ĐÔNG KINH NGÀN TRÙNG - Huyền Không

23 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 95675)



ĐÔNG KINH NGÀN TRÙNG



 ara_5-content Gần như thế mệnh của mỗi người đều gắn liền với hình ảnh của những chuyến đi. Đi như máu chẩy trong thân, như hơi thở chuyển động, như bến tới của những giấc mộng đời. Có ai chưa từng đi, chưa từng từ giã chốn gốc rễ, chưa từng chạm mặt với những phương trời lữ thứ? Để rồi, trong niềm lặng lẽ của buổi chiều vàng tuổi tác, nhớ lại dấu chân đã in vết lạ vết quen trên nhiều cảnh buồn vui khác nhau cho tâm tư đậm lại những kỷ niệm đã qua rồi. Bên bờ rêu xanh của ký ức tôi, thời gian du học ở Nhật Bổn, gần bốn mươi năm về trước, Đông Kinh với tôi là một khoảng cách nghìn trùng.


 

Ngày đầu tiên tôi đến cư xá The International Students Institute (Kokusai) ở địa chỉ 895- 4 Chome, Kashiwagi Cho, Shinjuku-ku, Tokyo là một ngày nắng đẹp. Đây là cư xá dành cho sinh viên ngoại quốc do Bộ Ngoại giao Nhật bảo trợ. Ban Quản Lý, hệ thống tiếp liệu, những chăm sóc cho sinh viên đều được Bộ Ngoại Giao đảm trách và trông nom. Còn một cư xá nổi danh khác nằm tại huyện Chiba, thuộc ngoại ô Tokyo gọi là Chiba Foreigner Students House dành cho sinh viên được Bộ Giáo Dục cấp học bổng ở. Cả hai, tuy ở cách xa nhau hơn một giờ tầu, nhưng anh chị em sinh viên thường lui tới Kokusai (Shinjuku-ku) để ăn cơm và hàn huyên. Chính ở sự thoải mái của Câu lạc bộ này mà những sinh viên xa xứ đã có được những gặp gỡ đầm ấm, những trao đổi thân tình, những an ủi đầy thương mến.


 

Ban Quản Lý sắp cho tôi ở trong tòa nhà mới nên phải trả tiền phòng mỗi tháng tới 8000 Yen. Thầy Thiên Ân thuộc loại tiền bối nên được ở tòa nhà cũ, tiết kiệm được 3000 Yen mỗi tháng. Kể từ năm 1962 Thầy Tâm Giác, Thầy Thanh Kiểm về nước trước rồi tiếp theo là Thầy Thiên Ân. Thầy Thiên Ân về, tôi dọn vào phòng cũ của Thầy và được hưởng hai niềm vui nhỏ: tiết kiệm vài ngàn Yen một tháng và chút hơi hướm của bạn hiền còn thấp thoáng. Đặc biệt, ở căn phòng này, khi tới mùa xuân, mở cửa ra là thấy cây hoa Anh Đào tám cánh nở rộ.

 


 Mùa xuân của Nhoa_anh_dao-contenthật khởi sự vào tháng 4 dương lịch. Tuyết đã tan trên đầu núi, những cơn gió lạnh đã ra đi và hoa anh đào tươi thắm nở trên mọi nẻo đường đi, trên ruộng vườn nương rẫy. Chính trong thời gian này, ngày mồng 8 tháng 4 dương lịch, cả nước Nhật cử hành Lễ Phật Đản, mừng đón ngày Phật ra đời, gọi là Hanamatsuri hay cũng gọi là Lễ Mừng Hoa. Trong những ngày đất trời tươi tắn như thế, tôi pha một ấm trà dịu hương, ngồi uống bên cửa sổ ngắm hoa Đào nở ngoài kia, một trời hương sắc ùa về.

 


 Những người bạn của Phật giáo Nhật cho tôi biết rằng sở dĩ họ chọn Lễ Phật Đản trong mùa Anh đào nở vì Phật là hoa Vô Ưu, hoa Ưu Đàm… Các ông bà nội ngoại, cha mẹ và con cháu trong dịp này tìm những chỗ có cây hoa Anh Đào to lớn để trải chiếu dước gốc, mở nhạc mừng hoa Anh Đào nở, nhẩy chơi với nhau rất là trẻ trung, thơ mộng. Ở các công viên, đặc biệt là công viên Shinjuku-ku, vào ngày lễ, người Nhật còn thiết trí tượng Phật Sơ Sinh để trong tô lớn đựng đầy nước trong để tắm Phật dưới gốc cây hoa Anh Đào. Mùa xuân mang lại nguồn vui tươi cho mọi người, nhưng ở Nhật, chan hòa trong tình Xuân còn có tình Đạo, tình gia đình đầm ấm sum vầy giữa các thế hệ. Mùa Xuân đi qua khi những cánh hoa cuối cùng rơi rụng, để lại niềm tiếc nhớ trong lòng người. Nhưng dư hương và sắc mầu còn đó đủ để dưỡng nuôi tình cảm đợi chờ một mùa hoa mới, một Xuân sau.


 

Qua hết mùa hoa rực rỡ là mùa hè với núi xanh biển lục gọi mời. Người ta lại nô nức tham dự vào cái thú tắm biển, leo núi, như sửa soạn cho đôi chân thêm vững chắc để bước tiếp trên đường đời. Đối với những sinh viên xa quê hương như tôi, mùa hè là mùa của du lịch. Đường xa, hành lý nhẹ, vé xe lửa chỉ phải trả một nửa tiền, lòng nao nao chờ những nơi đến, Hiroshima, Nagasaki, Kim Các Tự, Kyoto, những địa danh từng được chôn trong nhiều trang sách… Nhớ lần tới Hiroshima, sau buổi lễ Tưởng Niệm tập thể xong, tôi một mình lặng lẽ quỳ xuống cầu nguyện trước pho tượng Đức Địa Tạng Bồ Tát chống tích trượng cao 16 thước giữa Trung Tâm vườn hoa Hòa Bình, bên tai còn nghe văng vẳng những dòng Nhật ngữ:


 “Watashitachi wasurete wa ikenai, Senkyuhyaku yonjugo nen hachigatsu no asa no koto o…”

 “Chúng ta không bao giờ được quên, biến cố xẩy ra buổi sáng trong tháng tám năm 1945..”

 


Tôi thoáng nghe lời ấy trong gió, trong không gian và tôi thầm đọc:


 Hôm nay tôi đến đây bỗng trào dâng lệ ấm

 Thời gian không cắt nghĩa tình người

 Tôi xót xa vì đau thương còn bỏng nóng

 Như hôm qua như bây giờ như hiện tại ngồi đây

 Đêm nay người xưa có về với

 Để cùng nhau tâm sự chuyện hòa bình

 Hiroshima ơi…


 

daitokuji-content Trên đường về Đông Kinh, tôi đã ghé ngang qua Kyoto, một cố đô thơ mộng của Phật giáo Nhật. Ghé Kyoto, đi chiêm bái các chùa tháp mà lòng nhớ vô cùng những nét cũ xưa của cố đô Huế. Nhờ thiền sư Fukutomi, trụ trì chùa Quảng Đức ở Ueno giới thiệu, tôi đã nghỉ lại Chùa Đại Đức (Daitoku-ji), một ngôi chùa có từ thế kỷ 15 của dòng Lâm Tế, ở đây chuyên dạy về nghệ thuật Thiền như Trà Đạo, Hoa Đạo, Thơ Đạo. Thơ Đạo đây là viết chữ Nho chứ không phải làm thơ. Chùa Đại Đức Nhật gọi là Daitoku-ji, nơi nổi tiếng dạy Thiền và nghệ thuật Thiền thuộc dòng Lâm Tế Nhật. Ngồi Thiền để tìm thấy niềm bình an của nội tâm, nhưng qua nghệ thuật uống trà, cắm hoa và viết chữ, biết tập trung thân khẩu ý vào tâm, từ bỏ mọi ràng buộc tục lụy bên ngoài, cũng là cách hướng tâm về trong định tĩnh an vui. Nếu bảo rằng dân tộc Nhật có bản sắc mạnh mẽ thì Chùa Đại Đức là nơi hàm dưỡng, nuôi nấng và phát lộ nồng nhiệt nhất cái bản sắc ấy. Những lá trà non đượm sương trên núi Vũ Di, những cánh hoa mẫu đơn và trà hoa nữ của miền đồng hoang dã Lạc Dương, phong thái Thiền của hoang sơ đất Ngụy, khi tới Nhật đã trở thành một cái gì rất Nhật, như thêm thắt một phần hồn.


 

Tháng chin, tháng mười dương lịch ở Nhật là mùa thu. Với sinh viên, đây là thời gian phải chúi đầu vào sách vở. Với người lớn, thì thú vui là vào rừng để xem lá rụng. Một chiếc lá vàng rơi xuống là một câu hỏi vọng lên trong tâm tư: một ngàn năm trước, trong giờ phút này có ai đã đến đây và nhìn thấy một cánh lá rụng? Hỏi đi và hãy tự trả lời cho lòng mình nghe thấy. Năm 1968, nhà văn Kawabata được giải thưởng Nobel văn chương, ông đã đến Thụy Điển đọc diễn văn nhận giải. Bài diễn văn súc tích ấy nhàn đề là “Đất nước Phù Tang, cái đẹp và tôi”, nội dung diễn tả thế giới Thiền của Nhật, những tiếp nhận may mắn của kiếp người tựa cái đẹp long lanh của mưa rơi trên cái xứ sở nồng nàn ân huệ. Đã là người Nhật, ai cũng thấy ấm áp niềm vinh dự và đều nhận diện được tâm cảnh chính mình qua bài diễn văn giá trị ấy.


 

Sau Thu là mùa Đông, mùa của tri ân và cầu nguyện. Người Nhật là dân Đông Phương nên lòng tri ân đối với tiền nhân lúc nào cũng canh cánh bên lòng. Đêm ba mươi Tết mỗi năm, trùng trùng điệp điệp người Nhật nối đuôi nhau vào dự lễ Giao Thừa tại đền thờ vua Minh Trị Thiên Hoàng, người có công đã canh tân nước Nhật. Sau đó, dù lạnh lẽo tới đâu, người ta cũng đến Chùa lễ Phật đầu năm và thỉnh Đại Hồng Chung cầu an cho cả gia đình trong năm mới tới.


 

ara_23-content Nhớ về Đông Kinh mà không nhắc đền những khuôn viên đại học là một thiếu sót lớn lao. Đại học nổi tiếng nhất là Đông Kinh Đế Quốc Đại Học, gọi tắt là Todai (University of Tokyo). Đại học này đằng trước có hai cổng: Seimon (Chính Môn) và Akamon (Xích Môn), tức là cổng đỏ. Hai cửa mở đón và đưa bao dòng người đưa tay dựng xây nước Nhật. Đại học này của nhà nước nên tập trung đầy đủ các Phân Khoa. Riêng Văn Khoa có Ban Triết Học Ấn Độ (Department of Indian Philosophy) dạy các kinh điển Phật Giáo. Sau lưng đại học này có sân rộng, có bến xe bus, có câu lạc bộ cho sinh viên, có cây cao tỏa bong. Đại học tư thì có Keio, Waseda, Toyo, Taisho, Komazawa, Nihon… mỗi nơi mỗi vẻ, mỗi đặc thù riêng cho sinh viên tha hồ lựa chọn. Chốn học được chăm sóc tốt lành thì chốn hành sẽ làm cho xứ sở khởi sắc. Nước Nhật ngày nay đã chứng minh cho điều ấy: những hạt giống giáo dục đã trở thành hoa cho một dân tộc lúc nào cũng sẵn sàng đứng dậy sau những vấp ngã sai lầm. Người Nhật không muốn dừng lại lâu hơn cho sự khóc thương về một thời u ám đã qua và nỗ lực nối tay nhau ngay vào sự hàn vá những đổ vỡ. Trong dòng máu của mỗi người Nhật, truyền thống dân tộc và nền Đạo đã thấm ngàn năm vẫn còn hào hùng sức chẩy.


Cuối năm, ở một nơi cách xa Đông Kinh hàng vạn dặm, ở cái mốc thời gian của gần bốn mươi năm, tôi nhớ về Tokyo với rất nhiều lưu luyến sâu đậm của nghìn trùng. Mơ màng nghĩ tới vẻ điêu tàn của Nhật sau đệ nhị thế chiến rồi liên tưởng tới sự huy hoàng của Nhật Bản ngày nay, tôi muốn ghi đậm một lời cầu nguyện cho Việt Nam thống khổ của tôi: Cần biết bao những tấm lòng thương lo cho nước cho dân để hồi sinh cho một Việt Nam từng đắm chìm trong khổ ải.

 


Huyền Không


(1997)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc