CHÚ MỤC ĐỒNG VÀ THIỀN HỌC- Tùng Sơn

05 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 27041)



CHÚ MỤC ĐỒNG VÀ THIỀN HỌC


zen_garden-content

Nói một cách vắn gọn Thiền là phương cách tu luyện để đạt đến cảnh giới giác ngộ. Do đó Thiền bao gồm hành động và lời nói là tất cả sinh hoạt liên hệ đến đời sống hằng ngày của chúng ta, là sự thể nghiệm không phải kiến thức có được do phân tích hay so sánh, là cái gì vừa phủ định vừa khẳng định, vừa đối chọi vừa hòa hợp, vừa trần tục vừa giải thoát. Chẳng hạn như những câu “Đói thì ăn , khát thì uống”, “không làm không ăn”,” đừng dựa vào người khác” Hoặc “ngắm trăng, xem hoa” hay vần thơ “Hôm nay biết hôm nay; còn xuân thu trước ai hay làm gì” v.v. Mới nghe qua thì nó có vẻ bình dân, giản dị như vậy đó. Nhưng có khác biệt rất lớn về mặt nhận thức giữa những người với tâm thiền hay không có tâm thiền?



Ngoài ra chúng ta có thể tìm thấy tính chất Thiền qua võ thuật như kiếm đạo, nhu đạo hay nghệ thuật như trà đạo, hoa đạo, thư đạo v.v..

 

 

Mọi người chúng ta đều cùng sống chung dưới bầu trời, hít thở cùng không khí của đất trời. Nhưng khác nhau chăng là cái sự cảm nhận về sự vật xung quanh, về cái chết cái sống, về sự thay đổi vạn vật thiên nhiên cỏ cây hoa lá. Lấy thí dụ: uống trà, một động tác ai cũng làm giống như nhau, nhưng cảm giác nhận thức chủ quan từng người sẽ khác biệt về việc thưởng thức khi uống trà. Những người có tâm thiền, uống trà trong giây phút ngắn ngủi đó có thể là khoẳng khắc hay giây phút vô cùng quý giá vì nó có thể làm bừng tỉnh tâm thức và bước vào cảnh giới của giác ngộ, cảnh giới cao nhất, cùng cực của tâm linh. Hoặc khi ngắm bông hoa nở cũng có thể là chất kích thích rất lớn với người đã có gieo cấy trong tâm hồn một hạt giống Thiền.


 

Chúng ta lấy thí dụ tập Thái Cực thiền quyền dưỡng sinh, những người đã thuộc 108 thế ai nấy đều đi bài quyền giống nhau và chắc chắn đều đẹp và hay như nhau, nhưng khác chăng là tâm thiền của mỗi người chắc không ai giống ai và đang trong cảnh giới nào chắc chỉ người đó mới hiểu được. Tuy nhiên nó có thể biểu hiện phần nào ra ngoài trong khi đi quyền.

 

 

Vì thế tu Thiền là để tìm thấy sự giác ngộ ngay trong những công việc tầm thường trong đời sống thường nhật cũng có nghĩa từ cảnh giới mê muội, tối tăm (ignorance avidya) bước sang cảnh giới giác ngộ, bừng tỉnh (englightenment sambodhi). Muốn thế chúng ta phải gieo hạt giống thiền trong tâm hồn, hay là huân tập chủng tử A lại Da Thức ngay từ bây giờ đừng chần chờ để lúc nào đó nó sẽ nở hoa. Người tu Thiền luôn luôn để ý mọi động tác hành vi từ sự suy nghĩ cho đến hơi thở từng giây từng phút, từng niệm. Người tu Thiền cũng phải hiểu thấu đáo chuyển hoán những phiền não thành cảnh giới của giác ngộ, cảnh giới sinh tử thành cảnh giới Niết Bàn, Phàm Thánh bất nhị, chúng sinh Phật nhất như.


 

Tu học thiền phải trải qua nhiều giai đoạn như tìm tòi, học hỏi, suy nghẫm, chứng nghiệm v.v.. về cái ta. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu phân tích “Thập Ngưu Đồ” mười bức tranh về chú mục đồng và con trâu, sáng tác đầu tiên bời Thiền Sư Thanh Cư đời nhà Tống, sau đó được bổ túc thêm bởi Khuếch Am Sư Viễn thuộc trường phái Lâm Tế, mô tả những giai đoạn tu chứng để đi đến giác ngộ và vào đời giúp người. Nơi đây con trâu biểu tượng cho bản ngã, cái tôi là cái chúng ta đang tìm kiếm:


 

  1. Tìm trâu

 

 chan_trau_1-contentChúng ta có bao giờ đi lạc đường không? Chắc hẳn là có đôi khi phải đi loanh quanh để tìm lối ra và đôi khi cũng tự hỏi căn nhà thật của mình nó ở đâu. Hoặc giả như đang sống trong thế giới mà có trong khoẳng khắc nào đó cái tâm linh, bản ngã, cái ta đôi khi tự hỏi chúng ta phải sống như thế nào? sống ra sao? rồi chết đi về đâu? Cũng có những người chẳng bao giờ đặt câu hỏi nhưng họ vẫn sống theo bản năng tự nhiên của con người. Cũng một phần chúng ta có khuynh hướng âm thầm che dấu hay không có thói quen tự hỏi về những cái nằm sâu trong tâm hồn, một phần quá bận rộn chạy theo ảo ảnh, quyến rũ vật chất bên ngoài, cộng thêm vào những cảm xúc, những ham muốn tranh đoạt cho có, pha lẫn tâm lý sợ hãi mất đi, rồi lý luận đúng sai như những ngọn lửa bừng bừng cháy trong chúng ta và không biết rằng nó đang đánh lừa chúng ta, thế rồi theo năm tháng chúng ta xem nó là thật và có lúc nào đó quá mệt mỏi, chán nản, tự hỏi không biết nó là thật hay giả. Nhìn ra phía trước trời đất mênh mông, sông sâu núi thẳm, đây đó chỉ nghe tiếng ve sầu khóc than. Đây là giai đoạn đầu tiên còn gọi là phát tâm đi tìm bản ngã. Đó chính hình ảnh chú tiểu đồng đang đi tìm trâu.


 

  1. Thấy dấu con trâu

 

chan_trau_2-content Khi câu hỏi đặt ra tức phải đi tìm câu trả lời bằng nhiều cách hoặc tìm thầy, hoặc kinh sách, hoặc phương tiện thông tin hiện đại. Đó là lúc tìm thấy nhiều dấu vết chỉ cho thấy nhiều hướng phải đi tới. Tuy thế vẫn còn bán tín bán nghi không biết hướng nào, dấu vết nào là phải là đúng cần phải theo dấn bước đi tới. Trước mắt là cả vũ trụ bao la, thiên hình vạn trạng, thế gian quá phức tạp đầy rẫy những chuyện thị phi và chỉ có cách nhìn trời mà hỏi. Đây là giai đoạn tìm đọc kinh Phật hiểu được ý nghĩa “vô thường” “không” “vô ngã”. Đó chính là hình ảnh thứ hai chú mục đồng thấy đây đó dấu vết con trâu bên dòng sông hay dưới gốc cây được biểu tượng trong Thập Ngưu Đồ.


 

  1. Thấy trâu

 

chan_trau_3-content  Thế rồi qua suy nghẫm, thể nghiệm lắng nghe âm thanh tiếng gọi sâu thẳm nơi đáy tâm hồn cho đến lúc cùng hòa nhịp với những cảm xúc và cảnh vật thiên nhiên trời mây non nước để bước vào cảnh giới tuyệt đẹp. Đây là giai đoạn khi ta tìm thấy chính mình, hiểu rõ về bản ngã, về thực tướng của ngũ uẩn và sáu cảm giác bao gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể và tâm hồn. Đây cũng là biểu tưởng hình ảnh thứ ba chú mục đồng tìm thấy trâu trong thập ngưu đồ.

 


  1. Bắt trâu

 

chan_trau_4

 Sau thời gian dài lạc đường lạc lối xuyên qua sông sâu núi thẳm nay đã tìm thấy được trâu. Nhưng không dễ gì bắt nắm được nó, vì sau thời gian sống phóng túng với thế gian bên ngoài, với bản năng sẵn có muốn trở về đường xưa lối cũ không dễ gì một sớm một chiều trở lên thuần khiết, nếu không có quyết tâm, quyết chí học đạo. “Nắm bắt được trâu” đây cũng như xem đạt được thành quả cao nhất, nếu không kiên trì, quyết tâm nỗ lực theo đuổi sẽ vuột mất. Nơi đây nói đến tính chất bản ngã là không, cũng cần phải hiểu thêm mọi vật cũng không, các pháp cũng không. Như trong kinh Bát Nhã có nói “sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Muốn đạt cảnh giới này cần phải nỗ lực tu học thêm nữa.

 


  1. Chăn trâu

 

 chan_trau_5

 Ý nghĩ hay suy tưởng luôn luôn di động, hết việc này nhảy sang việc khác, có thể nói là dòng chảy vô tận. Chỉ có sự giác ngộ mới cho chúng ta biết đâu là chân lý. Ở giai đoạn này chúng ta vẫn còn phân vân, bối rối chưa biết đâu là thật đâu là giả. Không phải thế giới khách quan sự vật bên ngoài đè nặng lên chúng ta mà chính chúng ta cũng tự lừa dối chính mình vì thế cần phải kiểm soát nắm chặt dây đừng để phóng túng. Ở giai đoạn này cho dù đã hiểu thấu tinh thần vô ngã, nhưng không phải luôn luôn nghĩ và thực hành điều này. Bởi vì những ảo tưởng vẫn đôi khi trở lại trong dòng suy tưởng có nghĩa cái ta, cái tôi những ham muốn riêng tư vẫn có thể trở lại. Do đó cần phải sống điều độ giữ giới luật và nỗ lực hơn nữa.


 

  1. Cưỡi trâu về nhà

 

chan_trau_6

 Cuộc chiến nội tâm tạm xem như đã qua, không còn phải suy tính việc hơn thua, thắng bại, không còn phân biệt tốt xấu, không còn phân biệt giữa ta và người vì tất cả đều không. Chú mục đồng nay thong thả cưỡi trâu nghê nga ca hát bài ca thôn dã về nhà, cái nhìn anh ta về thế gian hiện thực hơn. Cho dù ai có kêu gọi, dụ dỗ chú trâu cũng không quay lại hay quan tâm đến. Đây là giai đoạn đã thuần thục hóa cái ta, hiểu rõ cái ta và ai đó có hiểu ta hay không hiểu ta cũng không phải bận tâm. Đây chính hình ảnh thứ sáu.


 

  1. Quên trâu còn người

 

chan_trau_7

 Con trâu chỉ là biểu tượng sự vật trên thế gian. Chúng ta hiểu rằng con thỏ, con cá quan trọng hay cái bẫy, cần câu là quan trọng, cũng như chúng ta phân biệt giữa vàng và đống sắt vụn, giống như mặt trăng chui ra từ đám mây đen với bầu trời trăng sáng không một cụm mây. Như tia sáng thanh thoát bừng sáng trước khi một ngày bắt đầu. Cụm từ “quên trâu” ở đây có nghĩa gì? Có nghĩa sàng lọc để tìm chân ngã trong cái tôi, cái ta. Đây chính hình ảnh chú mục đồng sau khi dẫn trâu về nhà ngồi yên lặng ngắm mây trời suy ngẫm về cái ta. 

 

 

  1. Quên người lẫn trâu

 

 chan_trau_8

  Mọi phiền não, vướng mắc, rối rắm đều để qua một bên, chỉ còn lại sự tĩnh lặng tuyệt đối, dường như mọi sự việc điều thông suốt. Anh ta không còn quan tâm đến vấn đề thánh thiện, không còn suy nghĩ Phật ở đâu, Phật là ai, không còn phân biệt nhị nguyên, phải trái thị phi, lợi và hại, ta và người, cho dù thiên hạ cố tìm những thiếu xót hay sai trái người khác. Tất cả đều trống rỗng, không còn ta, con trâu, cái roi chăn trâu giống như ngọn lửa hồng không có chỗ chứa cho hạt tuyết rơi. Đây là giai đoạn nhận thức rằng chân ngã và cái tôi cả hai đều không thực, tức là bước vào cảnh giới vô ngã, vô thường và không tức cảnh giới chư Phật, Bồ Tát. Khi đó còn lại là một vòng tròn trống không. Đó là hình ảnh thứ tám trong thập ngưu đồ.



9. Trở về cội nguồn


 chan_trau_9 “Bản tính thanh tịnh”, từ khởi đầu bản ngã là thuần khiết, trong sạch, không hề bị ô uế, ảnh hưởng bởi sự vật xung quanh việc chi phải trở về, phải tranh đua vì nó ở ngay trong ta. Ngồi trong am nhìn trời mây, hoa nở, nước lặng lẽ trôi, quan sát những biến chuyển đổi thay xung quanh, riêng trong ta là sự thanh tịnh bất biến hằng thường việc gì phải theo những quy luật giả tạo của nhân thế. Đây là cảnh giới nhân không, pháp cũng không còn gọi là chư pháp vô ngã, cảnh giới của giác ngộ, trở về nguồn. Đó là hình ảnh thứ chín trong thập ngưu đồ.

 

 

 

  1. Thong dong vào đời

 

chan_trau_10

Nay đóng cửa am, chú mục đồng không chút âu lo phiền muộn, mỉm cười thong dong vào đời. Những người chú gặp gỡ trên đường ngay cả cỏ cây hoa lá, muôn thú chú cảm nhận đều có Phật tánh. Đây là cảnh giới giác ngộ thăng hoa toàn diện về thể chất lẫn tinh thần, hoàn toàn tự do tự tại không còn ràng buộc bởi vật chất thế gian, không còn phân biệt giữa ta và người, có thể nói là tái sinh vào cảnh giới để thực hành lời nguyện “chúng sinh vô biên thệ nguyện độ, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”.


 

Qua mười bức tranh trên cho thấy chú mục đồng là người đi tầm đạo, tìm chân lý để hiểu rõ về bản ngã, tìm ra con đường giải thoát nhìn thấy rõ bản tính, vượt ra khỏi những hiện tượng giả tạo không thật cũng đó chính là nguồn gốc của khổ đau. Khi đã hiểu rõ tường tận và tu chứng nghĩa là đạt đến cảnh giới thiền định tức cảnh giới tự do tuyệt đối.



Tùng Sơn


Xuân Giáp Ngọ 2014



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Chim Hạc