VẤN ĐẠO VỚI ĐẠO NGUYÊN - Diệu Huyền trích dịch

15 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 70046)

dogen-zenji-content



Một ngày nọ, có một đệ tử hỏi Thiền sư Đạo Nguyên:


“Bạch thầy, con đã trải qua biết bao nhiêu năm tháng siêng năng tu học, mà sao vẫn chưa chứng ngộ được. Các vị tổ ngày xưa nói rằng Đạo không tùy thuộc và trí thức và sự khôn ngoan, và không cần phải có kiến thức hay tài năng gì mới được. Theo như con hiểu điều đó, thì tuy khả năng kém cỏi, con cũng không cần phải buồn gì lắm. Không biết có còn câu nói hoặc lời khuyên gì của người xưa chúng con cần phải học đến hay không?


Đạo Nguyên trả lời, “Có chứ. Học Đạo chân chính không tùy thuộc vào kiến thức, tài năng hay sự khôn ngoan và thông minh. Bởi vì học Đạo không cần đến kiến thức sâu rộng, nên ngay cả những người có khả năng giới hạn cũng có thể làm được. Học Đạo chân chính là một điều dễ dàng thôi.


Tuy nhiên, trong những thiền viện ở Trung Hoa, trong số hàng trăm, có khi hàng ngàn đệ tử tu tập dưới trướng của một vị Thiền sư kiệt xuất, chỉ có được một, hai người là thực sự đạt ngộ. Vì vậy, cần phải có những lời nói và các lời khuyên của các vị Tổ. Theo ta thấy, vấn đề cốt yếu là phải có một ước nguyện muốn tu tập. Một người thực sự có tâm nguyện muốn tu đạo và dồn hết mọi nỗ lực vào việc học đạo chắc chắn sẽ được chứng ngộ. Chủ yếu là phải chú tâm toàn diện vào nỗ lực này và tinh tấn tu trì không ngừng. Nói rõ hơn, phải ghi nhớ những điểm sau đây:


“Trước hết, phải có một chí nguyện chân thành muốn tìm Đạo. Tỷ dụ như, nếu người nào muốn đi ăn cắp một món nữ trang quý giá, hoặc muốn tấn công một kẻ thù đáng sợ, hay muốn làm quen với một người đẹp nào đó, họ sẽ luôn luôn canh cánh đợi chờ cơ hội, tự điều động mình theo mọi biến chuyển và hoàn cảnh đổi thay. Bất cứ điều gì được theo đuổi một cách mãnh liệt như thế chắc chắn sẽ thành tựu. Nếu ước nguyện muốn tìm Đạo cũng mãnh liệt như vậy, dù cho bạn có tập trung ngồi tọa thiền một mình, tham khán một công án xưa, hỏi đạo một vị Thiền sư, hoặc nhất tâm thành khẩn tu trì, bạn sẽ thành công dù cho mục tiêu nhắm đến có cao xa đến đâu, hay thâm sâu đến mức nào chăng nữa.


“Nếu không khởi một chí nguyện chân thành như vậy để theo con đường Phật đạo, làm sao có thể thành công được trong đại sự giải thoát sinh tử luân hồi? Những người có chí nguyện này, dù cho họ có ít kiến thức hay khả năng thấp kém, dù cho họ có ngu muội hay bất thiện đi nữa, cũng sẽ chứng ngộ được.


“Thứ hai là, để khởi một tâm nguyện như vậy, cần phải có một nhận thức sâu sắc về lẽ vô thường của thế gian. Nhận thức này không phải có được do những phương pháp quán chiếu tạm bợ – không phải là dựng lên một điều gì để nghĩ đến. Vô thường là một thực tại ngay trước mắt chúng ta. Đừng có đợi nghe lời người khác giảng, hay tìm đọc những lời kinh và tìm hiểu thế nào là những nguyên lý giác ngộ. Chúng ta sinh ra buổi sáng, buổi tối có thể chết đi; người vừa thấy ngày hôm qua, hôm nay đã không còn nữa. Những sự thực này ta đều chứng kiến tận mắt và nghe tận tai. Ta đã thấy và nghe những điều vô thường đến với người khác, nhưng hãy thử tập áp dụng vào chính mình xem sao.


“Tuy rằng ta có thể sống đến bẩy, tám chục tuổi, khi đến lúc chết ta vẫn phải chết. Làm sao bạn có thể nhận diện được đúng đắn những âu lo, những nỗi vui buồn, những sợi dây thân ái ràng buộc trong đời sống này? Với niềm tin nơi Phật đạo, hãy đi tìm niềm vui đích thực của Niết Bàn. Làm sao những người đã già hoặc đã sống quá nửa đời người còn có thể giải đãi được, khi thời gian còn lại cho họ không biết còn được bao nhiêu năm nữa?


Hãy nghĩ đến những người đã đốn ngộ khi nghe tiếng ngói đập vào tre, hoặc khi nhìn thấy hoa bừng nở. Tiếng tre có phân biệt ai là khôn hay dại, mê hay ngộ, bông hoa nở có phân biệt cạn và sâu, trí và ngu không? Hoa vẫn nở hết năm này qua năm khác, nhưng không phải ai thấy hoa nở cũng đạt ngộ. Tre vẫn thường cho tiếng kêu, nhưng không phải tất cả những người nghe tiếng tre đều được thức tỉnh. Chính qua hạnh nguyện tu tập chuyên cần và lâu năm mà chúng ta đến gần được những gì chúng ta nỗ lực nhắm đến và được giác ngộ và sáng tỏ nơi tâm.


Điều quan trọng nhất trong sự tu tập Đạo là phải tọa thiền. Có rất nhiều người ở Trung Quốc được chứng ngộ chỉ qua Tọa Thiền. Một số người vốn không có một chút kiến thức gì, đến nỗi không trả lời được một câu hỏi, vậy mà cũng vượt qua được những học giả đã học hỏi bao nhiêu năm, chỉ bởi vì họ đã nhất tâm tọa thiền. Vì thế, các người học Đạo cần phải chú tâm tọa thiền và không cần bận tâm đến điều gì khác. Con đường đi của Phật và Tổ chỉ là tọa thiền. Đừng đi theo điều gì khác.


Lúc đó Ejo hỏi: “ Khi chúng ta phối hợp tọa thiền với đọc kinh sách, ta còn có thể hiểu được một điểm nào đó trong cả trăm, cả ngàn điểm khi nghiên cứu những Thiền ngữ và công án. Nhưng nếu chỉ tọa thiền không thôi thì không có được như vậy nữa. như vậy có nên chỉ tọa thiền không thôi không?


Đạo Nguyên trả lời: “Tuy rằng nghiên cứu công án có thể đem lại một thoáng hiểu biết nào đó, nhưng nó làm cho Đạo của Phật và Tổ còn xa rời thêm nữa. Nếu bạn để hết thì giờ vào việc tọa thiền, mà không muốn có thêm kiến thức, cũng không tìm kiếm sự giác ngộ, thì đó chính là Đạo xưa nay. Tuy rằng các vị Tổ khuyến khích chúng ta phải vừa đọc kinh sách, vừa thực tập tọa thiền, nhưng họ đặt trọng tâm rất rõ ràng vào việc tọa thiền. Một số người được chứng ngộ nhờ giải công án, nhưng công đức dẫn đến chứng ngộ chính là do tọa thiền. Nói đúng ra, có tọa thiền mới có công đức.


Điều cốt yếu cần phải hiểu trong việc học Đạo là phải buông bỏ những chấp trước thâm căn cố đế. Nếu bạn tự trang nghiêm bản thân trong bốn oai nghi, tâm bạn cũng sẽ tự chuyển hóa theo. Các đệ tử, ngay cả khi các bạn đã được giác ngộ rồi, cũng không nên cho rằng mình đã đạt được tới mức tối cao rồi mà ngừng tu tập. Phật Đạo là vô biên vô tận. Khi đã giác ngộ rồi lại càng phải tiến tu thêm nữa.


Đạo Nguyên
(1200-1253)
(Phóng dịch từ Daily Zen Journal)



Vài lời mạn đàm


Diệu Huyền



Trong văn học Việt Nam có câu: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Câu nói này chứng tỏ bất cứ việc gì trong thế gian này, hay hay dở, thành hay bại cũng đều tùy thuộc ở tâm người mà ra. Đường đi bên ngoài dù gian nan, hiểm trở đến đâu, nhưng nếu có một ý chí cương quyết cũng vẫn có thể vượt qua được. Còn con đường khai phá nội tâm, dù chẳng phải bước đi bước nào, chỉ cần “quay đầu lại là thấy bờ”, sao vẫn thật khó khăn đối với đa số người học đạo như vậy? Chẳng qua, theo lời ngài Đạo Nguyên, là vì chưa đủ nguyện lực đấy thôi. Nếu ấp ủ điều gì trong tâm với một ý chí mãnh liệt, lúc nào cũng nghĩ làm sao để đạt được điều ấy, thì rồi sớm muộn gì cũng sẽ đạt được.


Nhưng một ước muốn phải xuất phát từ một động cơ nào đó mới trở nên mạnh mẽ. Chí nguyện học đạo chỉ được nuôi dưỡng khi trong tâm có một nhận thức sâu xa về tánh cách vô thường của cuộc đời, và những khổ não tất yếu đến từ sự vô thường đó. Như người sống trong căn nhà đang bốc lửa, nếu không ý thức được sự nguy hiểm của nhà cháy thì chắc chẳng ai muốn bỏ công sức ra chạy thoát khỏi căn nhà quen thuộc đó. Xưa kia Đức Phật cũng vì nhận ra được sự vô thường của kiếp nhân sinh qua những cảnh sinh, lão, bệnh, tử mà từ bỏ hết hạnh phúc thế gian, quyết chí đi tìm Đạo.


Vô thường là một thực tại không xa lạ gì vẫn xẩy ra hàng ngày trước mắt chúng ta, nhưng chúng ta thường có khuynh hướng tự lừa dối mình, xem những gì liên hệ với mình là còn mãi, trong khi ít khi tự đặt mình vào những cảnh vô thường xẩy đến cho người khác. Sự lưu luyến những gì đang có ấy khiến không nhóm được ngọn lửa dũng mãnh của chí nguyện kiên cường muốn thoát khỏi vòng sinh tử . Kinh Phật có câu: “Phiền não sanh Bồ Đề”. Chính sự nhận thức được sâu sắc bản chất phiền não của cuộc đời mới thúc đẩy con người phát Bồ Đề tâm tìm đạo giải thoát.


Những người học đạo ngày nay may mắn đã được Đức Phật cũng như các vị Tổ, chư Hiền Thánh Tăng chỉ vẽ cho đường đi nước bước thật cặn kẽ, qua bao nhiêu kinh sách cũng như những ngữ lục để lại. Nhưng điều thuận lợi ấy cũng có mặt trái của nó, là càng học nhiều càng dễ bị mất hút trong biển học bao la. Những kiến thức thu thập được lại trở thành chướng ngại, sở học càng nhiều lại càng dễ bị vướng mắc trong lý thuyết ngôn từ, tạo nhiều điều phức tạp trong tâm khiến không thấy được sự giản dị của chân lý trước mắt.


Vì vậy, các thiền sư thường khuyến khích đệ tử buông bỏ hết những kiến thức đã tích lũy, mà chỉ nhất tâm tọa thiền, như Tổ Đạt Ma đã nói: “Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật.” Phật là tánh giác thường hằng, là con người nguyên thủy không sinh không diệt vẫn thường trú nơi chúng ta, chẳng thể nào tìm được trong sách vở, ngôn ngữ bên ngoài, mà chỉ có thể được kinh nghiệm qua trực giác của chính mình. Như người uống nước mới biết được nước nóng hay lạnh thế nào, chỉ có ta mới thể nghiệm được Phật tánh nơi ta, qua Tọa Thiền. Và khi đã chứng ngộ được bản lai diện mục của mình, hành giả sẽ thực sự đi theo con đường của Phật, Tổ đã đi và làm lợi lạc cho chính mình cũng như cho chúng sinh.


Diệu Huyền


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Chim Hạc