oan khiên không thể biện hộ.


Tiếng vó ngựa dồn dập nghe từ phía cao, phò mã Trọng Thủy dẫn đoàn quân chiến thắng vượt qua hẻm núi nhìn quanh chỉ còn thấy vài con ngựa bơ vơ và xác Mị Châu dưới xa. Cuộc truy đuổi tới đây chấm dứt cùng với nỗi thảm tình chăn gối của hai giòng Hán, Việt.


 Ba tháng sau khi Triệu Đà, cha của Trọng Thủy lấy được Âu Lạc, thiết lập quốc gia Nam Việt tự chủ. Trọng Thủy, anh hùng của cuộc chiến tranh, kẻ phản bội tình phu thê, vì quá hối hận nên đã đâm đầu xuống một giếng nước gần Cổ Loa thành tự sát. Dân chúng đặt tên giếng ấy là giếng Trọng Thủy. 


 Ngày tháng trôi qua, vài năm sau một hôm dân chài lưới vùng biển Mộ Dạ tìm được năm viên châu to lạ lùng từ những con trai biển. Nghe theo lời rùa thiêng về ứng mộng, các bô lão sai đem dâng những viên ngọc lạ ấy cho triều đình kèm theo lời nhắn là phải rửa ngọc ấy tại nước lấy từ giếng Trọng Thủỵ Vua Triệu Việt Vương nghe chuyện thấy lạ cho làm theo, quả nhiên năm viên ngọc đó tự nhiên trong và đẹp hơn ra. Vua xai thợ khéo kết năm viên ngọc trai kể trên cùng một số những viên ngọc qúy khác thành một chuỗi đeo cổ, từ đó sâu chuỗi này trở thành quốc bảo của Nam Việt, truyền lại trong hoàng tộc từ đời này sang đời khác, gọi là chuỗi ngọc Mị Châu.


 *
 * * 


 Gần muời lăm thế kỷ trải qua từ biến sử Cổ Loa Thành, ngọc Mỵ Châu giờ được truyền tới hoàng tử Lý Long Tường, con cả của vua Lý Anh Tông (1138-1175). Hoàng tử Long Tường vì làm mất lòng vua cha, nên bị mất ngôi thái tử, giờ mai danh ẩn tích. sống như một thường dân tại Thanh Hóạ Năm 1176, Quan Thái Phó Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự là Tô Hiển Thành theo di chúc của Lý Anh Tông, lập người con thứ hai của Anh Tông, là hoàng tử Long Cán, lúc đó chưa đầy 3 tuổi lên làm vua, tức là Lý Cao Tông. Tô thái phó cương quyết trong hành động, để ngoài tai lời can ngăn của bà Chiêu Linh Thái Hậu, mẹ của hoàng tử Lý Long Tường. Mặc dầu hoàng tử Long Tường lúc đó đã chín chắn, thông minh, có hiếu.


 Vua Lý Cao Tông lên ngôi năm 1176, khi lớn lên, ông này chỉ ham mê săn bắn, việc triều chính bê trễ, quan lại nhũng lạm, hà hiếp nhân dân, loạn lạc nổi lên như ong.


Năm 1208 gặp loạn Quách Bộc, Lý Cao Tông phải cùng thái tử Sam chạy về Hải Ấp, được một nhà hào phú tên Trần Lý che chở, mộ quân về giải phóng Thăng Long. Thái tử Sam (sau này là vua Huệ Tông) lại yêu mê mệt Trần thị con của Trần Lý, đến nỗi về sau lập bà lên làm Hoàng Hậu mở đầu cho sự kiện nhà Lý bị mất vào tay nhà Trần dưới đời vua Lý Chiêu Hoàng (Bà vua này, dưới áp lực của Trần Thủ Độ phải nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh). 


 Ngoại sử chép là vào một chiều cuối năm nhâm thìn 1232, tỉnh Thanh Hóa bỗng dưng bị rối loạn bởi đám quân triều đình. Quan Thái Sư Thống Quốc Trần Thủ Độ đưa mật lệnh để tìm kiếm cho bằng được gia đình hoàng tử Lý Long Tường. Ông ta chủ trương "nhổ cỏ phải nhổ tận gốc", nên một mặt thi hành qủy kế để giết tất cả các tôn thất nhà Lý nhân ngày lễ Tiên Hậu ở Đông Ngạn, Bắc Ninh, một mặt cho lùng kiếm nhánh chính của họ Lý là hoàng tử Lý Long Tường để tru diệt.


Nhưng dân trong vùng cho biết mặc dầu trước ở đấy có một gia đình của một người tướng mạo như đã tả, nhưng gia đình này, 5-6 năm trước, đã rời xuống Nghệ An, và nghe nói đã đóng một chiếc thuyền lớn dong buồm ra khơi chẳng biết đi về hướng nào. Chuỗi ngọc Mị Châu đã rời xa xứ Việt từ dạo đó.


0o0


 Thật ra gia đình hoàng tử Lý Long Tường đã được một người tùy tướng cũ, giờ làm lái buôn đi đi về về thường xuyên Thăng Long, cho biết những mưu đồ của Trần Tự Khánh, con thứ của Trần Lý, từ khoảng năm 1215. Cho đến khi Thái Hậu, mẹ vua Lý Huệ Tông, âm mưu thuốc độc Trần thị để ngăn hiểm họa mà không thành, vào năm 1226, thấy tình hình bất ổn sợ bị liên lụy, người lái buôn đã cùng gia đình hoàng tử Long Tường xuống Nghệ An, đóng thuyền, giả đi buôn nước mắm để lên miền Bắc, nhưng thực sự để đến Cao Ly.


Khi thuyền đi ngang qua núi Mộ Dạ, là nơi Mỵ Châu đã bị chết, tự nhiên biển nổi sóng lớn, thuyền lao chao muốn chìm. Chuỗi ngọc Mỵ Châu đeo trên cổ của hoàng tử Long Tường bỗng chói lòa, từ chiếc thuyền tỵ nạn ai cũng thấy bóng một tráng sĩ cưỡi ngựa đứng trên bờ núi đứng nhìn theo. Cả thuyền đều sợ cho là mật thám của nhà Trần theo dõi, nhưng chỉ một thoáng sau, cái bóng ấy tự nhiên biến mất đi cùng những cơn sóng dữ.


Qua đến nước Triều Tiên (Cao Ly), hoàng tử Long Tường lấy lại họ cũ và có tên mới là Long Xưởng, và dần dần hội nhập vào đời sống chung quanh. Ông giao thiệp rộng và nổi tiếng tài giỏi, văn hay, lịch thiệp. Không một ai ngờ rằng ông đã là một vương tước của nước An Nam, và lẽ ra đã là một vì vua quyền cao tuyệt đối của một triều đại hiển hách về văn nghiệp và võ công.



 Trong giai đoạn này nhà Tống bên Trung Hoa đang bị người Mông Cổ đánh phá. Đầu thế kỷ thứ 13, tù trưởng Thiết Mộc Chân thôn tính toàn cõi sa mạc Mông Cổ cai trị bằng bứơc vó ngựa hung bạo, chiến lược tàn khốc. Binh sĩ Mông Cổ dưới thời ông rất thiện chiến, giỏi xạ tiễn, và có thể sống ngày đêm trên lưng ngựa.


 Năm 1206, Thiết Mộc Chân tự xưng làm Thành Cát Tư Hãn tức là Thái Tổ nước Mông Cổ. Thành Cát Tư Hãn đem đại quân đổ xuống miền Nam, uy hiếp nhà Kim, lúc đó đang cầm quyền lãnh vực miền Bắc Hoàng Hà của Trung Hoa, sau đó cất vó ngựa chinh phục xứ Nga bên Âu Châu, đi đến đâu cỏ còn mọc lên không nổi.


 Năm 1228, tức là 2 năm sau khi gia đình hoàng tử Lý Long Tường qua ở Cao Ly, Thành Cát Tư Hãn băng hà truyền ngôi cho con là Oa Khoát Đài tức Nguyên Thái Tôn. Nguyên Thái Tôn một mặt liên kết với nhà Nam Tống, lúc đó còn giữ lãnh vực miền Nam Hoàng Hà của Trung Hoa, để nuốt luôn nhà Kim, một mặt xâm lăng Âu Châu bằng hai ngả đường, ngả thứ nhất qua giòng Danuble đánh vào Hung Gia Lợi, mặt thứ hai đánh xuyên qua Ba Lan và Đức, uy hiếp nước Pháp đến tận Rennes. Cả Âu Châu run sợ trước vó ngựa viễn chinh hung tàn của những chiến sỹ du mục nhà Nguyên.


Trong thời Oa Khoát Đài, một năm, bất chấp mùa đông cực lạnh tại Triều Tiên, đoàn viễn chinh du mục Mông Cổ đã vượt tuyết, băng ngàn lên phương Bắc, xâm lăng quê hương thứ hai của hoàng tử Long Tường. Nhưng bị quân dân Triều Tiên với sự giúp đỡ của hoàng tử Long Tường phá tan.



Huyền tích của chuỗi ngọc Mị Châu lại được trở về trong những chiến tích của tướng quân Nam Quốc. Với võ công siêu tuyệt độc đáo của Lý triều, cộng thêm kiến thức tổ chức binh bị đã chu đáo, có hệ thống từ thời Lý Thánh Tôn (1054-1072), tướng Lý Long Tường đã phá tan quân Mông Cổ nhiều trận. Trận nào ông ra quân, tướng và binh sĩ đều thấy dáng một tráng sỹ với võ phục miền Nam cùng xông pha trận mạc giúp đỡ Lý tướng quân.


Tráng sỹ ấy đã nhiều lần đột phá trại giặc, đốt lương thảo địch, hành tung thần bí. Một tráng sỹ im lìm, không ai nhận được rõ mặt, lúc nào cũng xuất hiện trong đoàn quân họ Lý, rồi sau đó biến mất, không để lại dấu vết gì. Tài bắn nỏ của vị tráng sỹ này siêu việt và làm cho những tay thần tiễn Mông Cổ cũng phải sợ. Và điểm đặc biệt là những mũi tên của ông ta đều có khắc hình con rùa, và chữ theo lối viết chân chim của giòng Việt tộc thưở vua Hùng. 


 Sau khi quân Nguyên bị đẩy lui ra khỏi Cao Ly, Lý Long Tường tướng quân được phong tước là Hoa Sơn Tướng Quân, được cấp 30 dặm đất và 2000 dân, được triều đình Cao Ly cho làm ấp ăn lộc để thờ phụng tổ tiên với nhà lưu niệm Thụ Hàng Môn. 


 Một chi tiết lạ lùng còn được truyền tụng là khi Hoa Sơn Tướng Quân lập đàn cúng tế tổ tiên, cám ơn đất trời và các anh linh đã giúp đỡ mình, ông có đặt bầy trên bàn thờ chuỗi ngọc quốc bảo Mị Châu. Lúc khấn lạy, ông lại thấy xuất hiện trong điện hình dáng của vị tráng sỹ ẩn danh mà ngày nào đã ngồi trên ngựa tại núi Mộ Dạ Nghệ An, và đã giúp ông trong cuộc kháng Nguyên. Ông rảo bước tới để diện kiến thì cái bóng đó bỗng tan đi. Quay trở lại nhìn trên bàn thờ thì chuỗi ngọc Mị Châu đã không cánh mà bay không còn đó nữa.


Sau khi Oa Khoát Đài chết, truyền binh quyền cho Mông Kha và Hiến Tôn (1446) rồi đến Hốt Tất Liệt tức Nguyên Thế Tổ (1259). Trong khoảng 30 năm, Hốt Tất Liệt sai quân đánh An Nam ba lần (1257, 1284, 1287) lần nào cũng bị thua. Như vậy, trong lịch sử, người Việt Nam đã đánh bại bạo quân Mông Cổ nhiều lần, ở cả Bắc lẫn Nam phương Á Châu. 


 0o0


 Một buổi trưa cuối tháng 11 năm 1994, tại Hà Nội, Trường Đại Học Quốc Gia Hà Nội tổ chức một buổi hội thảo và nhận tộc phả của hoàng tử Lý Long Tường do ông Lee Chang Can (Lý Xương Căn) trao lại, 768 năm không đủ chia cách những người con cháu triều Lý trở về đất tổ, theo lời di chúc của vị hoàng tử triều Lý: 

 - Ta sinh ra là người Việt, chết cũng là người Việt. Tổ tiên nhà Lý là ở làng Đình Bảng tỉnh Bắc Ninh Việt Nam. Con cháu ta phải chờ khi nào đất nước Việt Nam an bình, thống nhất. Nếu nhân dân ấm no, đất nước vững vàng, thì mang xương cốt ta về chôn ở quê cha đất tổ. Còn nếu chưa được hoàn toàn thì ít nhất cũng phải về lạy tổ, sửa sang lăng mộ nhà Lý, và giao lại tộc phả nhà Lý lại cho dân tộc. 



 Vài tuần trước đó, có một chuyện nhỏ hơn, không được báo chí đăng tải. Một sinh viên VN cấp Cao học họ Nguyễn ở San José, bỗng dưng một đêm không tài nào ngủ được vì bị một người võ tướng lấy hai tay lay giường ngủ. Mới đầu, anh ta tưởng là mình cuối năm, nghỉ học, rảnh rỗi coi phim võ hiệp Hong Kong nên tối mệt sinh ra mộng mị. Nhưng mấy phút sau, anh ta bắt đầu thấy sợ thật vì biết là mình đang thật sự gặp một người về từ thế giới bên kia. Bộ võ phục lẫn áo giáp rất là cổ, kỳ lạ, khuôn mặt phong trần u uẩn. Vị võ tướng đó để lại trên bàn một tấm bản đồ rồi biến mất.


Anh chàng sinh viên VN này đang nghiên cứu về sử địa những quốc gia chịu ảnh hưởng Khổng Giáo, nên nhận ngay ra đấy là bản đồ một vùng ở Nam Triều Tiên, ngoài ra còn hình vẽ rùa thần, Cổ Loa thành, và một chuỗi ngọc đẹp. 


 Khi bật dậy coi tờ giấy anh đã hoảng hốt đến muốn ngưng thở, coi xong, bỗng dưng lại nghe một tiếng nói rõ ràng như rót vào tai


- Nhà ngươi là con cháu của Hùng Vương, tuần sau, nhà ngươi phải đi lấy chuỗi ngọc quốc bảo về giải oan cho tổ mẫu Mị Châu. Nhà ngươi phải đi cùng lúc phái đoàn con cháu vua nước Việt nhà Lý về đất tổ, vì đấy là lúc khí thiêng dân tộc tụ kết. 


 Thức trắng đêm đến trằn trọc đến sáng hôm sau, chàng sinh viên nghèo họ Nguyễn phải chạy đi năn nỉ, thu góp tiền bạc để đủ tiền mua vé và hành trình. Chàng nghĩ bụng, ít nhất đây cũng là dịp cho chàng thăm viếng một quốc gia mới và miền Bắc Việt nam.


Theo đúng những chỉ dẫn trên bản đồ, chàng thanh niên đã đến Đại Hàn, và xin phép vào thăm Thụ Hàng Môn. Trong lúc thắp hương trong chính điện, chàng thấy mình như lạc về cả một huyền sử xa xưa. Một cảm giác thần bí, sung sướng của một kẻ đã tìm lại được chính mình, đã ý thức được nguồn gốc của mình, của dân tộc. 


 Và chàng sinh viên họ Nguyễn không còn ngạc nhiên nữa khi nhìn thấy trước mặt mình tự nhiên hiện ra một chuỗi ngọc thật cổ rất đẹp, chuỗi ngọc Mị Châu.


Và trong lúc ở căn nhà khách của Trường Đại Học Quốc Gia Hà Nội, những nhà khoa bảng, trí thức đang bàn về sự trở về đất nước của một giòng vua nước Việt, chàng ta đang trên đường đi tới làng Cổ Loa về phía Tây Hà Nội.


Trưa hôm đó, những người dân chung quanh chẳng ai để ýđến một thanh niên, dáng dấp bình thường đang đi tìm một giếng nước cổ xưa.


Đời sống của thời đại vẫn nổi trôi, dân ngoại thành Thăng Long đã đổi thay nhiều bận. Ai mà còn có thì giờ đi để ý đến cái chân thành di sử, và mấy cái giếng cạn nguồn.


Tới địa điểm đã ghi trên bản đồ, chàng trai trẻ rút trong túi cái khăn nhung mở rộng ra trên tay để nhìn lại mấy viên bảo châu. Bỗng dưng trời đang nắng mà lại rơi mưa lạ kỳ, khi những hạt mưa rơi trúng vào những viên ngọc, toàn cả cái chuỗi ngọc cổ tan ra, bốc lên thành khói bay lên không.


Nỗi oan của công chúa Mị Châu đã được cởi sau bao ngàn năm thăng trầm đất nước. Nỗi buồn Trọng Thủy đã được nguôi sau bao cố gắng sửa đổi, đấu tranh bảo vệ giống nòi người Việt của người rể đất Nam Và giờ đây, thành Cổ Loa đã trở nên triệu triệu thành Cổ Loa trong lòng dân tộc, để cùng Hồ Tây muôn thưở vững bền. 




 Phạm Thế Định

 (1995)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc