TÀN MẠN ĐẦU THU - Vũ Đăng Khuê

14 Tháng Mười 202212:05 CH(Xem: 602)


Tản mạn đầu Thu!

 

Sáng ngủ dậy, trời cảm thấy se se, nhìn tờ lịch treo trên tường mới thấy đã hết tháng 9. Tháng 9 có hai ngày lịch đỏ: “Kính Lão” (19/9) và “Thu Phân” (23/9). “Kính Lão” thì đã kể lể rồi, “Thu Phân” thì chưa, nên xin có vài giòng tiếp tục, nhưng rất là ngắn gọn, không chi tiết. 

 

Theo bác Google thì:

 

Trước chiến tranh, ngày “Thu Phân” được gọi là ngày “Lễ Hội Thần Hoàng Mùa Thu” là lễ cúng những vị thần linh của hoàng gia và các đời Thiên Hoàng vào tiết “Thu Phân” hàng năm. Sau đó, ngày này dần dần lan rộng và sau chiến tranh thì được đổi thành “Ngày Thu Phân” và là Ngày lịch đỏ.

 

Đây là một dịp để người Nhật thể hiện lòng thành kính với tổ tiên và tưởng nhớ những người đã khuất. Vào ngày này họ thường đi tảo mộ để bày tỏ sự biết ơn và nhớ đến tổ tiên.

 

Đặc điểm của ngày này là ngày có vẻ từ từ ngắn và đêm thì từ từ “dãn ra” khác với những ngày của tháng 5, tháng 6 “Đêm chưa nằm đã sáng”. Vào cái mùa này, ra ngoài phải khoác thêm chiếc áo mỏngcho người đủ ấm.

 

Ở Nhật, ngoài những dịp nghỉ truyền thống hoặc định kỳ có tính cách rời rạc, còn có 2 kỳ nghỉ “連休“hơi dài, ghép từ 2 chữ “tuần lễ” kèm theo tên 2… kim loại quí.

 

Cuối tháng 4, đầu tháng 5, có “Tuần Lễ Vàng” (Golden week). Gần cuối tháng 9 có “Tuần lễ Bạc” (Silver week). Nếu khéo “kết hợp” với những ngày phép được hưởng với nơi làm việc (trung bình 1 năm, trừ những người làm arubaito (làm giờ nào ăn giờ nấy), mỗi người sẽ có từ 10 đến 20 ngày nghỉ ăn lương (有給), người Nhật sẽ có một thời gian vừa đủ để làm một chuyến du lịch cận...du hoặc viễn du rất ư thoải mái.

 

Năm nay, sau gần 3 năm dịch bệnh, dù corona vẫn lây lan, nhưng thiên hạ đã chấp nhận sống chung với  “lũ”, phố phường của Nhật đã đông đúc rộn rịp, người người, nhà nhà….tiếp nối rủ nhau tràn ra đường phố. Các vận động trường, khách sạn, hàng quán đầy rẫy người và người, báo hiệu kinh tế sẽ có ngày “nước tôi”….đang trên đường phồn thịnh.  Cứ được thảnh thơi đi đâu không gò bó, ngồi cạnh nhau nâng ly thoải mái, ực vài hớp, như thế đã quá ư là hạnh phúc. Còn cần gì nữa? Vì thế ba cái chuyện lạm phát, giá cả tăng vùn vụt đều chỉ là….chuyện nhỏ.

 

Niềm vui không hẹn!

 

“Thu Phân”năm nay, tôi có hai niềm vui khá bất ngờ, một là nhận được tập hồi ký từ “Nàng” do một tên bạn gửi cho với đầy đủ chữ ký. Tôi đang ngấu nghiếnvà vẫn còn đọc dang dở.

 

Hai là khi nhận được 3 buồng nho xanhシャインマスカット。(Shine Muscat)từ một cô ở cùng xóm: Bàn Cờ. Cô này có cái dáng thon thả mặc áo dài rất đẹp. Hiện nay, cô đang định cư cùng gia đình tại Yamanashi, một địa danh có những vườn nho nổi tiếng.

 

nho ca si Thanh Lan

 Nho xanh – Hồi ký “Bão Tố Cuộc Đời”

 

áo trắng

Người cho….nho (tóc dài áo trắng)

 

 Tôi nghĩ là tôi và bạn ta đã ăn nhiều loại nho và đều biết vị. Nho có 3 loại mầu: đỏ, xanh lá cây và đen.

 

Các giống màu đỏ nổi tiếng như “Gorby '', “Olympia'', “Kaiji'' và “Aki Queen”, màu đen có “Kyoho''….. '' vàmàu xanh như "Shine Muscat", "Suiho" và "Rosario Bianco". Còn thêm loại nho đỏ nhưng trái bé xíu thì thú thật không biết gọi là nho gì, bạn nào biết xin chỉ giáo.

 

Nho xanh “thứ thiệt” cô gửi cho không hột này rất ngon có thể ăn luôn cả vỏ, khác với loại nho đỏ như Mine, Kyoho, ruột cũng ngon nhưng phải bỏ cái vỏ có vị chan chát và lại có hột.

 

Tại sao tôi gọi là thứ thiệt vì cũng là nho xanh thỉnh thoảng mẹ cháu mua, nhưng ăn thấy kỳ kỳ sao đó, nó không to, tròn và không có vị hơi chua như thứ thiệt. Có hỏi thì mẹ Cháu nói:

 -        Đó là nho “nhập”.

-        “Nhập” ở đâu?

-        Không biết, thấy “rẻ” thì mua ăn thử.

 

Tìm hiểu trên mạng thì biết là “nước lạ” đã chôm giống của Nho này và trồng tại “Tung Của” với giá bán chỉ bằng 1/3 giá Nho Nhật. Chắc chính là nó “thứ giả” đây.

 

Chính phủ Nhật  đã làm thành luật cấm đem những “kho tàng giống này” ra khỏi nước. Thiệt tình với màn chôm chĩa này.

 

Cám ơn “Nàng” với những giòng chữ tả lại cuộc đời đầy bão tố và Cô cùng xóm đã cho tôi được hưởng niềm vui quá bất ngờ.

  

Chuyện Xửa Chuyện Xưa (6 năm trước)

 

Vào 2 ngày của cuối tháng 9, nhân đám cưới của con gái cô em tại Nhật, sau mấy chục năm xa cách, gia đình tôi vừa có một dịp đoàn tụ tạm đầy đủ từ khắp bốn phương: Mỹ, Pháp, Úc, Việt Nam, Nhật Bản…. Lợi dụng những “dư âm” còn lảng vảng trong đầu của lần hội ngộ mà không biết bao giờ mới có lần sau. Tôi ngồi vào máy và bắt đầu… đưa đẩy.

 

Thông thường thì khoảng cuối tháng 9, trời sẽ có những cơn gió nhẹ mà tiếng Nhật gọi là “hada samui” (肌寒い) khiến làn da se se, tê tái, khi ra ngoài phải khoác thêm một cái gì đó dù rất “mong manh”: một dấu hiệu báo trước bắt đầu mùa Thu. Năm nay, sau những cơn nóng kinh khủng của tháng 8 kéo dài đến giữa tháng 9, trời đã cũng từ từ chuyển mùa nhưng cùng với… những cơn bão, cơn mưa, lũ lụt, lở đất thật khủng khiếp át hẳn những cơn gió nhẹ.

 

Vì thế chỉ mới là đầu thu chứ chưa trọn vẹn là thu, tôi sẽ chỉ nói một chút chút về mùa thu Nhật Bản mà chính mình đã trải nghiệm nơi chốn mới đi qua trong lần đoàn tụ với gia đình 6 năm trước.

 

Năm nay, nhờ các cô em thu xếp, đại gia đình tôi đã có một “tuần lễ bạc” ấm cúng kể từ ngày xa nước

 

Địa điểm anh em tôi gặp nhau là một khu vực nghỉ mát thuộc cao nguyên Nasu, nằm trong tỉnh Tochigi cách trung tâm Tokyo khoảng 1 giờ 20 phút shinkansen. Rời nhà 8 giờ sáng lúc trời cũng hơi lạnh, sau gần 1 tiếng “vất vả” trên xe điện thường vì phải đứng, tụi tôi đã tập trung đầy đủ tại nhà ga Tokyo để tiếp tục chuyển sang shinkansen đến địa điểm. Sáng nay nhà ga Tokyo người quá đông hơn hẳn thường ngày, tôi thấy họ vào và ra liên tục, họ lên và xuống từng đoàn từng nhóm.. “Tuần Lễ Vàng hay Bạc”, thường là dịp thuận tiện nhất thiên hạ rủ nhau đi chơi, hoặc dắt con cháu về thăm ông bà, hoặc tình nguyện làm công tác xã hội ở những nơi đang bị tai ương tàn phá. Hôm nay mọi người thuộc mọi lứa tuổi từ già đến trẻ trông mặt mũi lúc nào cũng tươi rói vì những niềm vui họ sắp được hưởng, vì những công việc họ sắp làm khiến tôi và gia đình trong nhóm người đông đảo đó cũng cảm thấy rộn ràng.

 

Shinkansen đưa chúng tôi đến nhà ga Nasu Shioharai khoảng trước trưa và xe bus của khu nghỉ mát sẽ đưa chúng tôi đến “cứ điểm”. Sau lời chào của người hướng dẫn kiêm luôn tài xế, xe bắt đầu phom phom vượt qua những con đường lúc thẳng lúc quanh co, hai bên có những ruộng lúa mà đây đó có rải rác vài thằng “bù nhìn”. Tôi ngồi gần cửa sổ yên lặng nhìn ra ngoài, đầu óc bồng bềnh “trôi” theo những cọng lúa ngả nghiêng dưới cơn gió thu nhè nhẹ. Quay hé cánh cửa xe, gió đồng lùa vào mát rượi thịt da, một câu hát về “thu” bỗng chợt hiện ngay trong đầu..

 

Gió heo may đã về

chiều tím loang vỉa hè

và gió hôn tóc thề

rồi mùa thu bay đi

trong nắng vàng chiều nay

 

Tôi cười thầm tự khen mình về cái trí nhớ chẳng....giúp được ai.. Dòng liên tưởng của tôi chợt đứt ngang vì tiếng của đứa con gái ngồi bên cạnh khi xe băng qua cả rừng hoa.“Bố ơi, đẹp quá”. Tôi thấy đẹp, với đầy đủ màu sắc đúng như có người đã viết mà tôi đã được đọc ở đâu đó đại khái là: “lá thu Nhật Bản như là một bữa tiệc cho đôi mắt.... tạo nên một khung cảnh lãng mạn, con người cùng thiên nhiên tồn tại trong sự tĩnh lặng, hòa hợp.”.. Xe cứ tiếp tục lướt với tốc độ vừa đủ để thiên hạ ngắm nhìn. Một lần nữa, tôi lại thấy là mùa thu không phải qua câu ca lời hát mà bằng mặt trần mắt thật. Mùa thu Nhật đẹp vô cùng.

 

Đến địa điểm, sau khi phòng ốc được chia xong cùng với những dặn dò cần thiết, đại gia đình chúng tôi chia thành nhiều nhóm, đi xe đạp, đi dạo, vào onsen, hồ tắm hay rủ nhau pingpong. Vì muốn tiếp tục thưởng thức trọn vẹn “ý nghĩa của mùa thu, lá thu” tôi đã chọn “tiết mục” đi bộ. Course đi bộ là một con đường ngoằn nghèo, lúc lên ghềnh lúc xuống suối, nằm dưới các cành cây đầy lá đỏ (momiji -Hồng Diệp-紅葉) bao phủ, dù đi năm phút đã về chốn cũ nhưng tôi cố tình đi chầm chậm để tận hưởng trọn vẹn cái không gian thinh lặng vừa đủ cho mình ta ngắm ta.

 

“Một mình đi lang thang trên đường

Lòng hiu hắt và nhớ bâng khuâng”.

 

Bài hát đầu tay của nhạc sĩ Cung Tiến lại được tôi nhẩm trong miệng, và tôi dù không hiu hắt nhưng lòng quá bâng khuâng không thể giải thích.

 

Trước và sau tôi cũng có lác đác vài nhóm người chắc là “cùng tâm trạng”, họ im lặng ngắm nhìn, thinh không thật im ắng chỉ nghe róc rách của tiếng nước chảy khi đi ngang một con suối nhỏ.

 -----------------


Sau bữa cơm tối hàn huyên với gia đình, tụi tôi lại tiếp tục “theo đuổi” những chương trình khác như thăm sở thú gần đó, hát karaoke, tiếp tục tắm onsen..... Riêng tôi thì xuống tầng 1 của nơi nghỉ mát đang có một chương trình nhạc sống do nhiều nhóm “dân ca”, “enka”…. Nhật Bản trình diễn, tôi chọn một chỗ ngồi ở ngoài trời tuy hơi xa sân khấu để có thể nhìn toàn diện tất cả. Họ chơi nhiều loại nhạc lắm nhưng tiếng đàn samisen thả ra như “gằn” từng tiếng một mang âm hưởng là lạ liêu trai nhất là khi nghe giữa trời lạnh. Cô gái Nhật trẻ trong trang phục kimono có cái dáng mềm như sợi khói, với mái tóc thật dài. Tiếng đàn và tiếng hát của cô như quyện lấy tôi, đưa tôi trở lại thế giới của tôi. Cả một vùng kỷ niệm xa xưa sống dậy, đặc biệt là hình ảnh một tóc dài áo trắng.

 

 Dạo còn học đệ Nhị Hưng Đạo, mỗi buổi trưa, tôi hay sang nhà tên bạn cùng xóm vừa đàn vừa nghêu ngao hát, người cô của tên bạn lại là fan ái mộ Nhật Trường, cứ “khuyến khích” tôi hát, lâu lâu lại dúi cho mình một “chút đỉnh” để… cà phê cà pháo. Là người “làu làu” với nhạc Trần Thiện Thanh, thế là tôi lại có dịp tuôn ra như sấm, vừa được hát nhạc mình thích lại có thêm chút… quà, ai mà không ham không thích. Cũng ngay những giây phút đó thì có một tóc dài áo trắng, có lẽ dân Nguyễn Bá Tòng tay xách cặp lướt qua, và lúc nào cũng nhìn mình rồi cười mỉm tỏ vẻ như đồng tình với những bài mình hát. Ngày qua ngày, riết quen không thấy nàng tôi không chịu được, tôi “kết” ngay mái tóc dài có đôi mắt hơi có vẻ lạnh lùng và nụ cười mỉm mà theo tôi là tươi sáng nhất. Những “ấm ức” đó tôi để mãi trong lòng chứ không dám “biểu hiện” ra với ai. Một năm sau, thì không thấy tóc dài áo trắng nữa. Tôi nghĩ là nàng đã đi xa và tôi cũng đã rời nước, nhưng tôi bắt đầu yêu và thích bất cứ hình bóng nào mà có tóc dài áo trắng.

 

Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong,

Hôm xưa em đến, mắt như lòng.

Nở bừng ánh sáng. Em đi đến,

Gót ngọc dồn hương, bước tỏa hồng.

 

(Áo trắng- Thơ Huy Cận)

 

Lần về lại VN cuối tháng 2/75 tôi có ý tìm hình bóng cũ nhưng lại bỏ ngay ý định vì nghĩ

chuyện chắc cũng chả đến đâu. Quả là một kỷ niệm thật đẹp.

---------------

 

Thuở đó mình còn quá trẻ trên tất cả mọi “phương diện”. Bây giờ bạn bè cùng lứa ít nhất cũng đã bắt đầu con số 7, cái lứa tuổi theo tôi nghĩ là tuổi dành nhiều cho quá khứ, nói theo kiểu bây giờ là “sống ảo”. Nhưng có lẽ chắc chỉ có mình tôi nghĩ thế vì mấy người bạn học cùng năm tuy sống rải rác nhưng lúc gặp nhau lại trông ai cũng tươi tắn. Họ đang cố gắng tận hưởng những ngày…còn lại.

 

Nhớ lại 20 năm trước, Trong một lần đi nghe ban nhạc Kaguya Hime quần loa tóc dài trình diễn, mở đầu bằng màn hô to của Minami Kosetsu

 

Oretachi Mada wakai daze (Tụi mình còn rất trẻ)

Obaasan, Ojiisan mada natte nai daze (Mình chưa là ông già bà cả)

Itsu made mo, doko made oretachi no tamashi seishuun daze (Bất cứ lúc nào bất kỳ ở đâu, tâm hồn tụi mình thanh xuân tươi trẻ)

 

Ừ nhỉ, “Chúng ta còn rất trẻ mà” hay là mình bắt chước họ sống “trẻ” đi nhỉ? Nhưng bắt chước làm sao? Đang suy nghĩ thì…

 

Có tiếng vỗ vai của mẹ cháu nhắc nhở ….uống thuốc, thế là bừng tỉnh “cơn” mê” trở về hiện thực. Ăn cơm uống thuốc xong, sẽ tráng miệng bằng vài trái nho xanh của Cô Hàng Xóm và tiếp tục đọc tiếp phần hồi ký nhiều sóng gió của “Nàng”.

 

Một ngày của tôi giờ đơn giản thế đấy.

 

V.Đ.K

 

 

-------------

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc