HƯNG CA GÂY XÚC ĐỘNG TẠI TOKYO - Vũ Đăng Khuê

14 Tháng Sáu 202310:06 CH(Xem: 516)


Hưng Ca Gây Xúc Động tại Tokyo:

“Tự do cũng như hơi thở người ơi…”

 

Hưng Ca

Phái đoàn Hưng Ca chụp hình lưu niệm với với thân hữu nán lại sau chương trình

Đó là một câu hát trong bài “Tiếng Hát Tự Do” của Nguyễn Đức Quang được trình bày bởi Phong Trào Hưng Ca và thân hữu trong buổi trình diễn vào ngày 10/6/2023 tại hội trường nhà thờ Yotsuya rất quen thuộc với người Việt Tại Nhật.


Bài hát đã được ông bạn cũ và cũng là một đàn anh của tôi, Huỳnh Lương Thiện, “nhất định yêu cầu” hai giọng hát mạnh và hùng đến từ Pháp quốc: Thu Sương và Đình Đại, hai thân hữu của Phong Trào Hưng Ca, vì cảm phục anh Đỗ Thông Minh, đã bỏ cả công ăn việc làm cùng “nhập giòng tranh đấu”. Bài hát và tiếng hát đã làm tôi “nổi” da gà, và đôi lúc giòng lệ cứ chực trào ra. Tôi thương và nhớ bài hát này lắm. Tôi hát theo từng câu chữ, dù giọng của tôi đã khàn đã lạc, tôi “cóc cần”, vì đây là bài hát của tôi, bài hát mà tôi đã cùng với anh em trong tổ chức Người Việt Tự Do gồm 7 mạng thời còn là sinh viên du học và có người ưu ái đặt cho danh hiệu “Đông Á Thất Tinh” thuộc từng câu từng chữ. Bài hát cũng được sự tiếp tay của những người bạn Nhật chân thành của nghiệp đoàn lao động Đồng Minh. Họ đã cùng cất vang và giơ tay vung mạnh với anh em chúng tôi khi bài hát có hai chữ “Tự Do” mỗi khi giao lưu, biểu tình đòi tự do dân chủ trên khắp đường phố Tokyo.

Chương trình được “dàn dựng” theo ý kiến của anh Đỗ Thông Minh gồm 2 phần: Văn nghệ “Hát Cho Đồng Bào Tôi” trong dịp Mười Năm Thương Nhớ Việt Dzũng, đồng thời anh em Hưng Ca và thân hữu muốn thăm viếng mộ phần các vị tiền bối trong Phong Trào Đông Du như quý cụ Trần Đông Phong, Cường Để, Phan Bội Châu. Nghe tin, tôi đã không chần chờ và quyết định tham dự ngay buổi văn nghệ dù tình trạng sức khỏe còn bết bát. Cho tôi miên man một chút.

Tôi gặp Việt Dzũng lần đầu tại Hoa Kỳ cùng với anh Minh và anh Thiện khoảng năm 1981 tại nhà một người bạn ở SanJose. Và từ đó tôi đã “mê” và “phục” tiếng hát này. Tối hôm đó, sau khi nghe Việt Dzũng hát, tôi “đáp lễ” bằng một bài hát Nhật quen thuộc mà giới quần loa tóc dài thập niên 70 ai nấy đều biết của nhóm nhạc Kaguya Hime: “Boku no mune de Oyasumi” (Hãy ngủ trong tim anh). Nghe bài này, Việt Dzũng đã tỏ ý muốn phổ sang tiếng Việt. Câu chuyện đến đó thì tạm chấm dứt vì mỗi người mỗi nơi, cho đến khi nghe tin Việt Dzũng qua đời năm 2013.

Trong hàng ghế khán giả ngồi phía dưới còn có cả bà quả phụ Việt Dzũng là Bê Bê Hoàng Anh, với những giọt lệ chảy dài trên má.

Tôi tham dự buổi “Văn Nghệ Tưởng Niệm 10 năm Việt Dzũng”

3 giờ 20 chiều ngày 10/6, bước vào hội trường, tôi gặp người đầu tiên là anh Huỳnh Lương Thiện, dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, và tôi lại có một “bất ngờ” khác, được biết anh không những là thành viên Hưng Ca mà anh còn lại là Cựu Phong Trào Trưởng Hưng Ca. Tụi tôi vui mừng gặp lại nhau sau mấy chục năm xa cách.

Người thứ hai tôi gặp là anh Đỗ Thông Minh với một đống sách do anh biên soạn, anh cười và chào tôi, và một số bạn cũ du học tại Nhật như các anh Linh, Phát, Giác, Khánh, Ẩn, …và một số đồng hương thân hữu khác …

Đang vài câu qua lại thì chương trình bắt đầu:

Với một giọng nói trầm ấm và mạch lạc, MC Quang Hưng tuyên bố khai mạc chương trình. Sau phần hát quốc ca và phút mặc niệm. Một buổi văn nghệ chọn lọc gồm những bài hát đấu tranh đã đưa khán phòng đi từ những phút ngỡ ngàng sang những phút đầy xúc động. Buổi văn nghệ do Phong Trào Hưng Ca phụ trách gồm những bạn đến từ các nơi Hoa Kỳ, Úc và Pháp quốc,…mà anh Đỗ Thông Minh gọi là một chương trình của “tứ hải giai huynh đệ”.


Hưng Ca 1

Chi Huệ và Quang Hưng mở màn liên khúc của Nguyệt Ánh – Việt Dzũng trong khán phòng trang trọng


Được biết, phái đoàn Phong Trào Hưng Ca đến Nhật lần này được dẫn đầu bởi tân Phong Trào Trưởng Nguyễn Minh Huy, các thành viên là các anh các chị Quang Hưng, Ngọc Hà, Chi Huệ, Kevin, Phương Huỳnh, Huỳnh Lương Thiện, Huỳnh Vinh (từ Hoa Kỳ), anh/chị Hoàng Cao (từ Úc)và Đình Đại, Thu Sương từ Pháp Quốc.

Chương trình bắt đầu từ 3 giờ rưỡi đến 6 giờ rưỡi. Anh Trưởng Ban Tổ Chức Đỗ Thông Minh có đôi lời tâm sự và dịp này anh cũng giới thiệu về “Quỹ Khuyến Học – Quỹ Khuyến Hành” của anh. Nội dung của quỹ là anh Minh muốn trao tặng học bổng cho giới trẻ ham học và có tinh thần dấn thân sinh hoạt cộng đồng và xã hội.

Chương trình văn nghệ bắt đầu với liên khúc “Một Lần Đi – Lời Kinh Đêm – Một Chút Quà Cho Quê Hương” của cố ca nhạc sĩ Việt Dzũng và Nguyệt Ánh. Tiếp theo là những sáng tác mới của anh chị em Hưng Ca “Hành Trình Cho Quê Hương” do Hưng Ca Kevin viết riêng tặng cho Đỗ Thông Minh. Rồi, Hưng Khúc Việt Nam (Nguyễn Hữu Nghĩa), Hát Cho Quê Hương Đọa Đày (Nguyễn Minh Huy), Vang Vang Tình Việt Nam, Khúc Hát Mang Tên Anh (Nguyễn Minh Huy), Trăng Tù, Tù Thơ (Đình Đại).  Ngoài ra còn có tiếng hát của anh MC Quang Hưng với nhạc phẩm “Việt Nam Tôi Đâu” của Việt Khang bằng song ngữ Anh Việt.

Hưng ca 2



Đặc biệt nhạc cảnh Tiếng Vọng Từ Ngục Tối (sáng tác của Minh Huy) do Chi Huệ, Kevin, Huỳnh Vinh trình diễn đã khiến tôi “há hốc”.  Vai quan tòa Việt Cộng do Huỳnh Vinh thủ diễn với điệu bộ lắp ba lắp bắp, tháo kính ra đeo kính vào để “rặn” từng chữ cái cáo trạng buộc tội đã viết sẵn; cái đáp trả đanh thép gằn từng chữ trơn tru, của tù nhân lương tâm “Phạm Đoan Trang” do Chi Huệ thủ diễn; cái tiếng còng kêu lảng xảng biểu hiện rời rạc nói lên tính dã man của tên công an do Kevin thủ diễn đã khiến người tham dự“há hốc”, nhất là, khi giọng hát Chi Huệ cất lên “Tự Do đâu cần xin cho, tự do là quyền con người, là hơi thở là bầu trời, là quyền thiêng liêng”. Tôi dùng lại chữ “há hốc” này để bày tỏ sự cảm phục tác giả nhạc cảnh Tiếng Vọng Từ Ngục Tối. Ba vai chính trong vở kịch đã cho tôi và khán giả hiểu rõ hơn và hơn nữa về những cái gọi là tòa án nhân dân dưới chế độ gọi là “Ưu Việt” Xã Hội Chủ Nghĩa. Bravo anh em!


Hưng ca 3 Hưng ca 4

Một cảnh trong Tiếng Vọng Từ Ngục Tối/ Phong Trào Trưởng HC tặng quà Đỗ Thông Minh

 

Xen kẽ trong chương trình, anh em Hưng Ca đã gửi tặng anh Đỗ Thông Minh, anh Phạm Thanh Linh những bó hoa tình nghĩa và quà tri ân lưu niệm. 

Thêm một điều khá kỳ thú và lạ lùng nữa là trong chương trình còn có một bài hát của nhạc sĩ Duy Khánh “Lối Về Đất Mẹ” do Chi Huệ trình bày, ngọt ngào không thể tưởng. Tôi gọi là tình cờ “lịch sử” là vì trong một chương trình tổ chức tại Nhật có chủ đề “Mẹ Gọi Ta Về” do Hiệp Hội Người Việt Tại Nhật tổ chức nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (9/4) cũng có bài hát này và cũng do chị Lê Huệ trình bày. Trùng hợp ghê vậy bạn ta nhỉ. Có hai nhân vật cùng tên Hoàng Cao và Huệ xuất hiện trong hai chương trình có ý nghĩa chỉ cách nhau hai tháng. Tuyệt vời!

Tiếp nối chương trình là những bài hát quen thuộc của du ca Nguyễn Đức Quang, nỗi bồi hồi lần lượt trở lại trong tôi: “Về với mẹ cha, Tiếng Hát Tự Do, Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” qua tiếng hát của anh em Hưng Ca và đặc biệt còn có Hoàng Cao, một cựu du ca đến từ Úc. Tôi dừng ở đây một chút để nói về anh Hoàng Cao (tóc bạc). Tôi thêm 2 chữ “tóc bạc” để dễ phân biệt với người bạn tôi cũng có tên gọi Hoàng Cao,đã từng sống bên Nhật bây giờ định cư tại Mỹ. Qua vài giây, ít lắm, anh Hoàng (tóc bạc) cho biết đó chỉ là cái tên còn “Cao” là vì anh cao ngòng, cũng như ông bạn Hoàng Cao của tôi cũng cao ngòng như anh.

Những tà áo dài đen, những chiếc T- Shirt có huy hiệu Hưng Ca trên ngực, với lối hợp ca đầy tính dứt khoát, chuyên nghiệp của mười lăm anh chị em Hưng Ca đã làm vơi bớt trong tôi những âu lo cho những ngày mà tôi nghĩ là còn quá gian nan trên con đường trước mặt “Dù đi qua lối, dù đi chưa tới”. Mười lăm tiếng hát, mỗi người một vẻ, nhưng cùng một quyết tâm, kiên cường tiến về phía trước để tìm cho bằng được, để cùng hát bài hát: “Xin nhận nơi này làm quê hương, dẫu cho khó thương”. Một quê hương “khi mùa mưa về những con đường lầy lội, khi mùa mưa về cũng lem nhem bước trên ngõ trơn”.

Sau cùng, tôi có dịp trò chuyện và có nhận xét về anh Đình Đại và chị Thu Sương. Hai tiếng hát này đã và đang tiếp nối và tiếp sức cho một “Tiếng Hát Tự Do” mới “Dù Đi Chưa Tới, Dù Chưa Qua Lối – Tự Do là niềm khao khát sục sôi” của ca sĩ Nguyệt Ánh và cố ca nhạc sĩ Việt Dũng. Họ không hát “giống” giọng hát với hai ca sĩ nổi tiếng này, vì ai cũng có lối ca riêng biệt, không bắt chước để được nổi tiếng “ăn ké”, nhưng họ “giống” ở cách biểu hiện, mạnh bạo, dứt khoát chọn lời ca tiếng hát trên con đường: đòi hỏi bạo quyền trả lại cho dân Việt nếp sống hiền hòa, hít thở không khí trong lành của “Tự Do như lớp Mây Xanh – Người Mong Ngóng Quanh địa cầu”.  Cám ơn hai tiếng hát mới đã để lại trong tâm hồn tôi và mọi người những niềm xúc cảm vô biên.

Buổi văn nghệ được kết thúc với bài “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ”. Cám ơn các bạn Hưng ca, anh Huỳnh Lương Thiện, anh Đỗ Thông Minh, anh Phạm Thanh Linh đã cho tôi tận hưởng một không khí thật vô cùng vô tận.


Về nhà, Tôi có nói với mẹ cháu nhà tôi: “Đã khá lâu anh mới được tham dự một chương trình dài và vỗ tay sảng khoái như vậy. Trong đám đông, có thể là tiếng vỗ tay mang tính xã giao hay “cò mồi” của ai đó, anh không biết, nhưng đối với anh, phát xuất từ chính bàn tay… năm ngón của anh là những tiếng vỗ tay, nhịp chân đầy cảm phục, chân thành. Em đồng ý?” Mẹ cháu cười cười, không nói, có nghĩa là: “Một trăm phần trăm, anh ơi một trăm phần trăm”. Ha Ha! Vui nhỉ?!

Tôi viết bài này để riêng tặng Anh em Hưng Ca, những người mới gặp với tất cả sự trân quý của tôi. Thương và phục quí vị vô cùng!

Bài viết mở đầu bằng những câu hát của bài hát “Tiếng Hát Tự Do” thì cũng xin chấm dứt bằng những câu hát của “Tiếng Hát Tự Do” của trưởng Du Ca Việt Nam Nguyễn Đức Quang.

“Tự do cho dân giàu, cũng như dân nghèo ở khắp nơi
Tự Do cũng như hơi thở người ơi”.

Hẹn gặp lại bạn ta!

Vũ Đăng Khuê,

(Cựu sinh viên du học tại Nhật, tường trình từ Tokyo)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc