TRĂNG MỚI ĐẦU NĂM - Ngọc Bảo

16 Tháng Hai 201512:00 SA(Xem: 52310)



newmoon-content



Trăng mới đầu năm


 

Trăng bao nhiêu tuổi trăng già?

Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non?


 

Buổi sáng đầu xuân, mặt trời rực rỡ báo hiệu một ngày như mùa hạ. Chợt nhìn lên bầu trời khi đang đi bộ quanh khu phố, bỗng thấy trăng lơ lửng ở trên, trong cái nắng ban mai của một ngày đang chín tới. Vầng trăng bán nguyệt trắng trong, nằm lặng lẽ xế vầng thái dương vàng chói, cùng chung một bầu trời xanh gợn mây trắng. Trăng ở phía nam, mặt trời phía đông. Đi đến đâu là thấy mặt trời mặt trăng cùng theo đến đó.


Trăng bán nguyệt, ngày 23 đã là trăng già. Có phải trăng xuất hiện ban ngày để nhắc nhở ngày lễ cúng ông Táo, gợi lại chút dư vị quê hương sau bao năm tháng mòn mỏi gót chân nơi xứ người?


 

Trăng ngày 23 âm lịch chỉ còn một nửa, nhưng đến ngày 30 là hoàn toàn biến mất. Trăng vẫn có đó, nhưng ta không thấy được trăng. Người Mỹ gọi đó là new moon. Chu kỳ cũ đã qua để bắt đầu một chu kỳ mới. Trăng không có tuổi, nhưng mỗi tháng trăng lại biến hiện như một vòng luân hồi của thành trụ hoại không. Trăng cũ biến mất để trăng mới bắt đầu lộ hình dần dần, viên mãn rồi lại từ từ biến đi. Trong thiên văn, trăng mới (new moon) cũng là trăng vận hành trong quỹ đạo đến vị trí ở giữa trái đất và mặt trời, lúc đó mặt tối của trăng nhìn về trái đất nên ta không thấy được trăng vào ban đêm. Tuy nhiên, trăng vẫn có lúc ban ngày, đôi khi che khuất mặt trời, khiến tạo ra hiện tượng nhật thực.


 

Năm nay, bước qua năm Ất Mùi, đêm giao thừa nhằm vào ngày 18 tháng 2. Trăng mới của ngày 30 Tết đặc biệt cũng ở vào vị trí gần nhất với trái đất, nên cũng còn được gọi là siêu trăng (supermoon). Siêu trăng thường khiến mực nước thủy triều dâng cao. Mặt trời và mặt trăng thực sự có ảnh hưởng trực tiếp đối với sự sống của chúng ta trên trái đất này. Mặt trời được coi như tượng trưng cho Dương, trăng tượng trưng cho Âm. Âm Dương là hai yếu tố nền tảng cho mọi sự vận hành, từ thiên nhiên cho đến con người. Hai yếu tố thái cực, đối nghịch nhưng bổ sung cho nhau, không thể có cái này mà không có cái kia. Nếu ánh sáng rực rỡ của mặt trời đem lại năng lượng phấn chấn cho những hoạt động, ánh sáng huyền ảo của trăng đem lại sự an nghỉ, dịu mát cho tâm hồn. Trăng là nguồn cảm hứng vô tận trong thi ca, là bạn muôn thuở của những tâm hồn cô đơn không biết bầy tỏ tâm sự cùng ai. Bài thơ bất hủ của thi hào Lý Bạch "Tĩnh dạ tứ" (Nỗi nhớ đêm thanh) nói lên nỗi sầu cô quạnh của một người lang thang biệt xứ mà có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng chia xẻ tâm sự này:

 

 Sàng tiền minh nguyệt quang

 Nghi thị địa thượng sương

 Cử đầu vọng minh nguyệt

 Đê đầu tư cố hương

 

 Đầu giường ánh trăng rọi

 Ngỡ mặt đất phủ sương

 Ngẩng đầu nhìn trăng sáng

 Cúi đầu nhớ cố hương


 

 Thơ của Lý Bạch lúc nào cũng có sự hiện diện của trăng. Có lẽ, trong bước đời lận đận, trăng là hình bóng duy nhất có thể xoa dịu những u uẩn trong tâm ông, và trở thành một nỗi đam mê, để trong một đêm trăng say khướt, ông đã nhẩy xuống nước ôm lấy bóng trăng, và rồi chết với bóng trăng.


 

Ánh trăng còn ghi dấu mãi trong tâm tư tôi là ánh trăng vàng trên đầu núi ở bãi biển Nhatrang. Khi còn nhỏ, buổi chiều thường theo cha mẹ ra bãi biển ngồi hóng gió, cho tới khi trăng dần dần nhô lên khỏi đầu núi. Ánh trăng rằm tròn đầy tỏa chiếu ánh sáng lên mặt biển lung linh, thật là cả một cảnh tượng đẹp tuyệt vời.


 

Ngày nay, trong cuộc sống xoay vần, ta thường không nhớ đến trăng. Một đôi lần lái xe trên xa lộ chợt thấy trăng lơ lửng phía trước, trông lạc loài trong ánh đèn đô thị sáng rực của những tòa nhà cao và dòng xe cộ nườm nượp chạy không dứt. Nhưng nếu đôi khi ban đêm chợt ra vườn, thấy trăng treo trên đầu ngọn cây, chắc hẳn trong lòng cũng cảm thấy nhẹ nhõm, vơi bớt phần nào những ưu tư phiền não. Lúc ấy dường như cảm thấy giữa thiên nhiên vũ trụ và con người có một nối kết nào đó, một liên hệ nguyên thủy, như trở về với nguồn gốc thực sự của mình. Trăng là người bạn bao giờ cũng âm thầm đi theo chúng ta, cũng là một biểu tượng tâm linh. Trăng rằm sáng tỏ đầy đặn tượng trưng cho tâm giác ngộ viên mãn. Thiền gia cũng hay dùng đến câu "bóng trăng đáy nước", để chỉ cho những điều thấy như có trước mắt mà thật ra là ảo mộng, huyễn hóa, nếu cố nắm bắt thì cũng như muốn vớt bóng trăng dưới nước, chỉ hoài công vô ích, càng tăng thêm phiền não mà thôi.


 

Câu truyện Lương Khoan và tên trộm trong một đêm trăng cũng là một giai thoại tuyệt vời. Lương Khoan, một thiền sư Nhật Bản trong thời thế kỷ 18-19, sống thanh bần trong một am nhỏ cô tịch dưới chân núi. Một đêm nọ, có một tên trộm đột nhập vào am. Lương Khoan chỉ có một tấm chăn để che thân ngày và đêm. Đó là vật sở hữu duy nhất của sư. Lúc ấy, sư đang nằm nhưng không ngủ, thấy rõ tên trộm đi vào. Trong lòng sư chợt khởi niềm từ bi đối với tên trộm, vì biết trong nhà chẳng có gì cho hắn lấy được cả. Sư thầm nghĩ, "nếu hắn cho biết trước, mình đã đi khất thực quanh vùng đem về thứ gì để hắn lấy rồi, nhưng bây giờ thì còn làm được gì?" Trong khi đó, biết vào phải am của một nhà sư, bốn bề chẳng có một thứ gì, tên trộm bèn bước đi ra. Lương Khoan gọi giật lại, đưa cái chăn cho hắn. Tên trộm nói: "Sao ngài lại làm vậy? Ngài không có gì để che thân cả. Đêm nay trời rất lạnh đó!" Sư nói: "Đừng lo cho tôi. Đừng có ra đi tay không như vậy. Anh đến đây thật quý hóa lắm, vì làm cho tôi tưởng như mình đang giầu có vậy. Trộm đạo chỉ đến viếng dinh cơ của lãnh chúa. Anh đến am này khiến cho nó trở thành một dinh cơ, và tôi cũng trở thành lãnh chúa. Vậy nên tôi rất hoan hỉ tặng cho anh món quà này." Tên trộm cũng động lòng thương xót cho ngài, nói rằng: "Không, tôi không thể nào nhận món quà của ngài được, vì ngài chẳng có cái gì cả. Làm sao ngài qua đêm này được. Bên ngoài lạnh giá như thế kia, và càng ngày càng lạnh hơn nữa!" Lúc ấy, nước mắt lưng tròng, Lương Khoan nói: "Anh cứ nhắc mãi đến sự nghèo nàn của tôi làm gì. Nếu tôi có được khả năng lấy được vầng trăng tròn kia, tôi sẽ tặng nó cho anh." Khi tên trộm đi rồi, Lương Khoan làm bài thơ sau:

 

 Kẻ trộm đã đi rồi

 Chỉ còn lại đây

 Vầng trăng bên song cửa


 

Lương Khoan không có một thứ gì trong tay, nhưng vẫn thấy đầy đủ, sống an nhiên tự tại, bởi vì đã có trăng bên cạnh. Trăng ấy cũng là trăng của giác ngộ viên mãn, của trí tuệ thấu suốt tỏa chiếu, soi sáng các pháp trong hiện tướng thực sự của chúng.


 

Năm cũ đi qua, năm mới đến trong sự khởi đầu của vầng trăng mới. Trăng mới cũng có nghĩa là "trăng không thấy", tuy trăng lúc nào cũng có ở đó, tròn đầy viên mãn. Vô minh và giác ngộ như trăng tối và trăng sáng, là hai mặt của một thực thể, tuy hai mà là một.



Cuộc sống của chúng ta như những bước vận hành của trăng trên quỹ đạo, có lúc đi qua những thời kỳ đen tối, có lúc bước vào ánh sáng huy hoàng. Tất cả đều đến rồi đi, không có gì dừng lại, không có gì thường tồn, đời sống cứ thế mà tiếp diễn không ngừng. Những gì ta gặp phải, những người thân hay thù, tất cả rồi chỉ là những chiếc bóng bên đường, là mộng ở trong mộng. Có nhiều lúc, ta cũng nên như Steve Jobs mà tự hỏi mình, nếu chỉ còn một ngày để sống, liệu ta có muốn làm những gì đang làm hay không, và điều gì là quan trọng nhất trên đời đối với ta. Những lúc hoài nghi với chính mình, hãy lắng tâm suy xét lại, xem những gì ta đang khổ công theo đuổi đó có thực sự đem lại lợi lạc không, hay chỉ là bóng trăng đáy nước. Nếu ở trong bóng tối của u buồn trắc trở, hãy nhớ rằng bóng tối rồi sẽ đi qua và nhường bước lại cho ánh sáng của yên vui hạnh phúc. Nhưng buồn đau hay hạnh phúc cũng chỉ là những thoáng chốc vô thường huyễn ảo. Hãy vượt lên tất cả những điều đó để đạt đến sự an vui tự tại của tâm vô sự, "thương ghét chẳng bận lòng, duỗi chân nằm an nghỉ", như trong bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng.


 

Gate gate, paragate, parasamgate, bodhisattva!


Vượt qua vượt qua, vượt qua bờ bên kia, vượt trên cả hai bờ, giác ngộ là thế!


(Kinh Bát Nhã)


 

Ngọc Bảo


Những ngày cận Tết, tháng 2 - 2015


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc