MỘT NGÀY ĐỂ LÀM BIẾNG - Trần Thụ Ân

20 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 78456)


huntington-beach-content



Một ngày để làm biếng

 

 

 Không biết vì lý do gì hôm nay tôi lại muốn nghỉ làm một ngày để làm… biếng.

 

 Nướng trên giường cho chín muồi, tới gần giờ làm việc mới gọi điện thoại vào hãng và để lời nhắn cho boss. Ngày nay điện thoại của hãng xưởng có thể trả lời tự động và ghi lại lời nhắn. Thật tiện lợi, khỏi phải lải nhải giải thích dông dài, nhất là trong trường hợp như vầy khi mà lý do nghỉ làm là để làm biếng.

 

 Không ngủ thêm được nữa bèn trỗi dậy. Đánh răng, rửa mặt xong nhìn vào gương, chợt nhận ra ba đang mỉm cười nhìn ra. Phải rồi ba chưa từng đi đâu mất cả, ba luôn luôn ở trong mình, tất cả những tế bào mình đang có là của ba cho. Khi nghĩ tới điều đó, cảm thấy gương mặt mình giống gương mặt ba nhiều hơn. Chị em mình cũng thường nói như vậy.

 

​ Buổi sáng rủ rê đi chơi bằng bóng nắng mới tinh của những chiếc lá đong đưa trên chiếc màn bên cửa sổ, hứa hẹn một ngày đẹp trời gió vi vút, nắng miên man. Vậy mà mấy ngày trước cũng vẫn những bóng nắng đó mà có thấy rủ rê gì đâu? Vẫn nhìn thấy chúng đó chớ nhưng cái tâm kia sao quá hững hờ, chỉ lo hối hả chuẩn bị đi làm. Người ta thường nói “tâm sinh tướng” là như vậy phải không? Nếu vậy thì cái tâm của tôi đang chuẩn bị “tướng đi lang thang” đây.

 Đôi mắt nhìn cái giường thay cho lời từ giã.

 

​ - Làm biếng là làm gì ? Tôi tự hỏi.

 - Là đi lang thang không chỗ định trước. Tôi tự trả lời.

 


​ Ra khỏi nhà trễ hơn thường ngày cả tiếng. Nắng ngọt ngào trên lá, trên cây, trên đường, trên xe. Lên xe mà chẳng biết chạy đi đâu. Đúng rồi ngày làm biếng mà, đâu cần phải biết.

 

 Xe chạy ngang công viên Mile Square, thấy thật nhiều chỗ trống có thể đậu xe, hoàn toàn khác với lúc cuối tuần thật khó tìm được một chỗ đậu; có khi chạy cả hai, ba vòng công viên mà vẫn không có chỗ đậu xe, đành bỏ ra về cứ như là cảnh sát chạy chung quanh công viên để kiểm soát cho sự an toàn của người dân.

 Xe tấp vào lề đậu lại. Cái khung vuông màu xám tro trên mặt đồng hồ điện tử ở cổ tay chỉ 9:17:24 AM, Wed. Số 24 đổi sang 25, rồi 26, rồi 27: thời gian đang đi tới.


Đồng hồ chỉ có thể báo cho ta biết là thời gian đang đi tới, nhưng thật ra muốn cảm nhận rõ ràng dòng chảy của thời gian thì nhìn lui lại những biến cố xảy ra trong đời mới chính là cách thức hữu hiệu nhất. Nhìn lại khoảng đời thơ ấu với bao nhiêu vô tư để thấm thía cái sức mạnh của thời gian, cái sức mạnh làm thay đổi một đời người. Lúc nào người ta cũng nói: “ Mới đó mà...”.

 Và hầu như nếu quay lại được ai ai cũng muốn sẽ làm điều này, điều kia hoặc tránh điều này điều kia. Nhưng thời gian thì chỉ đi tới, một chiều, chỉ một chiều.


 Khi nhận chân được điều này một bài học mà ta có thể rút tỉa được là phải biết trân quý thời gian. Sống từng phút từng giây cho có ý nghĩa để khi nhìn lại không tiếc rẻ điều gì. Nhưng mấy ai làm được điều này?


 

 Bây giờ là mùa hè, thử ghé vô công viên chơi.


 Cây cối xanh tươi trong nắng ấm, mở lòng hòa điệu với mùa hè. Vậy mà có vài cây thân của chúng bị trầy xướt vì người ta dùng dao khắc lên. Có khi chỉ là những chữ cái nhưng có khi cả trái tim và mũi tên đâm sâu vô tận bên trong để lộ ra lớp lõi cây còn ửng hồng. Đúng là một trái tim này có thể làm đau lòng một trái tim khác và muốn chắc hơn kèm thêm một mũi tên. 


 

 canh_cay-contentCó cây, cả mấy cành bị cắt mất đi, mủ chảy thành dòng. Tôi cảm nhận được ít nhiều sự chịu đựng nghịch cảnh của cây bằng những hình ảnh sống động này và khi lòng bàn tay mềm mại của tôi áp vào lớp vỏ sần sùi chằng chịt những đường gân chất chồng năm tháng, cái đau đớn, xót xa đó tự nhiên chạy rần rần khắp châu thân tôi.

 

 Như để bù vào sự lặng lẽ của thân cây, trên cao lá lúc nào cũng ồn ào. Khi thì ca hát, khi thì trò chuyện cùng bè bạn ít khi nào im hẳn. Tôi vẫn thường nhắm mắt lại để có thể nghe tiếng lá ca hát rõ ràng hơn, thấm thiết hơn. Đôi khi đang giữa bản nhạc vài chiếc lá theo tuổi đời rụng rơi, gửi theo trong gió tiếng ngân nga phần sót lại của một kiếp sống.


 Có học được gì ở những chiếc lá nhỏ nhoi và vắng số này không? Có chớ. Sự vui sống. An nhiên, tự tại quá phải không? Trước khi phải ra đi vẫn vui cười với gió. Có lẽ chúng biết rõ là nếu mình có mục nát đi cũng sẽ trở thành phân bón cho cây cối, nối tiếp vòng tuần hoàn của đất trời, đâu mất đi đâu. Con người có giống vậy không?


 

 Trong công viên này, sóc đầy rẫy, thường chạy lăng xăng trên cỏ, trên cây. Sóc là một con thú tôi thích ngắm nghía ở công viên vì chúng dễ thương và đặc biệt có cái đuôi dài với lông sum sê. Nếu học được điều gì ở loại sóc này thì điều đầu tiên chính là cái đuôi của chúng. Chúng di chuyển trên những cành cây thật nhanh nhẹn nhưng cũng thật vững chãi. Chính cái đuôi đong đưa qua lại đã giữ thăng bằng cho chúng y như những người làm xiệc đi trên sợi dây thừng trên cao, cầm một thanh cây dài ngang ngực uyển chuyển đưa qua đưa lại để giữ thăng bằng khi bước tới.


 Có phải người ta học điều này ở loài sóc? Có phải trong đời sống để tránh té ngả chúng ta phải uyển chuyển giữ thân tâm thăng bằng với mọi biến chuyển?

 

 Không kém linh hoạt so với sóc, chim chế ngự khoảng không trên cao. Luôn nhảy từ cành này sang cành khác và chẳng bao giờ ở lâu một chỗ. Đôi cánh vươn dài ra, liệng thành vòng hoặc đập liên tục để bay đây đó. Nếu sóc nhờ vào cái đuôi để giữ thăng bằng thì chim nhờ vào đôi cánh và đương nhiên là để bay.


 Nếu chim biết rằng chính nhờ học hỏi ở cách thức hoạt động của đôi cánh của mình mà loài người đã sáng chế ra được phi cơ thì chúng chắc sẽ hãnh diện lắm và nói theo kiểu thế giới ngày nay là chúng phải được cả sự đền bù đáng giá cho bằng sáng chế thiên phú này.


 

 Nhưng hơn thế nữa, ở một mặt khác mình có học được gì ở loài chim không?


 Có chớ. Sự tự do đi chơi đây đó.


 Hãy nhìn xem lúc thì ở cành này lúc thì ở cành khác bay nhảy khắp trời. Ngoài những lúc bay lượn trên trời, có khi chúng còn có những chuyến “long trip” đến cả ngàn cây số, bay ngang không biết bao nhiêu quốc gia nhưng chẳng bao giờ bị hỏi sổ thông hành cả.


 Ở nam Cali, ngay thành phố San Juan Capistrano, mỗi năm, ngày 19 tháng 3 là ngày lễ chim én (Swallow Festival) để đánh dấu sự trở về của chim én từ tận Argentina, 6000 dậm xa. Không hiểu tại sao con đường xa xôi như vậy mà chim én có thể bay về đến nơi đến chốn như vậy, và có gì ở San Juan Capistrano mà chúng cứ phải trở về? Thật kỳ diệu!


 

 Ở chơi nơi công viên chừng hơn một tiếng, lại muốn đi lang thang nên lên xe chạy vòng ra biển Huntington Beach. Thành phố còn có tên gọi Surf City vì lúc nào cũng có người đến đây để surf và năm nào thành phố này cũng tổ chức cuộc thi surfing vào khoảng cuối tháng 7. Lúc này, tối đến đoạn đường Main giữa khúc Pacific Coast Highway (PCH) và Orange được đóng lại để người ta mở chợ đêm nơi mà đủ thứ thức ăn được bày bán; ở hai đầu thường có ban nhạc “tay ngang” chơi làm tăng thêm nét nhộn nhịp của một hội chợ.

 

 Đứng trên pier nhìn xuống mặt biển xanh, óng ánh trong nắng ấm, gió vi vút thổi, hít thở không khí trong lành tôi cảm nhận ra rằng “ một ngày để làm biếng” thật giá trị.

 

Một ngày để làm biếng

mở mắt cho tôi thật nhiều chuyện

để dùng những ngày siêng

 

 8/2014


Trần Thụ Ân


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc