BA TRANG MÁU THẤM - Phạm Thế Định

09 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 83014)



nguyen_trai-content



BA TRANG MÁU THẤM

(Chuyện hư cấu dù dựa trên vài dữ kiện lịch sử, mọi trùng hợp đều là việc ngẫu nhiên)



Ngoài chăng mọi chốn đều thông hết
Duy một lòng người cực hiểm thay

(Thơ Nguyễn Trãi, “Mạn thuật 4” Quốc Âm Thi Tập)



 Chúng tôi ngồi chuyện vãn với nhau đã được chừng hơn một tiếng, ba người Việt xa quê, có muốn tránh cũng không thể không đề cập đến chuyện quê hương. Người trẻ tuổi nhất trong bọn là một em mới được học bổng qua Úc du học, mặt mày khôi ngô, lời nói nhỏ nhẹ. Từ nãy đến giờ, em rất ít xen vào câu chuyện, trọng người lớn chăng? hay còn dè dặt với người lạ?. Nhân bàn về chuyện Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa, nước Việt từ đó thật sự bành trướng về phương Nam, mở dần lãnh thổ cho đến khi biển cả ngăn lại, nghe một lúc em lên tiếng hỏi 

 - Hai anh có thể cho em biết từ khi nào sự phân tranh Nam Bắc ở nước ta có mặt không?


Câu hỏi lớn làm cho hai chúng tôi bỡ ngỡ, không chuẩn bị kịp để trả lời ngay. Anh bạn tôi lên tiếng trước

- Em muốn hỏi về Nam Bắc nào, vì thật ra danh từ Nam Bắc thưở phân tranh Trịnh Nguyễn làm gì đã phổ thông. Ngày đó người dân quen gọi là đàng trong và đàng ngoài . Theo sử, khi con thứ của An Thành Hầu Nguyễn Kim vì tránh họa anh rể là Trịnh Kiểm, nên phải xin với chị là Ngọc Bảo, nói khéo với chồng để vào trấn ở miền đất mới, cùng một số bà con, họ hàng và 1 số binh sĩ vốn quê trước kia ở Thanh Nghệ, lũ lượt kéo vào Nam chiếm cứ và đóng ở Ải Tử, xã Triệu Phong (thuộc huyện Đăng Xương) Quảng Trị. Lúc đó bắt đầu nhân gian đã đồn đại câu ca dao tuyên truyền cho sự Nam tiến này:

Đường vô xứ Nghệ quanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ

Ai vô xứ Nghệ thì vô
 


 - Dạ em muốn nói là từ đâu mà lòng người Việt có sự cách ngăn Nam-Bắc, nếu mà danh từ Nam Bắc trước đó chưa có, thì có thể sự phân cách này, nói theo tiếng lúc đó là đàng trong và đàng ngoài, là vì mối thù của hai họ Trịnh-Nguyễn hay sao hở các anh?


Anh bạn tôi đăm chiêu một lúc rồi nói

- Có thể cho là như vậy cũng được, nhưng thật ra cái nguyên nhân của sự ly thân dân tộc nó sâu xa hơn. Vì khó mà tin rằng các anh hùng, hào kiệt thưở đó chỉ vì mối thù Trịnh-Nguyễn mà rời quê cha đất tổ vào Nam. 

 - Có thể lắm chứ anh - tôi chen vào câu chuyện - vì cứ xét trên tiểu sử các công thần đã đi cùng Hạ Khê Hầu Nguyễn Hoàng, thì hầu hết đều là quê ở Thanh Hóa cả, chắc họ bực tức vụ Trịnh Kiểm vô ơn giết con trai lớn của cựu chủ (vừa là bố vợ), nên chấp nhận vào Hoành Sơn dung thân. Này là Đào Duy Từ, người làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, nọ là Nguyễn hữu Tiến , viên Chưởng cơ đã có dạo cùng tướng Nguyễn Hữu Dật vượt sông Linh Giang (sông Gianh) Bắc tiến, chiếm 7 huyện phía Nam Lam Giang . Họ đều là người cùng quê với Nguyễn Hoàng cả đấy.


Em kia là dân Huế, nên coi bộ hiểu ra chuyện, em nói

- Thế nhưng Đào Duy Từ lúc đầu cũng đã muốn làm quan cho triều Lê, nhưng vì là dòng dại xướng ca, nên không được đi thi, vì phẫn chí, ông ấy mới bỏ Đông Quan mà vào Bình Định, được chúa Sãi (Nguyễn phúc Nguyên con của Nguyễn Hoàng) dùng làm Nội Tán. Nếu mà ông ta không bị vụ này, đâu đã chắc ông ấy vào Nam mà lập lũy thày để mà lập an giúp cho chúa Nguyễn bình trị đàng trong

Nhớ anh em cũng muốn vô

Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang

Phá Tam Giang giờ này đã cạn

Truông nhà Hồ, Nội Tán cấm nghiêm



Anh bạn tôi đồng ý 

 - Đúng như vậy, sự hục hặc của gia đình con cô, con cậu Trịnh-Nguyễn, chỉ là giọt nước cuối làm tràn ly nước đầy. Hơn nữa, thật ra chữ Nam-Bắc không phải từ vụ Nguyễn Hoàng vào Nam, mà từ khi Trịnh Kiểm mang tiếng phù Lê, trấn từ Thanh Hóa trở xuống, sử gọi là Nam Triều, từ Sơn Nam trở ra thuộc về con cháu của Mạc Đăng Dung, trước đây đã cướp ngôi nhà Lê, gọi là Bắc Triều. Tục truyền rằng, sau này Trịnh Kiểm muốn chiếm ngôi nhà Lê, nhưng còn lưỡng lự, sai người ra Hải Dương vấn kế Trạng Trình. Trước mặt sứ giả, ông Nguyễn Bỉnh Khiêm không nói gì cả, chỉ quay qua mà bảo đầy tớ rằng: “Năm nay mất mùa, thóc giống không tốt, chúng mày nên tìm giống cũ mà gieo mạ”. Nói rồi, lại sai đầy tớ ra chùa nhắn với chú tiểu rằng phải quét dọn chùa và đốt hương, rồi cùng sứ giả, ông ra viếng chùa, không một tiếng nào khác để trả lời câu hỏi của Trịnh Kiểm, ông chỉ bảo với chú tiểu: "Giữ chùa thờ Phật thì được ăn oản". Sứ giả về tâu lại, Trịnh Kiểm hiểu ý, từ đó mới kiếm con cháu nhà Lê về thờ. Ngay cả khi nhà Mạc đã bị đánh tan bởi tướng Đinh văn Tả, mà nhà Trịnh vẫn phải để vua Lê làm vì, chỉ dám xưng là chúa Bắc Hà thôi .


Chúng tôi lại châm thêm một bình trà, rồi cùng nhau đi ngược dòng lịch sử hơn 300 năm về trước. Tôi tiếp chuyện 

 - Chuyện Trịnh Kiểm vấn kế Trạng Trình, tôi đã được nghe, nhưng nghĩ lại, thấy vẫn lấy làm lạ, vì cũng có tích là khi thấy anh mình là Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm ám hại, Nguyễn Hoàng bối rối không biết xử trí ra sao, mới sai người ra Hải Dương vấn kế cụ Trạng Trình, lại chính cụ khuyên ông này rằng: "Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân " (một dẫy Hoành Sơn kia có thể yên thân được muôn đời). Như vậy, chẳng lẽ cụ lại bầy kế cho Nam-Bắc bày cuộc tương tàn, vì một mặt cụ khuyên chúa Trịnh phò nhà Lê, diệt họ Mạc, chiếm Bắc Triều, một mặt cụ chỉ đường cho Nguyễn Hoàng vào Quảng Trị, thật sự tạo thế lực muôn đời cho miền Nam à? 


 Anh bạn tôi châm một điếu thuốc, người bạn trẻ nhón lấy cái bánh chuối rồi nói 

 - Em thì em thấy chưa chắc hai truyền thuyết kia là thật, mà nếu là thật, và nếu chúng ta đồng ý cho rằng cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà tiên tri đại tài của dân tộc, thì cụ chỉ làm một công việc thuận ý trời thôi. Cụ biết nhà Lê đằng nào cũng bị suy, mà cụ lại thấy thế lực của Nguyễn Hoàng còn yếu, do đó, cụ mới dùng con bài Trịnh Kiểm đánh nhà Mạc, và xui đường cho Nguyễn Hoàng vào Nam chiêu binh mãi mã, hòng sẽ đánh lại Trịnh sau này .


Anh bạn tôi khoái chí

- Thế thì cụ Trạng đâu có xài tài tiên tri, vì nếu cụ đã nhìn thấy trước mọi chuyện thì cần gì phải khuyên với bảo . “Nhất ẩm nhất trác giai do tiền định”, thì cứ việc nằm chờ thì chuyện khắc đến. Hay nếu lý luận kiểu ba phải thì cụ vừa dùng tài quân sự, suy đoán thời thế vừa dùng Thái Ất thần kinh kiểm chứng. Cụ là một nho gia, nặng lòng trung quân nên mới xui nhà Trịnh phò nhà Lê, ngoài ra cụ biết Nguyễn Hoàng là con tướng Nguyễn Kim, cháu Nguyễn Hoằng Dụ, mấy đời ăn lộc nhà Lê, cụ muốn dành ông ta như một con bài tẩy để sau này về lật chúa Trịnh, mà cụ biết là kẻ tham quyền, phản bội. Hơn nữa, nhờ có lời khuyên này của cụ, mà nước Việt nam nay mới có lãnh thổ đến tận mũi Cà Mau.


Tôi bàn

- Tôi chẳng biết cụ có thể tiên kiến được mọi chuyện hay không? Nhưng cứ suy từ việc cụ có thể làm việc, phục vụ đất nước với cả hai triều nhà Mạc, và nhà Trịnh, lại đào tạo ra những công thần tài trí lỗi lạc cho nhà Lê trung hưng, như Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh mà không bị hại đến thân, thì quả cụ quá là tài tình. Thương là thương cho những nho sĩ khác, chỉ vì lòng trung với vua mà bị hại đến cả ba họ như quan Hành Khiển Nguyễn Trãi. Cảnh oan trái của Nguyễn Trãi khiến tôi chán mấy triều đại phong kiến và tinh thần Khổng Mạnh xưa kia quá đi thôi . Mấy ông vua có quá nhiều quyền hành, gặp phải vua tốt thì không sao, gặp phải tên bạo chúa, hay nghe theo lời dèm pha, thì hắn ta muốn giết ai thì giết, muốn trảm ai thì trảm. Cái chế độ phong kiến đó coi người dân như nô lệ. mặc dầu lúc nào cũng hô hào “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Quý cái gì khi có những hình phạt như tru di tam tộc, cấm con nhà xướng ca đi thi ...  


Anh bạn tôi cười 

 - Cậu bồng bột thật, cậu đang ở cuối thế kỷ 20 mà lại đem con mắt hiện đại mà suy xét cổ nhân, thì lầm to. Ngày xưa nếu cậu không dùng thuyết ông Khổng, ông Mạnh thì dùng thuyết nào trị quốc, an dân bây giờ? Mà hai ông đó nào có cho ra cái hình phạt tru di tam tộc hồi nào đâu nè? Nhưng mà ta đi lạc đề rồi, mình đang bàn việc Nam-Bắc phân tranh cơ mà?  


Tôi vẫn chưa chịu, nói tiếp

- Chuyện tôi nói cũng liên quan đến việc Nam-Bắc đấy chứ hai bạn. Này nhé, cái chuyện Nam Bắc Triều trấn bởi hai nhà Lê-Mạc dó chỉ là chuyện cướp ngôi lẫn nhau mà làm khổ dân, không phải là sự khác biệt chính kiến lớn lao. Sự chia cách lòng người, gây thù cốt nhục chính là từ khi chúa Trịnh và chúa Nguyễn lấy sông Gianh làm biên giới, mà chia hai thiên hạ. Những kẻ anh hùng, hào kiệt chán ghét sự thủ cựu của sĩ phu ngoài Bắc, mới bỏ vào miền đất mới. Tôi chẳng hiểu sao, chứ coi như cái nhà Lê mà cụ Trạng Trình đòi trung hưng, nếu mà họ có bị họa Mạc Đăng Dung thì cũng chỉ là ác giả ác báo mà thôi. Ai đời khi Lê Lợi khởi nghĩa lúc chưa gặp Nguyễn Trãi thì đâu có thế lực gì, sau có Nguyễn Trãi lặn lội vào, dâng kế bình Ngô, lận đận 10 năm kháng Minh, bao lần thuyết giặc, biết bao công trạng. Thế mà sau này khi lên ngôi, Lê Lợi lại làm nhiều việc thất đức, như giết Trần Cao, dòng giõi nhà Trần, và sát hại công thần như Phạm văn Xảo và Trần Nguyên Hãn, quên lời thề Lũng Nhai và biếm Nguyễn Trãi (ông chỉ được chức công thần bậc trung, và sau chỉ được xưng vào đợt ba), để đến vụ Thị Lộ, bị ông vua con Lê Lợi là ông Lê Thái Tông tham mê gái đẹp, tửu sắc đến độ chiếm cung phi của Nguyễn Trãi, chẳng may bị chết, thế là lũ quần thần thủ cựu dám bầy đặt chuyện để tru di tam tộc nhà Nguyễn Trãi. Cái oan ức ngàn đời này làm sĩ phu không còn phục vào chính quyền nữa . Có thể từ đó mà đã có sự phân chia, ngăn cách trong tư tưởng rồi chăng?


- Cậu chỉ đúng một phần, cái tàn ngược của chế độ phong kiến quả là có, nhưng từ đó suy ra rằng hào kiệt bỏ vào Nam vì bất phục xã hội Bắc Hà thì sai . Vì lúc đó, họ bỏ vua này để phò chúa khác, cùng là phong kiến cả thôi. Chỉ có sau này chúa Nguyễn và quần thần quả có gờm dân Bắc Hà thật, nhưng có lẽ chỉ vì sự khác biệt quyền lợi chính trị giữa dân đàng trong, và sĩ tử Bắc Hà mà thôi. Nhưng thật ra, chẳng có chứng cớ gì về việc triều Nguyễn gờm dân Bắc Hà đâu, chỉ là những điều đồn đại vô căn cứ. 


 - Thế tại sao nhà Nguyễn lại di đô vào Thuận Hóa, mà không đóng đô tại Thăng Long như xưa. Triều đình nằm giữa hai đầu, một phần đất Nam mới với đám cư dân mới, phần đông đi từ miền Trung hoặc từ Trung Hoa, một phần đất Bắc dân cũ còn lòng hoài cựu nặng. Có phải vì vậy mà sau này sĩ tử Bắc Hà không phục mà nổi loạn như trường hợp Cao bá Quát hay chăng? Và cũng vì thế, mà sau này Francis Garnier đánh thành Thăng Long quá dễ dàng vì dân ngoài Bắc không hẳn phục triều đình Huế ?


Từ sau sự bất đồng ý kiến này, hai chúng tôi đã bắt đầu dần đi đến những bất đồng khác, may quá cậu em đã can thiệp khéo léo 

 - Xin hai anh, bây giờ em đã hiểu cái vấn đề Nam-Bắc nó phức tạp như thế nào rồi, nhất là sau khi Pháp chiếm được Việt Nam, chia nước ta ra ba kỳ: Nam Kỳ bị chiếm trước, bị trở thành thuộc địa Pháp hoàn toàn, Bắc Kỳ thuộc quyền Bảo Hộ, và Trung Kỳ tự trị.


Điều này thì cả hai chúng tôi đều đồng ý và thêm chi tiết 

 - Đúng đó, nhất là sau hiệp định Genève, Pháp và Việt Minh đều hội ý để chia hai miền Nam-Bắc, lấy vỹ tuyến 17 làm ranh giới . Ngoài Bắc dưới quyền đảng Cộng Sản Việt Nam, miền Nam được sự ủng hộ của Mỹ, và có vị tổng thống đầu tiên là ông Ngô Đình Diệm. Đến ngày 30-04 thì miền Nam thất trận, và bây giờ Việt Nam đã thống nhất. Nhưng chưa chắc lòng người đã hoàn toàn thống nhất, nhưng đó lại là chuyện khác. Thôi trễ rồi, chúng mình phải chia tay đi ngủ, mai còn phải dậy sớm mỗi người mỗi việc .


0o0


Tuy là nói như vậy, nhưng tối đó, tôi còn một vài chuyện để lo, về đến nhà đã trễ ăn vội bát mì gói rồi lên giường. Trằn trọc vì nhớ mãi nỗi oan Nguyễn Trãi, tôi ra ngoài bếp, mở quyển Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim ra đọc, được một lúc thì thiếp đi. Nửa tỉnh nửa mơ, tôi thấy một lão ông tóc bạc trắng đứng ngay cạnh bàn, ông ăn mặc bình thường nên tôi nghĩ là một người nào đó đi lạc vào nhà. Ông nói ngay, không kịp để tôi hỏi:


- Già thấy ông thắc mắc về quan Hành Khiển nên ghé đây nói cho ông biết vài chuyện. Thứ nhất là vụ Thị Lộ mà người đời cho là hồn rắn đã nhập vào để làm hại quan Hành Khiển là sai lầm. Thật ra, đó là vì đám quần thần đã bàn mưu thâm kế độc từ lâu . Vì khi vua Thái Tông lên ngôi năm 1434, vua còn quá trẻ, mọi việc đều do ở quan Phụ Chính là Lê Sát quyết định. Đại Tư Đồ Lê Sát là một người ít học, nhưng nhờ có công phò đức Thái Tổ mà được quyền hành nhất nước. Ông rất đa sát và chuyên quyền. Trước đây dưới triều Thái Tổ, gặp thời hạn hán khó khăn, nhà vua lại tin dị đoan ra lệnh xây cất chùa lớn. Quan Tư Đồ đã sai giết một người thợ sơn tên Cao Sư Đãng, vì Đãng bị triều đình bắt làm công việc cực nhọc lúc dựng chùa Bảo Thiên, Đãng nói lén rằng : Thiên tử thì không có đức, để đến hạn hán, đại thần thì ăn của đút, cứ dùng người vô công, có gì là thiện đâu mà làm chùa to thế ? Sau khi chém Đãng, trời mưa vài trận nhỏ, quan Tư Đồ bảo trong triều : “Nếu nghe lời can gián không giết tên Đãng thì làm gì có trận mưa ấy”. Xem thế đủ biết sự ngu dốt và háo sát của Lê Sát. Quan Hành Khiển Nguyễn Trãi đã không đồng ý với quan Tư Đồ Lê Sát từ lâu, cho đến tháng 5 năm Giáp Dần (1434), quan Tư Đồ Lê Sát lại có chuyện tức bực vì quan Hành Khiển Nguyễn Trãi đã chửi lũ hạ thần của Lê Sát là : “Bọn các ngươi là bầy tôi vét thuế, gặp đại hạn này đều do các người mà nên cả”. Từ đó sự thù ghét ngấm ngầm của bè phái quan Tư Đồ đối với quan Hành Khiển càng tăng thêm. Sau này lại thêm vụ đức Thái Tông cho giết quan Tư Đồ Lê Sát, thì phe của quan Tư Đồ lại càng thâm thù quan Hành Khiển thêm, vì họ cho rằng nhà vua đã nghe theo lời quan Hành Khiển mà làm. Mặc dù vào năm Kỷ Mùi, quan Hành Khiển đã về ở núi Côn Sơn, không còn màng chuyện triều chính, mà lũ bè phái của Lê Sát vẫn không tha, chúng thừa dịp đức Thái Tông cưỡng bắt cung phi Thị Lộ mà ám sát vua, rồi phao tin là quan Hành Khiển toa rập cùng cung phi Thị Lộ thí quân, thật là kế độc, một hòn đá chết hai con chim. Nhân chuyện đó đám vạ quan đã vì hận với vị quan văn Nguyễn Trãi từ lâu nên sai bắt quan Hành Khiển và thân nhân làm tội, mà không chịu điều tra kỹ lưỡng.  


Tôi định hỏi vài câu thắc mắc, nhưng lạ thay mồm cứng đơ, không thể thốt nên lời. Nhưng cụ già kia như hiểu điều tôi muốn hỏi

- Tôi được biết chuyện vì tôi chính là dòng giõi của quan Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn, hơn nữa tôi có trong tay ba trang giấy mà cung phi Thị Lộ đã dùng máu đầu ngón tay để kể rõ sự tình. Nhân gian không hiểu chuyện nên đã loan truyền huyễn hoặc chuyện ba trang máu thấm từ con rắn trả thù. Nhờ bởi ba trang giấy này được lén mang về Chí Linh kịp, mà một số con cháu của quan Hành Khiển đã chạy thoát được vào tới Thanh Hóa. Và đây là điều ông nói gần đúng, vì chán ghét sự thủ cựu bất công của xã hội phong kiến nhà Lê, và sự xu thời của một số sĩ phu Bắc Hà, mà con cháu của quan Hành Khiển đã luôn mở đường Nam tiến. Từ Chiêu-Vũ-Hầu Nguyễn Hữu Dật đến quan Hắc Hổ Nguyễn Hữu Cảnh, vị tướng đầu tiên đã khai khẩn thành Sài Gòn, và đã được đặt tên cho cù lao tại Rạch Giá là cù lao ông Chưởng, rồi cho đến Nguyễn Hữu Quynh đều là từ dòng quan Hành Khiển Nguyễn Trãi mà ra. Như vậy dòng giõi quan Hành Khiển đã luôn luôn không ngừng đóng góp cho dân Việt. Từ quê hương ngoài Bắc, tại Hải Dương, cho đến Thuận Hóa, giữ vững miền Trung, qua đến công trình chinh phục và khai khẩn miền Nam. Oan thù, nghiệp chướng đã quá nhiều để xây dựng núi sông. Tôi nay xin vâng lời quan Hành Khiển, về đây đốt ba trang giấy máu này để giải nguyền những giòng máu đã đổ trên giải đất oan khiên ba miền Nam-Trung-Bắc. Từ đây cho một thống nhất muôn đời.


Cụ già nói xong lấy trong túi ra ba trang giấy cổ, trên đó tôi thoáng thấy những hàng chữ Nôm màu nâu đen xậm, rồi một ngọn lửa xanh kỳ bí đã bay đến thiêu hủy những trang giấy đó, thành khói biến tan đi cùng bóng cụ già. Khi tôi giật mình thức giấc, ngoài hiên vọng đến vài tiếng mưa rơi nhẹ chớm đông. Và nước mắt tôi đã rơi khi nào nhạt nhoè trên trang giấy sử.



 Phạm thế Định


------------------

(24/06/95)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc