KÝ ỨC CỦA ĐÁ - Kutsuki Shou / Quỳnh Chi dịch

25 Tháng Tám 20215:25 CH(Xem: 1441)
hiroshima


Ký ức của đá

Nguyên tác Ishi no Kioku của Kutsuki Shou


Mitsuko chỉ muốn khóc khi biết rằng lâu nay mình vẫn sống hồn nhiên vô tư, mà không biết rằng bố đã không còn trên cõi đời này. Mitsuko không muốn tin rằng bố đã chết, có lẽ cũng vì thấy tủi cho chính mình.

Bố Mitsuko là Dobashi Seiji, đã ở trên chiến hạm đang trên đường tiến về phương nam, thì bị đánh chìm. Đó là vào mùa hè năm ngoái. Nhưng sang tới năm nay, và phải tới tận giữa tháng 2, tin này mới được báo về cho gia đình.

Được đưa về tới nhà chỉ có một chiếc hộp bằng gỗ mộc trắng. Chiếc hộp dành để đựng tro hài cốt nhẹ quá, nên Mitsuko đã thử lắc xem, thì nghe có tiếng gì như sỏi đá kêu lục cục. Không biết có thực là trong hộp có sỏi đá hay không?

Seiji quê ở đảo Inno-shima, bơi lội thành thạo. Khổ người thấp bé, hiền lành, nhưng hễ xuống nước là vùng vẫy xông xáo cứ như là một người nào khác hẳn với ông lúc bình thường.

Thỉnh thoảng được ngày nghỉ ở xưởng thợ trên tỉnh, Seiji lại dẫn vợ con đi bơi ở vùng biển Jigozen. Chơi với Mitsuko một lát xong, Seiji để Teruno và con gái ở lại trên bờ, một mình bơi ra tận ngoài khơi cách bờ xa tít mù tắp.

Những lần như thế, Mitsuko hết sức bồn chồn lo lắng, cứ nghĩ lỡ có chuyện gì, bố sẽ không trở về được nữa.
Mitsuko nhoài người ra khỏi chiếc dù che nắng của mẹ, cứ nhấp nhổm ngóng trông ra biển.

Seiji cũng hiểu rõ điều đó, nên ông đã bơi về từ một hướng hoàn toàn khác, rồi bất thình lình từ dưới nước nhô người lên. Mitsuko giật mình thì ông cười phá lên. Teruno cũng cười làm chiếc dù che nắng lay động. Dưới ánh nắng chói chang, cả đến những giọt nước bắn tung tóe cũng rộn ràng lấp lánh.

Thỉnh thoảng Mitsuko lại nhớ lại những ngày mùa hạ như thế.

Năm nay lại đến mùa hạ nhưng chỉ còn hai mẹ con, Mitsuko không còn ra biển nữa, mà chỉ thấy nhớ biển của những ngày mùa hạ đã từng trải qua với bố.

-Không chừng là bố nhẩy ra khỏi tàu, bơi đi lánh nạn được. Bố vẫn thường nói là tôi có thể bơi mãi tới đâu cũng được.

Mitsuko buột miệng nói thế, thì mẹ đang cắm cúi khâu áo đặt may cũng gật đầu bảo:
-Đúng đấy. Không chừng may sao mà bố bơi thoát được, đang ẩn nấp trên hòn đảo nào đấy cũng nên con ạ.
Đoạn mẹ hạ thấp giọng thì thầm:
-Mẹ con mình nói với nhau trong nhà thế thôi, ra đường con phải nhớ rằng nói như thế là không được đâu nhé.

Mitsuko khẽ gật đầu. Mitsuko đã hiểu lý do vì sao nói ra là không được.
- Nhưng nếu mà bố ẩn nấp được trót lọt, rồi lén trở về, thì có phải hơn không.
-Bố quả là bơi giỏi mà lại.
-Vâng, bố mà xuống nước là giống như Kappa mẹ nhỉ.

Teruno khẽ cười thầm. Bóng đèn điện để trần không có chao đèn in bóng trên khuôn mặt đang cười của bà.
Mitsuko và mẹ đã có những buổi tối như thế. Teruno khâu kimono đặt may gấp, Mitsuko thì vừa gỡ chỉ những áo kimono đặt may lại, vừa nói chuyện về bố.

Ngay cả khi lặng lẽ đưa tay may cắt, chắc hẳn là hình ảnh thân thương của Seiji cũng hiện lên trong lòng hai mẹ con.

Trong mơ, Mitsuko cũng thấy bố. Bố khoát nước bắn tung tóe, chồm người lên khỏi mặt nước, lúc nào trên mặt cũng nở nụ cười rạng rỡ.

Bà Teruno mẹ Mitsuko mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ, được người cô đem về nuôi. Teruno lấy chồng được ít lâu thì người cô ấy cũng bị bệnh, nằm một chỗ cả năm, cuối cùng đã qua đời. Teruno tần tảo chăm lo gia đình bé nhỏ của mình ở gần đó, đã chăm sóc bà cho đến phút lâm chung.

Bà cô là người bệnh khó tính nên khi cử hành tang lễ xong xuôi, Teruno thở phào nhẹ nhõm là khác.

Lỡ buột miệng nói cho Seiji biết như thế xong, Teruno rụt cổ lại. Teruno nghĩ bụng chắc hẳn thể nào cũng bị Seiji mắng cho là “hạng người cứng cỏi lạnh nhạt”. Là vì Seiji là con trai thứ tư một nhà nông, nhưng bố mẹ già đã mất từ lâu, quê nhà trên đảo Inno shima thì xa xôi, nên Seji quý người cô này như mẹ ruột, đã tận tình phụng dưỡng bà.

Thế nhưng, câu nói thốt ra từ cửa miệng Seiji lại là một lời an ủi Teruno “Mình cũng vất vả vì cô nhỉ”
- Nghe mà chẩy nước mắt.

Teruno đã có lần kể cho Mitsuko nghe thế.
-Bố hiền lắm con ạ.

Thế nhưng, cũng chính nhờ bà cô nghiêm khắc mà bây giờ hai mẹ con Mitsuko mới có nghề may thuê để sinh sống. Teruno nói thế rồi thắp hương cắm trước bàn thờ bà. Bà đã dạy cho Teruno biết làm đủ thứ, chứ không chỉ có may vá. Hàng ngày Teruno dậy sớm từ 5 giờ sáng, làm việc nhà cứ nhanh thoăn thoắt, chưa đến 8 giờ sáng đã xong xuôi, đoạn ngồi ngay vào trước bàn may, bắt đầu công việc. Mitsuko tay nghề còn yếu thì giữ việc gỡ chỉ khâu áo kimono cũ hay đi nhận đồ về may là chính. Cũng có khi được cho lược chỉ đánh dấu đường may, cắt vải theo mẫu áo, hay may những chỗ dễ.

Sở dĩ hai mẹ con không đi sơ tán là vì không có họ hàng thân thích để nương tựa, mà cũng là vì Teruno nghĩ rằng phải ở lại giữ nhà. Nhỡ mà bất ngờ Seiji có thể trở về cũng không chừng. Mới hôm trước, Teruno cũng vừa mới nghe kể chuyện có người đã có giấy báo tử về nhà, thế mà thực ra là còn sống, bất ngờ đã trở về. Người vợ ở nhà tưởng đã thành góa phụ, và chưa gì đã bị bắt phải tái giá với người em trai của chồng, nên mọi người hoảng hốt ầm ĩ cả lên. Hơn nữa, thành phố này hầu như không bị oanh kích. Có các gia đình từ Kyoto, Osaka, Kobe và cả từ vùng thủ đô Tokyo cũng đến đây sơ tán nữa là khác. Thành phố lớn có đặt đại bản doanh quân đội, thế mà lâu nay vẫn yên tĩnh đến rợn người, kể cũng lạ thật.

Thế nhưng dạo này, thỉnh thoảng đã có thấy vài chiếc máy bay lởn vởn trên bầu trời thành phố. Chiếc máy bay màu bạc to kệch cỡm.

Vào một ngày gần cuối tháng 7 ấy, Teruno nghe được ở nhà bưu điện một tin đồn gở. Đó là sắp tới, thành phố này sẽ xảy ra một cuộc tấn công khủng khiếp lắm.

Người đã hạ giọng thì thầm kể chuyện này là một bà nhà ở bên kia đường quốc lộ cũ. Chồng bà nghe được tin này từ một viên chức nhà nước ở đâu đấy.

Thế rồi sang tháng 8, thằng Shigeharu nhà ông Ishimaru nhặt được một tờ truyền đơn.

Nhà ông Ishimaru ở gần ngôi đền trong xóm nhà của mẹ con Teruno. Ông trưởng tộc đời trước của nhà Ishimaru là người có địa vị cao sang, nhưng bà vợ là người khiêm tốn hiền lành, thân thiết gần gũi với mọi người trong xóm. Thằng Shigeharu thua Mitsuko ba tuổi, khi còn bé hai đứa thường hay chơi chung với nhau. Trên tờ truyền đơn mà Shigeharu đưa cho Mitsuko xem có hình một người mà lưng đang bốc cháy. Bên cạnh hình người có giòng chữ “Chạy đi”, nét chữ vụng về nguệch ngoạc như của trẻ con.

Lúc Mitsuko sắp đỡ lấy tờ truyền đơn ấy, thì có người đã giật phắt tờ giấy. Một bàn tay gân guốc đen đủi. Thật không may đó là vừa đúng lúc bác Ishimaru đi ra đường. Bác ấy vừa đọc xong tờ truyền đơn, thì liền lớn tiếng quát mắng:
-Đứa nào nhặt cái của nợ này về nhà là quân bán nước.

Bác ấy còn vung gậy toan đánh Shigeharu, làm náo loạn ầm ĩ cả lên.

Shigeharu lưng còn đeo cặp ngã ngồi bệt xuống đất, làm con bé Junko em nó thấy thế liền khóc thét lên cứ y như là phải lửa.
Teruno từ trong bếp, nghe thấy có tiếng khóc, nhìn ra, cũng đúng lúc Mitsuko từ trong nhà bà Ishimaru đang nhẩy bổ ra ngoài đường.
Bác Ishimaru gái vừa che đỡ đằng sau lưng cho thằng Shigeharu, vừa bảo chồng “ Ông hãy bình tĩnh lại nào”, khiến mọi người trong xóm cũng kéo cả ra đường xem.
Mấy người như bà cụ Suga thì quay đầu nhìn cả về phía này, nên ông Ishimaru chậc lưỡi lườm quanh, đoạn chống gậy, quay trở vào trong vườn.

Bác Ishimaru gái đợi cho đến khi không còn trông thấy bóng dáng chồng nữa, mới dám nhặt tờ truyền đơn bị xé vứt đi ấy lên.
-Con nhặt cái này ở đâu về hả?
-Ở chỗ gần đến đền, đoạn vừa qua khỏi nhà bà cụ Makita ạ.

Shigeharu vừa nấc vừa đáp.
Bà cụ Shiga cũng chõ miệng vào:
-Trước đây cũng có tờ truyền đơn tương tự tờ này từ trên trời rơi xuống là gì đấy..
-Lúc ấy thì chẳng làm sao cả.
-Chắc là họ chỉ dọa thế thôi nhỉ.。
-Bọn họ là đồ quỷ sứ, ai biết họ sẽ làm gì.

Teruno chỉ im lặng nghe hai bà cụ nói. Bà nhớ lại câu chuyện sẽ có cuộc tấn công khủng khiếp. Rồi nhìn vào tờ truyền đơn được đưa cho xem.
Người bị cháy trên lưng đang ôm đầu bỏ chạy. Hình vẽ giống như là tranh hoạt hình thật sống động, đập vào mắt bà. Bà Teruno và Mitsuko ngồi trước bàn thờ, khấn rằng hai mẹ con“định sẽ đi sơ tán “, là đúng vào tối hôm có vụ ồn ào vì tờ truyền đơn ấy.

Teruno có người bạn về làm dâu một nhà nông giàu có ở làng bên kia núi. Teruno định sẽ xin họ cho thuê nhà kho, và sẽ nhận may thuê để sinh sống, bèn gọi điện thoại hỏi thử, thì bên kia trả lời rằng nếu muốn thuê một chỗ ở, thì họ cũng thu xếp cho được.
-Mình hãy may cho xong sớm những hàng họ đã đặt, mẹ định là có chậm thì cũng đến tuần sau là mình phải đi con ạ.
-Thế nhỡ mà bố về thì làm sao ạ?
-Mình sẽ để địa chỉ chỗ sơ tán lại nhà bà Suga, để báo cho bố biết mình đang ở
đâu.
-Mẹ đã bảo là cứ ở lại giữ nhà cho đến khi bố về, mà sao bây giờ lại..

Teruno có khuôn mặt hiền hậu và nói năng nhẹ nhàng, thế nhưng lúc bấy giờ bà đã nói thật dứt khoát rằng:
-Mẹ con mình mà lỡ có mệnh hệ nào thì làm sao chờ đón bố về được, phải không?

Nghe mẹ nghiêm nghị át lời, Mitsuko đành làm thinh.
Nên khi Teruno nhắc lại “Vậy là mình lo chuẩn bị đi sơ tán đấy nhé”, Mitsuko chỉ dám lầu bầu “Con là không thích ở chỗ lạ đâu ạ”
-Thì đã có mẹ cùng đi mà. Rồi khi nào hết chiến tranh mình lại quay về ngay thôi.

Teruno nhìn chằm chặp vào mắt Mitsuko như muốn nói “Con đã hiểu rồi chứ”, rồi đi ngay vào trong bếp. Vào bếp rồi, Teruno còn nói thêm:
-Thứ hai này mẹ sẽ ra ngân hàng rút tiền. Rồi đến thứ ba ngày 7 thì mình sẽ đi.
Mitsuko miễn cưỡng vâng dạ, thì Teruno từ trong bếp thò đầu ra bảo:
-Con hãy ở nhà thu xếp hành lý.

Mitsuko học xong bậc tiểu học thì không còn đến trường nữa, mà ở nhà phụ việc với mẹ, nên có đi sơ tán hay đi đâu, thì cũng không cần lo khai báo với trường lớp gì cả. Hành lý thu xếp để mang đi cũng chẳng là bao, nhưng Teruno cứ dặn dò như thế là để phòng hờ, cho đến lúc lên đường đi sơ tán, không cho Mitsuko được thơ thẩn đi ra đường.

Từ hôm bắt đầu định đi sơ tán, Teruno cắm cúi lo khâu may ròng rã suốt ngày đêm. Tối hôm trước Teruno cũng đã làm việc đến khuya, thế mà sáng hôm thứ hai đã thức dậy rất sớm.

Vẫn như mọi ngày, Teruno dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, đem quần áo đã giặt xong phơi lên, còn quét cả con đường đi trước nhà, rồi mới thay áo sửa soạn để đi ngân hàng.
Mitsuko thì suốt đêm không chợp mắt được mấy, vì cứ thỉnh thoảng lại có tiếng còi báo động, nên sau đó mới đi ngủ lại. Mãi đến lúc Mitsuko ra khỏi phòng ngủ được, thì mẹ cũng sắp ra khỏi nhà.
-Con ngủ trưa thế?
-Tại còi báo động cứ kêu mãi, nên lúc tối con có ngủ được đâu ạ.
-Ừ, quả thật là còi báo động cứ kêu đi kêu lại mãi.

Teruno nghiêng đầu ngẫm nghĩ.
Quả là khuya hôm qua cứ thỉnh thoảng lại có còi báo động. Mỗi lúc như thế, tưởng chừng như điều báo trước trong tờ truyền đơn đã thành hiện thực, cả đêm Teruno ngồi may mà tay cầm kim cắm trở lại cái đế cắm kim cứ run lẩy bẩy. Mình quyết định đi sơ tán thế là đúng, ý nghĩ ấy trong lòng như lại càng lên tiếng khích lệ Teruno hơn.
-Này, con cứ ngủ nướng như trẻ con mãi thế, lỡ rồi mẹ không còn nữa, thì con làm sao hả?
-Buổi tối mà con được ngủ thẳng giấc, thì sáng ra là con sẽ thức dậy được mà.
Mitsuko chẩu mỏ ra cãi, nhưng Teruno làm ngơ, trỏ chiếc bàn ăn có phủ chiếc khăn bảo:
-Con ăn xong đi rồi, đem đồ đã may xong đến nhà bà Yoshida nghe chưa. Nếu mà bà ấy trả tiền công ngay được thì cũng đỡ cho mình, nhưng nhà bà ấy cũng đang vất vả con ạ.

Teruno nói vậy, rồi khép miệng chiếc ví đựng tiền lại kêu tách một tiếng, đoạn bỏ ví vào chiếc túi xách.
-Con hãy thử nói với bà ấy rằng từ ngày mai là mình đi sơ tán, còn lâu lắm mới gặp lại bà. Không chừng mà bà ấy trả cho một ít tiền công cho mình con ạ.

Mitsuko ngoan ngoãn gật đầu. Mitsuko ngại đi đòi nợ lắm, nhưng chỉ phải thưa gửi như thế thì cũng nói được.
-Con đi rồi về ngay lúc trời còn mát, chứ hôm nay trời có vẻ sẽ nắng to đấy.

Nói đoạn Teruno rời khỏi nhà. Mới 7 giờ rưỡi sáng.

Khi đến góc đường, Teruno quay lại giơ tay vẫy chào, thế mà thành ra đó là chia tay lần cuối. Luồng ánh sáng chói loà lóe lên.
Mitsuko bị một sức ép đẩy ngã nằm xuống sàn nhà. Đúng lúc Mitsuko đang thay áo, chuẩn bị đi đưa đồ nhận may đã xong, theo lời mẹ dặn.

Căn nhà cũ cho thuê bị kéo đổ, Mitsuko nằm lọt thỏm trong khoảng không bé tí, dưới chiếc tủ áo bị đổ đè lên chiếc bàn thấp, nên may sao thoát chết.

Mãi đến khi lóp ngóp bò ra được, Mitsuko cứ tưởng là nhà mình bị trúng bom, nhưng không phải thế. Nhìn quanh, thấy nhà nào cũng bị sập thành bình địa. Thế nhưng, xung quanh tĩnh lặng như thể không có chuyện gì xảy ra cả, và đang là buổi sáng mà trời tối sầm.
Mitsuko cứ thế ngồi bệt trên mặt đất, thì nghe có tiếng kêu to “Lửa cháy kìa, chạy đi mau lên!”
Mitsuko không thể cất nhắc để rời khỏi chỗ ấy, cứ ngồi yên mà nhìn quanh bầu trời màu tro đục.
Tức thì có ai đó nắm lấy cánh tay của Mitsuko mà kéo Mitsuko đứng lên.

Đó là bà cụ Suga có đuôi mắt xếch. Quanh cổ bà đỏ lòm, tóc thì rối bù xù. Bất giác Mitsuko chợt nhớ lại “Mẹ vẫn thường khen nhà bà Suga có cụ bà là người cẩn thận chu đáo, nên ai nấy trong nhà cũng đều chỉnh tề đàng hoàng ”
Mitsuko bèn cùng với gia đình bà Suga ra bãi cỏ phía trước bờ đê lánh nạn. Xung quanh vẫn còn trong bóng tối rợn người. Lát sau, khi bầu trời mầu tro xám hửng sáng dần, hình thù ghê rợn của đám đông chợt hiện ra. Đó là dòng người lũ lượt, dường như từ trung tâm thành phố, chạy trốn về đây.

Đám đông những con người không ra người.
Không có một người nào còn toàn vẹn hình dạng của con người.
Tình huống thê thảm đó như đâm thủng cả mắt và cõi lòng Mitsuko.
Thế nhưng, cứ nhìn mãi hàng chục rồi hàng trăm người, ai cũng bị cháy bỏng, da thịt rơi rớt lòng thòng cả ra, dần dần lòng Mitsuko như chai lại.
Những khuôn mặt của những người như đã mất hồn, cả mắt lẫn cõi lòng cũng đờ đẫn khép lại. Cái có màu sắc rõ rệt nhất in vào mắt Mitsuko chỉ có màu tro.

Mitsuko đi theo người nhà bà Suga trở về nhà, là vào trước buổi trưa ngày hôm sau đó. Là vì có người báo cho biết, đám cháy trong thành phố may sao chỉ lan đến chỗ trước ngôi đền thần thì tàn lụi.

Mitsuko nghĩ bụng nếu mẹ về đến nhà trước thì, chắc là mẹ đang lo cho mình
lắm, thế nhưng không có hơi hướm gì là Teruno đã trở về.
Mitsuko ngồi bó gối trong khu vườn nhỏ của căn nhà đã đổ nát. Teruno mãi vẫn không thấy về.
Mãi đến chập tối mới có người trở về nhà là bác Ishimaru gái. Thằng Shigeharu được cho lên cáng khiêng về nhà.
Mitsuko nhìn qua bức tường rào bị đổ, thấy nó được đặt nằm trên tấm nệm trải trong vườn và có chăng màn. Một nửa ngôi nhà đường bệ của nhà Ishimaru không bị sập, vẫn còn lại, nhưng đã nghiêng hẳn về một bên, có lẽ ở trong nhà thì nguy hiểm.

Không thấy bóng dáng ông cụ Ishimaru đâu cả. Chỉ thấy bác Ishimaru gái, ngày thường vẫn hay bị ông cụ mắng mỏ, thì bận rộn chui ra chui vào trong màn.

Có lẽ bác Ishimaru gái nhận ra ánh mắt của Mitsuko, liền quay nhìn sang bên này, rồi tiến tới gần bức tường rào. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại làm những sợi tóc tơ sau gáy bết vào cổ, mặt bác xanh rờn:
-Cháu Mitsuko, cháu được bình an vô sự may quá. Còn mẹ đâu?
-Dạ mẹ cháu chưa về ạ.
Mitsuko kể rằng mẹ đi ngân hàng vẫn chưa về, thì mặt bác Ishimaru tối sầm lại:
-Mẹ cháu ở trên phố rồi sao nhỉ?

Mitsuko gật đầu, thì bác Ishimaru lấy mu bàn tay cọ vào trán mình, nét mặt như sắp bật khóc:
-Cháu cố đợi mẹ nhé. Có lẽ vì đường đi cũng không được thông thoáng, lửa thì vẫn còn cháy âm ỉ cháu ạ.
Bác Ishimaru ra chiều ái ngại bảo:
-Nếu thằng Shigeharu nhà bác không bị như thế thì bác cũng đi tìm mẹ hộ cháu được..

Bác ấy kể rằng Shigeharu đang chơi trong sân trường thì bị bỏng nặng toàn thân, mặt nó sưng phồng lên gấp ba, nếu không nghe tên thì bác đã không nhận ra đó là con mình.
-Nó bị lửa bắt cháy, đúng như trong truyền đơn.

Mitsuko đợi mãi nhưng Teruno vẫn không trở về.

Mitsuko ngồi cúi đầu tựa trán vào đầu gối, tưởng chừng có tiếng mẹ bên tai ”Lỡ khi không còn mẹ thì làm sao hả?”. Và cả tiếng mẹ bảo “Nếu lỡ mà mình có mệnh hệ nào thì làm sao đón bố về được”.

Mitsuko định đặt tấm ván cánh cửa nằm trên mặt đất trong vườn để nằm xuống một lát. Khi kéo cánh cửa ra thì thấy hộp kim chỉ. Chiếc hộp kim chỉ bằng gỗ đã cũ, mặt bên cạnh có viết bằng mực đen chữ “Teruno”.

Chiếc quai bằng gỗ của hộp kim chỉ đã bị gẫy, hộp cũng vỡ thành nhiều mảnh, những cuộn chỉ rơi tung tóe. Những cuộn chỉ, dù sợi chỉ còn ngắn, cũng đã được quấn thật cẩn thận. Đỏ, vàng, xanh lam. Chắc là chỉ vẫn còn đùng được. Nhưng cả chiếc hộp kim chỉ thì chắc là hỏng rồi.

Mitsuko nghĩ bụng chắc là mẹ sẽ tiếc lắm. Có cảm tưởng như lại nghe thấy có tiếng mẹ nói “Phí của quá nhỉ”.
Mitsuko rón rén băng qua chiếc cầu sắt bị cháy còn sót lại, hầu như phải bịt mắt bịt tai mà băng qua bãi đất bị cháy rụi, hướng về phía chắc là có ngân hàng ở đó, mải miết đi tới.

Đó là ba hôm sau ngày bị thả bom.

Mãi đến lúc Mitsuko tới được ngân hàng thì mặt trời đã lên cao.

Mitsuko còn nhớ, ngân hàng là một tòa nhà bằng đá thật uy nghi đường bệ, nhưng hình bóng ấy nay còn đâu. Còn chăng chỉ là bức tường ở một bên của tòa nhà, và bậc thềm đá.

Những tòa nhà xung quanh cũng đều cháy rụi, cả ngôi thánh đường quý phái đối diện cũng chỉ còn có thể mường tượng lại, qua những mẩu gạch ngói đổ vỡ. Quanh đây cũng không thấy gì cả, như vô số những thây người chết trông thật rùng rợn, nằm lăn lóc trên bãi đất hoang đã cháy rụi. Không có cả đến những con người sống dở chết dở tựa vào nhau, tìm một bóng mát thi thoảng còn sót lại.

Chỉ có những đống gạch ngói đổ nát, sáng lóa cả mắt, dưới ánh nắng gay gắt chói chang.
Không có gì ngăn lại được ánh nắng chói chang ngày hè.
Sống lưng lạnh toát vì phải bước tránh dẫm phải thây người chết, thế mà Mitsuko chợt nhận ra là mình đang đổ mồ hôi nhễ nhại.

Mitsuko đăm đăm nhìn đống gạch ngói đổ nát. Không biết mẹ đã đi đâu mất rồi.
Mitsuko níu người lính đi ngang qua đấy lại, mà hỏi thăm, nhưng người ấy đáp rằng khi ông ta tới đây thì tất cả những người thiệt mạng đã được đem đi nơi khác hết rồi.
“Hình như là những người còn thở thoi thóp thì được đưa tới sở cứu hộ..”

Nghe nói tới sở cứu hộ, mắt Mitsuko sáng rỡ lên, thì người lính ra chiều thương hại bảo:
-Thế nhưng, nếu lúc ấy mà ở đấy, thì có lẽ hầu như là đã chết ngay lập tức rồi.

Mitsuko không hiểu hết câu nói của người ấy, miệng há hốc đờ người ra, thì người lính lại càng ra chiều ái ngại, đưa mắt nhìn về phía dòng sông sau lưng Mitsuko.

Trên bãi sông đằng xa trông như là có không biết bao nhiêu những hình người cứng đờ trông như ma nơ canh được chất thành đống vuông vức như những đống củi, đang chờ đốt.

Mitsuko đứng như chôn chân trước cảnh tượng ấy.
Mitsuko không tìm thấy mẹ trên bãi sông. Vả lại cũng không muốn tìm thấy ở đó.
Quanh ngân hàng không thấy bóng dáng mẹ đâu cả, thì không chừng là mẹ còn sống và đã chạy đi được rồi, hay là sáng hôm ấy thức dậy sớm thế chắc là đã ghé vào đâu đấy mà thoát nạn rồi cũng nên. Sáng ngày hôm sau, Mitsuko đã bám víu vào cái ý nghĩ ấy, lại đi tìm mẹ.

Trên đường đi, Mitsuko gặp bà cụ Makita nhà ở phía bên kia ngôi đền, là vào lúc quá ngọ, trong lúc đang đi về phía Sở cứu hộ ở phố Koi. Bà cụ nắm lấy tay Mitsuko, mừng rỡ biết được Mitsuko bình an vô sự, thế rồi khi bà cụ hỏi thăm về mẹ Mitsuko, thì nét mặt cụ bỗng sa sầm lại.

Mitsuko kể rằng mẹ đi ngân hàng rồi biệt tăm, vẫn chưa trở về, thì bà cụ liền vỗ vào đùi, bảo” Thôi thế thì chắc hẳn đấy là cô Teruno rồi”

Bà cụ bảo là sáng hôm ấy bà đã trông thấy Teruno. Bà cụ kể rằng Teruno đã ngồi trên bậc thềm đá, tay đỡ má có vẻ đang đăm chiêu nghĩ ngợi điều gì.
-Trước ngân hàng có bậc thềm đá trông thật đường bệ phải không.

Mitsuko gật đầu rõ mạnh. Bậc thềm đá duy nhất còn sót lại ấy.
-Mẹ cháu đã ngồi ở chỗ ấy đấy.

Bà cụ bảo lúc đó còn chưa tới 8 giờ sáng.
______Thôi, đúng là mẹ đã đi ngay ra ngân hàng. Có lẽ vì đến sớm quá nên có lẽ là mẹ đã chờ ngân hàng mở cửa. Rồi đã ngồi xuống bậc thềm đá.

-Mắt bà đã già lão rồi, và vì lúc ấy bà cũng đã sang đường rồi, nên không thấy rõ, nhưng bà nghĩ người đang ngồi đó là mẹ cháu.

Bà cụ bảo là sáng sớm hôm ấy bà đi tảo mộ ở Teramachi xong, đang trên đường về nhà. Bà cụ đã đi ra khỏi trung tâm thành phố, tuy là không xa lắm, nhưng nhờ vậy mà được bình yên không bị mất mạng. Bà cụ chỉ bị hơi bom thổi bay đi, nên chỉ bị đau lưng thôi. .
-Bà vừa mới quét dọn mồ mả sạch sẽ xong xuôi, nên chắc là được ông bà phù hộ cho đấy cháu ạ.

Bà cụ chắp tay ra dấu cảm tạ xong, nét mặt bỗng có vẻ giật mình hối hận. Là vì bà cụ mới nhận ra vẻ mặt của Mitsuko như sắp bật khóc, và nhớ ra rằng, hơn nữa Teruno và Mitsuko chỉ có hai mẹ con với nhau, không có nơi nương tựa nào khác.

Khi Mitsuko quay gót, bà cụ nhà Makita còn dặn với theo “Cháu đi cẩn thận nhé”.

Mitsuko lầm lũi quay trở lại quãng đường vừa đi qua.
_______

Ngày hôm ấy, mẹ mặc như thế nào nhỉ. Vẫn là cái quần màu sậm mọi
ngày ư. Hay là chiếc quần đẹp thứ nhì để mặc đi phố. Quần may bằng vải dệt hoa văn hình chim én. Hình ảnh của mẹ nơi góc phố hiện lên rõ mồn một trong tâm khảm, vậy mà không nhớ ra được là chiếc quần của mẹ dệt hoa văn gì.

Tủ áo đang nằm dưới bức tường đổ. Hễ đụng vào e rằng sẽ bị tủ đè lên người mất. Chỉ việc mở ngăn tủ áo ấy ra, là biết hôm ấy mẹ mặc chiếc quần nào thôi mà.

Mitsuko vừa băng qua bãi đất hoang đã cháy rụi, vừa nghĩ miên man. Cuối cùng Mitsuko rảo bước thật nhanh, chẳng mấy chốc đã đến trước ngân hàng.

Mitsuko ngước nhìn lên những bậc thềm đá.

Chỗ mẹ đã ngồi xuống- Không biết mẹ ngồi chỗ nào nhỉ.
Bà cụ Makita bảo là mẹ có vẻ đang đăm chiêu suy nghĩ
- Không biết mẹ đã nghĩ
điều gì thế nhỉ.

Mẹ nhớ đến bố hiền hậu ư. Hay là nghĩ đến cuộc sống từ ngày mai.
Bậc thềm đá trắng toát như thể đã được rửa thật sạch.
Phía trước của bậc thềm, chỗ có vẻ như có mái hiên che, thì mầu hơi tối.
Tức là chỉ có chỗ nào có vật cản ánh sáng, thì màu tối trước đó của bậc thềm đá
mới còn sót lại. Mitsuko còn đang nghĩ ngợi, thì trong khoảnh khắc, có một cái gì đã
lọt vào mắt.

Mitsuko bèn bước lên bậc thềm đá.
―------Một cái bóng nhỏ màu đen.

Đó là chiếc bóng gầy gò nhỏ bé mang hình dáng của mẹ.

Bóng của mẹ đã ngồi trên bậc thềm đá. Mitsuko xoa bậc thềm đá, xoa đi xoa lại không biết bao nhiều lần.
Buổi chiều mùa hạ, bậc thềm đá vẫn còn hơi ấm. Mitsuko áp má vào chỗ ấy mà tưởng chừng như đang nằm ngủ trên đùi mẹ trước hiên nhà. Hay là trên bãi biển một ngày hè.

Hai mẹ con đang đợi bố từ ngoài khơi trở về. Giống như là đang ngồi trên bãi biển ấy.
Mitsuko đã ở đó rất lâu, má vẫn áp vào bậc thềm đá.
Thế rồi bậc thềm đá mát lạnh dần.
Mặt trời đã lặn từ lâu.
Mặt trời đã lặn từ lâu, cái bóng mát lạnh cũng bị nuốt chửng vào bóng đêm.

Quỳnh Chi dịch (6/8/2016)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc