TẢN MẠN CHUYỆN PHÙ TANG - THÁNG 11 - Vũ đăng Khuê

22 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 83926)

japanese_girl-content

Chuyện xứ Phù Tang


(tháng 11-2013)


Vũ Đăng Khuê


 

Thời tiết đã vào cuối thu nên trời bắt đầu trở lạnh, buổi sáng thức giấc là lại muốn “nướng” thêm được phút nào hay phút nấy. Nhưng nếu “nướng quá độ” thì thành “khét”, bừng tỉnh dậy chỉ thấy…. “còn một mình ta với….ta”. Hóa ra là trễ, ba chân bốn cẳng vùng dậy khỏi giường. Qua loa cho xong rồi vội vàng bay đến sở, vì cứ mỗi lần trễ là mỗi lần mất “điểm”, còn phải để dành “điểm” cho những lần khác nữa chứ, chẳng hạn cho lần quá chén đêm trước vì “sobetsukai” (Tiệc tiễn người đi), cho “cơn trái gió trở trời” bất chợt v.v…….Trung bình 1 tháng mất chừng 5 điểm thì sẽ mất toi cái khoản “Kaikin Teate” (trợ cấp siêng năng). Ít nhiều gì thì cũng là tiền vì…. “Tiền là sức bật”. Nghĩ vậy tự nhiên thèm “chế độ mùa hè” được thêm 1 tiếng để “nướng”. Vài năm trước thấy các ông bà dân biểu rục rịch đưa ra dự luật này, nhưng bây giờ thì không thấy nữa, chắc có lẽ bị thuế tiêu thụ, động đất, sóng thần cuốn trôi đi mất. Lăng nhăng một chút cho có trớn, tạm chấm dứt chuyện “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”. Xin được bắt đầu.

 


Mối thù…. truyền kiếp


pho_han-contenttiem_han-content

 

Phố Hàn – tiệm Hàn trong khu vực Hyakunin cho



Mỗi ngày 1 lần, vào buổi sáng hay buổi chiều, chương trình các đài TV chính của Nhật thế nào cũng có một trường thiên kịch của Hàn Quốc. Quanh quẩn trong bán kính khoảng 500m mà tâm điểm là nhà ga thì ít nhất cũng có 2 hay 3 tiệm “yakiniku” (thịt nướng kiểu Hàn quốc). Những năm gần đây, Tokyo lại có thêm phố Hàn, nằm trong khu Hyakunin-cho thuộc quận Shinjuku, dọc theo con đường kéo dài từ nhà ga ShinOkubo đến ga Okubo toàn là tiệm bán đồ “made in Korea”. Hỏi một bà “xồn xồn”: giới nghệ sĩ bà thích ai? thì ít nhất trong 10 bà cũng có 1, 2 bà…. thích tài tử Hàn, Bae Yong Joon, Lee Byung Hun v.v…, hỏi người trẻ hơn một chút thì thế nào cũng có em nhắc đến ban nhạc của 5 cô gái “lắc đít” “Kara”, 4 chàng trai “Tohoshinki” “ v.v…. Sang đến Seoul thì thế nào tên tuổi của những nhóm nhạc như Smap, AKB48, Arashi, Exile…. nổi danh của Nhật sẽ được nhắc hàng đầu. Cách đây 3 năm (10/2011), Nhật Bản có một phim kịch rất ăn khách: Kaseifu no Mita (Người giúp việc tên Mita) do nữ diễn viên Matsushima Nanako thủ vai chính, có nội dung nói về một thiếu phụ trẻ, sau cái chết thật thảm thương của chồng và đứa con trai đã trở nên “vô cảm” biến thành “người máy” chỉ biết làm theo lệnh chủ. Phim kịch này rất được ưa chuộng lan qua cả Hàn Quốc, khiến một đài truyền hình của Seoul mua lại bản quyền và chuyển sang tiếng Hàn, một nữ tài tử nổi danh của Hàn là Choe Ji-u sẽ đóng vai người giúp việc Mita. Vì thế có thể nói văn hóa xứ Hàn đã xâm nhập khá sâu vào đời sống dân Nhật và ngược lại, chứng tỏ giao tình 2 dân tộc thật là khắng khít. Nhưng…


 

lee_byung_hun-contentkara-content

Lee Byung Hun Ban nhạc Kara

choe_ji-u-contentnanako

 Choe Ji-u (Hàn) và Matsushima Nanako (Nhật)



Thấy thế, nhưng lại không phải thế. Dân với dân thì không có vấn đề, nhưng nếu dính đến mấy “quan” của hai bên và giới truyền thông thì lại khác, họ sẵn sàng làm khó nhau khi có dịp mà đa phần là từ phía Hàn Quốc. Chỉ cần một cái cớ, chẳng hạn như việc một vài quan lớn Nhật đi viếng đền Yasuguni thì thế nào “lửa” cũng bật ra, nào là “Nhật đang âm mưu trở lại tình trạng quân phiệt”, nào là “thói hung hăng của người Nhật vẫn chưa bỏ” v.v…..



Nhìn lại quá khứ, Nhật và Hàn Quốc có 3 vấn đề mà theo “ngôn ngữ Việt Nam” ngày nay gọi là: “nhạy cảm”:


1/ Chuyện xâm lược, bắt người Triều Tiên làm nô lệ

2/ Chuyện lính Nhật bắt phụ nữ Hàn Quốc làm “gái giải sầu”.

3/ Chuyện tranh chấp hòn đảo Takeshima (Hàn quốc gọi là Độc Đảo).

Từ lúc hai nước có bang giao (1965), biết bao phiên họp và bao nhiêu bản ký kết đã ra đời để giải quyết những chuyện trên. Tuy thế, giải quyết đã xong hay chưa xong lại còn tùy cách nhìn của 2 phía.


Theo phía Nhật thì đối với chuyện 1, Nhật đã bao lần xin lỗi vì những hành động trong quá khứ. Việc xin lỗi, tạ tội này kéo dài hết nội các này sang nội các khác. Đối lại thì phía Hàn Quốc thì vẫn cho rằng cách xin lỗi của Nhật là cách xin lỗi ỡm ờ, nói cho xong chuyện chứ không thực tình.



 tuong_gai_han-content

Phía Hàn Quốc còn dựng cả tượng “gái giải sầu” để …. tấn công Nhật.



Sang chuyện thứ hai thì vào thời chính phủ của Thủ tướng Murayama (6/1994 ~ 1/1996), một văn bản chính thức gọi là “Konno Danwa” (Bản tuyên bố Konno - Konno là tên vị ngoại trưởng thời đó) được công bố rộng rãi. Nội dung bản Danwa là chính phủ Nhật chính thức xin lỗi về những đối xử tàn bạo của quân Nhật đối với các phụ nữ Triều Tiên trong chiến tranh. Năm 1995, nội các Murayama đã thành lập một quĩ có tên “Quĩ phụ nữ Á Châu” dùng để bồi thường cho những phụ nữ này. Nhưng chỉ có một số ít nhận bồi thường, còn hầu hết thì không “dám”, nếu nhận sẽ bị coi là tiếp tay cho “giặc”, vì theo lối nhìn của Hàn Quốc “vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để”. “Quĩ phụ nữ Á Châu” vẫn để đó chưa biết bao giờ mới tiếp tục.


Dù cúi đầu cả chục lần, nhưng vẫn chưa được chấp nhận, chịu không nổi, Nhật phàn nàn:


- Thực ra thì chuyện bồi thường đã được giải quyết tận gốc sau hiệp ước “Tài sản và quyền đòi hỏi bồi thường” ký năm 1965. Theo hiệp ước này thì Nhật đã viện trợ (một hình thức bồi thường) cho Hàn Quốc 500 triệu mỹ kim và Hàn Quốc sẽ không được quyền đòi hỏi thêm gì nữa.


- Sang chuyện “gái giải sầu”, Nhật tuyên bố: sau khi truy cứu tất cả tài liệu của quân đội thì không thấy có một bằng chứng nào nói quân đội Nhật chủ trương lập kế hoạch “gái giải sầu”, những bằng chứng nêu ra từ phía Hàn Quốc chỉ là việc tự phát của một vài đơn vị lẻ tẻ. Cả hai bên đều thật cả. Hàn quốc thì đưa ra người thật, việc thật, còn Nhật thì trình ra văn kiện thật, giấy tờ thật…. Chả biết ai có lý hơn ai, chỉ biết là ai cũng… có lý.


- Sang chuyện thứ ba về hòn đảo Takeshima. Gọi là tranh chấp chứ thực ra Hàn Quốc đã chiếm và đóng quân ở đó từ mấy chục năm nay rồi và bây giờ đang là một địa điểm câu khách du lịch. Nhật thách Hàn Quốc đem chuyện Takeshima ra tòa án quốc tế để xác minh, nhưng chỉ nhận được câu trả lời rất hung hăng: “Đừng làm ồn ào, ở đây không có việc thưa hay gửi vì nguyên thủy là của Hàn Quốc rồi”. Cũng vì hung quá nên hố nặng. Ngày 25/10, trong cuốn phim do Hàn Quốc thực hiện được phổ biến khắp nơi nhằm chứng minh chủ quyền hòn đảo là của mình, Seoul lại vô tình “chôm” khoảng 20 giây khúc phim của đài NHK Nhật Bản được chiếu từ năm 2009 đến năm 2011 nói về cuộc chiến Nhật-Nga. Quê quá, Hàn Quốc đành muối mặt phải xin lỗi.


Tháng 9 năm nay, Seoul lại chơi một màn khá “cạn tàu ráo máng” khiến một “quan” Nhật phải ngậm ngùi: “Trời ơi, chúng tôi phải làm sao bây giờ”. Số là, có một ông dân biểu của đảng cầm quyền đã trình lên quốc hội đề nghị xin thông qua một đạo luật yêu cầu cấm phân phối, chế tạo, sử dụng những hình ảnh, vật dụng nào khiến “người ta” liên tưởng đến chế độ quân phiệt Nhật chẳng hạn như lá cờ mặt trời…. tại những nơi công cộng ở Hàn Quốc. Nếu không tuân hành sẽ bị…. phạt tù dưới 1 năm và 3 triệu tiền Hàn Quốc (khoảng 2800 mỹ kim). Đạo luật này sẽ được biểu quyết vào mùa xuân sang năm.



Để chuẩn bị cho Giải Túc Cầu thế giới tại Ba Tây 2014, hôm 14/11 Nhật Bản cho trình làng bộ đồng phục mới. Hội Túc Cầu Nhật Bản đã giải thích mẫu design này là biểu hiện cho sự đoàn kết. Nếu từ trên cao nhìn xuống, khi các cầu thủ nối tay nhau thành vòng tròn, người ta sẽ thấy rõ một vòng tròn nối từ vai cầu thủ này sang cầu thủ khác trông rất ngoạn mục, đúng theo ý nguyện khi thực hiện “Thắt chặt sức mạnh toàn đội”.


Nhưng ngày 16/11 thì tờ Trung Ương Nhật Báo của xứ Hàn cộng thêm một số dân biểu lại giải thích chệch đi:bên trái ngực áo, nằm dưới lá cờ Nhật và huy hiệu có 11 “vạch” kéo dài. 11 “vạch” này trông giống như…. ánh mặt trời khiến “người nhìn” liên tưởng ngay đến lá cờ “quân phiệt” của Nhật”. Đúng là không còn gì để nói!


Nếu đạo luật này được thông qua thì bộ đồng phục này cũng sẽ là đối tượng bị xử phạt và FIFA sẽ rất bối rối về chuyện “tương tranh” giữa Nhật-Hàn nếu 2 nước “đụng” nhau.


Hậu quả đầu tiên là sang năm sẽ không có trận đấu giao hữu Nhật-Hàn thường lệ như mọi năm tại Seoul. Báo chí Hàn quốc đã “nổi điên” khi đội Nhật “diện” bộ đồ này trong trận hòa với Hòa Lan (2-2) ngày 16, và thắng Bỉ (3-2) ngày 19 tại Belgique vừa qua.


Phản ứng của Nhật qua Hội Túc Cầu Nhật Bản rất…. từ tốn: “Chỉ là cách nhìn thôi, chúng tôi đã giải thích rồi khỏi cần giải thích lại”. Ngoài ra, hãng Adidas Japan (vẽ mẫu design) lên tiếng cho rằng họ đã trình bày về ý nghĩa của kiểu design mới rất rõ ràng: 11 vạch biểu tượng cho 11 tuyển thủ chứ không mang ý nghĩa chính trị gì cả. Xin đừng lôi chuyện chính trị vào.


Báo chí Nhật thì không nhắc nhở gì nhiều vì cho rằng “đây chỉ là việc vạch lá tìm sâu, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù!”


 

t_shirt_japan t_shirt_japan_1co_mat_troi

Cờ mặt trời - Đồng phục đội Nhật với 11 vạch mờ mờ (hình giữa)….. sinh chuyện



“Mối thù truyền kiếp” này chắc hẳn còn mãi vì chủ trương của cả hai phía vẫn còn là đường thẳng song song kéo dài đến…. vô cực. Bà Tổng Thống, ông Thủ Tướng Hàn nhất định không nói chuyện với Nhật “vì một số lãnh đạo vẫn còn ngoan cố không nhận lỗi”. Người dân của hai nước tiếp tục giao lưu…. nhưng không lấy gì làm thoải mái. Buồn 5 phút.


Lẽ dĩ nhiên, không ai có thể dễ dàng quên được những dã man, nhọc nhằn trong quá khứ mà mình phải gánh chịu, tuy nhiên nếu đối thủ đã thật tình “cúi đầu xin thứ tha” thì cũng nên nghĩ lại. Viết đến đây chợt nhớ lại cái ông nội thứ trưởng nào đó của Việt Nam đang phụ trách cái việc gọi là “hòa giải với người Việt nước ngoài” mồm thì bô bô trách móc: “tại sao cứ mãi hận thù” nhưng lại không bao giờ nhắc đến hay tỏ ý hối hận về những chuyện đã gây ra dù chứng cớ đã rành rành. Khác nhau một trời một vực.

 


Tuổi trẻ …..tào lao!


 

Một năm hai lần cứ vào mùa Xuân và mùa Thu, Hoàng Gia Nhật Bản mà “chủ xị” là Thiên Hoàng và Hoàng Hậu thường tổ chức ngày “Viên Du Hội” (Garden Party) tại vườn Ngự Uyển Akasaka. Số khách được mời thường trên dưới 2000 người được tuyển chọn theo tiêu chuẩn.


1/ nội các chính phủ

2/ có công lao đóng góp trong các lãnh vực thể thao, văn học v.v….

3/ các ngoại giao đoàn

4/ khoảng 1/4 dân biểu 2 viện



 taro_2-contenttaro_1-content

Trao tận tay Đang phân trần


Kỳ này, trong số người được mời, có một chàng trẻ tuổi xuất thân từ giới nghệ sĩ (38 tuổi) rất bảnh trai, tên Yamamoto Taro. Chàng thuộc thành phần “vô đảng phái” ra tranh cử thượng nghị viện vào tháng 7 vừa qua với chủ trương: phản đối Nhật Bản gia nhập TPP, không chấp nhận điện hạch nhân v.v… nghĩa là đứng về phía “những người yếu thế” theo chàng lý luận. Người ủng hộ chàng hầu hết là thành phần trẻ lo từ chuyện đi dán bích chương hoặc “hộ tống” chàng rong ruổi khắp nơi khắp chốn. Tất cả đều giúp chàng vô vụ lợi. Kết quả là chàng thắng cử rất vinh quang tại khu vực 8 của Đông Kinh, một chiến trường đầy sôi động.Từ khi được đeo huy hiệu dân biểu trên áo, tên tuổi chàng nổi như cồn, con đường chính trị tiến thân của chàng càng ngày càng thênh thanh rộng mở.Thế nhưng….

Ngày 31/10 năm nay, với tư cách dân biểu, rất ư là trịnh trọng, chàng “đóng bộ” đàng hoàng, hiên ngang bước vào vượn ngự uyển. Lẫn trong cả rừng người, chàng nôn nóng ngóng đợi 1 người. Và…. người đó xuất hiện: Thiên Hoàng đã đến đứng ngay phía trước hàng chàng có mặt. Ngay lập tức, chàng tiến lên một bước, rút một tờ giấy gấp tư trao cho Thiên Hoàng sau khi nói vài câu gì đó, máy quay hình tình cờ dừng lại và ghi lại cảnh này không thiếu một động tác. Thiên hoàng cười cười và nhận “thư” xong và đưa cho người đứng bên cạnh. Vài giờ sau, hình ảnh trao “thư” này đã chạy… đầy trên các bản tin của các đài truyền hình. Trong cuộc họp báo chiều cùng ngày, chàng phân trần.


Hỏi: Nội dung lá thư và lý do ông trao thư cho Thiên Hoàng?

Đáp: Tôi viết về sự đau khổ của các người đang hứng chịu thảm cảnh hạch nhân Fukushima v.v…. và muốn ngài biết.

Hỏi: Ông có biết là khi tham dự “Viên Du Hội” không được làm những hành động như vậy hay không?

Đáp: ….Tôi không biết.

Hỏi: Giả sử ngài đọc thư rồi ngài sẽ làm được gì trong quyền hạn của ngài?

….nhìn nhau không nói

Hỏi: Mọi người nghĩ đây là một hành động ông dùng “chính trị lợi dụng” thiên hoàng?

Đáp: Tôi không nghĩ như vậy. Cái này báo chí làm ầm lên vì chỉ có tôi và thiên hoàng… thôi mà…


Thế là chàng bị “đánh” từ trong lưỡng viện quốc hội cho đến bên ngoài. Một cuộc thăm dò tức khắc thì thấy 88% người được hỏi đều có chung câu trả lời: “không được, thất lễ, ông nội này tào lao quá”, còn lại 11% thì… ủng hộ vì “lịch sử sẽ sang trang mới với hành động này”.



Ngày 5/11 chàng bị Ủy Ban Vận Hành Quốc Hội lôi ra hỏi tội và ngày 8/11 kết tội:


- Nhận lời khiển trách của chủ tịch thượng viện

- Cấm tham dự những sinh hoạt của hoàng tộc.


Chàng đã thành tâm nhận lỗi và hứa sẽ cẩn trọng hơn. Có thể chàng không ngờ việc “trao thư” lại trầm trọng như thế nhưng chắc chắn chàng phải biết là Thiên Hoàng sẽ chẳng làm được gì “giúp” chàng cả. Nửa tháng sau (ngày 13/11), văn phòng chàng nhận được một bao thư của một tổ chức “vô danh và.... vô thực” có tên: “Mặt Trận Giải Phóng Độc Lập Dân Tộc Nhật Bản” có chứa một con dao với lời hăm dọa: “vài ngày nữa ta sẽ lấy mạng mi”. Rồi một tuần sau (21/11) văn phòng chàng lại nhận thêm một “món quà” đựng “kỷ vật là....viên đạn đồng đen, cho Yamamoto sang sông.... làm kỷ niệm”. Trong cuộc họp báo định kỳ, phát ngôn viên Bộ Hoàng Cung khi thông báo ước muốn của ông “Cụ” là: nếu 2 cụ ra đi thì “đừng chôn và xây mộ hoành tráng chi cho tốn kém, 2 cụ muốn hỏa thiêu như thần dân thiên hạ” đã tiết lộ thêm: “ông cụ” rất lấy làm lo lắng cho Yamamoto khi đọc báo thấy các bản tin hăm dọa này. Thiệt là khổ thân ông cụ.


Tưởng cũng nên nhắc lại rằng: tuy không thành luật, nhưng có một nguyên tắc bất di bất dịch: khi tiếp xúc với Hoàng tộc không được tự động chụp hình, quay phim, không được tự ý đưa hay trao đổi bất cứ điều gì với người của hoàng tộc.


Đây là lần thứ 2 có sự kiện trực tiếp trao thư cho Thiên Hoàng, lần thứ nhất cách đây hơn trăm năm, vào ngày 10 tháng 12 năm 1901 tại Tokyo. Bất mãn với những thiệt hại của người dân 2 tỉnh Ibaragi, Gunma, nhân lúc Thiên Hoàng Minh Trị trên đường về sau khi dự nghi thức khai mạc khóa 16 quốc hội, dân biểu Tanaka Shozo đã chận đoàn xe ngựa của Thiên Hoàng định trao lá thư tố cáo tình trạng ô nhiễm đồ biển, nông sản phẩm do chất độc của đồng từ nhà máy Furukawa thải ra sông Watarase, nhưng đã bị các cận vệ chận lại và “sứ mạng” không thành. Khi đó thì Thiên Hoàng có quyền hạn để giải quyết thật, nhưng cách trao thư của ông thì bị coi là thất lễ. Ra quốc hội thì ông Tanaka đã phải từ chức.



Cũng liên quan đến những “hạn chế” của quyền hạn Thiên Hoàng, 4 năm trước, bộ trưởng ngoại giao thời đó là ông Okada Katsuya trong một lúc trò chuyện đã có một phát biểu mà có người cho là “lạ kỳ”, lạ kỳ là vì ông này đã nói ra một điều mà không ai “dám” nói đối với bộ Hoàng Cung: “Tôi muốn quí vị “động não” hơn nữa, để làm thế nào trong những “huấn từ” của Nhật Hoàng mang cả ý nghĩ của ngài trong đó”. Ông Okada tiếp luôn: “Ngoại trừ lời phát biểu những lúc thiên tai, tôi thấy tất cả các phát biểu của ngài đều giống nhau, vì thế tôi mong quí vị (bộ Hoàng Cung) suy nghĩ lại mỗi khi ngài đã bỏ công đến Quốc Hội”.


Lập tức sau đó, ông này bị người trong đảng, ngoài đảng“dũa” thê thảm, ngay cả Thủ Tướng thời đó là ông mắt lồi Hatoyama cũng phán: “Tâm tình của Nhật Hoàng là điều không thể cân đo được, không nên có những phát biểu như thế”.



Được biết, sau ngày bại trận, vào năm 1947, luật pháp Nhật được viết lại dưới sự “góp ý” của lực lượng chiếm đóng Hoa Kỳ. Nhật hoàng được xem là biểu tượng của quốc gia nhưng chỉ tham dự và phát biểu khi “quốc vụ” (các nghi lễ) và không có quyền hạn gì với “quốc sách”. Vì thế mọi chuyện đi đứng, gặp gỡ.... đều được bộ Hoàng Cung sắp xếp và lẽ dĩ nhiên kể cả những “lời phát biểu”.


 

Chỉ được cái “hét”to, cựu đô vật hạng nặng Antonio Inoki bị xử phạt vì….



Chắc hẳn quí vị còn nhớ một người nổi tiếng trong giới đô vật Nhật vào thập niên 1970 và 1980: Antonio Inoki (70 tuổi), đã giải nghệ năm 1998, hiện đang là dân biểu thượng viện thuộc đảng Duy Tân Hội Nhật Bản, vì vừa trúng cử vào tháng 7 vừa qua.


Với dáng người to lớn, cái cằm bạnh ra phía trước và lúc nào cũng “chào nhau” bằng cách hét 3 tiếng thật to rồi dùng tay “tát” vào người đối diện.



Không biết bị lợi dụng hay muốn lợi dụng…. Bình Nhưỡng cho con đường chính trị của mình mà ông nhất quyết: mở một con đường đã bị bế tắc với Bắc Triều Tiên bằng sức….. của một mình ông. Sự thực là ông đã đi Bình Nhưỡng 26 lần rồi, lần đầu vào năm 1995, cũng đi với mục đích là “tìm đường khai thông” nhưng chả nghe thấy ông nói là “đóng” hay “mở” gì cả, chỉ nghe chuyện ông “nổ” gặp ông này bà nọ, và con đường mà ông muốn mở nó vẫn khép kín vì cái tính hung hăng, khùng điên của mấy ông trời con bên đó.


Nếu là người thường, giống như cựu tuyển thủ bóng rổ Mỹ Dennis Rodman đã sang thăm Bình Nhưỡng vào tháng 9 năm nay thì chuyện muốn ông đi đâu thì ông đi sẽ chẳng có ai nói, nhưng bây giờ ông là dân biểu, đại diện quốc gia thì phải khác. Ông phải có chương trình hành động, lập kế hoạch cho một việc nào đó ông muốn làm với những người đồng viện cùng ý hướng. Nhưng ông thì không vẫn cứ khơi khơi... một mình một chợ.


 

inoki-contentKhi Bình Nhưỡng mời ông sang để cùng nhau thành lập “Giao Lưu Hòa Bình Thể Thao Thế Giới” gì đó, vì quốc hội đang thời kỳ họp, nên ông đã phải xin phép Thượng Viện, và lẽ dĩ nhiên Thượng Viện bác bỏ. Nhưng tính ông vẫn thế, vẫn đi cho bằng được.


Ngày 1/11 ông khăn gói lên đường, được các nhà lãnh đạo “xứ khùng” tiếp đãi như thượng khách, rồi mấy ngày sau thì khai trương, thành lập hội này hội nọ.


Ngày 6 tháng 11 ông còn được gặp Trương Thành Trạch (cậu của Kim Chính Vân) và những tai to mặt lớn khác.


Ngày 7/11 “ông trở về trên phi cơ… sơn màu xanh trắng”. Khi gặp nhóm ký giả đón ông ở phi trường hỏi chuyện, chứng nào tật nấy ông hét thật to 3 lần chữ “genki” (khỏe mạnh), rồi ông khoe ông “genki” nên đã sang được Bình Nhưỡng lần 27. Vài ngày sau lên trình diện, bị Thượng Viện hỏi tội: tại sao ông lại bỏ nhiệm sở? Ông lý la lý luận: Tôi muốn mở một con đường mới. Thượng Viện hỏi tiếp: Ông mở như thế nào? Thế ông có gì? Ông vòng vo tam quốc nói chẳng ai nghe.



Cuối cùng ngày 13/11, Thượng Viện ra một phán quyết trừng phạt ông vì tội không tôn trọng luật lệ của quốc hội. Phán quyết này đã được tất cả các đảng đồng ý, ngoại trừ đảng Duy Tân Nhật Bản (đảng ông trực thuộc). Đây là lần thứ hai sau 61 năm thượng viện ra nghị quyết trừng phạt một thượng nghị sĩ.


Nội dung của phán quyết này gổm 4 bậc từ nhẹ đến nặng: khiển trách, xin lỗi công khai tại quốc hội, cấm không được đến quốc hội một thời gian, khai trừ. Ngày 21/11 thì nội dung phán quyết đã rõ ràng:

- Cấm ông không được… “bén mảng” đến quốc hội trong 30 ngày.


Khi được hỏi trên mạng Yahoo Nhật xử như thế thì “hợp lý”, “nặng” hay “nhẹ”?, thì có 60% người trả lời: “nhẹ hều”, 25% “hợp lý”, còn lại thì “nặng” hoặc “không có ý kiến”.

Riêng đảng Duy Tân của ông đã “xử”:


- Chấm dứt tư cách đảng viên của ông trong 50 ngày.

- Chấm dứt trách vụ Phó Tổng Thư Ký đảng của ông trong 50 ngày.


Khi nhận “án”, ông cười gượng: “Phải …. chịu thôi”.


Một việc mà mọi người hay nhắc về ông là lần ông thách đấu với Mohamed Ali, vô địch quyền anh thế giới. Trận đấu diễn ra tại Nhật vào 26/6/1976 với sự háo hức của…. toàn thế giới. Nhưng, khi tiếng kẻng báo bắt đầu trận đấu, ông đã “nằm vạ” ngay xuống sàn đấu quay người thành vòng tròn, quơ chân qua quơ chân lại chỉ rình đá vào chân đối thủ, không dám đứng dậy (đứng dậy… dập mặt sao!), khiến Mohamed Ali chả đấm được cú nào mà chân lại bị bầm tím. Cuối cùng trận đấu kết thức trong nhàm chán vì cứ như thế suốt 15 hiệp. Ai cũng …. thở dài cho rằng: đúng là trận đấu…. cuội.


Ngoài cái mồm rộng, hét to, đấu vật thì ông sẽ chẳng làm được gì nếu ông cứ như thế nghĩa là cứ tiếp tục nói cho sướng miệng và làm theo ý mình. Vài hàng viết về ông…. cho xong để còn sang chuyện khác.


 

Chuyện hai công nương


 

diana-contentmasako-content

Diana Masako


Nhìn một cách chủ quan từ người viết, thì thế kỷ này có 2 công nương nổi bật, 1 thì đã thành người quá cố, còn 1 thì vẫn “hãy cố yêu người mà sống, lâu rồi đời mình cũng qua”. Hai người cách nhau 2 tuổi, 1 người sinh năm 1961, còn 1 người thì sinh năm 1963. Đó là Diana của Anh Quốc và Masako của Nhật Bản.



Nhìn lại thì thấy cả 2 đều có điểm chung: xuất thân từ hàng dân giả, rất đẹp, học giỏi con nhà giàu..... Hoàng gia Anh thuộc xứ phương Tây nên đôi chút cởi mở còn Nhật Bản thì ngược lại, vẫn khép kín. Vì vậy đời sống của Diana so với Masako thì tương đối không có gì căng thẳng ít ra trong giai đoạn đầu. Cả hai đã có những ngày thật hạnh phúc bên chồng, cứ nàng đâu, chàng đó, rồi cả 2 cũng sinh con, Diana may mắn hơn sinh được 2 nam, còn Masako thì chỉ được 1 nữ. Chính vì việc “kém may mắn này” mà cả bộ Hoàng Cung, Hoàng Tộc Nhật đbhutan_king-contentều phải chăm sóc “đặc biệt” cho Masako để có một “nam nhi nối dõi”, nhưng bao lần cấn thai rồi bao lần thất bại, từ “stress” này cộng thêm “stress” trong cuộc sống đã khiến Masako sầu đắng trong suốt cả chục năm. Cô mang chứng bệnh “không thích hợp với cuộc sống” nên rất ít khi xuất hiện, hầu như vắng mặt tại những nơi cần phải có mặt khiến Hoàng Thái Tử lúc nào cũng “một mình một bóng” trong những buổi tiếp tân, trong những chuyến công du ngoại quốc hoặc những lần thăm .... dân cho biết sự tình. Hoàng Thái Tử chắc “tủi thân” lắm, chẳng hạn khi thấy cặp vợ chồng son trẻ quốc vương xứ Bhutan “nhởn nhơ” trong chuyến vừa thăm viếng vừa hưởng tuần trăng mật tại Nhật 2 năm trước (tháng 11/2011).



Trong khi đó, số phận của Diana cũng chẳng lấy gì làm may mắn hơn, 2 vợ chồng tuy ngồi cùng xe, đi cùng đường... nhưng mắt lại nhìn hai hướng, thêm chuyện mèo chuột của thái tử Charles, Diana phát bệnh “ăn nhiều và .... ói nhiều”. Dấu hiệu chia ly đã bắt đầu. Nàng lao vào chuyện làm từ thiện cho qua ngày qua tháng. 1996 thì chính thức chia tay với thái tử Charles. Diana những tưởng sẽ được sống cho chính mình nhưng ông trời lại không thương bắt về lại trời sau tai nạn xe cộ vì chạy trốn sự săn đuổi của nhóm paparazzi (săn hình) vào ngày 31/8/1997 tại một đường hầm thành phố Paris. Sau đó, cũng có nhiều nghi vấn đặt ra, chẳng hạn nàng bị hoàng gia Anh cử đội đặc nhiệm ám sát để không cho nàng giao du với con trai một tỷ phú người Ai Cập, chẳng biết đây là hư hay thực nhưng có một sự thực chắc chắn mọi người đều công nhận là: Sự ra đi của nàng để lại biết bao thương tiếc cho người ở lại, để lại cho hoàng gia Anh 2 quí tử điển trai và 1 trong 2 quí tử đã yên bề gia thất và mới vừa có con... nối dõi.


Trở lại chuyện Masako, từ lúc lâm bệnh, nàng trở nên ít nói, buồn rầu, tìm niềm vui qua công chúa con Ái. Nhưng cũng chẳng may cho Masako vì có một dạo, khoảng 3 năm trước (4/2010), công chúa Ái đã bị một nhóm hay một học sinh cùng trường trực tiếp hay gián tiếp “ijime” (ăn hiếp) , đến nỗi cô bé phát sợ tìm đủ mọi cách thối thác đến trường, lúc thì than đau bụng, khi thì nói là bị cảm v.v... 


Và Masako “đã stress lại càng thêm stress”, nàng quyết định bỏ tất cả chỉ “ưu tiên cho cháu”, và con đâu .... mẹ đó, có nghĩa là công chúa mẹ.... theo công chúa con đến trường ngồi chờ con học xong rồi cùng về nhà. Cuộc sống của công nương Masako cứ kéo dài trong chán chường, trong phản kháng, trong lập dị từ ngày này sang ngày nọ. Nàng chỉ xuất hiện khi phải.... xuất hiện (nếu không thì kỳ quá) trong những lần hiếm hoi đi thăm người lánh nạn động đất, còn lại thì “bán cái” hết cho hoàng thái tử.


masako_1-contentmasako_con-contentmasako_2-content


Tươi vui và linh hoạt Nhìn trẻ vui đùa mà nước mắt....tuôn rơi



Tuy nhiên, từ đầu năm nay, có lẽ trời nghĩ lại, không nỡ đọa đầy phận gái.... long đong, sắc mặt Masako đã trở nên hồng hào, tươi tắn, nàng xuất hiện và tươi cười nhiều hơn trước, công chúa Ái đã thích thú đến trường thay vì cứ suốt ngày kè kè bên mẹ. Cuối tháng 4, lần đầu tiên sau 11 năm “cố thủ”, Masako đã cùng hoàng thái tử công du Hòa Lan dự lễ lên ngôi của thái tử Willem-Alexander, hình chụp cho thấy khuôn mặt của Masako tươi vui và linh hoạt. Tháng 8, tháng 9 nàng sánh vai cùng hoàng thái tử đi tham dự các lễ hội mà trước đây nàng vắng mặt. Sang tháng 10 thì .... nhiều hơn chút nữa như vào ngày 12 buổi sáng thì rạng rỡ tại đại hội thể thao của người tàn tật, buổi chiều thì “hết mình” tham dự ngày thể thao (undokai) cuối cùng của công chúa Ái (đang học lớp 6, năm cuối của bậc tiểu học). Khi thấy con gái mình vô tư bay nhảy vui đùa tranh đua với bạn, nước mắt Masako tuôn rơi. Thiên hạ bàn vô: đây là những giọt nước mắt mừng vui khi thấy con mình ngày một lớn. Đến thời điểm này (gần cuối tháng 11) thì nàng có mặt hầu như tất cả các chương trình đã được bộ hoàng cung định trước.

---------------------------

Dù chưa được như ý “thần dân thiên hạ” mong đợi, nhưng rõ ràng là Masako đang từ từ trở lại con người thực của mình. Mãi mãi nàng sẽ là một người tươi vui, nhanh nhẹn, hoạt bát. Ai cũng hy vọng như thế. Hoàng thái Tử chắc là người.... vui nhất vì...


Từ nay tôi đã có người 
Có em đi đứng bên đời líu lo 
Từ nay tôi đã có tình 
Có em yêu dấu lẫy lừng nói thưa 
Từ em tôi đã đắp bồi 
Có tôi trong dáng em ngồi trước sân (*1)


diane_1-contentdiana_2-content


Và lẽ dĩ nhiên, mọi người không ai lại không nhớ Diana, nhớ khuôn mặt tươi sáng, dịu hiền, nụ cười đầy thánh thiện khi âu yếm, nâng niu các em bé tật nguyền xứ Africa.

.........


And the stars spell out your name

And it seems to me you lived your life

Like a candle in the wind

Never fading with the sunset (*2


Tạm dịch


Và những ánh sao đang dệt nên tên nàng

Trong ánh mắt tôi, nàng đã sống cho cuộc đời mình

Như một ngọn nến trong gió

Sẽ chẳng bao giờ mờ dần với bóng hoàng hôn


------------


Nguyện cầu hương hồn nàng thong dong trên cõi ấy.

 

Chuyện đã dài. Xin hẹn kỳ sau.



Vũ Đăng Khuê


(*1) Một đoạn trong bài hát Đóa Hoa Vô Thường của Trịnh Công Sơn

(*2) Một đoạn trong bài Goodbye England’Rose (Candle in the wind) của Elton John viết cho Diana.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc