ĐÓNG CHỐT - Lưu Ly

16 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 75394)


Đóng chốt

 

 

 Kể từ năm Ất Mão 1975 đầy biến cố ấy, bao nhiêu nước đã chẩy qua cầu, bao thế hệ đã lớn lên và đi qua cùng năm tháng, nhưng khi hồi tưởng lại những ngày xao động đó, ký ức tôi vẫn bồi hồi như mới ngày hôm qua.


 Sau những ngày tháng mộng du của một vùng trời bỗng nhiên sụp đổ trong cơn bão lốc tháng tư, mọi sự dần dần lắng xuống để chỉ còn lại những cơn đau âm ỉ triền miên. Tôi đã không chết theo với cái chết của thành phố Saigon như tôi tưởng. Tôi vẫn sống, như Saigon vẫn sống. Thành phố đổi tên, cuộc sống đổi đời. Cúi đầu chấp nhận một vận mệnh mới, quên đi quá khứ, trở về với vỏ ốc và kiểm soát tai, mắt, miệng của mình như ba con khỉ bịt miệng, bịt tai, bịt mắt trong các bức họa thường thấy ở Nhật. Hơn bao giờ hết, ý nghĩa sâu sắc của bức họa này mới thấm thía làm sao!


 Không bao lâu sau ngày tiếp quản, những chuyên viên trong ngành ngân hàng như tôi phải đi dự lớp học chính trị Mác Lênin, một hình thức tẩy não, trong vòng một năm. Sau khi mãn khóa, tôi được bổ về làm việc tại Ngân Hàng Thành Phố, tức Việt Nam Thương Tín cũ. Thời trước, Việt Nam Thương Tín là một ngân hàng tư có uy thế nhất với tầm hoạt động sâu rộng trong nước, mà trụ sở trung ương ở đường Hàm Nghi là một building tân tiến không kém gì một cơ sở ngoại quốc. Khi tôi về làm ở đó, cơ sở này vẫn còn giữ được một vài nét thanh lịch cũ, tuy đã bị tàn phai rất nhiều, chẳng khác gì một cô gái con nhà quý phái dù đã qua bao phong trần cũng vẫn còn giữ được một cốt cách riêng. Ngày tôi về đó, cán bộ bảo tôi:


 “Chị học theo tư bản ở nước ngoài, không áp dụng gì được mấy cho kinh tế xã hội chủ nghĩa hiện nay đâu.”


 “Hồng hơn chuyên”, điều đó đã trở thành một quy lệ trong các cơ quan của chế độ. Nói gì thì nói, những ngôn từ đao to búa lớn cũng không che dấu được thực trạng nghèo nàn của một xã hội đang bị phá sản cả về vật chất lẫn tinh thần, tương lai không biết đi về đâu. Hoạt động ngân hàng lúc ấy chẳng có gì nhiều, phần lớn chỉ là quản lý những trương mục cũ mà trương chủ đã “trót dại” ký thác vào trong thời chế độ trước mà không kịp rút ra, bây giờ muốn lấy ra phải tìm đủ mọi lý do chính đáng, qua mọi thủ tục nhiêu khê rắc rối, chẳng khác gì đi xin một ân huệ quá cao xa. Tôi được bổ vào làm trong Phòng Văn Thơ, trực thuộc Giám đốc Ngân hàng. Giám đốc ngân hàng là một tay nằm vùng, nghe nói trước đây làm một công việc rất khiêm nhường trong một ngân hàng tư hạng trung ở Saigon, nay một sớm một chiều nhẩy lên lãnh đạo một ngân hàng lớn nhất thành phố. Hành tung bí ẩn, ít khi nào thấy ông xuất hiện, nhưng tương đối ông cũng nhã nhặn và lịch sự đối với các chuyên viên chế độ cũ. Chẳng hiểu ông làm gì suốt ngày trong căn phòng rộng lớn sang trọng của Tổng Giám Đốc Việt Nam Thương Tín cũ, nhưng phòng Văn Thơ thì chẳng mấy khi có việc gì làm. Và không phải chỉ phòng Văn Thơ, mà hầu như tất cả mọi phòng khác đều vậy. Công việc duy nhất tôi được giao là phụ trách quyển sổ “Giấy Giới Thiệu”, chuyên cấp giấy giới thiệu cho những nhân viên phải đi ra ngoài liên hệ với các cơ quan khác. Đóng mộc giấy giới thiệu là một cán bộ nữ, công việc đóng dấu này coi vậy chứ rất quan trọng, phải là gốc đảng viên thứ thiệt, tin cậy lắm mới được giao phó. 


 Một ngày nọ, một người đàn bà xinh đẹp, trông thật duyên dáng lịch sự, có mái tóc đen dài buông xõa đến thắt lưng, bước vào hỏi thăm tôi phòng của phó giám đốc, chắc để xin rút tiền. Tội chưa kịp biết là ai, bỗng thấy mấy bà trong văn phòng ùa ra tíu tít, mới biết đó là Thanh Nga, một nữ nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn. Thanh Nga đi cùng với chồng là luật sư Lân, dáng người cao ráo đẹp trai, trông thật xứng đôi vừa lứa. Ngay sau đó ít lâu, tôi nghe tin hai vợ chồng Thanh Nga bị chết thảm thương trong một vụ ám sát. Thật đáng tiếc thay cho một kiếp hồng nhan bạc mệnh. Sau này, tôi có dịp nói chuyện với em gái của Thanh Nga khi cô đến ngân hàng xin rút tiền, được biết đây là một vụ ám sát chính trị, vì Thanh Nga lúc đó đang làm giấy tờ xin đi Pháp, mà vì những lý do bí ẩn nào đó, “họ” không muốn Thanh Nga ra nước ngoài.


 Trở lại với công việc trong sở, một ngày qua đi thật nhàn hạ, có nhiều thì giờ để tán dóc, nói chuyện. Làm việc thì ít mà họp thì nhiều, lúc nào cũng họp hành liên miên, hết họp tổ lại đến họp phòng, họp cơ quan... Phần nhiều trong những buổi họp của cơ quan thường có văn nghệ, với các ca sĩ tài tử nhân viên “cây nhà lá vườn”, múa hát đủ trò, tập dượt công phu ráo riết, dĩ nhiên nội dung cũng chỉ gò bó trong những gì được cho phép, nhưng những màn văn nghệ này cũng làm cho những buổi họp đỡ nhàm chán hơn và có lẽ cũng để cho người ta quên đi phần nào đời sống cơ cực ở ngoài. Với đồng lương nhỏ nhoi chỉ đủ sống lây lất chưa tới hai tuần, cái vỏ “công nhân viên” đối với nhiều người chỉ là cái bình phong để khỏi bị làm khó dễ nơi phường khóm. Nhưng những lúc náo nhiệt, “hồ hởi phấn khởi” nhất là những lúc chia nhu yếu phẩm như đường, sữa, bột ngọt v.v.. và chia khẩu phần thịt cá trong tháng. Những nhu yếu phẩm này chỉ hôm trước hôm sau là đã ra nằm ngoài chợ trời, phụ thêm phần nào cho đồng lương ít ỏi của xã hội chủ nghĩa. Trong sự thiếu thốn của vật chất, mới thấy thấm thía lời Phật dạy, con người có thân sinh ra là có khổ, cái khổ cơ bản nhất là đói, khát, nóng, lạnh, và cũng vì muốn cung ứng cho những nhu cầu của thân mà sinh ra biết bao cái khổ khác, trùng trùng lớp lớp khổ não không bao giờ dứt được . 


 Tôi làm quen với một số đồng nghiệp mới, có những người cùng chung tâm sự khó nói, có những người phải dè dặt, “kính nhi viễn chi” đối với họ. Trong sự thay đổi tột cùng, không còn ranh giới phân biệt giữa những người trước đây đã từng có thân phận cao thấp, giờ đây tất cả chỉ là những kẻ đồng cảnh ngộ trong một môi trường đầy bất trắc.


 Gần đến mùa Tết, nhiều tin đồn đại được tung ra. Không khí thành phố căng thẳng như đang chờ đợi một cơn bão sắp tới. Tôi vẫn đi về sở làm, bình thản như không biết chuyện gì sẽ xẩy ra. Một buổi chiều, trong một ngày làm việc bình lặng như mọi ngày, bỗng nhiên chúng tôi được lệnh phải ở lại sở đêm hôm đó, sửa soạn cho một công tác “đột xuất”. Mọi người xôn xao bàn tán, không biết sẽ phải làm gì; nhiều suy đoán có lẽ sắp có đợt đổi tiền mới. Đợt đổi tiền trước đây cũng vậy, mọi sự đều giữ bí mật tối đa tới phút chót, để rồi lúc thi hành dân chúng không ai còn kịp trở tay.


 Trở về nhà lấy ít vật dụng cần thiết rồi quay lại sở đêm hôm đó, tôi cũng hồi hộp không biết đêm nay mình sẽ làm gì, ở đâu. “Điệp viên 007 (số sinh viên của tôi ở Waseda) đang hành động đây,” tôi nhủ thầm. Xe chở chúng tôi đến một biệt thự, mà đêm hôm tăm tối tôi cũng không biết được địa điểm ấy nằm ở đâu. Biệt thự rộng lớn mênh mông, nhưng phòng ốc bị phá hủy hết, không còn phòng nào dùng được. Mọi người tập trung dưới nhà, nơi có sảnh đường lớn, giăng mùng mền nằm ngủ la liệt. Tối hôm ấy, tôi cũng không ngủ gì được nhiều, tờ mờ sáng hôm sau đã dậy đi “thám hiểm” chung quanh, mới biết đây chính là biệt thự của đại sứ Mỹ Martin hồi trước. Nhìn quang cảnh điêu tàn mà thấy đau lòng, những cửa kính vỡ nát với nhiều vết đạn lỗ chỗ; trên lầu, những căn phòng lát đá hoa thật trang nhã lịch sự giờ tan nát với đống gạch vụn, đống rác chất cao như núi. Có nhiều căn phòng không thể có lối vào được nữa. Biết nơi này gần Tân Định, nơi có nhà cha mẹ tôi, tôi lẻn đi bộ về nhà trong ít phút, báo tin cho biết để gia đình yên tâm.


 Gần trưa hôm đó, chúng tôi được chở đến trung tâm thương mại của thành phố Saigon, khu vực chung quanh chợ Bến Thành. Chúng tôi đã được biết công tác sắp tới là “đóng chốt” ở các nhà “tư sản mại bản” để kiểm soát không cho họ tẩu tán tài sản trong chiến dịch đánh tư sản đợt hai. Tôi được phân về một cửa hàng bán đồ đồng của người Hoa ở đường Thủ Khoa Huân, chỉ cách vài căn với cửa hàng bán len của gia đình ông anh họ của tôi hiện đang ở bên Pháp. “Tổ đóng chốt” của tôi gồm ba người, tôi, một thanh niên trẻ thuộc một cơ quan nhà nước khác, và một cán bộ tổ trưởng. Chủ nhà như cũng biết trước chúng tôi sẽ đến, nên tỏ vẻ bình tĩnh đón tiếp sự đột nhập này. Cửa hàng này, cũng như tất cả các cửa hàng khác trong khu vực, đều chẳng còn gì, tất cả các kệ đều trống rỗng, kể cả đồ đạc trong nhà cũng rất sơ sài. Cán bộ tổ trưởng của tôi, mà giờ đây tôi chỉ còn nhớ tên qua biệt danh “Trâu nước” tôi đặt cho hắn, vì hắn mập và đen, phục phịch tròn trịa trong bộ đồ bộ đội, chiếc nón cối trên đầu, có giọng nói rổn rảng, thái độ lăng xăng đầy phấn khởi của một con người đang giữ một nhiệm vụ quan trọng. Tôi được biết công tác sẽ kéo dài vô thời hạn, và tôi sẽ phải ở lại đó luôn ngày cũng như đêm. Thấy hắn vui vẻ, tôi đánh bạo nói dối xin xỏ:


 -Anh ạ, em có con nhỏ cần phải về nhà mỗi ngày để chăm sóc. Anh có thể cho em về nhà buổi tối được không?


  chế độ này, trong liên hệ công tác thường phải gọi nhau là “anh” với “em”, nếu cách biệt tuổi tác nhiều thì “chú” với “cháu” (chữ Bác chỉ dành cho một người), mới đầu nghe cũng lạ tai, nhất là cán bộ nữ làm xếp mà cứ “anh anh em em” luôn mồm với cấp dưới. “Trâu nước” ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi cuối cùng nói:


 - Thôi cũng được, thấy em ốm yếu anh cũng thương. Vợ anh cũng là người Bắc, cũng có con nhỏ nên anh thông cảm cho em. Nhưng đừng cho ai biết đấy, đây là đặc biệt lắm cho em đó, chứ người khác không được đâu. Chú nhỏ cùng tổ với mình đó anh cũng phải dấu, nói là tối em qua bên kia ngủ với mấy cô, chứ để nó biết cũng lôi thôi đó.


 Tôi mừng rỡ, cám ơn rối rít. Thật ra công việc của tôi mỗi ngày cũng chẳng có gì, ngoài việc suốt ngày đứng tựa cửa nhìn ra ngoài đường. Tôi cũng chẳng bao giờ bước chân vào nhà trong, nhưng “Trâu nước” thì hầu như trấn thủ ở phía trong, kiểm soát sổ sách, đồ đạc vật dụng trong nhà v.v.. Chủ nhà đứng tuổi người Hoa có vẻ bối rối, giao hết việc tiếp xúc cho cậu con trai còn ít tuổi nhưng rất lanh lợi, nói tiếng Việt rành rẽ. Đôi khi tôi cũng trao đổi vài câu với cậu trai đó, đủ để cho cậu yên tâm về sự hiện diện của tôi. Những lúc buồn buồn, tôi đi dạo một vòng các cửa tiệm khác, thăm những người bạn đang “đóng chốt” ở đấy. Chợ Bến Thành vẫn náo nhiệt như bao giờ, người đi kẻ lại tấp nập, ở trước những lối vào cổng chợ vẫn la liệt hàng quán, hàng tạp nhạp đủ thứ. Nhưng ở ngoài mặt đường, nơi những cửa tiệm xưa kia đã một thời huy hoàng, nay là cả một quanh cảnh tiêu điều trống trải. Mấy người bạn tôi đóng chốt ở một cửa hàng vàng cũ ở đường Lê Thánh Tôn, ngay trước chợ Bến Thành. Cô bạn đã chuẩn bị sẵn một giỏ đồ móc, suốt ngày ngồi móc cho qua thì giờ. Cô cho biết:


 - Bồ biết không, “Trâu nước” hắn cũng dữ lắm chứ không phải tay vừa đâu. Hắn là xếp xòng cái đám lau nhau ở đây đó. Chủ nhà này cũng may là có tụi mình trấn ở đây cũng dễ dãi cho họ, nhiều khi mình thấy họ xách giỏ đi chợ ra, biết có dấu đồ trong đó nhưng cũng làm lơ như không thấy. Chứ còn phía bên kia, tụi thanh niên xung kích chúng nó làm dữ lắm, kiểm soát chặt chẽ, còn rạch cả tường người ta ra tìm kiếm, mà nghe nói cũng tịch thu được khá nhiều vàng cất dấu đó.


 Lúc ấy, tôi đang bận ngán ngẩm cho công tác mình đang làm, nên cũng chẳng để ý gì lắm đến cái “chốt” của tôi. Nhưng tôi cũng mừng thấy mọi sự có vẻ êm thắm, có lẽ chủ nhà đã tẩu tán được kịp thời. Sau này nghĩ lại, tôi cũng hơi thắc mắc thái độ của “Trâu nước” ít khi để tôi vào nhà trong. Có thể hắn không tin tôi, có thể hắn có thỏa thuận gì với chủ nhà chăng? Đôi khi vợ hắn đến thăm, một người đàn bà trẻ, mái tóc dài kết thành hai bím đến ngang lưng, có dáng vẻ gầy gò nhỏ bé của một người đã kham khổ lâu năm. Chị ta có vẻ ngoan ngoãn, khép nép bên cạnh chồng. Thấy tôi khen, “Trâu nước” cười hãnh diện:


- Anh từ Nam tập kết ra Bắc, ở Hà Nội có nhiều cô theo lắm. Con gái Bắc khéo chiều chồng, anh kén chọn vợ cũng kỹ càng lắm.


 Thật đáng buồn cho hình ảnh con gái Bắc lúc bấy giờ, còn đâu vẻ đẹp đài các kiêu sa Hà Nội ngày nào, giờ chỉ là những khuôn mặt héo hắt, những thân hình tiều tụy trong lớp áo cánh vải, quần thâm đồng dạng; còn đâu nét phong hóa thanh nhã của ngàn năm văn vật, giờ chỉ là những chua chát, điêu ngoa của một xã hội đã bần cùng hóa lương tri và nhân phẩm con người.


 “Trâu nước” cho biết, sau khi được huấn luyện ngoài Bắc, hắn đã được phái vào Nam giữ nhiệm vụ “trinh sát”, tức là chuyên đi dò đường và ám sát nếu cần, để chuẩn bị cho những cuộc tập kích chiếm đất sau đó. Ngồi nói chuyện với hắn, tôi có cảm giác thật lạ lùng, như không tin ở chính mình. Tôi với hắn, hai người hai giới tuyến, nay lại ngồi cùng một chỗ, làm cùng một công tác. Nghĩ đến những ngày xưa vô tư dưới mái trường đại học, vui chơi với bạn bè nơi xứ Phù Tang thơ mộng, nay đã như một thế giới nghìn trùng xa cách, vời vợi cách biệt như thiên đàng và địa ngục, như sự sống và sự chết vậy. Cuộc đời có những ngã rẽ không ngờ, nhưng tôi cũng cám ơn những kinh nghiệm quê hương đã cho tôi một cái nhìn toàn diện hơn về cuộc sống.


 Sau vài tuần, “Trâu nước” cho biết công tác đã hoàn tất, và đêm cuối cùng tôi phải ngủ lại đó để lỡ có chuyện gì cần tập họp khẩn cấp. Hắn cho phép tôi qua căn phố gần đó ngủ chung với mấy cô bạn. Mấy cô này không được may mắn như tôi, đã phải ăn dầm nằm dề ở nhà người ta trong suốt mấy tuần, trải chiếu nằm dưới đất, xử dụng mọi tiện nghi trong nhà dưới con mắt chịu đựng của chủ nhân.


 Đêm hôm đó không có chuyện gì xẩy ra, và hôm sau chúng tôi được ra về, tự do “đoàn tụ” với gia đình. Nghe nói trong chiến dịch này đã có nhiều tài sản bị tịch thu, nhiều gia đình sau đó bị đuổi đi kinh tế mới, giao lại nhà cho nhà nước quản lý. Tới bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác khó tả, như người đang ở trong mộng, cái cảm giác nao nao, bất lực trước những gì xẩy ra cho người khác, nhưng lại nhẹ nhõm vì không xẩy ra cho mình. Nắng Saigon vẫn đẹp, trời Saigon vẫn xanh, người còn đó, cảnh còn đây, nhưng sao đâu đây có cái gì ê chề, có cái gì tuyệt vọng. Phải chăng đó là tâm trạng của những kẻ thua cuộc trong một ván bài đã định sẵn.


 Mỉa mai thay, mấy chục năm sau chính những người đã đánh tư sản ấy lại trở thành những nhà tư sản trong ý nghĩa tệ hại nhất đúng với đối tượng đả phá mà chủ nghĩa cộng sản đã từng chủ trương. Vòng biến dịch luân hồi nào đã đưa vận mệnh con người vào những thăng trầm vô tận, màn vô minh nào đã phủ lên dân tộc Việt Nam những chuỗi ngày đau thương triền miên. Hi vọng rằng một ngày không xa, hồn thiêng dân tộc sẽ tỏa sáng trở lại, cho người con dân Việt khởi phát được tinh thần bất khuất quật cường, không để những ma lực xấu ác tiếp tục hoành hành trên quê hương dấu yêu. 

 



L
ưu Ly


(Để ghi lại một kỷ niệm đáng nhớ trong một thời điểm khó quên của đất nước)


 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc