HOA ĐÀO - TRUYỆN XƯA VIẾT LẠI - Phùng Quân

14 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 94192)

 

HOA ĐÀO


Truyện Xưa Viết Lại


 

 sakura Trước sau nào thấy bóng người

 Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.


 

 Đó là hai câu thơ của thi hào Nguyễn Du trong Đoạn Trường Tân Thanh tả cảnh lúc Kim Trọng sau nửa năm về nhà hộ tang thúc phụ tại đất Liêu Dương, khi chàng trở lại vườn Lãm Thúy tìm gặp lại Thúy Kiều để nối lời nguyện ước, thì hỡi ôi: nhìn phong cảnh cũnay đà khác xưa. Đầy vườn cỏ mọc, lau thưa. Song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời.


 

 Dưới ngọn thần bút ấy của Nguyễn Du, có lẽ không ai có thể vẽ nên một bức tranh thê lương ảm đạm hơn như thế, giữa cái buồn, cái vắng lạnh tái tê của không gian bám đầy rêu phong cỏ mọc, hoang phế đến độ xập xòe tiếng én liệng mà còn nghe rõ mồn một từ chốn lầu không, thì thử hỏi còn cảnh tượng nào cô liêu và ảm đạm hơn? Cái thần tình vẫn không chỉ ở chỗ thê lương, tê tái mà chính ở nét tương phản vô can giữa cảnh trần gian hệ lụy mà cành đào trước ngõ vẫn vô tình cười đùa với gió đông.


 

 “Hoa đào năm ngoái” là một điển tích trong văn học sử Trung Quốc. Đời nhà Đường có chàng Thôi Hộ về chốn kinh thành thi tiến sĩ, chàng du xuân dạo chơi khắp chốn và lạc vào Đào Hoa Trang, gặp một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp đang đứng dưới gốc cây đào rộ nở hoa. Hai người nhìn nhau đắm đuối, và khuôn mặt nàng ánh lên màu hoa đào. Rồi năm sau, cũng nhân ngày hội du xuân, chàng Thôi Hộ lại tìm đến Đào Hoa Trang. Cảnh cũ vẫn còn đó, nhưng người xưa đã vắng bóng. Nhìn lên thì cửa đóng then cài, chỉ có ngàn hoa đào rực rỡ vẫn đang mơn man trong gió như mỉm cười chào đón khách du xuân. Thẫn thờ Thôi Hộ ngậm ngùi đề thơ trước cổng:


 

Nguyên văn:

 

題都城南莊
去年今日此門中,
人面桃花相映紅;
人面不知何處去,
桃花依舊笑冬風.


 

Đề Đô Thành Nam Trang

(hay Đề Tích Sở Kiến Xứ)

 


Khứ niên kim nhật thử môn trung,

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.

Nhân diện bất tri hà xứ khứ,

Đào hoa y cựu tiếu đông phong.

 


(Đề Thơ Chỗ Gặp Gỡ Ngày Trước)

 

 Năm ngoái ngày này vẫn cửa trong

 Hoa đào mặt ngọc vương ánh hồng

 Mặt hoa nay biết đi đâu vắng

 Chỉ thấy hoa đào cợt gió đông.


 

 Chiều đến nàng thiếu nữ cùng thân phụ trở về nhà. Theo sau chân cha, nàng chợt nhìn lên cổng thấy đề bốn câu thơ, nét chữ sắc xảo ý thơ dồi dào, nàng hiểu rõ tâm tình của người khách du xuân năm ngoái. Nàng buồn bã thở dài, chợt hối tiếc cho duyên ai vừa gặp gỡ lại đã khéo bẽ bàng. Rồi ngày lại qua ngày, người thiếu nữ vẫn tựa mình bên song cửa mong đợi và hy vọng gặp lại người khách hào hoa phong nhã năm xưa. Rồi kể từ hôm ấy nàng bắt đầu ốm tương tư, bỏ ăn bỏ ngủ, dung nhan tiều tụy võ vàng. Trước lúc lâm chung nàng đành thú thật tâm sự tuyệt vọng cho cha già và xin tha tội bất hiếu. Năm ấy cũng đúng tiết hoa đào, chàng trở lại Đào Hoa Trang, nghe trong nhà có tiếng khóc, chàng gọi cổng, một ông cụ bước ra mếu máo:

 

“Người có phải Thôi Hộ không? Con gái ta chết rồi, vì nó thương nhớ người!”


 

 Thôi Hộ quỳ bên xác nàng khẽ gọi:

 

 “Nàng ơi! Thôi Hộ đây, Thôi Hộ về đây.”

 

 Lạ thay nước mắt của chàng nhỏ xuống mặt nàng thiếu nữ. Người con gái bỗng bừng tỉnh và khuôn mặt lại ánh lên màu hoa đào.



 Cũng vẫn trong Đoạn Trường Tân Thanh, có đoạn Nguyễn Du tả cảnh Thúy Kiều nhân lúc vắng nhà, nàng lẻn sang chỗ ở của Kim Trọng:

 

 Xắn tay mở khóa động đào

 Rẽ mây trông tỏ lối vào thiên thai.


 

 “Động Đào” là động Đào Nguyên. Ở đây Thúy Kiều dùng lối thậm xưng, nhún nhường đề cao chỗ ở của tình nhân như một cõi tiên, và ví nàng như có diễm phúc lắm nên mới được lạc vào cõi tiên ấy.


 

 Động Đào Nguyên trong điển tích còn gọi là động Bích, là nơi tiên giới. Tương truyền đời nhà Tấn, có người thuyền chài ở huyện Vũ Lăng, một hôm chèo thuyền đi ngược ven theo bờ suối. Càng đi xa về thượng nguồn chừng nào thì càng thấy có nhiều hoa đào trôi theo dòng nước đổ xuống chừng ấy. Đến một quãng bỗng thấy hiện ra trước mắt bát ngát một rừng đào, sắc hoa đào rực rỡ làm cho chàng ngư phủ say sưa thích thú. Neo thuyền lên bờ vượt qua rừng đào đến chân một ngọn núi, thì kỳ lạ chưa: dưới chân núi có một cửa hang nhỏ hẹp chỉ vừa đủ một người chui qua, thấp thoáng bên trong có ánh sáng. Tò mò chàng lách mình vào cửa hang, cửa động lớn dần rồi cả một thế giới hiện ra với ruộng vườn tươi tốt, nhà cửa thôn ấp hiền hòa nối tiếp nhau. Trẻ già đều ung dung thanh thản, các bực phụ lão đem vợ con ra chào mừng khách lạ, dọn cơm rượu đãi mừng. Chàng ngư phủ ăn uống lấy làm ngon lạ, mà tuy cũng là cơm rượu nhưng hương vị khác thường:

 

 “Tổ tiên chúng tôi lánh nạn đời Tần, trú ngụ ở đây từ đó đến nay hoàn toàn cách biệt với bên ngoài. Hiện nay chúng tôi không hề biết có nhà Hán, huống chi là nhà Ngụy và nhà Tấn? Sau khi ra khỏi chốn này xin chàng đừng cho ai biết có chúng tôi ở đây.”


 

 Từ đời Tần đến đời Tấn thời gian cũng dễ gần 600 năm, biết mình may mắn đã gặp được tiên, khi trở về nhà, trước chàng còn dấu kín nhưng cuối cùng cũng thấu đến tai quan sở tại. Vì tính hiếu kỳ, viên quan sai người theo chàng ngư phủ tìm lại động Đào Nguyên, nhưng hai người lạc lối và không bao giờ tìm được lối trở lại chốn Thiên Thai...

 

Lá đào rơi rắc lối thiên thai

Suối tiễn, oanh đưa, luống ngậm ngùi.

Nửa năm tiên cảnh,

Một bước trần ai,

Ước cũ, duyên thừa, có thế thôi!

 


 Lần này là những áng thơ trác tuyệt trong bài Tống Biệt của thi sĩ Tản Đà. Bài thơ Tống Biệt này là lời hai nàng tiên nữ hát trong buổi tiễn chân hai chàng Lưu Nguyễn xuống núi từ biệt cõi tiên về lại chốn trần gian. Bài thơ được viết theo thể điệu Hoa Phong Lạc, một từ khúc của Trung Quốc diễn tích “Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai'”.


 

 Tương truyền đời Hán, Lưu Thần và Nguyễn Triệu một hôm lên núi Thiên Thai thuộc tỉnh Chiết Giang hái thuốc, gặp hai tiên nữ, bèn ở lại cõi tiên và hợp duyên cùng tiên nữ. Được nửa năm, hai chàng nhớ quê quán đòi về. Không ngờ khi về đến nơi thì quê hương đã đổi khác, chỉ có người nghe kể mang máng rằng cách nay đã mấy mươi đời có hai ông tổ lên núi hái thuốc rồi không thấy trở về. Quá thất vọng, hai chàng trở lại núi Thiên Thai nhưng không tìm đâu ra tiên nữ!



 Nói đến cảnh tiên là phải nói đến vườn đào Tây Vương Mẫu với những trái đào tiên thơm mọng thế mà cả bài thơ Tống Biệt không thấy tả hay nhắc đến một cành hoa đào, thì kể cũng lạ. Chỉ có lá đào rơi rắc ngậm ngùi đưa tiễn hai chàng Lưu Nguyễn trở về quê hương chốn cũ, như thể tiếc nuối một chút duyên thừa như những chiếc lá thu rơi. Nhưng trước đó giữa chốn Thiên Thai chắc hẳn thế nào mà chẳng có những cánh rừng hoa đào bạt ngàn chào đón hai chàng trong những ngày đầu lạc chốn thần tiên hạnh ngộ ấy? Thôi thì:

 

 Trời đất từ đây xa cách mãi

 Cửa động, đầu non, đường lối cũ

 Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.

 


 Nếu hoa đào là biểu tượng của mùa xuân, là sự chuyển mình hứa hẹn của tiết mùa, là nỗi háo hức của thế gian mong được gặp lại chúa xuân thì đôi khi chính trong cái không khí tưng bừng ngắm nhìn những cành đào khoe sắc thắm, thì một ai đó trong chúng ta bỗng chợt thấy bồi hồi xúc cảm khi ngang qua một góc phố, một vỉa hè, lòng chùng như xao xuyến một nỗi niềm hoài cổ gặm nhấm trở về: hình ảnh một Ông đồ già, bày mực tàu giấy đỏ, bên phố đông người qua nay chỉ còn là một bức tranh mờ trong ký vãng. Nỗi niềm hoài cổ ấy thật nhẹ nhàng mà lâng lâng làm đau thắt lòng người, một nỗi thương tâm để tiếc thương cho một nền Nho học đã tàn lụi, một nỗi buồn tủi xót xa của một lớp kẻ sĩ bị thời thế chối từ.


 

 Mỗi năm hoa đào nở

 Lại thấy ông đồ già

 Bày mực tàu giấy đỏ

 Bên phố đông người qua

 

 Bao nhiêu người thuê viết

 Tấm tắc ngợi khen tài

 “Hoa tay thảo những nét

 Như phượng múa rồng bay”

 

 Nhưng mỗi năm mỗi vắng

 Người thuê viết nay đâu

 Giấy đỏ buồn không thắm

 Mực đọng trong nghiên sầu

 

 Ông đồ vẫn ngồi đấy

 Qua đường không ai hay

 Lá vàng rơi trên giấy

 Ngoài trời mưa bụi bay

 

 Năm nay đào lại nở

 Không thấy ông đồ xưa

 Những người muôn năm cũ

 Hồn ở đâu bây giờ ?

 


 Giờ đây hình ảnh ông đồ già đã vắng bóng. Nhưng cái vắng bóng ấy có thật sự đã trở thành cái thiếu vắng trong lòng mọi người mỗi dịp xuân sang? Bởi lẽ không dễ mấy ai trong chúng ta cũng có thể cảm nhận và phát hiện một thứ mất mát dù chỉ thoáng nhẹ nhàng như sương khói ấy nhưng sẽ không thể nào thay thế được. Bởi vì ở đây hay dù bất cứ nơi đâu cũng vậy, con người đâu phải chỉ luôn sống với hôm nay và ngày mai mà còn ràng buộc bao mối dây liên hệ với một quá khứ hồn thiêng của dân tộc.

 


 Trong cõi tử sinh, đầy rẫy đổi dời hưng phế, như một dòng sông biến dịch, có cuộc hí trường, có lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, để nền cũ lâu đài bóng tịch dương thì hình ảnh một cành mai vẫn tươi nở dù khi đêm xuân đã qua hết, chính là một tiếng hú dài giữa hư không đột ngột về đánh thức thế gian, như một hiện tượng cá biệt vượt ngoài qui luật sinh diệt thường tình. Đó chính là một thứ Tâm Giác Ngộ trong cõi an nhiên tự tại đã vượt đến cõi vĩnh hằng trong một thế giới vô thường vô cùng hạn hẹp.


 

 Thiền sư Mãn Giác đời Lý, trong lúc lâm chung có để lại một bài kệ cáo bệnh dạy lại môn đồ:

 

 

告疾示眾

春去百花落,

春到百花開。

事逐眼前過,

老從頭上來。

莫謂春殘花落盡,

庭前昨夜一枝梅。 

 

 

 Cáo Tật Thị Chúng

 

 Xuân khứ bách hoa lạc

 Xuân đáo bách hoa khai

 Sự trục nhãn tiền quá

 Lão tùng đầu thượng lai

 Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

 Đình tiền tạc dạ nhất chi mai


 

Xuân ruổi, trăm hoa rụng

Xuân tới, trăm hoa cười

Trước mắt, việc đi mãi

Trên đầu, già đến rồi

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua, sân trước, một cành mai.

 

 (Ngô Tất Tố dịch)

 

 

Mà ai đó nếu quả thật đã là Tâm Giác Ngộ thì đâu cứ phải là một cành mai vừa mới nở giữa đêm xuân tàn? Có thể chăng vẫn là một cành đào muôn thuở, tươi sắc màu luôn mỉm cười trong từng ngọn gió đông?

 

 

PHÙNG QUÂN

 

California, Hàng Gió


Mùa thu 2003

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc