NGUÒN GỐC VĂN HỌC VIỆT NAM - TS Trần Gia Thái- Trần Bích San

08 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 22930)



Nguồn Gốc Văn Học Việt Nam


TS. Trn Gia Thái - Trn Bích San


February 28, 2011

 



Việt Nam có hơn 4000 năm văn hiến (01), nền văn học của chúng ta cũng có chiều dài tương xứng. Trước khi có dòng văn học chữ viết, người bình dân ta đã biết diễn tả tính tình và tư tưởng dưới dạng truyền khẩu. Văn chương bình dân tuy không có qui luật, phép tắc nhất định, nhưng rất hay và phong phú, biểu lộ tính tình, phong tục của ta một cách phóng khoáng, chất phác và chân thực. Văn chương chữ viết chỉ là một phần của văn học Việt Nam, văn chương truyền khẩu gồm tục ngữ, ca dao và truyện cổ tích mới chính là nguồn gốc của nền văn học nước ta.


Di sản văn hóa đẹp thì nhìn dưới nhãn quan nào cũng đẹp, đó là những vẻ đẹp khác nhau. Tuy nhiên, nghiên cứu và tìm hiểu nền văn học Việt mà thiếu cái nhìn nhất quán về nguồn gốc của nó thì sẽ dễ lầm lẫn giữa phương tiện và cứu cánh, đưa đến hậu quả tai hại là chỉ nhìn từng mảng, từng phần mà không thấy được bức tranh tổng thể tinh thần của nền văn học Việt Nam.



TỤC NGỮ


Tục ngữ (tục: thông thường, thói quen lâu đời, ngữ: lời nói) là những câu nói ngắn, gọn, có nghĩa lý và được dân gian sử dụng từ lâu đời (02). Những câu ngắn này thường đưa ra nhận xét xác đáng hoặc lời khuyên răn chí lý, nhiều người nghe thấy hay và đúng nên ghi nhớ rồi truyền khẩu, lâu dần trở thành phổ cập, thông tục. Thí dụ:


Ác giả, ác báo
Cõng rắn cắn gà nhà
Ở trong chăn mới biết chăn có rận
Áo rách khéo vá, hơn lành vụng may


Tục ngữ còn được gọi là ngạn ngữ hay phương ngôn. Ngạn ngữ (ngạn: lời) là lời nói của người xưa truyền lại. Phương ngôn (phương: địa phương) là những câu tục ngữ chỉ quen dùng ở một vùng nào đó mà thôi. Những câu tục ngữ mang ý nghĩa về luân lý được gọi là châm ngôn hay cách ngôn. Cách ngôn (cách: phương thức) là câu nói đưa ra một phép tắc cho người đời noi theo. Thí dụ:


Đường đi ở miệng
Trăm hay không bằng tay quen



Châm ngôn (châm: răn bảo) là lời khuyên bảo hay ngăn ngừa. Thí dụ:


Kính lão đắc thọ
Anh em như thể tay chân
Cái nết đánh chết cái đẹp
Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe



Đa số các câu tục ngữ là do người nào đó nghĩ ra rồi người khác nghe thấy hay và xác đáng nên được nhắc đi nhắc lại mà truyền khẩu tới ngày nay. Tuy nhiên cũng có một số câu lấy ra từ bài thơ, bài hát, hoặc trong truyện thơ mà người ta thấy lời hay, ý đúng nên truyền tụng, lâu dần thành tục ngữ, chẳng hạn như câu “Thương người như thể thương thân (03), hay câu” Có trời mà cũng có ta” (04). Ngoài ra còn có những câu lấy từ cách ngôn, ngạn ngữ của Tàu như “Múa rìu qua mắt thợ” (05), “Ở hiền gặp lành” (06), “Có công mài sắt, có ngày nên kim” (07).



Tục ngữ gồm những câu có vần và không vần. Các câu không vần thường là hai vế đối nhau, thí dụ như:


Đục nước, béo cò


Ăn một bát cháo, chạy ba quãng đồng


Miệng khôn, trôn dại


Tiền bạc đi trước, mực thước đi sau



Không vần nhưng có hai vế cân bằng, cân xứng:


Nồi nát chẳng khỏi tay thợ hàn


Mười voi không được bát nước sáo


Hững hờ như hàng tổng đánh kẻ cướp



Cước vận (08) rất ít dùng trong các câu tục ngữ có vần, nhưng yêu vận (09) thì lại được sử dụng rất nhiều. Thí dụ:


Ăn cây nào, rào cây ấy


Mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng


Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống


Giàu chủ kho, no nhà bếp, chóng chết quản voi


Sở dĩ tục ngữ lưu truyền trong dân gian từ đời nọ đến đời kia là vì chỉ bằng vài câu ngắn gọn mà lại diễn tả được đầy đủ một ý nghĩa sâu sắc, xác đáng. Điều làm người ta dễ ghi nhớ là nhờ tục ngữ có âm điệu đặc sắc và thường có hai vế cân bằng hoặc đối nhau. Tục ngữ bao gồm đủ mọi khía cạnh của kiếp nhân sinh, có những câu thuộc về luân lý như:


Giấy rách phải giữ lấy lề


Tốt danh hơn lành áo


Ăn quả nhớ kẻ trồng cây


Một câu nhịn là chín câu lành



Về tâm lý con người:


Yêu nên tốt, ghét nên xấu


Của người bồ tát, của mình lạt buộc


Bưng miệng vò miệng lọ, ai bưng được miệng thiên hạ


Đánh bạc quen tay, ngủ ngày quen mắt


 

Về phong tục xã hội:


Vô vọng bất thành quan


Phép vua thua lệ làng


Sống về mồ mả, không sống về cả bát cơm


Một miếng giữa làng, bằng một sàng xó bếp

 


Về thời tiết:


Mây xanh thì nắng, mây trắng thì mưa


Tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão


Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa


Mống bên đông, cầu vồng bên tây, chẳng mưa dây cũng bão giật

 


Về thổ sản:


Nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét (10)


Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần (11)


Gà Tò, lợn Tó, vó Vạn Đồn, l…Cổ Loa, cu Hành Thiện (12)


 

Về nghề nông:


Cấy thưa hơn bừa kỹ


Trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt lúa


Tháng hai trồng cà, tháng ba trồng đỗ


Lúa giỗ ngả mạ, vàng rạ thì mạ xuống đồng


 

Về các nghề nghiệp khác:


- Buôn bán: đắt hàng tôi mới trôi hàng chị


- Thợ xây: thượng thu, hạ thếch (13)


- Thợ mộc: Già dọc thì sang, già ngang đố vào (14)


- Nghề thủy: thuận buồm xuôi gió


- Xem tướng: quân tử lông chân, tiểu nhân lông bụng



Những câu ví von:


Tan như xác pháo


Nát như tương bần


Thẳng như ruột ngựa


Đắng như bồ hòn


Nói như tép nhảy


Dấm dẳn như chó cắn ma


Nói như đóng đanh vào cột


Đen như mõm chó


Da trắng như trứng gà bóc


Tục ngữ là một kho tài liệu ngôn ngữ người dân dùng để phát biểu ý tưởng một cách rõ ràng, đơn giản, cụ thể, giàu hình ảnh mà còn đậm đà tình ý. Chẳng hạn muốn tỏ lòng khát khao mong đợi thì chỉ cần nói một câu ngắn gọn “Mong như mong mẹ về chợ” là đủ diễn tả tình ý của người đang chờ mong.



Tục ngữ còn là một kho tàng kinh nghiệm và hiểu biết về thiên nhiên và về cuộc đời được dân gian sử dụng trong cuộc sống, trong phép cư xử và trau dồi phẩm cách. Cha mẹ răn đe con cái, vợ chồng, anh em đối xử, khuyên bảo nhau thường dùng những câu tục ngữ. Tục ngữ có thể coi như túi khôn, một cẩm nang cho người dân dùng để ứng xử trong đời sống hàng ngày vậy.



 

CA DAO


Ca dao (ca: hát, dao: hát xuông, không có nhạc đệm) là những câu hát tự nhiên diễn tả tình cảm và tư tưởng của người bình dân được lưu hành trong dân gian. Ca dao còn được gọi là phong dao (phong: gió) bài hát lan đi như gió. Phong còn có nghĩa là phong tục.


Ca dao khác tục ngữ. Tục ngữ là nhận xét của lý trí, ca dao là tiếng nói của tình cảm. Tục ngữ là những câu ngắn, gọn, ca dao có vần điệu, âm hưởng êm ái có thể hát lên được. Ca dao lời lẽ thanh nhã và dài hơn tục ngữ, đa số các bài ca dao gồm nhiều câu giống như một bài thơ, điển hình như bài đêm buồn dưới đây:


Đêm qua ra đứng bờ ao
Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ
Buồn trông con nhện giăng tơ
Nhện ơi nhện hỡi, nhện chờ mối ai
Buồn trông chênh chếch sao Mai
Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ?
Đêm đêm tưởng giải Ngân hà
Chuôi sao tinh đẩu đã ba năm tròn
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn
Tào khê nước chảy vẫn còn trơ trơ


Nội dung những bài câu ca dao rất phong phú diễn tả tâm tình của dân gian với xã hội và thiên nhiên về nhiều phương diện (15). Ca dao có những bài về luân lý:



Cha mẹ dạy con:


Con ơi muốn nên thân người
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha
Gái thì giữ việc trong nhà
Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa
Trai thì đọc sách ngâm thơ
Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa
Mai sau nối được nghiệp nhà
Trước là đẹp mặt, sau là ấm thân


Vợ khuyên chồng:


Anh ơi có chí canh nông
Chín phần ta cũng giữ trong tám phần
Can gì để ruộng mà ngăn
Làm ruộng lấy lúa, chăn tằm lấy tơ
Tằm có lứa, ruộng có mùa
Chăm làm trời cũng đền bù có khi


Chồng khuyên vợ:


Nhà anh chỉ có một gian
Nửa thì làm bếp, nửa toan làm buồng
Anh cậy em coi sóc trăm đường
Để anh buôn bán trẩy trương thông hành
Còn chút mẹ già nuôi lấy cho anh
Để anh buôn bán thông hành đường xa
Liệu mà thờ kính mẹ già
Đừng tiếng nặng nhẹ người ta chê cười
Dù no dù đói cho tươi
Khoan ăn bớt ngủ liệu bài lo toan
Cho anh đành dạ bán buôn



Về tâm lý, thế thái nhân tình:


Cá trong lờ đỏ lờ con mắt
Cá ngoài lờ ngúc ngoắc muốn vô


*

Cái vòng danh lợi cong cong
Kẻ hòng ra khỏi, kẻ mong bước vào
Sự đời nghĩ cũng nực cười
Một con cá lội, mấy người buông câu


*

Ở sao cho vừa lòng người
Ở rộng người cười, ở hẹp người chê
Cao chê ngỏng, thấp chê lùn
Béo chê béo trục béo tròn
Gầy chê xương sống, xương sườn phơi ra


Về tình yêu nam nữ, vợ chồng:


Ai về đường ấy hôm mai
Gửi dăm điều nhớ, gửi vài điều thương
Gửi cho đến chiếu đến giường
Gửi cho đến chốn buồng hương em nằm


*

Anh đi đường ấy xa xa
Để em ôm bóng trăng tà năm canh
Nước non một gánh chung tình
Nhớ ai, ai có nhớ mình hay không?


*

Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em đã có chồng anh tiếc lắm thay
Thoạt vào anh nắm cổ tay
Sao trước em trắng mà rày em đen
Hay là lấy phải chồng hèn


Ba
đồng một mớ trầu cay

Sao anh không hỏi những ngày còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra



Những bài mang tính xã hội, tình cảnh gia đình, hoàn cảnh cá nhân:


Chồng em nó chẳng ra gì
Tổ tôm xóc đĩa nó thì chơi hoang
Nói ra xấu thiếp hổ chàng
Nó giận nó phá tan hoang cửa nhà


*

Có oản anh tình phụ xôi
Có cam phụ quít có người phụ ta
Có quán tình phụ cây đa
Ba năm quán đổ cây đa hãy còn
Có mực anh tình phụ son
Có kẻ đẹp tròn anh phụ nhân duyên
Có bạc anh tình phụ tiền
Có nhân ngãi mới anh quên em rồi


*

Sáng trăng em tưởng tối trời
Em ngồi em để cái sự đời em ra
Sự đời như cái lá đa
Đen như mõm chó, chém cha cái sự đời


Về thời tiết:


Thâm đông, hồng tây, dựng may
Ai ơi ở lại ba ngày hẵng đi (16)


*

Tháng giêng rét dài
Tháng hai rét lộc
Tháng ba rét nàng Bân
Nàng Bân may áo cho chồng
May ba tháng ròng mới được cửa tay


Về nghề nông:


Người ta đi cấy lấy công
Tôi đây đi cấy còn trông nhiều bề
Trông trời trông đất trông mây
Trông mưa trông gió trông ngày trông đêm
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời trong biển lặng mới yên tấm lòng


Có tính chất hài hước:


Đàn ông quan tắt thì chầy
Đàn bà quan tắt nửa ngày nên quan


*

Ra đường võng giá nghênh ngang
Về nhà hỏi vợ cám rang đâu mày
- Cám rang tôi để cối xay
- Hễ chó ăn mất thì mày với ông


*

Bà già đi chợ Cầu Đông
Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng
Ông thày xem quẻ nói rằng:
Lợi thì có lợi nhưng răng không còn


 

Ca dao cũng có, tuy không nhiều, những bài liên quan đến biến cố lịch sử:


Nghĩ ra nông nỗi thêm rầu
Ở giữa Đồng Khánh, hai đầu Hàm Nghi (17)


*


Nhớ em anh cũng muốn vô
Sợ chuông nhà Hồ, sợ phá Tam giang
Phá Tam giang ngày rày đã cạn
Truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm (18)


*


Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về (19)


 

Ca dao còn có một số khá nhiều các câu đố, trong đó một số câu tuy đố tục nhưng giảng thanh (20):


Từ khi thiếp tới cửa chàng
Cớ sao chàng để nằm ngang chàng dùi
Buông ra cho thiếp kêu trời
Kẻo rồi lại có kẻ cười người chê
(Lời giải: cái điếu)


*

Xưa kia em trắng như ngà
Bởi chưng ngủ lắm nên đà em thâm
Lúc bẩn chàng đánh chàng đâm
Đến khi rửa sạch chàng nằm lên trên
(Lời giải: cái chiếu)


 


Riêng những bài về sấm ký thì tuy có nhưng không nhiều:


Nguyễn đi rồi Nguyễn lại về
Giặc đến bồ đề thời giặc lại tan
Đầu cha lấy làm chân con
Mười bốn năm tròn hết số thì thôi (21)



Một hình thức khác của ca dao là vè. Các bài vè thường châm biếm một nhân vật hay sự việc xảy ra làm xôn xao dư luận ở địa phương. Thí dụ:

 

Làng ta mở hội vui mừng
Chuông kêu trống đánh vang lừng đôi bên
Long ngai thánh ngự ở trên
Tả văn hữu vũ bốn bên rồng chầu
Sinh ra nam tử công hầu
Sinh ra con gái vào chầu thánh quân


*

Làng ta lắm chuyện nực cười
Có ông nhiêu Thục mặt thời đỏ gay
Được cô con gái gớm thay
Mười chín tuổi rày tính đã trăng hoa
Làng Thượng cho chí làng Nha…


*

Em là con gái đồng trinh
Em đi bán rượu qua dinh ông nghè
Ông nghè cho lính ra ve
Trăm lạy ông nghè tôi đã có con
Có con thì mặc có con
Thắt lưng cho tròn mà lấy chồng quan

 


Đồng dao là những bài hát của trẻ con. Những bài này dùng để hát trong các trò chơi của chúng. Nội dung của các bài đồng dao không có ý nghĩa rõ ràng, chỉ là tập hợp những chữ có vần để trẻ con hát làm nhịp cho cử động hoặc để bắt đầu một trò chơi. Tuy nhiên linh hồn lời ca của đồng dao luôn luôn chứa đựng sự ngây thơ, vui vẻ hồn nhiên của trẻ thơ:


Thả đỉa ba ba
Chớ bắt đàn bà

Phải tội đàn ông
Cơm trắng như bông
Gạo thuyền như nước
Đổ mắm đổ muối
Đổ chuối hạt tiêu
Đổ niêu cứt gà
Đổ phải nhà nào
Nhà ấy phải chịu


*


Nhà nào nhà này, còn đèn còn lửa
Mở cửa cho anh em chúng tôi vào
Bước lên giường cao thấy đôi rồng ấp
Bước xuống giường thấp thấy đôi rồng chầu
Bước ra đằng sau thấy nhà ngói lợp
Voi ông còn buộc, ngựa ông còn cầm
Ông sống một trăm thêm năm tuổi lẻ
Vợ ông sinh đẻ những con tốt lành
Những con như tranh, những con như rối (22)

 


Nước ta là một nước nông nghiệp định cư ở trung du và vùng đồng bằng sông Nhĩ Hà và sông Mã. Trong suốt thời gian tối cổ (gần 3000 năm từ 2789 tới 258 TTL) không có chiến tranh, dân chúng sống với những gia súc hiền lành như gà lợn trâu bò, giữa cây cối êm đềm như cây cau, cây dâu, lũy tre, hòa mình vào thiên nhiên hiền dịu có gió mát, trăng thanh, với ngọn lúa, cây đa, giếng làng. Đời sống đơn giản nên những câu ca dao thời cổ hẳn phải hết sức đơn sơ, mộc mạc. Những bài huê tình, nói xa xôi, bóng gió, bâng quơ, châm biếm chắc phải được sáng tác sau này khi đời sống con người được phát triển từ thời nước ta đã có chữ viết.


Việt Nam và Trung Hoa là hai nước duy nhất trên thế giới có ca dao. Ca dao của Tàu có tên là Kinh Thi do Khổng Tử (551-479? TTL) thu thập và san định lại những bài ca dao nơi thôn quê và những bài hát khi có yến tiệc, tế lễ nơi triều miếu. Kinh Thi gồm bốn phần là quốc phong, tiểu nhã, đại nhã, và tụng, nhưng chỉ riêng có phần quốc phong là gồm những bài ca dao, còn những phần khác là các bài hát trong triều đình (tiểu nhã), bài hát trong miếu đường (đại nhã), bài hát ngợi khen các vua đời trước (tụng). Kinh Thi của Tàu chỉ có một phần là cao dao mà lại là những câu ca dao cổ từ thời nhà Chu trở về trước, trong khi ca dao Việt Nam tồn tại và phát triển liên tục từ thời thượng cổ tới hiện đại. Kinh Thi của Tàu nghèo nàn vì hạn chế và bất biến còn ca dao Việt Nam có đời sống phong phú và sống động theo thời gian quả là một kho tàng văn học độc đáo có một không hai trên thế giới vậy.


 

TRUYỆN CỔ TÍCH


Truyện cổ tích (cổ: xưa, tích: việc cũ) là những câu chuyện đã xảy ra từ đời xưa do dân gian ghi nhớ và kể lại cho nhau nghe để mua vui, giải buồn (23). Truyện cổ tích phát sinh từ một nhu cầu đặc biệt của con người trong giai đoạn cổ sơ. Đó là nhu cầu sự huyền diệu (besoin du merveilleux). Truyên cổ tích là những câu chuyện được truyền khẩu nên chưa được coi là một tác phẩm văn học vì mới chỉ có phần nội dung mà chưa có phần hình thức. Một khi chuyện đó được biên chép lại thì lúc đó mới được coi là một tác phẩm văn học. Truyện cổ tích của ta tuy là sản phẩm của tưởng tượng nhưng phần lớn bắt nguồn từ một sự vật trong thiên nhiên, một tục lệ có thật hay một sự kiện lịch sử. Từ khi chữ Hán du nhập vào nước ta một số ít truyện cổ tích có thể bắt nguồn từ sách sử của Tàu hoặc kinh Phật (24) Truyện cổ tích của ta có nhiều loại:


- Truyện Thần Tiên: loại truyện này gồm những truyện có tính cách thần tiên như truyện Sơn Tinh Thủy Tinh (tranh nhau người con gái vua Hùng Vương), Chử Đồng Tử (nghèo mà lấy được công chúa Tiên Dung, sau hai vợ chồng cùng lên trời), truyện Thần Kim Quy (rùa thần giúp Thục An Dương Vương xây thành Cổ Loa), truyện Phù Đổng Thiên Vương (ba tuổi cầm gươm sắt, cưỡi ngựa sắt phá tan giặc Ân), truyện Từ Thức Nhập Thiên Thai (lên tiên kết duyên với nàng Giáng Hương, sau nhớ nhà về trần, không trở lại thiên thai được nữa).


- Truyện Luân Lý: nhằm mục đích đưa ra một bài học luân lý như truyện Tấm Cám (ca ngợi người thật thà, chê trách kẻ độc ác, nham hiểm), truyện Ăn Quả Trả Vàng (ca ngợi người ăn ngay ở thẳng), tuyện Lưu Bình Dương Lễ (bài học về tình bằng hữu), truyện Nguyễn Áng Đánh Cọp (trả thù cho cha, đề cao đạo hiếu).


- Truyện Phong Tục: liên quan đến phong tục và tín ngưỡng của ta như truyện về tục lệ ăn trầu, truyện về bánh chưng bánh dày, truyện về Táo Quân, Vua Bếp…


- Truyện Loài Vật: loại truyện này có nhân vật chính là con vật nhưng hành vi hoặc ngôn ngữ như loài người, có quyền lực siêu nhiên như truyện Rắn Báo Oán (Thị Lộ là rắn hiện thành người báo oán Nguyễn Trãi), truyện Hổ Đền Ơn, truyện Con Chó Đá và Người Học Trò, v.v.


- Truyện Ma Quỉ: là loại truyện ma quỉ có khả năng biến hóa siêu nhiên nhưng ác độc thường trà trộn với người để tác ác, đó là các loại ma rừng, ma núi, ma xó, ma mường, ma rặng nhãn, ma cầu ao, v.v.


- Truyện Tình Yêu: kể lại những mối tình, nhân duyên oan trái hay dị thường có kết cục bi thảm như truyện Trương Chi Mỵ Nương (Trương Chi chèo đò hát hay nhưng xấu, yêu Mị Nương con quan thừa tướng, nàng mê tiếng hát nhưng khi thấy mặt thì chê, Trương Chi thất vọng nhảy xuống sông tự vận, mối tình mang xuống tuyền đài chưa tan), truyện nàng Tô Thị Đồng Đăng (bồng con lên núi trông chồng, đợi mãi hóa đá), v.v.


Nghiên cứu truyện cổ tích của ta có thể tìm ra phản ảnh của phong tục xã hội thời cổ, hình ảnh người Việt Nam xưa, con người giàu tưởng tượng, chất phác, đôn hậu nhưng cũng giàu óc thực tế, hài hước, hóm hỉnh. Mặc dầu phải sống trong những điều kiện ngặt nghèo để sinh tồn, người Việt ta vẫn là những con người hiền lành, thủy chung, nhân hậu. Qua các truyện cổ ta thấy được hình ảnh dân tộc, xã hội nước ta trải qua những bước thăng trầm lịch sử nhưng vẫn giữ vững nề nếp trọng nông quí sĩ, bảo tồn được tín ngưỡng và các nguyên tắc đạo lý.



TÁC GIẢ VĂN CHƯƠNG TRUYỀN KHẨU


Tất nhiên tác giả của văn chương truyền khẩu là những người vô danh, người nào đó trong dân gian đã sáng tác ra. Trong thời kỳ ban sơ chưa có chữ viết để ghi lại, người dân phải dùng lời nói nôm na diễn tả tình ý bằng lối sáng tác văn chương tự nhiên rồi truyền miệng với nhau, nhưng chắc chắn tác giả phải là người có trí thông minh hơn người, có óc nhận xét xác đáng, và hơn nữa, phải có óc tưởng tượng phong phú với tình cảm rạt rào, đầy mơ mộng.



Đến khi nước ta có chữ viết do Hán tự truyền vào cùng với sự du nhập của các đạo giáo thì tác giả văn chương truyền khẩu phải là những người có ăn có học. Trong xã hội ta xưa môt số nhỏ nho sĩ thành đạt trước khi thi đỗ ra làm quan đã xuất thân từ nơi dân dã. Phần lớn các nhà nho còn lại là các hàn sĩ sống suốt đời với làng xã của họ, học hành, sinh hoạt bên cạnh nông dân ở thôn quê, chia sẻ từ công việc thường nhật đến tham dự hội hè đình đám. Họ sống và nghĩ như người bình dân, chính những nho sĩ này là tác giả văn chương truyền khẩu. Giả thử nếu có một số câu tục ngữ, ca dao do người bình dân nghĩ ra thì sau đó tất phải được các nho sĩ sửa đổi, thêm thắt, chau chuốt cho ý nghĩa thêm xác đáng, lời lẽ thêm văn vẻ.



Văn chương là sản phẩm của trí tuệ, văn chương bình dân cũng không nằm trong biệt lệ. Người bình dân không được đi học, trí tuệ chưa mở mang, không thể nghĩ ra được một câu tục ngữ chí lý, làm một bài ca dao bóng bảy dạt dào tình cảm, hay nghĩ ra được một truyện cổ tích hấp dẫn và có ý nghĩa. Chính những người trí thức ở nông thôn đã sáng tạo ra văn chương bình dân. Vì những sáng tác này thích hợp với tâm tình người dân, đáp ứng được nhu cầu tinh thần của họ nên được ưa chuộng và lưu truyền trong dân gian.



Văn chương bình dân là nguồn gốc của văn học Việt Nam. Nghiên cứu và tìm hiểu về nền văn học truyền khẩu nước ta để tìm thấy tinh thần người Việt hiện ra ở đấy, tinh hoa dân tộc Việt cũng nằm trong đó vậy.



CHÚ THÍCH


(01) Văn hiến hay văn hóa tuy đọc khác nhưng cùng một nghĩa. Văn học nằm trong văn hóa của một nước.

(02) Tục Ngữ Phong Dao của Nguyễn Văn Ngọc thu thập được 6500 câu tục ngữ

(03) Trong Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi

(04) Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du

(05) Ban môn vũ phủ

(06) Tích thiện phùng thiện

(07) Ma chử thành trâm

(08) Cước vận (cước: chân) là vần ở cuối câu.

(09) Yêu vận: (yêu: lưng) là vần ở lưng chừng câu

(10) Tên các làng (Vạn Vân: làng chài thuộc tổng Vân Hải, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Yên. Đầm: tên làng Diêm Khê, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông. Sét: tên làng Giáp Lục, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông)

(11) La: gọi tắt tên của tổng La Nội, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Láng: tên làng Yên Lãng, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông. Báng: làng Đình Bảng, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Bần: làng Yên Nhân, phủ Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.

(12) Tên các làng (Tò, Tó: hai làng thuộc tỉnh Thái Bình). Hành Thiện: làng sản xuất ra nhiều nhân vật nổi tiếng và các nhà đại khoa thuộc tỉnh Nam Định.

(13) Nguyên tắc xây cất: dưới rộng, trên hẹp

(14) Phép đục một lỗ để tra mộng ở chỗ nối 2 đầu thanh gỗ: mộng dài bề dọc thì qua, nhưng nếu lớn bề ngang thi tra không vào, cố đóng lỗ sẽ bị nứt.

(15) Tác giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc thu thập được tất cả 8500 câu ca dao (Tục Ngữ Phong Dao)

(16) Nghĩa: nếu phương đông tối đen, phương tây ráng trời đỏ rực, gió may bắt đầu thổi thì đó là triệu chứng sắp có mưa to gió lớn.

(17) Nói về việc Pháp lập vua Đồng Khánh ở Huế trong khi ở ngoài Bắc và trong Nam vua Hàm Nghi vẫn được dân chúng và phong trào Văn Thân ủng hộ.

(18) Truông là rừng, truông nhà Hồ là rừng Hồ Xá Lâm thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ngày xưa, rừng này nhiều giặc cướp, ai đi qua cũng sợ. Phá: lạch biển. Tam Giang: ba con sông. Phá Tam Giang là cái lạch biển ở huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên, về phía tây nam có ba con sông là Tả Giang, Hữu Giang và Trung Giang chảy vào rồi đổ ra cửa biển Thuận An. Ngày trước vùng này nhiều sóng lớn, thuyền bè qua lại rất nguy hiểm, sau này nước cạn đi nên còn có tên là Hạc Hải (bể cạn) (theo Đại Nam Nhất Thống Chí). Bài ca dao này nói về việc ông Nguyễn Khoa Đăng, nội tán đời chúa Hiến Tôn (1691-1725) dẹp yên giặc cướp ở vùng Truông nhà Hồ.

(19) Hai câu này đánh dấu cuộc Nam tiến của dân tôc ta vào thời chúa Nguyễn ở đàng trong.

(20) Tục Ngữ Phong Dao của Nguyễn Văn Ngọc thu thập được tổng cộng 364 câu đố.

(21) Được giải thích là Nguyễn Huệ ra Bắc diệt chúa Trịnh (1786), rồi trở vào trong Nam. Khi Nguyễn Huệ mất năm 1792, thái tử là Nguyễn Quang Toản (1872-1802) mới lên 10 tuổi nối ngôi vua Quang Trung, lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh. Ba nét chữ Nho ở dưới chân chữ “Cảnh” lại giống như ba nét ở đầu của chữ “Quang”. Nhà Tây Sơn trị vì cả thảy được 14 năm (từ 1788 đến 1802).

(22) Đêm trừ tịch (tối 30 tết), trẻ con nhà nghèo đi thành từng bọn đến trước cửa các nhà để xin tiền. Đứa đi đầu cầm cái ống đựng tiền đã xin được lắc lên thành tiếng “súc sắc”, bọn chúng vừa lắc vừa hát bài hát “súc sắc, súc sẻ” này.

(23) Truyện Cổ Nước Nam (2 quyển) của Nguyễn Văn Ngọc thu thập được tổng cộng 248 truyện cổ tích.

(24) Vài thí dụ: truyện Tấm Cám giống như truyện của Ấn Độ, truyện Quỉ Nhập Tràng là truyện Thi Biến trong Liêu Trai Chí Dị, truyện Gái Quạt Mồ mượn sự tích Trang Tử Cổ Bồn của Tàu, truyện Con Rùa Đội Kinh mượn từ sách Phật, v.v.


TÁI LIỆU THAM KHẢO


- Dương Quảng Hàm, Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển, Trung Tâm Học liệu Bộ Giáo Dục, in lần thứ 9, Saigon, 1968.
- Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử yếu, 1941, Trung tâm Học Liệu Bộ Giáo Dục, in lần thứ 10, Sàigòn, 1968.
- Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn, Văn Học Dân Gian Việt Nam, nxb Giáo Dục tái bản lần thứ 4, Hà Nội, 2000.
- Lê Văn Siêu, Nguồn Gốc Văn Học Việt Nam, nxb Thế Giới, Sài Gòn, 1956.
- Lê Văn siêu, Văn Học Sử Việt Nam, nxb Văn Học, thành phố HCM, 2005.
- Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam Cổ Văn Học Sử, Hà Nội, 1941.
- Nguyễn Văn Ngọc, Tục Ngữ Phong Dao, tập I & II, nxb Vĩnh Hưng Long, Hà Nội, 1928.
- Nguyện Văn Ngọc, Truyện Cổ Nước Nam, 1932 & 1934, nxb Thăng Long tái bản, Sài Gòn.
- Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, quyển I, nxb Quốc Học Tùng Thư, Sài Gòn, 1961.
- Phạm Văn Diêu, Văn Học Việt Nam, quyển thượng, nxb Tân Việt, Sài Gòn, 1960


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Mục Đồng