TỲ BÀ HÀNH - Phạm Thế Định

09 Tháng Ba 201212:00 SA(Xem: 59572)


tranh_tau



Trong bài "Đọc Cổ Thi" tôi có dùng một vài điển cố và thơ cổ Trung Hoa. Có một người, thông cảm hồn thơ, nhưng thắc mắc về một vài câu như

 "Bến Tầm non nỉ tiếng lau thưa" ...
"Đào Nguyên bút để lưu ngàn ước" ... 

 và "Cùng thơ quy khứ tạm xa đời"


Tôi xin trình bày những ý tưởng cá nhân khi viết những câu trên, và nhân đó kèm theo vài dữ kiện văn chương. Bài đầu là




Tì bà hành
 -------------


Thưở nhỏ tôi vốn sớm mê thơ văn, dạo lên 7, lên 8, đã thuộc vài câu Kiều, mấy đoạn thơ của bà Huyện Thanh Quan, bà Đoàn Thị Điểm, vì khi mấy chị tôi học cổ văn ở trường Trưng Vương thường hay "hét" thơ tướng lên cho dễ thuộc. Tôi không nhớ rõ là ai trong nhà đã nhét vào đầu tôi mấy câu sau: 

 "Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách
 Quạnh hơi thu, lau lách đìu hiu.
 
Người xuống ngựa, kẻ dừng chèo
..."


Đến thưở trung học, tôi lại lo gạo toán, lý, cố lấy điểm cao, thì giờ đâu mà đọc cổ thi Trung Hoa. Vốn liếng còn lại trong óc chỉ là vài đoạn lõm bõm trong mấy bài đọc thêm của mấy quyển giảng văn. Sau này, tuổi đã bước qua giai đoạn tam thập nhi lập, đọc sách Nguyễn Hiến Lê, bị nhiễm thú cổ văn của ông. Đọc thơ cổ Tàu thích quá, vì đúng như ông viết, nỗi lòng của những nhà thơ Trung Hoa đã ẩn hiện trong văn thơ của nước ta rất nhiều.


Tuy vậy, sống trong xã hội Tây Phương, đêm ngày vật lộn với tư tưởng khoa học, ý chí tranh thủ dựa trên phần lý trí rất nặng. Do đó, thích thì thích, nhưng tôi không hoàn toàn để hồn thơ lãng đãng, thiếu thực tế đó chinh phục. Thành thật mà nói, tôi cho rằng các nhân vật đó hơi gàn và lẩn thẩn. Thế mà không ngờ thời thế đã cho tôi cơ hội để hiểu được tiếng lòng của một nhà thơ được các cụ ngày xưa yêu thích: Bạch Cư Dị.


Tác giả của bài Tì Bà Hành l
à Bạch Cư Dị tự Lạc Thiên, sinh năm 772 mất năm 846, tại Thái Nguyên, Tình Sơn Tây (Trung Hoa). Bạch Cư Dị năm 17 tuổi, đã thi đậu tiến sĩ, làm đến chức Hàn Lâm học sĩ. Vì tính thẳng thắn, ông đã có lúc bị đổi đi Giang Châu làm quan Tư Mã quận Cửu Giang. Đó là một hoạn nạn lớn trong đời ông, bị vua ghét không dùng, đuổi ra đất trích. Một ngày thu, ông đi tiễn khách ở một bến sông, tên là Bồn, bỗng nghe thấy có người gẩy đàn Tì Bà, mời qua thuyền đặt tiệc cùng dự, nghe nàng đàn lại mấy bài nhạc xưa, cảm động vì thân thế của người xướng nữ cũ ở kinh đô đó, cũng hợp với nỗi buồn bị giáng trích của mình, nên làm bài ca trường thiên để tặng nàng, đó là bài Tì Bà Hành lưu lại đến nay.


Tì Bà là một loại đàn kiểu cổ Trung Hoa, có bốn dây, hình qủa bầu, cán dài. Hành là một bài thơ dài. Bài thơ trường thiên Tì Bà của Bạch Cư Dị, làm theo thể thất ngôn cổ phong gồm 616 chữ, được Phan Huy Thực (theo Hoàng Xuân Hãn) dịch ra Việt ngữ cũng đúng 616 chữ và 88 câu. Bản dịch quốc âm của ông Phan Huy Thực rất hay và được phổ biến rộng rãi trong giới nho sĩ. Phan Huy Thực là con của Phan Huy Ích, một danh nho Bắc Hà làm quan cho vua Quang Trung, sau khi Tây Sơn thất chính, Phan Huy Ích bị bắt giải vào Kinh đô Thuận Hóa, rồi lại đưa ra Bắc Thành, bị căng nọc ra đánh ở trước Văn Miếu. Sau đó Phan Huy Ích cùng con là Phan Huy Thực về ẩn cư tại làng Thụy Khê, phủ Quốc Oai, Sơn Tây. Vua Gia Long lại vời Phan Huy Thực ra làm quan, đến chức Thượng Thư, nhưng qua đến thời Minh Mạng, ông không tán thành chính sách thủ cựu của triều đình, nên bị vua ghét bỏ, đau lòng Phan Huy Thực xin về hưu trí năm 1841. Vì cùng trong hoàn cảnh bị ghẻ lạnh, Phan Huy Thực đã dịch bài hành của Bạch Cư Dị, bài dịch này cũng trở thành một tuyệt tác văn chương nổi tiếng tại Việt Nam.


Như đã nói ở trên, tôi đã thuộc được vài câu thơ của bài Tì Bà Hành, và biết về thân thế của cả tác giả lẫn người được coi là dịch giả. Cuối tháng chín năm 1989, vì những lý do riêng, tôi phải rời nước Pháp sau 14 năm sinh sống, để qua Úc.


Đây là một chuyến đi đau đớn cho tôi, vì sau khi học, tốt nghiệp, đi làm tại Pháp, bây giờ tuổi đã gần trung niên, mà còn phải bỏ ra đi lập nghiệp ở xứ khác, ngôn ngữ mới, văn hóa mới, người mới. Cuộc mưu sinh tại xứ người vốn dĩ đã khó khăn, nay thời thanh niên đang dần qua, gươm đã cùn, mà còn lại phải đi đất mới lập nghiệp.


Lại thêm một chuyện đau lòng, là khi máy bay bay qua không phận Đông Nam Á để đến Phi Luật Tân, tôi tình cờ nhìn xuống mặt đất thấy mồn một giòng Cửu Long thân ái. Đã không phụng sự được quê hương Việt Nam như lòng hằng hoài bão, nay lại mang tâm sự một kẻ lưu dân, tôi bắt đầu thấy ngậm ngùi cho thân phận của mình.


Đến phi trường Phi Luật Tân trời đã tối mịt, xui sao lại đúng vào giai đoạn nước này đang có biến động chính trị, cuộc đảo chánh chống bà Akino bất thành, phi trường đang trong tình trạng khẩn trương. Chúng tôi, đám hành khách chờ máy bay đi Úc, lèo tèo vài mạng, phòng đợi vắng tanh, vắng ngắt, phi trường trống rỗng buồn hiu. Một cô Thụy Điển lại còn ngồi tâm sự với tôi là cô sẽ đi Sydney kiếm việc làm, mà không quen biết ai, tiền lận lưng thì ít. Riêng phần tôi sẽ phải qua chốn Melbourne.


Vừa ở Âu Châu, ngập đầy ánh sáng, bạn bè thân quen, đời sống phồn hoa, sự nghiệp trong tay, giờ đây qua tới bờ biên để vào xứ Úc, một đại lục bao la mà chỉ có 17 triệu dân, đất phần đông là sa mạc. Đi vòng vòng trong phòng đợi mênh mông, tôi nghe sót xa trong lòng, và tự nhiên như có ai đọc văng vẳng đến tai bài Tì Bà Hành. Thực sự, nếu không dằn lòng, tôi đã khóc ở chốn phi trường biên ải ấy. Trong trí tôi, hiện dần lên hình ảnh người Tư Mã đất Giang Châu ngày nào, trong khoang thuyền, bên người ca kỷ, vì nàng mà làm bài hành tuyệt diệu, vì nhau mà khóc đời thân thế lận đận, bị ghẻ lạnh, rẻ khinh.

"Xin nàng nán lại đàn thêm chút 
Ta sẽ vì ai soạn khúc hành
 
Như cũng vì nàng ta cảm kích
 
Dốn ngồi tiếng nhạc vụt lênh đênh
 
Nghe còn tha thiết hơn lần trước
 
Khóc chẳng vơi cho nín chẳng đành
 
Ai nhỉ lệ nhiều hơn kẻ khác
 
Giang Châu Tư Mã đẫm bào xanh
..."

(Trích bản dịch của Nguyễn Đức Hiển) 


 Cũng những hình ảnh đó đã đến với tôi sau này, khi đã tạm yên thân nơi Melbourne, một đêm thu ngồi buồn hí hoáy làm bài thơ "Đọc Cổ Thi".


 Phạm Thế Định 

(24/12/94)
-------------------------------- 



Tài liệu về Tì Bà Hành:

- Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên của Phạm thế Ngũ (Cơ sở xuất bản Đại Nam) trang 324-335
- Văn Đàn Bảo Giám của Trần Trung Viên (Xuân Thu xuất bản)
- Cổ Thi nhàn dịch của Nguyễn Đức Hiển (Thế Giới, Texas)
Tài liệu về Phan Huy Thực: 
 - Việt Nam Danh Nhân Từ Điển của Nguyễn Huyền Anh





Tỳ Bà hành

Nguyên tác: Bạch Cư Dị


Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách
Quạnh hơi thu, lau lách đìu hiu
Người xuống ngựa, khách dừng chèo
Chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ty

Say những luống ngại khi chia rẽ
Nước mênh mông đượm vẻ gương trong
Đàn ai nghe vẳng bên sông
Chủ khuây khỏa lại, khách dùng dằng xuôi

Tìm tiếng sẽ hỏi ai đàn tá ?
Dừng dây tơ nấn nà làm thinh
Đời thuyền ghé lại thăm tình
Chong đèn, thêm rượu, còn dành tiệc vui

Mời mọc mãi, thấy người bỡ ngỡ
Tay ôm đàn che nửa mặt hoa
Vặn đàn mấy tiếng dạo qua
Dẫu chưa nên khúc tình đà thoảng hay

Nghe não ruột mấy dây buồn bực
Dường than niềm tấm tức bấy lâu
Mày chau tay gẩy khúc sầu
Giải bày hết nỗi trước sau muôn vàn
 
Ngón buông, bắt khoan khoan dìu dặt
Trước Nghê Thường, sau thoắt Lục Yêu
Dây to nhường đổ mưa rào
Nỉ non dây nhỏ khác nào chuyện riêng

Tiếng cao thấp lựa chen lần gẩy
Mâm ngọc đâu bỗng nẩy hạt châu
Trong hoa oanh ríu rít nhau
Nước tuôn róc rách chảy mau xuống ghềnh

Nước suối lạnh, dây mành ngừng đứt
Ngừng đứt nên phút bật tiếng tơ
Ôm sầu, mang giận ngẩn ngơ
Tiếng tơ lặng ngắt bây giờ càng hay
 
Bình bạc vỡ tuôn đầy dòng nước
Ngựa sắt giong, xô xát tiếng đao
Cung đàn trọn khúc thanh tao
Tiếng buông xé lụa, lựa vào bốn dây

Thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt
Một vầng trăng trong vắt lòng sông
Ngậm ngùi đàn bát xếp xong
Áo xiêm khép nép hầu mong giãi lời

Rằng "xưa vốn là người kẻ chợ
Cồn Hà Mô trú ở lân la
Học đàn từ thuở mười ba
Giáo phường đệ nhất sổ đà chép tên

Gã Thiện tài sợ phen dừng khúc
Ả Thu nương ghen lúc điểm tô
Ngũ Lăng chàng trẻ ganh đua
Biết bao the thắm chuốc mua tiếng đàn

Vành lược bạc gãy tan nhịp gõ
Bức quần hồng hoen ố rượu oi
Năm năm lần lữa vui cười
Mải trăng hoa chẳng đoái hoài xuân thu

Buồn em trảy lại lo dì thác
Sầu hôm mai đổi khác hình dung
Cửa ngoài xe ngựa vắng không
Thân già mới kết duyên cùng khách thương
 
Khách trọng lợi, khinh đường ly cách
Mải buôn chè sớm tếch nguồn khơi
Thuyền không, đậu bến mặc ai
Quanh thuyền trăng giãi, nước trôi lạnh lùng

Đêm khuya, sực nhớ vòng tuổi trẻ
Chợt mơ màng dòng lệ đỏ hoen
Nghe đàn ta đã chạnh buồn
Lại rầu nghe nỗi nỉ non mấy lời

Cùng một lứa bên trời lận đận
Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau
Từ xa Kinh khuyết bấy lâu
Tầm dương đất trích gối sầu hôm mai

Chốn cùng tịch lấy ai vui thích
Tai chẳng nghe đàn địch cả năm
Sông Bồn gần chốn cát lầm
Lau vàng, trúc võ, âm thầm quanh hiên

Tiếng chi đó nghe liền sớm tối
Cuốc kêu sầu, vượn hót véo von
Hoa xuân nở, nguyệt thu tròn
Lần lần tay chuốc chén son ngập ngừng

Há chẳng có ca rừng, địch nội ?
Giọng líu lo, buồn nỗi khó nghe
Tỳ bà nghe dạo canh khuya
Dường như tiên nhạc gần kề bên tai

Hãy ngồi lại gẩy chơi khúc nữa
Sẽ vì nàng soạn sửa bài ca "
Đứng lâu dường cảm lời ta
Lại ngồi lựa phím đàn đà kíp dây

Nghe não ruột khác tay đàn trước
Khắp tiệc hoa sướt mướt lệ rơi
Lệ ai chan chứa hơn người ?
Giang Châu tư mã đượm mùi áo xanh




(Lời tựa của tác giả Bạch Cư D


Năm Nguyên Hoà thứ 10, ta về giữ chức Tư Mã ở quận Cửu giang. Qua mùa thu năm sau, đêm ra tiễn khách bên bến sông Bồn, chợt nghe thuyền ai có tiếng đàn Tỳ Bà vọng lại. Nghe trong tiếng đàn thánh thót, âm vang điệu nhạc ở kinh đô. Bèn hỏi gốc gác. Người đàn trả lời rằng: “Tôi vốn là con hát, quê ở Trường An, học đàn Tỳ Bà với hai danh sư Mục và Tào. Nay tuổi đã cao, nhan sắc tàn tạ, lấy chồng làm con buôn [thường theo thuyền buôn đi đây đi đó]”. Nghe vậy, cho dọn rượu ra đãi, xin nàng đàn lại cho nghe. Đàn xong cảm xúc vô vàn, nàng bèn kể lại cuộc đời mình từ lúc còn trẻ, vui sướng, cho tới lúc lưu lạc giang hồ khổ nhọc. Ta về đây làm quan đã được hai năm, thanh thản, yên ổn. Hôm nay nghe nàng nầy nói chuyện, cảm thương cho số phận lưu đày! Bèn làm một bài thơ dài tặng nàng ta, gồm 616 lời, gọi là Tỳ Bà Hành.)




Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thieu_nu_ngam_hoa_sen