NHỮNG NGÀY THÁNG ẤY... Ngọc Bảo

17 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 91647)



Những ngày tháng ấy…



 Những ngày cuối tháng năm, nắng Cali bỗng trở nên gay gắt, như báo hiệu một mùa hè chói chang. Hè về! Không có những hàng phượng đỏ, không có tiếng ve sầu như ở Việt Nam. Nhưng trong không khí như có sự chuyển mình, có một sức sống nào đó tiềm tàng nơi cỏ cây hoa lá, nơi cảnh sắc chung quanh. Dù miền nam Cali này không có bốn mùa rõ rệt, nhưng ta cũng cảm thấy được những lúc giao mùa của thời tiết trong năm. Hè về, là lúc ta nghĩ đến những chuyến đi chơi xa, là thời gian xả hơi sau những ngày tháng “cầy bừa” mệt nghỉ nơi sở làm. Chúng ta may mắn được định cư ở xứ Mỹ rộng lớn này, chỉ trong nội địa cũng không biết bao nhiêu là kỳ quan thắng cảnh, và nếu muốn đi du lịch qua các nước khác trên thế giới cũng dễ dàng thuận tiện, không phải như ở Việt Nam, việc du lịch ra ngoại quốc là cả một sự may mắn ngoài tầm tay đối với nhiều người.



ginkakuji-content Nhớ lần đầu tiên qua Mỹ trên chiếc máy bay từ Phi Luật Tân, qua khung cửa sổ nhìn xuống những dẫy núi trùng trùng điệp điệp, những đồng bằng bát ngát trải dài vô tận, tôi có cảm giác choáng ngợp trước sự vĩ đại bao la của cảnh trí đất Mỹ. Nhìn lại nước Nhật, tôi có cảm tưởng Nhật Bản giống như một hòn non bộ, trông rất đẹp đẽ nên thơ, nhưng cái gì cũng thu nhỏ lại. Trải qua mấy chục năm, mọi việc đều vật đổi sao dời, Nhật Bản ngày nay không còn là một đất nước bình yên và dễ sống như ngày xưa ấy, mà đã trở thành một nơi chốn đắt đỏ, chật vật và có nhiều vấn đề khó khăn trong đời sống kinh tế và xã hội. Với đồng yen lên giá so với đồng Mỹ Kim, du lịch Nhật Bản ngày nay đã trở thành một điều xa xỉ so với những nước khác trên thế giới. 



 Cũng may là hồi còn ở Nhật Bản, tôi đã tận dụng mọi cơ hội để đi du lịch khắp nơi trên xứ Nhật. Trường tôi là một trường đại học thuộc loại quốc tế, có nhiều sinh viên ngoại quốc nên thường tổ chức các chuyến đi du lịch khắp nơi trong mùa hè với giá tương đối nâng đỡ. Đảo quốc Nhật Bản tuy nhỏ nhưng rất đặc biệt với những cảnh trí khác nhau, từ những vùng đồi núi xanh mướt của vùng Bắc Hải Đảo (Hokkaido) lạnh giá, cho đến những núi lửa, những suối nước nóng muôn mầu của phía Nam vùng Kyushu. Vùng Kansai phía Tây với những thành phố Osaka, Nara, Kobe và kinh đô cũ Kyoto cổ kính với những khu phố xưa, những đền đài nguy nga tráng lệ, chùa tháp trang nghiêm. Vùng duyên hải thắng cảnh với những bờ biển đá và những hải đảo ngoạn mục, và vùng Kanto với trung tâm điểm Tokyo thủ đô nước Nhật cực kỳ văn minh nhưng vẩn giữ những nét văn hóa truyền thống, rất gần núi Fuji biểu tượng của nước Nhật với đỉnh núi tuyết vạn niên, mà trong những ngày trong sáng tôi có thể thấy được bóng dáng mờ mờ phía xa từ khung cửa sổ căn phòng trọ nhỏ bé ; mùa xuân với hoa anh đào, mùa thu rừng phong lá đỏ, tất cả đã đem lại cho nước Nhật một sắc thái đặc biệt khó tìm thấy ở nơi khác. Đi thăm những cổ thành xưa, bước từng bước lên cao trong khung cảnh hoang vắng, những tảng đá rêu phong, những tấm bia nhạt mầu còn đó như những chứng nhân thầm lặng ghi dấu một thời vàng son của những vị tướng quân, những chàng võ sĩ samurai ngày nào. Và trong cảnh trí tĩnh mịch, đầy bóng mát của hàng cổ thụ, văng vẳng đâu đây như có tiếng hát trẻ thơ hát bài “Kojo no tsuki” (Trăng chiếu cổ hoang thành ) nhắc đến thời oanh liệt nay còn đâu:



 Haru no koro, hana no en

 Meguru sakazuki kagesashite

 Chiyo no matsu ga e wakeideshi

 Mukashi no hikari ima izuko

 


 Tạm dịch:


 Mùa xuân hoa nở rộn ràng

 Nhớ xưa nâng chén rượu cùng uống chung

 Đêm nay trăng chiếu ngọn tùng

 Cổ thành im bóng, còn đâu huy hoàng

 


 Một người bạn dịch:


 Muôn hoa thắm đượm tình xuân

 Nâng ly cạn chén nhớ người năm xưa

 Tùng kia vẫn mãi cùng trăng gió

 Cổ thành hoang vắng người xưa đâu còn.


 

ryokan-content Một nét đặc thù khác của du lịch bên Nhật là những lữ quán (ryokan). Lữ quán có đủ loại, từ những lữ quán nhỏ xíu, có tính cách gia đình, cho đến những nơi thật tráng lệ, tổ chức quy mô như những khách sạn. Đặc điểm chung là đến nơi nào cũng có sẵn những “yukata”, áo kimono mỏng cho khách mặc ở nhà, và những bình trà nghi ngút đợi sẵn. Súng sính trong chiếc áo yukata, khách có thể thoải mái đi ra đi vào trong lữ quán, hay ngay cả đi bộ ra ngoài đường. Nếu đi một phái đoàn, buổi tối sau bữa ăn thường có những chương trình giúp vui. Dân Nhật có tâm hồn nghệ sĩ, thích ca hát múa may, nên bất cứ dịp gì cũng có thể ra ca hát được. Phải chăng đó cũng là một lý do để người Nhật phát minh ra karaoke? Các bậc lão niên Nhật Bản ra đứng múa hát trước công chúng rất tự nhiên, khác hẳn với các cụ Việt Nam ít khi nào dám làm như vậy.


 

 Riêng đối với tôi, một điều phiền phức trong khi đi du lịch ở Nhật thời ấy là vấn đề tắm rửa. Người Nhật quen tắm ở những nhà tắm công cộng (ofuro) nên có nhiều lữ quán không có phòng tắm riêng, mà phải đi vào phòng tắm chung cho tất cả mọi người. Tôi quen ở cư xá có phòng tắm riêng, nên rất e ngại mỗi khi phải đi tắm ở ngoài. Đôi khi có những khách sạn hay lữ quán có phòng tắm riêng biệt, gọi là “ofuro gia đình” thì có thể vào đó tắm một mình, còn không thì thường phải đợi đến khuya, thường là đến gần nửa đêm, khi tất cả mọi người tắm xong rồi tôi mới dám vào phòng tắm chung rộng lớn của lữ quán. Ở những nơi du lịch suối nước nóng, các khách sạn có khi còn có ofuro lộ thiên nữa, và hầu hết là các cụ lão niên vào đó tắm rất thoải mái, không hề ái ngại chút nào. Ngày nay, nghe nói các nhà tắm công cộng ofuro đã trở thành quá khứ, không còn bóng dáng trên các đường phố Tokyo đã canh tân qua nhiều thời đại.


 

 Nhớ về những ngày tháng đó là nhớ về cả một vùng trời tươi thắm đã mịt mù qua đi không bao giờ trở lại. Cảnh cũ không biết có còn đó chăng, mà người xưa chắc giờ đã vắng bóng, ngay cả nếu có còn chắc cũng đã nhiều thay đổi, tâm tình cũng không còn như xưa. Nếu có dịp nào trở lại, chắc tôi không phải là một du khách bình thường, mà sẽ là một người đi tìm kỷ niệm.

 


 Sayonara, tôi gọi thầm, vĩnh biệt

 Chỉ còn đây một ký ức không phai

 Làm hành trang cho một đoạn đường dài

 Chút duyên tạm để thầm vương luyến tiếc

 


Ngọc Bảo


(Bài đăng trên báo của cựu sinh viên VN du học Nhật, năm 1997)



***


Nhật Bản hiện nay qua cơn thiên tai động đất và tsunami khủng khiếp hồi tháng 3 năm 2011 vẫn còn phải đối phó với rất nhiều hậu quả tai hại, trong đó kỹ nghệ du lịch bị ảnh hưởng nặng nề do sự lo sợ môi trường bị nhiễm phóng xạ. Nghĩ lại những ngày tháng năm xưa, chợt chạnh lòng nhớ thương về cố quốc xa xôi ấy, cầu mong nước Nhật sẽ sớm trở lại thời kỳ thái bình thịnh vượng, để những thắng cảnh xinh tươi ngoạn mục nơi đảo quốc này sẽ mãi còn in dấu kỷ niệm trong lòng khách du lịch. 



NB


Mùa hè tháng 8/2011

 



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc