XUÂN HẠ THU ĐÔNG - Vũ Đăng Khuê

26 Tháng Mười Hai 20239:25 CH(Xem: 239)


Xuân-Hạ-Thu-Đông!


Ở Nhật, 1 năm có 4 mùa “rõ ràng - rạch ròi”. Mùa Xuân từ tháng 4 đến cuối tháng 6, Hè thì từ tháng 7 đến cuối tháng 9, Thu thì tháng 10 đến cuối 11 và những ngày còn lại là Đông.  Chi tiết hơn theo lịch thì Nhật còn có những ngày chuyển từ mùa này sang mùa khác: Xuân Phân 春分, Hạ Chí 夏至, Thu Phân 秋分, Đông Chí 冬至.

Tôi sinh ở Sơn Tây Bắc Việt, nhưng lại lớn lên ở miền Nam, tại Saigon, nơi chỉ có 2 mùa: Mưa, Nắng nên thực sự không cảm được “không khí” và “tâm trạng” thực sự của 4 mùa.

Dạo còn ở Việt Nam, tôi hay thắc mắc khi nghe sách vở nói về những từ ngữ “ngày ngắn đêm dài” hay “ngày dài đêm ngắn”. Đến Nhật rồi tôi mới “vỡ” ra. Sang Nhật cuối tháng 12 nên trời rất lạnh. Buổi sáng dù đã 7, 8 giờ nhưng trời vẫn “mờ mờ”, buổi chiều khoảng 5 hay 6 giờ thì trời đã “chập choạng”. Hóa ra ngay cả ông Trời cũng có tính dậy muộn và ngủ sớm y như…tôi dạo trước.

Sau nhiều màn tra cứu từ bác Google hoặc nghe thiên hạ tán. Tôi bắt đầu “tâm sự” với bạn ta từ:

“Đông Chí”

Hôm nay là ngày 22 tháng 12 dương lịch, ngày “冬至 - Tōji - Đông Chí”:

"冬" (fuyu) có nghĩa là "mùa đông".
"至" (shi) có nghĩa là "đến".

Như vậy, "冬至" có thể hiểu là "mùa đông đến" là ngày có đêm dài nhất trong năm, là một ngày lễ trong văn hóa truyền thống của nhiều nước châu Á, trong đó có Nhật Bản. Một thời điểm bắt đầu của mùa đông, cũng là thời điểm để mọi người sum họp, đoàn tụ và cầu chúc cho “Muôn người hạnh phúc chan hòa” như lời chúc trong câu cuối bài hát “Ly Rượu Mừng” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.

Ngoài ra còn có những tên gọi khác như "冬至祭" (Đông Chí Tế-Tōjisai), "冬至日" (Đông Chí Nhật -Tōjibi), hoặc "Đông Chí Tiết冬至節 (Tōjisai), cũng có thể gọi là  “陽来復“ (Dương Lai Phục).

Trong tiếng Nhật, 3 chữ 陽来復 (yōraipuku) được đọc là ようらいふく.

  • 陽 (yō) = よう (yō) = mặt trời, dương khí
  • 来 (rai) = らい (rai) = đến, trở về
  • 復 (fuku) = ふく (fuku) = phục hồi, trở lại


có nghĩa là "mặt trời trở lại", hay "mùa đông qua, mùa xuân đến" hay như một câu trong bài hát Cờ Bay trên thành phố thân yêu: “Qua đêm đen nhìn thấy ánh Mặt Trời” . Đây là một thành ngữ mang ý nghĩa tích cực, thể hiện sự khởi đầu mới, sự thay đổi và phát triển.

Nói đến ngày "冬至", là người Nhật sẽ nhớ đến ngay những món ăn có tính cách truyền thống như:

すき焼き" (sukiyaki): là một món lẩu thịt bò, đậu phụ, hành lá, v.v.
"雑煮" (zōni): là một món súp gồm đậu phụ, bánh dày, và các loại rau củ.

….

Có một điều khá thú vị mà tôi vừa khám phá khi đến một nơi cần phải đến:

Trong ngày Đông Chí ở Nhật Bản, tên những thực phẩm có chữ “ん” (tiếng Việt đọc là “n”) thì được coi là tốt lành, may mắn.  Theo giải thích của bác Google thì “ん-n'' có nghĩa là 'trường thọ'' nên khuyên ăn các loại thực phẩm này để cầu mong một cuộc sống trường thọ và khỏe mạnh suốt cả năm.

Có thể kể sơ sơ vài loại:

Củ sen (renkon – れんこん)
Cà rốt (Ninjin - ニンジン)
Udon (udon-うどん)
Hạt bạch quả (銀杏 (ginkyo -ぎんきょう)

Bí đỏ (Kabochaカボチ, còn gọi là bí ngô). Kabocha này bắt nguồn từ chữ 南京(Nam Kinh). Nếu đọc theo tiếng Nhật thì là なんきん。Bạn ta để ý chữ thứ 2 và thứ 4 là chữ ん, có 2 chữ ん nên sự may mắn sẽ tăng lên gấp bội. Màu vàng tươi của quả bí còn mang ý nghĩa cầu may mắn về tài chính.

Có thật thế không thì tôi không biết, tôi cũng bị mẹ cháu “ép” ăn suốt 4 mùa lá đổ mà có thấy….may mắn gì đâu! Thiệt tình.

"おでん" (oden): là một món lẩu gồm nhiều loại nguyên liệu như đậu phụ, củ cải, trứng, cá trích, v.v. Tuần trước tôi cũng được “thưởng thức” món này nhưng topping có chút ít “thay đổi”, các món liên quan cá-kiếc gì đó tôi yêu cầu mẹ cháu “đổi thay” bằng cánh gà, sò điệp (hotateホタテ)…

Nói tóm lại thì ăn món nào có những chữ んsẽ vô cùng hạnh phúc, báo trước cho những điềm lành, hanh thông trong năm mới. Thank Giving của xứ Cờ Hoa cũng có “Kabocha” nhưng chắc có lẽ bắt nguồn từ câu chuyện nào đó tôi….không biết, nhưng ở Nhật là như thế đó.

 Tất cả những thực phẩm này đều có đặc tính chung là mọc dài, không bị co lại trong cái lạnh mùa đông.  Ngoài ra còn có giá trị dinh dưỡng cao và phù hợp để quân ta giữ “dáng” trong mùa đông lạnh buốt.

 Ngoài ra, người Nhật cũng còn những tập tục khác như:

Họ tin rằng việc trồng cây vào ngày "冬至" sẽ giúp cây cối đơm bông kết trái trong năm mới. Tôi thì không biết nhiều về hoa hòe hoa sói, chỉ biết là Cây “Bã Trầu” trước nhà đã héo khô, nhưng tôi biết chắc chắn nó sẽ trở nên tươi mát hơn vào “Hạ Chí” vì thuộc loại cây trường sinh bất tử.

Ngoài ra còn có phong tục tắm nước nóng với trái yuzu (ゆず, giống giống trái chanh, còn gọi là quất).  Yuzu được cho là có tác dụng xua đuổi tà ma, giúp cho sức khỏe tốt trong suốt cả năm.

Dạo này, thỉnh thoảng trên Truyền hình, trong các sở thú, thấy mấy con gấu cũng đang “ngâm” mình trong nước nóng cùng với trái ゆず. Không biết nó có liên quan gì đến “thuyết âm mưu trừ ma quỉ” không nhỉ?

Vào mùa Đông, ngày nào mà tôi chả tắm nước nóng, nhưng không biết vụ yuzu gì đó, chắc cũng phải nói mẹ cháu mua giùm vài quả ngâm một vài lần cho biết.   Tôi cũng chả mong gì hơn, chỉ có niềm hy vọng rất là nho nhỏ: sức khỏe bằng năm cũ là vui dư sức.  

Xuân phân (春分)

Xuân phân được gọi là 春分 (harubun), được coi là một ngày đánh dấu sự bắt đầu của mùa xuân. Vào ngày này, người Nhật thường tổ chức các lễ hội cầu mùa, cầu mong cho mùa màng bội thu. Một trong những lễ hội Xuân Phân nổi tiếng nhất ở Nhật Bản là lễ hội Hinamatsuri (Lễ hội búp bê), được tổ chức vào ngày 3 tháng 3 dương lịch, nhằm cầu mong cho con gái được khỏe mạnh, xinh đẹp và ngoan ngoãn. Trong ngày này, người Nhật cũng thường ăn các món ăn truyền thống như mochi (bánh dày), sakura mochi (bánh dày nhân hoa anh đào), và mochitsuki (lễ hội làm bánh dày).

Thu phân

Thu phân được gọi là 秋分 (shūbun), đánh dấu sự bắt đầu của mùa thu. Vào ngày này, người Nhật thường tổ chức các lễ hội cầu mùa, cầu mong cho gia đình và bản thân được bình an, hạnh phúc. Một trong những lễ hội Thu Phân nổi tiếng nhất ở Nhật Bản là lễ hội Tanabata (Lễ hội sao). Lễ hội này được tổ chức vào ngày 7 tháng 7 dương lịch, nhằm cầu mong cho những ước nguyện của mọi người được thành hiện thực. Trong ngày Thu phân, người Nhật cũng thường ăn các món ăn truyền thống như tsukune (thịt viên), yakitori (thịt xiên nướng), và sushi.


Hạ Chí

Mùa hè ở Nhật Bản bắt đầu từ ngày 21 hoặc 22 tháng 6 dương lịch, khi Mặt trời nằm ở vĩ độ 23,5 độ Bắc, và kết thúc vào ngày 22 hoặc 23 tháng 8 dương lịch, khi Mặt trời nằm ở vĩ độ 23,5 độ Nam.

Ngày 夏至 là ngày dài nhất và đêm ngắn nhất trong năm, được coi là thời điểm bắt đầu của mùa hè.

Nói tóm lại:

Xuân và Thu: ngày và đêm dài bằng nhau. (Mát dễ chịu– Phơn phớt lạnh)
Hạ: ngày dài đêm ngắn (nóng cháy da)
Đông; ngày ngắn đêm dài (lạnh thấu xương)

Sẽ tiếp tục chương trình về món ăn ngày Tết Osechi của Nhật sau vài ngày nữa nếu không “nổi cơn”. Không biết Tết và Giáng Sinh năm nay, sẽ được ăn gì và uống gì vì chưa thấy “cấp trên” nói gì cả. Đành phải “Chờ Văn Đợi” thôi.

Khổ cho thân tôi quá, suốt ngày chỉ ước với mơ.

Merry Christmas và Happy NewYear bạn ta. Hẹn gặp lại.

Vũ Đăng Khuê


VDK vuon 1
Lá bã trầu xinh tươi (Hạ Chí)


Bã trầu đôngLá bã trầu tàn tệ (Đông Chí)


xuân phânXuân phân

hạ chíHạ chí




Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc