XÓM CŨ - Phạm Thế Định

01 Tháng Tư 201512:00 SA(Xem: 56286)



tranh_saigon



Xóm Cũ

 

(tiểu thuyết, mọi trùng hợp với sự thực đều tình cờ)

 

0o0


 

Nhìn cách Mỹ Huệ ngồi trên ghế, rồi vắt ngang cái chân dài cực kỳ hấp dẫn, trong chiếc váy ngắn màu đen quyến rũ, tôi liên tưởng ngay đến cô đào Sharon Stone trong phim Basic Instinct.

 

Lần trở về Sàigòn năm 199., tôi không ngờ gặp lại Mỹ Huệ tại cái xóm cũ đường Yên Đổ.

 

Sau gần 20 năm người cộng sản nhuộm đỏ toàn cõi Việt Nam, áp dụng chính sách cai trị khắc nghiệt, vừa kinh tế vừa chính trị, đặc biệt trên vùng đất của “nhân dân miền Nam” mà họ kết án đã theo “Mỹ-Ngụy”, đưa đến bao nhiêu là thảm kịch, xáo trộn, tan nát cho nhiều triệu người và gia đình của họ. Có người lưu lạc xứ người, gặp nhau cách đấy mấy năm, đã than: “Đời nay, chỉ trong vòng 15 năm thôi, mà chúng ta đã chứng kiến không phải một cuộc bể dâu, mà đến 3-4 cuộc bể dâu là ít”. Cứ mỗi một cuộc bể dâu đều mang theo không biết bao nhiêu lần đứt ruột.

 

0o0


 

Năm 1990, bức tường Bá Linh sụp đổ sau 29 năm hiện hữu. Trong khoảng thời gian đó đã có nhiều xương máu, uất hờn đã phải trả để chống lại cái gọi là “cách mạng thế giới vô sản” trong lịch sử con người. Người ta nhớ đến nhiều nhất là các vụ nổi lên tại Bá Linh, năm 1953; Budapest 1956; và Prague năm 1968.

 

Oái oăm thay, lực lượng phá đổ được thành trì vô sản tưởng như thiên thu tồn tại đó, lại được các công nhân trong nghiệp đoàn tự do tại Ba Lan đóng góp công đầu vào năm 1989. Được vậy, thật ra nhờ vào hệ thống đầu não của bộ máy đỏ Mạc Tư Khoa đã thay đổi, sau khi vào năm 1984, nhà lãnh đạo Sô Viết Gorbatshov cho áp dụng hai chính sách cởi trói và đổi mới (Perestroika và Glasnost), mà họ tin là có thể làm mới định hướng chủ nghĩa xã hội kiểu Lenin, trong lúc vẫn dư sức cai trị và kiểm soát liên bang Nga cùng các nước chư hầu trong định chế cộng sản.

 

Sau Ba Lan, vào ngày 23 tháng 8 cùng năm, chính quyền Hung Gia Lợi mở bức màn sắt cho dân nước họ và dân nước Áo, có thể qua lại. Thế là người dân Đông Đức như nước tìm ra lối thoát, ào qua Áo để trốn chạy dưới danh nghĩa đi du lịch. Chỉ trong tháng 9, đã có khoảng 13 ngàn người thoát cũi xổ lồng. Rồi thì hàng hàng lớp lớp người dân Đông Đức xuống đường đòi quyền tự do đi lại, áp lực làm đổ viên thái thú sắt thép trung thành với Nga là Eric Honecker. Vào ngày 9/11/1989, đúng vào 7 phút trước khi đồng hồ chỉ 7 giờ chiều, viên chức của chính quyền mới cho biết về việc bao giờ luật du lịch mới được có hiệu lực: “Theo như tôi được biết thì điều đó được áp dụng … liền ngay, tức khắc”. Nghe tin này, nhiều ngàn người dân Đông Đức ùa tới ngay các cửa biên giới Đông-Tây Bá Linh, và yêu cầu lính mở cổng. Cánh cổng biên giới được mở ra đầu tiên được ghi nhận tại Bornholmer Strasse… Trong đêm đó, bức tường ô nhục Bá Linh đã bị giật đổ một cách hòa bình.

 

0o0


 

Trong làn sóng người tràn qua Tây Âu, có Mỹ Huệ, tươi mát, xinh đẹp và một số tiền đô la khá lớn

 

0o0


 

Như đã kể, vào năm đó, tôi từ Úc về thăm xóm cũ, vì vào năm 1986 Việt Nam cũng đã theo chân Nga, “cởi trói” và “đổi mới” (Trung Cộng bắt đầu cải tổ kinh tế sớm hơn, vào năm 1978, ít nhiều nhờ vào vụ bắt tay với Mỹ qua trung gian của ngoại trưởng Henry Kissinger).

 

Trong vòng 3-4 giờ, tôi vừa đi vừa bồi hồi xem lại những ngôi nhà, con hẻm loắt ngoắt đâm ngang trổ dọc, như ngắm lại một cuốn phim lịch sử. Từ đầu ngã tư, trước mặt ngôi biệt thự xa xưa của ông bộ trưởng Hiếu thời ông Diệm, tôi đi vào con hẻm số 174, rồi qua ngõ cái Miễu Nhỏ, lòng vòng cho đến gần chỗ phòng vẽ cũ của họa sỹ Thái Tuấn tuốt đầu bên kia. Từ đó, lại trổ ra con đê dốc đá gạch sát đường, tại khu Bến Tắm Ngựa, sau đó, ngược về khu xóm Chuống Bò, mà vào khoảng cuối thập niên 1950, còn như vùng bìa một cánh rừng thưa. Giai đoạn đó, người Miên, người Hoa và người Việt còn sống gần nhau. Trước mặt những túp nhà tương đối khá giả có tiền, ngày đó, đôi lúc còn có những cái cũi nhốt những con trăn dài nhiều thước, hoặc những bệ xi măng có 4 mặt thủy tinh đục, trong thả những con cá tai tượng già hơn chục năm, lờ đờ bơi, dưới mấy tàu lá sen. Trên những cành cây trước vườn nhà, thuở đó thỉnh thoảng còn có những con két, con sáo trong lồng đang được chủ nhân dạy nói, bằng cách cho ăn ớt cho lột lưỡi. Đúng với tên gọi, xóm có nhiều chuồng bò, và có người còn nuôi vài con ngựa để chạy xe thổ mộ. Gần đầu xóm, tôi nhớ có một nhà nọ tương đối rộng, giữa sân đất có cây mít rất sai trái, mà chủ nhân cho bọc lưới sắt quanh những trái to để phòng khỏi nứt, rụng. Năm tôi về, nhà cửa đã hoàn toàn thay đổi, nhưng những con hẻm vẫn chưa bị mất .

 

Xuyên qua Xóm Chuồng Bò, tôi đi theo con hẻm phía sau bót cảnh sát ngày xưa, để đi về phía Xóm Lách, cái tên được đặt vì xa xưa hơn nữa, lau lách còn mọc bạt ngàn ra đến tuốt cầu MacMahong, sau này đổi tên là cầu Công Lý.

 

Khi ra đến đầu đường Công Lý (vào năm đó đã có tên mới là Nam Kỳ Khởi Nghĩa), tôi đứng trầm ngâm nhìn về phía bên khu Xóm Nhà Đèn, mà từ đó có thể đến Xóm Cù Lao trước khi tới đường Hai Bà Trưng, rồi quyết định đi ăn phở bên kia đường trước khi vòng lại làm một nửa vòng kỷ niệm nữa.

 

0o0


 

Ăn xong, tôi đứng lên, ra trả tiền, nhưng rất ngạc nhiên vì người giữ quầy nói đã có người trả rồi:

 

- Cô kia thanh toán hết rồi, chú à.

 

Tôi nhìn theo hướng mắt anh ta, thấy một người đàn bà ăn mặc rất đúng mốt Âu-Mỹ, tóc tém, tuổi nhìn kỹ khoảng 38-39 tuổi, nhưng vì khéo trang điểm, ăn mặc nên xem trẻ hơn nhiều. Nhìn thoáng, cô ta có nét của nữ ca sỹ Thanh Mai, nhưng gầy hơn, có cặp chân cao thanh thoát hơn.

 

Dù đã khác xưa, nhưng nét cũ vẫn còn, với nốt ruồi nhỏ gần lũm đồng tiền, tôi nhận ra Mỹ Huệ, em gái của người bạn ngày xưa trong xóm. Mỹ Huệ đứng lên, nhoẻn miệng cười, gỗ đá còn run:

 

- Anh T. về hồi nào vậy, em nhìn thấy anh là em nhận ra liền hè. Theo dõi anh từ tuốt xóm cũ, mà chắc già rồi sao, nên mắt kèm nhèm không nhận ra em gì hết trơn.

 

0o0


 

Mỹ Huệ ngày đó mới chừng 9 tuổi, Mỹ Hạnh là chị của Mỹ Huệ chừng 11-12 tuổị. Hạnh và Huê là chị em họ của nhau. Mẹ của Mỹ Hạnh là chị của mẹ Mỹ Huệ. Anh cùng mẹ khác cha với Mỹ Huệ tên là Sướt, tuổi chừng 14, mới đúng là bạn của tôi. Dù lúc đó, tôi mới hơn 10 tuổi.

 

Vì mê đọc truyện, từ năm 7-8 tuổi, tôi đã đọc hết tủ sách của nhà, mà lại không có tiền nhiều để thuê truyện về đọc, nên tôi hay đi tìm những ai có sách trong xóm, để đổi sách đọc.

 

Tôi thủ vài bộ truyện mới như Lam Y Nữ Hiệp, Lã Mai Nương, Cam Tử Long, Thiếu Lâm Trường Hận để làm vốn. Một cuốn truyện mới, đổi 5 cuốn sách cũ, để đọc trong vòng 2 ngày, là điều kiện tôi đưa ra. Sức tôi đọc nhanh hơn lũ bạn ngang hoặc lớn hơn vài tuổi, nên “công việc trao đổi” thường là trót lọt hơn cho phần tôi. Bọn nó nói chung cũng hài lòng vì biết giá sách mới khá cao, dầy hơn nhiều, giấy in đẹp hơn, và dễ đọc hơn.

 

Nhà bọn nhỏ có sách trong xóm tôi thường cất sách trong rương. Cái rương thường để ngay dưới võng mà ba, hay ông bọn nó nằm đong đưa, nên bọn nó phải rình lúc nào người lớn ngủ, hay đi đâu, mới lén mở rương, lấy vội sách mà đổi cho tôi. Nói vậy, có nghĩa là, đường dây “bí mật” đổi trao sách, truyện của bọn nhỏ chúng tôi coi như đứng ngoài vòng pháp luật của người lớn, và cực kỳ cẩn mật.

 

0o0

 


Chỉ chừng vài tháng sau, tôi đã “thanh toán” coi như hầu hết các rương sách trong xóm. Những truyện kiếm khí, kiếm quang, truyện Phi Long, truyện Tầu, sách hồng, Tự Lực Văn Đoàn, truyện Hồ Biểu Chánh …, đều đã được đọc qua. Mà tôi giao hẹn trước, sách đọc rồi coi như không tính, coi không kịp ráng chịu, phải đem sách khác để giam.

 

Nhiều đứa trẻ xóm khác nghe đồn về những bộ truyện tôi có hay lắm, tìm cách mang sách đến đổi, nhưng lại phải ôm sách về, vì tôi đã đọc rồi.

 

Cho đến một ngày, có một thằng kia mang đến đổi cho tôi, thay vì sách, mà là báo, mà thuộc loại báo nghiêm túc, nhưng tôi rất thích, là tạp chí Phổ Thông, có cả báo cho thiếu nhi như thằng Bờm, của ông Nguyễn Vỹ… Thằng này còn có nhiều sách báo hiếm hơn, nhưng thuộc loại quốc cấm, những loại sách này, nó cho tôi mượn đọc không cần điều kiện trao đổi, trong đó, tôi còn nhớ có cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc.

 

Thằng đó chính là thằng Sướt. Thằng Sướt không sống với hai má nó (má và cô nó), mà sống với cha ruột của nó. Má của Hạnh và Huệ ở trong xóm tôi, làm nghề mà người lớn gọi là gái nhẩy. Họ ăn mặc đẹp và sang, đi giầy cao gót đi làm, có xe xích lô tới rước và chở về tận nhà. Có rất nhiều đàn ông, ăn mặc láng lẩy, đầu chải tóc bi giăng tin bóng mướt, tới lui đưa rước hai bà này đi chơi nhiều khi đến sáng mới về.

 

Thằng Sướt không bao giờ muốn bước về nhà, nhưng nó thương hai đứa em gái nó, là Hạnh và Huệ, nên thỉnh thoảng muốn cho hai con nhỏ này cái gì, hay nhắn cái gì, nó thường nhờ qua tôi. Từ đó, mà Hạnh và Huệ mới hay đi chơi với tôi hơn.

 

Hạnh và Huệ lúc đó đều xinh xắn hơn hẳn mọi đứa con gái khác trong xóm. Hạnh có vẻ thùy mị, trong khi Huệ như một đứa con trai nhỏ, nghịch ngợm không chịu thua bọn trai ngổ ngáo nhất trong xóm một chút nào, trong bất kỳ trò chơi gì.

 

Trong xóm, có một thằng tên là Minh, tính tình như gà mái, ỏn ẻn mà lại thích ăn mặc như con gái, đeo bông trên tóc. Có lần Huệ thúc thằng Minh trèo cây thị đua hái trái với bọn tôi. Thằng Minh bị đẩy quá, đành phải trèo lên. Huệ đứng dưới nhìn lên, vỗ tay:

 

- Thằng Minh có trứng, nó không phải con gái, bọn mày ơi! 

 

0o0

 


Không ai giáp mặt ba thằng Sướt. Người trong xóm xì xầm hình như ông ta ở đâu đó trên Ban Mê Thuột làm ăn, mấy tháng mới về một lần. Nhà thằng Sướt ở đâu cũng không ai biết, trừ tôi.

 

Thằng Sướt có một lối thổi sáo đặc biệt để rủ tôi ra ngoài, đi chơi với nó. Gọi là đi chơi, thực ra, nó đi thâu tiền ủng hộ, và phát truyền đơn, chạy tin liên lạc cho một đám người “làm việc nước”, gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Thằng Sướt nói với tôi một cách khâm phục:

 

- Tổ chức có nhiều ông lớn trí thức, kỹ sư, giáo sư, dược sỹ …, có cả người ở ngoải vào. Tuyệt đối không nói với ai nhen. Nhất là anh chị hay ba má mày.

 

Mới đầu, tôi chẳng hiểu tại sao thằng Sướt lại có thể đặt lòng tin vào một thằng nhóc Bắc Kỳ di cư như tôi. Trong khi, nó cực kỳ kín đáo, lì lợm, như một con báo chuyên săn đêm. Chỉ có một lần tôi nghe nó nói:

 

- Tao chịu mày vì chưa thấy mày bỏ bạn, hay phản bạn bao giờ. Với lại, tao biết chắc mày là thằng yêu nước.

 

0o0


 

Người ta có câu: “Cái mặt học trò cái giò ăn cướp” để chỉ ai không biết. Chứ cái mặt tôi học trò mà cái giò lại để chơi trò năm-mười, hay dấu kho tàng thuộc loại số dzách trong xóm. Vì tương đối nhỏ con, lại lì lợm, tôi chuyên chọn những nơi hóc hiểm, bị cấm để nấp, dấu. Nhờ vậy, tôi đã khám phá ra một cái phòng bí mật ở ngay giữa xóm.

 

Lần đó, tôi được nghe ông thợ quét vôi lời qua tiếng lại với bà chủ nhà, về chuyện số vôi quét tường phía ngoài khác với tường trong nhà, dùng làm chuẩn. Nhà của bà sát vách với cái miễu cổ hàng trăm năm của xóm. Ông thợ quét vôi đo đi đo lại, thấy lạ lùng vì hình như là bên trong miễu lấy mất một phần phía sau của nhà bà này, do đó số vôi quét tường ngoài bị hụt. Nhưng khi qua bên miếu đo tường bên trong thì thấy phần diện tích, chu vi của miếu giống y trang phần ngói miễu. Tức trên sao dưới vậy, ông chỉ lảm nhảm nói rồi bỏ qua chịu phần thua thiệt, vì không đáng bao nhiêu. 

 

Nhưng tôi lại không chịu thua dễ dàng, và bắt đầu tìm hiểu, đầu óc hiếu kỳ bị ảnh hưởng từ mấy chuyện Tầu như Bao Công xử án Quách Hoè, hay chuyện trinh thám của Thế Lữ, hoặc Phạm Cao Củng.

 

Tôi biết là phía trước tường sau của miếu là nơi xếp chi chit những tượng và đồ thờ. Sau những thứ này là một cái trướng gỗ, mà không ai tìm cách chui ra đằng sau vì thấy vướng ngay phải bức tường. Ông từ giữ miếu, sống gần đó chỉ mỗi năm một lần lau hết tượng, bình hoa, đồ thờ là đã đủ mệt. Hằng tuần ông đã phải lo quét dọn phần trước, hai tuần một lần, phải lo cúng rằm lễ Phật…

 

Tôi chờ gần tối chui qua cái khe cửa sổ bên hông cây cổ thụ vào trong miếu. Nhờ ánh sáng cây đèn dầu luôn thắp trên bàn thờ, tôi lách bò ra đằng sau cái trướng, mò mẫm một hồi, thấy quả thật có một cái vòm hình bán nguyệt ẩn phía sau. Che cái vòm này là một cánh cửa gỗ có khắc nổi hình. Nếu không chịu khó tìm, không tài nào thấy được cái chốt sắt nằm khuất phía dưới. Kéo cái chốt đó hơi mạnh qua một bên, rồi đẩy cánh cửa, tôi có thể bò qua đó để vào một cái phòng chăng đầy màng nhện, phía bên kia…

 

Hình như phòng đó trước đây là chỗ để trữ nhang đèn, và có cửa thông ra phía sau, nhưng cửa đã bị xây tường lấp, nên không còn ai biết tới. Khi ngói miếu được trùng tu, người ta chỉ cần làm ngói cho phần miếu phía trước, nên cái phần bị cái nhà lấn lọt không còn ai để ý đến nữa.

 

0o0


 

Vào khoảng đầu năm 1963, những vụ tranh đấu chống chính phủ Ngô Đình Diệm trở nên cao độ. Vì đa số người trong xóm tôi đều theo đạo Phật, nên khi chính trị đụng vào tôn giáo, người dân dễ tin vào mấy thầy, mấy đạo đức, ni cô hơn. Hình ảnh mấy linh mục, hay các soeurs hiền lành, nhân ái nơi các viện cô nhi, hay các trại cùi khó thể xóa bỏ hình ảnh của một số giáo sỹ Pháp đã giúp cho đoàn quân xâm lược thực dân chiếm Việt Nam trước đây. Cho dù chính quyền ông Diệm có chủ trương chống Pháp đi nữa, hình ảnh Vatican, đạo Thiên Chúa vẫn gần như đồng nghĩa với đoàn quân viễn chinh Pháp. Nhất là các tướng lãnh thân cận ông Diệm đều đã xuất thân từ lính Pháp, nhiều trí thức, chính trị gia, hay tướng tá cao cấp thời đó còn có thói quen xổ tiếng Tây khi nói chuyện với nhau. Điều này tạo một cách biệt lớn với giai cấp bình dân. Nhiều người mê, nhưng ghét, có thể vì ghen tị, nay đụng vào niềm tin tôn giáo của họ lại tăng cái ghét lớn hơn. Nhưng vì sợ công an, mật vụ, nên ít ai dám ra mặt công khai phản đối.

 

Gia đình tôi đã có người bị mật vụ ông Diệm bắt giam đi biệt tích đã vài tuần, nên càng phải cẩn mật hơn. Nhưng tôi là con nít, nên cứ chạy ngược, chạy xuôi, lọt qua mấy trạm cấm mà không ai cản. Vì mấy chú cảnh sát dã chiến quen mặt từ lâu rồi.

 

0o0


 

Gần Xóm Cây Thị có một căn nhà xập xệ của một ông già nặn tượng. Ông nặn rất nhiều tượng Đức Mẹ, và tượng Đức Chúa, cũng như tượng Phật Quan Âm, Phật Tổ, Hồng Hài Nhi … Tôi rất khâm phục và đến đó ngồi nhiều giờ nhìn ông nặn tượng. Giai đoạn đó, ông đem hết tượng nào có nét Âu Mỹ xếp qua một bên, lấy vải bao phủ lên, nằm thở dài, không chịu làm việc, và ăn rất ít. Ông nói với tôi:

 

- Mày coi chừng đừng đi chơi nhiều với thằng Sướt, cha con nó Việt Cộng, thế nào cũng tìm cách len lỏi, giựt dây để lật chính quyền. Mà sao cái bà Nhu này dại quá, tuyên bố bậy bạ hết trơn ….

 

Thằng Sướt hoạt động mệt hơn, nhưng vui vẻ và tích cực hơn. Có nhiều lực lượng, đoàn thể tự nhiên trở nên không xa cách với “tổ chức” của nó, nếu không nói là thân thiện.

 

Rõ rệt hơn cả, là một số giáo viên đã trở thành nơi nhận tài liệu, truyền đơn mà nó phân phát đến. Gần khu Xóm Tám Ngựa, có một thanh niên tên là Giác, rất sùng Phật giáo, và đặc biệt rất mê Nhật Bổn, cũng đột nhiên trở thành “cảm tình viên” của tổ chức.

 

Anh Giác lớn hơn tôi chừng 6-7 tuổi, lúc đó đang học đệ Nhất một trường công nổi tiếng. Anh có những khiếu đặc biệt như đọc kinh Phật, ê a không khác gì các nhà sư. Ngoài ra, anh có tài nhái giọng, đang nói tiếng Bắc Hà Nội, anh đổi qua nói giọng Nghệ rồi giọng Huế rất lạ tai.

 

Anh Giác hiểu biết nhiều về lịch sử nước Nhật. Anh làm cho bọn tôi nể phục khi nói đến giai đoạn trước khi ông vua Minh Trị canh tân nước Nhật. Anh thuộc lòng những cái tên nghe ô ô, a a, i i của những hiệp sỹ, võ sỹ can đảm, dám mổ bụng khi bị nhục, dám báo thù cho chủ khi chủ bị hại, rồi thay phiên nhau mổ bụng, chặt đầu theo đúng truyền thống võ sỹ đạo.

 

Tinh thần đồng chủng da vàng làm cho bọn nhỏ chúng tôi cảm thấy gần gũi với xứ Phù Tang. Trong mấy lần thuyết về sử Nhật, anh cứ nhắc đi nhắc lại chuyện một nhóm võ sỹ đã chịu bao hy sinh để xây đắp một xứ Nhật tân tiến, ngang hàng với các nước Âu-Mỹ, và đủ sức đánh bại nước Nga trên biển cả. Tôi và thằng Sướt đặt cho ảnh cái tên Hiệp Sỹ Chô Xừ (Choshu) là vì vậy.

 

Tổ chức của thằng Sướt không thực sự dồn hết sức tham gia chống chính phủ Ngô Đình Diệm, nhưng lại gây được một mạng lưới lớn gồm những người, những đoàn thể có cảm tình với họ, nhờ vào việc Phật Giáo tranh đấu chống chính quyền Ngô Đình Diệm. Kẻ thù của kẻ thù là bạn.

 

Người đứng đầu nhóm hoạt động nội thành là một ông giáo viên gốc Long Xuyên, có vợ người Bến Tre. Cánh tay mặt của ông giáo là ba của thằng Sướt. Ba của thằng Sướt có một cuốn tập dầy mà ông ghi chép kỹ lưỡng tên, nghề nghiệp, địa chỉ … của từng nhân vật trong nhóm, cũng như nhiều thông tin cực mật.

 

Gia đình tôi lúc đó cũng rất tình cờ lưu trữ một số tài liệu thuộc hàng “quốc cấm”, như cờ Việt Nam Quốc Dân Đảng, tài liệu Duy Dân, Đại Việt …, mà bạn bè cha tôi gửi tặng, mà cha tôi hồn nhiên lưu trữ tuy không đọc hay nghiên cứu gì, ông thuộc giới không thích, không hiểu, và không có khả năng làm chính trị.

 

Cho đến ngày anh Lãm, người hớt tóc đầu xóm bị mật vụ ông Diệm bắt bỏ vô tù, thì nhóm nội thành của thằng Sướt bắt đầu cảnh tỉnh dữ dội.

 

Anh Lãm là người chuyên rỉ rả với khách hàng của ảnh về những chuyện Phật Giáo miền Nam chống chính quyền ông Diệm. Anh nói rằng chính quyền Diệm tìm cách chụp mũ những ai tranh đấu cho Phật giáo là Việt Cộng, để dễ bề bắt bớ và thống trị tài chánh. Anh kể rằng tại những khu dinh điền trên vùng cao nguyên, nhiều người dân bị ép buộc bỏ đạo Phật, đạo thờ cúng ông bà, để theo đạo Thiên Chúa, mới có bông gạo mà ăn, họ phải đành cải đạo, nhưng vẫn thờ lén Phật trong một vựa đựng lúa…. Nhiều người nghe xụt xịt khóc, một số khác căm phẫn thù ghét ông Diệm, và một số cho anh ta là … Việt Cộng.

 

0o0


 

Tình hình nóng bỏng sau khi hòa thượng Quảng Đức tự thiêu tại ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt, rồi ông Vũ Hoàng Chương làm bài Lửa Từ Bi. Mật vụ bố ráp xóm tôi rầm rầm. Khi họ vào nhà tôi, cha tôi đưa cho anh tôi, anh tôi chuyền cho tôi tập tài liệu (có thêm mấy tập thơ của ông Vũ Hoàng Chương, bạn cha tôi) để dấu trên nóc nhà. Sau đó, cha tôi bảo chúng tôi đem hủy tài liệu đó đi. Tôi vâng lời, nhưng hủy bằng cách, âm thầm cất nó vào cái phòng miễu kia để các đấng Phật, thần linh, thổ địa giữ hộ.

 

Thằng Sướt nghe tôi kể chuyện đó, cũng bò vào miếu thăm dò nơi dấu, nhưng nhóm nội thành của nó bình an, vô sự cho đến ngày đảo chánh ông Diệm xẩy ra, và sau đó anh Lãm trở về đầu xóm, cho biết dù bị đánh, anh ấy không khai gì cả, vì chẳng biết ai mà khai. Mọi điều ảnh kể đều từ tài liệu do thằng Sướt đưa. Mà thằng Sướt chỉ là một thằng lỏi tì, vị thành niên, không nhà cửa rõ rệt, nhưng cũng chưa hề phạm pháp. Căn phòng bí mật kia vẫn chỉ có tôi và thằng Sướt biết.

 

0o0


 

Ngay sau tin cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm được loan báo trên đài phát thanh, những người dân vui mừng tràn ra ngoài đường. Đám đông lập tức bị lèo lái thành ba nhóm chính: nhóm kéo đi phá những “tàn tích” của chế độ cũ, như tượng Hai Bà Trưng, mà người ta bảo đã lấy mẫu từ hai mẹ con bà Nhu, nhà bác sỹ Trần Kim Tuyến, dinh thự, nhà ở của một số nhân vật tay chân thân tín của chế đô, nhà giam chính trị … Nhóm thứ hai, lợi dụng đi hôi của, ăn cắp và trả thù cá nhân, nhóm thứ ba rất đông, không có chủ đích chỉ vì hiếu kỳ, nhóm này dễ bị chi phối nhất.

 

Tôi chứng kiến những nhân vật trong nhóm Sinh Viên Giải Phóng, Phụ Nữ Giải Phóng, Nhà Giáo Yêu Nước…, đều trong nhóm hành động của thằng Sướt, đã mau chóng từ bóng tối xuất hiện, phất cờ, trưng biểu ngữ, điều khiển và hướng dẫn đám đông. Dù còn nhỏ tuổi, nhưng ngay lúc đó, tôi đã chán ngán trò chơi chính trị, và sự nhẹ da của đám đông. Tôi nghĩ thầm: “Ôi, tất cả chỉ là một cuộc dành giựt quyền hành, như trong mấy cuốn sách sử mà tôi đọc”. Bóng dáng một bên là bàn tay lông lá của người Mỹ, bên kia là phe nhóm của cha con thằng Sướt đã ló dạng, giống như lời ông nghệ sỹ nặn tượng đã nói cho tôi.

 

Tôi vội vàng lìa đám đông, không đi cùng họ về hướng trung tâm Sàigòn, mà quay chạy nhanh về xóm Cây Thị đến nhà ông nặn tượng, linh tính như báo cho tôi trước một điều gì.

 

Tới nhà ông, tôi thấy cánh cửa khép kín. Nhìn qua khe thấy vắng ngắt như tờ, nhiều bức tượng đã được mang đi. Tôi chạy ra đầu ngõ hỏi thăm, được biết ông đã chết vài ngày trước, con trai ông đã về và lo tống táng ông đơn giản, rồi bỏ đi luôn. Hàng xóm chỉ có vài người đưa. Nước mắt lên đầy mắt, tôi thất thểu đi về nhà giữa những tiếng reo hò hoan hô cách mạng thành công. Hình ảnh người nghệ sỹ già, đẹp lão, cặp mắt thông minh, đã từng du học tại Pháp và Ý, và hai bàn tay điêu luyện không còn nữa. Trên đường từ nhà tôi đến xóm Cây Thị còn đâu chỗ tôi ghé đến ngồi chơi hàng giờ, thật bình yên, bên rặng tre thật mát. 

 

0o0

 

 

Tin ông Diệm và ông Nhu bị giết trong chiếc xe tăng vào ngày hôm sau, còn làm tôi thất vọng hơn nữa. Nằm bẹp trên căn gác, tôi đón nhận sự trở về của người thân tôi, bị giam dưới chuồng cọp tại Sở Thù, trong một niềm vui không trọn vẹn.

 

 

Thằng Sướt đến tìm tôi sau đó vài ngày, và vui mừng báo tin rằng, rất nhiều người cảm tình viên của tổ chức đã được đề nghị giao chức vụ nào đó trong ngành công chức, vì được các thầy ủng hộ. Một số học giỏi có thể còn được gửi qua Ấn Độ, Nhật, Tích Lan… du học. Một số người trong tổ chức bị bắt giam cũng được ân xá cho về. Riêng ông giáo, người chỉ huy, đã cho ba nó biết là, kỳ này người Mỹ sẽ gia tăng sự can thiệp vào Việt Nam. Tổ chức sẽ phải đối đầu trực tiếp với họ, nhưng so ra ít nguy hiểm hơn là phải đối chọi với chính quyền ông Diệm và thế lực Vatican.

 

Thằng Sướt và ba nó sẽ phải vắng mặt một thời gian. Tôi cũng cho nó biết tin là gia đình tôi cũng sẽ dọn đi nơi khác ở trong vòng hơn một năm nữa. Thằng Sướt nói: “Không sao, mày có dọn đi đâu, tao cũng biết, và sẽ tới gặp mày”. Khi chia tay với nó đi về, tôi cũng không biết là vui hay sợ với lời hẹn đó.

 

Vài tháng sau ngày “cách mạng”, tôi nghe nói Huệ được gửi đi học nội trú, Hạnh bây giờ năng lên chùa, và học nhu đạo tại trường Quang Trung, anh chàng Hiệp Sỹ Chô Xừ đã đậu tú tài và được học bổng đi Nhật học.

 

0o0


 

Hai năm sau đó, tình hình thời cuộc khá rối loạn. Tôi còn nhỏ, nhưng cũng biết báo chí đăng tin về vụ ông tướng này lên, đuổi ông tướng kia đi. Ảnh hưởng của Phật giáo trong chính trị cũng làm gia đình tôi ít đi chùa hơn. Sự tranh giành quyền lực chính trị cũng gây nhiều phân rẽ trong xã hội. Giá trị đạo đức giảm đi nhiều. Nhiều vụ khủng bố lớn xảy ra lien tiếp tại Sài gòn, báo chí đăng tin phá được 1 số mạng lưới Việt Cộng nằm vùng, và có cả tin trung tá Phạm Phú Quốc, bị bắn rớt máy bay, khi bay ra Bắc, đánh phá đường bộ đội cộng sản Bắc Việt chuyển quân vào đánh Miền Nam.

 

Đúng vào giai đoạn đó, thằng Sướt tìm gặp tôi. Trong lúc đạp xe từ trường về nhà mới, đi gần tới khu xóm Chùa Miên, tôi thấy nó đạp xe ngang qua rồi nói nhỏ: “Mày quẹo vô xóm Chùa Miên rồi chờ tao”. Tôi làm theo lời, và sau đó thấy thằng Sướt cũng đạp xe đến, dớn dác nhìn quanh rồi vẫy tôi đạp xe len theo những ngõ nhỏ về lại xóm Cây Thị, ngồi nói chuyện trên ngôi mộ đá.

 

Lúc đó, trông nó đã là một thanh niên, mặt mày phong trần, gầy nhưng rắn rỏi. Nó nói đã vào khu được huấn luyện, và bây giờ không còn phải làm công việc liên lạc nữa. Nó được giao những công tác quan trọng hơn, và phải tuyệt đối bí mật. Nó nói:

 

- Tao phải gặp mày, như vậy là trái nguyên tắc, và rất nguy hiểm cho tao, và cho gia đình mày. Nhưng có chuyện này, tao phải nhờ mày, và không được hở ra cho bất kỳ ai biết. Không thì tao với mày coi như chết chắc. Nếu mai mốt, con Huệ, và chỉ có con Huệ thôi, có tới mày hỏi cái chỗ tao cất đồ, hãy chỉ cho nó căn phòng kín nằm sau miễu. Bây giờ trở đi coi như tao với mày không còn gặp nhau, và chưa bao giờ biết nhau.

 

 

Vài tuần sau đó, anh tôi chỉ cho tôi xem hình thằng Sướt bị bắt vì đồng lõa trong vụ đặt bom nổ tại nhà hang nổi Mỹ Cảnh, làm chết 40 người, trong đó có 9 người Mỹ: “Em thấy không, đi chơi với thằng này nguy hiểm vô cùng, may mà nhà mình đã dọn đi về đây”.

 

0o0

 


Tình hình thời sự, chiến sự càng ngày càng nóng bỏng. Nhiều vụ khủng bố sau vụ Mỹ Cảnh được Việt Cộng thi hành, có lần nhắm luôn vào sân vận động Cộng Hòa, và ám sát cả ký giả.

 

Lúc đó, tôi chịu một tang lớn trong gia đình. Buồn, đau khổ, tôi lại tìm quên trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung, lúc bấy giờ rất ăn khách như Cô Gái Đồ Long, Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Hiệp Lữ …, và luôn cả những cuốn Z28 nói về điệp viên Tống Văn Bình. Tuy nhiên, tôi như đã quên hoàn toàn Sướt và mạng lưới hoạt động của cha-con Sướt.

 

Cho đến vụ Tết Mậu Thân xẩy ra, vài tháng sau đó, tôi vào thuê truyện tại một tiệm cho thuê sách gần dốc chân cầu Trương Minh Giảng, thì cô giữ quán đưa cho tôi một tờ giấy nhỏ, nhét vào xấp truyện tôi vừa mượn, rồi gật đầu chào, quay đi ngay.

 

Về nhà, mở tờ giấy đó ra đọc, thấy mấy giòng chữ: “Em là Huệ đây, mai anh tới Bến Tắm Ngựa, chỗ mấy cái xe bán Sâm Bổ Lượng, em chờ vào lúc 7 giờ tối”.

 

Y hẹn, tôi đến nơi, bấy giờ Huệ đã khoảng 15-16 tuổi, đẹp và mi nhon, Huệ hỏi tôi về chỗ Sướt cất đồ, tôi hiểu ngay là tại căn phòng kín trong cái miễu nhỏ nơi xóm cũ. Tôi nói với Huệ là bây giờ tôi đã lớn con nên không thể chui lọt vào miễu như ngày xưa đâu. Huệ cười bảo, không lo, em dư sức lo chuyện đó mà.

 

0o0


 

Tôi chở Huệ về lại xóm cũ. May sao, cây cổ thụ tuy bị đốn, nhưng miếng đất nhỏ chưa bị chiếm, tôi và Huệ tìm cách trèo vào nơi cửa sổ, rồi chỉ có Huệ lách người vào trong cửa sổ, tôi đứng ngoài hút thuốc lá chờ.

 

Chừng 10 phút sau, Huệ đã lách người ra, tay cầm một cái bao nhỏ. Tôi chở Huệ về lại khu Bến Tắm Ngựa rồi chia tay ra về. Huệ bỗng cầm tay tôi nói:

 

- Em không có dính dáng gì tới mấy vụ ba với anh Sướt làm đâu. Em còn ghét nữa, nhưng cuốn sổ tay này là bùa hộ mạng cho ba em và anh Sướt đó.

 

0o0


 

Câu chuyện bao nhiêu năm trước bỗng chớp về trong trí tôi, khi ngồi trước Mỹ Huệ trong một quán phở, tại Việt Nam.

 

Mỹ Huệ nói:

 

- Anh khỏi phải lo gì hết, người chủ quán là bạn của em. Giờ này, họ không đón khách nữa. Bọn mình có thể ngồi nói chuyện thoải mái. Anh có biết là đơn xin về của anh, do công ty anh xin, bị chận mấy tháng mà họ không cho anh hay. Đó là vì bên này thấy anh không có thành tích yêu nước gì hết. Họ còn điều tra tới anh Sướt. Ảnh bây giờ không còn được làm chức lớn như hồi mới “giải phóng” nữa. Nhưng bạn ảnh còn làm lớn lắm, toàn là đứng đầu cơ quan không à. Họ hỏi anh Sướt: “Thằng này có phản động không?”. Ảnh nói: “Nó mà phản động cái gì, tao bảo đảm cho”. …

 

Tôi hỏi thăm Mỹ Huệ về cha của nàng, Mỹ Huệ nói nhỏ:

 

- Hồi Mậu Thân, anh nhớ không, ông giáo bị lộ trước Tết, nhưng bị chết liền khi bị cảnh sát “ngụy” mang về bót. Mấy đồng chí của ba em nói là ổng bị “ngụy” giết, nhưng ba em không tin. Ba em nghi là ổng bị “bên Mặt Trận” thanh toán vì sợ tiết lộ, khai ra mạng lưới hoạt động nội thành. Do đó, ổng phải kêu em tìm lại cuốn sổ tay, mà anh Sướt cất, rồi giữ làm tin, hoặc thủ tiêu đi gì đó, em không biết. Ba em chỉ mới mất đây à. Chồng của em chính là con của một trong những người từ Bắc vào, nên ảnh được giao phó chức vụ lớn. Nhờ vậy, em mới được cử đi quản lý người lao động bên Đông Đức, rồi sau đó, em vọt qua Tây Đức luôn. Hiện nay, em làm giám đốc một công ty quốc doanh lo việc buôn bán gỗ với nước ngoài. Ngồi đây chừng chút nữa, em phải ra sân bay đi Sinh (Singapore), với chồng em.

 

Rồi sau đó Huệ cho biết Mỹ Hạnh sau này đã lấy anh Lãm. Anh Lãm đi sỹ quan Đà Lạt và lên lon thiếu tá vào năm 1975, nên bị bắt đi cải tạo mất tám năm. Bây giờ được thả về đang sống tại Đà Lạt với Mỹ Hạnh, quản lý một khách sạn do chồng Mỹ Huệ làm chủ, nhưng cũng sắp đi Mỹ định cư. Hiệp sỹ Chô Xừ đang mở một công ty buôn bán với người Nhật, và vẫn còn giữ liên lạc mật thiết với Mỹ Huệ và chồng nàng..

 

- Tóm lại, mọi chuyện thay đổi hết trơn. Thiệt ra, em đâu có muốn một cuộc sống như thế này đâu. Anh biết không, nói thiệt nghe, nói xong câu này, rồi em biến đi liền. Hồi đó, em chỉ mong có một ngày em lấy anh, rồi bọn mình lại dọn về sống tại xóm cũ như ngày xưa. Mà rồi, không một lời nói với em, anh bỏ đi xa, xa quá, lâu quá


 

Nói xong, Mỹ Huệ quay đi ra khỏi quán, đến một chiếc xe hơi, người tài xế vội chạy xuống mở cửa xe. Tôi nhìn theo chiếc xe vọt đi, như đã nhìn cái xóm cũ vào buổi sáng.

 


Phạm Thế Định


(Tháng Chạp, năm 2011)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc