LÁ DIÊU BÔNG, MỘT BÀI THƠ BA BÀI HÁT - Nghiêm Nguyễn

29 Tháng Mười Một 20239:44 CH(Xem: 271)
dieubong

         
Lá Diêu Bông, 1 bài thơ, 3 bài hát

                                                                    Nghiêm Nguyễn

   Không ít người lầm tưởng rằng bài “Lá Diêu Bông” còn có tên “Sao Em Nỡ Vội Lấy Chồng” của Trần Tiến là được phổ từ bài thơ Lá Diêu Bông của thi sĩ Hoàng Cầm. Thật ra nhạc sĩ Trần Tiến chỉ mượn bài thơ làm nguồn cảm hứng sáng tác chứ lời và ý nghĩa của bản nhạc hoàn toàn khác hẳn với bài thơ của Hoàng Cầm. Mối tình trong “Sao Em Nỡ Vội Lấy Chồng” là một mối tình trai gái anh - em bình thường chứ không phải là một mối tình thơ ngây, thuần khiết chị – em theo nguyên tác.

   Nếu nói bài thơ được phổ nhạc thì đó là bài Lá Diêu Bông  (Hoàng Cầm 2) được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc vào giữa thập niên 1980. Đây là ca khúc phổ nhạc có lời ca gần nhất với bản gốc bài thơ của thi sĩ Hoàng Cầm. Nhạc sĩ Phạm Duy hầu như không sửa đổi gì lời thơ.  Dường như để làm rõ thêm ý tứ của Hoàng Cầm, Phạm Duy đã đặt thêm hai câu cuối cùng bài hát

Em đi trăm núi nghìn sông

 Nào tìm thấy lá diêu bông bao giờ…

   Trong một lần giới thiệu bản nhạc này, nhạc sĩ Phạm Duy đã diễn giải thi sĩ Hoàng Cầm đã dùng lối ẩn dụ khi sáng tác bài thơ. Lá Diêu Bông theo ông chỉ là chiếc lá tưởng tượng không có thật ngoài đời giống như những lý thuyết trong chủ nghĩa Cộng Sản, đó là những điều không tưởng không thể nào có hay thực hiện được. Chạy đi tìm lá diêu bông là chạy đi tin theo những giáo điều hoang tưởng, huyễn hoặc của chủ nghĩa Cộng Sản.

Lá Diêu Bông (Hoàng Cầm Ca 2)

(Phạm Duy phổ thơ Hoàng Cầm)

Đứa nào tìm được lá diêu bông
Từ nay tao sẽ gọi là chồng
Tao sẽ gọi là chồng
Đứa nào tìm được lá diêu bông...
Vài ngày sau em tìm thấy lá
Chị chau mày: đâu phải lá diêu bông!
Mùa Đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu nhìn nắng vãn bên sông.

Đứa nào tìm được lá diêu bông
Từ nay tao sẽ nhận là chồng
Tao sẽ nhận là chồng
Đứa nào tìm được lá diêu bông...

Ngày cưới Chị, em tìm thấy lá
Chị mỉm cười, se chỉ, cắm trôn kim
Chị đã ba con, em tìm thấy lá
Xoè tay, phủ mặt, Chị không nhìn...

Đứa nào tìm được lá diêu bông
Thì từ nay tao sẽ gọi là chồng
Tao sẽ gọi là chồng
Đứa nào tìm được lá diêu bông...
. . . . . .

Từ thuở đó, em cầm chiếc lá
Nơi đầu non cuối bể, em đi
Lời vi vút gió quê lắng gọi
Diêu bông hời hỡi diêu bông
Em đi trăm núi nghìn sông
Nào tìm thấy lá diêu bông bao giờ...

   Tuy nhiên theo lời kể của thi sĩ Hoàng Cầm thì bài thơ Lá Diêu Bông được viết từ một câu chuyện có thật của chính đời ông, về mối tình đầu khi ông còn là một cậu bé 10 tuổi với một người thiếu nữ tên Vinh 16 tuổi ở cạnh nhà.

“Bài thơ “Lá diêu bông” tôi viết về một câu chuyện có thật, câu chuyện về mối tình đầu tiên trong đời tôi. Vào một đêm năm 1959, khoảng 3 giờ sáng, tôi chợt tỉnh giấc rồi thao thức không ngủ lại được. Căn nhà ở phố Lý Quốc Sư nằm sâu phía trong, lại thêm thuở ấy ban đêm không có tiếng xe tiếng còi ầm ĩ như bây giờ, nên đêm khuya càng thêm thanh vắng. Chợt tôi thấy lóe trong đầu văng vẳng mấy câu thơ do một người đàn bà đọc bằng giọng lanh lảnh: Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng...

Tôi lấy ngay cây bút chì và tập giấy luôn để sẵn trên đầu giường ghi lại. Rồi từng mẩu ký ức cứ hiện lên trong đầu tôi, hình ảnh người đàn bà, người Chị năm xưa cứ rõ nét dần để đi trọn hết bài thơ.

Tôi nhớ đâu hồi lên 4 tuổi, cha mẹ tôi từ làng quê chuyển lên sống ở một phố nhỏ dọc đường quốc lộ. Gọi là phố nhưng thực ra chỉ có khoảng 14, 15 ngôi nhà dựng dọc hai bên đường, cách thị xã Bắc Giang chừng 6 cây số. Nhà tôi quay về hướng tây, phía trước là đường cái, sau nhà có một mảnh vườn nhỏ có hàng rào dâm bụt, tiếp đấy là đường xe lửa. Người trong phố làm các nghề thợ may, cắt tóc. Cha tôi có tủ thuốc bắc và gánh hàng xén của mẹ.

Lên 5, cha tôi đã cho tôi đến trường, cách nhà chừng 2 cây số. Nhưng đi học xa, dọc đường hay bị trẻ chăn trâu bắt nạt, vì vậy năm sau ông gửi tôi lên tỉnh học. Lên 6 tôi đã đọc thông viết thạo, lại thêm võ vẽ chữ Pháp, nên được nhận vào trường công ở thị xã Bắc Giang. Tôi được gửi ở nhà thầy ký ga Núi Tiết. Mỗi chiều thứ bảy, tôi đi thẳng từ trường ra sân ga lấy vé, đi tàu mất 10 phút là về đến ga gần nhà. Thuở ấy đi tàu dễ dàng nên trẻ con đi một mình cũng không sợ. Cuộc đời của một thằng bé cứ lặng lẽ trôi nếu không có một biến đổi về tình cảm mà dấu ấn của nó sẽ để lại trong lòng tôi nhiều cảm nghĩ đến tận sau này.

Năm đó tôi lên 10, đã học đến lớp ba (cour élémentaire). Một buổi chiều thứ bảy, tôi về nhà như thường lệ. Đang dừng lại ngoài sân nhìn vào trong nhà, tôi thấy có một người đàn bà đang cúi xuống bồ hàng xén của mẹ tôi chọn mua một cái gì đó. Chị mặc chiếc áo phin trắng, ngoài có chiếc gilê màu thẫm. Khi đó nắng xiên khoai dọi vào nhà, lúc chị ngửng đầu lên thì cả khuôn mặt chị được ráng vàng chiếu sáng, tôi thấy bừng lên một khuôn mặt khiến tôi choáng váng cả người. Không hiểu cái máu đa tình có từ bao giờ, mà chỉ mới lên chín lên mười, tôi đã bị khuôn mặt đó làm cho tôi ngơ ngẩn suốt buổi chiều. Mua hàng xong chị ra về, khi đi ngang qua tôi trông theo, thì biết chị là người hàng xóm, ở ngôi nhà ngay bên kia đường hơi xế cửa nhà tôi. Hỏi mẹ thì biết gia đình nhà đó mới dọn về, có ba mẹ con, chị là con gái lớn, còn một cậu em trai nhỏ. Thảo nào tuần trước tôi về chưa gặp. Tên chị là Vinh. Cả ngày chủ nhật hôm sau, tôi cứ ngong ngóng nhìn sang nhà đàng trước, chờ xem chị có xuất hiện không. Đến sáng thứ hai tôi lại quay trở về thị xã.

Về đến Bắc Giang, tôi làm ngay một bài thơ gửi chị, theo thể lục bát. Hồi đó tuy chưa học niêm luật, nhưng tôi đã biết làm thơ lục bát. Nguyên tôi trọ học ở nhà ông ký ga, buổi tối nhà chủ thường tập trung các bà, các chị trong xóm đến làm hàng xáo. Buổi tối khoảng 9 giờ học xong, trước khi đi ngủ, các bà các chị thường gọi tôi xuống nhà dưới đọc truyện cho mọi người nghe, trong khi họ đang giần sàng thóc gạo. Mỗi tối tôi đọc chừng một tiếng rồi đi ngủ, các bà thường thù lao, khi thì bát chè, khi thì phong kẹo. Nhưng cũng nhờ vậy mà tôi được đọc hết mọi truyện thơ dân gian, từ Phạm Công Cúc Hoa, đến Nhị độ mai, rồi Hoàng Trừu... Tôi có giọng tốt, lại biết ngâm nga, nên được các bà tín nhiệm, và cũng vì vậy mà thơ lục bát cứ ngấm vào người tôi, không cần học cũng biết cách gieo vần.

Tôi chép bài thơ vào tờ giấy học sinh. Trang đầu chép bốn câu có vẽ hoa bướm, trang sau chép nốt bài. Tôi không còn nhớ bài thơ tình đầu tiên đó viết những gì. Chỉ nhớ là tôi nắn nót viết lên đầu trang giấy dòng chữ "Em gửi chị Vinh của em". Tôi bỏ thơ vào phong bì, chờ hôm về nhà, tìm gặp chị trao tận tay nói: “Em gửi chị cái này.” Chị không mở ra xem, chỉ mỉm cười hơi bí mật rồi bỏ vào túi, không nói gì. Sau đó chị không nhắc đến bài thơ đó, và tôi cũng không hỏi lại.

Từ đấy tôi không chỉ về nhà chiều thứ bảy, mà ngày thứ năm được nghỉ, tôi về cả chiều thứ tư. Mục đích là để được gặp chị. Ngày nghỉ, hễ thấy chị đi đâu là tôi đi theo đấy, đôi khi chị thấy tôi đi theo thì đưa tay dắt. Mỗi khi chị ôm chiếu ra sông giặt, tôi lại lẽo đẽo đi theo, ngồi trên bờ nhìn chị cúi khom mình giặt chiếu ven sông. Tình yêu tôi dành cho chị chỉ có thế, nhưng nó cứ đeo đẳng tôi hết năm này sang năm khác. Tôi càng lớn thì tình yêu đó càng thêm đằm thắm, nhưng tôi chưa biết làm thế nào để bày tỏ mối tình của mình.

Lên 12 tuổi, những đêm sáng trăng, chị Vinh thường tập hợp trẻ em từ 10 đến 15 tuổi cả trai lẫn gái, tụ tập trên bãi cỏ sau ga để tập hát. Chị Vinh có giọng ca tốt, thường cùng một vài chị trong xóm hát Quan họ. Chúng tôi được chị dạy hát đủ loại dân ca như Trống quân, Cò lả... Mỗi khi đứng hát, tôi thường chen vào đứng cạnh chị, có khi tôi đứng trước chị, đầu tôi vừa đúng ngang tầm ngực của chị. Có khi chị ôm lấy vai tôi, tôi hơi ngả đầu vào người chị, chị khe khẽ vuốt cổ xoa lên hai vai tôi. Tôi có một cảm giác là lạ, đó là những giờ phút say sưa nhất của tôi. Những đêm tháng chín tháng mười, trời hơi se lạnh, đứng dưới gốc cây trên bãi cỏ, tôi được hơi ấm từ người chị truyền sang. Hình như chị cũng cảm thấy sự ham muốn của tôi. Mặc dù lúc đó tôi còn bé, nhưng là một cậu bé khôi ngô tuấn tú, lại có đi học, khác hẳn với những đứa trẻ khác trong xóm. Được chị ôm trong lòng, nhưng tôi chưa bao giờ dám chủ động ôm người chị.

Lần ấy, trong dịp lễ Noel, tôi được nghỉ mấy ngày. Đang đứng ở sân, tôi chợt thấy chị Vinh bỏ cửa hàng đi ra cánh đồng. Tôi vội đi theo. Thấy chị rẽ xuống ruộng, bới các bụi cây ven bờ ruộng. Tôi cũng nhảy xuống theo, không biết chị có nhìn thấy tôi hay không. Chợt chị ngẩng lên hỏi: "Sao mày cứ theo tao lẵng nhẵng như thế này nhỉ?" Tôi không trả lời, nhưng thấy sung sướng vì đã được chị chú ý tới. Rồi chị tiếp tục cúi xuống tìm, cuối cùng bước lên trên một cái gò nhỏ có nhiều bụi cây dại. Tôi hỏi chị tìm cái gì. Chị dừng lại thẳng người lên, nhìn vào mắt tôi nói: “Chị tìm cái lá...” (tôi không nhớ là chị gọi cái lá gì nữa). Rồi chị tiếp lời: “Đứa nào tìm được ta gọi làm chồng...” Nghe câu nói đó, tôi cảm thấy sung sướng vô cùng, người nóng ran lên. Tôi nghĩ đó là một cái lá gì kỳ diệu lắm, có thể dùng làm thuốc, hoặc dùng đắp lên mặt như các cô gái hồi đó thường làm. Tôi cảm thấy giữa chị và tôi có một tình yêu mãnh liệt. Mà tình yêu đó giống như tình yêu tôi dành cho mẹ. Tôi không có chị gái, vì vậy đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy một tình yêu đối với người chị.

Hai mươi lăm năm sau, câu chuyện đi tìm lá của chị Vinh hiện lại trong bài thơ mà tôi đặt cho cái tên là “Lá diêu bông.”

Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
cuống rạ
Chị bảo
- Đứa nào tìm được lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng...

Một tuần sau, khi tôi từ trên tỉnh trở về, nhìn sang trước nhà thấy cửa đóng im ỉm. Tôi vội hỏi mẹ nhà đó đi đâu rồi. Mẹ tôi trả lời, trong giọng nói như có nước mắt: "Nó đi lấy chồng rồi con ạ." Tôi òa lên khóc, gục đầu vào lòng mẹ. Không biết mẹ tôi có biết mối tình của tôi đối với chị Vinh không, mà sao mẹ lại nói bằng giọng nghẹn ngào? Khi đó cha tôi vừa về, tôi vội lau nước mắt, không dám để cho cha nhìn thấy. Về sau mẹ kể cho tôi biết có một ông Quản khố xanh đi qua đây, trông thấy chị đã mê vì nhan sắc. Chị bằng lòng lấy lẽ, ông Quản đưa cả mấy mẹ con về Phủ Lý quê ông. Từ đấy tôi không gặp chị nữa.

Nhưng câu chuyện chưa kết thúc ở đấy. Năm đó tôi đã 17 tuổi, vừa thi đỗ tú tài xong, đang sống ở Hà Nội. Nhân ngày nghỉ, có một người bạn ở Sen Hồ có người anh cưới vợ, đã rủ tôi về nhà chơi, luôn tiện ăn cỗ cưới. Cỗ bàn xong, chiều hôm đó tôi dạo ra phố Sen Hồ chờ tàu về Bắc Giang. Lúc đó tôi đã viết báo nên cũng có tiền. Tôi mặc bộ complet, thắt ca vát, đầu đội mũ phớt, ra dáng người dân chốn thị thành. Đang thả bộ đi dọc phố, chợt nghe có tiếng gọi: "Cậu Việt ơi!" Nghe giọng quen quen, tôi nhìn sang bên kia đường, thì thấy chị Vinh đang ngồi bên một cái tủ bày bánh kẹo, cạnh một cái chõng bán nước chè. Tôi bước sang đường, chị Vinh mừng rỡ chạy ra, đặt hai tay lên vai tôi rồi kéo vào nhà nói chuyện. Bà mẹ đã già nhưng còn nhớ tôi, hỏi thăm cha mẹ tôi. Một lát sau bà bảo bà có việc phải đi vào làng, tối có thể không về, cậu cứ ở lại xơi cơm. Cậu em đã lớn cũng theo mẹ đi. Hình như cả hai đều biết giữa tôi và chị Vinh còn có nhiều điều muốn nói với nhau. Chị kéo tôi ngồi xuống chõng, chị ngồi cạnh ôm ngang lưng tôi. Tôi nhẹ nhàng khẽ gỡ tay chị ra. Chị kể cho tôi biết tình cảnh của chị sau khi lấy chồng. Chị lấy ông Quản đã có một mặt con. Mấy mẹ con chị về Phủ Lý cũng vẫn tiếp tục buôn bán làm ăn. Nhưng dần dần ông Quản ruồng bỏ chị, đi theo người khác. Cuối cùng ông đã đuổi mấy mẹ con đi. Gia đình chị không muốn trở về chốn cũ, nên đưa nhau về Sen Hồ.

Tôi ái ngại nhìn chị. Lúc này trong tôi không còn cái tình yêu say mê của thời thơ ấu. Tôi chỉ cảm thấy thương cho một con người tiều tụy, nhan sắc đã tàn phai. Bảy tám năm đã trôi qua, nhưng hình ảnh của chị năm tôi lên 10 vẫn còn đọng mãi trong tôi.

Ngày cưới Chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim.

Và cảm giác khi đánh mất chị như vẫn còn đi suốt đời thơ tôi:

Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu Bông hời!...
... ới diêu bông!...

Hoàng Cầm

(17-9-2004)

 

 Dưới đây là nguyên tác bài thơ Lá Diêu Bông    
                                          

                         Lá Diêu Bông

                        Hoàng Cầm

“Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thờ đi tìm
Đồng chiều,
Cuống rạ.
Chị bảo:
Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng.
Hai ngày em tìm thấy lá
Chị chau mày: Đâu phải Lá Diêu Bông.
Muà đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu,
Trông nắng vãng bên sông.
Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xoe chỉ cắm trôn kim.
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xoè tay phủ mặt chị không nhìn.
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể.
Gió quê vi vút gọị
Diêu bông hời … ới Diêu Bông!”.

 

   Nhạc sĩ Trần Tiến sang tác ca khúc “Lá Diêu Bông” hay “Sao Em Nỡ Vội Lấy Chồng" vào năm 1990, mang âm hưởng dân ca Bắc Bộ. Bài hát này được Trần Tiến viết để tuyên truyền cho phong trào Dân số - Kế hoạch hóa gia đình - một phong trào được Liên Hợp Quốc bảo trợ.  Nhạc sĩ Trần Tiến cho biết khi viết ca khúc này gặp nhiều khó khăn, ông có ý tứ, có giai điệu ban đầu nhưng chúng không trọn vẹn để bật ra thành ca khúc hoàn chỉnh.

"Trong một lần nhậu, bạn tôi ngân lên câu thơ: "Bướm vàng đậu trái mù u/Lấy chồng càng sớm, lời ru càng buồn". Tôi nghe và tỉnh cả người. Trên chuyến xe về nhà, giai điệu ca khúc và lời nhạc cứ ngân vang lên dần dần nhưng vẫn chưa hoàn thiện", nhạc sĩ chia sẻ. Sau đó, ca khúc được phát triển thêm khi nhạc sĩ Trần Tiến nhớ về người phụ nữ mà chú ruột muốn ông kết hôn. Nhưng đến đây, ca khúc vẫn chưa thể hoàn thiện, người nhạc sĩ này nhớ lại cô cháu gái xấu số qua đời năm 16 tuổi của mình. Bướm vàng là hình ảnh ông liên tưởng về cô cháu gái xinh đẹp nhưng vắn số.

   Cũng theo nhạc sĩ Trần Tiến, lá Diêu Bông không phải là lá tưởng tượng, lá huyền thoại không có thật.  Trong một lần lên Điện Biên biểu diễn, Trần Tiến tình cờ gặp một bà cụ và được hỏi: 'Anh Tiến có thích đi tìm lá diêu bông không?' Bà cụ này cho biết lá diêu bông có thật trên đời. Tuy nhiên loại lá này rất khó tìm vì phải đi vào đúng mùa trăng, canh ngày giờ cẩn thận vào đúng khu rừng có lá mới có thể tìm được. 'Người dân ở đó nói ai nhìn thấy chiếc lá diêu bông dưới trăng thì sẽ hạnh phúc cả đời.

Lá Diêu Bông

(Sao Em Nỡ Vội Lấy Chồng)

 Trần Tiến

Lời ru buồn, nghe mênh mang, mênh mang
Sau lũy tre làng, khiến lòng tôi xôn xao
Ngày lấy chồng, em đi qua con đê
Con đê mọc lối cỏ về, có chú bướm vàng bay theo em
Bướm vàng, đã đậu trái mù u rồi
Lấy chồng sớm làm gì, để lời ru thêm buồn
Ru em thời thiếu nữ xa xôi
Còn đâu bao đêm trăng thanh, tát gàu sòng vui bên anh
Ru em, thời con gái kiêu sa
Em đố ai tìm được, lá diêu bông
Em xin lấy làm chồng
Ru em, thời thiếu nữ xa xôi
Mình tôi lang thang muôn nơi, đi tìm lá cho em tôi
Ru em, thời con gái hay quên
Thương em tôi tìm được, lá diêu bông
Sao em nỡ vội, lấy chồng?

Lời ru buồn, nghe mênh mang, mênh mang
Sau lũy tre làng, khiến lòng tôi xôn xao
Ngày lấy chồng, em đi qua con đê
Con đê mọc lối cỏ về, có chú bướm vàng bay theo em
Bướm vàng, đã đậu trái mù u rồi
Lấy chồng sớm làm gì, để lời ru thêm buồn
Ru em thời thiếu nữ xa xôi
Còn đâu bao đêm trăng thanh, tát gàu sòng vui bên anh
Ru em, thời con gái kiêu sa
Em đố ai tìm được, lá diêu bông
Em xin lấy làm chồng
Ru em, thời thiếu nữ xa xôi
Mình tôi lang thang muôn nơi, đi tìm lá cho em tôi
Ru em, thời con gái hay quên
Thương em tôi tìm được, lá diêu bông
Sao em nỡ vội, lấy chồng?

Ru em, thời thiếu nữ ca xôi
Mình tôi lang thang muôn nơi, đi tìm lá cho em tôi
Ru em, thời con gái hay quên
Thương em tôi tìm được, lá diêu bông
Sao em nỡ vội, lấy chồng?
Sao em nỡ vội... lấy chồng?

 

  Ngoài 2 ca khúc trên, ca khúc thứ ba cần phải kể đến là ca khúc Chuyện Tình Lá Diêu Bông do nhạc sĩ Nguyễn Tiến viết lại lời trên nền nhạc dân ca Thanh Nghệ Tĩnh. Với ca khúc này, hình ảnh, nội dung, ý tứ thơ của thi sĩ Hoàng Cầm hầu như được giữ lại nguyên vẹn, nhạc sĩ Nguyễn Tiến chỉ thay đổi chút ít cho phù hợp với giai điệu nhạc.

 

Chuyện Tình Lá Diêu Bông

Nguyễn Tiến

 

Nhớ đồng chiều cuống rạ
Chị thẩn thơ đi tìm

Em ở đầu làng chiều xuống ven đê
Theo sau chị đi tìm chợt nghe lời chị nói:
"Ai mà tìm được lá diêu bông
Từ nay chị sẽ lấy làm chồng".
Hai ngày sau em tìm thấy lá
Chị chau mày: "Đâu phải lá diêu bông".
Mùa đông sau em lại tìm thấy lá
Chị lắc đầu nhìn nắng bên sông.

Lần cuối chị qua đồng chiều cũ
Tay em cầm lá diêu bông
Chị cười quay đi không nhìn lá
Để gió quê vi vút, diêu bông hỡi diêu bông...
Ngày cưới xe hoa qua làng cũ
Tay em cầm chiếc lá đứng ven đê
Chị buồn quay đi không nhìn lá
Để gió quê vi vút, diêu bông hỡi, diêu bông hời..


  Trong 3 bản nhạc có lẽ nhạc của Phạm Duy hay hơn  hết, nhưng bài của Phạm Duy và Nguyễn Tiến tương đối khó hát trong khi bản nhạc của Trần Tiến mang âm điệu dân ca gần gũi, du dương dễ hát nên được phổ biến hơn. Có một dạo hầu như ở các tiệc cưới đều thấy người ta hát bài này. Ngày cưới có người than thở “Sao em nỡ vội lấy chồng” vậy mà thiên hạ vẫn nhiệt liệt vỗ tay khen, miệng của cô dâu chú rể thì luôn cười rạng rỡ. Đúng là “Ở chỗ nhân gian không thể hiểu” *.

   Dù tưởng tượng hay có thật, chiếc lá Diêu Bông huyễn hoặc đó là nguồn cảm hứng sáng tác những vần thơ, giòng nhạc tuyệt vời điểm tô khu vườn thi ca Việt Nam thêm nhiều hương sắc.  Chắc hẳn nhiều người chúng ta đã từng tìm kiếm chiếc lá diêu bông cho đời mình, cho những lý tưởng cao vời, những hoài bão hằng ấp ủ hay cho một tình yêu rướm máu, đam mê chất ngất.

 

(Mùa lễ Tạ Ơn 2023)

……………………………………………………………………

* Thơ Du Tử Lê

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc