CHA VỀ - Kikuchi Chan/ Quỳnh Chi dịch

06 Tháng Bảy 20235:04 CH(Xem: 488)
Chichi kaeru


CHA VỀ

Nguyên tác Chichi Kaeru của Kikuchi Kan

Nhân vật chính: Kuroda Kenichiro,28 tuổi
Em trai: Shinjiro,24 tuổi
Em gái: Otane, 20 tuổi
Người mẹ: Otaka, 51 tuổi
Người cha: Sotaro

Bối cảnh thời đại: Vào khoảng năm Meiji thứ 40
Nơi chốn: Một thành phố nhỏ trên bờ biển Nankaido

Cảnh: Căn phòng rộng 6 chiếu trong căn nhà nhỏ đơn sơ thuộc giai cấp trung lưu, giữa phòng có bầy chiếc tủ trên mặt để chiếc đồng hồ báo thức, trước tủ có lò than trên đặt ấm đun nước nóng đang bốc khói, và một chiếc bàn thấp. Kenichiro dường như vừa mới ở tòa thị chính về đến nhà đã thay ra bộ áo kimono, thong thả đọc báo. Mẹ là bà Otaka đang ngồi khâu. Đầu tháng 10, gần 7 giờ chiều, bên ngoài trời đã tối.

Kenichiro: Thưa mẹ, em Otane đi đâu rồi ạ?
Người mẹ: Em nó đem áo đã may xong đến cho khách.
Kenichiro: Em còn may thuê sao. Em không cần may thuê vá mướn cho người ta nữa đâu mẹ ạ.
Người mẹ: Dù sao thì cho đến lúc đi lấy chồng, chắc là em nó cũng mong là của hồi môn đem đi có thêm được bộ kimono đẹp nào nữa thì cũng tốt.
Kenichiro: (Vừa lật trang báo vừa nói) Đám vừa rồi thế nào hả mẹ?
Người mẹ: Bên kia họ một mực muốn xin cưới, nhưng hình như là Tane không thích cậu kia.
Kenichiro: Đám này tốt, nhà người ta có cơ ngơi đàng hoàng mà.
Người mẹ: Thế nhưng của cải dù có một hai vạn chăng nữa, rồi cũng tiêu hết thì có ích gì. Nhà mình lúc mẹ về làm dâu, trái phiếu với đất đai cũng được hai ba vạn yên, nhưng bố ăn chơi phung phí cứ như vung tiền qua cửa sổ.
Kenichiro: (Im lặng có lẽ vì nhớ lại chuyện không vui)...
Người mẹ: Mẹ đã từng trải rồi nên chẳng còn thiết gì nữa, chỉ muốn gả Tane cho người tốt tính thì hơn là người có của. Người chồng tốt bụng thì cho dù không có tài sản, vợ suốt đời cũng không phải chịu khổ.
Kenichiro: Người vừa tốt vừa có tài sản thì lại càng hay.
Người mẹ: Mẹ không dám mơ ước được đến thế. Em Tane dù xinh đẹp đến mấy đi nữa, nhà mình cũng không có tiền. Bây giờ hễ sắm sửa chỉ sơ sài thôi cũng tốn đến 300, 500 yên ngay.
Kenichiro: Cũng vì bố mà em Tane từ bé đã phải chịu khổ nhiều rồi, nên mình phải sắm sửa của hồi môn cho em được nhiều chừng nào hay chừng ấy mẹ ạ. Nhà ta dành dụm mà được một nghìn yên, thì mẹ cứ lấy một nửa cho em cũng được.
Người mẹ: Đâu cần đến thế, cho em nó 300 yên là tốt rồi. Sau đó còn phải cưới vợ cho con nữa chứ, xong xuôi rồi mẹ mới có thể yên tâm được. Số mẹ cung phu thê không tốt, nhưng ai cũng khen là có cung tử tức rất tốt. Lúc bố bỏ nhà đi mẹ quẫn trí chẳng biết làm sao.
Kenichiro: (Muốn nói sang chyện khác) Em Shin về trễ quá mẹ nhỉ.
Người mẹ: Em nó bảo là phải ở lại trực nên sẽ về trễ. Từ tháng này Shin lại được tăng lương đấy.
Kenichiro: Thế à. Em nó từ thời trung học đã học giỏi, nên chỉ làm giáo viên tiểu học thôi thì chắc là còn chưa thỏa chí, chỉ cần gắng chí tự học thì vẫn còn nhiều cơ hội thăng tiến.
Người mẹ: Mẹ đã nhờ người tìm vợ cho con, nhưng chưa gặp được mối nào tốt. Con gái nhà nơi thôn dã thì không sao, chứ nhà bên kia mà họ danh giá hơn thì chắc là họ không gả đâu.
Kenichiro: Chuyện ấy cứ để hai ba năm nữa cũng được mẹ ạ.
Người mẹ: Nhưng Tane thì thế nào cũng mong cho em nó sớm yên bề gia thất, có thế mẹ mới xong bổn phận. Lúc bố bỏ nhà ra đi, một nách ba đứa con, mẹ thật chẳng biết xoay sở làm sao..
Kenichiro: Thôi mẹ ạ, chuyện cũ nhắc lại cũng chẳng ích gì.

(Cửa mở, Shinjiro về tới, Shinjiro nay đã thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú, làm giáo viên tiểu học)

Shinjiro: Thưa mẹ con đã về.
Người mẹ: Con về đấy à.
Kenichiro: Em về trễ thế.
Shinjiro: Hôm nay có nhiều cái phải tra cứu quá, muốn bó tay luôn. Mỏi dừ cả vai.
Người mẹ: Cả nhà định ăn cơm nẫy giờ nhưng vẫn đợi con đấy.

Kenichiro: Ăn cơm xong rồi em đi ra nhà tắm cho khỏe.
Shinjiro: (Vừa thay ra kimono vừa nói) Thưa mẹ, em Tane đâu rồi ạ?
Mẹ: Em nó đưa áo may xong đến cho khách.

Shinjiro: (Đã thay áo xong, thong thả ngồi nói chuyện) Anh ạ, hôm nay em thấy họ đồn chuyện này lạ lắm. Họ nói rẳng bác đốc học Sugita bắt gặp trong phố Furujin một người trông giống như bố.
Mẹ và anh: Thế à.
Shinjiro: Nghe đâu là khi bác Sugita đi qua các cửa hiệu cho thuê cáng trong phố Furujin thì thấy có một ông có tuổi khoảng lục tuần đang đi phía trước. Bác Sugita nhìn kỹ thấy trông quen quen, mới đến gần nhìn một bên má thì lại càng thấy giống bố lắm. Bác Sugita đang nghĩ bụng là ”Có lẽ là ông Sotaro, mà ông Sotaro có nốt ruồi trên má phải, nếu thấy có nốt ruồi ấy thì ta sẽ lên tiếng gọi”, thế nhưng khi bác Sugita đến gần thì người ấy rẽ vào đền Suijin trong phố buôn mất.
Người mẹ: Bác Sugita với bố là bạn với nhau từ tấm bé, lại cùng tập luyện đao thương với nhau, chắc là bác ấy không nhìn lầm đâu. Nhưng đã hai mươi năm rồi còn gì.
Shinjiro: Bác Sugita cũng bảo ”Dù sao cũng đã hai mươi năm rồi không gặp, nên tôi không dám đoan chắc là thế, nhưng ông Sotaro thì chơi với nhau từ tấm bé, nên cũng khó nói là có thể nhìn lầm được.”
Kenichiro: (Ánh mắt ra chiều lo lắng) Rốt cuộc là bác Sugita đã không lên tiếng gọi chứ?
Shinjiro: Bác ấy bảo là đã định bụng nếu trông thấy nốt ruồi thì mới lên tiếng gọi.
Người mẹ: Chắc là bác Sugita nhìn lầm người rồi. Nếu đã tìm về chốn cũ thì sao lại không về nhà cơ chứ.

Kenichiro: Nhưng bố đâu dám đến nhà mình phải không ạ?
Người mẹ: Mẹ thì cho rằng bố không còn nữa, vì từ ấy đến nay đã hai mươi năm rồi.
Shinjiro: Một dạo có người kể là đã gặp bố ở Okayama phải không ạ?
Người mẹ: Ấy là cũng cách đây mười năm rồi. Ông Chuta nhà Kubo lúc đi Okayama gặp bố đang diễn trò với thú vật như sư tử và hổ, đã được bố mời vào hiệu ăn và hỏi thăm tin tức nhà ta. Ông Chuta nói rằng lúc ấy bố giắt đồng hồ bằng vàng ngang lưng, mặc toàn hàng nhung lụa, trông phong lưu lắm. Đó là vào cái năm sau năm xảy ra chiến tranh, rồi sau đó thì bặt vô âm tín, cũng đã mười hai mười ba năm rồi.
Shinjiro: Chắc là trông bố nay đã khác xưa.
Người mẹ: Từ lúc còn trẻ bố đã không thích nối nghiệp nhà là theo con đường học vấn, mà chỉ thích phiêu lưu mạo hiểm, phải mang một gánh nợ lớn như thế cũng không hẳn chỉ vì ăn chơi đâu, mà là vì đem bánh Senkintan xuất sang tận bên Tàu rồi bị lỗ nặng.

senkintan
Bánh senkintan

Kenichiro: (Tỏ vẻ hơi khó chịu) Thôi mình ăn cơm đi, mẹ ạ.

Mẹ: Ừ phải rồi, mẹ quên khuấy. (Đoạn đứng lên vào bếp, nói vọng ra) Bác Sugita nói trông thấy ai như là bố, nhưng chắc là bác nhầm rồi đấy. Nếu bố còn sống thì bây giờ cũng đã có tuổi rồi, thế nào chẳng gửi được một tấm thiệp về nhà.

Kenichiro: (Hỏi có vẻ hơi nghiêm nghị) Bác Sugita gặp người đàn ông ấy là vào hôm nào?
Shinjiro: Nghe đâu là vào lúc 9 giờ tối hôm qua.
Kenichiro: Người ấy trông thế nào?
Shinjiro: Hình như trông không được tươm tất cho lắm, đến áo khoác cũng không.
Kenichiro: Thế à.
Shinjiro: Anh còn nhớ được là bố như thế nào không?
Kenichiro: Anh không nhớ.
Shinjiro: Sao lại không? Khi ấy anh đã lên tám rồi mà. Em mà cũng còn nhớ mang máng nữa là.
Kenichiro: Anh không nhớ. Ngày trước thì còn nhớ, nhưng anh đã phải cố quên, cũng lâu mới quên được.
Shinjiro: Bác Sugita hay nói chuyện về bố lắm đấy. Nghe bảo là lúc còn trẻ bố bảnh trai lắm.
Người mẹ: (Vừa bưng mâm cơm từ trong bếp ra vừa nói)
Phải đấy, bố đẹp trai có
tiếng. Người ta kể là lúc bố còn làm phụ tá cho ông chủ, các cô giúp việc chép thơ tình giấu trong hộp đựng đũa gửi cho bố.
Shinjiro: Gửi hộp đũa để làm gì mới được chứ nhỉ? Ha Ha Ha
Người mẹ: Bố tuổi Sửu, năm nay đã 58 rồi, nếu còn ở nhà thì đã đến tuổi về hưu, thong thả được rồi.

(Ba người bắt đầu dùng bữa)

Người mẹ: Tane cũng sắp về rồi nhỉ. Trời lạnh lắm rồi.

Shinjiro: Mẹ ạ, hôm nay chim bách thanh trên cây lát ruối ở chùa Kyoganji đã lên tiếng hót rồi. Trời đã sang thu. … Anh ạ, em định nộp đơn thi Anh văn. Còn toán thì không có thầy nào dậy giỏi…
Kenichiro: Tốt đấy. Em định đi học ở chỗ thầy Elexon hả?
Shinjiro: Em cũng đang định thế. Chỗ các thầy truyền giáo thì không thu học phí.
Kenichiro: Ừ, điều quan trọng là hãy ra sức học. Em hãy cố học để chứng tỏ là không cần phải nhờ có cha cũng có thể nên người được. Anh cũng từng muốn trở thành viên chức cao cấp, nhưng theo quy định mới sửa đổi phải học xong trung học
mới được dự thi, nên đành bỏ ý định ấy. Em đã học xong trung học, phải cố hết sức lên nhé.

(Đúng lúc ấy, cánh cửa được mở ra, Otane vừa về tới. Đó là một cô gái trắng trẻo xinh đẹp hơn người)

Người mẹ: Con về trễ thế.
Otane: Vì khách họ lại đặt may tiếp, nên thành ra cũng phải loay hoay một lúc.
Người mẹ: Thôi con ăn cơm đi.
Otane: (Ngồi xuống vẻ mặt hơi lo lắng) Anh ạ, lúc em vừa về tới nhà, thì có một người lớn tuổi ở đằng kia cứ nhìn chằm chặp vào cửa nhà mình.

(Sắc mặt của cả ba người kia cũng đều lộ vẻ lo lắng)

Kenichiro: Hừ.
Shinjiro: Người ấy trông như thế nào?
Otane: Trời tối nên em không trông rõ lắm nhưng trông cao ráo.
Shinjiro: (Đứng lên, sang phòng bên cạnh nhìn ra ngoài cửa sổ)
Kenichiro: Có ai không?
Shinjiro: Không, không có ai cả.

(Ba anh em đều im bặt)

Người mẹ: Ông ấy bỏ nhà đi là vào ngày sau lễ Vu Lan được ba hôm.
Kenichiro: Mẹ ạ, con xin mẹ đừng nhắc lại chuyện cũ nữa.
Người mẹ: Lúc còn trẻ mẹ cũng oán hận lắm, nhưng khi có tuổi rồi, thì cũng dễ mềm lòng.

(Bốn người im lặng ngồi ăn, thì bỗng có tiếng mở cửa, Kenichiro và mẹ sắc mặt tái nhợt hẳn đi, nhưng trong lòng mỗi người mang một tâm trạng khác nhau)

Giọng đàn ông: Chào cả nhà!
Otane: Vâng (Miệng đáp nhưng cô gái vẫn không đứng lên)
Giọng đàn ông: Otaka có nhà không?
Người mẹ: Ôi!
(Chạy bổ ra cửa, chỉ nghe có giọng nói vọng vào trong nhà)

Giọng đàn ông: Otaka đấy à!
Giọng người mẹ: Trời, ông đấy à. Trông ông lạ quá.
(Cả hai đều nói như khóc)
Giọng đàn ông: Chà, bà còn khỏe mạnh là tốt không gì bằng. Các con đều khôn lớn cả rồi nhỉ.
Giọng người mẹ: Các con khôn lớn cả rồi, thành người lớn cả rồi. Ông vào đây mà xem.

Giọng đàn ông: Tôi vào được hả bà?
Giọng người mẹ: Được chứ.
(Sotaro, người cha bỏ đi đã 20 năm rồi nay mới trở về, được người vợ giờ đã già yếu dẫn vào trong nhà, Shinjiro và Otane chăm chú giương mắt nhìn không chớp hình dáng người cha.)
Shinjiro: Bố đấy à, con là Shinjiro đây ạ.
Người cha: Ra dáng cậu con trai rồi nhỉ, lúc bố ra đi con còn chưa biết đứng.
Otane: Thưa bố, con là Otane.
Người cha: Bố có nghe nói con là con gái, con xinh lắm.
Người mẹ: Chà, ông à, biết kể từ chuyện gì cho ông nghe bây giờ. Thôi thì các con đều đã nên người được như thế này là quý không gì bằng.
Người cha: Có câu “Con không có cha mẹ vẫn khôn lớn” thế mà đúng thật. Ha Ha Ha

(Thế nhưng chẳng ai cười đáp lời người cha. Kenichiro nẫy giờ vẫn ngồi yên, cúi mặt làm thinh)

Người mẹ: Ông ạ, hai con Ken và Shin giỏi giang. Ken thì năm 20 tuổi thi đậu vào làm công chức, Shin khi học trung học chưa bao giờ bị tụt xuống hạng ba. Bây gờ hai đưa lĩnh lương mỗi tháng được 60 yên. Otane cũng thế, xinh đẹp thế này, đã có chỗ tử tế đánh tiếng muốn xin cưới đấy
Người cha: Thế thì tốt quá, không mong gì hơn nữa. Tôi thì cho đến dạo bốn năm năm trước, vẫn dẫn gánh diễn trò chừng hai, ba mươi người đi khắp đó đây. Xong vì rạp hát ở Kure bị cháy rụi, thất thoát nhiều quá, từ đấy làm việc gì cũng không
thành, rồi tuổi già cũng gần kề, thấy nhớ nơi chốn cũ có vợ con, nên mới quay về đây. Tôi tuổi đã già, trước mắt chẳng còn sống được bao lâu nữa, mọi sự nhờ bà với các con đấy.
(Nhìn Kenichiro)
Kenichiro, con hãy rót cho bố một chén rượu, gần đây
bố chẳng có được rượu ngon mà uống. Ừ, chỉ có con là bố còn nhớ mặt.
(Kenichiro không đáp lại)

Người mẹ: Kìa, Ken, bố đã bảo kìa. Nào, hãy uống mừng cha con lâu ngày mới lại gặp nhau.
(Kenichiro không đáp lại)

Người cha: Vậy thì Shinjiro, con hãy rót cho bố một chén vậy.
Shinjiro: Vâng. (Cầm chén rượu lên toan đưa cho cha)
Kenichiro: (Nói dằn giọng) Không được. Không thể như thế được.
Người mẹ: Ken, con nói gì thế.
(Người cha quắc mắt lườm Kenichiro, Shinjiro và Otane im lặng cúi mặt)

Kenichiro: (Ngang nhiên nói) Chúng tôi làm gì có cha, làm gì có người nào như thế.
Người cha: (Giận sôi gan nhưng cố dằn lại nói) Con nói gì thế, hả?
Kenichiro: (Ra chiều mai mỉa) Nếu chúng tôi có cha, thì năm tôi lên tám, đã không bị mẹ nắm tay lôi ra cảng Chikko nhảy xuống tự vận. Vì mẹ nhẩy xuống gặp chỗ nước cạn nên mới thoát chết. Nếu chúng tôi có cha, năm mười tuổi đã không phải làm thằng nhỏ chạy việc để kiếm tiền. Vì không cha, nên từ bé lớn lên không hề biết đến niềm vui. Shinjiro, khi học tiểu học em đã khóc vì không mua được giấy mực, em đã quên rồi sao? Ngay cả đến sách giáo khoa cũng không đủ tiền mua, phải dùng bản chép tay lại, đến trường bị chúng bạn cười chê, em quên rồi sao? Chúng tôi làm gì có cha, nếu có thì đâu phải khổ đến thế.

(Otaka và Otane khóc, Shinjiro cũng rơm rớm nước mắt. Người cha già đang tức giận đã trở nên buồn bã)

Shinjiro: Nhưng anh a, mẹ cũng đã tỏ ra hòa hoãn rồi, thôi thì có chuyện gì cũng chịu khó bỏ qua có được không?
Kenichiro: (Lại tỏ vẻ rất bình thản) Mẹ là đàn bà mẹ nghĩ sao không biểt, còn anh, nếu có cha thì người đó chỉ là kẻ thù của anh. Khi chúng ta còn bé, hễ bị đói bị khổ vì chuyện gì mà chạy lại than thở với mẹ thì hầu như câu cửa miệng của mẹ là” Tất cả đều tại bố, có oán trách thì cứ oán trách bố”. Nếu có cha, thì đó là kẻ thù đã hành hạ làm khổ mình suốt từ khi còn bé, từ năm lên mười đã phải làm thằng nhỏ chạy việc trong công đường, mẹ thì làm diêm, có dạo cả tháng trời không có việc để làm, bốn mẹ con phải nhịn ăn trưa, em đã quên rồi sao? Tôi ra sức gắng học cũng là để trả thù, làm cho kẻ đã bỏ chúng tôi phải bẽ mặt, vì dù có bị cha bỏ rơi chúng tôi cũng vẫn nên người. Tôi không được hưởng dù một chút nào tình thương từ cha. Từ khi còn bé cho đến khi lên tám, cha của tôi lúc nào cũng rượu chè rong chơi ở ngoài đường. Đã vậy còn vay nợ, dắt tình nhân rong chơi đó đây, tình thương dành cho vợ với ba đứa con gộp lại cũng chẳng sánh được với tình nhân của ông ta. Lại còn sau khi cha của tôi bỏ đi rồi, đến cả cuốn sổ ngân hàng mà mẹ đã gửi vào được 16 yên để dành cho
tôi, cũng biến mất luôn chứ.

Shinjiro: (Nuốt nước mắt nói) Nhưng anh ạ, anh thấy đấy, bố nay đã già rồi…
Kenichiro: Shinjiro! Em có thể gọi bố không khống như vậy sao? Một người xa lạ chẳng hề biết mặt tự nhiên bước vào tự xưng là bố, mà có thể có ngay được tình cha con được sao?
Shinjiro: Nhưng anh ạ, phận làm con thì đã là máu mủ ruột thịt, dù cha mẹ có thể nào, cũng phải lo phụng dưỡng…
Kenichiro: Bổn phận ư? Bản thân thì chỉ nghĩ đến vui thú riêng mình, đến khi già yếu mới quay về. Dù em có nói thế nào thì anh vẫn coi như mình không có cha.
Người cha : (Giận dữ nói, nhưng kỳ thực thì sức đã tàn, chỉ là bề ngoài cố làm ra vẻ giận dữ)
Kenichiro, mày dám nói như thế với bố đẻ ra mày hả?

Kenichiro: Bố đẻ ra tôi ư? Thằng Kenichiro mà ông sinh ra đời đã chết từ 20 năm trước ở cảng Chikko rồi. Hai mươi năm trước ông đã chối bỏ quyền làm cha. Tôi được như ngày nay là nhờ vào chính bản thân tôi, chứ không phải là nhờ ai cả.

(Mọi người đều im lặng, chỉ nghe có tiếng khóc rấm rứt của Otaka và Otane)

Người cha: Được rồi, tôi đi đây. Tôi là thằng đàn ông đã từng có trong tay hai ba vạn yên. Dù có sa cơ thất thế thế nào cũng tự lo miếng ăn cho mình được. (Dáng vẻ thiểu não toan bước đi.)
Shinjiro: Hãy khoan đã bố ạ. Nếu anh không chịu thì con sẽ lo liệu cho bố. Dù sao anh với bố cũng là chỗ cha con, thế nào rồi anh cũng nguôi giận. Bố hãy đợi đấy, dù có thế nào con cũng sẽ phụng dưỡng bố.
Kenichiro: Shinjiro!Em đã bao giờ được người này chăm lo cho chưa? Anh thì còn được ăn một hai nắm đấm, chứ còn em thì đến một mảy may cũng không. Lúc em học tiểu học, tiền học hàng tháng của em là do ai trả? Em đã được ai nuôi nấng dậy dỗ, hả? Tiền học hàng tháng của em là lấy tiền lương làm thằng nhỏ chạy việc của anh ra trả đấy, em quên rồi sao? Người thực sự làm cha lo nuôi em và Otane chính là anh. Người đã làm bổn phận của một người cha là anh. Nếu nay em muốn phụng dưỡng người ta thì cứ việc, nhưng nếu thế thì từ nay anh sẽ không nói nửa lời với em.
Shinjiro: Nhưng mà..
Kenichiro: Nếu em không bằng lòng thì cứ việc cùng với người ấy ra khỏi nhà này đi.
(Hai người đàn bà vẫn khóc, Shinjiro thì ngậm miệng làm thinh.)
Kenichiro: Cũng vì anh đã khổ bởi không cha, anh mới quyết không để cho các em mình phải chịu khổ, nên anh mới phải vất vả đến mất ngủ để lo cho hai em học xong bậc trung học.

Người cha: (Giọng yếu ớt) Thôi, đừng nói gì nữa. Tôi trở về làm phiền các người phải không? Tôi cũng không muốn con cái phải miễn cưỡng nuôi tôi, tôi vẫn còn đủ sức để tự nuôi tôi mà. Thôi tôi đi đây. Otaka, bà ở lại mạnh khỏe. Bà bị tôi bỏ rơi thế mà lại là hạnh phúc đấy.
Shinjiro: (Đuổi theo cha đang sắp bỏ đi) Bố có tiền đấy không? Bố còn chưa ăn tối mà.
Người cha: (Đôi mắt đăm đăm nhìn như van nài nhưng vẫn nói) Không sao, không sao.
(Khi bước ra cửa thi bị vấp, ngồi sụp xuống trước thềm)

Người mẹ: Ối, nguy hiểm.
Shinjiro: (Đỡ cha đứng lên) Bố có nhà nào quen để tới đấy không?
Người cha: (Hoàn toàn suy sụp, cứ ngồi yên một chỗ)Kẻ sắp chết bờ chết bụi thì đâu có cần gì đến nhà. (Lẩm bẩm một mình) Tôi biết tôi không có tư cách gì để đặt chân vào nhà này, nhưng đến lúc tuổi già sức yếu thì tự nhiên là muốn quay bước về cố hương. Tôi về đến đây đã ba hôm rồi, hễ trời tối lại đến đứng trước nhà nhưng ngại ngùng không dám bước vào… Lẽ ra tôi không nên bước vào đây. Về mà không một xu dính túi thì ai mà chẳng coi khinh. Lúc sắp đến tuổi ngũ tuần thấy nhớ quê xưa, tôi cũng muốn đem được ít nhất vài ngàn yên về cho mấy mẹ con, nhưng khi có tuổi thì muốn làm ra chỉ có từng ấy cũng không được nữa. ( Mãi tới lúc này mới đứng lên được) Thôi không sao. Chỉ có cái xác của mình thì không có gì là không lo liệu được.
(Loạng choạng đứng lên, đưa mắt nhìn người vợ già lần chót rồi mở cửa đi mất. Bốn người còn lại lặng yên hồi lâu không thốt nên lời.)

Người mẹ: (Giọng khẩn khoản) Kenichiro !
Otane: Anh!
(Lát sau, khi bầu không khí căng thẳng cũng đã dịu xuống)
Kenichiro: Shin! Đi gọi bố về đây.

(Shinjiro chạy như bay ra cửa. Ba người đang bồn chồn đợi thì Shinjiro xanh mặt chạy về)
Shinjiro: Em đã tìm suốt dọc đường đi về hướng Nam nhưng không thấy bố đâu cả.

Bây giờ em sẽ chạy về hướng Bắc, anh hãy cùng đi với em.
Kenichiro: (Tỏ vẻ kinh ngạc) Không thấy! Làm gì mà không thấy được chứ !
(Cả hai anh em cuống quýt chạy bổ ra khỏi nhà)

――Màn hạ――
Quỳnh Chi dịch (3/7/2023)

tương Chichi kaeru
                           Tượng đồng các nhân vật trong “Cha về” trên con đường mang tên nhà văn
                                                Kikuchi Kan trong thành phố Matsuyama.

Chichi Kaeru viết vào năm 1917, sau đó được chuyển thành kịch bản diễn trên sân khấu lần đầu vào năm 1920, những lần gần đây nhất là 2006, 2015; và đã ba lần được chuyển thành phim (vào các năm 1927, 1935 và 1952)


                                                               

                                                        
Bích chương phim Chichi Kaeru năm 1952
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc