9/11… và niềm tin America
Một buổi sáng thứ bẩy, tôi đang trên đường đi đến chùa BQ cho niên học Việt ngữ mới bắt đầu. Xa lộ hôm ấy đặc biệt vắng người, xe cộ qua lại thưa thớt, không biết có phải vì còn sớm hay vì lý do gì khác. Mây giăng đầy trời, không khí hơi lành lạnh mặc dù mùa hè vẫn chưa dứt hẳn. Bỗng tiếng nhạc trong xe ngưng bặt một vài giây… và giọng nói trầm ấm của xướng ngôn viên cất lên:
- Hôm nay là ngày kỷ niệm 9/11, ngày nước Mỹ bị quân khủng bố tấn công.
Xướng ngôn viên vừa dứt lời, tiếng hát truyền cảm của Neil Diamond đã vang lên trong bài “America”:
Far
We've been travelling far
Without a home
But not without a star
Free
Only want to be free
We huddle close
Hang on to a dream
On the boats and on the planes
They're coming to America
Never looking back again
They're coming to America
……………………..
Everywhere around the world
They're coming to America
Every time that flag's unfurled
They're coming to America
Got a dream to take them there
They're coming to America
Got a dream they've come to share
They're coming to America
They're coming to America
Today, today, today, today, today
My country 'tis of thee
Sweet land of liberty
Of thee I sing
Of thee I sing
Xa
Từ miền xa chúng ta đã đến đây
Không có một mái nhà
Nhưng không thiếu một vì sao ở trên
Tự do
Chỉ vì muốn tự do
Chúng ta đã ấp ủ
Mang trong lòng một giấc mơ
Trên những chuyến tầu, những chuyến máy bay
Người ta đến Mỹ quốc nơi đây
Không bao giờ quay nhìn lại
Người ta đến Mỹ quốc nơi đây
Từ khắp nơi trên thế giới
Người ta đến Mỹ quốc nơi đây
Mỗi lần lá cờ kia rộng mở
Người ta đến Mỹ quốc nơi đây
Ôm một giấc mơ
Người ta đến Mỹ quốc nơi đây
Giấc mơ kia cần được xẻ chia
Nên họ đến Mỹ quốc nơi đây
Người ta đến Mỹ quốc nơi đây
Ngày hôm nay, hôm nay, hôm nay
Ôi quê hương! Tôi hát lên vì người
Vùng đất ngọt ngào tự do
Tôi hát lên
Hát lên vì người, hỡi quê hương dấu yêu!
“America”,
bài hát trong thập niên 1970 của Neil Diamond, tôi nghe đã nhiều lần nhưng chưa
bao giờ thấm thía như lần này. Chẳng phải tôi đã từng bao năm ấp ủ một giấc mơ
ngày nào được đặt chân lên xứ Mỹ hay sao? Giấc mơ từ tuổi thanh xuân, khi mọi sự
còn có vẻ như trong tầm tay, nhưng chỉ đạt được lúc không còn gì trong tay… khi
giấc mơ đó đã trở thành một điều cấp thiết hơn bao giờ hết.
Phải,
như bao người khác trên thế giới này, tôi đến Mỹ với một giấc mơ, không chỉ mơ
một đời sống tiện nghi vật chất, nhưng trên hết là giấc mơ tự do. Tự do như không
khí, lúc có nó người ta không biết và không để ý gì đến nó, nhưng lúc không có hay
bị mất đi mới thấy rằng không thể sống thiếu nó được. Có lẽ, đó cũng là giấc mơ lớn nhất mà những
người đến đây đã đem theo, ngay từ thời khởi thủy lập quốc. Thế thì, giấc mơ lớn nhất đã đạt được, lẽ nào
tôi lãng phí cuộc đời với những phiền não không cần thiết?
Tôi
chợt nhớ đến điều đang cưu mang trong lòng sắp phải đối phó đến ngày hôm nay. Đó là công việc hiệu trưởng của một trường Việt
ngữ, điều tôi chưa từng làm, và cũng chưa thật sự muốn làm … nhưng vì những cơ
duyên đem đến nên đã nhận lời gánh vác. Tôi không có kinh nghiệm dạy học, cũng chẳng có một chút ý niệm gì về việc
điều hành quản lý một trường học, liệu có làm phụ lòng những người đang trông
chờ nơi tôi hay không?
“America”.. tôi đã đạt được giấc mơ lớn nhất không chỉ của riêng tôi, mà còn của hàng triệu người trên thế giới… xứ sở này, bây giờ là quê hương hiện tại của tôi, thật là vĩ đại, không chỉ vì bề rộng của đất đai và của sự tiến bộ giầu có, mà còn vì lòng quảng đại và dũng cảm của những người dân bình thường sống ở đây. Dĩ nhiên, bản tính tham sân si ở đâu cũng vẫn có, cũng còn rất nhiều tệ nạn xã hội, nhiều bất công và vấn nạn của con người nơi đây, nhưng làm sao chúng ta có thể đòi hỏi sự hoàn hảo nơi người khác, nhất là của cả một dân tộc, trong khi chính bản thân mình vẫn còn đầy khiếm khuyết? Bài “America” bỗng nhiên đã gợi lên trong tim tôi một sự khích lệ, một niềm tin kỳ diệu, rằng không nên chùn bước trước bất kỳ một việc gì, một khi phải phất ngọn cờ đã đến trong tay. Như những người đã đến đất Mỹ này với hai bàn tay trắng, tôi cũng bắt đầu một công việc sắp tới với một kiến thức trống không … nhưng tôi không phải không có gì trong tay, mà đã có một niềm tin đem theo. Tôi tin rằng, để làm một công việc với lý tưởng bảo tồn và nuôi dưỡng văn hóa nước Việt cho trẻ Việt nơi xứ người, tôi chỉ cần một tấm lòng, một ý nguyện sẵn sàng học hỏi và ứng phó với mọi tình huống, rồi mọi sự sẽ có thể được vượt qua, sẽ được tốt đẹp. Tôi đến chùa, đến trường Việt ngữ với một niềm phấn khởi mới, trong ngày kỷ niệm của ngày 11 tháng 9.
Một năm sau, ngày kỷ niệm ngày 11 tháng 9 lại đến. sau đúng mười năm. Niên học mới của trường Việt ngữ cũng đã bắt đầu.
Năm
nay, ngày 11 tháng 9 lại có một biến cố khác trùng hợp, đó là ngày 11 tháng 3,
ngày thiên tai động đất và sóng thần khủng khiếp đổ lên vùng duyên hải phía Đông
Nhật Bản. Biến cố 11 tháng 9 đã làm thay
đổi cả nước Mỹ, cũng như biến cố 11 tháng 3 đã làm thay đổi cả nước Nhật, như một
tiếng chuông cảnh tỉnh, nhắc nhở vô thường có thể đến bất cứ lúc nào, và phải nên
trân trọng những gì đang có trước mắt. Và
chỉ trong những tai họa long trời lở đất như thế, những gì tốt đẹp nhất hay xấu
xa nhất nơi con người mới được phát lộ, cũng là tâm thức của cả một dân tộc.
Vì những cơ duyên mới, tôi đã giã từ công việc hiệu trưởng của trường Việt ngữ sau khi hoàn tất xong niên khóa. Giòng thời gian như nước trôi đi mãi không bao giờ trở lại, nhưng bài America với niềm tin của ngày hôm đó vẫn còn trong tôi, như để nhắc nhở rằng, trong tất cả mọi công việc gánh vác trên đời, cần nhất phải có một tấm lòng.
“Nhất thiết do tâm tạo”, chẳng phải điều đó cũng đã được nói đến trong đạo Phật đó sao?
Ngọc Bảo
Ngày 11 tháng 9 năm 2011
Mến tặng quý giáo viên trường Việt ngữ Hùng Vương