VÀI DÒNG - Vũ Đăng Khuê

01 Tháng Năm 20237:37 CH(Xem: 542)


Vài dòng….!

(Thân tặng nhóm Thanh Nhạc Lê Hồng Quang)

Đã bước vào tuổi thất thập, có nghĩa là đã quá lão của… lão, nếu có ai gọi mình là …Cụ cũng chả sai, nhưng bây giờ ….”đổi mới”, bạn ta lại gọi tôi là Anh, là Chú, là Bác chứ chưa nghe tiếng Cụ. Vậy là mình còn Trẻ chứ nhỉ? Nói gì thì nói, “Già” thì thường mang những…“tính” hay “tật”, thích gặp bạn bè tán gẫu, thích đi đây đi đó, thích ăn và thích uống…. Chẳng may, bước vào tuổi này với một thân thể “tệ” hơn xưa, tôi lại không có may mắn được phép thích những điều như vừa kể. Chỉ giống vàicái “tật” xấu là ngủ trễ, dậy sớm và rồi suốt ngày cứ ngồi mơ với tưởng. Sáng nay cũng thế, khoảng 5 giờ hay 5 giờ rưỡi mắt đã sáng trưng, như thường lệ, với tay bật cái tablet mà lúc nào cũng để ngay bên cạnh. Ánh sáng của màn hình bật sáng, liếc qua thấy có lời nhắn của một người bạn trong nhóm thanh nhạc Lê Hồng Quang (LHQ). Dụi mắt để nhìn rõ thì thấy những dòng chữ này. Sau khi kể lể với đầy đủ lý do, bạn tôi từ một nơi xa tít đã ngắn gọn “kết luận”:

“…em xin anh cho em vài dòng nói về cảm nhận của anh về nhóm thanh nhạc trong lần biểu diễn vừa rồi. Em cảm ơn anh trước nhé anh”.

Ơ! các bài viết của tôi, của chú Huy, của bà bạn tôi ở bên Úc Phạm Diễm Hương đã tỏ rõ rồi mà, còn gì đâu mà “Cảm thị Nhận” nữa nhỉ? Nhưng câu nói: “Em cảm ơn anh trước nhé anh” đã khiến tôi “choáng váng”, nó như là một “mệnh lệnh” ngầm, dịu dàng, mang đầy tính…áp đảo, bắt “đối phương” chỉ có “Yes” chứ không có “No”. Tiếng Việt ta độc thiệt: “Cám ơn trước”, 3 từ ngữ này tiếng Nhật không có, tiếng Anh không biết có hay không? tiếng khác thì sao nhỉ. Lại phải mang vào người một món …nợ. Nhưng suy đi nghĩ lại, nợ tình, nợ tiền bạc thì còn “Lo văn Lắng”, chứ còn nợ bài viết thì cứ thủng thỉnh nghĩ với suy, mà đâu phải ai cũng được “hân hạnh” nhắc nhở. Tôi bình tĩnh nằm suy nghĩ để có “Vài dòng”. Tôi bắt đầu lang thang trong tinh thần “Nhớ gì ghi đó”. Bạn ta đồng ý?

-------------

Tôi nghe tên Lê Hồng Quang (người hướng dẫn nhóm Thanh Nhạc LHQ) từ 9 năm trước qua các chương trình “Câu Chuyện Văn Nghệ” phát liên tiếp trên “Người Việt TV” nói về nền tân nhạc Việt Nam ngày xưa, về những ban hợp ca, về những nhạc sĩ, nam nữ danh ca nổi tiếng của miền Nam nước Việt. Với một số kiến thức rất vững vàng, bài bản thu thập từ những trường lớp, lại thêm tinh thần yêu nhạc Việt, kinh qua những câu chuyện kể, LHQ và cố ca sĩ Quỳnh Giao đã dẫn mọi người đến những điều có thể chưa biết hoặc biết rõ hơn về những điều đã biết. Tôi là thính giả thường xuyên của các c/t này. Chẳng may ca sĩ Quỳnh Giao đã qua đời vào năm 2014, nên không còn dịp nghe thấy giọng nói anh LHQ nữa.

Năm 2012, tại buổi hội ngộ Exryu sinh viên tụi tôi tổ chức tại Kobe và Tokyo, thì tên Lê Hồng Quang lại được nhắc đến.Chẳng qua là trong nhóm tham gia c/t văn nghệ lúc đó, có những người bạn học của tôi cũng xuất thân từ nhóm thanh nhạc này, hát toàn những bài mình yêu thích mà ít người dám hát, trong đó có bài “Chú Cuội” của nhạc sĩ Phạm Duy, một bản nhạc hay nhiều người biết nhưng ít người hát. Nhóm thanh nhạc lúc đó (không có Lê Hồng Quang) trong những bài hát sau đó hát chuẩn vô cùng. Lên xuống, luyến láy, phát âm rõ ràng mạch lạc. Tôi lại có cơ hội tiếp tục tìm hiểu thêm về LHQ qua một vài c/t bất chợt tìm thấy.

Năm 2019, trong c/t văn nghệ exryu tại Hakodate, tôi gặp lại anh Lê Hồng Quang trong bài hát “Tình Hoài Hương”. Tôi có phỏng vấn vài câu và có yêu cầu anh hát bài hát “Nương Chiều” cũng của nhạc sĩ Phạm Duy nếu có dịp gặp lại.

Hình ảnh tôi phỏng vấn thầy  Quang trong ngày hội ngộ lại lọt vào mắt Huệ Lê khi thấy tôi “KHOE” trên FB. Cô ngạc nhiên và hỏi:

  - Ủa, anh Khuê và thầy Quang gặp nhau rồi à.

Rồi cô khoe cô cũng là một thành viên của nhóm. Và cũng từ đó, tôi vẫn nghe tin nhóm thanh nhạc LHQ rày đây mai đó, đến chùa, đến nhà thờ với những buổi….hát rong. Các thành viên của nhóm cũng là các anh, các chị, các cô đủ mọi lứa tuổi. Là Salaryman, là nhân viên văn phòng, là nội trợ, cũng có cả những lứa trẻ thu xếp giờ giấc tham gia rất nhiệt tình, sau những ngày vất vả, mệt nhọc với việc sở, việc nhà và việc….học. Và từ đó, tôi cũng là một thính giả thường xuyên của các c/t thanh nhạc LHQ trên FB hay YouTube.

Cách đây 2 năm, trong một c/t, tôi có nghe Huệ Lê (một thành viên trong nhóm) đẩy đưa những bài Quan Họ của Bắc Ninh, cái xứ mà một đồng nghiệp của tôi đã nói: “Anh cứ đến Bắc Ninh, bảo anh muốn nghe dân ca quan họ, gái-giai Bắc Ninh sẽ làm anh vừa lòng”.

Tháng 10 năm ngoái, Huệ Lê thông báo:tháng 3 hay 4 năm nay (2023) có dự định sang Nhật ngắm hoa anh đào, nhân tiện muốn cống hiến bà con cô bác ở đây một chương trình gồm những bài hát chọn lọc. Cô viết cho tôi: Em xin thân mời anh chị đến cùng tham dự với chúng em. Nhất là thầy Quang rất muốn dịp này gặp lại anh. Em hy vọng anh chị nhận lời. Vì thời gian không chừa một ai nên không biết chúng em có dịp đi cùng với nhau đến Japan lần hai không”.

Lúc đầu, Tôi cũng chỉ ừ trên nguyên tắc, và suy nghĩ là đến lúc đó thì tính, tùy theo tình hình sức khỏe, và nếu có tham dự mình chỉ là khách chứ  không có gì nặng nhọc. Nhưng đúng lúc đó, sự ra đi của một người bạn rất thân là Nguyễn Mỹ Tuấn, và lại ngay đúng lúc Sơ Lang (em gái chị Huệ Lê) liên lạc yêu cầu Hiệp Hội Người Việt Tại Nhật tổ chức một c/t cho nhóm. Cầm lòng không đậu, tôi vào cuộc và vội vã chuẩn bị một c/t cho nhóm chỉ trong 2 tuần. Tôi không nhắc lại những chuyện này vì tôi đã nói.

Tôi bắt đầu bàn với nhóm về nội dung c/t, hát trước hay hát sau, đơn ca hay hợp ca với thầy Quang tại một tu viện của các bà Sơ hôm 2/4. Cũng tại hội trường của dòng Tu này, tôi đã được nghe trực tiếp những bài hát Quan Họ Bắc Ninh của Huệ Lê và Nương Chiều thầy Quang tặng tôi, mà hầu hết khán giả hầu hết là những người đi chung chuyến ghe vượt biên với Huệ Lê năm xưa. Nhạc vừa đủ nghe, không khí ấm cúng lại được ăn ngon. Không vui sao được!

Trong buổi trình diễn ngày 9/4 tại một hội trường khang trang ở Tokyo, vì bận chuyện này, chuyện nọ tôi không thể nắm hết toàn thể c/t. Mấy ngày sau, nghe phần livestream toàn bộ, dù có tiếng ồn ào xung quanh, nhưng vẫn nghe khá rõ và cảm giác lâng lâng lại dâng lên y như lúc nghe tại hội trường trực tiếp.

Được biết đoàn thanh nhạc lần này có khoảng mười mấy người, nhưng lên sân khấu trình diễn thì chỉ có 8. Tôi nhớ Lê Hồng Quang, Kim Thoa,Thanh Thủy, Vân Hà, Thu Băng, Muôn Hoa, Huệ Lê, Vi Vân…..Xin tha lỗi tôi không thể nhớ hết tên, vì vội quá không kịp hỏi.

Một c/t nhạccó 11 bài hát rất chọn lọc gồm những bài hát trích ra từ trường ca Mẹ Việt Nam của nhạc sĩ Phạm Duy và vài nhạc sĩ khác. (Nội dung những bài hát này, bạn ta có thể tham khảo link cuối bài sẽ rõ). Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh về tiếng hát của nhóm. Phải công nhận phần tập luyện khá công phu, chi tiết, bè trên, bè dưới, lúc mạnh, lúc hùng, lúc tha thiết, lúc tưng bừng. Đặc biệt là cách hát đuổi, câu trước nối câu sau như trong bài “Bà Mẹ Quê”. 8 giọng ca đều, hòa vào tạo nên một âm thanh đồng điệu. Đặc biệt, cách trang phục áo dài, cách xuất hiện, cách chuyển đổi của các thành viên trong nhóm khi hát các bài hát của 3 miền đất nước.

Đây là một nhóm thanh nhạc mà các thành viên và người hướng dẫn có sự tôn trọng, hỗ trợ và chia sẻ lẫn nhau, có tinh thần sáng tạo, kiên trì tập luyện và quyết tâm hướng dẫn.

Phần trình diễn của gà nhà gồm Tuyết Hương, Tuyết Phụng, Tuyết Nhung, Anh Đức, Gia Lễ, đã làm chương trình phong phú hơn mà phải hơn chục năm mới có nhân ngày Giỗ Tổ.

Nếu hỏi tôi sẽ cho bao nhiêu điểm cho toàn nhóm. Tôi sẽ cho….9, còn 1 điểm dành cho tôi vì tôi đã “nỗ lực” lôi được mẹ cháu nhà này và một vài em hát lại sau một thời gian khá dài xa sân khấu.

Xin gửi lời cảm ơn chân thành LHQ, Huệ Lê và toàn nhóm thanh nhạc đến từ Hoa Kỳ đã mang đến những phút giây thoải mái, tràn đầy cảm hứng cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản. Tiếng hát của các bạn đã làm tôi động lòng. Cũng không quên sự khó nhọc của chú Huy, chú Hiếu, chú Dũng và toàn ban tổ chức đã “đồng lòng” để tôi có dịp góp mặt sau một thời gian khá dài xa ánh đèn sân khấu.

Tôi mượn một câu trong bài hát “Lời hẹn ước từ hư vô” mà mẹ cháu đã mở đầu chương trình văn nghệ để chấm dứt “Vài Dòng này:

 

“Mình yêu nhau có trời đất biết”.

 

Đó là

Một tình yêu rất thiêng liêng, yêu đời, yêu người và yêu cuộc sống. Một mối tình tha thiết với quê cha đất tổ, vì

- “quê hương tôi có con sông Đào xinh xắn, nước tuôn trên đồng vuông vắn, lúa thơm cho đủ hai mùa…..”

- “Tình yêu đây là khí giới, tình thương đem vào muôn nơi”

 

Đến đây tôi lại ước mơ: Nếu có dịp gặp lại hay không có dịp gặp lại, tôi mong sẽ được nghe nhóm bài hát: Mẹ Trùng Dương cũng trích trong Trường Ca Mẹ Việt Nam. Được thế thì….cảm động lắm:

 

Mẹ tìm con trong gió Bắc
Mẹ về phương Nam nắng gắt
Tình nhà mở cửa đem ra góp với bao la
Sóng vỗ êm êm như khuyên con nên trở lại Mẹ hiền
Gió rít thông reo như kêu con mau trở về Mẹ yêu.

Không biết với lối “Nhớ đến đâu nói đến đó” của tôi. “Vài dòng” như thế này đã đủ chưa hay quá dài, bạn ta?

V.Đ.K (tháng 4/2023)

Nội dung và tâm tình hoặc bối cảnh tạo dựng của c/t ngày 9/4, bạn ta có thể theo dõi tại các link dưới đây:

Huy Nguyễn

https://www.facebook.com/hiephoiVN/posts/3454490688162887

 

Phạm Diễm Hương, một thân hữu của xứ Úc có mối giao tình rất đậm đà với cộng đồng người Việt Tại Nhật

https://www.facebook.com/pdiemhuong/posts/5996563397048161


Những tháng-Những Ngày đã qua của….tôi.

https://www.facebook.com/takenaga.hisahide/posts/pfbid02D8tN7YBFrWBto4PkngruuEvJgoaPTXhWPUTPxszX7Kkdm2VL7XMH31HtF9bvMtxVl

 


Hongquang-Khuê

Gặp Lê Hồng Quang 2019


thanh nhac LHQ

Nhóm thanh nhạc LHQ 9/4/2023

Huệ LêHuệ Lê



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc