CẦM LÒNG KHÔNG ĐẬU - Vũ Đăng Khuê

13 Tháng Mười Hai 20237:52 CH(Xem: 255)


Cầm lòng không đậu!

Có những giằng co, níu kéo, xì xầm từ gần đến xa làm tôi nhức nhối. Gần là từ ….mẹ cháu:


- “thấy mỗi kỳ có gì là anh “dziết” mà, kỳ này thì sao?”.
- “Thôi mà, chưa có hứng, lấy gì mà “dziết”!

Của cô em xứ Huế:

- “Nhớ đi nghe anh, anh đi người anh mới khỏe, đừng ngồi một chỗ mà xung quanh là bốn bức tường, em và một số các bạn rất muốn gặp và em… muốn đọc”,

Xa như bà bạn ở xứ Chuột Túi:

“Ngoài những chia sẻ từ chính ngay chủ xị là chú Huy mà tôi đã đọc, nhưng tôi vẫn cảm thấy chưa đủ, chưa toàn cảnh. Là một “nhân chứng sống” từ đầu đến cuối, cảm tưởng của bác sẽ đem đến cho những người từ xa như tôi hiểu rõ hơn về không khí, tâm tình. Bác xuống bút liền ngay đi, để vin vào đó mà tôi mới có can đảm… đứng lên cầm bút lại.”
 

Những nhắc nhở liên tục như lời réo gọi, khiến tôi “mềm lòng”, và tôi đã… cầm lòng không đậu.

Dạ vâng, trong tinh thần “Nhớ gì ghi đó” về buổi Nhạc Thính Phòng hôm chủ nhật 10/12 vừa qua. Lần đầu tiên, tôi, một kẻ hoàn toàn đứng ngoài, là khán-thính giả nghe, quan sát, sự việc từ đầu đến cuối, tôi sẽ viết được…. bấy nhiêu hay bấy nhiêu, tôi bắt đầu:

------

Tôi đến hội trường khi chương trình đã bắt đầu được 2 mục, sau cái phông được giăng thả từ trên xuống dưới ghi rõ chủ đề, là một sân khấu có cái bục cao hơn sàn nhà khoảng gần 1 mét, trông đơn giản, đủ cho 3 micro, một người đàn cùng với một người hát, bên trái phòng là một piano loại lớn, Nguyên Khang đang “nức nở” bài hát quen thuộc mà tôi đã nằm lòng:

Đêm tha hương ai vọng trông
Đêm cô liêu chinh phụ mong
Đêm bao canh mưa âm thầm
Theo gió về khua cơn mộng
hẹn mai ánh xuân nồng.

Cho nên đêm còn dậy hương
để dìu bước chân ai trên đường
để nhìn xóm khuya không buồn
vì người biết mang tình thương.

Tiếng hát và lời bài hát “Xóm đêm”  của Phạm Đình Chương này đã đẩy tôi trở lại thế giới của tôi, đời sống của tôi, một đời sống của kẻ tha hương, hầu như suốt đời xa nhà xa nước.  Giữa Đông Kinh vào một ngày đầu Đông không lạnh lắm, nhưng tôi cảm thấy ớn lạnh và nhớ Saigon không tả, tôi tưởng như đang ngồi tại cà phê Năm Dưỡng hẻm 16 Nguyễn Thiện Thuật của những năm 68, 71 gạo thi Tú Tài 1 và 2. Vào quán, tôi luôn luôn uống một ly cà phê thật đậm, đặc quánh. một “đặc sản” của quán này. Cà phê có cái vị đắng nghét, để nguội lại có cái mùi tanh tanh, nhưng ngay trong lúc này bỗng nhiên tôi nhớ và thèm một ly không thể tả.

Một cánh tay khỏe mạnh, từ sau ôm cứng: Giọng nói rất quen, nghe nhiều lần.

- Ông cũng đi nữa à! Tưởng ông bẹp xó chứ.

À thì ra là Đ.T.Phát (bạn học cùng năm), ngoái nhìn đằng sau thì thấy anh Ng.H. Tuấn với mái tóc bạc trắng, mắt đang chăm chú hướng về sân khấu.

Tai tôi vẫn chú ý lắng nghe và miệng thì thầm theo từng câu hát. Được một lúc thì thấy chú Huy, tay cầm giấy đứng ngay bên cạnh:
- Cám ơn ông anh bà chị, Thấy anh chị đến tưởng như mình được lên dây cót.

Tôi cười và nói “vừa đủ nghe”:

- Gokurosan (một cách nói của người Nhật cảm tạ đối với một người khác khi vất vả với những chuyện đã làm, ý của tôi là cảm ơn chú Huy khi đã hết mình tổ chức “sự kiện”).

Trở lại chương trình, hôm nay tại hội trường Sangyo Plaza Pio, 3 tài năng âm nhạc tài ba: hội tụ tạo nên một “điểm đến” tuyệt vời, Nguyên Khang với giọng hát truyền cảm, có lúc như làn gió nhẹ thoảng của những bài hát ca ngợi và đau xót về tình yêu của các nhạc sĩ Phạm Đình Chương, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên….có lúc vui tươi, nhịp nhàng “Quizas Quizas Quizas”, có lúc nghẹn ngào và khàn khàn qua “Chiếc Lá Cuối Cùng”, rồi chàng “chơi” luôn bài tiếng Nhật mà chàng đã tập suốt mấy tuần, trên đường đến phố Shibuya bằng taxi, chàng cũng mở Iphone ra mà “nhép”, khiến ông tài xế, cũng nhận ra ngay là một bài hát Nhật, Là ca sĩ nên chàng có một trí nhớ siêu phàm, chàng phát âm “tiếng Nhật ra tiếng Nhật”. Ông tài xế và Nguyên Khang tuy cả 2 bên “bất đồng” ngôn ngữ, nhưng đã tìm thấy điểm chung, đã cảm thông và cùng “cảm nhận” chỉ qua tựa một bài hát. Âm nhạc vô biên giới thật!

Thú thật, ngay tại chỗ tôi chưa bao giờ được nghe một ca sĩ truyền đạt cảm xúc đến mức độ tận cùng như vậy, với đầy đủ cảm giác cho một người yêu và thích nhạc như tôi. Hình như Nguyên Khang đã sang đây một lần, lúc Nguyễn Đình Cẩm còn (2018). Nghe nói sẽ trở lại nhưng mãi đến bây giờ mới gặp. À quên, cách nói chuyện rất dí dỏm, hài hước, tiếu lâm của Nguyên Khang , “một chàng tuổi trẻ, đẹp trai, cao lớn” (lời Nguyên Khang “thú nhận”) đã khiến không khí hội trường rộn ràng, không còn cảm thấy “căng thẳng” của một buổi nhạc thính phòng. Khen Nguyên Khang có thêm một biệt tài này nữa.

Tiếng piano của “đại ca” Trúc Hồ (gọi là “đại ca” theo cách gọi của Nguyên Khang) thản nhiên như những dòng suối trải dài trên bàn phím, Đôi khi nhẹ nhàng nhấn mạnh cảm xúc, và đôi khi lại mãnh liệt nghe như những cơn sóng vỗ. Dường như piano trở thành tiếng nói thứ hai của nhạc sĩ, để các cung bậc cảm xúc của bài nhạc được thể hiện một cách cuốn hút nhất.

Bên cạnh là tiếng guitar của Dũng Đà Lạt, ngọt lịm, lôi cuốn,mang lại một màu sắc mới mẻ, nhẹ nhàng.

Tiếng hát của Nguyên Khang, tiếng piano của Trúc Hồ, tiếng guitar của Dũng Đà Lạt, tuy không phải là fullband nhưng đã tạo nên một sự cân bằng hài hòa, khiến âm nhạc trở nên hoàn thiện hơn bao giờ hết, buổi thính phòng dường như thoát khỏi ranh giới thực tế, một không gian đầy mê hoặc và thú vị và gợi mở đã dẫn đưa khán giả toàn hội trường đến những xúc cảm triền miên.

Sau gần 3 tiếng gần như độc diễn của Nguyên Khang, chương trình chấm dứt với bài hát yêu cầu của 2 khán giả đến từ Việt Nam “Em ơi Hà Nội Phố”. Đèn trong phòng bật sáng, và tôi nhìn rõ mặt mọi người, định bụng sẽ gặp và chào vợ chồng anh Tuấn Huế và Phát, thì họ đã về trước, nhưng bù lại tôi đã gặp khá đầy đủ và quen thêm bạn bè, có cả cái cô có dáng mặc áo dài mà tôi cho là đẹp nhất, gặp vài cô cháu: “Chú nhớ con không”? Xin lỗi các cháu, có cháu tôi mãi không nhận ra, vì đã lâu không gặp hoặc có cháu quá lâu không gặp.

Hy vọng những lần tới, lúc chưa “tắt thở” sẽ được hưởng những cảm xúc tột bậc như ngày hôm nay, một ngày đẹp và vui nhất trong năm. Mong là sẽ gặp lại Nguyên Khang, nói chuyện trực tiếp với Trúc Hồ, Dũng Đà Lạt.

Để bạn ta nắm vững, c/t đã diễn ra theo thứ tự

 

1. Xin còn gọi tên nhau

2. Xóm đêm
3. Nửa hồn thương đau
4. Đồng xanh
5. Bài không tên cuối cùng
6. Cơn mưa hạ
7. Giòng sông kỷ niệm
8. Một lần nữa thôi
9. Một thủa yêu người
10. Trời còn làm mưa mãi (nhạc Nhật リバイバル của 五輪真弓cùng với Vinh)
11. Fureai (ふれあい)Cùng với Vinh)
12. Lặng lẽ nơi này (Trọng Vinh)
13. Đi đâu để thấy hoa bay (Anh Đức- Gia Lễ)
14. Một ngày mùa đông (Tuyết Phụng- Quế Quang)
15. Ở nơi nào em có nhớ
16. Bản tình cuối
17. Delilah
18. Chiếc lá cuối cùng
19. Quizas Quizas Quizas
20. Autumn Leave
21. Đợi chờ
22. Can’t help falling in Love
23. Em ơi Hà nội phố

Ngoài 3 “gà nòi” chính gốc: Nguyên Khang, Trúc Hồ, Dũng Đà Lạt còn có sự góp mặt khá bất ngờ của “gà nhà” rất hay:

1/ Trọng Vinh trong 2 bài hát: 1 chung với Nguyên Khang (Trời còn làm mưa mãi), 1 hát riêng (fureai). Giọng hát rất đạt hao hao Nguyên Khang, nhưng theo tôi đề nghị thì cháu Vinh nên cố tạo cho mình một giọng hát của riêng mình chứ không phải nên giống người này hay người khác.

Mục 13 là của 2 người trẻ Anh Đức (hát) và Gia Lễ (đàn) “Đi đâu để thấy hoa bay”. Đây là lần thứ hai tôi được nghe. Tiếng hát truyền cảm và đã lên và tròn được những nốt nhạc cao nhất trong bài hát và tiếng nhả, rải, vuốt rất đều trên một guitar đơn giản.

Mục 14 là 2 người nhà: Tuyết Phụng và Quế Quang, một cặp vợ chồng rất ư là lí lắc, lúc nào cũng bám sát và bên nhau như hình với bóng trong bài hát “Một ngày mùa Đông”. Quang đàn và Phụng hát. Cái giọng và tiếng đàn đã “vỡ ra”.  Có thể nói là 2 em tiến bộ rất nhiều. Anh chị mong hai em cố gắng hơn nữa.

Để chấm dứt cho những phần “cầm lòng không đậu”, tôi cám ơn là ba “thằng” em: Thế Huy, Trung Hiếu, Quốc Đức là những “thằng” cùng tôi cách đây 23 năm, xuôi Nam ngược Bắc trong các chương trình văn nghệ Chào Mừng Quốc Tổ hoặc “nghênh đón” các ca sĩ đến từ Pháp, Mỹ, Úc, ….Osaka, Tokyo. Điều khen ngợi đầu tiên của tôi đến các chú là phần “thương lượng” sắp xếp chương trình, thu xếp, hội trường, đón “khách” về và “đưa khách đi” nhất là điều chỉnh hệ thống âm thanh của buổi nhạc. Với những dàn âm thanh “không chuyên nghiệp” cho một sân khấu lộng lẫy chứa 200 người của chú Huy vác từ Osaka, nhưng với kiến thức âm thanh tuyệt vời của chú Đức đã làm hội trường có một không gian đa chiều và chuyên nghiệp. Tiếng nhạc lan tỏa khắp phòng, truyền cảm hứng và lắng đọng trong trái tim… mẹ cháu ngồi ngay  bên cạnh: “Âm thanh hay quá bố”. Theo tôi, thì âm thanh lần này là hay nhất trong các c/t mà tôi tham dự. Mong những lần tới sẽ trở thành nhất-nhất.

Ngoài ra, cách làm việc các em, các cháu trong Hiệp Hội Người Việt Tại Nhật nhất là của Văn (con rể anh Tuấn Huế) đã làm tôi tin tưởng là nhóm trẻ này sẽ dư sức qua cầu khi phải “đối phó” với những “gian nan” trước mặt.

Trong lúc chào nhau chuẩn bị ra về có một “dàn” anh em trong Hiệp Hội đến đưa tôi một túi xách, có đựng một cái hộp, một bằng cảm tạ của Bản Bộ Tị Nạn và nói:

- Tụi con nhờ chú và chỉ có chú giữ giùm những thứ này vì mọi người muốn như thế,

 

Tôi mở cái hộp ra xem thì là một plaque pha lê trong suốt, có ghi hàng chữ vinh danh

những hoạt động của Hiệp Hội Người Việt Tại Nhật từ Bản Bộ Tị Nạn Đông Dương.


 Tôi ớ người:

 

“Tại sao lại là tôi mà không là anh Linh hay anh em khác, thời gian qua tôi có giúp anh em được gì đâu, ngoài những khuyến khích động viên?”.


- Tụi con thấy chỉ có chú, người có mặt và là người thành lập lâu dài nhất từ trước tới nay, bao giờ Hiệp Hội có văn phòng mới sẽ xin “thỉnh” về.

Đẩy qua đẩy lại, cuối cùng tôi phải nhận. Rất mong các em, các cháu sẽ mau chóng tìm được một văn phòng Hiệp Hội mới khang trang hơn.

Tôi chợt hiểu, thế hệ trẻ đang lên, thế hệ trẻ đang nối tiếp dòng sống. Tại sao tôi lại phiền hà về những chuyện sức khỏe, linh tinh này nọ nhỉ?


Đêm đó, về nhà tuy rất mệt vì thân thể khá bất an, nhưng tôi như thấy mình vui hơn vì được thưởng thức một chương trình rất ư là “tới bến”, những lời khen: “Trông anh, chú, bác khỏe ra không như những lần gặp trước”. Không phải đâu, cũng tiêu điều lắm bạn ta ơi. Có cô em nhắc nhở chú Huy: “Chú làm chương trình nhiều nhiều để sư phụ xuống núi”.

Tôi cũng thèm một ly cà phê đặc quánh cho thỏa lòng mong ước, nhưng đã bị “cấp trên” ra lệnh: “Uống vào thì lại “suốt đêm không ngủ, bên tách cà phê đen chúng ta ôn chuyện đời” (bài hát Mười Năm Tái Ngộ của nhạc sĩ Thanh Sơn) thì ngày mai lấy sức đâu mà đi gặp mấy cô “áo trắng””.

Tôi xin chấm dứt những dòng lẩm cẩm này. Hẹn ngày “Cầm lòng không đậu” khác.

Đã lâu tôi không còn viết tin tức, nên những chi tiết kỹ thuật 5W1H đã chuồn khỏi óc và đây là một bài viết đầy chủ quan. Bạn ta thứ lỗi.

Cám ơn bạn ta!

 

Vũ Đăng Khuê

 


Nguyen Huy-Truc Ho

Nguyễn Huy - cô gái có dáng mặc áo dài - Trúc Hồ

Nguyen Khang -DũngSân khấu với Nguyên Khang-Dũng Đà Lạt

Truc Ho-Nguyen Huy-Nguyen Khang

Trúc Hồ-Nguyễn Huy-Nguyên Khang-Dũng gui tar trước giờ khai mạc


Nguyen Khang posterPoster đêm nhạc thính phòng

Plaque Hiep Hoi VN

Plaque Bản Bộ Tị Nạn Đông Dương vinh danh Hiệp Hội Người Việt Tại Nhật

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc