KỂ CHUYỆN ĐI TẦU - Lê Trần

01 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 17698)




Kể truyện đi Tầu

 

 

 Thật ra, lần này là lần thứ hai tôi sang Tầu, nếu kể lần thứ nhất đi Vân Nam từ Hanoi, với vợ chồng Hoàng Song Liêm, nhân dịp về Việt Nam năm 2004. Đường đi từ Lào Cai (VN) tới Vân Nam lúc bây giờ hãy còn chưa bị cơn sốt xây cất và kỹ nghệ hóa như những năm gần đây, nên thiên nhiên hãy còn giữ được vẻ đẹp thô sơ. Suốt dọc đường, xe chạy quanh co ven theo núi đồi hiểm trở, nhiều chỗ là vực sâu thăm thẳm, có cầu khỉ vắt ngang sang dẫy núi bên kia, với những rừng chuối lá xanh như ngọc, trồng vắt vẻo trên cao, cheo leo trùng điệp. Vân Nam khi đó hãy còn nhịp sống thôn dã, tuy cần cù nhưng không vội vã hối hả như những miền quê tôi mới đi qua. Tới Côn Minh , thủ đô của Vân Nam, cũng thăm được mấy nơi như Lâm Thạch (Stone Forest), Jiu Ziang Cave, vài ngôi chùa xây trên vách núi ….


 Năm nay, lần đầu tới Bắc Kinh vào tháng 10/2010, tưởng như tới một thành phố nào ở Âu Châu hay Mỹ Châu. Nhà cao tầng mọc như nấm, đủ hình đủ kiểu. Đường xá rông rãi sạch sẽ, tô điểm thêm cây cỏ hoa lá thật vui mắt. Không ngờ mới trong khoảng 10 năm mà Bắc Kinh, cũng như nhiều nơi ởTrung Hoa, đã phát triển ồ ạt và nhanh đến mức chóng mặt. Đúng như một bà bạn ở Việt Nam của tôi nói, thât là vĩ đại ! Chỗ nào cũng đang xây cất . Nhiều khu phố cổ đã bị phá tan, cũng như 4 bức tường thành ngày xưa với những cổng thành kiên cố của kinh đô, khi phong trào đổi mới hăng say chủ trương bỏ cũ thay mới.


 Bây giờ Trung Hoa chỉ còn Tây An và Pingyao là còn giữ được 4 bức tường xưa, di tích của bao nhiêu thời đại vua chúa , chứng kiến bao nhiêu dâu bể bể dâu ...


 Vì không đi theo tour như nhiều người đã khởi hành từ Mỹ, hay từ Việt Nam …, nên trong 4 ngày đầu tiên ở với gia đình cháu Như An, chúng tôi tự đi thăm những nơi phải xem ở Bắc Kinh như Tử Cấm Thành, Thiên An Môn, Vạn Lý trường thành, Summer palace , mấy cái tháp chuông và trống, v.v.. Tiếp đó, vợ chồng cháu Y Nhi phác một lộ trình bay xuống phía Nam, thăm Pingyao, Tây An, tới Trùng Khánh để xuống tầu du ngoạn sông Dương Tử, sau đó bay ngược về Thượng Hải, Tô Châu.


 

 Những nơi như Thượng Hải, Tô Châu, Tây An , hay các thắng cảnh và di tích lịch sử ở Bắc Kinh thì tôi xin gửi kèm bài viết của anh Kiện khi anh ấy đi Trung Hoa năm 1994. Bài rất xúc tích, và nhiều chi tiết về kiến trúc đền đài cũng như hoa viên.


 Tôi chỉ xin kể chuyến đi Pingyao mà chắc nhiều người chưa biết đến và có dịp thăm viếng


 Ngày 16/10, từ Bắc Kinh, mẹ con tôi bay tới Thiểm Tây thăm walled city Pingyao. Miền này khai thác mỏ than, nên trên đường từ sân bay Thái Nguyên đến Pingyao, đường xá bụi mù đầy xe vận tải chở than đen thùi. Cảnh vật tiêu điều, cây cối khô cằn. Rải rác đây đó vài ruộng ngô vàng úa. Trên đường từ sân bay, có ghé thăm Jin Si temple (nhà tu Tây tạng) và căn nhà đại phú gia Qiao Old House có tới 300 phòng ốc, nhưng đã đổ nát nhiều (nơi chiếu phim The red lantern).


 Ngoại thành Pingyao cũng bắt đầu xây cất những chung cư cao tầng, chỗ nào cũng gạch ngói bừa bãi. Nhưng nội thành Pingyao được bảo tồn như 1 thành phố cổ duy nhất còn nguyên những căn nhà cổ xưa, với nếp sống thay đổi rất ít từ bao nhiêu năm cũ. Mấy trăm năm trước, từ thời nhà Minh cho tới nhà Thanh, Pingyao đã là nơi buốn bán rất phồn thịnh. Những ngân hàng đầu tiên xuất phát từ đây và lan ra khắp nước, tính ra có tới hơn 300 chi nhánh. Có thể nói, vào thề kỷ 18, Pingyao là 1 thứ Wall Street của Trung Hoa. Vì là nơi buôn bán, trao đổi hàng hớa, nên ở đây cũng là nơi có những bảo tiêu nhận chở hàng đi xa, vì thế mà có phong trào học võ với những võ đường. Ngoài ra cũng có nhiều chùa thờ Phật và đền thờ Lão, Khổng được xây cất công phu…. Mẹ con tôi đi bộ xem suốt 1 ngày những dinh cơ đó. Chùa hay đền thờ đa số rộng lớn nguy nga, nhưng nhà ở cũng như ngân hàng, nhà bảo tiên hay trường dậy võ, đều hẹp chiều ngang ở mặt tiền. Tuy vậy, diện tích to nhỏ là tùy theo số courtyards (sân trong) , nhiều khi tỏa ra hai bên rầt rộng. Cứ vào mỗi sân lại có 1 cổng, hai bên sân là 2 dẫy nhà ngang. Sân nào cũng có cây cảnh và non bộ.


 Bên ngoài, mấy phố chính rực rỡ đèn lồng và có nhiều tửu lâu, cửa và lan can bằng gỗ chạm trổ tinh vi, tường treo tranh thủy mạc và câu đối nét chữ rồng bay phượng múa, cảnh vật y như trong phim chưởng…. Du khách ở đây phần nhiều là người Pháp. Khách sạn là những ngôi nhà cổ sửa sang cho có tiện nghi lối mới, nhưng vẫn giữ được nét độc đáo ngày xưa, với lối trang hoàng thanh nhã của thời nhà Minh và nhà Thanh.. Đi đến chiều tối thì các con tôi leo lên tường thành đi dạo và ngắm cảnh (tường dầy cỡ 5 thước, có nhiều tháp canh hùng vĩ )), nhưng bà già mệt quá phải về hôtel nghỉ !! Khá tiếc vì nghe nói cảnh tường thành là nhất !


 Ở đây, thức ăn đặc biệt là pancakes , có loại như bánh crêpes, có loại hình dáng như hoa tulips không nhân, chấm với 2 loại nước sauces cay, lạ và ngon.

 

 Ngày 18/10, cả nhà bay đi Tây An. Ở Sofitel trong nội thành. Tới vào buổi trưa, nên ăn lunch xong là đi bộ thăm thành phố ngay. Tây An còn gọi là Tràng An, kinh đô của 13 triều đại Châu, Tần, Hán xưa. Cũng như các thành phố Trung Hoa đang đổi mới, nhà cao tầng, cửa hàng buôn bán xen lẫn, vây quanh những đền chùa xưa cũ, bao phủ bởi một bầu không khí ô nhiễm, trắng đục như sương mù… Hai cái gác chuông và trống (drum và bell towers) của Tây An ở ngay trong nội thành, giữa khu buôn bàn người qua kẻ lại tấp nập. Nhìn từ tháp cao xuống, chỉ thấy màn ảnh quảng cáo nhấp nháy, nhạc mại vô liên hồi. Ngày xưa chuông reo buổi sáng, trống đánh cầm canh ….bây giờ quay lại nhìn giàn trống đỏ và dẫy chuông đồng đen, thấy quá khứ như ngậm ngùi …. Bóng của một thời đã qua chỉ còn là một vài màn biểu diễn múa trống rung chuông cho du khách xem !


 Gần đó là khu của cư dân Hồi Giáo, nên tuy trời đã tồi cũng cố cuốc bộ tới xem. Nhà thờ mosquee của họ kiến trúc như chùa Phật Giáo, cũng mái cong, cũng nhiều sân trong và nhiều lớp cổng… Tới đó phải đi qua nhiều phố hẹp đầy cửa hàng ốn ào tấp nập, rực rỡ nhiều mầu. Vệ đường chi chít những sạp bán thức ăn, thoang thoảng có vị hồi . Nhìn thoáng thấy nhiều sâu thịt nướng bên cạnh những tảng bột trắng đục


 Đến Tây An lẽ dĩ nhiên phải đi xem mộ Tần Thủy Hoàng , và bảo tàng thời Hán . Những di tích lịch sử này được bảo vệ kỹ lưỡng bằng những tòa nhà vĩ đại xây kín chung quanh, mái cao ngất trời. Du khách đền xem đi dọc theo những hành lang rộng mênh mang, nhìn xuống khu đất khảo cổ đang và đã được khai thác phía dưới, để chiêm ngưỡng đơàn quân gồm người và ngụa bằng sành có nhiệm vụ canh gác mộ ông vua có công thống nhất Trung Hoa , thâu trăm họ vào một mối…..


 Chiều về, chúng tôi ghé một rạp hát, vừa xem trình diễn múa hát, vừa ăn tối món dumplings gồm 25 loại khác nhau.


 Sau Tây An, chúng tôi bay đi Trùng Khánh để xuống tầu đi dọc hạ lưu sông Dương Tử. Trước khi xuống tầu, chúng tôi cũng đi thăm tỉnh Trùng Khánh, tới những nơi như bản doanh của tướng Stilwell, chỗ họp với Đồng Minh và Tưởng Giới Thạch trong thế chiến thứ hai, nhà lưu niệm đoàn không quân Spitfire v.v. .


 Ba ngày trên tầu, nhìn ra ngoài thấy sông nước mênh mông một mầu xanh, hai bên núi non trùng điệp mờ mờ sương phủ … Cảnh đẹp như tranh, chỉ tiếc là lâu lâu trên bờ lại có những xây cất làm mất vẻ hài hoà của thiên nhiên . Hôm sau thuyền ghé Fengdu, chúng tôi lên bờ đi thăm Ghost City trên đỉnh núi, phải leo tới 500 bực. Đền sơn đen, toàn cảnh địa ngục rùng rợn. Sau đó về tầu ăn trưa, rồi lại đi thăm chùa Shibaozhai, được coi như viên ngọc của sông Dương tử, làm toàn bằng gỗ đỏ, tạc vào một khối đá khổng lồ. Ở miền núi dọc sông này, dân địa phương ngày xưa có thói quen treo quan tài người chết từ trên sườn núi cao, chứ không chôn xuống đất.


 Ngày hôm sau, ngày thứ ba, chúng tôi tới eo sông Qutang, cập bến thăm White Emperor City. Tục truyền vào thời Tây Hán có một vị tướng tới nơi đây, thấy trên đỉnh núi có một làn sương hình dáng như 1 con rồng trắng , nên lập ra ngôi đền này. Nơi đây chỉ thờ những danh nhân thời Tam quốc như Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi, Khổng Minh, chứ không có vị hoàng đế áo trắng nào.


 Ngày cuối cùng, chúng tôi đi thăm cái đập nổi tiếng Three Gorges, tham vọng của Trung Hoa mang lại thủy điện cho dân, nhưng quá trình xây dựng đã làm bao nhiêu làng mạc bên sông chìm vào đáy nước hay bị phá hủy. Cả triệu dân bao nhiêu năm sinh sống ở ven sông này đã thành ra kẻ không nhà…

 

 Tới Yichang thì chúng tôi lên bờ, từ biệt sông Dương tử, để đi Thương Hải, chặng cuối của 10 ngày đi ngắn ngủi. So với Bắc Kinh, tôi có cảm tình với Thượng Hải hơn. Hình như Thượng Hải tự nó có cái giá tri truyền thống của nó, còn Bắc Kinh vẫn có một cái gì vay mượn sau khi cố gắng biến đổi thành một thành phố tân tiến quá nhanh và gượng ép …. 


 Về lại Bắc Kinh ở một tháng với cháu Như An, tôi cũng lấy tour đi thăm một khu hutongs. Ngồi xe kéo trong gió lạnh, qua những ngõ ngách ngoằn ngoèo gọi là hutongs đó, mới thấy còn một số dân Bắc Kinh cũ hãy còn sống lam lũ, tối tăm chật vật vô cùng.


 

 Trái với anh Kiện, đi Trung Hoa với tinh thần hoài cổ, để tìm lại những nơi chốn đã từng nghe và đọc, một phần của tuổi thơ của anh. Anh dậy sử, có cái sens de l’histoire, nên nhiều khi chỉ một giải sông mà cũng hình dung được nàng Tây Thi giặt lụa… Qua Tô Châu, chẳng thấy hàng phong ngày xưa đâu, nhưng vẫn nghe như vẳng tiềng chuông chùa Hàn Sơn… …Tuổi thơ của tôi cũng đầy những nhân vật trong Tam Quốc Chí diễn nghĩa, Đông Chu liệt quốc, Bao Công xử án, Càn Long du Giang Nam… hẩu lốn lẫn lộn với Trung Nhật và Nga Nhật chiến tranh…, nhưng đối với tôi vẫn chỉ là những chuyện bên lè cuộc sống của một con bé Việt Nam ở ngoại ô Hà Nội. Tuy những ý niệm về nhân, nghĩa, lễ , trí, tín cũng đã thấm dần vào tâm trí lúc nào không hay, nhưng không bao giờ tôi cảm thấy gần gũi với Trung Hoa, để thấy cần thiết phải tìm lại cảnh cũ mà đối chiếu….


 Phải công nhận là Trung Hoa có nhiều cảnh đẹp và nhiều người giỏi từ ngàn xưa. Nhưng cảnh đẹp bây giờ nhiều chỗ đã bị tàn phá để nhường chỗ cho những thành phố mới đầy nhà trọc trời và nhà máy phun khói độc. Còn người giỏi thì ngày nay chắc cũng không hiếm, nhưng cá thể đã biến và hòa lẫn vào guồng máy công cộng sản xuất của nhân dân và nhà nước … Trung Hoa đang ở thời kỳ vươn lên, cố phát triển thật nhanh và mạnh. Nhưng trong cái vội vã muốn thành vĩ đại đó, nhiều khi có nứt rạn vì quá tham lam ….


 Tuy vậy, Trung Hoa cũng sẽ tiến hơn nữa và đã thành công trong tham vọng trở thành một cường quốc trong mấy năm qua. Và những người Trung Hoa tôi đã gặp rất tự hào về đất nước của họ.

 


 Đó là những cái nhìn và nhận xét sơ thiển của tôi khi ở Trung Hoa 2 tháng. Một thời gian quá ngắn để hiểu biết nhiều hơn về một đất nước quá rộng lớn và phức tạp ! 

 

 

Lê Trần


Fairfax ngày 17 tháng 12, 2010


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Mục Đồng