Hoa cúc trắng ngần
“Tình cờ trong quyển sách Rien Qu’un Sac De Peau (
Chỉ Là Cái Đãy Da) của Thiền sư Hakuin (Bạch Ẩn) tôi bỗng chú ý một bức tranh
của tác giả vẽ một người tọa thiền, đắp ca-sa nhưng đội mũ “bê-rê”, đó là chân dung của Basho. Vậy Basho có phải là tu
sĩ? Thắc mắc này khiến tôi tìm hiểu Basho, và sau đó nhận ra cả một khung trời
thiền bàng bạc trong tâm tư Basho, ông tổ của thể thơ Haiku.”
Mở đầu Lời Bạt cho quyển sách của một Phật tử soạn dịch về
Basho), tôi đã viết như thế. Viết rồi vẫn thấy thiêu thiếu vì hình như thơ lúc
nào cũng còn ở đó như mời gọi:
Dẫm sâu trong tuyết tôi đi
Cho xa xa tận đến khi ngã nhào
Để nhìn quang cảnh trắng phau
Cuộc hành trình của Bashõ đi sâu vào nội tâm hơn là phóng chạy bên ngoài, xa thật xa, đến chỗ “đầu sào trăm trượng”, ngã nhào một cái, lúc đó mới thấy được “quang cảnh trắng phau”, giới xứ của bình đẳng, không còn phân biệt đối đãi. Chốn ấy xưa nay nơi Hám Sơn:
Tuyết mãn càn khôn vạn tượng tân (Tuyết phủ đầy trời đất mới tinh
Bạch ngân thế giới lý tàng thân Thế gian bạc trắng ẩn thân mình
Tọa lai đốn nhập quang minh tạng Bỗng nhiên ngồi tòa quang minh tạng
Thử xứ tùng lai tuyệt điểm trần. Chốn ấy xưa nay dứt bụi tình.)
Không khác với Lương Khoan:
Tuyết phủ ngút ngút ngàn
Quấn mình trong thất vắng
Tâm nhạt nhòa tan loãng
Mây bụi chiều giăng giăng.
Ở chùa Tân Đại Phật, trước cảnh hoang tàn:
Bức tượng đổ, cổ thụ chết
Biết bao kỷ niệm về đây
Trông ra hoa nở trên cây anh đào.
Basho cũng rất thường tình với kỷ niệm quá khứ, nhưng không đắm chìm trong đó khởi tưởng vẽ vời; trái lại ông biết sống với hoa đào đang nở trước mắt, cái hiện tiền muôn thuở giữa trần gian.
Dừng chân bên dòng thác
Hồng vàng từng cánh rơi rơi
Rơi vào thác nước khôn ngơi rì rầm.
Ai cũng biết vô thường biến dịch, hoa nở rồi tàn, nhưng trong đó ta có như Basho thấy được và sống được với thác nước vẫn tiếp tục rì rầm không biến đổi?
Basho rất nhiều lần tỉnh thức như vậy giữa những hư huyễn tục lụy. Và cứ thế ông hành trình vào cõi bụi hồng, mà không quên những đóa hoa chân thường nở theo từng bước chân:
Sư mang đôi guốc gỗ cao
Gõ như mưa xuống anh đào nở hoa.
hoặc:
Chân mang đôi dép quai xanh
Hoa diên vỹ nở trên bàn chân ta.
Và trên bước đường lữ thứ, một lúc nào đó,
Kìa hoa cúc trắng ngần
Không mảy may hạt bụi
Nở ngay trước mắt trần.
Hoa cúc trắng ngần của Basho bừng nở giữa bụi mù trần lao phải chăng là đóa thảo am nghèo nàn của Hám Sơn hơn một lần ngời tỏa giữa lòng thiên nhiên trùng điệp núi rừng:
Thanh sơn bất động tự như như (Núi xanh chẳng động tự như như
Triêu mộ vân hà nhậm quyển thư Suốt ngày mây cuốn đỉnh cheo leo
Túng hữu hồng trần thâm vạn trượng Dù cho bụi hồng sâu muôn trượng
Tằng vô nhất điểm đáo mao lư. Chẳng một mảy may dính am nghèo.)
Hương Nghiêm cũng đã từng:
Năm xưa nghèo chưa thật nghèo
Năm nay nghèo mới thật nghèo
Năm xưa nghèo vẫn còn có đất cắm dùi
Năm nay nghèo dùi cũng không.
Và phải đến tận cùng nghèo sạch sành sanh như vậy thì một lúc nào đó:
Kìa cái ao xưa
Con cóc nhảy vào
Tiếng nước xôn xao.
Basho đã trở về cái ao bản thể xưa nay của chính mình, và từ đó những bùng vỡ đột ngột đúc kết thàh một chấn động nghiêng trời lỡ đất, làm cả mặt nước xôn xao. Phút giây hội ngộ này, “Vẽ cũng vẽ chẳng được, tả cũng tả chẳng thành”, nên có nơi chỉ diễn dịch gọn một chữ,
Tũm!
Basho không chỉ
vẽ bánh qua những vần thơ Haiku trác tuyệt, mà ông thực sự là người nếm bánh,
thơ và thiền đồng một vị.
Nếu như Hám
Sơn tung hê ca-sa đón hương trời tỏa ngát:
Xuân thâm vũ quá lạc hoa phi (Xuân muộn mưa hoa rơi lả tả
Diệm diệm thiên hương thượng nạp y Nhè nhẹ hương trời ngát ca-sa
Nhất phiến nhàn tâm vô xứ trước Một phiến tâm nhàn không nơi chốn
Phong đầu ỷ trượng khán vân quy. Đỉnh non dựng gậy ngắm mây vờn.)
và Lương Khoan khẩn khoản:
Ca-sa ơi rộng mở
Để sẵn sàng chuyên chở
Trọn gói sầu nhân thế
Trong lòng chiếc ca-sa
thì với Basho, cho dù có hay không đắp ca-sa, ruộng phước của ông có lẽ không thiếu chỗ cho những người đồng điệu gieo hạt giống tin yêu sáng ngời:
Cơn mưa khi nhặt khi khoan
Lo gì hạt giống mà không đâm chồi.
Đến cuối đời, trên giường bệnh khó ăn khó ngủ, Basho vẫn không quên hoa đào trước mắt:
Ở trên giường bệnh mà ăn
Bánh dày khó nuốt
Đào đang nở kìa.
Phải chăng ông kết thúc đời mình thật an lành thanh thản với cái không bệnh?
Viết về thơ lúc nào cũng thiếu, nghĩ về thơ không bao giờ cạn. Hãy mặc cho cơn gió thoảng của Lương Khoan xóa hết dấu vết chữ nghĩa tình thức, để trả cõi thơ về cái thiếu vắng cố hữu của nó, cái trống trải mênh mông vô cùng vô tận:
Nếu ai có hỏi
Ông Sư nghĩ gì
Xin trả lời giùm
“Chỉ cơn gió thoảng”.
Thuần Bạch
Lộc Khê, cuối mùa An
Cư Bính Tuất - 2006
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
(1): Matsuo Basho, Cuộc Đời và Hài Cú - của Thiên Hương CKH
(2): Thiên Hương dịch
(3): Thiền sư Hám Sơn Đức Thanh (1546-1623)
(4): Thiền sư Lương Khoan Đại Ngu (1757-1828)
(5): Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn
(6): Từ Uyển dịch